Thằng Cậy hồi này đâm ra lại thích những câu chuyện nhảm nhí của ông Cuội. Ngày mới lên đảo, nó chán nghe chuyện của ông lắm. Những câu chuyện đám trẻ vô tích sự ở đây nghe cứ cười rộ lên, thằng Cậy chỉ nhếch một bên mép. Ai biết nó nhếch mép câu chuyện của ông Cuội dớ dẩn, chán ngắt, hay nó làm thế với đám vô tích sự, chuyện có thế mà cũng cười!

Nó nghĩ, ông Cuội sinh ra nhất định không phải để kể chuyện. Những câu chuyện của ông toàn cóp nhặt dông dài, ghép mỗi đoạn mỗi mẩu thô thiển. Ông vừa kể vừa nghĩ, dám chắp cả những ý nghĩ của ông vào những câu chuyện cổ tích nó thích, làm cho cổ tích không còn ra cổ tích nữa. Thế mà ông cứ kể ngày này qua ngày khác, chỉ khi nào vào làng làm thuê mới thôi. Hễ trưa, chiều về đến gốc đa là ông lại vắt vẻo leo lên cành đa ngồi kể. Chưa có đứa nào đến, ông đã kể. Có lần thằng Cậy tự nói một mình:

– Không phải ông Cuội kể cho đám trẻ vô tích sự nghe đâu! Ông kể cho chính ông ấy đấy!

Làng Đảo nằm trên hòn đảo ngoài cõi thế, gọi là Đảo tiên, không biết đảo đã thành làng từ bao giờ. Nhìn cây đa trên đảo, làng gọi Cây Đa ngoài cõi thế, tán rộng mấy sào đất thì ai cũng bảo làng Đảo là làng cổ. Dưới gốc đa có một ngôi miếu. Không biết miếu được dựng từ đời nào. Làng vẫn gọi miếu thần. Người già nhất làng cũng không biết, ngôi miếu thờ thần cây đa hay thần gì? Chỉ thấy trong miếu có rất nhiều bát hương. Thỉnh thoảng những đêm giở giời, thanh vắng, lại nghe tiếng hú văng vẳng trên ngọn đa; rồi những bó đuốc chập chờn kéo về, sáng rực cây đa. Ngày xưa, các cụ trong làng cắt cử nhau, chiều chiều ra quét lá đa, sửa lại ban miếu.

Từ dạo có ông Cuội đến đảo xin ở nhờ, các cụ tin tưởng giao hẳn miếu cho ông Cuội trông nom. Đám trẻ vô tích sự cứ trưa trưa, chiều tối lại kéo nhau ra gốc đa hóng mát, nghe ông Cuội kể chuyện. Mãi cũng thành lệ. Đám trẻ giờ cần ông Cuội như thể ông cần chúng nó. Những đêm trăng suông, ông Cuội không trèo lên cành đa kể chuyện. Ông tụt xuống nô đùa với đám trẻ con. Năm bảy đứa húm vào vật ông. Có lần chúng khiêng ông ném ra bờ nước. Ông không chửi, cũng không đánh đứa nào, lại còn cứ thế cười sằng sặc. Ông cười như thể bị ma làm! Cười đấy, tự nhiên ông lại khóc đấy! Ông khóc cũng nhanh, vui thì khóc, một lúc lại thấy ông trèo lên cành đa, vắt vẻo ngồi kể chuyện.

Phải nói, chuyện của ông Cuội thoạt nghe, đứa nào cũng bảo nhàm. Người lớn còn bảo nhảm nhí, hoang đường, nhưng nghe mãi đâm quen. Chuyện chả ra gì, nghe ông kể vẫn có hồn. Ông đưa cả hồn ông vào chuyện, cứ như ông đang kể chuyện của ông vậy! Có lúc ông kể, bọn trẻ thấy mắt ông sáng long lanh. Khi bỗng dưng cặp mắt ấy lại ngầu đỏ, trông thật xúc động. Bọn trẻ cảm động nhất khi nghe ông kể câu chuyện hoàng tử bị mất tích. Bọn nó thuộc lòng câu chuyện ấy rồi. Chuyện ông kể rằng:

… Ngày xửa ngày xưa, có một chàng hoàng tử to cao đẹp trai, ăn chơi hơn người. Chàng được các cô má phấn khắp thiên hạ thầm mong trộm nhớ…!

Chuyện hoàng tử dài lắm, nhưng chung quy, trên đời có hoàng tử nào sung sướng nhất, chính là chàng ta; tương lai rạng rỡ nhất, cũng là chàng; mà cha mẹ giàu có, được cha mẹ yêu chiều nhất, cũng không phải ai khác, chính là hoàng tử của ông! Kể đoạn này, mắt ông Cuội bao giờ cũng rực sáng.

… Rồi một hôm, hoàng tử nghe nói, trên đời có một cõi tiên. Hoàng tử đã tìm đến. Quả thực, chàng chưa thấy ở đâu, có nơi nào lại cực lạc hơn thế! Từ đó, ngày ngày chàng thả mình bồng bềnh bay cùng với tiên. Bỗng một hôm, hoàng tử đang bay, chàng nhận ra mình bị rơi xuống một cái vực sâu thăm thẳm. Dưới đó thấy toàn quỷ lạ. Những con quỷ không ra quỷ, người chả phải người, mặt đen như mặt thần chết! Hoàng tử sợ hãi, cố thử bay lên mấy lần, lại bị tụt xuống sâu hơn! Chàng hét lên thật to. Tỉnh ngộ, thì chàng đã là một hoàng tử vô tích sự, hoàng tử không hồn. Chàng hối hận, bỏ nhà ra đi, nguyện đi thật xa! Thiên hạ đã tin, chàng hoàng tử đã bị mất tích. Cha mẹ chàng tốn công đi tìm khắp nơi…!

Lần nào kể đến đoạn này, mắt ông Cuội cũng rưng rưng, nhìn đám trẻ dò xét, xem thái độ chúng thế nào? Thực ra, lần nào cũng thế, bọn trẻ chỉ ngơ ngác khi thấy câu chuyện kết thúc không có hậu. Bi chả phải bi. Hài cũng không ra hài. Nhưng mắt ông Cuội thì lúc sáng, lúc lại ngầu đỏ. Bọn trẻ cứ ngồi thế, yên lặng chờ cho ông bắt sang chuyện khác. Không đứa nào dại gì mà giục!

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Thằng Cậy không biết đã mến ông Cuội từ hồi nào? Có phải nó đã bắt đầu thích những câu chuyện của ông? Hay vì ông là người trên cõi đời đã đem cái thân còm ra che chở cho nó?! Số phận của ông, của nó đan vào nhau. Hai kiếp người làm một. Nó dựa vào ông hôm nay, ông dựa vào nó lúc nào, chưa biết?! Ít ra bây giờ, cả hai đều cảm thấy mình đã có một người thân! Nghe ông Cuội kể câu chuyện chàng hoàng tử, thằng Cậy nhớ lại phần đời ngắn ngủi của nó đã qua, không đẹp, không thê thảm như cuộc đời của hoàng tử, nhưng là một ác mộng!

Thằng Cậy từ khi sinh ra chưa biết có bố. Mỗi khi nó thấy đám trẻ tuổi như nó, được bố kiệu trên vai đi chơi, nó thèm! Có lần Cậy định hỏi mẹ, nhưng nó là đứa nhạy cảm, thấy mẹ không kể, nó không dám hỏi. Mẹ Cậy chiều chiều tất tưởi đi làm, nhiều bữa qua đêm đến sáng.

Về nhà, người mẹ sặc sụa nước hoa; toàn thân mềm nhũn. Mẹ ôm thằng Cậy vào lòng ngủ cả buổi. Nhiều hôm gối mẹ ướt đầm nước mắt. Nó không dám hỏi mẹ đi làm gì, ở đâu. Thế rồi mấy hôm không thấy mẹ dậy đi làm, Cậy ở nhà với mẹ cả ngày, quay ra làm nũng, đòi mẹ đưa đi chơi. Mẹ ôm Cậy mà khóc. Đến trưa, bác Thơ, cùng ở với mẹ con Cậy, bưng cho mẹ một bát cháo hoa, nó mới biết mẹ nó bị ốm. Mẹ nằm ôm bác Thơ. Hai người đàn bà ôm nhau khóc suốt buổi. Mẹ kể đến đâu, khóc đến đấy. Cậy chưa thấy ai nhiều nước mắt như mẹ và bác Thơ! Nó nghe lõm bõm mấy câu bác Thơ bảo:

– Đã bị thứ ấy, … Chị em mình không có đủ tiền đi chữa đâu!

Rồi bác Thơ lại ôm mẹ nó khóc cạn nước mắt.

Hai hôm sau, mẹ dẫn Cậy ra bến đò Tiên, lên mảng, mải miết bơi ra đảo. Chắc mẹ phải biết nhiều chuyện trên Đảo? Mảng sắp cập bến thì mẹ trượt chân, ngã vào dòng xoáy không sao lên được! Cậy sợ hãi khóc mẹ mấy ngày. Hôm ấy, ông Cuội nghe tiếng trẻ con khóc ngoài bến, đã kịp bơi ra. Đám trẻ vô tích sự trên đảo nghe chuyện thì bảo mẹ nó tự tử. Thằng Cậy chả biết tự tử là gì, nó cãi, mẹ nó bị trượt chân. Có lần thằng bé nổi khùng, đấm vào mặt mấy đứa lớn hơn nó, chỉ vì đám vô tích sự dám xúc phạm đến mẹ nó.

Lần nào như thế, Cậy cũng được ông Cuội đứng ra bênh vực, chở che. Ông ôm Cậy vào lòng chặt như mẹ nó vẫn ôm. Những lần như thế, thằng Cậy thắc mắc, liệu mẹ ngày xưa có biết ngoài cây đa làng Đảo có ông Cuội? Tại sao ông Cuội lại biết mà ra vớt nó về đây? Cậy thắc mắc, mà chả dám hé răng. Cậy không thấy ông Cuội có tài sản gì, ngoài cái hộp giấy đỏ vuông vắn, đêm nào ông cũng nâng niu kiểm tra, rồi lại đặt cẩn thận tít trong góc miếu. Thằng Cậy có lần tò mò để ý cái hộp, đã nghe ông Cuội chau mày nhắc:

– Liệu hồn! Đụng vào đó ăn đòn tuốt xác!

Thằng Cậy tin ông Cuội dám làm, nên không dám đụng vào cái hộp. Khi một mình, ông Cuội đem cái hộp ra ngắm, rồi ông ôm nó trước ngực, hai mắt long lanh. Hình như cái hộp luôn truyền cho ông Cuội sức để sống! Mùa đông, cái hộp sưởi ấm tấm thân trần co ro trong góc miếu. Mùa hè, nó xua bớt cái nóng oi ả ngoài làng Đảo. Ngày vào làng tìm việc làm, tối về miếu, việc đầu tiên ông để ý là nhìn xem cái hộp còn ở chỗ cũ không?

Ngày trước một mình, ông Cuội sống vô tư, mệt là lăn ra ngủ, khoẻ mới đi làm, lắm hôm lặn mặt trời ông mới mò về, bữa tỉnh, bữa say! Từ dạo có thêm thằng Cậy, tính ông thay đổi. Người làng đảo thấy ông vớt được thằng bé kháu khỉnh, có người đến xin về nuôi. Ông Cuội không cho. Ông ôm thằng bé vào lòng, mắt long lên nhìn về phía họ, như sợ họ vào cướp mất thằng Cậy của ông. Ông giữ thằng Cậy như giữ cái hộp giấy đỏ, hai tài sản của ông. Bây giờ ông dậy thật sớm, đi làm về rất đúng giờ. Khi về, ông xin thêm túi cơm, túi canh, gọi là lấy phần cho thằng bé. Ông làm thuê trong làng Đảo, làm bất cứ việc gì, chả lấy tiền công của ai bao giờ.

Ngày cơm hai bữa ở trong làng, tối về gác miếu. Làng Đảo nhà nào có việc cũng ra đón ông, họ coi ông như người của đảo. Nhưng đến nhà ai không được làm giúp, chả bao giờ ông chịu ăn không. Từ ngày có thêm thằng Cậy, thêm một miệng ăn, đi làm về, ông bất đắc dĩ xin thêm khẩu phần cho thằng bé. Sang năm nay, thằng Cậy ra đảo đã quen, thi thoảng đám trẻ ra rủ Cậy đi chăn trâu. Một hôm thằng bé xin ông Cuội cho vào làng học việc, cùng làm với ông. Ông Cuội nghe Cậy nói, giật mình. Nghĩ thằng này hóm đây! Ông ôm Cậy vào lòng, mắt rưng rưng, cay đỏ, lẩm bẩm tự nói một mình:

– Chả còn cách nào! Sức mình sắp cạn rồi!

Từ đó đi làm, ông Cuội dắt thằng Cậy đi theo. Ông làm gì cho nó làm kèm để học việc. Chẳng may, thằng Cậy đi làm được dăm bữa, vừa quen đường, quen lối, thì ông Cuội lăn ra bệnh. Hai mắt ông sâu hoắm rất nhanh; cái lưng càng khọm xuống. Thằng Cậy sợ hãi, vào nhờ dân làng mách đi tìm cây thuốc. Ông Cuội xoa đầu nó bảo, đừng có tốn công vô ích! Như ông biết bệnh của ông rồi. Thằng Cậy từ đấy bắt đầu thay ông Cuội đi làm. Khi về, nó nhớ xin phần cho ông một túi cơm, túi canh.

Một hôm Cậy vào làng gặp nhà có việc, chủ nhà gói cho hai ông cháu một gói phần rất to, toàn những món ăn tươm tất. Cậy hăm hở bước vội về gốc đa, vừa đi, vừa nhếch mép vui vẻ. Nó chạy thẳng đến cửa miếu, đưa mắt nhìn vào góc trong. Bỗng Cậy giật mình! Không thấy bộ xương ông Cuội ở đó nữa. Cái hộp giấy đỏ bị bóc rách, nằm chỏng chơ nơi ông Cuội vẫn nằm. Thằng bé lẳng vội túi phần vào gốc đa, chạy ra bãi nhìn về đất liền. Chả nhẽ ông Cuội lại bỏ nó mà về, nó nghĩ.

Nó rơm rớm hai hàng nước mắt. Bỗng có linh tính, Cậy chạy bổ về phía sau gốc cây đa. Kia rồi, ông Cuội hôm nay ngủ treo trên cành đa. Đầu ông chui qua một dải lụa hồng. Cậy chạy lại ôm lấy chân ông. Hai chân ông Cuội hôm nay lạnh ngắt, không ấm như những đêm Cậy vẫn bóp chân, nắn tay cho ông ngủ. Nó sực nghĩ đến cái chết. Nhìn lên, mặt ông Cuội tròn như cái đĩa. Mồm miệng ông thế nào thế kia! Thằng bé hốt hoảng vừa chạy, vừa nhếch mép liên hồi, té vào trong làng.

Từ dạo ấy, đi làm về, phần cơm cho ông Cuội, Cậy nhớ xin thêm quả trứng! Dải lụa hồng, nó đoán ông Cuội lấy ra từ cái hộp giấy đỏ. Cậy đem phơi nắng thơm tho, cất giả vào hộp dán kín. Đêm ngủ, thằng Cậy lại ôm cái hộp vào ngực, như ngày xưa ông Cuội vẫn ôm. Nhưng thằng Cậy có cảm giác, nó đang ôm ông Cuội để ngủ!

Từ dạo ông Cuội đột ngột bỏ thằng Cậy mà đi, dân làng Đảo bảo, đêm nào cũng thấy một bó đuốc đỏ treo trên cành đa. Những tiếng hú không ngớt. Đám trẻ vô tích sự giờ sợ, không ra chơi ngoài gốc đa nữa. Ngoài ấy, không còn ông Cuội vắt vẻo trên cành đa kể chuyện suốt ngày như con ve sầu học hè nữa rồi. Nghĩ đến đây, thằng Cậy bắt đầu nhớ lại những câu chuyện ông Cuội kể ngày xưa. Cậy chắp thành những câu chuyện mới đem kể cho đám trẻ làng đảo nghe.

Nó không kể câu chuyện hoàng tử bị mất tích của ông Cuội, vì Cậy không đưa được hồn nó vào câu chuyện như ông đã đưa. Cậy bịa câu chuyện “Thiên đường và cõi thế”. Thế mà lũ trẻ rất tin. Câu chuyện của Cậy có hình ảnh bác Thơ, hình ảnh mẹ nó, có cả ông Cuội bồng bềnh bay với các cô tiên hồng, tiên trắng, tiên nâu. Đoạn kết câu chuyện là cuộc đời thằng Cậy. Câu chuyện thằng bé bịa ra, thế mà đám trẻ vô tích sự lại khóc mới lạ chứ! Từ đấy, đám trẻ lại kéo nhau ra gốc cây đa. Không đứa nào bắt nạt thằng Cậy nữa. Hễ ai đụng đến Cậy, có đứa còn định liều mình xả thân. Cậy trở thành thành viên của đám trẻ làng Đảo.

*

Một buổi trưa, Cậy đang mơ màng ngủ dưới gốc đa, bỗng nghe tiếng động, mở mắt. Một bà béo Cậy chưa gặp ở làng Đảo lần nào ngồi trước mặt nó. Cái mặt, cái cổ, cái bụng bà ngồn ngộn những cục mỡ. Cậy chưa kịp buồn nôn, đã nghe bà ấy hỏi. Nghe giọng bà nói, thì không đến nỗi! Bà kể, đã ba đêm bà nằm mơ, thấy con trai bà về báo mộng. Nó bảo bà ra tìm nó ở gốc cây đa ngoài cõi thế!

– Con trai bà năm nay bao nhiêu tuổi ạ?

– Năm nay mới ngoài ba mươi thôi!

– Thế thì không có đây đâu! Đây trước có ông Cuội ở với cháu, nhưng ông ấy già lắm. Bà ạ!

– Ông ấy cao lắm phải không? Trông rất trắng trẻo, đẹp trai phải không?

– Không đâu ạ! Ông Cuội lưng còng, mắt sâu, lọm khọm, cao chỉ hơn bà một tý thôi. Bà ạ!

– Con trai bác to cao, đẹp trai lồng lộng cơ. Nó bỏ nhà đi năm năm rồi!

– Đảo Tiên có một cây đa, có một ông Cuội thôi! Cháu nghe, ông Cuội ra đảo cũng khoảng năm năm! Ngày mai bốn chín ngày của ông ấy đấy!

Đã nói thế, mà bà béo không chịu bỏ đi. Cậy nhìn mặt bà béo phờ phạc, đôi mắt sâu, thâm quầng cũng không nỡ giục bà đi tìm ở nơi khác. Bà lặng lẽ, tự ý lấy ra mấy thẻ nhang, hoa quả, bánh kẹo đặt trước bát hương của ông Cuội mà thằng Cậy làm cho ông, đặt ở góc hè, trước miếu. Rồi bà khóc tên con trai bà, lại vái vào bát hương ông Cuội mới lạ chứ! Mặc kệ bà ta! Cứ để ông Cuội được hưởng một bữa hương nhang tử tế cũng chả sao! Sống, ông Cuội khổ nhiều rồi, chết cứ để ông được một tý nước mắt, cho mát mẻ!

Đêm ấy, bà béo ngủ lại bên gốc cây đa. Sáng hôm sau bà vào làng, lại sắm đồ lễ, bảo để làm bốn chín ngày cho con trai bà. Bà còn định ở lại ít bữa, lo việc hương khói. Thằng Cậy thấy lạ, bảo:

– Bà không ở đây được đâu! Miếu không có chỗ cho đàn bà!

Nói thế, thực ra Cậy trong đầu nghĩ khác. Nó đã thấy bà béo ăn hai bữa rồi. Loáng một cái, con gà trên tay bà ta chỉ còn lại bộ xương, không hề gãy một cái xương nhỏ nhất. Ngữ ấy ở lại, nó làm nhàu xác cũng không đủ để nuôi nửa cái miệng của bà ta đâu! Lúc nhìn bà ăn, thằng Cậy đã nghĩ:

– Giá ông Cuội được một bữa như thế kia …!

Bà béo không để ý thằng Cậy nghĩ gì. Chắc bà nhớ con thì nghĩ sao làm vậy thôi! Làm gì mà bà dễ tin, ông Cuội treo cổ chính là thằng con đẹp trai lồng lộng của bà. Tóm lại, bà muốn làm thế! Ai mà biết bà thật lòng làm cho ông Cuội, hay cho con trai bà? Có khi bà làm cho sự ăn năn nào đó của bà cũng nên. Chiều hôm sau, trước khi bà béo ra mảng về đất liền, bà moi bọc ra một cục tiền còn vuông cả buộc, giấy mới thơm phức, đưa cho thằng Cậy. Bà bảo, nhờ thằng Cậy ngày ngày hương khói cho người đã khuất. Thằng Cậy nghĩ, chắc gì ông Cuội đã nhận những đồng tiền của bà? Những đồng tiền không biết bà đã có bằng cách nào? Lấy ở đâu ra? Còn nó thì chả cần những thứ này. Nó đã có làng Đảo. Thằng Cậy một mực từ chối.

Chuyện tưởng thế đã xong. Một hôm thằng Cậy lại gặp bà béo trên đảo. Thoạt đầu nó không nhận ra. Những cục mỡ phì nộn trên khuôn mặt, trên cổ bà đã không còn. Nó nhận ra đôi mắt sâu thâm quầng của bà. Hôm nay đôi mắt ấy sâu hơn, thâm hơn. Bà béo xúc động kể cho thằng Cậy chuyện nhà bà. Cậy không để ý, nó không muốn biết chuyện của nhà bà. Mẹ nó dặn, trẻ con không tò mò vào chuyện của người lớn. Nhưng lời bà cứ lọt vào tai, rằng đường làm ăn của nhà bà đã bị bại lộ. Chồng bà đã bị bắt. Bà chỉ kịp chạy trốn ra đây. Thằng Cậy vô tình nói ra cái điều nó đang quan tâm:

– Ngày mai giỗ đầu ông Cuội!

Bà béo vật vã lăn lộn dưới gốc đa. Không biết bà khóc ông Cuội, khóc con trai bà, hay khóc cho cái gia tài vợ chồng bà bấy nhiêu năm mánh lới, vun vén bằng mọi cách, nay bị trắng tay! Bà không gọi tên ai, cứ hét lên thành tiếng hú ghê người, hắt lên ngọn đa. Bà gào cho thân phận bà. Vô tình trưa hôm ấy, thằng Cậy nâng niu đem cái khăn hồng của ông Cuội ra phơi. Chiều đi làm về, không thấy cái khăn phơi trên cành đa, Cậy toan chạy đi tìm bà béo để hỏi. Thì kia rồi! Cái khăn đang quàng trên cổ bà béo. Một đầu vắt lên cành đa ông Cuội. Ngày hôm sau giỗ đầu ông Cuội, Cậy đi làm về, xách theo hai gói cơm, xin thêm một quả trứng làm phần.

Rồi một đêm, thằng Cậy nghe tiếng vong kêu sát mặt đất. Sáng hôm sau, lại thấy mây đen từ trong đất liền ùn ùn kéo ra đảo. Bỗng một tia chớp từ mặt đất hắt lên chín tầng mây, kèm theo tiếng nổ chát tai từ tia chớp vọng ra. Người làng Đảo biết, đó là năm phát súng thẳng hàng bắn cùng một lúc. Thằng Cậy thấy một vong hồn từ chỗ tia chớp bay lên chín tầng mây, mãi không thấy có cầu vồng, mống cụt ra đón. Chắc vong hồn kia giờ không còn người thân! Cậy thầm mong, vong hồn ấy không biết đường ra đảo, vì ngoài này, có hai bát hương để ở hai góc hè miếu đã quá đủ rồi!

Lại mất mấy tuần, đám trẻ làng đảo không dám ra gốc đa nghe thằng Cậy kể chuyện. Chúng nó bảo, những tiếng hú dạo này nghe to hơn, não nùng hơn. Nhưng rồi, đám trẻ không bỏ thằng Cậy một mình. Cậy bây giờ không gọi đám trẻ là đám vô tích sự nữa. Bọn trẻ giờ cũng thuộc lòng những câu chuyện ngày ngày thằng Cậy bịa ra.

 

Nguồn VNCA

Exit mobile version