Phạm Xuân Cần

Mình có cái tật hễ đọc sách thì xem mục lục trước, là để đoán xem có bài nào hay hơn và … ngắn hơn thì đọc. Nhưng mà sách thơ, nhất là thơ của lão thợ thơ lục bát bậc cao này thì lại cứ phải chú mục ngay vào cái…tên trước. Đầu tiên là “Lục bát viết ngang”, rồi thì “Nhật kí thương gia” và lần này là “Chân quê thì lấm, chân trời thì xa”. Cái tên nào nghe cũng hay hay, ngộ ngộ.

Hồi xưa, cụ Nguyễn Tuân, bậc sư phụ về tùy bút và chữ nghĩa có thói quen viết bài nào đầu tiên cụ cũng nghĩ rất lâu, rất chín về cái tên. Khi đã chín rồi, chắc rồi, cụ mới lấy bút lông viết cái đầu đề đã chọn lên giấy, thật to, thật đậm. Cụ nói là để khi viết cả bài sẽ không ra ngoài cái tên ấy. Mình đoán là lão thương gia đội lốt nhà thơ Nguyễn Thanh chưa biết kinh nghiệm của cụ Nguyễn Tuân, mà có biết thì lão cũng không chịu theo. Vì thơ chắc là khác tùy bút (dù nhiều bài thơ của lão có chất tùy bút), nếu mà cũng mần một cái tít to đậm khoanh lại trước, thì có khác gì nhốt cảm xúc lại, lấy gì cho thơ vọt ra?

Chắc là lão cũng như nhiều nhà thơ khác, gặp lúc có cảm xúc thì thơ vọt ra, từng bài, từng bài. Sau đó thấy kha khá rồi, thì gom lại in một tập. Lại xem trong đó có bài mô khá nhất thì chọn tên bài đó đặt tên cho tập thơ. Ngay cả “Từ ấy”, “Việt Bắc” của cụ Lành ngày trước chắc cũng đặt tên theo cách đó. Viết đến đây thì mình dừng lại, xem qua mục lục tập thơ. Té ra mình đoán trật lất. Cả tập nỏ có bài mô tên là “Chân quê thì lấm, chân trời thì xa”? Đó chỉ là một câu trong một bài mà thôi.

Vậy thì cớ chi mà lão lại đặt tên cho tập thơ như vậy? Lẩm nhẩm, nhâm nhi, nghiền ngẫm cái tên này, lại đọc một số bài thơ trong đó, để cố đoán xem cái tên này có nghĩa là gì, thì thấy té ra nó cũng không đến nỗi bí hiểm. Này nhé, trước hết rõ ràng là lão, chính xác hơn là thơ lão có… hai chân.

Tất nhiên, không phải là chân phải, chân trái, hay chân chính chân phụ, chân trong, chân ngoài, mà là “chân quê” và “chân trời”. Đầu tiên, có thể giải nghĩa “chân quê” là quê mùa, thật thà, gần gũi. “ Chân quê thì lấm” có nghĩa là chân tui cũng còn lấm lem bùn đất quê nhà lắm lắm đấy. (thì cứ nói thế, chứ ai chả biết chữ “chân” ở đây không thuộc tứ chi!)

Thế nhưng, xưa nay chẳng có ông bà, anh chị nông dân chân lấm tay bùn nào thi vị hóa, khoe cái chân quê lấm bùn của mình cả. Toàn thấy mấy ông, mấy bà, mấy chị ăn trắng mặc trơn ở thị thành, dăm bữa nửa tháng mới về quê một lần, dạo quanh làng rồi khoe toáng lên: tôi vẫn còn gốc quê, chân quê lắm lắm. Lão này chắc cũng vậy thôi. Vốn sinh ra, lớn lên, học hành, thành đạt ở thành phố, chân quê lão có lấm chăng là cũng chỉ lấm được mấy lần đi sơ tán hồi chiến tranh mà thôi.

