Tiểu thuyết CÂU CHUYỆN CỦA NÀNG THÊ của nhà văn Võ thị Xuân Hà – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022.

Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC liên kết

CUỐN TIỂU THUYẾT ĐẦY ÁM GỢI

Đạo diễn Tùng Lâm viết trên trang facebook của mình:

“Câu chuyện của Nàng Thê” có lối hành văn điêu luyện mà giản dị, từng câu, từng chữ đẹp đến lay động tâm can…

 Giàu chất thơ, chứa chan tình yêu thương, lòng trắc ẩn của muôn kiếp nhân sinh và những minh triết huyền bí của những thế giới giả tưởng nhưng lại gần gũi với thế giới của loài người… cùng phép dụng từ thông minh, những nút thắt mở và kết thúc quá bất ngờ đã đem đến cho bạn đọc những trải nghiệm lý thú…”

Sau đây là các bài viết bình luận về cuốn tiểu thuyết này:

HÀNH TRÌNH TÂM LINH –

CÂU CHUYỆN CỦA MỌI NGƯỜI

(Đọc Câu chuyện của Nàng Thê,

 tiểu thuyết của Võ Thị Xuân Hà, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

 BÙI VIỆT THẮNG

 Nhà văn kể một câu chuyện… thần tiên

“Ngày nay, khi phải hối hả lao vào cuộc mưu sinh, chúng ta chỉ bận tâm đến những vấn đề làm sao có được vị trí tốt trong xã hội, làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất của bản thân… cho nên ít bận tâm chăm sóc, thậm chí quên đi đời sống tinh thần. Đã từ lâu chúng ta không còn liên lạc với bản thân mình. (…). Con đường tìm lại chính mình là hành trình theo tiếng gọi nội tâm sâu thẳm – con đường tâm linh” (Jack Kornfiel: Tâm đạo, hành trình tâm linh, những nguy cơ và triển vọng, Nxb Thời đại, 2010). Tôi dẫn nhận định này, thiết nghĩ sẽ tương thích với việc đọc và bình giá tiểu thuyết mới của Võ Thị Xuân Hà.

            Một trong những tập truyện ngắn gần nhất của Võ Thị Xuân Hà có tựa Chuyện của các nhân vật có thật trên đời (2019). Trong bài viết Người tương tư truyện ngắn (đăng trên báo Tinh hoa Việt), tôi đã chỉ ra cảm quan thực, giàu tâm lý của một ngòi bút truyện ngắn đến độ rất chín nên hoàn toàn tự tin khi viết. Hiện Võ Thị Xuân Hà vẫn là một trong số ít nhà văn chiếm giữ kỷ lục viết nhiều truyện ngắn nhất (trên 200 truyện có Ma Văn Kháng, Nguyễn Hiếu, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Vũ Đảm). Câu chuyện của Nàng Thê, nếu nói là bước ngoặt cũng đúng, nhưng chính xác hơn là ở chính giữa cái “sát na” (kiếp đoạn, một phạm trù thời gian theo cảm thức Phật giáo), ở đó cả tác giả, cả nhân vật phân thân. Diễn trình này tựa trên nền tảng cảm thức tôn giáo để phát hiện thế giới vạn vật (cả tự nhiên, cả con người) không phải vô thần mà là hữu thần, chất chứa luân hồi (như cách tác giả “rao” đó là twin flame – “linh hồn song sinh” hay “linh hồn phản chiếu”): “Trong sát na đó, tôi bỗng thấy yêu bản thân mình hơn bao giờ hết. Đã bao lâu tôi bỏ mặc bản thể mình, bỏ mặc trái tim mình. Đó có phải là điều Phật hằng dạy chúng ta? Đấng Tối cao có yêu bản thể Ngài không? Nếu Ngài không yêu bản thể chính mình, liệu Ngài có đủ sức mạnh và tình thương bao trùm nhân gian” (tr. 28). Đây có thể coi như “tự bạch” của Nàng Thê – nhân vật chính của tiểu thuyết.

Nhân vật Nàng Thê là sản phẩm thuộc trí tượng tượng hào hiệp, bay bổng, mãnh liệt của một ngòi bút văn xuôi giàu trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa (tiểu thuyết là “một câu chuyện bịa y như thật”). Sự chuyển dịch của sự viết từ giống như thật (theo hình thức vốn có của đời sống) đến kỳ ảo, như trong Câu chuyện của Nàng Thê, theo tôi nằm trong khung khổ của “văn chương kỳ ảo”, vốn không phải vừa mới xuất hiện trên văn đàn Việt Nam mà là sự “tái xuất” những mạch nguồn từ trong văn học trung đại. Đổi mới, rõ ràng là vận dụng (tiếp biến) sáng tạo truyền thống tốt đẹp vốn có. Nhân vật Nàng Thê, theo tôi, không giống các diễn viên điện ảnh hiện nay (trong phim truyện hay phim truyền hình) được khán giả nắc nỏm khen “diễn như thật” (như thật thì cần chi nghệ thuật). Cuộc sống của Nàng Thê trải bao tình huống, nhiều thăng trầm là sự “bày đặt” của nhà văn. Một sự bày đặt khéo léo, thông minh, dẫn dụ độc giả vào những mê cung tình ái không phân biệt rành rẽ thực hư. Nàng (Nàng Thê, Nàng Điển, Thủy Mạc,…), hay Chàng (Lưới Sông, Đức Vua Bạch Mã, Họa Sư, Nam Mộc,…) đều là những “đứa con tinh thần” do nhà văn “đẻ” ra trong mộng mị, hoan ca, phiêu bồng, bảng lảng, thần tiên, kỳ diệu, ảo mộng,… như một kiểu truyền kỳ hiện đại. Đọc Câu chuyện của Nàng Thê, không riêng tôi, phải từ bỏ lối “so đo” giữa tác phẩm với hiện thực đời sống, xem sự trùng khít đến đâu, khi đó mới tin vào chân lý. Ở trường hợp này, nhà văn đã vận dụng nguyên tắc sáng tạo tối cao “chân lý nghệ thuật cao hơn chân lý đời sống”. Tôi cảm nhận sâu sắc về sự tự do tuyệt đối bên trong khi viết của nhà văn. Lại càng suy ngẫm tuyên ngôn nghệ thuật của danh họa thế giới P. Picasso: “Tôi vẽ như tôi nghĩ chứ không phải như tôi nhìn thấy sự vật”.

