Tên Latin: Baringtonnia asiatica

Họ:  Lộc vừng

Bộ:  Lộc vừng

Lớp: Cây gỗ lớn

Trong muôn loài hoa nở về ban đêm, có hoa bàng quả vuông. Một loài hoa tô thêm vẻ đẹp cho quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu ai đã từng chờ và ngắm hoa bàng vuông nở, nhất là những đêm trăng thanh thì khó mà quên được. Cái thú vị đó được nhân lên khi giữa biển trời bao la trên hòn đảo nhỏ, chỉ có những người chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ trên đó có loại cây cho loài hoa đặc biệt này. Hình như thiên thiên đã ban tặng cho những người lính nơi đảo xa một loài cây có hoa chỉ nở vào ban đêm. Loài hoa luôn thức cùng những người lính đảo, luôn dõi mắt để canh giữ đảo, bảo vệ biển trời Tổ quốc.

Khi biển lặng, gió đại dương nhè nhẹ thổi, mặt biển lung linh ngàn dát bạc sau một ngày huấn luyện, canh gác căng thẳng. Những người lính ngồi dưới tán bàng vuông ngắm hoa nở thật là hạnh phúc.

Cây bàng quả vuông ở quần đảo Trường Sa có từ bao giờ? Đồng chí Trung tá Lê Văn Tấn, Nguyên đảo trưởng đảo Trường Sa (1978 –1987), vào năm 1979 trong một lần đi kiểm tra anh nhặt được một quả có hình thù rất lạ (khối hình vuông) được sóng đánh dạt vào đảo, anh đã đem về ươm, sau hơn một tháng thì cây mọc và không phụ công lao của những người lính đảo hằng ngày chăm sóc, hồi hộp chờ cây lớn từng ngày. Đến năm 1984 thì cây bắt đầu ra hoa kết quả. Cây có lá rất giống lá bàng, nhưng hoa thì rất đẹp và chỉ nở vào ban đêm, được anh em trên đảo đặt tên là cây bàng quả vuông, từ đó bàng quả vuông được nhân giống trồng ở các đảo khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự tích về cây bàng quả vuông trên đảo Trường Sa cũng giống như sự tích quả dưa hấu của Mai An Tiêm trên vùng đất Nga Sơn.

Cây bàng quả vuông Trường Sa là loài cây thân thiết với những người lính đảo, cây tỏa bóng mát che người lính Trường Sa trong những ngày nóng bức.

Cây bàng Trường Sa giành được tình cảm yêu mến của những người đã từng một lần đặt chân lên đảo Trường Sa. Hoa bàng quả vuông khi nở từng cuống nhụy trắng điểm phớt tím vươn dài như những tia sáng chúng hợp lại với nhau như màn pháo hoa trong đêm lễ hội. Gió đưa nhè nhẹ, chùm hoa cứ lung linh dưới ánh trăng và sóng nước đại dương. Ngắm hoa bàng vuông tươi tắn, đẹp đẽ nhất là vào lúc sáng sớm khi bình minh bắt đầu ló rạng. Hoa bàng quả vuông có đặc trưng riêng, trong mỗi chùm hoa mỗi đêm chỉ nở một bông, cứ như vậy quá trình ra hoa của cây liên tục trong năm. Đó cũng là sự bảo tồn nòi giống mà thiên nhiên ban tặng cho loài thực vật ở nơi có điều kiện sống khắc nghiệt này. Quả bàng vuông sau khi đã đậu thì lớn dần (cỡ như nắm tay trẻ em), vào khoảng hơn 70 ngày là chín. Những quả bàng vuông trông như những chiếc đèn lồng xanh nho nhỏ xinh xắn trên cành. Khoảng hơn 70 ngày là bàng chín, ta có thể hái phơi khô cất làm giống hoặc để nguyên như thế gieo xuống đất và hơn 50 ngày sau sẽ cho ta những cây bàng quả vuông thật bụ bẫm. Nhưng khi cây non nhú lên khỏi mặt đất cũng phải hơn 50 ngày sau mới lên được khoảng 6-8 cm, kể từ đó cây sẽ phát triển rất nhanh chóng. Nếu muốn nhân giống ta có thể triết cành hoặc gieo bằng quả.

Qủa bàng vuông có sức sống mãnh liệt. Quanh năm nơi đảo xa nơi đầy sóng gió với nước biển mặn chát, vậy mà cây vẫn xanh tốt, lá bàng rất ít rụng và không có kỳ thay lá. Lá bàng to, dày xanh thẫm cùng với cây phong ba và một số loài cây như: cây đa từ vùng đất Tân Trào; cây tre ngà mà Thánh Gióng dùng để đánh giặc Ân ở vùng đất Sóc Sơn… mang lại màu xanh cho đảo. Thân cây bàng chắc và dẻo chịu được các trận bão lớn, rễ cây vững chắc bám sâu vào lòng đá san hô cùng với cây phong ba, mù u, dừa… giữ lại nguồn nước mưa quý hiếm cho đảo và chống chọi lại sự xâm nhập của những con sóng, gió, bảo vệ cho đảo. Ngày tết Nguyên Đán bộ đội còn lấy lá bàng vuông để cùng với lá rong của đất liền gửi ra để gói bánh chưng, bánh tét. Cây bàng quả vuông mộc mạc chân tình như những người lính kiên cường, hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng cũng thật khiêm tốn, thân thương gần gũi như những người lính đảo Trường Sa.

Nếu ai đến thăm đảo hãy nhớ chụp một kiểu ảnh dưới tán cây bàng quả vuông để làm kỷ niệm với đảo Trường Sa.

Nguyễn Hải Triều