Nhưng, tưởng dzậy mà không phải dzậy. Từ cuốn đầu tiên “Lục bát viết ngang”, cuốn thứ hai “Nhật ký thương gia” cho đến cuốn này, không hiểu sao cái chân của lão cứ thò về quê mà lấm bê lấm bết bùn đất như vậy?

Hình như lão không phải là kẻ cố tình làm ra vẻ chân quê, cũng không phải là người chỉ “tắm bùn” vài bữa rồi khoe toáng lên về sành điệu đi tour tắm suối khoáng. Trong tập thơ của lão có rất nhiều bài viết về cái “ chân quê thì lấm” đó, trong đó có những câu rất thật, rất tình “Người ta say rượu say trầu/ Sao tôi say mãi màu nâu đậm đà”, “Bờ tre in bóng ao sâu/ Bao nhiêu ốc hột bám cầu rêu trơn/ Những chiều thả vó câu tôm/ Vớt lên cả ánh hoàng hôn đượm nồng” (Gái quê). 

Trước hết, có vẻ như lão tìm thấy tuổi thơ của mình ở đấy , 
Hoặc
“Vườn quê cau ngóng trầu không 
Đám trò nhớn nhác bên sông gọi đò
Ngược dòng tìm lại tuổi thơ

Bát canh, niêu tép mẹ chờ đợi con”.
“Quê xưa những trận mưa rào
Đám trò vồ ếch bên ao cười giòn”
( Mưa cơn) 
không có căn tính, cốt cách nhà quê từ trong máu không thể viết được những câu thơ ấy. Ở đó lão thấy, lão đồng cảm với cái cơ cực của những phận người lầm lũi, dù là ở Việt, ở Lào hay Myanmar

“ Một đời thân phận lênh đênh
Toàn nơi rừng vắng, đồng xanh tìm về
Đất nghèo thương lấy dân quê
Tháng năm cay cực cái nghề nông phu”     
( Trăn trở)
 Cũng có lúc dọc đường làm ăn buôn bán, lão cũng thất cơ lỡ vận, cơm đường cháo chợ

“ Thế rồi tạm nghỉ bên đồng
Thôi thì đành tạm cầm lòng ổi na
Nhìn trời vần vũ xót xa
Thương gia một thuở, giờ ra nỗi này”       
( Đêm đày)

Có lẽ chính những lần thất cơ lỡ vận như vậy, lão càng chia sẻ và đồng cảm hơn với những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dù đó là người nông dân nào ở cái xứ Nam Á:
“ Cũng đàn cò trắng sang sông
Đồng quê xơ xác những bông lúa gầy
Mưa chưa thấm nổi đất dầy
Người giàu giàu mãi, dân cày cày thuê”         
( Dâng hương)

Ở tập trước, “Nhật ký thương gia”, tôi đã phải dùng đến lý luận về những mẫu người văn hóa của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy để cắt nghĩa tại sao trong tay lái buôn họ Nguyễn lại có một anh chàng nhà quê trú ngụ trong tâm trong trí, chỉ chờ có cơ hội là nhảy phắt ra. Bình thường, anh chàng nhà quê đó không bao giờ lộ ra ở hình hài sang trọng, hào hoa và thơm nức của một đại gia, nhưng trong thơ thì lão không thể dấu được.
Bởi, Nguyễn Thanh không phải là gã thương gia chỉ đầu tư cho nông nghiệp thu lời, mà là người đồng cảm với nông dân, là người tìm thấy cuộc sống, hồn vía của mình trong những thửa ruộng, cánh đồng, những bông lúa gầy, những đàn cò trắng ấy.

Hơn thế nữa, không chỉ chân lấm tay bùn cho ra vẻ giống nông phu, điều kì lạ là khi yêu, cái anh chàng hào hoa là lão có vẻ cũng “nhất biên đảo” về phía “gái quê”
“ Luênh loang cỏ nội hương đồng
Giỏ mây đeo lệch lưng ong ỡm ờ
Đuôi gà vương cọng rơm khô 
Mồ hôi khét nắng thẫn thờ phố xa”.       
( Gái quê)

Giữa bao nhiêu sắc màu phố thị, không hiểu sao lão lại cứ bị màu áo nâu thôi miên, ám thị:
“Lần đầu duyên phận gặp em,
Áo màu nâu ấy làm nên… ngập ngừng”       
( Tùng và Em)
“Hình như buổi ấy quen em
Áo nâu non giữa mùa sen bồi hồi”
(  Hình như)
Đành rằng, những câu thơ trên có những hình ảnh rất đắt, rất đặc trưng cho gái quê, thì vẫn là gái quê chung chung, ta thường gặp trong thơ Nguyễn Bính. Nhưng, Nguyễn Thanh còn có những gái quê ở phố, với “lý lịch trích ngang” cụ thể:       
“ Nhà nàng ở ngõ Tản Đà
Bốn mùa nàng vẫn mặn mà áo nâu       
Người ta say rượu say trầu 
Sao tôi say mãi màu nâu đậm đà”         
( Áo màu nâu ấy) 
Có lẽ lúc nào đó cũng phải thẩm vấn lão cho ra nhẽ, rằng có phải lão gặp nhiều áo nâu như vậy thật không? Hay là vì trót bị thôi miên bởi tà áo nâu ở ngõ Tản Đà, mà bao nhiêu gái đẹp trên đời sau đó lão đều cho mặc loại áo “tươi màu suy nghĩ” này?
Đại loại cái “chân” thứ nhất, chân quê của lão là vậy, xem ra rất thật, rất tình. Từ cái chân cắm sâu trong bùn đất nhà quê, lão đưa cái “ chân” thứ hai đến mọi nơi mọi chốn, từ đô thị phồn hoa, đến nơi thâm sơn cùng cốc, khắp thế giới, cái “chân” này lão gọi là “chân trời”.
“Chân trời” là nơi xa xôi, diệu vợi, là xứ sở của năm châu bốn biển, nơi cho lão thỏa chí tang bồng hồ thỉ.
Mặc dù “Cánh chim không mỏi” đã bay khắp nơi khắp chốn, lão vẫn khiêm tốn cho rằng, với lão chân trời vẫn còn xa lắm. Thế nhưng, có một điều rất rõ ràng là dù có đi đến nơi nào, thì “Chân trời ” của lão cũng cứ quay về, cứ dan díu với “chân quê”.
Hầu như đi đâu lão cũng nhìn thấy hình bóng quê nhà          
Xứ Angkor:     
“ Phù sa đỏ sóng nhấp nhô
Xuôi Mê Kông những ngày mùa vui chung”       
Ở Jamaica: 
“Hoa phượng đỏ, rặng bàng xanh
Jamaica giống quê mình thân thương”       
Ở Indonesia: 
“Những nàng thôn nữ ngây thơ
Tiếng cười thắm cả giấc mơ chiều vàng” 
Cả khi đến với xứ sở rượu vang của Pháp, lão vẫn :          
“ Sắn khô, men lá Trương Xá, Làng Vân    
Chiều nay sao cứ lâng lâng 
Ly vang sóng sánh ân cần em trao” 

Thậm chí cả khi đứng trước Tòa Bạch Ốc của xứ Cờ Hoa giãy chết, lão vẫn cứ chênh chao về nước non ngàn dặm:   
“ Toà Bạch Ốc chớm hoàng hôn 
Lòng như khắc khoải Trường Sơn những chiều” 
Có vẻ như “Chân trời” chỉ là cái để đối chứng, để so sánh và đôi khi để thử thách cái “Chân quê” của lão mà thôi.     
“Giữa băng giá Toronto
Nhớ mùa rét tủi mưa xưa phố nghèo”       
( Mưa cơn) 
“ Có chăng chỉ thiếu luống cày
Cánh đồng xanh, cánh cò bay, cánh diều”         
( Cơm chiều Cali)

