Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Lê Hoài Nam.
Gồm các truyện sau:
1. Cây hoa lạ ở góc vườn
2. Thung lũng sỏi
3. Bên hàng rào kẽm gai
4. Trời tây xa lắc
5. Những giọt lệ đỏ thắm
Nhà văn Lê Hoài Nam sinh ngày 29 tháng 3 năm 1953, tại thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ông đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Ông đã có mặt ở chiến trường Bình Trị Thiên vào những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thời kì đó, Lê Hoài Nam mới chỉ yêu văn học chứ chưa biết sáng tác văn chương. Những gì chứng kiến trong cuộc chiến, nhà văn ghi lại bằng hình thức nhật ký. Phải mấy chục năm sau, khi bút lực văn chương đã vững, ông mới dùng những tư liệu ghi trong cuốn nhật ký ấy để sáng tác hàng loạt truyện ngắn đăng báo và tạp chí, tiêu biểu như các truyện: “Thung lũng sỏi”, “Chuyện rồi sẽ kể”, “Cuộc gặp muộn mằn”, “Đêm xuân may mắn”, “Sói con”, “Bên hàng rào kẽm gai”, “Cây hoa lạ ở góc vườn”, “Tình yêu vỗ cánh”… Và một phần của tiểu thuyết “Hạc hồng” (giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm, 2016 – 2020, của Hội Nhà văn Việt Nam).
Ông là hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 2023 nhà văn Lê Hoài Nam cho xuất bản tác phẩm “Khắc tinh với thần chết”. Có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết đậm đặc chất liệu chiến tranh được viết với con mắt của người trong cuộc. Cuốn tiểu thuyết này hiện đang được đông đảo bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài đề tài chiến tranh, nhà văn Lê Hoài Nam còn viết hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký về đề tài hậu chiến; đặc sắc hơn cả là đề tài lịch sử, đề tài Thiên chúa giáo và Phật giáo được đông đảo bạn đọc đón nhận, hoan nghênh bởi vốn hiểu biết dầy dặn cũng như cách viết sáng tạo, mang phong cách rất riêng của ông.
Cây hoa lạ ở góc vườn
Truyện ngắn của Lê Hoài Nam
Bây giờ thì Hoán đã đứng trước ngôi nhà ấy. Nhà cấp bốn, ba gian, tường xây lợp ngói như bao ngôi nhà ở nông thôn bắc bộ, trông sạch sẽ và sáng sủa. Trước ngõ có một cái cổng tre đỡ cho cây hoa giấy ngũ sắc leo lên. Trước nhà là mảnh vườn có bờ dậu bao quanh, bên trong trồng khá nhiều hoa. “Chào bác, bác từ đâu đến? Bác hỏi nhà ai?”. Hoán quay nhìn người vừa hỏi. Hơi giật mình. Đúng là Thư rồi. Gần 50 năm đã qua mà gương mặt tròn, cặp mắt đen và sáng, vóc dáng cao tầm thước kia không thể nhầm lẫn được. “Tôi từ Hà Nội về, đến thăm Thư đây”. Chừng như chưa nhận ra Hoán là người quen, Thư nói: “Đúng là em trông anh cũng quen quen”. Thư mở cửa cho Hoán vào nhà, chỉ cho ông ngồi xuống bộ bàn ghế gỗ mộc, rót nước mời ông. Nhấp xong một ngụm nước, Hoán mới chậm rãi nói: “ Mùa khô năm 1971, chúng ta từng gặp nhau tại binh trạm trong cánh rừng già miền tây Quảng Trị, tôi chính là cái anh chàng mà Thư kiên quyết ngăn cản không cho xuống tắm ở cái con suối có chất độc ấy…”. Nghe đến đây, đôi mắt Thư sáng rực lên mừng rỡ: “Bây giờ thì em nhớ rồi. Anh tên là Hoán. Anh trẻ nhất, vóc dáng thư sinh nhất trong cái đại đội ấy…”
Chợt Hoán nhìn thấy đôi mắt Thư lăn ra hai dòng lệ. Hai dòng lệ ấy như kích thích nước mắt Hoán cũng chảy ra. Họ ngồi lặng đi, cùng nhớ lại cái buổi chiều tối hôm ấy. Tiểu đoàn 1 của Hoán hành quân từ Bắc vào, tính đến ngày hôm ấy họ đã hành quân bộ trên đường Trường Sơn hơn một tháng. Khi đến binh trạm nơi Thư làm y sĩ trời đã xâm xẩm tối. Tiểu đoàn trường ra lệnh cho đơn vị dừng chân. Các đại đội theo giao liên tản ra những cánh rừng xung quanh, nấu ăn, mắc tăng võng ngủ qua đêm. Đại đội 2 của Hoán trú trong một đám rừng có rất nhiều cây bằng lăng, những cây bằng lăng về cuối thu lá đỏ như nhuộm phẩm, có một con suối chảy qua. Bộ đội hạ ba lô xuống gốc bằng lăng rồi nhao xuống suối tắm sùm sụp. Vùa bơi lội vừa té nước trêu đùa nhau, vã nước lên miệng uống cho đỡ cơn khát sau một ngày hành quân mệt mỏi. Bỗng xuất hiện một quân nhân nữ hông đeo một cái túi cứu thương, cô hét lên: “Này các anh, không được tắm! Nước suối có chất độc! Các anh lên bờ đi!”. Những anh chàng đang tắm nghe nói thế có vẻ lặng đi một lát nhưng rồi họ cất lên những tiếng nói: “Ai đã biết nó độc thế nào! Độc như thuốc trừ sâu phô- pha-tốc mà hồi còn ở nhà bọn tớ vẫn dùng phun cho lúa, cho bèo dâu là cùng chứ gì!”
Nữ quân y giơ tay vén đám lá chỉ tay về phía dãy đồi phía tây, trên đó cỏ cây đều ngả màu nâu, có chỗ lá cây úa nẫu tan thành dòng nước đen ngòm róc rách chảy xuống con suối bộ đội đang tắm, nói: “Các anh nhìn xem, máy bay Mỹ nó mới rải chất độc xuống cánh rừng kia, toàn bộ cây cối đã bị héo úa tan chảy thành dòng xuống suối như thế, sao lại bảo không độc?” . Em khẩn khoản xin các anh đừng tắm nữa. “Ừ thì cứ cho là độc đi – một người đang dùng dép kì lưng dừng lại nói – Mẹ kiếp, đã vào đến đây thì sống nay chết mai, biết thế nào! Thôi thì cứ đói ăn, khát uống, mưa lúc nào mát mặt lúc ấy đã!”
Hoán đã cởi bỏ quần áo dài toan nhảy xuống tắm, liền bị Thư, tên cô y sĩ, dang tay ngăn lại. “Anh, anh còn quá trẻ – cô nói – Nếu cần phải chết thì chết lúc đánh trận, đừng chết vì sự kém hiểu biết! – Rồi cô quay về phía những người đang tắm nói to – Các anh nghe em đi! Phía đông binh trạm có một con suối không chảy từ khu rừng bị rải chất độc. Anh nuôi của các anh lát nữa cũng phải lấy nước của con suối ấy nấu cơm. Các anh lên đi, em sẽ đưa các anh ra đó tắm!”. “Thôi khỏi cần. Cô đưa mình thằng Hoán ra đó tắm đi. Nó đẹp giai, học hết lớp mười. Chết tiếc lắm. Còn tụi này văn hóa thấp, cổ cày vai bừa, ăn nước ruộng uống nước kênh mương quen rồi. Có chết cũng đáng đời thôi…”.
Tối hôm ấy Thư đưa Hoán ra con suối phía đông binh trạm cho anh tắm. Thư đứng trên bờ chờ Hoán tắm xong để hai người cùng về. Dưới ánh đèn dù pháo sáng, Hoán ngắm gương mặt tuy có xanh xao vì sốt rét nhưng vẫn ẩn hiện một vẻ đẹp nền nã dễ mến của Thư. “Ngày mai tiểu đoàn anh sẽ hành quân tiếp vào tuyến trong. Chiến trường ác liệt thế này chưa chắc đã có ngày trở về. Còn em, phục vụ ở binh trạm này dẫu sao cũng… cầu cho bom đạn không giết chết em. Em xứng đáng được sống. Được làm vợ. Được làm mẹ. Vì em rất đẹp, Thư à”.
Thư chìa một bàn tay cho anh nắm. Bỗng anh thấy những giọt nước mắt nóng hổi của cô nhỏ trên mu bàn tay anh. Biết Thư đã học xong cấp ba và cũng yêu văn học như mình, anh về khu rừng bằng lăng, nơi đại đội 2 trú quân, mở ba lô lấy cuốn “Thép đã tôi thế đấy” mang đến căn hầm nửa nổi nửa chìm nơi Thư trực cứu thương, dúi vào tay Thư: “Đây là cuốn sách hay nhất mà trong đời anh từng đọc. Anh tặng em!”…
…Giờ đây, Hoán và Thư đều đã ở tuổi ngoài sáu mươi. Họ cứ nhìn nhau mãi mà chưa biết bắt đầu nói với nhau như thế nào. Cuối cùng thì ông Hoán đã lên tiếng trước: “Em còn nhớ cái đêm em dẫn anh ra con suối phía đông binh trạm tắm, lúc về anh đã cầu mong cho em điều gì không?”. “Có, anh cầu mong bom đạn đừng giết chết em”. “Hóa ra lời nguyện cầu của anh cũng linh nghiệm đấy chứ – Hoán nói – Có một điều khiến anh ân hận nhất là buổi tối hôm ấy vì mải chuyện mà anh quên xin địa chỉ gia đình em. Hôm anh ra bắc lại ngồi trên cái xe tải của Tổng cục Hậu cần, xe có qua binh trạm nơi em từng ở mà lái xe không dừng. Sau này anh rất muốn tìm gặp lại em mà không biết tìm ở đâu”. “Còn em thì, cái lúc em đưa bàn tay cho anh nắm, em đã định xin địa chỉ quê anh, nhưng em lại sợ. Vì trước đó có mấy anh em ghi địa chỉ thì sau đó đồng đội của các anh ấy trở ra bắc ghé qua binh trạm đều nói, mộ các anh ấy mai táng ở chỗ nọ chỗ kia… khiến em sợ. Em không muốn số phận anh lặp lại số phận của họ. Thôi đã trót rồi, không làm lại được nữa. Anh nói cho em nghe đi, cuộc sống của anh thế nào? Những người đồng chí cùng đại đội với anh bây giờ ra sao?”. “Anh rất biết ơn em, vì em đã ngăn cản không cho anh tắm ở con suối phía tây binh trạm hôm ấy, nên anh còn sống đến bây giờ. Còn tất cả các đồng chí cùng đại đội đặc công với anh mà xuống con suối chất độc ấy tắm, sau đó ít ngày thì gần một nửa đã hy sinh trong trận đánh một cứ điểm địch bên bờ sông Ô Lâu. Sở dĩ hy sinh nhiều như thế vì trong lúc cả đại đội đang gỡ mìn chui qua 7 lần hàng rào vào căn cứ địch, một cậu lính trẻ bị muỗi đốt đã sơ ý co chân lên gãi, ngón chân vướng vào dây mìn, quả mìn phát nổ. Lộ bí mật. Bọn địch trong căn cứ dùng súng cối M79 và súng phun lửa bắn ra hàng rào, kích nổ tất cả những quả mìn gài ở đó. Họ hy sinh hết. Chỉ có những anh em chưa kịp chui vào hàng rào mới sống sót, em à. Lính đặc công bọn anh là thế, đã chui luồn qua các tầng hàng rào, bí mật tiếp cận từng nơi địch ở rồi mới khai hỏa là sẽ chắc thắng, sẽ đánh như “nở hoa trong lòng địch”. Nhưng nếu không may bị lộ trong lúc đang chui hàng rào thì tỷ lệ tử thương là rất lớn”. “Trừ những người đã hy sinh, còn những người sống sót trở về thì sao? Chất độc ở cái dòng suối ấy có ảnh hưởng đến mạng sống của họ không?”. “Sau 30 tháng 4 năm 1975, còn khoảng một phần ba đại đội trở về – Hoán nói – Họ lấy vợ sinh con, nhưng con cái họ đa phần đều mang những hình thù kỳ quái, chúng ốm đau quặt quẹo, chết dần chết mòn. Những đứa sống được cho đến hôm nay thì thiểu năng trí tuệ, chỉ làm được những công việc đơn giản để nuôi thân. Những người cha của chúng thì chất độc ngấm vào thân thể dồn bón thành những u cục, đau đớn kéo dài. Tính đến nay, quá nửa trong số họ đã về thế giới bên kia…”. “Còn anh, quan sát phong độ của anh em cũng đoán ra cuộc sống của anh rất may mắn, hanh thông?”. “Em nói đúng, anh khỏe mạnh, phấn đấu lên đến chủ nhiệm chính trị binh chủng, anh mới về hưu. Vợ anh là một sĩ quan quân nhu, cùng ở cơ quan binh chủng với anh. Vợ chồng anh có hai thằng con trai. Thằng lớn học xong phổ thông, anh cho cháu vào quân đội, cũng binh chủng với bố mẹ. Hiện nay mang quân hàm trung tá, giữ chức chính trị viên tiểu đoàn. Thằng bé, tốt nghiệp phổ thông, anh cho nó sang Anh quốc du học. Mấy năm sau nó tốt nghiệp mang tấm bằng về trịnh trọng trình bố mẹ. Anh định nhét nó vào một phòng ban của binh chủng, nó bảo: “Nhà mình có điều kiện, hãy để cho con làm doanh nhân”. Điều mà nó gọi là “có điều kiện” ấy anh cũng xin thú thật với em. Chuyện thế này: ngày ấy binh chủng làm dự án xin đất xây chung cư bán giá rẻ cho gia đình sĩ quan, lãnh đạo binh chủng quyết định bớt lại tặng cho mỗi sĩ quan chủ chốt của cơ quan binh chủng một miếng, gọi là lộc lá. Anh được chia một miếng hai ngàn mét. Thằng con từ Anh quốc về huy động hết vốn liếng xây một cái rì sọt trên nền đất ấy. Nó làm kinh doanh khá tốt. Sau hai năm đã sắm được xe hơi Lexu 7 chỗ. Nhưng cũng có chuyện buồn em à, cái vụ chia chác đất đai ấy bị kiện cáo, anh cũng bị liên lụy, mất cái suất phong hàm thiếu tướng. Giữ được quân hàm đại tá về hưu cũng đã là may mắn lắm rồi”. “Đời một con người không ai gác tay lên trán được từ tối đến sáng, có lúc thăng lúc giáng cũng là chuyện thường tình – Thư an ủi – Anh có vấp vấp một chút cuối đời công tác, nhưng hai đứa con anh thì lại đang thành công. Con hơn cha mới là nhà có phúc chứ! Em chúc mừng anh!”. “Còn cuộc sống của em thế nào, kể anh nghe đi”. “Em công tác ở binh trạm cho đến sau 30 tháng 4 năm 1975 mới xuất ngũ về quê. Sau một thời gian điều trị vực lại sức khỏe, em được một anh bác sĩ trẻ làm việc ở bệnh viện huyện yêu và cưới làm vợ. Em mang thai rồi sinh con. Hôm em trở dạ, chồng em đứng phục dịch suốt đêm, hồi hộp mong đứa con chào đời. Nhưng khi em sinh thì đứa con mang mặt người nhưng thân thể nó mọc lông như lông thú, nó không có cả bộ phận sinh dục. Chồng em nhìn thấy thì hét lên và khụy xuống. Khi ấy em mới vỡ nhẽ ra rằng, hồi ở binh trạm em có nhiệm vụ ngăn cấm các anh không được xuống cái dòng suối độc hại ấy tắm, nhưng có lẽ vì em sống ở đấy lâu nên bị nhiễm độc từ không khí. Đứa con không giới tính của em sống được ba ngày thì qua đời. Chờ cho sức khỏe ổn định, em viết đơn ly hôn giải phóng cho chồng em. Anh ấy vốn dĩ rất yêu em nên cứ nhùng nhằng mãi không chịu ký, chỉ đến khi bố mẹ anh ấy gây sức ép căng thẳng anh ấy mới chịu ký. Em lại sống một mình như xưa với đồng lương trợ cấp bệnh binh. Đêm đêm cô độc em khao khát có một đứa con. Em đến bệnh viện huyện xin được một đứa con gái bị mẹ nó bỏ rơi mang về nuôi. Cũng may là con bé càng lớn càng xinh và học hành sáng dạ. Khi con bé biết đọc biết viết em hướng dẫn cho cháu cách đọc truyện. Thoạt đầu là những truyện ngắn xinh xinh của Andecxen, Truyện cổ Grim, truyện Ngàn lẻ một đêm… Cháu bước vào tuổi vị thành niên em hướng dẫn cháu đọc “Thép đã tôi thế đấy”, cuốn tiểu thuyết mà anh đã tặng em cái đêm chia tay ở binh trạm ấy”. “Ôi em vẫn còn giữ được cuốn ấy sao?”. “Vâng, biết bao lần binh trạm bị ném bom và pháo kích, có cả lần chiếc ba lô của em bị cháy, nhưng em vẫn cứu được cuốn sách anh tặng đựng trong đó”. “Con gái em thích cuốn tiểu thuyết ấy không?”. “Nó coi cuốn sách ấy là vị thần khải mở tình yêu văn học cho nó, bởi vì chỉ khi đọc xong “Thép đã tôi thế đấy” nó mới thực sự yêu văn học. Nó trở thành học sinh giỏi văn, thi vào khoa văn đại học sư phạm, trở thành cô giáo dậy văn THPT là vì thế. Hôm nay cháu đến thăm cô giáo, chắc giờ này cũng sắp về. Em có kể với cháu chuyện anh tặng em cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Lát nữa gặp anh chắc cháu mừng lắm. À, khi em kể những chuyện ở binh trạm, cháu rất thích, nó khuyên em nên viết một hồi ký, nó sẽ là người cộng sự số một. Em viết được hai chương thì cháu chỉnh chang văn phong có hồn cốt rồi gửi lên tòa báo, không ngờ họ đăng ngay, lại còn đăng cả ảnh, cả quê hương cố quận mới gay chứ. Vì thế mà có nhiều người gửi thư khen, lại còn mời kết bạn facebook nữa. Họ cứ làm như em là một nhà văn không bằng. Em ngượng quá!”. “Chính vì họ trích đăng hai chương hồi ký của em mà anh mới có địa chỉ để về đây tìm em đấy”. “Trong lúc chờ con gái về, em mời anh ra thăm vườn hoa nhà em. Hai mẹ con em cùng có chung sở thích trồng hoa” – vừa nói Thư vừa khẽ nắm bàn tay Hoán dắt qua cái cổng tre ra khu vườn trước cửa. Những khóm lan hài, lan hoàng vũ trồng trong chậu đang vươn hoa rất đẹp. Những cây lan tiêu đang trổ những chiếc nụ e ấp nở thành hoa. Những cây hồng quế cũng đang trổ bông. Hương hồng quế hòa với hương lan tiêu thành một thứ hương thơm ngọt ngào, nồng nàn mà tinh khiết. “Anh Hoán, anh đến đây, em cho anh xem loài hoa bí ẩn này!”. Ở một góc vườn, nơi Thư đang đứng có một cây nhỏ bằng cây lan tiêu, lá giống như lá thị, không thấy bông hoa nào mà sao Thư bảo mình đến thưởng thức? “Cây này hoa của nó nhỏ, giống như bông ngọc lan nhưng nhỏ hơn bông ngọc lan. Hoa giấu mình bên trong kẽ lá, nhìn lướt sẽ không thấy. Hoa thường ở trạng thái khép cánh như cái nụ. Chỉ khi có bàn tay người đụng vào, nếu là người có tâm hồn trong sáng, hoa sẽ nở ra, và tỏa hương. Vây nên mới gọi là hoa Nhập Nhân”. Thư vạch những kẽ lá, hỏi: “Anh nhìn thấy những bông hoa nằm dưới kẽ lá chưa? Anh hãy đưa những ngón tay vuốt nhẹ những bông hoa đi. Người thành đạt, viên mãn như anh, hoa sẽ nở và tỏa hương đấy mà”. Hoán làm theo lời chỉ dẫn của Thư. Ông đưa tay vuốt ba bông hoa. Nhưng ông vuốt mãi mà cả ba bông hoa vẫn không xòe cánh. Ông quay sang nói với Thư: “Em giỡn anh phải không?”. Gương mặt Thư có vẻ như hơi tái đi. Bà đưa tay vuốt nhẹ chính những bông hoa mà Hoán vừa vuốt, cả ba bông hoa bỗng từ từ mở cánh, bắt đầu tỏa hương, một mùi hương thanh khiết, ngọt ngào gợi lên một điều gì đó rất thiêng liêng. Lúc này thì Thư nhận ra gương mặt “đẹp lão” rất nam tính của Hoán tái nhợt đi. Hoán bước trở lại sân, tháo túi quà ở tay xe trao cho Thư, nói: “Đây là món quà tết anh mua tặng mẹ con em. Anh không đợi được con gái em đâu. Ngày cùng tháng tận, anh phải về lo cho gia đình đón giao thừa. Ra giêng anh sẽ trở lại thăm mẹ con em.
Trên đường phóng xe về thành phố, Hoán cứ day dứt với câu hỏi: Vì sao Thư sờ tay vào hoa nhập nhân thì hoa nở và tỏa hương, còn mình làm thế thì hoa vẫn cứ ngậm cánh không chịu mở? Lòng dạ mình chẳng nhẽ lại vẩn đục, u tối?
Về đến ngôi nhà ba tầng khang trang quen thuộc, Hoán bước qua cửa đã nhận thấy trong nhà có gì đó khang khác. Nhìn vào căn phòng nơi ông kê bộ salông cổ gỗ gụ khảm trai và một cái giá với hàng ngàn cuốn sách thì cả hai thứ đã biến mất. Thay vào đó là bộ salong kiểu Anh, chạm trổ dát vàng và cái tủ rượu bóng loáng vơi những chai rượu tây mang những nhãn mác đắt tiền.Thấy Hoán cứ đứng như trời trồng với vẻ tiếc nuối, vợ ông bảo: “Thằng Lợi nhà mình nó bỏ mấy thứ đồ cổ của ông đi rồi. Bộ salông thì nó bán. Giá sách nó gọi bà đồng nát đến dọn đi. Hai đứa con ông có đứa nào thích đọc sách đâu. Ông thì đọc hết mọi cuốn trên giá rồi thì giữ làm gì nữa. Con nó làm ra tiền, nó thay đồ mới cho phù hợp với thời đại, rồi nó còn cưới vợ nữa chứ! Vợ nó là con nhà gia thế, không thể xú xứa được!
Hoán vẫn như chết lặng không nói được câu gì. Cách đây chưa lâu, khi thằng Thắng, con trai lớn của Hoán về thăm bố mẹ, nó khoe đã được phong chức chính trị viên tiểu đoàn, Hoán đã dẫn nó đến bên giá sách, ân cần nói với nó: “Con biết không, tủ sách này bố đã mua tích dần từ thuở còn là học sinh đến bây giờ. Những năm được giữ những chức vụ quan trọng của binh chủng, bố vẫn dành thời gian mua sách và đọc sách. Đủ mọi trường phái: cổ điển, lãng mạn, hiện thực, hiện đại, hiện sinh… Nói cách khác: Tinh hoa văn chương của nhân loại đều hội tụ về đây cả. Còn con, bố chưa bao giờ thấy con đọc một cuốn nào trong giá sách này. Bố cho qua chuyện đó. Nhưng bây giờ còn làm chính trị viên của một tiểu đoàn, nghĩa là con đang lãnh đạo tư tưởng của gần năm trăm con người trẻ tuổi, là tương lại của đất nước thì con không thể không đọc sách”. “Quan niệm của bố xưa cũ lắm rồi – Thắng thản nhiên nói – Thời bốn chấm không của chúng con đã khác xa thời sách sách vở vở của bố rồi. Chẳng cần mấy cái thứ văn chương thơ phú của bố chúng con vẫn làm tốt. Từ nay bố đừng nhắc đến việc này nữa, bố nhé”. Hôm ấy, nghe Thắng nói thế, dù rất không hài lòng nhưng Hoán im lặng, bởi ông cho rằng, Thắng đang như con ngựa non háu đá. Rồi trong quá trình làm chính trị viên tiểu đoàn, công việc sẽ dạy cho nó, bắt nó sẽ phải cần đến cái tủ sách của ông. Đến hôm nay, thằng Lợi đã chấm dứt mọi hy vọng của ông, nó cho cái tủ sách biến mất! Có lẽ cách ứng xử của hai đứa con Hoán bấy lâu nay đã tạo ra cho người cha những ý nghĩ u ám, phẫn uất mà ông cố gắng để cho nó lặn sâu trong tâm can, giữ cho bề ngoài ra vẻ một người chủ gia đình viên mãn, thành đạt chăng? Nhưng hôm nay thì những bông hoa Nhập Nhân trong góc vườn nhà Thư đã khuyến cáo rằng, trong tâm ông đang có những khoảng tối.
Thấy Hoán vẫn đứng như trời trồng giữa gian nhà, mặt sầu muộn, ưu tư, vợ ông nói: “Ông đừng giận thằng Lợi nữa. Ông phải tự hào về nó mới phải. Chẳng gì nó cũng đã là một cử nhân tốt nghiệp bên Anh quốc về”. “Tôi đang rất hoài nghi về cái bằng cử nhân của nó đây. Tôi đã có cách kiểm tra, nó không nói nổi một câu tiếng Anh, trong khi trường đại học bên ấy người ta dậy bằng tiếng Anh, vậy thì nó học bằng cách nào? Tấm bằng cử nhân của nó có thực chất không?”
Hoán bấm điện thoại gọi cho hai thằng con, hẹn chúng bữa cơm cúng giao thừa đêm nay không được vắng mặt. Ông muốn nói với chúng những điều thật tâm cốt trong cái giờ phút thiêng liêng ấy.
Hà Nội, mùa đông 2010.