Tháng Năm này là tròn 5 năm tác giả của tác phẩm “Miền xanh thẳm” Trần Hoài Dương về với miền thẳm xanh của cõi đời. Tôi nhớ đến ông, một nhà văn mà tôi chưa từng gặp mặt, nhưng câu chuyện về “cây lá đỏ” trong sách giáo khoa một thời thì khiến tôi không quên được. Tôi đã từng thuộc lòng cả một đoạn văn dài như thế, và dù không biết cây lá đỏ thực sự là cây gì, tôi vẫn luôn nghĩ về nó mỗi khi gặp một sắc lá đỏ bên đường.

Tháng Năm này, nếu đi xuyên qua một khu rừng, hay qua những cung đường có khoảng rừng xanh ngát, có thể bạn sẽ gặp một hay vài cây lá đỏ. Giữa một khoảng rừng xanh thẳm trải ngút ngát, vùn vụt trôi qua ô cửa kính xe ô tô, bỗng nổi bật lên một cái cây đỏ ối. Vẻ đẹp kỳ lạ, độc đáo ấy sẽ khiến bạn ngỡ ngàng. Bạn muốn dừng xe lại, thu vào ống kính hình ảnh cái cây xinh đẹp ấy. Bạn sẽ muốn biết đó là cây gì, sao lá nó đỏ đẹp đến thế, nó có đỏ mãi thế không, hay sau đó sẽ xanh mướt như hàng tỷ cây lá xanh khác bao quanh nó. Nó có nở hoa, có cho quả ngọt?

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây lá đỏ là trong chuyến đi về Ngã ba Đồng Lộc, thăm nơi mười cô gái thanh niên xung phong đã can trường hy sinh. Sau đó, theo kế hoạch, sẽ tiến thẳng vào Quảng Trị, thăm Thành cổ và Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Đó là chuyến đi thực tế đầu tiên năm thứ nhất đại học của chúng tôi. Lúc đó, cũng đang vào đầu tháng Năm dương lịch, hoa sim đã nở tím các sườn đồi. Xe ô tô chở chúng tôi đi trên đường Trường Sơn, và bất chợt, một cái cây đỏ ối xuất hiện giữa rừng cây xanh thẫm. Tôi nhớ ngay đến bài văn “Cây lá đỏ” trong sách giáo khoa hồi nhỏ. Đó có phải là cây lá đỏ, loài cây mà cô gái thanh niên xung phong đã gửi hạt giống tặng bạn mình với lý do vô cùng giản dị: Cứ trông thấy cây là nhớ đến bạn bè, những kỷ niệm của thời học sinh và những mùa lá đỏ của cây bàng, cây dã hương Hà Nội…?

Ở Hà Nội gần mười năm, qua bao mùa hoa Hà Nội, nhưng có lẽ tôi thích nghĩ về hoa sưa tháng Ba nhất. Có nhiều người hỏi tôi: Hoa sưa trông như thế nào? Có đẹp không? Tôi chỉ có thể trả lời họ: Hoa sưa đẹp, nhưng là một loài hoa kỳ lạ. Nó lặng lẽ nở hoa, lặng lẽ tàn, mà người ta biết đến nó nở khi nó bắt đầu tàn. Mùa hoa sưa ngắn ngủi đến nỗi người ta chưa kịp lên kế hoạch đi ngắm hoa, thì hoa đã tàn mất rồi.

Hầu như không ai nhận ra hoa sưa đã nở, vì hoa nở tít trên cao, màu hoa trắng bị nhấn chìm trong màu trời tháng Ba trắng đục sương khói, cho đến một buổi sáng, dừng xe đợi đèn xanh, thấy trên vỉa hè lấm tấm những xác hoa trắng ngần, người ta mới bần thần nhận ra hoa sưa đã nở.

Lần thứ hai, trong chuyến về Cao Bằng thăm khu rừng Trần Hưng Đạo, tôi thấy khoảng rừng trước mặt có một cây lá đỏ. Không ai, những người mà tôi hỏi có thể trả lời tôi về cây lá đỏ. Những người dân bản địa ngỡ ngàng trước câu hỏi của tôi: Cây lá đỏ kia là cây gì thế? Tại sao lá nó đỏ ối, rừng rực lên? Họ không biết nó là cây gì, thậm chí, nhờ câu hỏi của tôi, họ mới nhận ra ở khoảng rừng xanh thẫm kia có một cây lá đỏ. Cây lá đỏ không phổ biến, chắc chắn vậy, nên nó mới khiến ngay cả người bản địa cũng ít để ý đến nó, thậm chí không hề biết nó. Phải đi hàng cây số, không rời mắt khỏi ô cửa ô tô, tôi mới lại thấy một cây lá đỏ khác ở một khoảng rừng khác.

Tháng Năm này, người của “Miền xanh thẳm” Trần Hoài Dương đã về với miền xanh thẳm 5 năm. Sinh thời, ông từng hỏi bạn ông: “Không biết ba nghìn năm sau nhân loại có còn ai đọc tôi không?”. Không phải là Tố Như hỏi “ba trăm năm lẻ nữa”, nhưng tựu trung hai câu hỏi đó có khác gì nhau đâu. Trần Hoài Dương đã từng viết: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ. Tôi cũng hy vọng những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái đẹp và cái thiện”.

Tôi chưa bao giờ được đọc những trang văn viết cho thiếu nhi, viết về thiên nhiên lại trong ngần như văn Trần Hoài Dương. Và viết cho thiếu nhi, ông không viết cho hiện tại, viết về hiện tại, mà ông hướng ngòi bút về những ngày xưa, về những miền thẳm xanh đã mất. Tôi tin ông chính là một cây lá đỏ giữa rừng lá xanh bát ngát kia. Độc đáo, trong veo và ngời ngợi sáng.

 

Nguồn VNQD