Sở dĩ chúng tôi tìm hiểu Trần Quang Nghiệp vì năm 2007, trong quá trình làm tư liệu trên báo Thần chung, có một số “đoản thiên tiểu thuyết” (truyện ngắn – thuật ngữ phổ biến thời bấy giờ ở miền Nam) của nhà văn khá đặc sắc với lối viết và phong cách khác hẳn các truyện ngắn trên tờ Thần chung. Điều này gây nên sự tò mò về Trần Quang Nghiệp và các sáng tác của ông. Sau một thời gian dài lục tìm tư liệu báo chí cũ và các bản microfilm trên Thư viện Quốc gia cũng như tìm gặp được một số nhà nghiên cứu văn học quốc ngữ Nam Bộ trong Nam, đến nay chúng tôi đã có những thông tin chi tiết về tiểu sử và khá đầy đủ văn bản truyện ngắn của ông.
Vài nét về tiểu sử nhà văn Trần Quang Nghiệp
Trần Quang Nghiệp sinh năm Đinh Tỵ (1907) tại làng Bình Cách, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho nay là huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông là con thứ 4 trong gia đình có 6 người con của cụ Phủ Cẩm Trần Quang Xuân – một hào phú tân học ở Mỹ Tho.
Thời niên thiếu, ông học trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho sau lên Sài Gòn học và bắt đầu viết văn tương đối sớm, khoảng 1927, ở tuổi 20. Theo tư liệu chúng tôi sưu tầm được, tác phẩm đăng báo sớm nhất của Trần Quang Nghiệp là truyện ngắn Ai đành phụ nghĩa trên Đông Pháp thời báo, số 683-684 ra ngày 16 và 18-2-1928. Trần Quang Nghiệp viết rất nhanh, trong khoảng 5 năm cầm bút (1927 – 1932), ông đã để lại một số lượng tác phẩm khá lớn với khoảng 40 truyện ngắn và 07 tiểu thuyết được đăng trên các tờ Đông Pháp thời báo (ĐPTB), Thần chung (TC), Phụ nữ tân văn, Trung lập, Công luận…(1).
Năm 1932, khi Trần Quang Nghiệp chuẩn bị đi Pháp du học thì được tin anh trai ông đang học bên Pháp đột ngột qua đời, kế hoạch này đành bỏ dở phần vì phải chăm sóc cha mẹ, phần vì trách nhiệm của người con trai duy nhất trong nhà phải gánh vác việc điền trang. Ông rời Sài Gòn về Mỹ Tho lo công việc làm ăn của gia đình, chấm dứt sự nghiệp văn chương ở độ còn tuổi rất trẻ, 25 tuổi.
Cũng trong năm 1932, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nhàn và có 5 người con, sau đều là những người thành đạt. Trong thời gian này, ông bắt đầu niềm đam mê với môn thể thao bóng bàn.
Năm 1945, khởi nghĩa Nam Bộ nổ ra, nhà cửa ở Mỹ Tho bị tàn phá, ông chuyển cả gia đình lên Sài Gòn sinh sống. Năm 1947, ông lập Câu lạc bộ Bóng bàn Nam Việt và nơi đây đã đào tạo ra những tay vợt xuất sắc của miền Nam trước 1975. Hai trong số năm người con của ông cũng là những tay vợt nổi tiếng đường thời: Trần Quang Nhụy và Trần Thị Kim Ngôn(2).
Những năm 60, ông có tham gia biên dịch và viết phụ đề Việt ngữ cho nhiều phim nước ngoài của hãng phim do người cháu họ ở Sài Gòn lập. Ngoài ra, chúng tôi chưa tìm thấy cứ liệu nào chứng tỏ ông có tham gia trở lại hoạt động văn học.
Năm 1983, Trần Quang Nghiệp mất tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 77 tuổi.
Trần Quang Nghiệp – cây bút truyện ngắn xuất sắc ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX
Giới thiệu về tác phẩm của Trần Quang Nghiệp, báo Công luận số 2128, ngày 28-7-1931 viết: “Tiểu thuyết Giọt máu anh hùng của Trần Quang Nghiệp, người đã viết rất nhiều đoản thiên tiểu thuyết thật hay cho Đông Pháp thời báo, Thần chung và gần đây cho Công luận. Trần Quang Nghiệp là người đã viết bộ ái tình tiểu thuyết Giờ ly biệt cho Trung lập”. Như vậy, tên tuổi của nhà văn Trần Quang Nghiệp đã được báo chí đương thời nhìn nhận ở hai mảng: tiểu thuyết và đoản thiên tiểu thuyết (từ bây giờ chúng tôi sẽ thay bằng thuật ngữ “truyện ngắn”). So với tiểu thuyết, truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp có phần đặc sắc, ấn tượng hơn bởi văn phong sắc sảo, hiện đại và một phong cách truyện ngắn đậm chất Nam Bộ.
