19 câu chuyện đời thường được nhà văn Trần Tùng Chinh tập hợp lại và giới thiệu trong tập truyện ngắn mới ra mắt độc giả tháng 9 này.Chuyến xe ngựa về Bảy Núi là câu chuyện của những phận người trong mối quan hệ với cuộc sống mà họ đang gắn bó. Những mối tình không thành để lại cho người trong cuộc sự nuối tiếc, ray rứt, những toan tính tranh giành tài sản của các bà chị dâu với một cô em chồng nhân “cơ hội’’ bà má chồng bị gãy chân, một người thầy trở thành chỗ dựa tinh thần cho đứa học trò bé bỏng có hoàn cảnh không may mắn, hay những mất mát hụt hẫng của con người trong hành trình đi tìm hạnh phúc của mình…
Nhà văn Trần Tùng Chinh và tập truyện ngắn mới xuất bản (ảnh NXB Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM)
Đó là không gian của vùng đất Bảy Núi được miêu tả lại theo thời gian tuyến tính dẫn dắt câu chuyện bởi một chuyện tình không thành của 2 người thế hệ trước trong Chuyến xe ngựa về Bảy Núi: Lúc đó, chàng trai thì thầm hát những điệu dân ca Khơ me tình tứ, nồng nàn. Còn cô gái thì say giọng hát của người yêu như say rượu. Những câu chuyện ngọt ngào quên cả mặt trời về núi… Và chiếc xe ấy không đi về phía con đường Bảy Núi nữa mà đang từ từ tiến sâu vào vùng quá khứ tưởng đã mờ mịt hai mươi năm trước. Chẳng lẽ… Mà thiệt tình là bà muốn nói với cậu trai trẻ xà ích kia rằng đúng là không có nghề xấu, chỉ có người xấu mà thôi, mà có khi cũng không phải do người muốn xấu, chỉ là do cái duyên phận không tới được, làm cho họ trót thành kẻ xấu trong mắt người khác mà thôi…
Hay chuyện của Thương trong Mùi chồng: Thương tiếc, khi mình giặt áo cho chồng bằng nước xả thơm, rồi hong phơi qua con nắng đầu hè, lỡ như cái mùi chồng vương trên áo sẽ bay đi mất… Cái mùi đó, Thương đã nghe từ lúc hai người lần đầu gặp nhau khi chồng ra tay nghĩa hiệp lúi húi gỡ cái tà áo dài đi học của Thương cuốn vào xích xe. Cái mùi đó, Thương đã nghe khi anh theo người lớn sang nhà Thương dạm hỏi, ngồi trên bộ ván ngựa, mắt lén nhìn Thương mà mồ hôi ròng ròng chảy. Cái mùi đó, Thương đã buộc mình vào thật chặt khi ngồi dựa sau lưng chồng xách nóp chèo ghe đến chân trời góc biển này rau cháo có nhau. Cái mùi đó, đêm đêm ủ ấm cho Thương những khi trời yên mây lặng cả những khi gió giông mưa bão ở miệt đồng cò gáy khỉ ho này…
Và câu chuyện của Viễn và Di trong Thiên di …Vậy mà Viễn đã từng vẽ ra cho Di một sự hình dung về nơi mà Di sẽ bay đến. Viễn đã từng bảo với Di rằng khi xuyên thấu qua chiếc màn trời trắng như sương ấy, một không gian mới sẽ mở ra trước mắt hai đứa. Cái gọi là vùng trời bình yên ấy sẽ là nơi chỉ có hai đứa trốn vào nhau. Khi nói với Di những điều đó, Viễn chỉ ích kỷ mong là cả hai sẽ ra đi thật xa để được ở bên nhau, thoát khỏi mọi ràng buộc. Viễn không ngờ rằng, với Di, đó là một thế giới khác, một cõi khác mà khi Di dũng cảm dấn thân bay đi tìm thì Viễn vẫn ngồi ngập ngừng ở đây…
Tất cả những câu chuyện đó được tác giả tái hiện với một nỗi niềm, tâm trạng đầy lo lắng, trăn trở trước những vấn đề của nhân tình thế thái và cả những đồng cảm trước những nghịch cảnh vì sự phức tạp của cuộc sống.
Bìa sách
Tập truyện Chuyến xe ngựa về Bảy Núi được viết với văn phong giản dị, nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Sách do NXB Văn hóa- Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành, tới tay bạn đọc tháng 9 này. Tập truyện được tác giả lưu ý thêm là chỉ dành cho độc giả từ 16++.
Nhà văn Trần Tùng Chinh quê ở An Giang, hiện là giảng viên, Trưởng bộ môn Ngữ văn- khoa Sư phạm, trường Đại học An Giang. Trước đó anh có hơn 10 năm là giáo viên THPT. Tác phẩm đầu tiên của anh được đăng trên Áo trắng (số 35) năm 1993.
Anh là tác giả của các tập truyện: Mùa thu vàng mưa nắng, Mùa mưa ở lại, Thủ khoa, Bâng quơ trên núi, Phố hiền, Bên giếng nước…
Nhà văn từng giành Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Áo trắng năm 1993 với truyện Tía ơi!; Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2011.
Tổ Quốc
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài