Cũng lạ, cây quạt chiếm vị trí  trung tâm trong thơ Mallarmé, thông thoáng,  mơ hồ, cản trở, tham dự…Trở thành mẫu mực của thơ, nó dẫn dụ như một hơi gió do tay phát ra, một nhịp liên tục hiện rồi biến. Như động tác, đi về, quảng không đóng mở Cái quạt của Mallarmé là mô típ quay về, trùng phục hay láy đi láy lại…. Trong bài  “Sự biến hóa của một chủ đề” ( Variations sur un sujet) Mallarmé đã viết : “ Sự gấp xếp đối với trang giấy in cở lớn, là một triệu chứng gần như thuộc tín ngưỡng , nó không dập mạnh chồng chất thành chiều dày, cho người ta có cảm giác là ngôi mộ nhỏ, dĩ nhiên là ngôi mộ của tâm hồn.”

Nếu quyển sách và cây quạt có điểm giống nhau ở sự đóng và khép, mở ra và chồng lên, nhưng cách thức rất khác nhau. Với quyển sách lằn xếp đồng nhất, còn cây quạt thì có vô số lằn xếp; quyển sách có nhiều trang, còn cây quạt chỉ có một trang duy nhất. Cây quạt mở ra trước mắt trọn vẹn, còn sách chỉ mở ra từng trang từng đoạn. Cây quạt mở ra như tràng hoa, còn sách xếp lại như nấm mồ nhỏ. Quyển sách ẩn dấu một sự bí mật, còn cây quạt thì như bày ra trò chơi. Quyển sách giống như một cái tủ, chống lại không gian cường bạo một cách tế nhị, xếp dấu cái tự ngã hiện hữu đến tận cùng  và chân thành. Cây quạt trái lại, tự mở ra trước không gian, nó không bảo vệ chống lại sự tế nhị của nó, nó không che đậy cái nội tâm mà mở ra. Nó hoạt động, nó trình bày, nó thiết lập nhịp điệu và động tác; trong khi quyển sách như hăm dọa tự đông cứng  như nấm mộ.

Cây quạt trước  mắt thi nhân như một trang sách mẫu thoải mái. Khinh khoái và thoáng đảng, cao quí và vững chắc, vốn đồng nhất và phân tán, như là từng bộ phận của nó – nhịp, câu, đoạn, hay chủ đề  — toàn thể nó không bao giờ cô đặc lại. Đi đến cùng , nhịp của bài thơ xếp lại, trong khi cây quạt gọi đó là “coup de dé” ( may mắn) ý tưởng theo đoạn dọc bày ra, và một câu thơ tung ra và liên tục “được ngắt ra” còn cây quạt là như trang giấy độc nhất có  nhiều nếp, nó thỏa mãn cái ước vọng chung  của một bài thơ có kích thước chính xác, hay là cái quảng dài của  quyển sách mà nó tiếp theo không phải là sự thu nhập, một album và sưu tập, mà là đối tượng của trang giấy duy nhất dâng tặng  cho sự theo đuổi một văn bản độc nhất.

Nếp gấp xếp của bài thơ đó là những  khoảng trắng  “là cái khung tri thức” của nó. Đó cũng là  khoảng ngắt hơi của sự đọc, thứ sắc dục phô bày ẩn dấu, hiện, biến. Dưới  mắt của Mallarmé, chữ viết và  đọc tạo thành một trò chơi bác học, chứng tỏ cái mà ông gọi là “dáng điệu của ý niệm” (les gestes de l’idée) và là “ hành vi thi tính (l’acte poétique), gồm có sự bắt gặp  một ý niệm tương tợ phân chia thành một số những mô-típ có giá trị để tập họp nó lại, lằn xếp của cây quạt phù hợp với thi pháp lặp lại (reflets réciproques). Người ta có thể nói rằng đó là nhịp của ý nghĩa. Nó tạo thành những câu thơ và những đoạn tập hợp lại, những ý tưởng chia nhỏ ra như hình lăng trụ (subdivisions prismatiques). Cái thi tính lấp lánh, gấp xếp và những láy lại thành cặp với tư tưởng vừa tập hợp vừa phân chia ra.Tia lấp lánh của thủy tinh như khao khát, từ đó thu họach được những mảnh vụn và khúc xạ có tính toán, nó không còn bị đè nặng  như không chịu nổi tia sáng tuyệt đối ngoài nội dung .

Gấp lại và mở ra, lấp lánh và phản chiếu, mở ra một thể chế mới về trử tình, được nắm vững bằng tay viết và bằng cách ngắt đoạn bình thường  nhưng phức tạp nó sẽ thay thế cho sự khoa trương  cất cánh cũ kĩ. Nếu cây quạt là  phương trượng đặc trưng của nữ giới, giá trị của nó là bộ  phận đột khởi  một quá trình của bài thơ không có gì là nam tính, kết nối với sự mất mát năng lượng. Baudelaire nhấn mạnh về sự lưỡng tính của thi nhân, trong khi Mallarmé lại nhấn mạnh về nữ tính. Người ta biết rằng  những phục trang tủn mủn theo sở thích mang danh hiệu nữ giới.

Mallarmé viết nhiều vế cây quạt  dưới dạng bốn câu, chỉ có ba bài dài là phác họa  ba khuôn mặt tượng trưng  cho ba mối tình : tình vợ chồng,  con cái và tình riêng tư. Đó là ba nhân vật : Bà  Marie là vợ, con gái  là Geneviève, và người tình là Mery.

Cây quạt của Méry  Laurent, là một sonnet viết  năm 1890, mang màu sắc của tính ái; ở đó  Mallarmé  trước  hết là dừng lại ở sự tô điểm đối tượng, vẽ nên những hoa hồng trắng, mà hơi thở của người yêu đánh thức sự hiển hiện của tính lạnh lùng, tuy nhiên cử chỉ của nó lại giải thoát cái quán tính của sự tô điểm, vẽ ra những đài hoa trắng. Chúng ta hãy đọc nguyên văn bài thơ :

EVENTAIL   Cây quạt   ( tạm dịch lấy ý )

De frigides roses pour vivre       Để sinh tồn em như đóa hoa  hồng lạnh.

Toute la même interrompront     Tất cả như ngung đứt, với một đài trắng

Avec un blanc calice prompt       ngắn gọn;

Votre souffle devenu givre Hơi thở em trở thành sương trinh.

Mais que mon battement delivre  Và tim tôi đập mạnh giải thoát

La touffe par un choc profond     Sum sê bằng một cú sốc  sâu xa

Cette frigidité se fond                  Sự lạnh lùng tan biến

En du rire de fleurir ivre               Thành nụ cười như hoa nở

A jeter le ciel en détail                 Thiên thần tung ra chi tiết

Voilà comme bon éventail           Đúng như cây quạt mỹ miều

Tu conviens mieux qu’une friole  Em trở thành một bình pha lê quí

Nul n’enfermant à l’émeri          Như viên ngọc thạch vở tung

Sans qu’il y perdre ou le viole   Nó không mất mát hay cưỡng hiếp

L’arôme émané de Mery.          Hương vương bốc từ Mery.

Trở lại với bài thơ, ở đây cây quạt là nhân vật thứ nhất, thay vì cho vị trí của thi nhân – dĩ nhiên là ông ta muốn tỏ ra thân thiết với người yêu cũng như đồi tượng  – hoàn thành việc biến đổi sự lạnh lùng  thành nụ cười như hoa nở.

Bài thơ viết về cây quạt của bà Mallarmé ghi ngày 1-1-1891; chắc đó là quà tặng  trong năm mới theo các nhà chú thích, rất khó diễn giảng. Theo Bertrand Marchal, dường như là ca tụng bà Marie về nội trợ, quét dọn bụi bặm trong nhà như đó là cây quạt. Ông đề cao sự hoạt động rất là bình dị và kết nối nó như một bài thơ. Ông coi bà như một sứ giả hạ cánh xuống trần thế, bà chú ý đến việc bảo vệ sự sáng sủa và sạch sẽ, bà lẫn lộn giữa sự nhàn hạ và sự chăm sóc, sự ăn không ngồi rồi và công việc, so sánh với sự bận rộn đặc biệt của việc tả tác. Bà cũng đảng trí và khá tỉ mỉ với điều mà bà quan tâm  và mơ  tưởng lơ đểnh với điều mà bà cho là không cần thiết  như chú ý đến nhan sắc, và thuần dưỡng điều đáng chú ý như ngôn ngữ và nơi cư ngụ quí báu. Ở đây nhà thơ thực hiện bài thơ nhắm vào quan điểm của bà Marie, đó là cảnh ở trần thế chứ không phải ở trên cao, thậm chí rất thấp, khiêm nhượng và  nhỏ nhẹ hơn là truyền thuyết và cao hứng . Cái cánh bận rộn với tro bụi ở trần thế và trút bỏ để có thể bay bổng  trong tương lai.

