Illustration by Edel Rodriguez
Robert Coover (1932–) là nhà văn người Mỹ và giáo sư hưu trí ngành sáng tác tại Đại học Brown. Ông được trao giải Rea cho truyện ngắn năm 1987. Truyện ngắn “The Crabapple Tree” (The New Yorker, Jan 12, 2015 issue) đã mang lại cho ông Giải O. Henry 2016.
Cây táo tây
Chuyện diễn ra ở đây trong thị trấn của chúng tôi. Một người bạn của tôi—từng cùng trong đội cổ vũ—cưới một gã nông dân địa phương, và lập tức họ muốn có con, dù bác sĩ khuyên cô không nên. Cô có máu khó đông, bác sĩ nói, và nếu cô bắt đầu thì bác sĩ có thể không cầm máu được. Nhưng cô không nghe. Cô tiến tới và mang thai, rồi băng huyết đến chết trong lúc sinh con và được chôn cất trong trang trại, dưới gốc cây táo tây. Đáng buồn làm sao. Tôi khóc mất một tuần. Đứa bé sống sót, một cậu nhóc khá nhỏ; bố thằng nhóc gọi nó là Cu Tí, nhưng tôi không biết đấy có phải tên thật của nó hay không.
Bố thằng bé làm lụng chăm chỉ và tốt bụng—tôi từng có một buổi hẹn hò xem phim với anh ta hồi chúng tôi còn trẻ—nhưng đôi khi anh ta uống quá nhiều và vô cùng tệ hại với công việc nhà cửa thường ngày và nuôi nấng trẻ. Chẳng bao lâu anh ta tái hôn, không rõ thông qua dịch vụ mối lái hay nhặt được cô ta trong một quán ba ở đâu đó, bởi vì không ai trong chúng tôi biết cô ta. Cô ta gợi cảm, mạnh mẽ, một cô gái điếm, có lẽ thế. Cô ta chẳng hề cố trở thành một người trong số chúng tôi hay làm chúng tôi giống như cô ta. Tôi đoán cô ta coi chúng tôi thấp kém hơn cô ta. Chúng tôi gọi cô ta là Gái. Cô ta lẳng lơ, và nghe nói cô ta đã lôi một nửa đám đàn ông trong thị trấn lên giường, trong đó có cả bồ cũ của tôi. Bọn họ chối bay, như những ông chồng dối trá vẫn làm, nhưng, khi nói đến chủ đề đó, những điệu cười thỏa mãn nho nhỏ sẽ xuất hiện trên gương mặt bọn họ và ánh mắt họ sẽ nhòa đi như thể họ đang nhớ về quãng thời gian hoang dại mà mình từng có.
Bố Cu Tí biết tất cả những điều ấy, cũng có thể không. Gần như lúc nào anh ta cũng say hoặc ở ngoài đồng, và để việc nuôi nấng thằng bé cho cô vợ mới. Anh ta yêu Cu Tí đến mức thằng bé nhắc anh ta nhớ về người vợ quá cố của mình, nhưng ghét nó cũng vì lý do ấy, cũng như anh ta ghét mẹ thằng bé vì đã qua đời một cách ích kỷ trong tay anh ta. Anh ta từng hy vọng có một người khỏe mạnh giúp cáng đáng việc đồng, nhưng Cu Tí thì xương xẩu ốm yếu nhấc tay lên ngoáy mũi đã khó, nói gì đến cào và xẻng. Chắc chắn anh ta không hợp với Gái, cô ta vốn có tính khí ích kỷ và thường bạo hành anh ta, bất kể có hay không có cớ.
Gái có một cô con gái từ mối quan hệ trước, một con bé dễ thương có đôi mắt to mơ mộng tên là Marleen. Tôi chưa bao giờ hiểu con bé. Dường như Marleen sống trong một xứ sở trong truyện của riêng mình. Khi con bé nói, nó nói về thế giới, cách sống của giới ca sĩ, và những gì con bé nói hiếm khi có nghĩa. Có lẽ bạn phải có con mới hiểu được con bé. Con gái tôi—giờ là một cô gái trẻ và cũng đã có cô con gái của riêng mình—cùng tuổi Marleen, và đôi lúc hai đứa vẫn chơi với nhau, con gái tôi đạp xe đến trang trại rồi về, hoặc có lúc tôi đưa con bé đi và đón nó về. Con gái tôi có nhiều chuyện về Marleen, nhưng không phải lúc nào tôi cũng hiểu những câu chuyện ấy.
Marleen nhanh chóng quen thân với cậu em mới. Hai đứa dính với nhau như hai chị em chung cũi và có cách nói chuyện với nhau mà không cần dùng lời. Con gái tôi bảo có thể là cách nói chuyện của lũ chim mà Marleen từng đề nghị dạy con bé. Một số người nói Cu Tí lạ lùng, người khác nói thằng bé có gì đó ma quái. Chẳng hạn, một lần thằng bé bằng cách nào đó trèo lên được nóc nhà kho, và họ phải gọi sở cứu hỏa đưa thằng bé xuống. Gã cứu hỏa nói chẳng hiểu vì sao thằng bé leo lên được đấy, nếu không phải là bay. Marleen nói thằng bé làm thế là vì lũ chim muốn thế. Con bé bảo con gái tôi cây táo tây đã giúp thằng bé, dù nó gần căn nhà mà không gần nhà kho. Tôi không biết ý con bé là gì. Con gái tôi cũng không, còn Marleen thì chưa bao giờ giải thích điều đó trong cách nói chuyện đặc biệt của con bé.
Con gái tôi và Marleen chơi búp bê và đồ hàng và bác sĩ, như mọi đứa con gái khác, và đôi lúc chúng cũng dùng Cu Tí trong những trò chơi của mình. Theo những cách hay ho và có thể không được hay ho cho lắm. Marleen kỳ quái có thể làm bất cứ điều gì, còn con gái tôi thì có tính tinh nghịch và tò mò, mọi thứ đều có thể diễn ra. Mà nói cho cùng, trẻ con chỉ là trẻ con. Tôi nghĩ phần lớn cứ để kệ chúng là tốt nhất. Trẻ con cần được tự mình lớn lên—tôi luôn tin như thế.
Chẳng hạn, Marleen muốn có một con cún nên con bé tròng vòng cổ và dây xích vào cổ Cu Tí rồi dắt thằng bé trần truồng bò xung quanh và diễn xiếc với thằng bé. Thậm chí con bé còn dạy thằng bé đi tè với một chân nhấc lên. Thằng bé chưa bao giờ kêu ca. Khi làm những điều không tốt, như cắn người đưa thư hay đi nặng trên giường mẹ kế, Marleen vỗ mông thằng bé bằng một tờ báo cuộn lại như người ta vẫn làm với một con chó con. Rồi thằng bé sẽ rên rỉ cho đến khi con bé gãi giữa hai tai nó và cho nó một cái bánh quy. Con gái tôi nói hình như Cu Tí chủ động làm những điều không tốt để được đánh. Tôi thì nghĩ thằng bé chỉ muốn được chú ý khi mà nó có bố mẹ như thế. Bố thằng bé không ở nhà, Gái thì ghét nó, nên tất cả những gì nó có chỉ là Marleen và những trò chơi của con bé.
Cu Tí không thuộc dạng khỏe mạnh, nhưng mỗi lần nó ốm Marleen đều làm cho nó khỏe lại. Đó là cái tài của con bé. Đôi lúc nó cũng có tác dụng với người khác. Một lần, con gái tôi bị viêm amidan rất nặng, nhưng bằng cách nào đó Marleen đã hạ sốt cho con bé và từ đấy con bé không còn viêm amidan nữa. Dù vậy, Marleen đã không làm gì được cho cái móng chân cụt và những vết nhiệt miệng của tôi.
Cu Tí cũng có tài, và một trong số đó là tìm đồ lạc. Một lần, tôi đánh rơi một bên hoa tai, con gái tôi đưa Marleen và Cu Tí đến nhà để tìm. Thằng bé bò xuống mặt cúi sát sàn nhà, Marleen cho thằng bé xem bên hoa tai còn lại và cất tiếng líu lo có lẽ có nghĩa là “Tìm đi!,” bởi vì đấy chính xác là điều thằng bé làm. Nó rơi vào một trong những đôi giày thể thao cũ trong tủ. Thằng bé còn tìm được một cái bàn chải cọ móng tay mà tôi còn không biết là đã mất. Chơi trốn tìm chẳng vui gì hết, con gái tôi nói, vì Cu Tí luôn đi thẳng đến nơi bọn trẻ trốn. Bịt mắt bắt dê cũng thế—cứ như thể thằng bé có thể nhìn qua tấm vải bịt mắt. Còn nếu chơi vào buổi tối, trò ma trong nghĩa địa sẽ hết sức đáng sợ, vì thằng bé có thể đem lại cảm giác nó ở đó mà đồng thời cũng không ở đó.
