Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin đươc giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đoàn Thị Diễm Thuyên.

Gồm các truyện sau:

1. Cha con và tình nhân

2. Người đàn bà đáng ghét

3. Tình như chiếc gương trong

4. Người đàn bà lạc trí

5. Ví dụ ta hôn nhau

Tác giả Đoàn Thị Diễm Thuyên sinh năm 1980, quê quán Giồng Trôm, Bến Tre.

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre từ năm 1999; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM năm 2019.

Diễm Thuyên bắt đầu viết văn và làm thơ từ năm 1997. Tốt nghiệp ngành Báo chí Phát thanh Truyền hình, sau đó làm Biên tập viên cho các công ty quảng cáo tại Tp. HCM, tham gia sản xuất các chương trình truyền hình cho các đài và các sự kiện quảng cáo, truyền thông cho các công ty, doanh nghiệp cho đến 2005. Từ 2006-2010: làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội, sau đó Diễm Thuyên cùng gia đình trở về Tp.HCM sinh sống, làm công việc văn phòng và làm cộng tác viên ngành biên kịch.

Từ 1997-2007: Diễm Thuyên có thơ, truyện ngắn đăng trên báo Đồng Khởi, Tạp chí Văn nghệ Bến Tre, Báo Vì Trẻ Em Bến Tre, báo Áo Trắng, Tuổi Ngọc, Báo Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn  nghệ Tp.HCM… Năm 2007 tham gia in chung tuyển tập “Bốn cây bút nữ tuyển truyện” liên kết bởi Nhà xuất bản Văn học (Hà Nội), Công ty Truyền thông Hà Thế và Tủ sách Việt Văn Mới (Pháp). Nhà văn Võ Thị Xuân Hà là người biên tập cuốn tuyển truyện này.

Ngưng viết vì lý do riêng. Đến năm 2012 Diễm Thuyên mới sáng tác trở  lại, có thơ và truyện ngắn đăng trên nhiều báo, tạp chí và các trang web văn học trong nước như.

Trở lại sau gần 10 năm gián đoạn, Diễm Thuyên viết ngày càng nhiều hơn, chị tích cực tham gia vào các cuộc thi, các trại sáng tác và cũng được nhận một số giải thưởng: Giải 3 Cuộc thi Thơ Lục bát 2019 do Tập san Áo Trắng và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, Giải 3 Cuộc thi Thơ và Tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng” năm 2021 của Báo Người Lao Động, Giải 4 Cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” năm 2021 Hội Nhà văn TP HCM, Giải 3 Cuộc thi Thơ dành cho phụ nữ trên Tạp chí Lang Bian lần III – 2022.

Đoàn Thị Diễm Thuyên đã xuất bản các tập thơ: “Để con về nhà hỏi má” (2017), “Trời mưa cho ướt” (2018) và nhiều tác phẩm văn, thơ in chung khác.

Sở trường sáng tác của Diễm Thuyên là thơ, nhưng chị cũng rất thích viết truyện dù gia tài truyện ngắn hiện tại của Diễm Thuyên không nhiều.

Tâm sự của nhà văn: Văn chương chính là nơi tuyệt vời nhất để trải lòng, giải tỏa những điều chất chứa ẩn sâu bên trong tâm hồn mình, và là nơi vô cùng thú vị để mặc sức chơi đùa, sáng tạo với con chữ.

Trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với vốn sống và chất liệu thu được khá nhiều, Diễm Thuyên ước mong sau này có nhiều thời gian hơn để dành cho việc sáng tác – ngoài thơ, sẽ viết thêm nhiều truyện, tiểu thuyết và cả kịch bản phim truyện.

Truyện ngắn:

CHA, CON và TÌNH NHÂN

Cô con gái kéo ông vào quán cafebar Thiên Hồng, dàn nhạc hòa tấu nữ đang chơi bài Tuổi đá buồn. Họ chọn chiếc bàn sát bên khung cửa kính, trên bàn có ngọn nến cháy trong ly thủy tinh chứa nước màu vàng. Ông ngồi đối diện, trìu mến nhìn cô con gái:

– Có chuyện gì quan trọng mà hẹn ba ra đây vậy, con?

Cô ngồi thẳng lưng, hai bàn tay lồng vào nhau đặt lên hai đầu gối, mắt mở to nhìn thẳng vào mắt ông:

– Ba, con  biết ba có bồ!       

Ông thoáng sững sờ, rồi phì cười:

– Trời đất, ai nói mà con biết?!

– Tự con biết, chính mắt con thấy!

– Có thể là một sự hiểu lầm?

– Không lầm đâu… cô ấy tên Huệ, hai mươi ba tuổi, bằng tuổi con gái của ba, cô ấy mồ côi mẹ, sống vôới người cha bị bệnh ung thư gan vào thời kì cuối, cô ấy làm việc cho quán cà phê… phải không ba?!

-…

Ông im lặng một lúc, cô con gái cũng im lặng. Nhờ ánh nến vàng nên khó có thể nhìn thấy gương mặt ông tái xanh và gương mặt cô ửng đỏ. Bài hát Tuổi đá buồn vừa dứt, ông đảo mắt nhìn chung quanh… hình như ai cũng ngồi lặng im như pho tượng. Tất cả mọi thứ đều hóa tượng! Ông gọi phục vụ mang  cho ông một lon bia và một gói thuốc lá.

– Ba uống bia?!

-…

– Ba, ở đây người ta không cho hút thuốc!

– Ba xin lỗi!

– Về điều gì?

– Về tất cả!… Con… con… có thể giấu mẹ về chuyện ba có bồ không?! Mẹ con sẽ không chịu đựng nổi nếu biết được!

Cô không trả lòi, uống vào một ngụm cà phê và chăm chăm nhìn ngọn nến. Bất chợt cô nhìn vào mắt ông, mới đây mà đôi mắt ấy đã trũng sâu, ngân ngấn nước.

– Ba không thể bỏ cô ấy được sao?

– Rồi ba sẽ cố gắng!

– Ba yêu cô ấy sao?

– Ờ…

– Vì ba yêu cô ấy thật hay vì quyền lợi?

– Trước tiên là vì quyền lợi, sau là vì ba yêu thật!

– Thế còn mẹ con?

– Ba vẫn yêu mẹ, nhưng chuyện tình cảm có nhiều điều khó lí giải, lớn hơn nữa con sẽ hiểu!

– Thôi được, con sẽ giấu mẹ, nhưng ba phải hứa là sẽ cố gắng, đừng làm mẹ khổ!

– Ba hứa!

Họ lại ngồi im lặng thêm một lúc nữa rồi ra về. Ngoài đường phố, những hạt mưa cuối thu nhẹ nhàng rơi. Hai cha con chạy song song bên nhau về đến nhà mà không một lời trò chuyện. Người đàn bà che dù chạy ra mở cổng, miệng nở nụ cười thật tươi nhìn họ… rồi thoáng bối rối…

Một tuần sau đó, mắt của người đàn bà sâu hẳn vì mất ngủ. Suốt một tuần bà không thấy hai cha con họ cười giỡn với nhau như trước, mọi lời nói, cử chỉ của họ đều gượng gạo dù đối với bà họ vẫn vậy… Cuối cùng thì bà cũng hiểu ra được, mắt bà càng sâu và tim bà cứ quặn lên từng hồi!

Hôm nay, ông có việc phải trao đổi với một đối tác kinh doanh trong quán nước sân vườn ở ven thị. Đang ngồi thảo luận say sưa thì ông thấy thấp thoáng hai dáng người vừa dắt xe ra, là một người đàn ông luống tuổi và một cô gái trẻ… Người đàn ông ấy ông không biết, nhưng còn cô gái trẻ thì ông không lầm! Tay ông buông điếu thuốc, người ông toát mồ hôi lạnh, tóc trên đầu và lông ở hai cánh tay dường như dựng đứng… Ông  đứng dậy, lảo đảo đi đến chỗ người giữ xe, lắp bắp hỏi:

– Anh ơi, hai người đấy là cha con à?

– Không, họ là tình nhân. Mỗi tuần họ đến đây một lần. Ông có quen sao?

– À… không, tôi thấy lạ nên hỏi vậy thôi.

– Thời buổi bây giờ, chuyện như thế có gì là lạ. Thật chẳng ra làm sao cả!

– À… phải…

Ông cám ơn rồi quay về chỗ ngồi. Hôm ấy, công việc của ông hoàn toàn thất bại! Ông đi như mộng du qua các con đường, bên tai lúc nào cũng văng vẳng lời rên xiết: “Ôi, tôi thật tội nghiệp!”… Rồi ông dừng xe trước nhà Huệ. Huệ đang đứng trước bàn thờ, trong bộ đồ tang trắng… khói hương bay quyện lấy dáng người mảnh mai của Huệ. Ông thấy chân Huệ từ từ rời khỏi mặt đất, ông thảng thốt kêu:

– Huệ!

Huệ bước đến gần ông, nhìn ông từ tốn, và đưa đôi bàn tay mềm mại vuốt hai má ông.

– Anh làm sao vậy?

– À… không sao… Tôi đến thắp nhang cho ba em, mấy ngày qua em buồn lắm phải không?

– Nếu không có anh mỗi ngày mỗi đến thăm, chắc em chết mất!

Ông đến trước bàn thờ thắp nhang, bất chợt ông thấy người trong khung ảnh mở trừng mắt nhìn ông, rồi nhắm mắt lại vẻ bất lực… Ông vội vàng đến bên Huệ rồi dìu Huệ ngồi xuống giường. Ông định ôm Huệ vào lòng nhưng hai tay bỗng run lên và tim đập mạnh, hai khoé mắt tràn ra hai giọt nước… Ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ nhắn của Huệ, mắt đăm đắm nhìn vào khoảng không, thì thào:

– Huệ, em có yêu tôi không? Phải gọi tôi bằng “anh”, em có ngượng miệng không?

– Dạ có… Sao anh lại hỏi như vậy?

– Em yêu tôi vì nghĩa vụ hay vì yêu thật?

– Vì cả haí!

– Ngoài tôi ra em có yêu ai không?

– Em chưa kịp… Hôm nay anh làm sao vậy?

– Kể từ hôm nay, nếu không có tôi, em có sống được không?

– Nhưng em đã thuộc về anh…

– Không … Tôi muốn trả tự do cho em! Em còn trẻ, trong khi tôi là một ông già… Tội nghiệp cho em!

– Nhưng anh là người đàn ông của  đời em, và em chỉ còn có anh!

– Không cần phải như vậy. Sao em không sống tự do như nhiều cô gái trẻ đẹp khác đang sống? Em còn tương lai tốt đẹp phía trước. Tôi trả tự do cho em!… Huệ, rồi em sẽ làm gì?

– Em sẽ tìm một công việc tốt hơn, và đi học trở lại… Nhưng…

– Em đừng khóc! Em rất tội nghiệp, và tôi cũng đang rất tội nghiệp, em không biết đâu…

Ông lau nước mắt cho Huệ lần cuối cùng, ông xiết chặt Huệ trong lòng mình một lần cuối cùng. Lần duy nhất, Huệ thấy ông rơi nước mắt.

Ông tất tả chạy vào phòng hồi sức. Trên giường bệnh, người đàn bà nằm mê man. Ông ngồi bên cạnh, nhìn thật lâu vào gương mặt vợ, nơi mái tóc dày sợi bạc, nơi khóe mắt hằn sâu vết nhăn, thâm quầng và ngân ngấn nước, nơi đôi môi mấp máy và nơi lồng ngực cho thấy nhịp tim yếu ớt, rời rã… Tự đáy lòng ông bật lên lời rên xiết: “Ôi, bà thật tội nghiệp! Bà vô cùng tội nghiệp!”

Bà đã tỉnh, nhìn ông với ánh mắt ngỡ ngàng:

– Ông đang đi công tác mà!

– Tôi là chồng bà!

Ông cho bà uống sữa, dịu dàng vuốt lên mái tóc của bà.

– Con gái đâu ông?

– Nó đi công tác xa.

Bà thở dài, đưa tay vuốt tóc ông.

– Sao tóc ông bạc nhanh quá vậy?!

– Tóc bà bạc nhanh hơn! Mà sao đột nhiên bà ngã bệnh?

– Tôi vừa hay tin con gái được lên chức!

– Bà không vui sao?

– Tin đó làm tôi khổ sở! Ông không biết sao, nó được lên chức là nhờ nó có bồ, mà bồ của nó… Ông à…

 Bà khóc. Ông cúi mặt, trầm ngâm.

– Tôi biết chứ, nên tóc tôi chóng bạc… Tôi cũng có bồ, bà có biết không?!

– Tôi biết!

– Sao tôi không thấy bà ghen?!

– Tôi có ghen, tại ông không chịu để ý… Lúc giặt đồ, tôi đã cắn, đã nhổ vào vết son rất nhạt trên áo ông. Mỗi tối ông đi chơi, tôi đã nhìn theo với ánh mắt vừa đau đớn vừa thù hận. Mỗi tối nằm ngủ, tôi tưởng tượng có một kẻ thứ ba chen vào giữa tôi với ông, tôi đã khóc rất nhiều…

– Sao bà lại im lặng chịu đựng?

– Vì tôi nghĩ tôi và ông đã từng rất yêu nhau, rất trân trọng nhau, ông từng là người đàn ông rất mẫu mực… tôi có thể sống bằng quá khứ… Nhưng tôi sẽ không sống nổi nếu con gái cứ tiếp tục như thế!

– Rồi mọi việc sẽ qua, cha con tôi sẽ tạ tội với bà!