Để tránh sự dài dòng chỉ xin trích một vài đoạn :

Avec comme pour langage

Tạm dịch ý : Như ngôn ngữ thông dụng

Rien qu’un  battement aux cieux       Không có gì xúc động đến thần linh

Le futur vers se dégage                     Câu thơ tương lai tự thoát ra

Du logis très précieux                        Nơi cư trú là quí báu hơn cả.

Aile tout bas la courrìère                    Cánh thấp nhỏ của sứ giả

Cet éventail si c’est  lui                      Chính bà là cây quạt

Le même par qui  derrìere                 Nó ở cả phía sau

Toi quelque miroir a lui                       Như một cái gương cho em

…………

Thú thật không có B. Marchal chỉ dẫn .chúng ta không sao hiểu dược  Mallarmé nói gì .Bài cây quạt của cô con gái được tạo thành 5 đoạn, 8 âm tiết, với vần chéo nhau (rimes croisées) Về ngôn từ cây quạt của Genevìève không nghỉ ngơi…Nó khiến chúng ta liên tưởng đến bản chất cô gái, đến cử chỉ và chúc năng  mơ mộng của cô ta. Thi nhân đồng hóa cô con gái thành một  nàng thơ  (muse) cầm trên tay chiếc cánh của nhà thơ .

O rêveuse pour que je prolonge – Ồ mộng mơ cho ta ngụp lặn

Au pur délice sans chemin            Niềm thích thú thuần túy không có lối đi

Sache, par un subtil mensonge      chỉ biết do dối trá tế nhị

Garder mon aile dans ta main      Trong bàn tay ấy giữ chiếc cánh của ta

Và tưởng như bài thơ cất cánh bay. Trong đoạn 2, với cử chỉ tươi mát mang tính trử tình hoàn hảo của luồng không khí  phe phảy từ cây quạt tỏa ra của buổi hoàng hôn….Tri giác của thế giới tình  cảm; và những tầm vóc của nó cũng mang kiểu cách sự di chuyển nhẹ nhàng. Nơi kia vừa xót xa với khát vọng thì ở đây đã có những cử chỉ bình thường  giữ lại bột phát

Une fraicheur de crépuscule          Vẻ mát dịu của hoàng hôn

Te vient à chaque battement          Đến với con từng nhịp đập trái tim

Dont le coup  prisonnier recule      Mà cứ đập lụi dần

L’horizon délicatement                   Về phía chân trời lung linh

Trong đoạn 3 sự phe phẩy của cây quạt kích thích không gian như một nụ hôn nồng nàn làm choáng váng…và rồi một thế giới  lấy lại ý nghĩa. Bài thơ tự đóng lại với đoạn cuối: biểu tượng nữ tính :Ce blanc vol  fermé que tu poses Contre le feu d’un bracelet. Sự trinh bách cất cánh đóng kín chống lại ngọn lửa của chiếc nhẫn lấp lánh…

Tiếp theo chúng ta hãy xem hai bài thơ vịnh cây quạt của Hồ Xuân Hương :

Bài I                                                  Bài 2

Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa Mười bảy hay là mười tám đây

Duyên en dính dáng tự  bao giờ Cho ta yêu dấu chẳng rời tay

Chành ra ba góc da còn thiếu            Mỏng dày từng ấy chành ba góc

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa         Rộng hẹp dường nao cắm một cây

Mát mặt anh hùng  khi tắt gió       Càng nóng bao nhiêu thời càng mát

Che đầu quân tử lúc sa mưa                Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng Hồng hồng má phấn duyên vì cậy

Phì phạch trong lòng đã sướng chưa Chúa dấu vua yêu một cái này.

Hồ Xuân Hương (ước chừng 1765-1822) ra đời trước Mallarmé(1842-1898)            gần một thế kỷ, kẻ ở phương đông , người ở phương tây; hoàn toàn xa lạ. Cùng một chủ đề “cây quạt”, nhưng hai cách diễn tả hoàn toàn khác nhau. Hồ Xuân Hương như nhà thơ tả chân, tả đúng hình ảnh của cây quạt, mà cũng  chính là hình ảnh quí  báu của nữ giới, không  rụt rè, không che đậy như phơi trần  trước mặt mọi người, còn rêu rao cả cái tác dụng  như một công cụ cần thiết :

Chành ra ba góc da còn thiếu

Khép lại  đôi bên thịt vẫn thừa

Mát mặt anh hùng  khi tắt gió

Che đầu quân tử lúc sa mưa

Cái tài tình của thơ đông phương là ít chữ mà ý nhiều. Mallarmé là thủy tổ của trường phái tương trưng thơ Pháp, chữ dùng đầy ẩn dụ và cô đọng, được suy tôn  như thi hào. Đề tài cây quạt làm đến ba bài cho ba đối tượng, dài lê thê vẫn không sao lột tả được hai mặt tĩnh và động tức cây quạt thực bằng giấy hay bằng vải và cây quạt sống chính thân, vũ khí chủ yếu của nữ giới như HXHương. Càng đọc hai câu :

Chành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.

Càng phục tài quan sát và diễn tả của XHương vượt cả cổ kim đông tây. Nhưng thơ mà chỉ nhắm vào việc quan sát với diễn tả không thôi thì tầm thường quá, nó phải vươn lên cao, hay lặn ngụp vào hố thẳm, nó là chân cảnh, là tiếng nói của tâm linh, nó là kết tinh phản ứng của thời đại….

Cây quạt của Mallarmé là cây quạt của nghệ thuật, vẫn mang hình ảnh  chân thực của nữ giới, nhưng là nữ giới được che kín bằng trang phục, hóa trang bằng phấn son, rằng đẹp thì có đẹp như một họa phẩm, một giai nhân làm thỏa mãn thị giác và xúc giác thế thôi

Nó không giống như cây quạt của Hồ Xuân Hương, có thể nói là cây  quạt bằng xương bằng thịt, nó  có thể làm cho tế bào xúc động, thần kinh rung chuyển … Nhưng do đâu mà nó đạt được những  yếu tố kỳ đặc như thế, trước khi đi sâu vào vấn đề  phân tích nôi dung  thơ, chắc các bạn đọc cùng đồng ý với chúng tôi rằng: trong hai bài cây quạt thi bài thứ nhất  như trội hẳn  hơn bài thứ hai, theo riêng  tôi thì  có thể bài thứ hai  chưa chắc gì đã là của Hồ Xuân Hương, do đó chúng ta chỉ nói nhiều về bài thứ nhất mà ít đề cập đến bài thứ hai. Và trước tịên cũng nên xác định quan điểm bình giảng thơ của chúng tôi là không theo những nẻo đường mòn của những người đi trước, cho rằng Xuân Hương là người lãng mạn, dâm đảng, vợ bé ông Tổng Cóc, rồi ông phũ Vĩnh Tường, bồ bịch với Chiêu Hổ, v…v…, mà  bà là mẫu người đăc biệt, vượt cả không gian thời gian, không những  giới nữ lưu mà cả nam giới cũng chẳng ai bằng. Thơ của Bà là tuyệt vời cổ kim đông tây, đa phần đã hiểu  và đánh giá sai lệch. Có dịp chúng ta sẽ bàn nhiều, giờ đây chỉ giới hạn trong bài  cây quạt. Cái rủi ro của XHương là sinh ra trong một thời đại, trong một đất nước đầy nhiễu nhương. thời đại vua Lê chúa Trịnh, một thời đại đầy thối nát, đầy kinh dị; vua hư vị, chúa hoang dâm, quan lại xôi thịt. sĩ phu hèn mạt. binh lính kiêu căng…Nhân dân lúc nào cũng lo sợ, sống giữa trần gian mà chẳng khác nào tự giam mình trong địa ngục.

Mỗi một công trình, một tác phẩm văn học nghệ thuật kỳ vĩ ra đời đều phải có một nguyên nhân một lý do xác đáng chứ đâu có phải như các loài thực vật động vật bậy bạ. Một bài thơ bốn câu hay tám câu, dù gọi là ứng khẩu đi nữa cũng phải có sự thai nghén uẩn nhưỡng lâu dài, chứ có` phải đụng đâu nói đó mà được sao. Bài “cây quạt” của Hồ Xuân Hương cũng vậy. có phải tự nhiên mà có đâu, nó chính là con đẻ của hiện tượng Đặng Thị Huệ, từ một cô gái hái chè, một nữ tỳ bổng dưng trở thành đối tượng mê hoặc một ông chúa vốn cũng không phải tầm thường như Trịnh Sâm, làm đảo điên sụp đổ cả một triều đình. Một ông tướng từng khuấy động  ở biên cương như Hoàng Đình Bảo, cuối cùng cũng phải chết thảm vì cái váy của vương phi. Đã hết đâu, lại còn thêm một đứa em tàn bạo là Đặng Mậu Lân, dựa vào hơi hướm của chị mà quậy nát cả kinh thành, chỉ mấy chục đứa tay chân đầu trâu mặt ngựa cầm gươm giáo nghênh ngang khắp kinh ấp, gặp đàn bà con gái giữa đường vừa mắt, tức thi Lân sai bộ hạ quay màn trướng ngay tai chỗ rồi lôi vào hảm hiếp; ai phản đối thi cho cắt ngay đầu vú, chồng hay cha nào kêu ca thi cho bẻ răng, hoặc đánh đập đến chết. Đứng trước những cảnh áp bức và uy hiếp như vậy, đã là người ai mà không  cảm xúc, không đau khổ, không phản ứng, nhất là đối với những người giàu lương tri có học thức; nhưng trước bạo lực hung tàn  ai mà dám mở miệng, hay phải  né tránh quay mặt đi nơi khác. Với người thường, thì vì cuộc sống vì hoàn cảnh có thể lơ đi. Nhưng với nhà thơ thì hình ảnh uy hiếp đó lắng sâu vào tiềm thức, nó biền thành xung động bản năng đề kháng chống đối. Nhưng với kẻ yếu đuối  lép vế thì lấy phương tiện gì mà chống đối, ôm trong lòng nhẫn nhục chịu đựng theo  các nhà tâm lý hiện đại thì đó là hiện tượng ức chế lâu ngày thành bệnh. Do đó mà bản năng chống đối đề kháng của phái yếu là nguyền rủa chưởi bới ở sau lưng kẻ thù, thường là nói tục. Nên cây quạt của XHương cũng là một sự phản ứng hào hùng mà thôi. Cái thời đại mà nữ giới luôn luôn  cam phần nô lệ “Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau “ Lễ nghi chúng ta thường cấm kị đề cập đến các bộ phận sinh dục của nam cũng như nữ, cho đó là tục là dơ nhớp. mà dơ thật vì đó cũng là nơi bài tiết tinh khí, nước tiểu, nữ còn  có cả kinh kỳ…. Lại dùng nó  làm đề tài cho thơ thì đó là sự chưởi bới cho hả hê, là phản ứng  của kẻ yếu, sự phản ứng tồi tệ khi con người chịu nhẫn nhục hết nổi, tuy rằng vẫn tự biết là vũ khí qui giá nên phải che đậy. Cây quạt đúng là hình ảnh của âm hộ : Chành ra ba góc…, nhưng lại  có khả năng  mát  mặt anh hùng ….hay Cho quân tử đội đầu…Ít ra phải sống dười thời đại của Trịnh Sâm – Đặng Thị Huệ mới  có thể hạ bút viết được những câu như vừa nêu , hay Chúa dấu vua yêu một cái này. Thơ của Hồ Xuân Hương hay nói tục chính là  vi bị ức hiếp quá đổi mà  phải phản ứng đó thôi, có hiểu như vậy thí mới thấy Bà là một nữ anh kiệt. Tôi có thể nói thêm một chút là bài thơ “ Chàng cóc ơi, Chàng Cóc ơi … là thay mặt cho Đặng thị Huệ khóc Trịnh Sâm, chú chẳng phải Tổng Cóc , tổng kiết gì cả. Người ta thường coi trọng yếu tố  tính cách cá nhân (caractere)  mà quên yếu tố tình cảnh (situation); đa số khi giải thích hành vi của người khác đều có khuynh hướng  quy nguyên nhân là tính cách. Nhưng khi giải thích hành vi của chính mình lại có khuynh hướng quy nguyên nhân về tình cảnh.

Có thể nói Hồ Xuân Hương là một thiên tài hiếm có, bà là người đã vượt qua thời đại, là kẻ tiên phong đề cao giá trị của phụ nữ, coi thường giới sĩ phu, tư tưởng của bà  vượt cả không gian và  thời gian,. Là con người của  cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 mà giống như con  người của thế kỷ 21 ./.

Khổng Đức