Tản văn của Nguyễn Hội
Khi tôi lớn lên, cây bàng ở bờ ao Đình đã sum suê cành lá. Tán của nó rộng miên man, những cành lớn, cành nhỏ đan cài vào nhau tạo nên một chiếc ô khổng lồ che mát cả một vùng phía Tây của cái ao làng, rộng hàng mẫu vuông Bắc Bộ.
Bố tôi kể, cây bàng này do chú Lễ, người em “đôi con dì” với bố tôi trồng ngày mùng 3 tháng Hai năm 1960 (tức ngày 7 tháng Giêng năm Canh Tý), khi ấy chú đang là học sinh lớp Bảy trường Tiên Hưng. Hôm nhà trường tổ chức Tết trồng cây mừng ngày thành lập Đảng, chú tôi cũng “xin” một cây giống bàng quý về trồng giữa làng để kỷ niệm sự kiện trọng đại ấy. Tuy nhiên, lúc trồng, cây bàng không ở vị trí như ngày nay mà ở cách đó chừng dăm mét về phía Tây Nam, chỗ quán “cụ Sét” sau này. Vị trí này không nằm giữa những phiến đá xanh được bắc làm cầu ao Đình. Khoảng vài ba ngày sau, ông thông gia với ông Nội tôi (tức là ông nội của Anh Nguyễn Đình Lộc) đã dời cây bàng đến vị trí đắc địa như bây giờ. Ông lấy tre làm hàng rào, rào xung quanh, bón phân, tưới tắm và chăm sóc để giờ đây, ở vị trí trung tâm, cây bàng ao Đình đã trở thành cây lâu năm lớn nhất trong làng Đún Nội.
Về ngôi đình làng: Theo gia phả dòng họ Nguyễn ghi chép lại, đình làng do gia đình ông bà Hoàng Hưng Bình – Nguyễn Thị Ruệ và dân làng phát tâm xây dựng, cách nay khoảng hơn 200 năm về trước. Khi mất, ông bà được dân làng tôn làm phúc thần. Ông bà chỉ sinh được 2 người con gái là Hoàng Thị Phán và Hoàng Thị Trác nên hậu duệ sau này không còn ai.
Trong trí nhớ của nhiều người, ngôi đình làng tôi bề thế và vững chãi. Mái đình có những cánh đao uy nghi, vươn lên trời xanh cong vút. Phía trong hậu cung gồm 3 gian với linh vị thờ phúc thần uy linh, cổ kính. Ở giữa là 3 gian nhà siêu hương, để trống hai đầu. Đây là nơi hội tế và các gia đình trong làng sắp lễ mỗi kỳ lễ hội. Phía ngoài là 5 gian nhà gỗ lim với những cây cột to kê trên cối đá, một người ôm không hết. Đặc biệt là hàng hiên được làm bằng những phiến đá xanh, dài hàng mét. Sau này được đưa ra làm tam cấp ở ủy ban nhân nhân xã Tây Đô. Đầu năm năm mươi, đình làng được đặt làm trụ sở ủy ban hành chính xã Chi Lăng (thời điểm đó Đún Nội thuộc xã Chi Lăng). Chính vì ở vị trí đắc địa và là một cơ ngơi bề thế nên đình làng tôi không tránh khỏi quy luật tàn phá của chiến tranh. Ngày 23 tháng Giêng năm 1950, ngôi đình làng tôi bị sức công phá của những khối thuốc nổ và sụp đổ hoàn toàn. Nơi đây trở thành một đống tro tàn, gạch đá ngổn ngang, lau lác, cỏ dại mọc um tùm. Dân làng xót xa mỗi khi đi ngang nền sân đình cũ.
Rồi giặc Tây thua chạy, khoảng năm 1962, trên nền sân đình xưa được xây dựng thành sân kho hợp tác. Đến khoảng năm 1964, để tránh chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc, sân kho hợp tác lại bị phá đi, thay vào đó là một nhà máy phát điện chạy dầu đi-ê-zen loại nhỏ hòa vào lưới điện chung, phục vụ cho các cơ quan, xí nghiệp trong vùng. Nhà máy có hai tổ máy. Một cái được đặt tên người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và một máy được đặt tên là Quyết Thắng.
Trong khoảng thời gian ấy cây bàng lớn lên, ngay trước cửa sân đình. Mặc cho sự khắc nghiệt của thiên nhiên và mọi thăng trầm của lịch sử, với sự chăm sóc của dân làng, cây bàng mau chóng trưởng thành. Cành lá của nó vượt lên mơn mởn, vươn ra bờ ao, tỏa xuống nền sân đình như minh chứng cho sự tồn tại nơi đây một di chỉ văn hoá hàng trăm năm tuổi; nơi diễn ra những hội hè, đình đám, những vui buồn của dân làng Đún Nội một thời lịch sử.
Cũng có lần cây bàng gặp nạn. Năm ấy bão to, gió lớn, nước ao Đình dâng cao, sóng đánh oàm oạp vào bờ làm sạt lở, hủng sâu vào đến giữa gốc cây. Đất dưới chân trống huơ trống hoác, những chiếc rễ bàng chìa ra như bàn tay chơi vơi của người chết đuối. Nửa còn lại oằn mình lên thọc sâu vào đất cố níu giữ cho thân cây không bị ngả ra phía ao. Nhưng bão mỗi ngày một to, cây bàng mỗi lúc một nghiêng ngả, tưởng chừng không trụ nổi. May thay đúng đến lúc những chùm rễ sức tàn lực kiệt thì bão tan. Toàn bộ dân làng tôi người góp của, người góp công làm kè, đổ bùn đất cứu sống cây bàng. Mấy năm sau đó thì xây gạch, làm bồn từ đáy ao lên trên mặt đất.