Cho nên, thực ra tên của tập thơ không cần phải “Chân quê thì lấm, chân trời thì xa” mần chi cho dài, hơn nữa đặt thế nghe ra hơi bị… thật thà quá. Chỉ cần lấp lửng “Chân quê thì lấm…” cũng đủ. Vì dẫu có hai hay, thậm chí ba chân đi nữa, thì rốt cục loanh quanh một hồi, lão lại quay về với chân quê. Đi đến mọi chân trời, cũng là để về với chân quê, về với căn tính cội nguồn. Cũng có những người suốt cả cuộc đời không ra khỏi lũy tre làng, thậm chí chỉ quanh quẩn “góc sân nhà em”.
Họ có hạnh phúc không? Có chứ. Nhưng, đó hình như là thứ hạnh phúc không có đối chứng. Lão thì khác. Lão tung tẩy khắp nơi, khắp chốn, hầu như không có hang cùng ngõ hẻm nào trên trái đất này mà lão chưa đến. Nhưng rồi càng đi xa, đi sâu lão càng quay về với quê hương, xứ sở.
“ Một đời muôn nẻo đường xa / Cái thương cái nhớ vẫn là làng quê”.
Cho nên, suy cho cùng lão và những người có đủ “ hai chân” nôm na là xứ ta và xứ người như lão là những người sung sướng nhất!
Có lẽ cũng bởi có trong máu huyết mình căn tính nhà quê, nên Nguyễn Thanh có một đam mê kỳ lạ với thể thơ lục bát.

Như tiếp viên hàng không mê bầu trời :  
“ Tàu bay lượn hết đường biên
Tiếp viên nở nụ cười duyên: đáp rồi     
Say câu lục bát là tôi
Khát khao lên với bầu trời là em” 
Như nghệ sỹ chèo mê chèo cổ
“ Anh ươm lục bát thơ xuân 
Em tung tẩy áo tứ thân đêm chèo” 

Hoặc cái “say” cũng khác người 
“ Ỡm ờ thắt đáy lưng ong 
Ỡm ờ mắt đậm môi cong ỡm ờ   
Ỡm ờ như vẫn ngây thơ 
Ỡm ờ say cái lẳng lơ Thị Mầu” 
Lão sử dụng lục bát một cách thành thục, điêu luyện để diễn tả mọi cung bậc tình cảm hỉ, nộ, ái, ố đã đành, lão còn dùng để tự sự, chính luận và cả ở… chốn nghị trường nữa mới lạ?  
Ấy là thời điểm tháng 5/2014 cả nước sôi sục vụ giàn khoan HD981 ở biển Đông và tại diễn đàn cấp cao Asean, Thủ tướng ta có bài phát biểu đanh thép về chủ quyền biển đảo. Sau đó Thủ tướng có tiếp các nhà đầu tư Myanmar mà mỗi Doanh nghiệp lớn chỉ được phát biểu 5 phút (theo lão kể lại thì quan sát cái Meeting room lớn chỉ có VTV1 ghi hình còn chẳng ai ghi chép gì), thế là lão dùng thời lượng hiếm hoi đó, xin phép thủ tướng và Đoàn Chính phủ đọc bài thơ “Tổ Quốc” bằng cái giọng truyền cảm – cả hội trường ngỡ ngàng, chăm chú rồi vỗ tay ào ào, vì nói thật: lục bát dễ nghe hơn các số liệu khô khốc báo công, báo của!    

Như một lão nông chi điền thân thuộc với thửa ruộng của mình để phạt góc, đắp bờ đánh luống và đôi khi xoay lại cả mùa màng thì lão bổ đôi, bổ ba – lật ngang lật dọc, ngắt nhịp tùy ý nhưng vẫn trọng cái tứ, cái vần là tinh hoa của thể thơ như ca dao, như lời ru từ ngàn xưa. Lão gắn với lục bát như là nghiệp vậy.
Hãy thử ngó nghiêng cái kho ca từ lục bát, sở trường và niềm đam mê một đời của lão, đấy là từ cái thuở đến trường:
“Lớp tôi lớn giữa đồng quê
Chúng tôi mãi vẫn say mê một thời”     
(Một thời như thế)“.
Một thời đạm bạc sinh viên
Một thời yêu để chẳng quên một thời     
( Hẹn hò đầm vạc)
Nghiêng nghiêng vành nón em cười 
Bâng khuâng câu hát người ơi đừng về”     
(Trẩy hội chùa Hương)
Nếu Xuân Diệu thuở 19, 20 tuổi trong một lần trông hàng giúp mẹ đã buông câu ỡm ờ với cô bán hàng đang đọc sách bên cạnh “ Yêu là chết ở trong lòng một ít”, nào ngờ bị cô nàng nguýt một cái rõ dài, đáp lại “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu” để sau này bài thơ “Yêu” nổi tiếng được ra đời như thế đấy. Thì với lão yêu nhiều trong thơ, thơ nhiều trong yêu như thế chắc… chết thẳng cẳng từ tám hoách rồi? 
Từ cái buổi “Bóng hình em cứ như say/ Đêm thao thức đợi ban mai ngóng chờ/ Hình như ma mị vần thơ/ Cứ gieo để những thẩn thờ hồn em (Hình như) đến “Viết gì em, rất thật lòng/ Viết hoài viết mãi vẫn không như đời/ Như nụ hôn một lần thôi / Thơ ngơ ngác ý người chơi vơi tình” (Bài thơ viết dở), “Rằng tôi nặng kiếp lái đò/ Đợi người tri kỷ đang chờ sang sông” (Kiếp lái đò).

Để rồi cũng vẫn vườn lục bát ấy lão hái trái đắng hơi bị nhiều “Một chiều em đã sang sông/ Cho tình dang dở cho lòng tái tê/ Hoa ơi tím mãi làm chi/ Một chiều em đã một đi không về” (Sắc màu hoa tím), “Hình như chim sáo sổ lòng/ Bẻ bàng lữ khách qua sông lỡ đò” (Hình như).
Nhưng rồi những chuỗi thơ yêu đương lãng mạn, vô vọng đó đã kịp bị chặn đứng lại khi lão phải duyên, phải lòng với một cô gái Làng Tiên Sa “ Làng em qua mấy nhịp cầu / Nhà anh cô bác cau trầu xin duyên/ Lòng thành lạy trước tổ tiên/ Lạy cha lạy mẹ lương duyên một đời” (Sắc trời biếc xanh) để từ đó năng lượng yêu của lão trong thơ lục bát dành cho những người thân, những mảng khác của cuộc sống “Ấy là nghiệp ấy là buôn / Ấy là giám đốc kiêm luôn thợ cày / Ấy là thơ ấy là say / Ấy là yêu ấy là cay đắng lòng” (Lời thương gia).
Lão làm thơ không phải minh họa cho tình yêu và cuộc sống mà chính cuộc sống và tình yêu đi vào trong thơ lục bát của lão thương gia kiêm thợ cày, thợ cuốc này. Từ những việc, những chuyện tưởng chừng không thể viết thành thơ như: Bánh xèo, Xì gà bạn tặng, Cơm chiều Cali, Ngẫu hứng cà phê đến lời một cô gái Thái “Kệ tao”…, qua tay nghề lục bát bậc cao của lão thành những vần thơ uyển chuyển, có hồn, mê mẩn những ai yêu thơ lục bát.
Và khi chuyển làn, định dạng thơ viết về những người thân thì vần điệu thơ lại rất sâu lắng, ân tình như: Nhớ nội, Tiễn đưa, Giỗ đầu, Thơ tặng con gái nhân lễ thành hôn v.v…:“ Lênh đênh góc biển chân trờiYêu thương rồi gặp những người thương yêu
”Từ “Đôi chân” như phần nào đã lý giải ở trên, nôm na là: chân xứ ta, chân xứ người thì mảng thơ còn lại ắt hẳn sẽ nối tiếp “Nhật ký thương gia” của lão: những sóng gió thương trường, những công thành danh toại nhưng mình lại lầm thêm lần nữa.
Ở “Lý lịch trích ngang” của tác giả thường in ở bìa sách và đối chiếu với Thái ất tử vi (dày tới 600 trang, mà năm nào lão cũng mua từ Cali về tặng bạn bè) thì thật ngạc nhiên: lão sinh nhằm ngày Phật đản năm lão ra đời. Thể nào đằng sau cái hào hoa, tếu táo, ngôn từ đậm chất tiếu lâm châm chọc đối phương (mà mình đã nhiều phen gồng mình chống trả lão trên facebook) thì trong sâu thẩm tâm hồn lão như được trời ban cho cái thiện căn, thiện nguyện để hướng tới các việc thiện tâm: công đức chùa chiền, trợ giúp những người nông dân được mùa mất giá, những mảnh đời hoạn nạn, đôn đáo như vụ lũ lụt miền Trung :“Những Doanh nghiệp, những Thủy Tiên Trao quà trao cả nổi niềm yêu thương”      ( Thương lắm miền Trung)
Và cũng rất ít các cây bút nào viết về nhà chùa, giáo lý nhà Phật thành tâm và khúc chiết như thế “ Hai mươi năm với xứ chùa / Chiều nay hạ cánh trong mưa ngỡ ngàng/ Lung linh đỉnh tháp Chùa Vàng / Thỉnh cầu đức Phật mùa màng thêm bông”. Nếu như hàng năm lão và thuộc cấp không hành hương tới “Lễ hội trăng tròn” (như lễ Phật đản ở ta) nơi thủ đô hay cố đô Myanmar thì dẫu ở rừng sâu núi thẳm lão cũng tìm đến các Chùa tại gia “ Ba gian nhà gỗ hiền hòa/ Phật một bên với bên là trẻ thơ” để dâng lên “Một chén nước một nhành hoa/ Cũng là công đức cũng là thành tâm”.

Và trong sự mô phật ấy, vẫn nảy ra ngôn từ lục bát “ Người ta đi lễ đền chùa/ Tôi đi lượm mấy câu thơ tặng đời” (Thăm xứ Angkor).  Ái chà chà, tưởng viết dăm câu đôi điều về “ Chân quê – Chân tỉnh” của “gã nhà quê – gã nhà thơ nửa vời” như lão tự nhận, ai dè vốn dĩ mình cũng máu mê với “thơ sáu tám” nên mới viết dài như rứa, mà lão nằng nặc chỉ đích danh dù quen không ít các cây viết phê bình tên tuổi.
Giá mà (đời hay có chữ giá mà) gần trăm năm chục bài của lão chắt lọc hơn, chỉnh chu hơn, bớt lối mòn trong từ và ngữ thì cũng đạt tới đẳng cấp như slogan của một hãng alo di động nào đó “ Luôn chắp cánh cho tình yêu bay cao, bay xa và …bay luôn!”
 Trong xã hội dẫu có tang điền bích hải vẫn có những mẫu người ít bị nhạt nhoà theo năm tháng, đó là nông dân và thi nhân. Mà ở lão thợ lục bát họ Nguyễn này có tới “ ba trong một” để hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu ( như lời bài hát về giai phố Cảng quê lão ), bởi :    “ Mấy ai được khắp nhân gian , Thênh thang đất Phật, mênh mang tình người”


TP. Vinh ngày  1/12/2020 
PXC

Exit mobile version