Đọc truyện ngắn Trần Quang Nghiệp, ta thấy nhà văn không đề cập đến những vấn đề rộng lớn của xã hội mà chỉ tập trung khai thác những vấn đề “vụn vặt” của cuộc sống và đạo đức con người, đặc biệt là ở “thiềng thị” miền Nam những năm 20 của thế kỉ trước bằng một lối viết rất hấp dẫn, đặc sắc mang đậm dấu ấn riêng. Giống như nhiều nhà văn Nam Bộ cùng thời, vấn đề xuyên suốt truyện ngắn Trần Quang Nghiệp là vấn đề đạo đức, nhân cách con người trong xã hội giao thời. Ở mảng đề tài này, ông đã nắm bắt và phản ánh linh hoạt từng khía cạnh của cuộc sống ảnh hưởng đến nhân cách con người. Đó là câu chuyện về tên quan Huyện háo sắc trong Lỗi bù lỗi, là những cô gái quê sính cuộc sống thành thị hào nhoáng, được “ăn trắng mặc trơn” trong Chuyến xe trưa; hay những kẻ chuyên lợi dụng sự cả tin, hám lợi để đi lừa đảo: lúc thì là câu chuyện lừa lọc xảo trá trong kinh doanh (Gặp người khách quý, Ai muốn làm giàu), khi thì lợi dụng những kẻ háo sắc để lừa gạt (Ba cô áo trắng), trong thời buổi khó khăn, túng quẫn ngay cả bạn bè cũng lường gạt nhau (Gặp người bạn cũ); và cả sự tha hóa đạo đức của cha mẹ đối với con cái trong Trên lầm dưới lỗi để đến đỗi có một kết cục bi thảm: con trong cơn phẫn uất đã giết cả cha lẫn mẹ… Truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp “không có tham vọng mô hình hóa toàn bộ cuộc sống mà chỉ có thể là một trường hợp nào đấy của hiện thực bỗng nhiên chớp nhoáng làm cho toàn bộ cuộc sống nổi rõ hơn bởi sự bí ẩn của nó được khám phá nhờ tri thức của tác giả biết ghi nhận sự việc thường không ai ghi nhận, biết cảm giác những giá trị bị người đời bỏ qua, biết đưa ra nhiều khía cạnh của thế giới chúng ta hằng quen thuộc và xếp đặt lại theo cách mà chúng ta không hề nghĩ tới”(3). Thật vậy, ông đã làm một cách rất khéo những điều tưởng chừng như “không có gì” ấy. “Chỉ khoảng một vài trang, truyện ngắn của ông như những lát cắt ngang cuộc sống, có khi chỉ là một chi tiết, một mảnh đời nhỏ, một ngày trôi qua, hay thậm chí một khoảnh khắc trong đời người… nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa”(4). Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi đi tìm hiểu nghệ thuật viết truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp trên một số bình diện:
Người kể chuyện (narrateur) là một trong những phạm trù cơ bản của nghệ thuật trần thuật. Người kể chuyện là “một hình tượng được tác giả thực hư cấu nên, nó có thể ở ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba (cá nhân/ phi cá nhân). Nó có nhiệm vụ mang lời kể trần thuật và chỉ im lặng khi nhân vật lên tiếng”. Khi đã có người kể chuyện thì sẽ có người nghe chuyện (narrataire) hoặc tạo thành cặp người kể – người đọc (có thể ẩn tàng hoặc hiển thị). Các cấp độ trần thuật còn liên quan đến mối quan hệ giữa người kể chuyện và nhân vật, tức “tìm hiểu xem người kể chuyện là hay không là nhân vật của câu chuyện mà anh ta kể lại”(5). Nếu xét trên quan niệm như vậy, phần lớn truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp đều được kể theo lối truyền thống tức là được kể theo ngôi thứ ba – người kể chuyện “biết tuốt” với kết cấu tuyến tính theo trình tự thời gian xảy ra sự kiện. Theo G.N. Pospelov: “hình thức phổ biến nhất của miêu tả tự sự là trần thuật từ ngôi thứ ba không nhân vật hóa mà đằng sau là tác giả”(6).
Qua 33 truyện ngắn chúng tôi khảo sát có 24 truyện người kể chuyện ở ngôi thứ ba, chiếm đến 72,7%. Có nghĩa là nghệ thuật trần thuật của Trần Quang Nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ cách kể chuyện truyền thống. Trong số những truyện ngắn này, có gần phân nửa truyện ảnh hưởng từ cách kể của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc thời Minh – Thanh, vốn được dịch rất nhiều trong giai đoạn này. Ông thường mở đầu truyện bằng cách giới thiệu “trích ngang” của nhân vật hay bối cảnh câu chuyện được kể để xác định rõ đối tượng mình muốn hướng đến. Ở những truyện này, chỉ cần căn cứ vào giọng điệu của đoạn đầu, người đọc sẽ phán đoán được kết cục câu chuyện. Chẳng hạn như lúc giới thiệu về xuất thân, gia cảnh, hình dạng ông Hương sư Thạo tuổi lối năm mươi, tác người cao lớn mập mạp, có tật thấy con gái đẹp là mắt sáng lên… trong truyện Ba cô áo trắng (ĐPTB, số 765-1928), nhà văn muốn tạo ra sợi dây liên lạc giữa cảnh mở màn với cảnh kết thúc câu chuyện: chấm dứt sự giàu có của ông Hương sư “nhanh như chớp mắt” bởi thói háo sắc này. Khi lại giới thiệu về khổ dạng, tính cách: “Thầy Bạch Văn Cơ năm nay đặng hai mươi tuổi, tác thầy ốm mà cao, gương mặt hiền hậu dễ thương. Thầy làm việc xã tây, mấy thầy đồng sở đều ưa thầy, song thầy ít hay nói, cho nên có vài thầy nói thầy khi đời” (Tấm hình của ai? – ĐPTB, số 721, 722, 725-1928), tính tình của thầy hiền hòa, dễ thương như vậy nên hậu vận của thầy Cơ cũng rất tốt: thầy lấy được người mình thương có tính tình nết na, thùy mị và hai vợ chồng mở được một cửa hiệu riêng làm ăn phát đạt… Có thể thấy đây là nét tiêu biểu của các nhà văn Nam Bộ thời kì này. Trong 24 truyện chúng tôi khảo sát trên thì có tới 12 truyện mở đầu theo cách này chiếm 50%, một tỉ lệ khá lớn. Chính điều này đôi lúc khiến người đọc cảm giác nặng nề khi tiếp nhận tác phẩm của ông. Tuy vậy càng về sau, lối vào truyện kiểu này đã ít dần đi chứng tỏ Trần Quang Nghiệp cũng đã gia công rất nhiều trong cách vào truyện cho hấp dẫn, sinh động hơn.
Có thể thấy, người kể chuyện ở ngôi thứ ba (do tác giả sáng tạo ra), lời kể ở đây mang tính khách quan hóa và trung tính. Người kể chuyện được chứng kiến câu chuyện và có khả năng kể lại toàn bộ câu chuyện theo cách riêng của mình. Lời trần thuật ở đây còn có nhiệm vụ tái hiện và phân tích, lý giải thế giới khách quan vật chất, sự việc, con người… Ở kiểu kể chuyện này để gia tăng thêm ý nghĩa cho câu chuyện, Trần Quang Nghiệp thường chêm xen vào những lời triết lí, bàn luận. Trong Xâu chìa khóa (ĐPTB, số 745, 746-1928) kết thúc truyện tác giả viết: “Thương người, dạy người biết ăn năn chữa lỗi và biết mình quấy mau toan cải quấy thì quý hóa vô cùng”; hay trong truyện Chẳng đi đâu mất, tác giả mượn lời nhân vật để đưa ra ý kiến giải thích cho hành động giúp đỡ người “thầm yêu trộm nhớ” mà không cầu mong sự đáp đền. Đến một ngày, cô đi lấy người khác, anh đã không một lời oán trách mà còn mừng cho hạnh phúc của cô vì: “Có chồng đã đáng tấm chồng, được vợ như vậy cũng đã đáng vợ, mình nên mừng giùm cho họ, nghĩ cho kỹ cái công mình so xét thương tưởng bấy lâu và ba chục đồng bạc của mình cũng chẳng mất đi đâu”; hay trong truyện Gặp người gái đẹp, người kể chuyện để cho nhân vật tự đưa ra kết luận về hành vi nhận quàng nhận bậy của mình: “Cũng ngỡ là mượn lấy danh thơm của người để hưởng chút phấn hương, chẳng dè lại phải mang nhục giùm thằng cha viết báo. Một lần như vậy, sau khá nên chừa”. Mỗi câu chuyện là một lời cảnh báo nhằm thức tỉnh lòng thương cảm đồng loại và khơi dậy lương tri con người. Những triết lí, bàn luận của Trần Quang Nghiệp thường giản dị, ngắn gọn súc tích rất hợp với phong cách không cầu kì, “sính chữ” của người miền Nam.
Yếu tố truyền thống còn thể hiện ở kết thúc truyện có hậu hay quan niệm của dân gian “ác giả ác báo”. Ở những truyện Tấm hình của ai?, Hai bó giấy (ĐPTB, số 743, 744, 745), Xâu chìa khóa (ĐPTB), người kể chuyện tác động vào cốt truyện làm thay đổi số phận nhân vật. Chẳng hạn trong truyện Xâu chìa khóa, ông Ngũ Nguyên – chủ nhà máy xay xát Nam Hiệp – đã làm một “phép thử” tính trung thực của nhân viên mình. Chính phép thử ấy đã giúp ông xác định được sự chuyển biến tích cực của người nhân viên dưới quyền là thầy Hai Thông, tạo cơ hội cho thầy ta quay trở lại với đức tính trung thực vốn đã bị tiền tài dục vọng xói mòn. Hay quan niệm “nhân – quả” được thể hiện trong truyện Trời Phật công bình (TC, số 114- 1929): Hai vợ chồng Hai Môn “giựt của, giết người chẳng gớm tay” đã giết lầm ngay đứa con của mình để cướp của và đứa con ấy – thằng Lành – cũng vừa mới giết người cướp của trên chuyến tàu đêm. Đây là nội dung khá phổ biến không chỉ trong truyện Trần Quang Nghiệp mà còn trong tác phẩm của Sơn Vương – một nhà văn khá nổi tiếng đương thời. Trong truyện ngắn Sơn Vương cũng xuất hiện những motif “ở hiền gặp lành”: Ai kén chồng, Chén cơm lành… Trong truyện Ai kén chồng, nhân vật Thị Lành đi ở mướn bị vu oan giá họa, chịu bao đày đoạn cực khổ nhưng cuối cùng cũng gặp được duyên may và sau đó trả được thù xưa. Còn quan niệm “ác giả ác báo” khi ông đề cập đến loại người thích tự do yêu đương, buông thả trong tình cảm, sống vô trách nhiệm và có tư tưởng lợi dụng tình duyên nhằm trục lợi trong các truyện Lỗi hẹn quên thề, Cưới vợ ăn Tết, Lạp Phật cầu chồng… Có thể khẳng định quan niệm “văn dĩ tải đạo” trong văn chương truyền thống vẫn còn trong sáng tác của các nhà văn như Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương… nhưng đã mang âm hưởng của thời đại.
Mặt khác, không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Cao Xuân Mỹ đánh giá: “Trần Quang Nghiệp là nhà văn nắm vững kĩ thuật viết đoản thiên tiểu thuyết hiện đại lúc bấy giờ ở Nam Bộ. Vượt xa lối kể chuyện đơn thuần của các nhà văn cùng thời, truyện của Trần Quang Nghiệp luôn như một màn kịch ngắn đầy súc tích, các chi tiết của truyện khéo đan cài, sắp xếp nên rất hồi hộp, hấp dẫn, để cuối cùng tạo nên một cái kết độc đáo, bất ngờ”(7). Sự đổi mới của nhà văn thể hiện ở việc sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất đã cho thấy những cách tân so với nhiều nhà văn cùng thời ở Nam Bộ và nhất là so với các tác giả ở miền Bắc. Về người kể chuyện ngôi thứ nhất – nhân vật xưng “tôi” – các nhà trần thuật học Genette và Stanzel cho rằng ở “những tình huống trần thuật” thì ngôi “tôi” chỉ được tính là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và đồng thời là nhân vật khi anh ta kể về những “trải nghiệm cá nhân”, và là người hiện diện trong hành động; còn lại là người kể chuyện ở ngôi thứ ba, ngay kể cả khi vào truyện, “tôi” giới thiệu khung cảnh, các nhân vật có mặt ở đó (dẫn theo Đào Duy Hiệp)(8).
Với việc trần thuật ở ngôi thứ nhất, tác giả viết về những điều mình đã trải qua, đã chứng kiến và nếm trải, chiêm nghiệm. Và tất nhiên, với tính chất hư cấu của tiểu thuyết (và cả truyện ngắn), “tôi” không hẳn là tác giả mà chỉ là một nhân vật của truyện. Lời trần thuật ở đây vừa là ngôn ngữ kể chuyện của tác giả vừa là ngôn ngữ kể chuyện của nhân vật, tức vừa là lời trực tiếp, vừa là lời gián tiếp (của nhân vật). Nếu xét như vậy, ở truyện ngắn Trần Quang Nghiệp có 2 dạng: Dạng 1- Người kể chuyện xưng “tôi” là tác giả trong truyện Ai đành phụ nghĩa, Hồng Hoa (TC), Trên lầm dưới lỗi, Gặp người gái đẹp…; Dạng 2- Người kể chuyện xưng “tôi” là một nhân vật trong truyện như ở “đoản thiên” Tủi phận thuyền quyên, Ông tơ cắt cớ (TC), Gương can đảm, Gặp người bạn cũ... Về người kể chuyện ở ngôi thứ nhất đã có từ trước Trần Quang Nghiệp khá lâu (trên dưới 40 năm), ông chỉ là người kế thừa và phát huy những bước đổi mới có từ trước của văn học quốc ngữ Nam Bộ. Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản có thể coi là tác phẩm văn xuôi tự sự quốc ngữ đầu tiên có hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất với kết cấu “lồng ghép” (hay hình thức “truyện trong truyện”). Người kể chuyện thứ nhất xưng “tôi” nghe câu chuyện thầy Phiền thú nhận tội giết vợ, giết bạn – người kể chuyện thứ hai – lúc này là người bạn đồng hành của người kể chuyện thứ nhất. Cũng có lối kết cấu lồng ghép như vậy, truyện Ai đành phụ nghĩa cũng sử dụng người kể chuyện xưng “tôi” nhưng lại thông qua ba lần kể chuyện: Người kể chuyện thứ nhất xưng “tôi” nghe kể lại câu chuyện của người kể chuyện thứ hai – cô Tấn Mỹ Hồng – được nhân vật chính, người kể chuyện thứ ba: cô Hồng Vân, kể lại mối tình duyên ngang trái với chàng Tống Văn. Sự lồng ghép phức hợp này có thể không phải chủ ý của nhà văn mà do được nghe/ chứng kiến câu chuyện có thật và sau đó thuật lại cho độc giả nghe. Bởi đây là tác phẩm duy nhất của Trần Quang Nghiệp có lối kể chuyện như vậy. Khảo sát trên các tờ Nam phong, Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo, Thần chung, chúng tôi chưa tìm thấy hình thức kể chuyện như của truyện Ai đành phụ nghĩa. Còn trong truyện Gặp người bạn cũ, nhân vật chính xưng “tôi” tự thuật lại câu chuyện về mình. Truyện mang đậm màu sắc hiện thực pha chút bi hài qua giọng điệu kể chuyện “lạnh lùng” khá lạ của Trần Quang Nghiệp. Nhân vật chính – người kể chuyện – kể về thời buổi khó khăn, không tiền nên phải mò mẫm lết bộ hàng chục cây số tìm bạn mượn đỡ nhưng hình như bạn bè “biết ý” đều đi vắng hết thảy. Đi bộ từ sáng cho đến tận chiều, bụng đói, bỗng nhiên gặp “bạn cũ” đến mức không nhớ rõ được mặt bạn. Anh bạn kể nay đã giàu có vì lấy được vợ giàu ngỏ ý nếu muốn lấy em vợ anh ta giới thiệu cho. Sau đó, hai người vào nhà hàng vừa “tâm sự”, vừa chè chén no say đến khi thanh toán anh bạn bảo quên ví tiền ở khách sạn nên xin phép về lấy. Nhân vật “tôi” chờ đến nửa đêm không thấy bạn quay lại, túng quá phải lấy giấy thuế thân các lại mới về được. Trên đường về “tôi” vẫn không tin bạn lừa mà chỉ sợ bạn chẳng may “gặp chuyện rủi ro”. Cả truyện mảy may không có từ nào ca thán vì bị bạn lừa, tác giả để cho người đọc tự lí giải căn nguyên mọi chuyện. Đây cũng là chuyện xuất phát từ thực tế khó khăn trong thời buổi bấy giờ. Đó là cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), Việt Nam là thuộc địa của Pháp nên cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nội dung hiện thực này, ta còn bắt gặp trong các truyện Ai muốn làm giàu?, Gặp người khách quý… Tuy nhiên ở hai truyện này lại đánh vào tâm lí ham làm giàu mau chóng của một bộ phận người Việt Nam. Có thể nói cách kể chuyện của Trần Quang Nghiệp rất có duyên và hóm hỉnh. Mỗi truyện chỉ chừng khoảng 2 – 5 trang giấy nhưng đều tái hiện hiện được những hiện tượng điển hình của cuộc sống xã hội thành thị miền Nam. Vì vậy, đọc truyện của Trần Quang Nghiệp nhiều người yêu thích không phải ở ngôn ngữ trau chuốt, mượt mà mà ở cách hành văn đặc biệt có duyên ấy.
Trong 33 truyện ngắn chúng tôi khảo sát có 9 truyện người kể chuyện ngôi thứ nhất, chiếm 27,3% – một con số chưa thật nhiều nhưng bước đầu đã cho thấy Trần Quang Nghiệp đã có ý thức đổi mới cách viết truyện của mình. Với thao tác tương tự, qua 21 truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan viết từ 1929 đến 1933 trong cuốn Nguyễn Công Hoan truyện ngắn chọn lọc (Nhà in Văn học, Hà Nội, 2005) thì có 4 truyện sử dụng người trần thuật ở ngôi thứ nhất xưng tôi: Ông chủ báo chẳng bằng lòng, Xin chữ cụ Nghè, Gói đồ nữ trang và Samandji, chiếm 19%, cũng không nhiều. Điều đáng chú ý là các truyện này chỉ được Nguyễn Công Hoan viết từ 1932 trở đi (theo ghi chú ở cuối mỗi truyện).
Khi kể chuyện ở ngôi thứ nhất, Trần Quang Nghiệp có giọng điệu cảm thông với số phận những nhân vật. Trong truyện Tủi phận thuyền quyên, nhân vật tôi chứng kiến cảnh đời của cô Thể Phụng bị chồng phụ bạc hắt hủi hai mẹ con với niềm cảm thông thầm lặng. Hay truyện Hồng Hoa (TC, số 190-1929) là câu chuyện bi thương của chàng trai khi vô tình đẩy người mình yêu vào chỗ chết. Truyện đề cao sự thức tỉnh và lòng chung thủy của Hồng Hoa, nhân vật chính của truyện. Việc sử dụng ngôi thứ nhất kể chuyện đã tạo nên sự gần gũi trong mối quan hệ giữa người kể chuyện và người đọc. Nó cũng tạo nên độ tin cậy và gia tăng sức lan tỏa của truyện, dẫn người đọc đến mục đích của nhà văn là sự cảm thông, là bài học cảnh tỉnh được rút ra đằng sau đó. Đây là nét đặc trưng trong truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp.
Về hình thức kết cấu: Trong sáng tác nghệ thuật, kết cấu là một phương diện cơ bản tạo nên diện mạo tác phẩm. Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong tác phẩm. Nó tổ chức và sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm, trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định. Mục đích của kết cấu là tạo thành một thế giới nghệ thuật mang tính khái quát của tác giả, giúp cho người đọc thấy được hình tượng nghệ thuật với tất cả chiều rộng, chiều sâu, tất cả tính bức thiết và ý nghĩa nhân sinh đối với con người. Ngay từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX cùng với sự biến đổi dần dần của hình thái kinh tế – xã hội, văn học đang trên hành trình quá độ đi vào quỹ đạo hiện đại. Từ những cốt truyện kịch tính kiểu truyền thống, truyện ngắn đầu thế kỉ XX đã học tập, sáng tạo những cốt truyện kịch tính kiểu văn học phương Tây – vốn là điều mới mẻ với văn học Việt Nam lúc bấy giờ.
Sáng tác ở giai đoạn thập niên 20 của thế kỉ XX khi mà các thể loại văn học đang định hình và có sự đan xen, thâm nhập vào nhau giữa cái cũ và cái mới nên truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp in đậm dấu vết của buổi giao thời này. Theo chúng tôi, truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp là sự kế thừa sáng tạo kết cấu tác phẩm theo quan điểm truyền thống bên cạnh những tiếp thu cách thức sắp xếp tình huống truyện theo hướng hiện đại. Thật vậy, ở những truyện kể theo thời gian tuyến tính của câu chuyện, Trần Quang Nghiệp đã tỏ ra dụng công trong cách tạo dựng tình huống cho câu chuyện khá đặc sắc ở cách kết thúc truyện bất ngờ mang màu sắc bi – hài. Những kiểu kết thúc này ta sẽ còn gặp nhiều ở các nhà văn miền Bắc sau này như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân (ở các truyện mang màu sắc hiện thực) và nhất là Nguyễn Công Hoan. Sự kết hợp các sắc thái bi – hài trong câu chuyện tạo nên tác động cộng hưởng của truyện. Ở truyện Ba cô áo trắng (ĐPTB), nhân vật chính là ông Hương sư Thạo giàu có, sau một đêm cho ba cô gái bán hột xoàn ngủ nhờ rồi bị cô em út xinh đẹp làm cho mê mẩn. Sáng dậy từ biệt họ, ông vẫn không hay biết két tiền của mình đã sạch trơn, mãi cho đến tận khi có người đến hỏi vay bạc ông mới té ngửa ra rồi chỉ biết kêu lên: “Ba cô… áo trắng”. Kết truyện ta mới biết ông Hương sư Thạo vì sao đến đỗi bị lừa mất hết cả tiền. Hay truyện Gặp người gái đẹp, nhà văn đả kích những kẻ hay đi mượn danh người khác để làm sang mình. Thầy Mười Trương thấy cô gái có màu áo xanh xinh xắn nhận nhầm mình là nhà báo Bùi Thế Ngươn thì ra chiều đắc ý lắm vì phen này “hưởng đặng chút phấn hương” nhưng đến khi những cái cán dù đập loạn xạ vào thầy kèm theo lời sỉ mắng: “Thầy ỷ có ngòi bút sắt mà tưởng rằng tôi chẳng có cán cây dù hay sao?” thì thầy mới hiểu tác hại của việc nhận quàng người khác. Còn ở Lỗi bù lỗi là câu chuyện bi hài về thân phận con sen thằng hầu trong đời sống thành thị đầu thế kỉ XX. Con vú nuôi trông ưa nhìn mắc cái lỗi hay ăn cắp vặt tiền trong túi áo ông Huyện để ông rình bắt được, phải vào phòng bù lỗi. Con ở dùng dằng mãi, ông vừa bắt vào phòng vừa dọa dẫm sẽ bỏ tù. Những kiểu kết thúc như vậy ta còn gặp trong các truyện: Nông nỗi vì đâu, Giả thiệt là ai?, Bài Hành Vân, Thêm một lá thăm của…, Trời Phật công bình (ĐPTB), Lòng người khó biết, Cái áo màu xanh… Mỗi câu chuyện là một tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng đối với những thói hư tật xấu ở đời. Đây là đặc điểm nổi bật trong giọng văn của Trần Quang Nghiệp. Giọng hài hước này, tác giả thường dùng khi sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ ba, khác với khi trần thuật ở ngôi thứ nhất thường có giọng thương cảm, trân trọng đối với các nhân vật. Chính vì thế mà có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mỗi truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp như một “bài học cảnh giác” đối với mọi người. Có lẽ vì lí do này mà truyện ngắn của ông được người dân Nam Bộ đương thời rất ái mộ, thể hiện ở tần suất xuất hiện dày đặc các truyện của ông trên ĐPTB, Công luận, Trung Lập.
Nhìn chung, truyện ngắn Trần Quang Nghiệp đều có cốt truyện nhưng thường đơn giản. Dường như đối với ông, cốt truyện chỉ là cái “font” để nhà văn trình diễn kỹ thuật sắp xếp tình huống truyện. Về tình huống truyện, nếu đặt Trần Quang Nghiệp bên cạnh Nguyễn Công Hoan ta thấy hai nhà văn này rất gần nhau. Truyện ngắn Lòng người khó biết của Trần Quang Nghiệp có tình huống truyện khá giống với truyện Oẳn tà rroằn của Nguyễn Công Hoan. Cùng motif “nhận lầm con” nhưng truyện của Nguyễn Công Hoan được đẩy lên một mức cao hơn, tình huống truyện kịch tính, lớp lang chặt chẽ. Mặt khác, văn phong trong truyện cũng được nhà văn trau chuốt, mượt mà hơn văn phong truyện của Trần Quang Nghiệp nhưng điểm hấp dẫn người đọc ở nhà văn miền Nam này là dù câu chuyện đơn giản, ông vẫn tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người đọc nhờ ngôn ngữ linh hoạt và tình huống truyện đầy biến hóa. Có thể thấy hai câu chuyện cùng một kiểu kết thúc: bất ngờ, đầy tính kịch ám ảnh người đọc(9).
Việc sử dụng cách kết thúc bất ngờ của Trần Quang Nghiệp kế thừa có sáng tạo từ truyện cười dân gian nhưng có thể khẳng định ông đã tạo nên bản sắc riêng và tạo được sự hấp dẫn nhất định với người đọc như truyện Thêm một lá thăm của… Truyện kể về thầy Lê Quang Minh vốn có “tánh không hay rầy rà với vợ”. Thầy quyết tâm tìm bạn đồng chí để lập hội “Đàn ông sợ vợ”, mục đích của hội là “để mà tựu hội than thở cùng nhau hoặc lập thế mà trừ mấy bà vợ dữ”. Khác với truyện cười dân gian, nhân vật chết đứng ngay tại chỗ khi các bà vợ kéo quân ra, trong truyện này, thầy Lê Quang Minh đã bị khai trừ ra khỏi hội do quá nôn nóng với chức Hội trưởng: thầy vi phạm qui định cấm bỏ phiếu cho mình. Đúng là “trong cái rủi có cái hên”, thầy vừa ra khỏi cổng thì vợ thầy xăm xăm đi tới ngay trước mặt. Truyện thể hiện cái nhìn hài hước nhẹ nhàng về những người đàn ông sợ vợ chứ không mang nặng tính đả kích như truyện cười dân gian. Nguyễn Công Hoan cũng là nhà văn có biệt tài trong việc sử dụng các kết thúc bất ngờ kiểu này. Ở truyện Mất cái ví của Nguyễn Công Hoan, tình huống kịch tính của truyện cũng được đặt ở cuối tác phẩm: ông Tham vừa “đuổi khéo” được ông cậu hay lên chơi sinh ra tốn kém phí tổn mà lại không bị mang tiếng hắt hủi người thân vì cái ví đựng bốn mươi đồng ông cho là bị mất cắp vẫn nằm trong túi quần mình. Đây có thể nói là kết thúc điển hình trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.
Ở một phương diện khác, qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy Trần Quang Nghiệp còn chịu ảnh hưởng của một số nhà văn Pháp như: Chateaubriand, Maupassant, Michel Zévaco(10). Đọc truyện Ông tơ cắt cớ (ĐPTB) của Trần Quang Nghiệp có cùng motif “trốn đời” với tiểu thuyết René của Chateaubriand. Trong René, nhân vật chính René vì bất mãn với xã hội tư sản và do tình yêu với người chị không thành nên đã rời bỏ nước Pháp văn minh tìm đường về sống với những người thổ dân da đỏ châu Mĩ. Truyện Ông tơ cắt cớ kể về một người Annam vì buồn chán cuộc sống gia đình không êm ấm ở dưới xuôi vô tình lạc lên chốn rừng sâu nước độc Kon Tum. Vì cảm mến tấm chân tình của người con gái mọi (người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên) mà anh đã kết hôn với cô rồi ở trên ấy luôn không về xuôi nữa. Có lẽ Trần Quang Nghiệp đã gặp gỡ Chateaubriand ở cách thức giải quyết mâu thuẫn là “lẩn trốn xã hội” nhưng hướng đi có phần tích cực hơn vì sau 14 năm sống với người mọi, nhân vật chính của Trần Quang Nghiệp trông khỏe mạnh và yêu đời hơn lúc mới đến, còn nhân vật René của nhà văn Pháp lại tiêu cực hơn. Nhân vật René rời bỏ nước Pháp chỉ vì đây không còn là Tổ quốc của những người thanh niên quý tộc như anh nữa. Cả hai truyện đều đặt ra vấn đề phê phán xã hội, sự bất mãn của con người đối với cuộc sống bị kìm hãm, ngột ngạt. Câu kết của nhân vật trong truyện Ông tơ cắt cớ đầy tính luận đề mở ra nhiều chiều suy nghĩ ở người đọc: “Thôi thôi, mấy năm nay tôi hết muốn rồi, tôi thong thả đã quen, há bây giờ lại trở lại cúi đầu lòn cúi sao?”. Phải chăng nơi “rừng sâu nước độc kia” sẽ là địa điểm lí tưởng để trốn tránh của những kẻ “chán ngán sự đời” (!?).
Về ngôn ngữ: Điểm nổi bật nhất trong truyện ngắn Trần Quang Nghiệp là phương diện ngôn ngữ. Trong các truyện ngắn của mình, Trần Quang Nghiệp thường sử dụng ngôn ngữ nôm na, mộc mạc phù hợp với cách nói của người dân Nam Bộ. Ông sử dụng nhiều từ địa phương giản dị, bình dân, dễ hiểu như: nằng nằng, đặng, tiện tặn, nủng nưởng, quạu quọ, ngập ngưỡng, rỉ rả, thủng thẳng, dòm, ngó, tuông lụy, sanh rầy, hân hủi, cãi lẽ, hốp tốp… Có lẽ do ảnh hưởng từ thời niên thiếu sống nhiều ở vùng sông nước miền Tây nên ngôn ngữ bình dân mộc mạc đã ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ truyện ngắn Trần Quang Nghiệp.
Mặt khác, trong nhiều truyện, Trần Quang Nghiệp sử dụng từ và cấu trúc câu văn “rặt” chất Nam Bộ mà phải đặt trong văn cảnh thì mới hiểu được ý nghĩa biểu đạt của chúng như: chị vẫn ngó mông, chị vẫn đứng sựng; lóng này nó trộng cải, liếng láo lắm; lúa thóc có đâu, bỏ câu tới đó; trời tối đem ngửa bàn tay không thấy; thầy năm Nghệ có tánh rắng mắt hay khuấy chơi; dưới chơn đã sẵng hai giây tơ hồng… Việc sử dụng cách diễn đạt này mang lại hiệu quả nhất định, nó thể hiện sinh động cá tính, tâm lí con người Nam Bộ. Bởi thế có nhà nghiên cứu đã nhận định: “Câu văn xuôi tiếng Việt đã được tác giả (tức Trần Quang Nghiệp – TVT) sử dụng một cách có nghệ thuật. Vì thế, có những truyện của ông cốt truyện không có gì là mới mẻ (…) nhưng độc giả vẫn bị thu hút bởi giọng văn linh hoạt, sống động”(11) và đậm chất Nam Bộ. Chẳng hạn để lí giải nguyên nhân đàn ông ngoại tình, Trần Quang Nghiệp viết: “Thuở nào ôm đào ấp nguyệt cợt phấn cười son, bây giờ cá đã no rồi mồi ngon khó nhử”, hay “bãi cát đương khô nóng đổ nước vào thì nó hút ngay, bao giờ nó ướt đều, thì không hút nữa chớ gì” (Tủi phận thuyền quyên), đôi khi thì ông sử dụng linh hoạt nhiều thành ngữ, tục ngữ Nam Bộ để diễn tả nỗi lòng của người mẹ lo cho hai con gái trong Chọn đá thử vàng (ĐPTB): “Bà phủ lo nhiều lắm; cô Vân cô Kiều sắc đẹp đã đành không chỗ nào chê được, có nhiều thầy thấy đẹp muốn cưới song hỏi thăm lại nghe nói mồ côi cha, mẹ tuy có chức bà Phủ song chẳng có quyền, có tiếng mà không có miếng, ruộng không có đất cũng không, cho nên mấy thầy thụt lại mà qua ngã khác kiếm ngã nào có ruộng có đất có vườn mà tới. Lúa thóc có đâu, bỏ câu tới đó”. Đây là lối diễn đạt mà chắc chỉ người vùng sông nước Cửu Long mới thường dùng và nó đi vào truyện của Trần Quang Nghiệp cũng thật tự nhiên.
Hơn nữa, điểm làm cho truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp gần hơn với hiện đại là lối diễn đạt trong sáng không trúc trắc: “Đêm nay ngọn gió thổi nã, mây bay vần vũ, trăng đương tỏ bỗng lu phút chốc trời tối đen ngửa bàn tay không thấy, gió bay qua, mưa tuông xuống, mưa càng to gió càng lớn, giữa tiếng ào ào cảnh trời đen mịt, lâu lâu nghe một tiếng sấm vang, một lằng điện chớp” (Trời Phật công bình – TC), báo hiệu một bi kịch dữ dội sắp diễn ra. Khi muốn làm nổi bật lên “nhan sắc” của các nhân vật, ông dùng nhiều cặp tính từ đối lập so sánh rất có duyên: “Cái sắc đẹp của hai cô cái nào cũng đẹp, cô hai Kiều gương mặt tròn cái miệng có duyên song ít hay nói; cô ba Vân cặp mắt hữu tình, hàm răng nhỏ rít, sống mũi cao, phần đẹp, lấn hơn chị, song hơi ốm một chút” (Chọn đá thử vàng – ĐPTB); đôi lúc, ông dùng nhiều từ láy làm nổi bật hơn tâm trạng của nhân vật trong truyện: “Trời còn mưa rỉ rả, trong nhà đèn tắc tối thui, đêm khuya không nghe tiếng gì khác hơn là tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, tiếng người trăn trở và tiếng thở ra” (Xâu chìa khóa – ĐPTB); và ngôn ngữ luận đàm của ông cũng rất sắc sảo: “Thầy Mười Trương còn trai trẻ, cặp con mắt của thầy thần tình lợi hại làm thế nào không rõ mà một chút màu gì xanh xanh hay đỏ đỏ là không qua được. Cặp con mắt của thầy ngó ngay vào cặp con mắt nào khác thì cặp con mắt ấy phải xụ mí xuống tức thời” (Gặp người gái đẹp)…
Về nhan đề của truyện, một điều dễ nhận ra là đa phần đã thuần Việt (Nông nỗi vì đâu, Tấm hình của ai? Lòng người khó viết, Gặp người bạn cũ…), không còn cấu trúc Hán Việt, có ít từ Hán Việt trong nhan đề: Qua 33 tên truyện chỉ có 4 truyện sử dụng, chiếm 1,2% nhưng đều là những từ tương đối thuần Việt: phụ nghĩa, thuyền quyên, công bình, can đảm. Đây là một điểm khác nữa so với các cây bút trước đó như Biến Ngũ Nhy, Lê Mai, Nguyễn Bá Học… cùng thời như Nguyễn Chánh Sắt, Dương Minh Đạt, Tân Dân Tử… Tuy trong truyện của Trần Quang Nghiệp cũng vẫn xuất hiện những câu văn biền ngẫu. Chẳng hạn như: “Bóng quang âm thấm thoát lật đật đã hai năm, trong hai năm đó biết bao lăm người muốn gieo đào tha lý kết nghĩa tóc tơ song chị với người đã nguyền kết giải đồng tâm, ba năm cũng đợi mấy năm cũng chờ” hay “Chị lén gởi cho người một phong thơ song tin đi thời có tin về vẫn không” trong truyện Ai đành phụ nghĩa; “Bóng hồng khuất mặt, khách nhàn du tha thướt trở hài” trong Tủi phận thuyền quyên… nhưng càng về sau, lối diễn đạt này gần như không còn thấy xuất hiện nữa nhường chỗ cho lối viết “trơn nuột”.
*
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp nói riêng và của các nhà văn Nam Bộ nói chung ở giai đoạn này có nhiều lỗi chính tả, văn phong “cẩu thả”. Về điểm này, chúng tôi không tán thành. Thứ nhất, bản thân hai văn bản của cùng một tác phẩm của Trần Quang Nghiệp khi đăng báo và khi tập hợp in thành sách đã minh chứng cho ý kiến của chúng tôi(12). Thứ hai, có thể lấy lời biện bạch của nhà văn Phú Đức khi nói về tác phẩm Hiệp phố châu hườn để minh xác lại cho không chỉ Trần Quang Nghiệp mà còn cho rất nhiều nhà văn đương thời: “Tiểu thuyết viết từ đoạn đăng từ ngày lên tờ báo thì sao cũng không tuyệt tác được, vì nhiều đoạn ấn công sắp lộn, lắm câu ấn công lại bỏ sót; ký giả thổn thức trong lòng, nhưng biết đặng lòng quý vị không nệ chấp nên bạo gan đặt tiếp bầy chầy”(13). Hơn nữa, các nhà văn Nam Bộ dù cho là sau này vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc chủ trương của Trương Vĩnh Ký là viết theo “cách nói tiếng Annam ròng; có nhiều tiếng, nhiều câu thường dùng”. Điều này có xuất phát điểm từ chủ trương của các nhà truyền đạo Công giáo từ trước đó khá lâu. Trong tác phẩm truyện ngắn đầu tiên Thầy Lazaro Phiền, Nguyễn Trọng Quản cũng đề cập đến trong lời “Tựa”: “Tôi có dụng ý lấy tiếng mọi người thường dùng hằng ngày mà làm ra một chuyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng ít ra rất nhiều truyện hay”(14). Đó là lối văn “nôm na” kiểu báo chí, mang trong mình cái thường ngày, cái bình dân và trở thành đặc điểm cũng như đối tượng khám phá của văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ thời kì này. Mặt khác, sở dĩ Trần Quang Nghiệp chưa chuyển hẳn sang hiện đại bởi cũng như Sơn Vương, ông sáng tác trong khoảng thời gian mà bước đi của nền văn xuôi quốc ngữ đã có phần đi chệch so với khởi nguồn. Cái mới của cá nhân Trần Quang Nghiệp và thế hệ của ông ở Nam Bộ chưa đủ nội lực cũng như tầm nhìn để đẩy tác giả và người đọc về phía hiện đại. Bản thân người đọc cũng không thoát ra khỏi những nền nếp tiếp nhận cũ. Cả hai yêu tố này khiến không chỉ cá nhân Trần Quang Nghiệp bước hẫng mà cả nền văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ bị chững lại nếu không nói là bị thụt lùi nhường vị trí cho văn học miền Bắc(15).
Cũng xin được nói thêm về sự ngừng bút của Trần Quang Nghiệp: ý kiến chung của các nhà nghiên cứu văn học quốc ngữ ở miền Nam đều khẳng định sang đến đầu những năm 30 thì rất nhiều nhà văn ngừng cầm bút và Trần Quang Nghiệp cũng là một trong số họ. Có thể nói ông ngừng viết là một điều đáng tiếc cho văn đàn bởi lúc đó ông mới 25 tuổi (1932), là tuổi sung sức nhất của các nhà văn đầu thế kỉ XX, ông chuyển sang một lĩnh vực khác (thể thao) và gần như không quay trở lại văn đàn. Giải thích về điều này, trong bài tham luận Hội thảo “Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX” với nhan đề Sơn Vương – Khảo luận tác phẩm, TS. Đào Ngọc Chương khi đề cập đến trường hợp Sơn Vương đã nhận định: “Những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này (tức hiện tượng chững lại của văn học quốc ngữ Nam Bộ – TVT) cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Về đại để, có hai ý kiến. Thứ nhất, do quy luật vận động nội tại của chu trình tiếp biến và sáng tạo. Thứ hai, do đặc điểm của đối tượng người đọc”(16). Hơn nữa, Trần Quang Nghiệp cũng như các nhà văn Nam Bộ sống văn chương nhiều hơn là làm văn học (tức xem văn chương là cái nghiệp của mình) nên một khi muốn là họ có thể ngừng cầm bút “ngay tắp lự”. Đó là tính cách đáng trân trọng nhưng cũng là một điều đáng tiếc đối với công chúng nói riêng và nền văn học quốc ngữ nói chung.
Như vậy, có thể khẳng định Trần Quang Nghiệp là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc ở Nam Bộ 30 năm đầu thế kỉ XX. Những cách tân, đổi mới trong hình thức kết cấu tác phẩm cũng như nghệ thuật kể chuyện đã chứng tỏ sự đóng góp của Trần Quang Nghiệp nói riêng và của các nhà văn quốc ngữ Nam Bộ nói chung vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Nhận diện lại truyện ngắn của Trần Quang Nghiệp cũng là bước khởi đầu chúng tôi góp phần “phục hưng” lại vị trí và vai trò xứng đáng của nền văn học quốc ngữ Nam Bộ.
Hà Nội, ngày 10-2-2012
Trần Văn Trọng
———————
([1]) Tác phẩm của Trần Quang Nghiệp gồm (Con số mà chúng tôi đưa ra ở trên có thể còn thay đổi):
– 03 tập truyện ngắn: Chuyến xe trưa (Nhà in Đức Lưu Phương, S.1931), Hai bó giấy (Nhà in Đức Lưu Phương, S.1931), Người thương của tôi (Nhà in Nguyễn Khắc, S.1932) và một số truyện ngắn đã đăng trên các báo chưa được tập hợp, tất cả khoảng hơn 40 truyện. Hiện chúng tôi có 31 truyện.
– 07 tiểu thuyết: Giọt lệ hồng nhan (Đông Pháp thời báo, S.1928), Giờ ly biệt (Báo Trung lập, S.1930), Lửa tình (Nhà in Đức Lưu Phương, S.1931), Giọt máu anh hùng (Báo Công luận, S.1931), Biển cả thuyền con (Nhà in Đức Lưu Phương, S.1931), Trên đường thiên lý (Nhà in Đức Lưu Phương, S.1931), Cù lao Thanh Thủy (Báo Công luận, S.1931-1932). Hiện chúng tôi có 3 tiểu thuyết: Giọt lệ hồng nhan, Lửa tình, Biển cả thuyền con.
– 01 truyện dịch: Người thương của tôi (trong tập Người thương của tôi, Sđd).
(2) Xem thêm Trần Thị Ngoạn, Hồi ức về cha tôi: Trần Quang Nghiệp trong Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX – 1945 (Tập tham luận Hội nghị khoa học), Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5-2006, tr.60-66.
(3) Nguyễn Thanh Hùng, Tri thức đọc hiểu truyện ngắn hiện đại In trong cuốn Phương pháp dạy học Ngữ văn THPT – Những vấn đề cập nhật, Nxb. Đại học sư phạm, H.2007, tr.121-131.
(4) Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Sđd, tr.711.
(5) Đào Duy Hiệp, Cấu trúc cái kì ảo trong truyện ngắn Maupassant, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 9-2006, tr.24-39.
(6) G.N. Pospelov, Dẫn luận nghiên cứu văn học (tập 1), Nxb. Giáo dục, H.1985, tr.66.
(7) Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX – 1945, Tlđd, tr.138.
(8) Cấu trúc cái kì ảo trong truyện ngắn Maupassant, Tlđd, tr.28-29.
(9) Căn cứ vào năm ra đời, chúng tôi nhận thấy truyện Lòng người khó biết đăng báo Thần chung số 120 ra ngày 13-6-1929 còn truyện Oẳn tà rroằn có ghi ở cuối truyện là ngày 27-2-1930, tức là truyện của Trần Quang Nghiệp xuất hiện trước truyện của Nguyễn Công Hoan.
(10) Trần Quang Nghiệp đã phỏng dịch truyện ngắn La morte (Người đã khuất) của Maupassant thành Người thương của tôi. Ngoài ra, tiểu thuyết Lửa tình của Trần Quang Nghiệp được cho là phỏng tác từ tiểu thuyết Les Amants de Venise (Đôi tình nhân thành Venise) của Michel Zévaco.
([1]1) Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX – 1945, Tlđd, tr.139.
([1]2) Về nhận định trên, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở một công trình khác.
([1]3) Phú Đức, Lời tác giả kết thúc tác phẩm “Hiệp phố châu hườn”, Báo Công luận, số 496 ra ngày 8-12-1926.
([1]4) P.J.B. Nguyễn Trọng Quản, Truyện Thầy Lazaro Phiền, Nhà in Rey et Curiot, S.1887, tr.4.
([1]5) Nguyễn Huệ Chi, Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu, Tạp chí Văn học, số 5-2002, tr.13-20.
([1]6) Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX – 1945, Tlđd, tr.91.