Sau ngày miền Nam giải phóng nhà máy phát điện hết vai trò lịch sử của mình, nó bị phá đi, chỉ còn sót lại trên nền đất cũ những hàng cọc bê tông và những bể chứa dầu. Đến những năm 80 nơi đây mọc lên một nhà trẻ và trường mẫu giáo. Thế hệ chúng tôi là những đứa học trò đầu tiên trong ngôi trường ấy. Và cô Thu là cô giáo đầu tiên trong cuộc đời đi học của chúng tôi. Sau này nhà trẻ và lớp mẫu giáo cũng chuyển đến vị trí trung tâm xã, nơi đây trở thành nhà văn hoá thôn. Trong mơ ước của chúng tôi một ngày không xa, ngôi đình làng được phục dựng. Những cánh đao đình cong vút vươn lên trời xanh, những viên gạch kiểu cổ được lát phẳng phiu trải khắp sân đình rộng rãi, trải dài ra đến tận gốc bàng. Ngôi đình, hình ảnh biểu trưng văn hoá tâm linh của cộng đồng người Việt, là nơi thờ thành hoàng làng, nơi tụ họp bàn việc làng và cũng là nơi vui chơi giải trí của mọi lứa tuổi.
Ngày tôi còn nhỏ. Hồi đó chưa có điện. Buổi trưa, buổi tối những ngày hè oi ả, dưới bóng mát của cây bàng, dưới ánh trăng vằng vặc, dân làng tôi chuyện trò rôm rả. Các cụ cao niên tay cầm quạt mo phe phẩy, kể những câu chuyện ngày xưa, thời còn đói ăn, thiếu mặc; những câu chuyện về một thời “cải cách”, những đấu tố, minh oan, những lão nông tri điền, những hội hè đình đám. Các chú, các bác, các anh kể những câu chuyện về một thời trận mạc, về những người ra đi, người không trở lại. Các bà, các cô, các dì, các chị vừa bắt chấy cho mấy đứa con gái vừa thì thầm những câu chuyện nhỏ to mà người khác không bao giờ nghe thấy, lâu lâu lại cười rộ lên, rúc ra rúc rích. Còn bọn trẻ con chúng tôi thì cứ há hốc mồm ra để nuốt từng câu chuyện.
Cũng dưới bóng mát của cây bàng chúng tôi chơi đủ những trò mà bọn trẻ con nhà quê biết được. Ban ngày, chúng tôi chơi đánh đáo, bắn bi, chơi ô ăn quan, đánh khăng, nhẩy dây, đánh đầm, tìm kim, cơm canh rau muống… những đêm trăng sáng thì chơi trò trốn tìm, bắn bùm, thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê… Ôi những trò chơi dân gian của những ngày xa xưa sao mà vui sướng thế. Chỉ khi nào xảy ra những cuộc cãi vã long trời lở đất hay khi một đứa nào đó bị bố mẹ cầm roi “dẫn về” thì cuộc chơi mới kết thúc.
Nhưng có lẽ trò chơi vui sướng nhất ở quanh cây bàng, ấy là những khi vắng vẻ, bọn trẻ con chúng tôi trèo lên từng ngọn xa nhất để truy tìm từng quả bàng to núp sau kẽ lá. Quả nào nhơ nhỡ thì chén ngay, quả nào còn non thì lấy móng tay khắc tên mình vào đấy, chờ to thêm chút nữa. Dù chẳng đứa nào làm chứng nhưng khi đã khắc tên vào đấy rồi thì chả đứa nào dám xâm phạm. Luật của bọn trẻ con chúng tôi là thế. Có lẽ hiếm lắm mới được một quả bàng già mà đập ra lấy nhân. Sau này lớn lên đi nhiều, gặp những chùm quả bàng no tròn lúc lỉu trên cây, ký ức về những quả bàng ở bờ ao Đình lại hiện về trong tâm trí.
Nhiều năm nay rồi, trẻ con ở quê chẳng còn ra gốc bàng chơi những trò như xưa nữa. Thanh niên trai tráng trong làng mải đi làm ăn xa, tháng Ba ngày Tám người làng cũng bộn bề công việc. Gốc bàng không còn náo nhiệt, đông vui. Năm rồi chú Lễ tôi về nơi chín suối. Như sự linh cảm diệu kỳ, cây bàng gầy rộc hẳn đi, mới chớm Đông mà lá đã rụng gần hết. Cành cây khẳng khiu, co quắp như bàn tay con khỉ già hàng trăm năm tuổi. Mãi đến hàng năm sau cây bàng mới cân bằng trở lại.
Không muốn để cây bàng một mình đơn lẻ mãi, đúng 50 năm sau, ngày mùng 3 tháng Hai năm 2010, bố tôi đã nhân giống một cây bàng con và trồng ở bên cạnh, ngay trước cửa quán. Cây bàng con này cũng lớn nhanh như thổi chả mấy chốc sẽ trưởng thành, tỏa bóng mát xuống khu sân đình và mời gọi lũ chim về đây xây tổ như cây bàng mẹ.
Tết năm nay, cây bàng ao Đình vừa tròn một hoa giáp. Cũng như con người ta vượt qua cái tuổi “tri thiên mệnh” đến tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” có nghĩa là sáu mươi tuổi thì tai đã thuần, nghe điều gì là hiểu rõ, phân biệt được ngay. Dù nắng, dù mưa, dù sao dời vật đổi thì cây bàng vẫn trầm mặc, ung dung đứng đó dõi theo mọi vui buồn, sướng khổ của dân làng quê tôi.