Tôi không viết về “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” như một tác phẩm được giải, mặc dù cuốn sách xứng đáng được nhắc đến vì tặng thưởng đầy vinh dự mà tác giả của nó được nhận trong vòng 2 năm khi cuốn sách ra đời: Giải vàng sách hay tại Giải thưởng sách Việt Nam 2012 và bằng khen về những đóng góp cho văn học thiếu nhi giai đoạn 2009-2012.

Đó là cơ duyên của cuốn sách. Nhưng cái duyên lớn hơn của người viết lại là, lần đầu tiên, một người lính, đến được với trẻ em một cách tự nhiên cũng đầy ấn tượng qua câu chuyện của mình về Trường Sa. Câu chuyện giản dị, miên man, nhẩn nha, với những mẩu văn ngắn, mỗi mẩu nói về một hiện tượng thiên nhiên hay một hình ảnh đời thường gắn bó với vùng đất đặc biệt này của Tổ quốc. Người lính viết văn Nguyễn Xuân Thủy chọn cho “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” cách viết nhẹ nhàng, giọng văn tả cảnh tinh tế, đầy ắp những quan sát, liên tưởng thú vị gần gũi với tư duy của các em. Đây đó thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh dễ chịu.

Tôi không hỏi Nguyễn Xuân Thủy, vì sao anh quyết định viết cho các em, mà chỉ phỏng đoán. Phải chăng, sau cuốn tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” được giải thưởng báo chí – văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng (2004-2009) mà anh viết để tri ân những ngày tháng anh sống cùng Trường Sa, anh vẫn thấy “sống” với Trường Sa trên trang sách như thế còn chưa đủ? Và anh nghĩ đến những người bạn nhỏ khi bắt đầu làm bố? – Anh thủ thỉ kể chuyện như một người anh, người cha, hay thậm chí, anh làm tôi nhớ lại tuổi nhỏ của mình với nhân vật “Người sưu tầm vui tính” mà nghệ sĩ Văn Hiệp hóa thân hàng tuần đến với bạn nhỏ trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam.

Nguyễn Xuân Thủy đã không ngờ tác phẩm của mình được các em đón nhận nhiệt tình đến thế. Những mạnh mẽ, vụng về, thô ráp của người lính cộng với sự hóm hỉnh nhân hậu vốn có của người viết lại thực sự lôi cuốn các em. Tôi nói vậy vì cảm nhận rất rõ sự nghiêm túc xen lẫn… hồi hộp của anh trong từng mẩu chuyện vì đây là lần đầu anh viết cho trẻ con mà. Cái nghiêm túc làm nên sự nghiêm cẩn của việc chọn từ, làm nên sự tinh tế và chuẩn xác trong cách đặt câu, ngắt nghỉ. Và tất cả những điều ấy làm nên một cuốn sách có lời văn rất đẹp, thanh thoát, phong phú về từ vựng lại đúng… cú pháp, văn phạm. Đây là một trong những tiêu chuẩn mà các nhà giáo, các phụ huynh đề cao khi chọn sách cho con nhưng thời nay lại rất nhiều cuốn sách không đáp ứng được.

Cá nhân tôi rất thích mảng “tả cảnh” của cuốn sách, cũng với mục đích hỗ trợ những độc giả nhí của chúng ta, đặc biệt là những bạn sống ở thành phố, một cách tư duy về thiên nhiên. Có một thực tế không thể phủ nhận là các em đang bị đẩy ra xa khỏi thiên nhiên, bị gắn chặt với công nghệ, với những không gian chật hẹp đầy ắp áp lực vô hình mà không phải ai cũng nhìn ra. Những cuốn sách chú trọng tả thiên nhiên như “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” là một trong những “giải pháp” níu giữ cảm xúc phóng khoáng thênh thang, cảm nhận giao mùa tinh tế, những rung động từ một bông hoa, từ nắng, từ lộc biếc khó có được qua màn hình tivi hoặc iPad – những điều lung linh mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Những đứa trẻ của chúng ta thật sự cần điều ấy và phần nào có thể được bù đắp bằng sách, cộng hưởng với khả năng tưởng tượng phong phú của chúng. Nhà văn viết cho trẻ có ý thức điều này sẽ khơi gợi được một góc cảm xúc lắng đọng trong mỗi em, cái góc sẽ càng ngày càng nhỏ đi nếu không được để tâm chăm sóc. Chính cái góc ấy sẽ là cái gốc để chúng chiến đấu với “sự vô cảm” mà bây giờ đâu đâu người ta cũng nói tới. Ở mảng này, Nguyễn Xuân Thủy còn cung cấp cho các em lượng từ vựng kha khá, đặc biệt là những tính từ mang nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau. Tôi, với tư cách là một người quan tâm đến giáo dục, thật sự biết ơn anh về điều này.

Trẻ con ngoài ra còn thích khám phá. Thế thì dễ hiểu tại sao bọn trẻ lại háo hức với “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Trong đó là cả một thế giới khác, lạ, xa để chúng phiêu lưu. Nguyễn Xuân Thủy viết về những điều kỳ lạ bằng một cách viết… không kỳ lạ. Anh chỉ liên tục sử dụng “bảo bối” so sánh, liên tưởng để dẫn dắt các em. Trên thực tế, những đứa trẻ nghiêm túc hơn ta tưởng, cho dù bên ngoài chúng mê hài hước, chúng bắng nhắng và đôi khi làm người lớn phát cáu vì sự đùa dai. Nhưng trong “khoa học”, chúng cầu thị và nghiêm ngắn. Chúng học rất nhanh và thích được biết những khái niệm mới, càng lạ càng tốt, nhưng cũng phải thật logic, được giải nghĩa một cách chính xác, rõ ràng, không phải với thái độ thường trực của người lớn: “Cái này khó, tuổi này chưa hiểu được đâu, bao giờ lớn lên khắc biết!”. Có lẽ, Nguyễn Xuân Thủy đáp ứng được khao-khát-biết như thế ở các em. Xen giữa lời kể, đôi khi anh tương tác với độc giả bằng những câu hỏi: “Tại sao lại gọi là hoa ốc?” “Ăn Tết ở Trường Sa có khác gì với ăn Tết ở đất liền?”. “Chắc các bạn tò mò vì sao… đúng không?”… Cách này, nếu anh chú ý phát triển và sử dụng nhuần nhuyễn hơn trong những cuốn sách tiếp theo của mình viết cho thiếu nhi, tôi dám chắc rằng, anh sẽ lại nhiều lần nữa thành công.

Và đây cũng là điều tôi nghĩ, mong, rằng chắc chắn anh sẽ tiếp tục viết cho các em. “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” là cầu nối mở đầu đưa anh đến với thế giới của các em, cho anh tự tin vào khả năng lôi cuốn các em đến với thế giới của riêng mình.

Nguồn: Vannghequandoi

Exit mobile version