 Nhà văn kể câu chuyện về sự bất tử của… linh hồn

Theo quan điểm vô thần (ngày nay người ta đang cực đoan chuyển từ vô thần sang hữu thần) thì không có cái gọi là “linh hồn”. Nhưng chắc chắn có những nguyên nhân sâu xa nào đó để văn hào Nga thế ỷ XIX N. Gogol viết nên kiệt tác Những linh hồn chết. Ngay trong thi phẩm Tây Tiến của Quang Dũng, tôi cũng tìm thấy linh hồn bất tử của những người lính đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” qua những câu thơ ám ảnh: “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Chữ “hồn” trong  ngữ cảnh này có ý nghĩa là “linh hồn” chăng?

Các nhân vật trong Câu chuyện của Nàng Thê người nào cũng mang đầy phần linh hồn dù là người sống thật nơi trần thế hay lên tiên giới sau há kiếp, đầu thai. Nhân vật Nàng Thê chết (ở cuối sat na/ kiếp đoạn 14) vì lấy thân mình che hòn tên mũi đạn cho Lưới Sông (bị coi là một phần tử chống đối lệnh san đê điều để sống thuận với tự nhiên của Đức Vua Bạch Mã), người đã cứu nàng khỏi hà bá. Đạo Phật răn “Sinh ký tử quý” (sống gửi thác về) – sống chỉ là trú ngụ giữa cõi trần/ cõi tạm, chết là trở về vũ trụ, thành cát bụi của thiên hà mới là vĩnh cửu. Nhưng đến “sat na” số 15 thì Nàng Thê vẫn như chưa chết vì sự bất tử của linh hồn. “Bên cầu Đoạn Hà, tôi nói với ông già Tiểu Ngục: Con cần phải đi khỏi nơi này. Con rất nhớ người ấy”. Người ấy là ai? Là Lưới Sông (người cứu mạng Nàng Thê)? Là Đức Vua Bạch Mã (chồng chính danh của Nàng Thê)? Hay nhớ cuộc sống trần thế (Nàng Điển thơ ngây bị hãm hại, những hài nhi bất hạnh bị quăng quật giữa bụi trần) dẫu nhiều bể dâu nhưng vẫn đáng sống? Nhưng đọc tiếp thì chúng ta hẳn hết ngạc nhiên vì: “Con tên Thê. Kiếp luân hồi của con hình như được tính khoảng sáu vạn năm, đã hàng vạn lần đổi kiếp… Tôi nói với ông: Con nhớ người ấy” (tr. 138-139). Điệp khúc “Con nhớ người ấy”, trong trường hợp này phát lộ mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm nhân vật Nàng Thê (giữa sinh – tử, thân – tâm, âm – dương, ảo – thực). Dĩ nhiên nỗi nhớ đến quặn thắt ấy trước tiên phải là nhớ người (sau mới nhớ cảnh, nhớ việc): “Người đàn ông tôi yêu/ Có thể chưa sinh ra trên đời/ Có thể là đã chết”. Nàng Thê rơi vào tình trạng phân thân “chọn một dòng hay để nước trôi” (giữa chàng trai của đời thường Lưới Sông và chồng là Đức Vua Bạch Mã, nhờ thế mà Nàng Thê thành Hoàng Hậu). Nhờ luân hồi mà Nàng Thê “sống lại” trong hình hài của cha sinh mẹ đẻ, đầu thai trong vai thành viên của một nhóm khảo sát do chàng kỹ sư thủy lợi phụ trách cùng tham gia tính toán thiết kế đồ án bảo vệ hồ nước.  Nàng Thê đã chia sẻ với anh về câu chuyện thầm kín của mình: “Chúng tôi không thể lấy nhau… Anh ấy ngủ dưới nước” (câu chuyện nhắc nhớ về chàng trai Lưới Sông, người thường ngủ dưới nước, hay đúng hơn trên chiếc thuyền của mình). Nàng Thê khác nào Tôn Hành Giả (trong trường thiên tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân) đi mây về gió, hóa thân hóa kiếp như những tia chớp sáng lòa (trong những sat na). Xây dựng nhân vật Nàng Thê, tôi đồ rằng, tác giả đã mở hết lòng mình cho cảm xúc về vũ trụ, thiên hà vỡ òa trên từng câu chữ, trang viết. Nhưng nghĩ chậm sau khi đọc lại thấy những câu chuyện trên trời ấy dường như vẫn có sợi dây (dù vô hình) nối với trần gian thế tục (cái “thường hằng”). Rõ ràng cảm thức tôn giáo như là “chính cương, điều lệ” mới chi phối cảm hứng viết của nhà văn trong trường hợp này. Tuy bay lên cõi vô cùng nhưng câu chuyện được kể lại có sợi dây mật thiết với cuộc đời, vì như lời truyền của Ngài: “Sứ mệnh của con không phải tìm nơi tràn đầy ánh sáng để trú ngụ. Con phải gánh vác nơi tăm tối, bần hàn, để làm sáng rỡ nơi đó” (tr.159).

 Nhà văn kể chuyện theo… phép lạ

            Tôi tạm hình dung, Võ Thị Xuân Hà khi kể chuyện giống như một tỷ phú, cùng lúc tung nhiều đồng tiền vàng lên, cứ thế mỗi người đọc nhặt lấy một trong số đó cất dành ngắm nghía. Mỗi phần (cả thảy 24 phần/ 24 sát na) của tiểu thuyết đều có giá trị độc lập. Chúng được xuyên thấu, nối mạch bằng một “sợi chỉ đỏ”, hay là một thứ “keo” vĩnh cửu. Hai mươi tư phần (24 “sat na”), mỗi sat na là một câu chuyện, gối nhau, cùng chuyển động không phải theo bột phát, mà theo sự bài trí có chủ đích của tác giả. Nếu thoạt nhìn thì cái vẻ ngẫu nhiên đã kín đáo chuyên chở cái tất nhiên. Nó tựa lối chơi đô – mi – nô, chỉ cần tác động vào một con cờ (đứng đầu) là cả hệ thống chuyển biến hợp lý. Cuốn theo chiều văn Võ Thị Xuân Hà, lên tiên giới hay xuống trần gian theo chân nhân vật Nàng Thê, tôi hình dung, nhà văn như một nghệ sỹ biểu diễn xiếc trên dây, khiến độc giả nhiều phen thót tim vì sự hồi hộp, bất ngờ đột ngột đến nghẹt thở. Nhưng quả thật đọc thú vị hơn mức bình thường khi lâu nay “thực đơn” của độc giả quá nhiều những món quen thuộc.

            Nói trong Câu chuyện của Nàng Thê nhà văn vận dụng một lối kể chuyện mới lạ là còn nhờ vào một văn phong được cải tiến triệt để. Văn làm mới đưa đẩy câu chuyện được kể lại đánh mạnh vào trực giác của người đọc. Hơn một lần, tôi nhấn mạnh đến lối văn giàu trực giác của Võ Thị Xuân Hà từ Bầy hươu nhảy múa đến Cành phong hương. Văn trong Câu chuyện của Nàng Thê vừa giàu trực giác (những trường đoạn về sự tiếp xúc thân thể giữa người đàn ông và người đàn bà), vừa giàu tưởng tượng về những sự biến đẫm máu (Nàng Thê lấy thân mình che hòn tên mũi đạn cứu Lưới Sông), những phong cảnh kỳ ảo/ trác tuyệt, những biến thiên có một không hai của tự nhiên, hay lòng người hay tiên phật, cả ở trần gian lẫn thượng giới, được phóng đại hết kích cỡ. Một lối văn đánh mạnh (những cú knock-out) vào tâm trí người đọc khiến họ có thể không yên ổn, muốn vùng vẫy, thăng hoa, giải thoát những gì  trói buộc trần tục vươn tới cái thanh cao, trinh nguyên, trác tuyệt – TÌNH YÊU THƯƠNG LỚN

            Cũng trong Câu chuyện của Nàng Thê, tôi thấy tác giả đã vận dụng (có ý thức hoặc vô thức) văn phong của truyền kỳ (với tư cách một thể loại văn xuôi cổ điển thời trung đại, tiêu biểu như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, XVI) – lối văn kết hợp thơ và văn xuôi. Gửi gắm biết bao nỗi niềm, kể bao nhiêu câu chuyện thần tiên, nhân vật kể chuyện xưng “tôi” (Nàng Thê) như một “giao liên” mẫn cán đã mê hoặc, dẫn dụ người đọc thời kỹ trị vốn thông minh, tỉnh táo lạc vào cõi ảo, hóa thạch cảm xúc theo lối “phì đại”, “trương nở”. Câu chuyện của Nàng Thê để lại một ám ảnh nghệ thuật (tiêu chí thành công của tác phẩm) khiến ta khó thoát ra khỏi câu chuyện của một con người có tên Nàng Thê, suốt cuộc đời đi tìm tình yêu đích thực, được cá thể hóa cao độ theo phương pháp kỳ ảo nhưng mỗi hơi thở, cử động, cảnh ngộ, trạng huống, kết cục trải qua của nhân vật, người đọc cứ như “vận” vào mình. Từ đó, theo tôi, có thể phát sinh năng lực đồng sáng tạo giữa nhà văn và bạn đọc, nhìn từ lý thuyết tiếp nhận nghệ thuật./.

                                                           

Nhà LLPB Bùi Việt Thắng và nhà văn Đào Bá Đoàn – Phó Giám đốc Nhà xb Hội Nhà văn, chịu trách nhiệm xuất bản cuốn tiểu thuyết

“CÂU CHUYỆN CỦA NÀNG THÊ”:

KIẾP SỐNG NÀO CŨNG CẦN NHỮNG YÊU THƯƠNG

Tôn Nữ Khả Di

Sau hơn 10 năm thai nghén, tiểu thuyết “Câu chuyện của Nàng Thê” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã chính thức ra mắt độc giả vào tháng 10/2022. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, đánh dấu sự trở lại ấn tượng trong địa hạt tiểu thuyết của một cây bút sung sức, tài hoa và bản lĩnh.

Tiểu thuyết “Câu chuyện của Nàng Thê” tiền thân là phiên bản truyện ngắn đã được Võ Thị Xuân Hà gửi đăng trên một vài báo, tạp chí, với cốt truyện độc đáo, lôi cuốn, hấp dẫn cùng văn phong tinh xảo đẹp như “lên men vân gốm” và thấu suốt đau như “vạn kiếm xuyên tâm”. Tuy nhiên, khi đã đặt dấu chấm kết thúc tác phẩm, có một nguồn năng lượng ngầm vẫn thôi thúc chị mở rộng và phát triển câu chuyện theo nhiều chiều kích khác nhau. Để rồi, nhân vật chính Nàng Thê phải tiếp tục trải qua rất nhiều kiếp cõi nhân gian đầy trầm luân, khổ hạnh, đi tìm một tình yêu đích thực, dẫu phải đánh đổi, nếm trải biết bao đau thương, đắng cay, mất mát.

Nàng Thê vốn là “cây sứa đam ở chòm sao Tiên Tử được về Rừng Đại Ngàn, rồi đầu thai ở Tiên Giới, con vua Thanh Đế”. Nhưng phạm phải Luật Trời mà bị đày xuống trần gian làm người trần mắt thịt. Ở trần gian, nàng liên tục trải qua nhiều kiếp sống. Mỗi kiếp sống, nàng lại hóa thân vào một nhân vật khác nhau. Khi là tiểu ni cô ngây thơ, trong sáng, lúc là nàng công chúa nước Trang không được tự quyết số phận của mình và có khi trở thành hoàng hậu Thiên Xuân thanh cao, đài các… Có một điểm chung là dù ở kiếp cõi nào, nàng cũng đều đẹp một cách huyền bí và cuộc đời nàng luôn phải chịu những kết cục tổn thương, bi kịch.

Các kiếp sống của Nàng Thê luôn có sự liên kết một cách vừa ảo ảnh, mơ hồ, vừa rõ ràng, mạch lạc giữa ranh giới thường hằngkhông thường hằng. Phủ trùm lên toàn bộ câu chuyện là tiếng sáo thẳm sâu văng vẳng: “Ngoài trời sương hoa bay lất phất. Nàng sẽ cho ai tất cả tình yêu. Để lòng ta lệ rơi chua xót. Xin hẹn nàng một kiếp phù du”. Tiếng sáo miên man từ kiếp này, sang kiếp khác, gợi về những mảnh ký ức chập chờn quên nhớ. Kiếp này là sự phản chiếu của kiếp trước và đồng thời là tiền đề của một kiếp sau nữa, như một thứ quy luật bất tận của Vũ Trụ, không hẳn tuần hoàn, cũng không hẳn tịnh tiến. Chúng luôn có mối ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau quanh một trục xoắn là nhân vật Nàng Thê.

Với kết cấu như một khối vuông rubic, mạch truyện liên tục vặn xoắn, thay đổi, đưa độc giả đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khiến chúng ta có lúc quằn lòng khi chứng kiến nỗi đau trong những trang đời đầy ngang trái của Nàng Thê. Khi làm vợ hoàng tử nước Cổ Nộ, nàng bị một cung nữ sát hại để rồi phải để lại đứa con “khóc đòi sữa mẹ” ba ngày, ba đêm liên tục. Khi làm một tiểu ni cô, nàng bị gã đốn củi hãm hiếp đến chết. Khi làm công chúa Ngọc Đảo, nàng phải chịu cảnh mất cha mẹ và một lần nữa bị bọn hải tặc cướp đi sự trinh trắng… Kiếp sống nào cũng đẩy đời nàng vào muôn vàn gian nan, thử thách, dù cho nàng là ai, vị thế ra sao, thánh thiện thế nào.

Dường như, nỗi đau Nàng Thê phải nếm trải ở mỗi kiếp sống cũng giống như cách con ve trầy xước lột xác để trở nên trưởng thành hơn, nhu nhiên hơn. Sau mỗi lần chết, Nàng Thê xuống bến Tàng Sinh, bên cầu Đoạn Hà, khi được nhìn thấy muôn vạn kiếp nhân sinh từng qua, nàng vẫn muốn làm người, muốn đi tìm người ấy – người mà “có thể chưa sinh ra trên đời/ có thể là đã chết”, mặc ông già Tiểu Ngục rơi những giọt lệ thương cảm. Bởi nàng biết rằng “để quên được anh, em sẽ phải đi hết những cuộc đời như cuộc đời này”. Có thể, nàng sẽ vĩnh viễn không tìm thấy anh, có thể tình yêu của nàng là mù quáng, nhưng nàng sẽ không bao giờ hối hận với những lựa chọn của mình.

Không chỉ Nàng Thê mải miết mở các cánh cửa luân hồi để đi tìm người ấy. Mà người ấy cũng khắc khoải tìm nàng ở tất cả các kiếp cõi mà nàng đặt chân tới, bằng cách này hay cách khác. Đó là chàng Nam Mộc xuất hiện trong tiểu thuyết với những nét chấm phá thoáng qua nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên nguồn từ trường tiềm ẩn để các nhân vật quanh Nàng Thê chuyển động theo một quỹ đạo thống nhất. Chàng vốn dĩ là cây Nam Mộc luôn chở che, bảo vệ cho cây Sứa Đam mong manh, mềm mại. Nam Mộc đôi khi gần thật gần mà có lúc xa thật xa và dù đối mặt, lướt qua, hay nán lại thì xuyên suốt câu chuyện, họ vẫn chưa đủ duyên hạnh ngộ.

“Câu chuyện của Nàng Thê” là cuốn tiểu thuyết có hệ thống nhân vật khá đồ sộ, phức tạp nhưng luôn đảm bảo sự tương tác sinh động, chặt chẽ. Bên cạnh Nàng Thê và Nam Mộc là chàng học trò chặt cây Nam Mộc, lão già Tiểu Ngục, lính cai, nàng cung nữ nước Lệ, mẹ của Nàng Thê trên cõi thế, con trai của công chúa nước Trang… Và, số phận cũng như tính cách của các nhân vật bao quanh Nàng Thê luôn có sự biến đổi đa dạng, linh hoạt sau mỗi kiếp cõi. Chẳng hạn, ở kiếp này, lính cai là kẻ thủ ác hãm hiếp Nàng Thê thì kiếp sau, hắn tu tập thành chàng trai Lưới Sông chất phác, thật thà. Gã ngọa quỷ xấu vốn dĩ là một “chàng trai thanh thoát thư sinh”. Hay như lão già Tiểu Ngục có khi chỉ là một con ve của Đại Ngàn thì có lúc đổi kiếp là cha của Nàng Thê trong giấy tờ hành chính…

Như vậy, các nhân vật trong tiểu thuyết luôn biến thiên, thậm chí biến dạng nhưng không biến mất. Họ luôn tìm cách tồn tại ở một thể vật chất phù hợp nhất. Bằng cách dẫn dắt mạch truyện khéo léo, kỹ thuật cài nối chi tiết logic, điêu luyện cùng khả năng tạo dựng không khí truyện đậm màu sắc liêu trai, huyền ảo, Võ Thị Xuân Hà đã đặt các nhân vật đúng nơi, đúng lúc, đồng thời vẫn đảm bảo sự thanh thoát, tự nhiên, sống động. Vạn vật trong vũ trụ không nằm ngoài quy luật kế thừa và tiếp nối. Như cành Nam Mộc thứ hai mọc lên từ thân Nam Mộc bị đốn gốc cũng đã tu tập thành Bạch Mã Hoàng Tử là một ví dụ.

Cuối cùng Nàng Thê và Nam Mộc có tìm thấy nhau sau muôn trùng cõi kiếp? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi thực ra, họ đã nhìn thấy nhau, gặp nhau và có lúc trong vòng tay nhau nhưng rồi họ vẫn lạc mất nhau. Đó là thử thách để họ trải nghiệm và giải mã những ý nghĩa của sự sống trong mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với vạn vật.  Nàng Thê chính là twin flame – Linh hồn phản chiếu mà Nam Mộc “đã kết nối linh mạch từ khởi thủy”. Sự kết nối ấy giúp họ biết chính xác điều mình cần tìm trong hành trình “kiếp kiếp vãng sinh” tưởng chừng như vô định, là TÌNH YÊU THƯƠNG – cội nguồn của mọi sức mạnh tỏa ra từ Vũ Trụ, thẩm thấu và tưới mát cho mọi sinh động sống.

Chân lý giản dị ấy không chỉ dừng lại trong phạm vi tình yêu đôi lứa mà còn đẩy lên thành tình yêu Trái Đất trong chiều kích của không gian 5D mà dẫn theo lời tác giả: “Tình yêu vô điều kiện chính là bài học lớn nhất và quan trọng nhất của mối quan hệ twin flame nói riêng và toàn bộ loài người nói chung”. Và “Câu chuyện của Nàng Thê” còn gửi đến chúng ta một thông điệp rằng: “Thế giới mới đang chờ đón bạn sẽ nhanh chóng tích hợp mọi trải nghiệm của tâm hồn vào hành trình khám phá trọn vẹn”. Bạn đã thực sự đi, thực sự trải nghiệm cuộc sống này bằng một tâm thế sẵn sàng?

Sự trải nghiệm không phải điều gì xa vời mà đơn giản là khi ta giữ sợi dây kết nối với những người xung quanh, kết nối với chính bản thân mình theo hướng tích cực nhất, từ bóng tối đến ánh sáng, từ nỗi buồn đến niềm vui, từ vô vọng đến hi vọng, từ hoài nghi đến niềm tin, từ thù hận đến yêu thương, từ đắng cay đến hạnh phúc… Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, ham sống hơn như Nàng Thê dù trải qua tầng tầng, lớp lớp những kiếp nạn, nàng vẫn đi tìm tình yêu, vẫn hướng về phía trước. Bởi, được sống, không phải là trả nợ cho một cõi kiếp nào đó, mà là để chúng ta đón nhận, tận hưởng và trân trọng. Và chẳng phải ai cũng nhìn ra điều đó nếu không trang bị cho mình nhãn quan thứ ba – con mắt của tâm hồn kết hợp trí tuệ!

“Câu chuyện của Nàng Thê” thực sự đã mang đến nhiều suy nghiệm về kiếp nhân sinh muôn hình vạn trạng và càng khẳng định thêm sức sáng tạo đặc sắc, dồi dào của nhà văn Võ Thị Xuân Hà trong dòng chảy văn chương đương đại. Hi vọng chị sẽ “đẩy tiếp cánh cửa mở ra chiều kích mới của Vũ Trụ” bằng phần 2 hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị./.

Một ý niệm từ tiểu thuyết “Câu chuyện của Nàng Thê”

Phạm Giai Quỳnh

Lời nguyền kiếp khác bền như sắt,

Thề bỏ xuân xanh một kiếp này.(1)

 “Câu chuyện của Nàng Thê” gợi nên một cơn mưa xuân, trong cơn mưa xuân ấy, mầm sống được ấp ủ từ mùa đông giá buốt như động cựa và được đánh thức, đâm chồi nảy lộc, rần rật nhựa sống, tựa như tình yêu của hai mảnh linh hồn Nàng Thê và Nam Mộc. Thế nhưng sinh cũng là diệt, sự việc vốn đi ngược lại với sự cân bằng lại thường gặp phải tai ương, bất trắc, tình yêu của họ cũng vậy.

Khác với Nàng Thê và các nhân vật phụ khác, Nam Mộc xuất hiện rất ít và mờ nhạt trong tiểu thuyết, nếu không để ý, ta sẽ không thể nào nhận ra chàng. Ngược lại, một phiên bản linh hồn khác của Nam Mộc tức nhánh cây mọc lên từ nơi vết thương thân cây gỗ bị đốn ngã, mang theo một phần ý chí và tình cảm của cây chính, sau khi tu tập trưởng thành đồng thời luân hồi chuyển thế theo cuộc đời Nàng Thê lại là hình bóng xuất hiện nhiều hơn. Cũng bởi có ý chí và tình cảm đó, mà Nàng Thê nguyên thân là cây Sứa Đam từng được Nam Mộc che chở đã lầm lẫn giữa cành Nam Mộc thứ hai này và bản thân Nam Mộc. Sự lầm lẫn xuất hiện ở nhiều kiếp sống, và chính nàng có lẽ cũng đã cảm nhận được điều đó, bởi trong nàng luôn dội lên khúc Ngoài trời sương hoa rơi lạnh.

Ngoài trời sương hoa bay lất phất

Nàng sẽ cho ai tất cả tình yêu?

Kiếp người ngắn ngủi, chỉ là một sát na, kiếp người ngắn ngủi nhưng cũng lại kéo dài đằng đẵng. Khúc ca của kẻ lỡ chạm vào gót chân Nàng Thê ở kiếp sống thứ nhất ấy đã tiên dự cho các kiếp sống sau này của cả hai người. Họ mải miết tìm nhau, không mong cầu bất cứ một lời hồi đáp hay kết quả, họ tìm kiếm nhau theo bản năng, nếu không tìm được nhau thì thà rằng thân nát hồn tan quyết chẳng hai lòng. Dẫu nàng đã uống nước Đoạn Hà – một thứ nước khiến người ta lãng quên hết thảy, dẫu ông già Tiểu Ngục đã dặn dò rằng nàng chẳng thể nào nhớ được gương mặt của người kia thì nàng vẫn quả quyết chèo đi chỉ bởi thấu tỏ người đàn ông mình yêu vẫn đang tồn tại giữa nhân gian, vũ trụ này.

“Như là nàng từng gặp người ấy ở đâu đó trong những giấc mơ vạn vạn kiếp của mình.”

(Câu chuyện của Nàng Thê, tr.189)

Các nhân vật khác trong tiểu thuyết được xây dựng phong phú, từ chung một vùng đất họ đến với nhân gian, biến thành những người khác nhau đan chêm vào mỗi bận luân hồi của Nàng Thê và Nam Mộc, có khi là trợ thủ, cũng có khi là kiếp nạn, có người ôm nỗi oán hận tắm đầy máu tươi để rồi sau khi tu tập qua nhiều kiếp thì dần buông bỏ chấp niệm, điển hình nhất có lẽ là nàng cung nữ nước Lệ đi từ oán đố sân si cho đến lúc từ bi bác ái trở thành mẹ của Bạch Mã Hoàng Tử. Nhân vật Lưới Sông (nguyên thân lính cai, đẩy Nàng Thê xuống trần) mang theo sự thú vị của riêng mình, ở kiếp trước y là kẻ thủ ác cưỡng bức nàng đến chết, nhưng vào kiếp này y lại biến thành người bảo vệ nàng dẫu tình yêu y dành cho nàng vốn chỉ là sự mê luyến ích kỷ điên cuồng.

Anh hùng đa nạn, hồng nhan đa truân, mỗi lần luân hồi là thêm một lần đau đớn, nhưng Nàng Thê và Nam Mộc vẫn đi tiếp, có khi họ đã chạm mặt nhau, lướt qua nhau nhưng chẳng thể đến được với nhau, dẫu chết đi cũng phải chết theo nhau. Tựa như ước nguyện cố chấp của Nàng Thê, kiếp kiếp muốn được làm phụ nữ để tìm người đàn ông mình yêu thương. Twin Flame đâu chỉ đơn thuần là mảnh ghép của hai linh hồn phản chiếu, sẽ mãi là đớn đau nếu chính mình vẫn khuyết thiếu, thế nên đôi bên buộc phải ngụp lặn trong bóng tối rồi thắp nên ánh sáng từ đó, mài giũa bản thân để trở nên thản nhiên với thế gian và hoàn thiện chính nội tâm mình, có thế mới tạo thành liên kết đẹp đẽ nhất.

Điều tạo nên được sự thú vị của cuốn tiểu thuyết không chỉ nằm ở văn phong, kết cấu mà còn ở cách gài cắm tình tiết. Tôi thích cách nhà văn Võ Thị Xuân Hà không để cho nhân vật Nam Mộc dễ dàng xuất hiện, mà độc giả vẫn luôn biết chàng vẫn ở đó, ngay bên Nàng Thê, yêu nàng tha thiết – Cái bóng hùng vĩ của chàng phủ lên tiểu thuyết giống như cái bóng đã từng che chở cho Sứa Đam.

Ưu điểm của cuốn sách là nén gọn, ôm trọn các kiếp luân hồi, các thân phận, lí giải sự bao dung của vũ trụ chỉ với hơn hai trăm trang sách, nhưng nhược điểm của cuốn sách cũng là ở đó, nếu sảy ý không tập trung thì độc giả rất dễ “đi lạc”. Hoặc đó chính là sự cố ý của tác giả? Bắt buộc người đọc của thế hệ tư duy mở phải đánh thức nhãn quan thứ Ba của mình.

Ta thường hằng và ta cũng không thường hằng, đấy là điều mà độc giả có thể cảm nhận được sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này. Đây là cuốn sách đậm mùi thiền và cũng đậm mùi Lão – Trang, là họa đấy mà cũng là phúc đấy, là mộng đấy mà cũng là thực đấy, đại đạo vô tình, chúng sinh bình đẳng, nhân vật Nàng Thê cũng giống như cái tên của mình trôi miên man qua nhiều kiếp sống bất hạnh dù có là con gái của vua Thanh Đế đi chăng nữa, sau rốt được ban phát một ân huệ để nhìn lại (có thể đấy là điều may mắn hoặc là không) muôn kiếp mình từng sống. Đó là một quá trình đau đớn. Bởi dù ai nấy trên cõi đời này đều hy vọng biết được kiếp trước của mình, song không phải ai cũng có thể chịu đựng được quá khứ đó, đôi lúc một kiếp tươi đẹp lại trở thành nước mắt ở kiếp sau.

Xin hẹn nàng một kiếp phù du.

Câu chuyện của Nàng Thê và Nam Mộc khép lại, muôn vàn chiều kích vô thuỷ vô chung cứ thế mở ra, con người thoát thai từ sự hư không được vạn hoá ôm ấp nuôi dưỡng, rồi mang theo ý thức mới hình thành đầu thai xuống mảnh đất ngập nắng, gió, sương, hoa, tình yêu, đớn đau, nụ cười và những giọt nước mắt mất hút vào quá khứ. Quá khứ, hiện tại, tương lai đan xen, băn khoăn dằn vặt từ hàng vạn năm rồi mai đây sẽ có câu trả lời./

Chú thích:

  • Trích: Ngọc Lê Hồn, Từ Chẩm Á, bản dịch Nhượng Tống.

MẢI MIẾT HÀNH TRÌNH

(Đọc “Câu chuyện của Nàng Thê” tiểu thuyết của Võ Thị Xuân Hà)

Bài viết của HOÀNG THỤY ANH

Võ Thị Xuân Hà đã mách nước cho chúng ta về khao khát đi tìm twin flame của nàng Thê ở bìa 4 tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê (Nxb Hội Nhà văn, 2022). Trên hành trình này, nàng Thê không hề biết cũng có một twin flame (linh hồn phản chiếu) đang kiếm tìm nàng. Nhưng đọc Câu chuyện của Nàng Thê, chúng ta không chỉ bị chi phối bởi một twin flame mà còn bị chi phối bởi nhiều twin flame. Các twin flame đều liên quan đến nàng Thê, hay nói cách khác, đó chính là “linh hồn song sinh”, “linh hồn gương soi” của nàng Thê: Nam Mộc, chàng học trò chặt cây nam mộc, lính cai, lão già Tiểu Ngục, nàng Điển, con trai công chúa nước Trang,… Khai thác vùng mơ hồ, tâm linh, mượn chúng làm chất liệu, triển khai những nghịch cảnh, khổ đau, tội lỗi của loài người, khai mở sự vô biên của tình yêu, thân phận và các chiều kích của vũ trụ, chị đưa đến nhiều bài học cho chúng ta. Chúng ta không trì hoãn bất cứ việc gì cho kiếp sau, không chờ đến kiếp sau mới giải quyết. Hãy giải quyết mọi việc trong kiếp hiện tại. Nếu không, kiếp trước sẽ là quả của kiếp sau.

Võ Thị Xuân Hà để các twin flame lần lượt trải qua kiếp này đến kiếp khác, dù cuộc gặp gỡ lúc hạnh phúc lúc khổ đau, lúc gần gũi lúc xa cách, nhưng kết quả của nó đã góp phần tỉnh giác tâm linh, cho những twin flame những bài học, kinh nghiệm về cuộc sống. Như cuộc gặp giữa nàng Thê và Lưới Sông, dẫu chẳng nên duyên nhưng giữa họ đã có sự đồng nhịp. Lưới Sông đã cứu và cưu mang nàng Thê. Sự đồng nhịp được chị lẩy ra ở mức cao nhất của thử thách, nghịch cảnh, sau khi nàng Thê bị một đội lính bắt, đưa về hoàng cung (vì nàng là công chúa xứ Long Hải), nàng đã dùng tấm thân của mình để cứu Lưới Sông tránh khỏi mũi tên xuyên qua. Sự đồng nhịp giúp họ nhận biết, trải nghiệm về sự hi sinh trong tình yêu. Nhưng, sự đồng nhịp giữa nàng Thê và Lưới Sông còn được chị gắn kết trong một đồng nhịp khác, ấy là đồng nhịp với Đức Vua Bạch Mã. Song song hai mối đồng nhịp này, chị đặt nàng Thê ở trong hai mối quan hệ twin flame, tức là cùng lúc đối diện hai bản thể trong hai kiếp: “Tôi vẫn còn đang trên hành trình của định số, hành trình này sẽ đưa tôi tới bến bờ nào? Tôi có nên phán xét bản thân mình? Hay nên thả lỏng để nhận được những phước lành, tương ứng với những cố gắng mà bản thân đã nỗ lực vượt qua?// Lưới Sông và Đức Vua Bạch Mã, thực và mộng, người đế vương, kẻ tiêu dao…” (tr.100). Đây là ngưỡng nhận thức cao nhất của twin flame, thông qua ngưỡng này, nàng Thê có thêm bài học về lòng kiên nhẫn, trí

hạnh.

          Trên con đường đi tìm tiwn flame, so với Đức Vua Bạch Mã và Lưới Sông, có một linh hồn còn khổ đau gấp bội phần. Đó là họa sư, sau này là thân kiếp lão già Tiểu Ngục. Họa sư đã vẽ bức tranh Bến Đoạn Hà trong sự tuyệt mĩ của nghệ thuật, trong sự bẩn thỉu của lương tâm, trong sự gieo mầm của một hài nhi. Trái nghịch của thân kiếp họa sư tiếp tục nảy những trái nghịch của thân kiếp khác: nàng Điển và nàng Nương. Rồi lại tạo ra thời khắc trớ trêu giữa con gái của nàng Điển và con trai của nàng Nương. Trái nghịch của thân kiếp còn được hiển lộ ở thân kiếp lính cai, gã đốn củi, kẻ chài lưới, gã ngọa quỷ Xấu,… Người này soi vào người kia bằng phần tối nhất, khổ đau nhất. Chính tình yêu và sự hối hận, chịu đựng đã giúp họ soi ngắm được chính con người mình và hướng đến sự giải thoát, thoát khỏi tác hại vô minh của con người.

          Đúng như Võ Thị Xuân Hà đã nói: “Phải thấm những kiếp nạn khổ ải thế nào mới đủ tình yêu thương” (tr.225). Những tội lỗi của kiếp này sẽ là một vết nhơ cho kiếp sau, như thân kiếp của họa sư. Chuỗi tội lỗi ấy cứ dai dẳng nếu con người thiếu sự thức tỉnh. Giây phút chân thành của họa sư cùng con gái (chỉ trên giấy tờ) bên con sông, của cái xác ở bờ sông Đoạn Hà là giây phút giác ngộ, giây phút họ thấu suốt tội lỗi của mình. Cuộc đời là vĩnh hằng, kiếp này làm kiếp sau chịu. Họ không thể hoàn tất mọi thứ tốt đẹp trong một kiếp, vì thế, sự trở lại của nhiều kiếp để giúp họ tự chữa lành, tự điều chỉnh cái quả mà họ tạo ta. Họ sẽ có kiếp sống tốt hơn khi trải qua quá trình tu tập, quá trình đầu thai hóa kiếp. Có thể xem quá trình đầu thai hóa kiếp như một lớp học mà ai ai cũng phải dự phần, vượt lên và rút ra bài học.

          Trong sự kiếm tìm twin flame của Nam Mộc, của nàng Thê, của gã ngạ quỷ Xấu, của lão già Tiểu Ngục,… Võ Thị Xuân Hà còn xây dựng nhiều cuộc giằng co giữa cõi thường hằng và không thường hằng, thực và ảo, sống và chết; trưng ra những đố kị, nhỏ nhen của con người trước quyền lực danh vọng, sự vô cảm trước những giọt máu đang hình thành một hài nhi, thú tính nhục dục đầy tàn bạo,… Đây là vấn nạn nhức nhối trong bất kì hoàn cảnh nào, thời điểm nào. Câu chuyện của nàng Thê và các thân kiếp của nàng, do đó, trở thành câu chuyện, bài học của nhiều người, của nhân loại. Điều mà Đấng linh thiêng đã viết trong bức thư gửi cho loài người: “Đúng hơn là Ta đã nhìn thấy rõ bi kịch của Loài Người, đã có ý lưu giữ nòi giống cho nhân loại, hoặc là có thể con người nghĩ rằng Ta thích chơi trò ú tim, khi chính Ta nặn ra loài người, rồi mỗi kỷ nguyên lại để mặc hoặc là không ngăn chặn được loài người tự hủy diệt nhau. Sau mỗi biến cố, Ta lại phải mặc lòng cho thay thế một biến thể mới, tiến bộ hơn, bác ái hơn, ưa nhìn hơn” (tr.232). Đấng Linh Thiêng nặn ra loài người nhưng ngài không thể điều chỉnh được nhân quả, nghiệp chướng, bởi loài người là đối tượng trực tiếp gây ra. Loài người còn tham sân si thì loài người càng xoay vần theo vòng tròn hóa kiếp. Sau mỗi kiếp, Đấng Linh Thiêng nặn lại loài người để giúp con người nỗ lực, cố gắng đoạn trừ những lỗi lầm mà mình đã gây nên. Thế giới càng vô biên, con người càng mải miết trong cuộc sinh tử bất tận. Cách Võ Thị Xuân Hà mở cánh cửa vô viên của vũ trụ xuất phát từ quan niệm luân hồi của Phật giáo, từ quan niệm linh hồn song sinh, thực chất, đó là quá trình chị muốn loại bỏ gốc rễ vô minh của con người. Và đó cũng chính là giá trị cốt lõi, đầy chất nhân văn của tác phẩm.

          Đọc tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê của Võ Thị Xuân Hà, tôi chợt băn khoăn, tôi đang sống là hiện tại hay quá khứ hay là tương lai? Tôi đang trong hành trình nào của cuộc đời? Kiếp trước hay kiếp sau? Bởi chúng ta chỉ có một linh hồn nhưng chúng ta sống với nhiều kiếp, nhiều thể xác. Ngay cả những loài vật xung quanh tôi, cũng có thể là một thân kiếp đã từng của tôi, bởi sự trìu mến và tình yêu mà tôi dành cho chúng. Linh hồn có nhiều kiếp khác, đời sống khác nữa. Nó bất diệt. Vì thế, trong hành trình đi tìm twin flame, mỗi kiếp sống luôn đem đến những bài học kinh nghiệm: có thể thấy kiếp sau từ cách thế sống, sự hành xử ở kiếp này, không để vết sẹo của kiếp này cho kiếp sau. Đúng như suy ngẫm của nàng Thê: “Mỗi cõi sống, là tôi được thử thách, và qua mỗi thử thách, tôi đã bước qua được một bậc thế, để đến với một cảnh giới cao hơn, trưởng thành hơn” (tr.117).

Nhà văn Lại Văn Long Báo Công an tp HCM:

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà vừa ra mắt tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê (NXB Hội Nhà văn 2022). Nàng Thê – vốn là một “cây sứa đam” ở chòm sao Tiên Tử được đầu thai ở Tiên giới, con vua Thanh Đế, sau đó bị đày xuống trần gian sống các kiếp: công chúa, ni cô, hoàng hậu… kiếp nào Nàng Thê cũng đẹp nhưng chịu nhiều tai ương. Kiếp nào Nàng Thê cũng mơ màng theo tiếng sáo định mệnh với một mối tình xa xăm, nhưng vẫn chưa có cơ duyên để trọn kiếp bên nhau.

Võ Thị Xuân Hà đưa ra một cốt truyện lạ lùng, mới mẻ, cùng những đoạn văn rất hay khi mô tả về hoàn cảnh tâm lý nhân vật. Dưới ngòi bút tài hoa, lãng mạn, Câu chuyện của Nàng Thê hiện ra như cuốn truyện tranh được vẽ công phu đến mức các nhân vật trở nên huyền ảo, thấp thoáng trong màn sương bí ẩn. Từng câu văn rất đẹp, rất sang, làm nên đẳng cấp của tác phẩm này.

Hồi đầu tháng 11.2022, trong cuộc gặp với một số bạn văn tại quán cà phê trên Đường Sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói rằng “ơn trên đã giúp tôi viết nên tiểu thuyết này”…

Đọc hết cuốn sách chị tặng, tôi tin tác giả đã đạt được trạng thái mà người sáng tác nào cũng mơ ước… xuất thần

PHÚC HUY

Ý tưởng của nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

Với CÂU CHUYỆN CỦA NÀNG THÊ tôi muốn đem đến cho bạn đọc hữu duyên hình ảnh một cảnh giới khác.

Có thể đọc xong ai đó sẽ thay đổi cách nhìn nhận về những biến cố trong cuộc đời

Xin được cảm ơn tất cả những ai đã hữu duyên với cuốn Câu chuyện của Nàng Thê, một cuốn tiểu thuyết không đơn thuần là tiểu thuyết.

Cầm Kỳ Official xin được cảm ơn quý vị đã lắng nghe chương trình này.

Trân trọng.