Cha bỏ nhà đi vào một chiều cuối đông xám xịt, khi tôi vừa tròn mười hai tuổi và em gái tôi sáu tuổi. Tôi còn nhớ như in cái giây phút chia ly ấy. Cha im lặng nhìn từng người như nhìn lần cuối cùng. Đôi mắt mẹ ầng ậc nước, mãi lâu sau mới thốt ra được câu run rẩy:“Hay anh đừng đi nữa, ở lại với mẹ con em?”.

Hôm trước mẹ còn cứng rắn đến thế, mà giờ bỗng chốc yếu mềm. Phải chăng tình vợ chồng như một canh bạc? Cha cố tình như không nghe thấy! Khối cơ bên khóe mắt cha giần giật, đôi mắt nửa như vô hồn? “Thôi mẹ! Để cha đi!”. Tôi bỗng bất cần, dù trước đó tôi quỳ lạy xin cha ở lại. Tôi nhìn thẳng vào mắt cha, nói trong lòng câu băng giá: “Sao ông không đi ngay cho rồi?!”. Tôi thương mẹ hơn bao giờ hết!

Chiếc taxi tới, “xịch” đỗ. Tài xế vội mở cửa sau đưa chiếc va-li vào, rồi đóng cái “rầm”, sau giây phút tức thì lao vút như kẻ chạy trốn. Trời chiều cuối đông tái tê cùng những đám mây buồn đổ xuống. Cái thị trấn vốn sầm uất bị bóng tối bao trùm nhanh vạn vật. Mẹ ngã gục. Còn tôi như kẻ mơ hoang, thấy bóng ma bao quanh mình. Em gái tôi nào biết gì, nó đòi mẹ bánh Meringue, loại bánh mà cha thường mua cho nó. Xét cho cùng, cha đi đâu, ở đâu là quyền của cha, khi cha và mẹ đã ly hôn.

Thời gian tưởng như quật ngã ba mẹ con tôi, nhưng không. Mẹ tôi là giáo viên tiểu học. Mẹ xinh đẹp. Chẳng phải do tôi nói thế. Do thiên hạ. Còn cha tôi làm ở một công ty xuất nhập khẩu trên thành phố. Bao năm trời phấn đấu, ông lên được cái chức Phó. Tuy chỉ là Phó, nhưng nhân viên nể sợ ông lắm. Ông là người hào phóng, nhưng đôi khi lại lễ nghi, chính tắc của tư tưởng phong kiến.

Cha bỏ mẹ với lý do“không hợp nhau”. Không hợp ở chỗ nào, thì cha không nói. Không giải thích. Tôi chỉ biết lâu lắm rồi giữa cha mẹ thường hay cự nự nhau, chẳng chuyện gì ra chuyện gì. Cha bảo mẹ thiếu nữ tính, còn mẹ bảo cha bảo thủ. Đêm ấy tôi nghe thấy mẹ nói lớn: “Lá đổ muôn chiều là của Đoàn Chuẩn sao anh cứ cãi là của Cung Tiến nhỉ?”. Lần đầu tiên tôi nghe thấy âm thanh giận dữ của mẹ. Sau đó thì hai người xảy ra “chiến tranh lạnh”! Tôi thì nghĩ, cha cố tình nói sai để “gây” với mẹ thôi. Chứ cha cũng rành rọt dòng nhạc tiền chiến lắm.

Có kẻ tếu táo bảo cha tôi bỏ vợ để mong tìm một sự “hoành tráng” của giống đực? Có người lại bảo, ông muốn đi kiếm thằng “nối dõi tông đường”? Nói sao chứ, cha tôi chả bao giờ ta thán mình không có con trai. Tuy nhiên, lần mẹ sinh em Hoa, cha không được hân hoan lắm, nhưng cũng không đến nỗi phải “thả gà”.

