Vừa qua, tại Hà Nội, Ban liên lạc Cựu chiến binh Không quân và tác giả đã tổ chức cuộc “Giao lưu- giới thiệu cuốn Hồi ký “Lính bay” của Trung tướng phi công Phạm Phú Thái.
Cuốn hồi ký “Lính bay” của phi công Phạm Phú Thái đã được tác giả chuẩn bị công phu, tâm huyết, và viết ra với mong muốn ghi lại quá trình trưởng thành của một thanh niên học sinh trở thành một phi công chiến đấu, đồng thời cũng để cảm ơn những người anh, người thầy, người chỉ huy đã dìu dắt, giúp đỡ mình trở thành một phi công chiến đấu và sau này trở thành một cán bộ quân chủng. Tác giả cũng dành nhiều trang viết rất cảm động về tình đồng đội trong chiến đấu, những gương hy sinh anh dũng, tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc.
Anh hùng, Trung tướng phi công Phạm Phú Thái, tác giả “Lính bay” bộc bạch: “Cuốn hồi ký của tôi viết rất mộc mạc, nhưng nói khá rõ tâm tư, tình cảm với các sự kiện trong cuộc đời, với những người chỉ huy, với những người đồng đội, những tình cảm ấm áp, sự biết ơn của cá nhân tôi với anh em bạn bè liệt sĩ đã hi sinh… Đối với không quân, chưa bao giờ hết chiến tranh, dù chúng ta sống trong thời bình, cho nên những người phi công, những người lính chiến đấu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn sẵn sàng hiến thân cho Tổ quốc”.
Được mời dẫn chương trình này, nhà báo Lại Văn Sâm coi đây là vinh hạnh lớn nhất trong đời mình. Từ thời học sinh, Lại Văn Sâm đã vô cùng ngưỡng mộ phi công Việt Nam. Trong hình dung của anh lúc ấy, phi công là những người rất cao sang, đẹp trai, cao to, khỏe mạnh, sử dụng những khí tài hiện đại nhất thế giới, đó là những “lính cậu”. Trong một chương trình “Giai điệu tự hào”, MC Diễm Quỳnh mời được anh hùng Phạm Phú Thái đến dự, lúc ấy, anh Thái nói đến cuộc giao lưu hôm nay, và tặng Lại Văn Sâm cuốn hồi ký. Đem về, chỉ đọc 20 trang đầu, Lại Văn Sâm đã bị cuốn sách chinh phục, cho nên anh gọi điện tình nguyện làm người dẫn chương trình cho buổi giao lưu – giới thiệu “Lính bay”.
Thượng tướng, anh hùng phi công Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viện Bộ Chính trị, phát biểu: Tôi thích cuốn sách này ở chỗ là đúng văn của Phạm Phú Thái, phong cách đích thực của Phạm Phú Thái, đúng chất của anh ấy. Cách trình bày không theo một trật tự nào – đồng chí Thái xông thẳng vào một ký ức bi kịch nhất, sâu sắc nhất của bản thân có lẽ không bao giờ quên được, và cũng là bài học sâu sắc nhất của đời phi công. Về văn chương, rất đa dạng, phong phú, lúc thì kể chuyện, lúc thì như là tổng kết, có lúc lại như đoạn tiểu thuyết, rất lãng mạn, khác hẳn các cuốn hồi ký khác, đọc thấy cuốn hút.
Trung tướng, Anh hùng phi công Trần Hanh: Nhận cuốn sách, tôi rất ngạc nhiên. Phạm Phú Thái đến với không quân khi còn rất trẻ, năm 1968 vào trận ở khu IV, là con người bộc trực, vui vẻ, rất hòa đồng, và qua những trang sách còn bộc lộ tính hài hước. Thái thế nào thì văn như thế, viết như thế, rất bộc trực, rất trẻ trung, rất dũng cảm trong chiến đấu, lời nói cửa miệng của Thái như thế nào thì trong văn bản cũng viết như thế, quả đúng với câu “văn là người”. Tôi không thể ngờ rằng Phạm Phú Thái lại ra được hồi ký. Trí nhớ của Phạm Phú Thái rất tốt, tốc ký ghi lại những sự kiện cũng rất tốt. Hồi ký này rất chân thực, một hình ảnh của Phạm Phú Thái, từ gia đình đến tính cách, con người, đời sống tình cảm, cuộc chiến đấu… đã được phản ánh trung thực. Hồi ký của bản thân nhưng ghi lại đầy đủ hiện thực của cả quân chủng Không quân, và có tính văn học, có tính hài hước – có nụ cười trong cuốn sách đó từ đầu đến cuối.
Nhà văn Thủy Hướng Dương, người biên tập Hồi ký: “Tôi có lẽ là người thứ ba chỉ sau hai người là đại tá Hà Quang Hưng – vừa là đồng đội, vừa là người anh thân thiết với trung tướng Phạm Phú Thái gần 50 năm qua và bà Hoàng Phương Nga là phu nhân của trung tướng được đọc bản thảo viết tay của ông. Thật may mắn và vinh dự. Bởi bản thảo của ông là tư liệu quí giá, một cuốn hồi ký sinh động về lĩnh vực Không quân mà có lẽ nhiều năm sau nữa chúng ta mới có được. Tôi đã từng chấp bút cho anh hùng phi công Lưu Huy Chao và có đọc một số cuốn hồi ký của phi công lái Mig17 khác nhưng gần như ở thế hệ phi công lái Mig17 không có ai viết một cách chi tiết, rõ ràng về học lái Mig và những khó khăn đặc thù khi lái máy bay chiến đấu như trung tướng Phạm Phú Thái. Cũng chưa có ai ở vai trò một vị tướng Không quân mà viết hồi ký về cái được, cái thua của chiến tranh như ông. Điều đó khiến tôi bồn chồn mong muốn cuốn sách Lính bay mau chóng được xuất bản. Tôi thấy mình thật may mắn khi được trung tướng Phạm Phú Thái lựa chọn là người giúp ông hoàn thiện bản thảo”.
Thứ hai là tính chất đặc biệt của “Lính bay”: “Tôi thấy có ít nhất ba điều đặc biệt ở cuốn hồi ký “Lính bay” tập Một này. 1/3 cuốn sách có thể coi là “bảo bối” về các kỹ năng sử dụng chiến đấu cơ đúc rút từ kinh nghiệm của một phi công nhiều giờ bay thứ hai của thế hệ bay Mig21 và cũng là phi công bay giỏi nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ cho những ai đam mê ngành bay đã và sẽ học lái chiến đấu cơ. “Lính bay” lần đầu tiên bật mí về sự thật những trận không chiến đã được lịch sử các trung đoàn tiêm kích ghi chép kiểu “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Trong mắt tác giả Phạm Phú Thái, để có được hòa bình như ngày hôm nay, Không quân Việt Nam thắng nhiều nhưng thua cũng lắm. Điều đó khẳng định rằng cái giá của hòa bình là sự hy sinh của các đồng đội ông, của những người lính các binh chủng và của toàn dân vô cùng lớn. Và hơn thế nữa, tác giả Phạm Phú Thái còn cho chúng ta biết thêm, đôi khi trong chiến tranh, sự hy sinh không chỉ vì thiếu thốn quân lương mà còn vì những sơ suất trong chiến thuật. Trong rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, chúng ta vẫn thường được thấy hình ảnh của nữ chiến sĩ vừa hồn nhiên, tươi rói và đầy chất lãng mạn thì ở “Lính bay” các nữ chiến sĩ vẫn trẻ trung như thế nhưng có cuộc sống rất “người thường” khi “thiếu hơi giai” khiến độc giả có thể bật cười vì sự hồn nhiên trong bom đạn. Nhưng ngay sau đó, cảm xúc sẽ bị đẩy lên cao độ, thậm chí bật khóc vì cuộc sống khắc nghiệt của chiến tranh đã khiến cho nữ chiến sĩ thiếu thốn không chỉ vật chất mà thiếu nghiêm trọng đời sống tinh thần, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý tuổi thanh niên. Ta còn thấy các bà mẹ Nga sợ chiến tranh tới mức cứ ôm chặt “binh nhất” 19 tuổi Phạm Phú Thái mà nức nở lúc chia tay “Ở lại nước Nga với mẹ, mẹ sẽ cưới vợ cho, về nước đánh nhau thì chết mất”.
Phạm Việt Long – Báo Văn nghệ