Trong quán cafebar Thiên Hồng, ông ngồi đối diện với cô con gái ở chiếc bàn đặt bên khung cửa kính, trên bàn vẫn là ngọn nến cháy trong ly thủy tinh chứa nước màu vàng. Ngoài đường, mưa cuối thu nhẹ nhàng rơi, vài chiếc lá vàng đáp nhẹ xuống vỉa hè, những đôi tình nhân ủ ấm cho nhau dạo vòng  qua các nẻo  phố… Ở chiếc bàn đối diện, có một người đàn ông, một người đàn bà và hai cậu trai trẻ đang quây quần bên ngọn nến cháy trong ly thủy tinh chứa nước màu hồng…

– Sao ba lại hẹn con ra đây?

– Ba cho con biết, ba và Huệ đã chấm dứt với nhau. Ba cô ấy đã qua đời!

– Vì ba cô ấy qua đời nên cô ấy không cần ba nữa, phải không?

– Con nghĩ như vậy sao… Cô ấy không giống như con!

– Ba!

– Ba biết con có bồ!

– Ai nói mà ba biết?

– Chính mắt ba nhìn thấy! Tại sao con lại như vậy, con muốn làm cho ba day dứt, hối hận phải không?

– Thưa ba, không phải… Ba nói đi, tại sao con không xinh đẹp?

– Tại vì ba xấu!

– Nhưng mẹ rất xinh đẹp!

– Con thừa biết là gen di truyền của ba trội hơn.

– Tại sao Quân không yêu con, từ bỏ con… Tại con không xinh đẹp! Con không có được tình yêu nên con muốn có danh vọng, ít ra thì con còn có thể ngẩng mặt!

Cô khóc. Ông đến ngồi bên cạnh, ôm vai con gái, vỗ về:

– Nghĩ lại đi con, xinh đẹp có mang đến hạnh phúc không? Mẹ con, Huệ có hạnh phúc không?

– Mẹ quá hiền lành, còn Huệ quá khờ khạo như bao cô gái quê mùa khác. Với phụ nữ, sắc đẹp có thể mang đến cả tình yêu và danh vọng, để người ta có thể ngẩng cao đầu!

– Nếu con đẹp, con có yêu Quân không, khi mà trong người con lúc nào cũng đầy tham vọng? Chỉ có phấn đấu hết mình vì ước vọng trong sáng mới cho ta cảm giác vui sướng. Con là một cô gái thông minh, dịu dàng và rất có tài, sẽ có một chàng trai tốt khác yêu con, vấn đề là ở chỗ con phải có lòng  kiên nhẫn và sự hài lòng!

– Nhưng ông ta yêu con, và giữa chúng con đã có một sự ràng buộc nào  đó, hoặc ít ra thì con cũng có yêu ông ta!

– Ba xin con! Vì Huệ mà ba cô ấy sớm mất đi. Ông ấy rất tội nghiệp… Còn Huệ nữa, cô ấy khiến ba phải suy nghĩ rất nhiều… Ba nhớ lại, khi tình tự với ba, có duy nhất một lần cô ấy mở mắt nhìn ba, và rùng mình hốt hoảng, ứa lệ… Ba đã nghĩ đến mái tóc bạc, làn da nhăn và nghĩ đến tuổi đời, đạo lý… nhưng chỉ bây giờ ba mới nghĩ, trong sự xấu hổ và đau  đớn, vì ba là ba của con… Con phải biết rằng mẹ ngã bệnh là vì chúng ta!

– Con sẽ nói sao với ông ấy đây?!

– Hãy kể cho ông ấy nghe về ba, về con… Ông ấy sẽ mang ơn con, nếu ông ta là người xứng đáng, hoặc nếu ông ta cũng có con gái!

– Ba!

– Mẹ con muốn lần sau nếu chúng ta có đến đây thì sẽ có mẹ theo cùng, con nghĩ sao?!

– Ba!

Họ rời khỏi quán và cùng nhau đi dạo, mang theo dư âm của bài hát “Em và Tôi” mà một nam ca sĩ nghiệp dư luống tuổi có đôi mắt đa cảm vừa mới hát, giọng hát rất có hồn.

– Con nghĩ khi nào thì một hình tròn không còn là hoàn hảo?

– Thì khi nó không còn là một hình tròn, đúng không ba?!

– Ừ, gia đình ta vốn là một hình tròn, một chiếc bánh nướng tuyệt diệu, vậy mà ba lén cắt đem cho người khác một cách không minh bạch… Người ta phấn đấu cả đời để tạo ra nó… Huệ cũng từng khao khát được ở trong cái hình tròn như chúng ta, tội nghiệp cô ấy!

– Ba, con biết mẹ rất sợ cái tính đa cảm của ba!

– Ừ, mẹ cũng rất sợ cái tính tham lam của con đấy. Mẹ con mới thật tội nghiệp!

SAI GON, 9. 2002