Cha bỗng biến thành một “phương trình vô số ẩn” để thiên hạ tha hồ mà giải, tha hồ mà đàm tiếu. Tôi không muốn mẹ rơi vào “số phận” như nhiều người phụ nữ khác lấy phải người chồng có cái đầu rỗng như vỏ ốc, chì chiết vợ “không biết đẻ thằng cu”. Chả lẽ ở thời đại này mà cha tôi vẫn còn tư tưởng xưa như trái đất? Có lần mẹ hỏi cha: “Tại sao đàn ông các anh cứ phải có con trai?”.

Cha không mở miệng. Tôi bỗng trách mình, sao không là giống đực, mà lại là giống cái? Sau này có lấy chồng, tôi sẽ bắt anh ta ký vào “biên bản” của lời hứa, dù vợ có đẻ con trai hay con gái thì vẫn phải “yêu thương!”. Tôi phá lên cười khanh khách. Đúng là đồ dở hơi! Xót xa thay cho mẹ!

*

Ông hiệu trưởng thường hay lui tới nhà tôi, bàn chuyện chuyên môn gì đó với mẹ. Tôi nghĩ láo lếu trong bụng “có mà tán gái ấy, chuyên môn cái con khỉ”, rồi tôi lại buồn cười như xem hài. Vợ ông hiệu trưởng mất đã ba năm do một căn bệnh nan y, để lại cho ông nuôi hai “tướng cướp” đang tuổi tới trường. Thực ra, ông hiệu trưởng là một người tốt. Chưa bao giờ có một dư luận xấu về ông. Ông khuyên bảo chị em tôi những điều rất bổ ích; chân thành với mẹ tôi như tia sáng. Có đồng nghiệp của mẹ đã ghé tai tôi hỏi: “Con có đồng ý cho bác ấy lấy mẹ không?”. Tôi chỉ cười. Tôi nhớ cha, thương cha, tiếc thay cho cha vì một góc của cái đầu nông cạn mà cha đã dấn thân theo “vết xe đổ” của những kẻ ích kỷ hẹp hòi!

Nghe đâu cha đi theo người phụ nữ trên thành phố kém mẹ những mười tuổi. Những tưởng kiếm được “thằng nối dõi tông đường”, đâu ngờ cha gặp “quả bom điếc”! Điên tiết! Ông quyết định “đường ai nấy đi”. Người kể chuyện cứ vanh vách như thể họ sống với cha tôi, không hiểu thật hư thế nào? Với con người như cha kiếm đâu chả được người tình, vì cha có tiền, có quyền, quan hệ rộng, lại được cái tướng dễ coi.

Từng ấy cái, cũng thừa lực hút đám đàn bà con gái thiếu mùi đàn ông. Rồi lại nghe đâu cha lấy một nàng thôn nữ để rồi sau bao năm “chinh chiến trường tình”, cộng với áp lực công việc, sức khỏe cha có phần giảm sút, ông đã phải tìm tới Lộc Cường Thần, một dược liệu dành cho nam giới mong cải thiện gân cốt, mong xứng đấng nam nhi! Chẳng biết có phải tại thần dược không mà chỉ trong hơn tuần lễ, thôn nữ của cha đã kêu nặng bụng? Rồi chín tháng mười ngày sau, hoa  đến thì hoa nở ra hai “con vịt”! Sinh đôi! Cha méo mặt! Bỏ thì thương, vương thì tội. Thiên hạ được một phen ồn ào rằng, ông già sắp xuống lỗ mà vẫn còn phải rửa đít, ẵm em! Những chuyện thiên hạ kể về cha tôi nghe “hot” hơn cả tin nóng về cuộc chiến chống nhóm Hồi giáo cực đoan IS! Cười, mà nước mắt tôi cứ ứa ra!

Lâu lắm rồi ông hiệu trưởng không đến nhà tôi. Bỗng tôi thấy nhớ ông, tuy không phải máu mủ ruột rà nhưng ông rất thương ba mẹ con tôi! Đã có lần ông đặt vấn đề muốn chung sống hợp pháp với mẹ, nhưng mẹ lắc đầu. Trong suy tư của mẹ, đàn ông là một thế giới siêu hình, rối rắm, thâm nho và độc ác! Một lần, tôi nghe mẹ nói với một đồng nghiệp như thế. Hiểu ý mẹ nên ông hiệu trưởng rút lui, không thù oán, không gây khó dễ cho người dưới quyền. Thế mới đúng là người khôn!

Có lúc tôi đã xếp ông vào hạng “người đàn ông số 1”. Không bù có cái tay hàng xóm nhà tôi có hiệu cầm đồ, giàu ú ụ thường hay ve vãn mẹ bằng những mỹ từ cắt tỉa trong tiểu thuyết. Mẹ chỉ nói: “Cảm ơn”, nghĩa là từ chối khéo. Thế là hắn lườm nguýt, nói xấu, dựng chuyện cho mẹ đủ đường, theo cái kiểu “không ăn được thì đạp đổ”. Đồ tồi! Đồ nhem nhuốc!

*

Tết cổ truyền lại đến. Tuy vắng người đàn ông trụ cột nhưng mẹ vẫn rất chu toàn cho việc sắm tết. Mẹ thích hoa lay ơn. Năm nào mẹ cũng mua hoa lay ơn trưng trên bàn thờ, nơi bàn tiếp khách và cả trong phòng ngủ. Mẹ vẫn thường bảo “hoa lay ơn mang ý nghĩa hẹn hò trong tình yêu” . Mẹ lãng mạn như công nương quý tộc, chả thế mà một thời hút hồn cha.

Mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên đã được mẹ chuẩn bị khá chu đáo. Tôi mang đến cho mẹ chiếc ghế gỗ cao để mẹ đứng cắm hoa lay ơn chuẩn bị cúng giao thừa. Mẹ bảo, cúng giao thừa để đón những điều tốt đẹp của năm mới và bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ. Mẹ coi trọng việc cúng tế đêm giao thừa lắm! Tôi mở bản Happy new year, những âm thanh quen thuộc vang lên nghe rạo rực. Tôi yêu ngôi nhà có mẹ và em gái. Em gái tôi cứ lăng xăng hết chỗ này tới chỗ khác. Nó lớn nhanh và lém lỉnh nhất nhà. Nó như cái đuôi của mẹ, mặc dù đã vào lớp năm. Bỗng có tiếng xe hơi ngoài cổng, ánh đèn pha vụt tắt thay bằng ánh đèn gầm. Con xe chầm chậm bò vào trong sân. Một con Camry đen bóng. “Ai đây”? – Tôi thầm hỏi. Cửa xe xịch mở.

– Hồng hả con!

Ôi, cha tôi! Cha về. Về một mình. Tôi hét to:

– Mẹ ơi, cha về!

Cha trông gầy hơn xưa, vận đồ vest đen, tóc pha vài sợi bạc, trông diện mạo như một chính khách. Cha khác xưa, trên khuôn mặt có thêm cặp kính trắng và làn da xạm đen hơn, nhưng vẫn nhanh nhẹn lắm. Tôi thích mẫu người đàn ông đúng như cha tôi lúc này. Những cánh hoa lay ơn mẹ đang đưa lên bàn thờ bỗng như có ai giật phăng rơi xuống dập vỡ trên nền nhà. Mẹ như “Từ Hải chết đứng”. Một khoảnh khắc đến linh thiêng và sợ hãi. Cha bảo tôi phụ giúp mang từ xe vào nhà  rất nhiều quà bánh, có cả hoa lay ơn.

– Mẹ ơi, đỡ cho con một tay nè! – Tôi gọi mẹ.

Cha tự nhiên như chưa hề có gì đã xảy ra, như một ông chủ nhà mới đi công tác xa trở về. Mẹ nhìn cha ngượng ngùng.

– Mấy mẹ con khỏe không em? – Cha hỏi mẹ. Mẹ im lặng!

– Cha hỏi mẹ kìa? – Tôi nhắc nhưng mẹ vẫn im lặng nhìn trân trân chiếc xe hơi như nhìn vật thể lạ!

– Dạ, cám ơn anh, mấy mẹ con em vẫn rất khỏe! Khỏe lắm, chắc anh cũng vậy?!

Câu trả lời của mẹ làm tôi giật mình! Tôi ngỡ mẹ không thể nói được nên lời. Không gian bỗng trở nên nặng nề như có một lực vô hình đè nén, bởi thái độ “dửng dưng” của mẹ! Có thể cha nghĩ rằng, khi trở về mẹ sẽ khóc lên trong niềm xúc động? Có phải đó là thâm ý của cha, muốn thay cho lời nói: “Hãy bỏ qua cho anh, mình về sống bên nhau em nhé?”.

Đến lúc này thì tôi mới hiểu ra rằng, sự mạnh mẽ của đàn ông không phải vững bền đến thiên niên vạn đại! Mẹ pha nước trà mời cha. Đôi mắt mẹ nặng trĩu như đang cố kéo những giọt muối vào trong! Lời nói và nét mặt của mẹ không “tương thích” với nhau. Cha ngó nghiêng trong nhà như để chụp lại một thời xa xưa vào màng lưới mắt, rồi hỏi han đủ thứ chuyện. Uống xong ly trà nóng, cha lì xì cho ba mẹ con tôi mỗi người một chiếc phong bì trên có cành hoa mai vàng rực rỡ, rồi cha nói giọng đùng đục:

– Chúc ba mẹ con đón một mùa xuân vui vẻ!

– Lì xì cho các con thôi, mẹ khỏi! – Mẹ nói nhanh.

– Mẹ thì… Để con cầm cho mẹ! – Tôi nói và đón hai phong bì từ tay cha. Sao cha lại lì xì vào giờ này? Cha sẽ lại đi? Tôi sợ chiếc xe hơi quay đầu! Tôi nói giọng cầu khẩn:

– Cha ơi đừng đi, ở lại ăn Tết với nhà mình!

Cha trầm ngâm… Con Hoa, em gái tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì. Mẹ tôi như người hết năng lượng. Mẹ không có quyền giữ cha ở lại. Mẹ hiểu cái luật ở đời. Mẹ im lặng, nhìn vô định …

Lại có ánh đèn xe ôtô ngoài cổng. Một chiếc taxi. Ông hiệu trưởng, cao ráo, mặc bộ comple màu bordeaux, cổ thắt caravat, tóc hất ngược về phía sau, chân đi giày da đen bóng cũng y chang một chính khách, da mặt hồng hào như người say. Ông nói nhỏ với tài xế câu gì đó. Chiếc xe hơi lùi ra tận ngoài cổng, rồi tắt máy, chờ. Ông hiệu trưởng bước vào nhà tôi, tự tin, nụ cười trên khuôn mặt ông bỗng vụt tắt khi nhận ra cha tôi. Cha tôi đứng lên như chủ nhà đón khách. Tôi thấy cha mình thật phong độ với dáng dấp một nghệ sĩ “khinh đời”. Ông cười thật tươi, chẳng biết bụng dạ ông nghĩ gì. Ông hiệu trưởng thì cố diễn tự nhiên, “giải thích” mình tranh thủ đi chúc tết thầy cô, vân vân. Nhưng rất có thể, ông không chú ý tới lời giải thích đó mà trong lòng ông đang hỏi cha tôi: “Tưởng ông bỏ ngôi nhà này vĩnh viễn không trở lại?”. Tôi tin sự nhạy cảm của cha khó ai có thể diễn qua mặt! Chẳng ai có lỗi trong chuyện này, mà lại như cùng có lỗi?!

– Mời thầy ngồi – Mẹ vừa nói vừa đưa tay chỉ cho ông hiệu trưởng ngồi vào chiếc ghế sofa ở vị trí gần như đối diện với cha tôi qua chiếc bàn kính cường lực. Bộ sofa màu xanh navy nhạt này do cha mẹ tôi chọn mua để vừa phù hợp với tuổi tử vi lại vừa hợp phong thủy của ngôi nhà. Mẹ nói vậy. Mẹ rót nước mời mọi người. Mẹ vẫn nhanh nhẹn trẻ trung duyên dáng, dẫu khuôn mặt đã đậu vài vết chân chim. Ông hiệu trưởng và cha tôi hỏi thăm nhau mấy câu xã giao. Có lúc không gian im ắng như vô nghĩa. Hớp chưa hết ngụm trà, ông hiệu trưởng đứng dậy, đưa mắt nhìn mọi người rồi nói một câu trịnh trọng:

– Bước sang năm mới, tôi đến chúc cho gia đình ta mọi sự an lành!

Tôi rất nhớ Tết năm ngoái ông đã chúc: “Bước sang năm mới, tôi đến chúc cho ba mẹ con mọi sự an lành!”. Người khôn khéo đến thế là cùng. Rồi ông quay sang cha tôi:

– Chúc riêng anh năm nay gặt hái được nhiều thành công!

– Cảm ơn thầy! Tôi chúc thầy cũng vậy! – Cha cười rạng rỡ như gặp người tri kỷ. Mẹ tôi thì như thiếu ô-xi. Ông hiệu trưởng đi rồi, tôi thấy nhẹ mình hơn, giống như thở phào sau khi nín thở để kiểm tra sức chứa của lá phổi. À, mà sao ông hiệu trưởng năm nay lại không lì xì cho mẹ con tôi? Hay ông quên? Mẹ vẫn ngồi im lặng, nghĩ gì nhiều lắm, hiện trên nét mặt. Nét mặt buồn mà quyến rũ! Thỉnh thoảng mẹ rót nước bảo cha tôi uống đi cho nóng. Mắt mẹ chớp hoài. Gió cuối đông vẫn rít dài ngoài cửa. Tôi lấy hai tay bóp lên đôi vai cha, nếu không có chiếc áo vest, chắc tôi sẽ cảm thấy rặt những xương bả vai?

– Cha ở nhà đừng đi đâu nữa nhé! – Tôi nài nỉ.

Cha nhìn lên bàn thờ, bảo tôi đem lại cho cha bó hoa lay ơn và những đồ sắm tết cha mua về. Mẹ gọi tôi ra nói nhỏ: “Giữ cái ghế cho cha đứng kẻo ngã!”. Cha đứng trên chiếc ghế cao, sắp đặt lại bàn thờ, cắm hoa lay ơn vào bình hoa mà mẹ đã chuẩn bị từ trước, giống như nhiều năm xưa cha vẫn thường làm.

*

Phía bên kia, mẹ giục em Hoa bằng một âm vực rất nhỏ: “Ra với cha kìa!”. Nói xong mẹ ra ngoài, loáng thoáng nét rầu rĩ. Cha dang hai tay đón em Hoa chạy lại. Hoa hỏi cha như quát:

– Sao cha đi đâu lâu thế?.

Không ngờ nó bạo phổi, tự nhiên đến thế! Tôi cười khìn khịt. Cha hôn lên má con gái yêu út ít:

– Ở nhà Hoa có ngoan không?

– Dạ, có!

– Có học giỏi không?

– Dạ, có!

–  Có hay quấy rầy mẹ không?

– Mẹ chỉ thích khóc thôi, đêm nào cũng khóc! Mẹ hư lắm, cha không biết đâu!

Cha bật cười mà thành mếu, rân rấn nước mắt! Từ ngoài hè tiếng mẹ nấc lên. Tôi chạy ra dìu mẹ vào nhà…  Giờ giao thừa đã đến.

Truyện ngắn của Đào Sỹ Quang (Theo Văn nghệ công an)