Lần đầu lạc vào thế giới thơ Đào Mạnh Long, hẳn người đọc không khỏi ngỡ ngàng trước mảnh đất vỡ hoang mỡ màu xanh um được vun chăm bởi bàn tay tài hoa của ông chủ làm vườn còn rất trẻ. Ở cái tuổi thiếu nhi, nhà thơ Trần Đăng Khoa được vinh danh là thần đồng thơ. Với vốn thi từ nghệ thuật đáng nể của Long, tôi cũng muốn dành cho em một danh hiệu xứng tầm, song, có lẽ điều đó thật không dễ. Nhiều người đọc thơ Long, bảo em có giọng thơ quá già dặn so với tuổi mười bảy, riêng tôi không nghĩ vậy. Với biệt tài phù phép ngôn từ nghệ thuật, hình tượng hóa thiên nhiên và sự vật dưới mọi góc nhìn một cách đáng yêu, con mắt thơ, tâm hồn thơ của em vừa có cái hồn nhiên, ngây ngô của con trẻ, vừa đong đầy sự lãng mạn tình tứ của một trái tim xanh phút chớm yêu đương. Song, cũng đôi lúc, thơ em chất chứa tiếng thở dài rất “đời”, tựa hồ nó được chắt ra từ phút ngẫm suy sâu xa, triết lý của một tiếng lòng nhiều trải nghiệm với cuộc đời. Thơ Long khiến cho người ta khó đoán tuổi thực của em. Đôi lúc đó chỉ là một chút mộng mơ e ấp tuổi học trò:
Em tung tăng tà áo trắng đến trường
Say sưa ngắm gió hôn lên cánh phượng
Và mộng mơ hái những nhành hoa nắng
Ép vào trang lưu bút học trò.
(Mộng mơ tuổi mười lăm)
Cũng có lúc cái tâm hồn mộng mơ, vu vơ ấy thả mình trong thế giới ảnh hình tinh nghịch, nhí nhảnh chỉ có trong con mắt trẻ thơ hồn nhiên và đầy tính hiếu động:
Lão già đêm dốc cạn chiều
Say khướt
Vứt mảnh trăng ăn dở giữa trời
Ngọn gió heo may trầy xước
Giãy giụa trong tấm lưới thời gian.
(Đêm Thu)
Hay:
Mây đi vắng
Rỗng khung trời tháng năm
Con chim sẻ tha hạt nắng
Thả vàng mùa hạ
Cắn vỡ ban trưa
Tiếng ve tràn lênh láng
Gió quăng lưới
Vớt bóng mặt trời chết đuối dưới đáy sông.
(Trưa hè)
Trong thơ ca, việc cụ thể hóa những dung hình trừu tượng, nhân cách hóa thiên nhiên, sự vật là một việc làm đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mỗi người sáng tác. Và Đào Mạnh Long cũng không hề ngoại lệ. Song, điều tạo nên sự khác biệt của Long là tư duy thơ rất thông minh, tinh tế và không bao giờ có sự chạm chân trên những lối mòn của các thi nhân tiền bối. Thế nên, tôi thích gọi vườn thơ em là mảnh đất vỡ hoang. Long đã biết chọn cho mình một lối đi riêng, một phong cách riêng với thiên hướng tư duy độc đáo và đầy sáng tạo. Một trong những thành công đầu tiên của người viết là tìm thấy cho mình một mảnh đất để khai thác. Có thể mảnh đất đó đã có nhiều người gặt hái, nhưng mình có thể cày xới và khai thác những cái mới. Cũng là nắng, là mưa, là trăng, là hoa, là mây gió từng đi vào thơ ca ngàn đời nay, ấy vậy mà khi ùa vào vườn thơ Long, chúng như được cài thêm nơ xinh, khoác thêm áo mới, bỗng trở nên tình tứ, thi vị, và cũng thật dễ thương làm sao:
Tháng giêng bên lở bên bồi
Xuân chín mọng, khỏa bờ môi ướt mềm.
(Khoảnh khắc giao mùa)
Hẳn có nhiều người sẽ đắn đo suy nghĩ mà tìm cách giải nghĩa câu thơ “Tháng giêng bên lở bên bồi”, xin thưa đó là điều vô vọng! Một nhà phê bình văn học nào đó từng nói rằng: “Chừng nào người ta hiểu hết một câu thơ thì câu thơ đó chết rồi”. Vậy là, với cái trí tưởng độc đáo, đầy sáng tạo của mình, Đào Mạnh Long đã khiến cho những câu thơ của em ngự trị lâu bền trong tâm khảm độc giả. Còn cái hình ảnh “Xuân chín mọng” kia khiến người ta liên tưởng đến Mùa Xuân chín của Hàn Mặc Tử. Cơ mà cái dáng Xuân thiếu nữ “khỏa bờ môi ướt mềm” gợi cảm ấy thì ta chỉ tìm thấy trong thơ Long mà thôi! Thật vội vàng nếu ta kết luận tác giả của những câu thơ này đong đầy một hồn thơ vui tươi, nhí nhảnh, láu lỉnh và tinh nghịch. Không đâu nhé, đôi lúc, chỉ qua vài câu chữ thôi, cậu bé thơ vụt biến thành chàng trai thơ với đôi mắt si tình trước mọi thiên nhiên, cảnh vật:
Đêm quăng lưới bủa vây những bước xuân
Ánh trăng thoát y vũ bên thềm vắng
(Xuân dậy thì)
Và đắm đuối hơn, chàng thơ ta còn tình hóa cả cái thế giới cảnh vật trong không gian biển chiều với những hình ảnh táo bạo:
Chiều loã thể đắm mình vào làn nước
Mảnh buồm tha hương soãi cánh mắc cạn thu
Biển bụng mang dạ chửa
Giọt bấc vỡ đôi, mùa tím tái mùa.
(Biển chiều Thu)
Dường như “yêu” là một thứ trạng thái thường nhật trong tâm thơ Đào Mạnh Long. Bất cứ một hình ảnh, một sự vật nào bước vào thơ em cũng ăm ắp tình. Thế giới thiên nhiên được nhìn dưới con mắt yêu và tư duy thơ cũng quy về một mối: Ái tình
Nắng ôm eo hạ
Tiếng ve vo tròn góc ngăn bàn kỉ niệm
Hoang hoải hàm số nhớ
Niêm phong ánh mắt màu tím bằng lăng.
(Hàm số nhớ)
Tôi đặc biệt thích hai câu cuối của bài thơ Hàm số nhớ. “Hoang hoải hàm số nhớ” là một câu thơ đầy ẩn ý, một sự pha trộn khéo léo những con chữ, hình ảnh vào “ly sinh tố” tương tư . Thoạt đọc, cho người ta cái cảm giác mông lung và khó hiểu. Song, đến câu thơ cuối thì mới chợt vỡ òa ra: “Hoang hoải hàm số nhớ/ Niêm phong ánh mắt màu tím bằng lăng”. Rõ ràng là một mối tình vu vơ tuổi nhỏ, nhưng không vì thế mà kém đi cái chất yêu đương mãnh liệt! Bởi thế, ta không ngạc nhiên trước thế giới ngôn từ nghệ thuật của Long ngồn ngộn những hình dung từ mang sắc thái gợi cảm, nào là “bờ môi” xuân, “bầu ngực xuân căng mọng tuổi xuân thì”, “vú đất”, “ngực mùa xuân dậy thì”, “ngọn gió trần truồng”, “chùm nắng đồng trinh”… Ấy là vật yêu, cảnh yêu, còn người yêu thì sao? Vâng, khi hồn thơ ấy đã yêu thì cũng thật lãng mạn, thật tình:
Anh gỡ ánh trăng vàng mắc vào mái tóc em
Giọt tình yêu rơi ướt đôi vai mềm
(Du xuân)
Và cũng có những câu thơ mang mối tình học trò trong veo với những giận hờn, luyến nhớ:
Cầm hờn giận vu vơ gọi xanh vòm trời mười tám
Giấu nụ hôn đầu pha lê trong ngăn kéo thời gian.
(Sắc phượng hồng)
Đôi khi, ta bắt gặp một chàng trai đắm đuối tình trong:
Chầm chậm thôi
Kẻo miền yêu bỏng rát
Nụ hôn đầu loã thể
Bước qua anh.
(Nụ hôn đầu)
Cũng say mê, cũng lãng mạn, đa tình, cũng giận hờn, tương tư và đi đến tận cùng của tình yêu là nỗi cô đơn phút tình tử biệt:
Neo tâm hồn vào bến cô đơn
Anh bơ vơ tìm lại mảnh tình xưa dang dở
Tìm vị ngọt ngào nụ hôn khuyết nửa
Bắt nhịp con tim lần đầu gặp gỡ
Nhưng chạm vào đâu cũng vỡ tan thêm.
(Chông chênh nỗi nhớ)
Ngây ngô con trẻ, lém lỉnh, tinh nghịch một cách đáng yêu, lãng mạn, đa tình, say mê đắm đuối, song, đôi khi hồn thơ Long cũng vụt bật lên một thoáng suy tư rất “đời”, rất thực:
Cháy loang mép ngày
Gân guốc bờ gió chướng
Lão ăn mày
Lóng ngóng nhặt ánh mắt người dưng.
(Lão ăn mày)
Lướt qua triền đê thơ Đào Mạnh Long, lần dò trên từng câu chữ, ta như được chạm hồn vào một thế giới đa tình, đa sắc, đa thanh. Mỗi bài thơ của em như có một cái dấu “triện” riêng mà người đọc khó có thể lầm lẫn với bất kỳ tác giả nào. Những tìm tòi, thể nghiệm của em đã mang lại thành công ban đầu, tôi tin, em còn có thể tiến xa hơn nữa nếu không vơi lòng nhiệt tình với thi ca. Thật hơi sớm, nhưng tôi vẫn cảm nhận được ở hồn thơ Long mang cái biệt tài, cái góc nhìn của một thi sĩ kiêm họa sĩ. Thế giới thơ em đầy hình ảnh lung linh và sống động với những “đường cong” của tạo vật trữ tình. Song, cũng có lúc, bút thơ Long còn quá ham thiên về miêu tả và khắc họa hình ảnh trong thơ mà chưa làm bật lên được cái tình, hay cái ý nghĩa sâu xa nào đó mà tác giả muốn truyền đạt đến độc giả qua thi ca. Bởi suy cho cùng, thơ là tiếng nói tâm hồn, tình cảm của con người, qua thơ, người ta đọc được cái tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, trải nghiệm, cảm xúc của chủ thể trữ tình với cuộc đời, với con người. Đặc trưng thơ thiên về hai hướng: tư duy lý tình và tư duy tình cảm, cảm xúc. Thật tiếc, ở đôi bài thơ ngắn của Long chỉ đơn thuần khắc tả hình ảnh mà chưa đọng lại được chất thơ đó. Cảm ơn em đã dâng tặng cho đời những bản tình ca viết bằng cảm xúc, bằng cả tâm hồn thắp cháy mãi thương yêu. Chúc em ngày một thành công trên con đường thơ của mình.