Nhân dịp Ngày của Cha và Ngày gia đình Việt Nam 28-6, NXB Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách Cha và con, tập hợp những bài viết chân thực, xúc động và hết sức độc đáo về tình cảm, kỷ niệm giữa cha con của những người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Chúng ta có thể thấy ở đây vô vàn những cung bậc cảm xúc: tình cảm tri ân sâu nặng, nỗi ân hận muộn màng, niềm thương nhớ khôn nguôi, lòng tự hào không che giấu, sự kiêu hãnh thầm lặng, những niềm đau không dứt và cả những điều bí mật tưởng sẽ “đào sâu chôn chặt”. Người cha không chỉ cho ta hình hài, thân xác mà còn là người thầy đầu tiên, tạo nên nhân cách, định hướng tương lai cho con mình.

Cuốn sách gồm 45 câu chuyện của người con kể về cha mình, phần lớn là những người nổi tiếng, từ vị tướng trong quân đội, giáo sư, nhà khoa học đầu ngành đến những người nghệ sĩ tài năng lẫy lừng, được xã hội tôn vinh và ngưỡng mộ. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, họ đã góp phần vào nền văn hiến của đất nước. Và trong số đó, cũng có những người cha bình thường, một ông giáo làng, một người nông dân, một viên chức mẫn cán, tận tụy suốt cả cuộc đời về hưu với hai bàn tay trắng… Tôi đã đọc các bài viết với tình cảm và hứng thú đặc biệt. Bởi ở đó, ta không chỉ được chứng kiến những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của một cá nhân, mà qua đấy, còn đọc thấy bao vấn đề nhân sinh, thế sự, thấy được mối dây gắn bó kết nối trong từng gia đình, những bước thăng trầm của số phận con người và rộng hơn là thấy được không khí của thời cuộc. Một đời sống của những ngày tháng đã qua hiển hiện thật gần gũi, sinh động từ những câu chuyện chân thật và sự rung cảm sâu sắc của tình cảm Cha – Con. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử – Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ – Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu? Những câu thơ của nhà thơ Nga nổi tiếng E. Eptusencô đã khái quát khá trọn vẹn và đầy đủ ý tưởng này. Mỗi bài mỗi vẻ, từ hình thức thể hiện đến cách diễn đạt. Những câu chuyện riêng tư, những suy nghĩ, tình cảm cá nhân nhưng chạm tới trái tim của muôn người, do đó cuốn sách dễ tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Thật đúng vậy, qua hồi ức, kỷ niệm của một người, thế hệ sau có thể phần nào nhìn thấy dấu tích của một thời. Những người đọc hôm nay có thể cùng suy ngẫm, trải nghiệm, chia sẻ với các tác giả bài viết, rút ra những bài học kinh nghiệm và lắng lại với chính mình.

Hầu hết những bài viết trong cuốn sách là ký ức được tái hiện khi Người Cha không còn nữa. Những câu chuyện, những kỷ niệm ngập tràn, nhưng không thể dễ dàng viết ra. Điều khó khăn nhất khi viết là sống lại tất cả cảm xúc của một đứa con về cha mình, hạnh phúc, ấm áp nhưng đau đớn, nhớ tiếc và nhiều khi không thể không rơi nước mắt! Tôi biết, có những người con đã không thể kìm nén cảm xúc của mình, không dám đối diện với nỗi đau mất mát quá lớn khi trải lòng mình qua trang viết.

Do hoàn cảnh của thời cuộc, của đất nước, có những người con chỉ được sống cùng cha mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng dấu ấn của những năm tháng ấy và đạo nghĩa cha con đã đi cùng họ suốt cuộc đời. Biết bao nhiêu chi tiết ăn sâu trong tiềm thức cùng với suy nghĩ và cảm xúc của mình, người con đã khắc họa hình ảnh người cha thật sinh động, gần gũi, thân thuộc. Đặc biệt hạnh phúc là những người cha có đứa con nối nghiệp mình. Hơn ai hết, người con nối nghiệp đã thấu hiểu và đồng cảm với cha mình trong cuộc đời, cũng như trong nghề nghiệp. Họ là người đồng hành tri âm, tri kỷ, chia sẻ mọi nỗi niềm với cha mình – người đã sinh thành, dưỡng dục và trao cho họ những truyền thống quý báu để nối tiếp cuộc đời của Người trên cõi nhân gian này. Không ít người con đã thật sự vững vàng bước đi trên con đường của cha mình, thực hiện những điều trao gửi của đấng sinh thành. Và như thế, người cha đã lưu dấu khoảng không gian, thời gian tồn tại của mình trong cõi nhân sinh, vũ trụ một cách đầy ý nghĩa.

Thật xúc động với những bài thơ tặng cha của những người con thi sĩ trong cuốn sách này. Đối với người làm thơ, có lẽ chỉ có thơ mới thể hiện hết được những suy tư, cảm xúc mà văn xuôi nhiều khi bất lực. Những bài thơ khóc cha đã thật sự nói lời riêng mà thấu triệu tấm lòng.

Trước mồ cha, nhà thơ Trần Anh Thái càng thấm thía nỗi cô đơn, lạnh vắng:

… Thoảng như gió tự ngàn xưa

Bao nhiêu buốt lạnh đã lùa vào con

Tình cảm của nhà thơ Hữu Việt viết về cha, nhà văn quân đội Hữu Mai thật sâu nặng, nhưng có lẽ cảm động nhất là bài Thơ dâng cha của anh:

Ngồi và nắm tay cha suốt đêm dài

Có lẽ đây là lần đầu tiên con được nắm tay cha lâu đến thế

Cha còn dành cho con bao nhiêu đêm nữa, hở cha?

(…)

Cha là tuyến một, cha là đê bao, là cột nhà khi gió bão

Đêm nay con ngồi đếm từng nhịp thở của cha…

Với tâm thế của người con thi sĩ, họ không tin rằng “khi cánh cửa cuối cùng khép lại/Chẳng còn gì ngoài cõi hư vô. Và như thế, người cha vẫn hiện diện trong đời sống của các con mình:

Cha vẫn còn kia như sông nước hiền hòa

Vẫn ở quanh con như ánh sáng trong nhà

Trong mỗi chúng con, trong mỗi ngày con sống

Trong hoa trái của cuộc đời bất tận…

(Lưu Quang Vũ)

Có thể nói điểm đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn của các bài viết trong cuốn sách này là luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn và những bài học giáo dục sâu sắc. Cách thể hiện chân thực, tự nhiên, tinh tế, giàu những chi tiết sinh động và đắt giá, tâm huyết nồng nàn đến từng câu chữ. Đây là cuốn sách mà những người làm con nên đọc!

PGS. TS. LƯU KHÁNH THƠ

Nguồn: Báo Nhân Dân cuối tuần

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài