Tập thơ Hoa Hoàng đàn nở muộn của Khuất Bình Nguyên

Nxb Hội Nhà văn, 2012

Ở tuổi 60, lúc bắt đầu rời chiếc ghế công chức (Phó Viện trưởng VKSTC), Khuất Bình Nguyên mới trình làng tập thơ đầu tiên của mình: Người lữ hành thời gian (2009). Muộn, so với phổ biến các nhà thơ thường xuất hiện rất sớm, khi tâm hồn còn tươi trẻ, sức sáng tạo còn đang tràn trề hương nhụy của thời gian và đời sống. Nhưng chỉ trong vòng 4 năm, ông đã in 5 tập thơ liền. Hoa Hoàng đàn nở muộn (NXB Hội Nhà văn, 2012) là tập thơ mới nhất trong 5 tập thơ của ông.

Tôi đọc Hoa Hoàng đàn nở muộn không phải để tìm hương sắc lạ, mà để xem cái màu hoa trắng, như những đốm thời gian bàng bạc cài giữa không gian xanh phố xá, quê làng ấy thế nào, những gửi gắm gì ở Khuất Bình Nguyên. Và bắt gặp: “Cổng làng cũ rêu phong chữ nghĩa/ Lá rụng mùa Thu xuống tiếng cười/ Quyển vở cũ sót tờ giấy trắng/ Như thời gian chắt lại sắc Hoàng đàn”. Cổng làng cũ, cũng là cửa vào không gian văn hóa làng, vào với những ký ức, những nguyên sơ nguồn cội của đời mỗi người đã sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách từ cái nôi quê làng ấy. Nói cách khác, thơ của Khuất Bình Nguyên, trong Hoa Hoàng đàn nở muộn, là thơ chạm những cõi xưa, tức chạm vào ký ức. Nó cũng phù hợp với quy luật lứa tuổi, thời gian, sự bươn trải suốt hành trình sống của mỗi đời người. Đến một ngưỡng tuổi nào đó, người ta thường lại trở về với đời sống của những ký ức.

Những cái “ngày xưa” ấy thế nào? Ta gặp ở đây: “Biển khơi tan dần trong hạt muối thời xưa/ Ngày mai biết có còn không người gánh muối/ Đi tìm biển khơi sau phút giao thừa” (Gánh muối đi tìm). Những giây phút rạo rực đón năm mới sau Giao thừa, thật khó quên tiếng rao bán muối, đã trở thành tập tục, sự cầu cho làm ăn thuận hòa, sung túc, cầu cho được may mắn quanh năm của người dân xứ Bắc. Và lớp những người trung niên, những người đã sống ở Hà Nội những năm còn bao cấp, những năm khốn khó, không thể không nao nao với những tiếng rao đêm: “Giọng khuya vất vả tiếng người/ Tiếng đồng tiếng vọng tiếng rơi ruộng đồng/ Người thương cây khúc còn không/ Phố đêm Hà Nội gánh gồng hồn quê” (Khúc ơi!). Trong vô vàn đời sống phố thị, cùng với tiếng leng keng xe điện “ngày xưa” thì những tiếng rao đêm của người bán dạo hàng quà bánh, đã trở thành nét văn hóa “đặc sản” Hà Nội. Thương nhớ vô cùng những tiếng rao đêm, tiếng rao thân phận của những người lao động bình dân, tiếng của những cánh đồng cực nhọc, những người nông dân nhiều thương mến.

Ở một mảng ký ức khác, Khuất Bình Nguyên mượn âm nhạc, tức mượn cung đàn, giai điệu, như một khúc điệu tâm hồn đánh thức những ký ức, bâng khuâng trở về những ký ức hằn sâu của đời người: “Cung đàn mười hai dây ánh sáng/ Năm mơ hồ gửi tháng đi qua/ Bạc vai áo phận người lận đận/ Một dây đứt chớp sáng lòa phép lạ/ Dấu lặng đơn sẫm lại mái chùa/ Tiếng rơi nào vô tận xuống ngày xưa” (Cung đàn thời gian). Những câu thơ gợi của cung đàn mười hai dây ánh sáng, phải chăng là 12 tháng của năm, đưa ta trở về với mái chùa, với những ngày xưa vô tận. Một cách nói mới, hiện đại hơn, tung tẩy hơn khi nói về những kỷ niệm thường hay mê mẩn của người đời. Đặc biệt là khi thứ dụng cụ âm nhạc Tây phổ biến một thời, cây đàn măngđôlin, để nói về cái hồn quê xứ Đoài thương nhớ của anh: “Tôi đi tìm măngđôlin/ Những đứa trẻ mang hồn quê xứ Đoài ra đi từ thuở ấy…/ Ở đâu cũng nền bếp cũ/ Tôi bật dây đàn bù lại chuỗi ngày xưa” (Măngđôlin).

Thời xưa, ngày xưa có rất nhiều trong Hoa Hoàng đàn nở muộn. Một tần suất thời gian không xác định, như nhịp sống cứ thế mà diễn ra, nối thời này sang thời nọ: “Xuân xuống ngựa cùng trần gian đi bộ/ Chiều cuối năm chầm chậm qua nhà…/ Bao nhiêu đoạn đường ai đứng dưới mưa/ Bao nhiêu ngày xưa trong khói giao thừa” (Bao nhiêu ngày xưa…). Có lẽ, không ít người lặng lẽ chảy nước mắt trong bao nhiêu “ngày xưa” trong khói giao thừa; những ngày xưa, mái tóc thời gian không bao giờ trở lại, chỉ có thể sống trong niềm nuối tiếc, trong những cung bậc khác nhau của ký ức, trong cái còn cái mất của đời người, mà an ủi lòng mình, an ủi nhau sống ra sao trong hiện tại.

Trong những cái “ngày xưa” của xứ Đoài, của “người Sơn Tây” quê anh, tôi cũng ấn tượng với những câu thơ anh viết về chó đá. Hình ảnh chó đá ở cổng đình làng, ở đền miếu, khá phổ biến ở những ngôi làng Bắc bộ xưa. Nó tích tụ ở đó những điển tích, những gửi gắm tình cảm của con người “khuyển mã sinh tình”; nó nói lên nhiều điều tâm sự về cách ứng xử người với người mà nhà thơ gửi gắm: “Đứng cụp tai suốt đời ở đầu cầu xưa cũ/ Trông những mảnh đò than thở dưới sông/ Thương con người nước mắt tràn qua hai mi đá…/ Làm bạn với người khi người với người chẳng còn trông đợi/ Bóng tối một mình liếm vợi nỗi cô đơn” (Chó đá xứ Đoài).

Ngay ở một mảng thơ khác, khá nhiều bài, bố cục ở nửa sau tập Hoa Hoàng đàn nở muộn, mà tôi vẫn gọi vui xu hướng thơ này là “thơ dạo”; đi đâu, gặp gì, tức cảnh sinh tình thì viết; thơ thường gắn với địa danh, cảnh và người gặp, thì ở đó vẫn rất nhiều tần suất “xưa”. Ta thấy một “xa xưa” trong: “Lung linh vòng nến Sa Pa/ Giao thoa hạt cườm váy đỏ/ Đưa tay qua cửa sổ/ Gió khuya về xa xưa” (Sa Pa). Ta thấy một “người xưa” khi tác giả viết gửi một người bạn Việt kiều, để gợi lại trong tâm thức những người con xa xứ những hồn quê: “Trống cơm gọi hồn quê nán lại/ Người xưa xa lim dim mắt đi tìm” (Khách tang bồng). Ngay cả khi ở tận trời Tây, Bắc bán cầu, thì: “Cây đàn xưa cũ dần trong phòng khách/ Nến cháy hết đêm, gió thổi lõm bậc thềm…/ Những âm thanh trắc ẩn lòng nhân loại/ Đi hết đời ta chưa nghe hết/ Tiếng đàn xưa đến cả tương lai” (Cây đàn dương cầm ở Bắc bán cầu). Và ngay cả khi giữa mùa tuyết châu Âu lạnh giá, tiếng quạ kêu lại nhắc về cái vườn xưa của tác giả: “Ơi bông tuyết nhập nhòa ngoài khung cửa/ Quạ kêu buồn hoang vắng cả vườn xưa” (Đời tuyết). Trở về cố hương mình, một địa danh miền núi, một lần nữa, ta lại thấy cái “xưa” trong thăm thẳm thời gian: “Lặn xuống trắng chiều nay làn mây cũ/ Thời gian xưa ngưng tụ ướt mạn thuyền” (Hồ Núi Cốc).

Trong mảng thơ này, thấy sự đi của anh khá rộng: Cao nguyên Đồng Văn; Những âm thanh trắc ẩn của tự do (Viết về nước Úc); Mũ cao bồi (Mỹ), Thành nhà Hồ trở về; Bạn cũ ở chân đồi Đông Khê; Thành Nà Lữ; Ngày gió bấc thổi về Hà Tĩnh, viếng Nguyễn Du; Ở bãi biển Thiên Cầm; Viết thư cho bạn đồng liêu, sau phiên tòa ở Bắc Giang; Xuân Nhâm Thìn, về Phủ Quốc nhớ Cao Bá Quát… Ở đây, thông qua sự “đi và gặp”, nhà thơ cũng muốn từ đó tâm sự, chiêm nghiệm, gửi gắm gì đó trong mỗi vùng đất, mỗi con người, mỗi người bạn đồng nghiệp… Đề tài mang tính thời sự hơn là những “ngày xưa”, giọng thơ phóng túng hơn, nhưng cũng cần sự điềm tĩnh.

Hoa Hoàng đàn nở muộn là một bước tiến mới so với chính tác giả ở Bỏ quên trong rừng thu và những tập thơ trước đó. Ở tuổi của anh, sự vươn lên làm mới mình là một nỗ lực, không phải thi sĩ nào cũng thành công. Có lẽ, nó vươn lên, tạo được niềm cảm thông, chia sẻ bởi Khuất Bình Nguyên đã chạm vào những ngày xưa. Chạm vào ngày xưa tức là chạm vào hồn cốt văn hóa Việt, là chạm vào lối sống, những ứng xử, tâm sự người với người, những mến thương, nhân bản quê làng. Nhưng vẫn thấy ở đó những hình ảnh mới, lối nói mới, kiểu “Cung đàn mười hai dây ánh sáng…/ Dấu lặng đơn sẫm lại mái chùa”; hay “Xuân xuống ngựa cùng trần gian đi bộ”…

Đấy cũng là toàn bộ tâm sự và gửi gắm của thi sĩ, như những câu thơ nghĩ ngợi khi trở về Vườn quê ngoại: “Trăm năm vườn cũ đâu rồi/ Người xa xa lắm còn chồi cây thôi/ Chân trời lá rụng sao rơi/ Sau trăm năm nữa cho người đừng quên”.

Hà Nội, 11-11-2012

T.Q.Q

Nguồn: tapchinhavan.vn