Marleen cũng có thể rất đáng sợ. Mỗi khi con bé ở quanh, nhìn chằm chằm với đôi mắt mở to và nói lớn tiếng với không một ai cụ thể, tôi luôn giật mình và đánh rơi đồ. Con gái tôi kể giáo viên của chúng nó cũng thế, và đôi lúc phải bảo Marleen ra khỏi phòng để trấn tĩnh.
Marleen thường chơi với Cu Tí theo cách người ta chơi với một con búp bê vải, tung tẩy thằng bé, đung đưa nó bằng một tay hoặc một chân, còn thằng bé trông đờ đẫn và như thể đã bị rút hết xương trong mình. Thực sự rất buồn cười. Chúng nó có thể diễn kịch trên truyền hình. Chơi với Cu Tí như một con búp bê vải là trò chơi yêu thích của con gái tôi.
Rồi một hôm khi Marleen đang nắm đôi cổ chân mềm của thằng bé kéo qua kéo lại, cổ thằng bé gãy. Con gái tôi sợ hãi. Nó vừa khóc vừa chạy về nhà, dù cuối cùng cũng quay lại đó. Marleen bảo con bé mẹ nó ghét Cu Tí nên đã cắt cổ thằng bé rồi dán lại mà không nói cho Marleen biết, nên cái đầu sẽ lại gãy ra khi chúng nó đang chơi đùa với thằng bé rồi con bé sẽ bị đổ tội. Nhưng cảnh sát trưởng, người đến điều tra cái chết, bảo tôi rằng sau khi trò chuyện với gia đình thằng bé, anh ta tin đó chỉ là một tai nạn bi thảm trong gia đình và con bé chỉ tưởng tượng ra những câu chuyện ngớ ngẩn về tai nạn ấy.
Thằng bé được chôn bên cạnh mẹ nó dưới gốc cây táo tây, và điều đó cũng buồn, nhưng ngay từ đầu nó đã chưa bao giờ có vẻ là một phần của thế giới này, nên chuyện không quá buồn như khi mẹ nó qua đời.
***
Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp cảnh sát trưởng sau khi chồng tôi bỏ tôi. Nói thật thì trước đó cũng có. Anh ta ngọt ngào và đôi lúc khá vui vẻ khi ở cùng nhau, nhưng phần lớn thì không, như một người hay gặm móng tay lo lắng từ bản tính. Tôi có thể thấy lý do vợ anh ta bỏ anh ta. Gã cứu hỏa vui vẻ hơn và chưa bao giờ lo lắng về bất cứ điều gì, nhưng gã đã có ba vợ và nói không muốn có thêm cô vợ nào nữa. Giờ gã thích rượu hơn gái, gã nói thế, và—hơn cả hai—trận bóng hàng tuần trên ti vi. Cảnh sát trưởng đã học đến năm cuối khi tôi mới năm nhất. Hồi đó chúng tôi đã làm một số thứ cùng nhau, nhưng tôi vẫn còn rất trẻ và ngại ngùng, và tôi nghĩ, giờ nhớ lại, anh ta cũng thế. Anh ta theo Công giáo còn tôi thuộc Giáo hội Luther, nên dù sao chuyện cũng không đi đến đâu. Cả hai vẫn đi nhà thờ, nên giờ cũng không có gì đi đến đâu cả, nhưng đến thời điểm này của cuộc đời, điều đó không còn đủ để giữ hai con người cô đơn không ngủ chung một giường.
Vài tuần sau khi Cu Tí qua đời, một hôm con gái tôi đến trang trại và thấy Marleen đang ngồi cạnh một cái hố dưới gốc cây táo tây, chơi với một đống xương. Marleen nói đống xương là của đứa em, thằng bé bị mẹ con bé nấu trong một nồi hầm bia đen, rồi bố dượng nó ăn, gặm nhấm từng chiếc xương nhỏ trước khi đem chôn. Marleen đã đào chúng lên và đang xâu lại với nhau thành một con búp bê Halloween kinh dị cỡ người. Con bé đang ngâm nga một điệu hát về xương, rồi líu lo như một con chim, giơ con búp bê bằng xương lên và lúc lắc nó. Đó là khi con gái tôi ngừng chơi với con bé.
Phải có một đạo luật chống lại những thứ như thế, nhưng khi tôi kể cho cảnh sát trưởng những gì con gái tôi nói, anh ta chỉ gặm móng tay và nói kỳ quái làm sao khi bọn trẻ có thể tưởng tượng ra những câu chuyện điên rồ như vậy. Tôi hỏi anh ta có nghĩ điều đó là thật hay không, hoặc ít nhất có phần nào là thật hay không, và anh ta trả lời là không, anh ta biết rõ bố mẹ con bé, nhất là mẹ nó, và chuyện như thế không đời nào diễn ra. Rồi tôi nhận ra, như một nửa đàn ông của thị trấn, cảnh sát trưởng có thể từng là một gã qua đêm của Gái, có thể vẫn là. Anh ta không quan tâm đến bất cứ suy đoán nào nữa về con bé mà anh ta gọi là “con bé dở người dễ thương có đôi mắt to.” Anh ta hứa sẽ qua trang trại xem ngôi mộ có bị xâm phạm hay không, nhưng chưa bao giờ bảo tôi anh ta đã làm hay chưa.
Một phần trong câu chuyện của Marleen mà tôi nghĩ có thể là thật là cách Cu Tí qua đời. Gái, vốn ghét cay ghét đắng đứa con riêng của chồng, hoàn toàn có khả năng làm hại nghiêm trọng cơ thể thằng bé, như cảnh sát trưởng sẽ nói, trong giọng như phim thám tử của anh ta, rồi đổ tội cho con gái mình. Có điều gì đó quái dị về cô ta—chúng tôi đều cảm thấy thế. Dĩ nhiên, cô ta đã xáo trộn nhiều cuộc hôn nhân của chúng tôi, nên chúng tôi không hẳn là không định kiến. Tôi không nghĩ bố Cu Tí có thể cố tình ăn thịt thằng bé, nhưng anh ta thường say đến nỗi không còn biết mình đang làm gì, và có thể Gái đã dẫn dụ anh ta. Món hầm là món hầm. Ai mà biết có gì trong đó?
Gã cứu hỏa bảo tôi một hôm gã uống với bố Cu Tí, anh ta than mọi người đều hiểu lầm vợ mình. Cô ta có mặt tối, ừ đúng—ai mà không có? Nhưng phần lớn chỉ là cô ta sợ hãi và cần được bảo vệ, và anh ta có thể cho cô ta điều đó. Bố Cu Tí cảm thấy không khỏe, loét hay gì đó, và anh ta nói mình biết whiskey không thể chữa lành, nhưng anh ta là nông dân và ngày nào cũng làm những việc nhất định theo lịch theo giờ. Uống rượu mỗi đêm là một phần của thói quen ấy, và giờ anh ta không thể thay đổi nó. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc vợ anh ta phải chịu cô đơn trong phần lớn thời gian, và cô đơn làm cô ta sợ, đó là lý do cô ta liên tục ăn nằm với những người đàn ông khác. Mọi thứ đều làm cô ta sợ, anh ta nói. Trang trại làm cô ta sợ, chim cũng làm cô ta sợ, gia súc, thậm chí cả cây táo tây chết giẫm. Cô ta sẽ không lại gần đó. Cô ta liên tục nhìn lên đầu như thể sợ thứ gì đó sẽ rơi vào người. Rồi gã cứu hỏa mắc sai lầm là nhắc đến tin đồn về nồi hầm bia đen và nhận một cú đấm vỡ mũi vào mặt, và đó là cái kết của việc uống rượu cùng nhau.
***
Bố Cu Tí qua đời một năm sau Cu Tí, gần như cùng ngày, nằm cùng thằng bé và mẹ nó dưới gốc cây táo tây. Bác sĩ nói anh ta uống quá nhiều và làm hỏng gan, có thể như thế thật, nhưng anh ta ốm và chết nhanh đến đáng sợ. Gái thậm chí còn không đến dự tang lễ, như thể thừa nhận những gì cô ta đã làm, nhưng cảnh sát trưởng đã từ chối ra lệnh khám nghiệm tử thi gã nông dân. Anh ta nói nó không thuộc thẩm quyền của mình, nên chúng tôi không bao giờ biết chắc. Mọi người tin Gái đã giết con riêng của chồng, đầu độc anh ta, bỏ rơi con gái mình, rồi bỏ trốn, nhưng con gái tôi nói nó không chắc. Con bé nghĩ mẹ Marleen cũng ở dưới gốc cây táo tây.
Ở lễ tang của bố mình, Marleen bảo con gái tôi nó rất tiếc khi con bé không còn qua chơi, nhưng như thế cũng không sao, vì em trai nó đã sống lại từ những chiếc xương mà nó đã nối, và hai đứa lại chơi cùng nhau như trước. Nấm mộ của thằng bé được phủ bằng đất và cỏ dại và trông vẫn luôn như cũ. Có thể Marleen nghĩ ra những câu chuyện ấy vì con bé đã quá cô đơn và muốn con gái tôi nối lại tình bạn, nhưng vô tác dụng. Với con gái tôi, như thế là quá đủ. Dù sao đi nữa, con bé cũng đã quá lớn để chơi những trò kỳ quái của Marleen. Dĩ nhiên, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cậu bé xác chết, dù con gái tôi nói “đại loại” đã thấy nó, “kiểu như ‘ma trong nghĩa địa,’” khi một đêm con bé đạp xe qua trang trại cùng cậu bạn trai.
Cuối cùng, Marleen thừa hưởng trang trại, dù nó không còn chính xác là trang trại. Con bé bắt đầu nuôi chim và các con vật khác ở đó, biến nó thành nơi trú ẩn của động vật hoang dã. Có thể Cu Tí tưởng tượng của con bé là một phần của đời sống hoang dã ấy. Một số con vật sống trong nhà với con bé. Thật ra, không có nhiều khác biệt giữa bên trong và bên ngoài.
Dĩ nhiên, không có tiền trong nơi trú ẩn của động vật hoang dã, nên khi lớn lên, Marleen tiếp nối cái mà chúng tôi đều cho là nghề nghiệp của mẹ con bé, nhưng như thể sống trong một câu chuyện về chính mình, không ý thức hay hệ quả, một kiểu vở diễn búp bê của chính con bé.
Gã cứu hỏa ngày càng béo vì đồ ăn nhanh, nên gã đổi ý chuyện không cưới thêm vợ và đồng ý cưới tôi nếu tôi hứa nấu cho gã những món ăn tươm tất, ít năng lượng. Tôi có thể làm điều đó, và nó cho tôi một dạng tương lai. Những nỗ lực làm tình ngắn ngủi của gã giống như thời gian hội ý trong một trận bóng, lúc nào cũng thế, nhưng ít nhất gã chưa từ bỏ nó hoàn toàn. Marleen đã khơi gợi trí tò mò của gã, và gã quyết định đến thăm dò con bé như bữa tiệc độc thân trước lễ cưới, và, với bản tính đùa cợt, gã giỡn chuyện đó với tất cả bạn bè của chúng tôi. Tôi bảo gã cẩn thận, vì người ta luôn có cách biến mất quanh Marleen.
Gã đã không biến mất. Gã trở lại và chúng tôi kết hôn. Nhưng gã không nói gì về những gì đã diễn ra đêm hôm ấy, và, thật ra, không bao giờ nói nhiều về bất cứ điều gì nữa. Hằng đêm gã vẫn đến quán ba để ngồi cạnh những cốc bia, mỉm cười một cách căng thẳng và lẩm bẩm với chính mình như thể gã đang trải qua thứ gì đó trong đầu. Gã nghỉ làm ở sở cứu hỏa. Thôi xem bóng. Nói nó không “thật,” nhưng cũng đồng ý có lẽ không có thứ nào khác là thật.
Qua nhiều năm, chúng tôi đã quen với suy nghĩ về Marleen như một thứ kỳ lạ nhưng phần lớn vô hại ở bên lề cuộc sống của mình. Bọn trẻ vẫn lẻn đến gần cây táo tây, nhưng, như Gái, chúng chưa bao giờ đến dưới gốc. Chúng tưởng tượng ra những câu chuyện về những xác chết được chôn dưới cái cây, chủ yếu để dọa bọn trẻ bé hơn. Một lần, ai đó cố châm lửa đốt nó—trông như việc làm chuyên nghiệp, và gã cứu hỏa vẫn chưa lên cơn đau tim, nên có thể gã có dính líu. Để bảo vệ cái cây, Marleen xây một căn chái cho ngôi nhà trong trang trại, có lỗ ở mái cho nó, hoặc có lẽ nó tự mình di chuyển vào. Người ta nói quả của nó có độc, nhưng lũ chim vẫn tụ tập trên thân cành trĩu quả của nó như bầy quái thú đầu người mình chim ríu rít để ăn, và, nếu có chuyện gì xảy ra thì chỉ là chúng trở nên ồn ào hơn và đông đúc hơn, và xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết.
Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng.