Truyện ngắn. HOÀI HƯƠNG
Góc Pasteur – Điện Biên Phủ, Sài Gòn, có một cây hoa hoàn toàn khác biệt với các loại cây ở đây. Mỗi khi vào tháng mười, hoa thơm nồng cả con phố. Mấy chục năm rồi, những người quanh đó thường thấy vào mỗi sáng, có một người phụ nữ, từ lúc còn trẻ, giờ tóc đã bạc, thường quanh quẩn ở đó. Lúc cây còn nhỏ, luôn tưới tắm chăm sóc. Khi mùa hoa thì ra ngắm, và thường ngắt một vài nhánh mang về. Dân phố thấy bà gọi nó là cây hoa sữa.
Rằm trung thu năm nay, người ta thấy đi cùng bà ra cây hoa sữa còn có thêm một thiếu nữ. Cô có những nét của một người Tây Âu với chiếc mũi cao, làn da trắng, nhưng mắt và tóc đen rất Việt Nam. Cô nói tiếng Việt rất chuẩn. Cũng khác với mọi năm, bà không lặng lẽ ngước nhìn tán hoa sữa trên cao mà mỉm cười, ánh mắt âu yếm nhìn cô gái, thong thả trả lời những câu hỏi cô liên tục đưa ra…
– Nội ơi, sao lại gọi là hoa sữa, sao chỉ có mỗi mình nó lọt vào giữa những hàng xà cừ, hàng me cổ thụ…?
Câu hỏi khiến bà như lặng đi, ánh mắt chợt rưng rưng cuộn về một vùng thời gian thăm thẳm…
***
Đầu con hẻm khá rộng, gần góc đường Pasteur – Điện Biên Phủ, có một ngôi biệt thự xinh xinh, trước cổng là giàn tigon hoa tím hồng quanh năm. Chủ ngôi nhà là một ông bác sĩ ở Tây về, làm chủ nhiệm khoa ngoại ở bệnh viên Chợ Rẫy. Ông hiền lành, giỏi nghề, hay làm phúc giúp người dân xung quanh mỗi khi đau bệnh. Nhưng ông không phải nhân vật được chú ý trong ngôi biệt thự này, cô con gái duy nhất của ông đang học trường Y mới là tâm điểm. Cô mang vẻ đẹp thánh thiện mà ai theo đạo Phật thì nói giống tượng Phật Bà Quan Âm, ai theo Thiên Chúa thì bảo cô như Thánh nữ Teresa. Cô cũng như ba mình, luôn sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm khi gặp khó khăn, nên ai cũng yêu mến cô.
Xuân Mậu Thân 1968, Sài Gòn mang một không khí yên tĩnh kì lạ. Một sự yên tĩnh rất khó tả, cảm giác như có một cái gì đó đang đè nặng, nén lại, càng cận tết càng như bị nén chặt trên đường phố, dù các khu chợ vẫn nhộn nhịp người đi sắm tết, các tiệm nhảy, vũ trường ở khu trung tâm hàng đêm vẫn ồn ào tiếng nhạc và đầy sắc lính Mĩ, lính Sài Gòn vào ra tấp nập, khu Đại Thế Giới trong Chợ Lớn mở Đại nhạc hội Xuân có ca sĩ từ Hong Kong qua nghẹt người coi… Lại nghe tết này, chính phủ cho phép đốt pháo.
Giao thừa… Cả Sài Gòn như nổ tung. Trong tiếng pháo đốt mừng giao thừa, những tiếng súng, pháo trận chợt vang lên khắp các đường phố trung tâm Sài Gòn, ở những nơi trọng yếu của các cơ quan chính quyền Sài Gòn như Sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha cảnh sát, Đài Phát thanh Sài Gòn, Đại sứ quán Mĩ, Biệt khu Thủ đô, Dinh Độc Lập… Một đêm giao thừa gây choáng váng cho cả nước Mĩ và thế giới, gây kinh hoàng với lính Mĩ đang tham chiến ở Việt Nam cùng quân đội Sài Gòn. Tin Đại sứ quán Mĩ, nơi tưởng chừng bất khả xâm phạm đã bị Việt cộng chiếm giữ làm bàng hoàng Nhà Trắng và toàn thế giới. Mùng một, mùng hai, mùng ba tết, cuộc chiến ngày càng trở nên cam go, ác liệt. Quân Giải phóng và quân đội Sài Gòn với sự hỗ trợ của lính Mĩ giằng co nhau từng tòa nhà, góc phố, con đường. Quân Giải phóng không thể giữ được những mục tiêu đã chiếm trước đó bởi sự tiếp ứng không kịp cũng như thiếu liên lạc dẫn đường. Nhiều đơn vị của Quân Giải phóng bị xé lẻ, nhiều tổ chiến đấu bị tách rời nhau, lạc nhau giữa đô thành Sài Gòn, ngay trong trận chiến.
Góc Pasteur – Điện Biên Phủ có một bốt lính, bình thường chỉ có một tiểu đội quân Sài Gòn trấn giữ, nhưng ngay trong đêm giao thừa, có lẽ thấy đây là điểm trọng yếu, nên đã được tăng cường lên đến một đại đội gần trăm tay súng cùng một trung đội xe bọc thép gồm ba chiếc, án ngữ toàn bộ ngã tư của hai con đường này. Một đơn vị Quân Giải phóng đánh vào bốt này, nhằm giải phóng con đường cho một đơn vị khác thọc sâu vào khu trung tâm Sài Gòn, tiếp ứng cho các chiến sĩ biệt động thành đang trấn giữ các mục tiêu Tòa Đại sứ Mĩ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh… Sau gần một ngày đêm giằng co nhau từng mét đường, phía quân Sài Gòn là hai đám cháy rừng rực, nhiều tiếng nổ và hoa lửa tung ra từ hai chiếc xe bọc thép bị dính B40, nhưng tiếng AK cũng ngày càng rời rạc, sau cùng im bặt, tiếng quân lính Sài Gòn la hét kêu đầu hàng… Tất cả các ngôi nhà nằm trên hai con đường này đều đóng kín cửa từ lúc giao thừa khi tiếng súng nổ rân trời, sát ngay bên hông nhà. Không một ai dám hé cửa, người nào người nấy hồi hộp lo sợ đạn lạc vào nhà mình, ngay cả bọn trẻ con hình như cũng biết sợ, chẳng đứa nào dám khóc. Ngôi biệt thự của ông bác sĩ và cô con gái cũng đóng kín như mọi nhà. Nhưng bên trong thì không im lặng. Họ đang có khách. Một vị khách đặc biệt: Một anh lính Việt cộng. Anh mê man bất tỉnh, cả người anh đẫm máu với hàng chục vết thương.
Ngay từ lúc nghe tiếng súng ở ngã tư ngay sát nhà mình, cả hai cha con đã kín đáo theo dõi tình hình từ trên sân thượng. Sân trồng nhiều cây cảnh khá um tùm, lại có một cái tum nhỏ, thuận lợi cho việc ẩn mình, nên những gì diễn ra ở góc phố qua ánh lửa cháy từ hai chiếc xe bọc thép rất rõ… Qua một ngày, đến khi đêm xuống, họ biết có ba chiến sĩ Quân Giải phóng ở ba góc khác nhau, đang chống trả lại hỏa lực cực mạnh của quân Sài Gòn. Hai chiến sĩ đã hi sinh, người thứ ba bị thương nặng đang lùi dần vào một lùm cây, phía cửa hậu ngôi nhà của họ. Không chậm trễ, hai cha con vội xuống nhà, mở cánh cửa sau. Cô gái dìu người lính Việt cộng vào nhà còn ông bác sĩ nhanh chóng xóa dấu vết.
Một phòng mổ dã chiến được chuẩn bị thần tốc dưới căn hầm trú ẩn ở khu bếp đã có sẵn từ khi ông mua căn biệt thự. Ông bác sĩ từ Tây về lần đầu tiên trong đời có một ca mổ mà ngay cả trong tưởng tượng ông cũng chưa từng có… Còn cô con gái ở trên nhà, chuẩn bị lo đối phó với bọn lính Sài Gòn đang lùng xét từng ngôi nhà. Có lẽ đây là thời khắc dài nhất đối với hai cha con, ông bác sĩ chạy đua với tử thần cố cứu người chiến sĩ, cô con gái thì ứng phó với bọn lính đang truy tìm người chiến sĩ. Cả hai cùng vào một cuộc chiến không kém phần cam go khốc liệt.
Ba ngày, rồi năm ngày trôi qua, chưa thấy người Việt cộng thứ ba, không bỏ cuộc, đám lính Sài Gòn chốt quân, canh hết các góc đường, chặn hết những con hẻm của hai con đường, bất cứ ai vào ra cũng đều bị kiểm soát gắt gao. Bọn họ biết chắc chắn người Việt cộng này chưa thoát ra, nhưng chưa tìm được. Họ cũng nghi ngờ nhà ông bác sĩ, nhưng vì ông là người khá nổi tiếng về chữa bệnh, ngay đám lính, người nhà của họ nhiều lần được ông cứu chữa, lại cũng không thấy bất cứ dấu hiệu gì có người lạ nên ngại không xét kĩ. Ông bác sĩ ngày nào cũng đánh xe đến bệnh viện, thậm chí có hôm còn nhờ đám lính Sài Gòn lên xe giúp hộ tống cả đoạn dài vì “sợ Việt cộng bắt”… Nhưng chúng không hề biết trong xe ông có một bao rác đặc biệt, những bông băng thấm máu của người chiến sĩ được ông thay ra hàng ngày cất giấu ngay dưới gầm ghế.
…Một tuần sau thì anh lính Việt cộng tỉnh lại. Một quầng sáng mờ mờ, một gương mặt như vẻ đẹp của nữ thần, một giọng nói miền Nam nghe ngọt mềm như nước ẩn hiện trước mắt anh… Sao người mình lại cứng đơ thế này? Mình đang ở đâu đây?… Cố động đậy đầu ngón tay, cố mấp máy môi, nhưng hình như có gì đó rất khó kiểm soát. Mãi anh mới bật ra một tiếng nói yếu ớt:
– Tôi… tôi đang ở đâu?
– Ôi! Anh đã tỉnh rồi – Giọng con gái mềm như nước reo lên.
Giờ thì anh thấy đã có sức hơn, anh hỏi ngắt quãng trong hơi thở yếu bằng một giọng miền Bắc.
– Đây là đâu vậy?
Cô gái nói thật chậm
– Anh đang trong nhà em, anh đã mê man suốt năm ngày rồi… ba em là bác sĩ đã cứu chữa cho anh… Mà anh tên chi cho em dễ kêu.
– Tôi tên Long. Ba lô của tôi đâu?
– Em tên Hà, nhưng mọi người hay kêu bằng thứ Hai. Anh đừng lo, em vẫn giữ nguyên mọi thứ, chỉ có bộ đồ anh mặc bị rách nát hết nên em bỏ rồi. Cây súng của anh em cũng đã cất giữ cẩn thận cùng mấy trái đạn.
– Cô làm ơn mở balo ra, tôi sợ cái cây… cái cây… chết…
– Cây gì chết anh?
Cô vừa hỏi vừa ra chỗ góc phòng lôi cái ba lô ra, ngay túi cóc ngoài, ló lên một cành lá xanh mỏng manh. Một chồi cây đang lên, được bọc trong túi chống nước đựng đất. Cô lấy bọc cây ra mang lại chỗ anh nằm.
Minh họa: Nguyễn Anh Minh
– Có phải cây này không anh?
– Đúng rồi. Cây hoa sữa… May quá, mày còn sống.
– Em sẽ mang trồng nó ngay.
Rồi cô mang cây lên sân thượng, kiếm một chậu đất đang trống, trồng cái cây tên là lạ, hồi nào tới giờ chưa nghe. Mà mình sẽ hỏi sau, cô nghĩ thầm. Giờ phải chăm sóc để anh mau lành các vết thương. Chợt cô đỏ mặt, anh Giải phóng này có gương mặt đẹp thiệt, y như tài tử Pháp Alain Delon…
Được hai cha con bác sĩ chăm sóc, và sức trẻ bù lại nên dù bị thương rất nặng, nhưng chẳng mấy chốc anh đã có thể nhúc nhắc đi lại được, dù còn yếu. Cũng trong thời gian này, cô gái và anh giải phóng tìm hiểu nhiều hơn về nhau. Anh biết cô năm nay hai mươi tuổi, là con gái duy nhất của ông bác sĩ ở Tây về đang là sinh viên trường Y Sài Gòn. Không hiểu sao, cứ mỗi lần ngồi bên cô nói chuyện, anh lại không dám nhìn vào mắt cô, một đôi mắt rất đẹp, như muốn nhấn chìm người đối diện. Anh không thể nghĩ có ngày mình được ngồi bên một cô gái Sài Gòn đẹp đến thế, dù cũng đã nhiều lần gặp giao liên trong thành và các nữ du kích Long An, khi đưa đơn vị anh nhập vào thành phố. Còn cô cũng biết anh năm nay hai hai tuổi, con trai một, là sinh viên Bách khoa Hà Nội, tình nguyện nhập ngũ, vào chiến trường ba năm nay. Nhà anh ở một con phố nhỏ cổ kính của Hà Nội có cái tên nghe rất xưa: Phố Quán Sứ, nhưng nhà bà ngoại anh lại ở làng hoa Ngọc Hà… Cũng như anh, cô mỗi lần nhìn anh là đỏ mặt, ở anh, cho dù bị thương nặng, vừa thoát cửa tử, vẫn toát ra sự tuấn tú, một sức vóc cường tráng. Lần đầu tiên cô mới được kề cận một Quân Giải phóng – người Hà Nội bằng xương bằng thịt. Cô cười thầm, cứ tin vào truyền thông của mấy tay tâm lí chiến Sài Gòn rằng lính Việt cộng Bắc Kỳ đói ăn, bảy người đu một cọng đu đủ không gãy, hay lính Việt cộng Bắc Kỳ ăn lông ở lỗ, nên xấu như ma mọi thì có mà chết không kịp ngáp… Hà Nội dần hiện lên qua những câu chuyện anh kể. Phố cổ với ba sáu phố phường kẻ chợ từ ngàn năm trước của Thăng Long thành, rồi vườn hoa ở ngoại ô của bà ngoại tràn ngập sắc màu hoa, về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với những mùa hoa đào, hoa loa kèn, cúc họa mi, violet…, đặc biệt là hoa sữa. Ôi, đúng rồi, hoa sữa. Cô đã muốn hỏi thật nhiều về cái cây anh mang theo, mà trong lúc nửa tỉnh nửa mê cũng không quên. Phải chăng cây hoa có gắn với một người con gái Hà Nội?
Câu hỏi khiến tim cô như đập nhanh hơn một nhịp.
Như đoán được ý nghĩ của cô, anh nhìn cô cười nhẹ.
– Không, nó là từ gói hạt giống hoa của chính bà ngoại cho anh trước lúc hành quân vào Nam. Bà bảo, con vào trong ấy, gieo hạt xuống những nơi con đi qua, chỉ một hạt thôi. Bà mong con chiến thắng bình yên trở về, nhưng chiến tranh không biết thế nào. Lỡ ra con làm sao… Mai này cây mọc, bà sẽ theo cây để tìm con, chỉ có cây hoa sữa Hà Nội này mới không lẫn với các loài cây khác. Nghĩ thương bà, chẳng biết ngày chiến thắng, bà có còn sống để đợi anh… Suốt ba năm nay, anh đã đi khắp các chiến trường từ Tây Nguyên, đến duyên hải, rồi rừng miền Đông, lần này là Sài Gòn, và cũng chỉ còn một hạt cuối cùng. Sợ rơi mất, vào chiến dịch, anh ươm luôn hạt, nghĩ rằng sẽ trồng nó ở ngay chính nơi mình chiến đấu… Hoa sữa là loài cây hoa của mùa thu Hà Nội, sau rằm trung thu là mùa hoa nở rộ. Những bông hoa sữa nhỏ li ti kết thành từng chùm như một mảnh ngân hà rơi xuống trần gian, khi đêm về hoa mới nồng hương. Đi dưới hàng cây hoa sữa, cảm giác như đang được ướp hương mùa thu nồng nàn khó phai. Các đôi tình nhân rất thích hẹn hò đi dạo khi hoa sữa vào mùa, chỉ một cơn gió nhẹ, hàng ngàn cánh hoa bay trong màn sương đêm mỏng nhẹ, đậu lên tóc lên mi người con gái …
Không nén được, cô, buột miệng:
– Thế anh Long đã đi dạo với cô gái nào dưới hàng hoa sữa?
– Ồ, chưa.
– Sao anh tả như đã…
– À. Anh nhìn cô âu yếm. – Là anh quan sát những lần đi chơi ở Hồ Thiền Quang, đường Nguyễn Du… Hoa sữa càng về đêm hương càng đậm, ai không quen có thể bị say. Cái mùi hương đó rất khó quên với người Hà Nội.
Cô mỉm cười nhẹ. Ừ hoa sữa. Đi dạo dưới cơn mưa hoa. Ước gì, đừng có chiến trận. Ước gì có thể ra Hà Nội và cùng anh… Cô chợt đỏ mặt bối rối.
Những câu chuyện của anh khiến cô biết thêm rất nhiều về Hà Nội, càng ngày cô càng thấy Hà Nội gần gũi thân quen… Còn anh, qua cô hiểu thêm nghĩa tình của người Sài Gòn, dù không ra khỏi nhà, nhưng anh được thưởng thức nhiều món ăn Nam Bộ do chính tay cô nấu, anh bâng khuâng nghĩ về một hình ảnh hạnh phúc trong tương lai có anh và cô. Ừ, ngày đó, một gia đình ấm áp… Giá như đừng có chiến tranh…
Thấm thoắt hai chục ngày đã trôi qua. Vết thương và sức khỏe của anh cũng đã dần hồi phục. Theo hướng dẫn của anh, cô đã liên lạc được giao liên để chuẩn bị đưa anh ra ngoài. Ngày anh và cô chia tay cũng đã đến. Chỉ còn một nửa ngày cô được bên anh, đêm nay… Nghĩ đến đó, trái tim cô nghẹn lại… Thời gian ở bên anh không nhiều, nhưng những rung động đầu đời của hai người trẻ trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh khó gì ngăn cản. Cả hai gần như đều cảm nhận trái tim họ đang cùng rung một nhịp. Họ đã không lẩn tránh ánh nhìn của nhau. Họ thấy mình hiện diện trong mắt nhau. Đã nhiều lần, câu chuyện chợt bị ngắt ngang, để rồi hai bàn tay nắm lấy nhau như muôn ngàn lời nói yêu thương. Có đôi lần, anh muốn đưa tay ôm lấy cô, chạm vào tóc cô, và cô cũng đôi lần muốn được một vòng tay của anh siết chặt…
Chiều xuống dần, hình như thời gian trôi rất nhanh khi sắp phải từ biệt nhau. Bữa ăn chiều sớm hơn thường khi. Cô không ăn, cứ ngồi nhìn anh, như muốn thâu trọn hình ảnh anh trong mình. Đêm nay xa rồi, có biết ngày gặp lại, hay đây là đêm cuối cùng… Cô chợt nghĩ ra, chạy vội vào phòng sách của ba, lấy cái máy chụp hình, và rồi cô nói anh thay bộ đồ giải phóng, đội cái nón tai bèo…
Họ ngồi bên nhau lặng im, dường như lúc này, lời nói trở nên thừa. Anh nắm tay cô, nhìn sâu vào mắt cô, họ trao nhau ánh mắt như muốn thu giữ hình ảnh của nhau để mãi không thể quên. Và như không cưỡng lại được, hai làn môi từ từ xích lại, chạm nhau, một nụ hôn ngọt say… và họ như đang cuốn vào nhau trong một nghi lễ thiêng liêng của tình yêu. Thời gian như ngưng đọng lại để cho họ bên nhau trong đắm say cuồng nhiệt, như chỉ khoảnh khắc này sẽ là mãi mãi, không cần một lời hứa hẹn gì…
– Đợi anh nhé, mùa hoa sữa…
***
30/4/1975 Sài Gòn giải phóng.
Cô con gái ông bác sĩ lúc này là một bác sĩ quân y từ chiến khu về. Sau khi người lính Việt cộng rời khỏi nhà ông bác sĩ một thời gian, cô gái cũng trốn nhà lên chiến khu cách mạng. Căn nhà bây giờ có thêm một cậu bé trai chừng sáu tuổi. Không thấy ba đứa bé. Tên nó là Long Hà.
Một bữa cô bác sĩ bứng cây hoa trong vườn nhà mang trồng nơi góc phố Pasteur – Điện Biên Phủ, chỗ người lính Việt cộng bị thương năm xưa. Mỗi ngày cô đều ra tưới cây, chăm sóc. Hàng xóm hỏi, cô nói đó là cây hoa sữa của một Giải phóng quân người Hà Nội. Và năm sau, mùa hoa đầu tiên, cô bẻ một nhánh hoa mang vào cắm… Lúc này, cô mới lặng lẽ mang tấm hình người Giải phóng quân năm xưa lồng trong khung kiếng đặt trang trọng trên bàn thờ, ngay bên di ảnh của ông bác sĩ và mẹ cô. Cô để bình hoa sữa bên ảnh anh. Trước mắt cô, tấm bia tưởng niệm liệt sĩ có tên và quê quán của người Giải phóng quân năm xưa mà sau bao ngày cô lặn lội mới tìm thấy ở nghĩa trang miền Đông chập chờn trước mặt cô chắp tay khẽ thì thầm: Em đã đợi anh, đợi hoài. Con chúng ta mỗi ngày mỗi lớn mà anh không về với má con em. Mới đây, em tìm được đơn vị anh, thấy tên anh trong tấm bia tưởng niệm của sư đoàn, anh đã nằm xuống ở rừng miền Đông trong đợt ba của chiến dịch Mậu Thân. Cây hoa sữa của anh đã trổ hoa… Em như thấy anh theo hương hoa sữa về đây bên em, bên con. Em sẽ kể con nghe về cây hoa sữa, về ba nó… Em cũng sẽ ra Hà Nội, tìm về nhà ngoại anh để kể về cây hoa sữa của ngoại giữa Sài Gòn, để con trai chúng ta biết Hà Nội và căn nhà nhỏ trong phố cổ của ba nó ngày xưa…
Mùa tiếp mùa, cây hoa sữa đã được nửa thế kỉ, cao to ngang với những cây xà cừ, gốc me cổ thụ. Mỗi mùa hoa, cô gái Mậu Thân năm ấy, bà bác sĩ già bây giờ lượm ít hoa rơi dưới gốc cây mang về bỏ trong chiếc dĩa trước di ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân.
Bữa nay bà đưa cô cháu nội ra cây hoa sữa… Và cô gái giờ mới được biết vì sao tên Việt Nam của mình là Ngọc Hà, vì sao ba cô bắt cô học nói tiếng Việt. Ba cô, cậu bé Long Hà năm xưa khi lớn lên theo nghiệp gia đình, ra nước ngoài học bác sĩ, lấy má cô là con gái một giáo sư ngành Y người Pháp và định cư hẳn ở bên ấy. Đây là lần đầu tiên cô về Việt Nam thăm bà nội. Dù có được nghe ba kể, nhưng hôm nay cô mới được tận mắt nhìn, tận tai nghe bà kể câu chuyện về cây hoa sữa giữa Sài Gòn, về người thanh niên đội nón tai bèo trên bàn thờ, ông nội của cô, người chiến sĩ Giải phóng quân Mậu Thân năm xưa.
H.H
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài