HỒNG NHUNG

Theo đạo Phật, con người có kiếp luân hồi. Những kiếp luân hồi này có nhân quả liên tục từ kiếp này đến kiếp khác. Sự giải cứu khỏi kiếp luân hồi chỉ có thể thực hiện trong kiếp làm người. Nằm trong vòng luân hồi ấy, có CÂU CHUYỆN CỦA NÀNG THÊ, cuốn tiểu thuyết đặc sắc của Nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Trang bìa Câu chuyện của Nàng Thê, tiểu thuyết của nhà văn Võ Thị Xuân Hà

CÂU CHUYỆN CỦA NÀNG THÊ, câu chuyện bắt đầu từ một cây Sứa Đam ở chòm sao Tiên tử thuở sơ khai. Cây Sứa Đam ấy được về Rừng Đại Ngàn. Ở rừng Đại Ngàn, cây sứa đam mọc dưới tán cây Nam Mộc, được cây Nam Mộc (loài cây quý, chỉ được phép dùng làm cột trong cung điện) che chở, bảo vệ. Có một con bướm luôn ghen tị với cây Sứa Đam; Có một con ve sầu trên thân cây Nam Mộc. Sau đó, cây sứa đam được đầu thai ở Tiên Giới, là con vua Thanh Đế.

Con gái vua Thanh Đế lại đem lòng yêu một chàng học trò nghèo đốn củi – người đã chót lỡ chặt một cây nam mộc trong rừng Đại Ngàn. Khi đó nàng công chúa bị vua cha Thanh Đế phạt tội cùng chàng học trò, đẩy xuống trần gian để học những bài học làm người.

Đặc biệt, nàng công chúa về sau “được ưu ái cho nhìn lại những kiếp trước của mình.” – Trích tiểu thuyết.

Câu chuyện của Nàng Thê bắt đầu.

1. Trong một kiếp, Nàng Thê là con gái vua nước Trang. Năm 16 tuổi, nàng gặp được một kẻ bịt mặt – chuyển kiếp của cây Nam Mộc. Vụt qua như một tiếng sét ái tình nhói trong tim làm nàng xiêu lòng. Sau đó, chưa có thêm 1 mối tình nào nàng đã được gả cho Hoàng tử nước Cổ Nộ (chuyển kiếp chàng học trò đốn củi), sinh ra một hoàng tử và bị hãm hại chết. Sau cái chết, nàng nhìn được hết mọi chuyện, biết người hãm hại mình là cô cung nữ nước Lệ – chuyển kiếp của con bướm vẫn luôn ghen tỵ với cây Sứa Đam xưa. Nàng ngạc nhiên, thảng thốt, đau đớn tột cùng nhưng rồi nàng“thốt nhiên bừng tỉnh. Lòng không còn hiu quạnh và căm hờn. Tai không còn nghe tiếng của loài sói tru dài trong những đêm hoang tìm kiếm gian dối và thù hận.

Tôi bay đi, nhẹ như gió, mỏng tang và vô hình vô ảnh.’’

2. Ở một kiếp khác, sau khi được giáng xuống trần gian, Nàng Thê không biết cha mẹ mình là ai, chỉ biết được vị sư chủ trì nhặt về nuôi. Năm 16 tuổi, cô bị một gã gánh củi (Tên lính cai thi hành hình phạt đối với con gái vua Thanh Đế – người vừa nhìn thấy Nàng Thê đã mang lòng yêu nàng nên đã trộm cây sáo, con dao của chàng học trò nghèo rồi trốn xuống trần gian, theo tìm Nàng Thê). Khi tìm thấy nàng, tên lính đã thôi miên và cưỡng hiếp nàng, không may dẫn đến cái chết. Sau cái chết, linh hồn nàng vụt bay lên, nhìn thấy mọi việc, không còn đau đớn, nhơ nhớp, tuyệt vọng.

3. Có một kiếp (phần này tác giả đưa nhiều giai đoạn của các nhân vật), nàng được làm công chúa Ngọc Đảo. Trên con tàu định mệnh, nàng công chúa gặp Bạch Mã Hoàng tử nước Hoa Xuân. Họ có tình cảm với nhau. Tàu gặp tai nạn, một loạt biến cố xảy ra, nàng bị rơi xuống nước, mất trí nhớ, được một anh chài lưới vớt lên từ dưới sông, không một mảnh vải che thân. Nàng không còn nhớ gì và đang cố gắng nhớ từng chút một.

Về sau được nhà vua – chính là Bạch Mã Hoàng tử tìm được về và lập nàng làm Thiên Xuân Hoàng Hậu. Nhưng cuối cùng, nàng đã tự lấy thân mình chắn tên cho chàng Lưới Sông, người từng cứu mạng mình, và rồi chết trên tay nhà vua.

Phải xem hết truyện, ngẫm ngợi, mới thấy duyên nợ của Thiên Xuân Hoàng hậu và Đức Vua Bạch Mã ngắn ngủi, do không phải chính duyên định mệnh.

Còn Lưới Sông, chính là tên lính đã đẩy nàng xuống trần gian, chuyển kiếp là tên gánh củi đã cưỡng hiếp nàng đến chết; Và kiếp này đang tu tập sám hối.

Chặng này, nàng có gặp cây Nam Mộc chuyển kiếp là chàng họa sư. Sau khi Nàng Thê chết, chàng họa sư cũng tự thiêu để được chuyển kiếp cùng nàng

4. Ở kiếp tiếp theo, gần như là một “xuyên không”, Nàng Thê nhập linh hồn vào người mẹ tên Điển – một sinh viên xinh đẹp muốn kiếm tiền đi học bằng cách làm mẫu vẽ tranh cho người ta nhưng một lần kia khi đang làm mẫu thì bị đám xăm trổ đến làm nhục. Nàng Thê không biết cha mình là ai. Trên giấy tờ hợp pháp, cô được sinh ra và lớn lên trong gia đình có mẹ là nàng Điển (cô gái ngây thơ ngày nào giờ đã đứng đầu một ổ gái cao cấp); Bố là chàng họa sỹ (cũng chính là ông già Tiểu Ngục tội lỗi – là nguyên nhân khiến nàng Điển bị bọn xăm trổ làm nhục). Chàng bỏ nhà ra đi vì đã làm cho dì Nương – vợ của cha mình có thai. Chàng cũng là người trong vô thức đã làm cho bao người con gái chết trước ngày cưới, và rồi chàng họa sư rơi vào cơn hoảng loạn, khi thức tỉnh thì đến bến sông Đoạn Hà và tìm gặp lại nàng Điển, nhận đứa con trong bụng là của chàng.

Kiếp này Nàng Thê  lớn lên trong một gia đình như vậy, cái gia đình mà mỗi người có một quá khứ đặc biệt riêng.

Một ngày kia, nàng gặp con trai nàng Nương (nhưng chính là cây Nam Mộc chuyển kiếp) trong quán bar và ở cùng, nói chuyện với chàng một đêm. Nàng thấy gần gũi, thân thuộc, tin cậy, như lẽ đương nhiên…

Câu chuyện của Nàng Thê – Câu chuyện của những kiếp luân hồi của người con gái – người con gái có thể nhìn thấy, có thể nhớ được những kiếp trước của mình bắt đầu từ ngàn ngàn ức ức năm trước. Việc Nàng chuyển kiếp, luân hồi ấy nằm trong ý chí của các Thánh Thiên đế với sứ mệnh từ đấng linh thiêngkết nối những linh thiêng của Thượng Giới ban cho một loài được gọi là Con Người’’ Bởi duyên cớ ấy, đã có một chàng học trò nghèo ở trần giới đã lạc vào rừng Đại Ngàn ở Tiên Giới; thổi sáo và gặp được con gái Đức Vua Thanh Đế rồi hẹn ước với nhau về sau như đã được định trước. Chàng có một con dao đốn củi, khi chàng vung dao đốn gục cây Nam Mộc cũng là lúc vua Thanh Đế phạt nàng công chúa cùng chàng giáng xuống trần gian để học những bài học làm người đồng thời mang theo thông điệp “TÌNH YÊU THƯƠNG”.

Điều bất ngờ ở đây là cây Nam Mộc, một thực vật sống nhưng lại có tình cảm đặc biệt với cây Sứa Đam, nguyện dùng thân mình che chở, bảo vệ cho Sứa Đam. Linh thiêng Nam Mộc đã tự kết duyên với Nàng Thê, không theo ý chí của các Thánh Thiên Đế. Khi nàng bị đày xuống trần gian, chàng đã xin các Thánh Thiên Đế cho mình xuống Trái Đất để tu tập và đi tìm tình yêu “Twin Flame” của mình. Chính vì vậy, linh thiêng Nam Mộc phải chịu đựng những đau khổ, những tranh đấu,… thậm chí là tranh đấu ngay cả với linh hồn phái sinh của mình là cây Nam Mộc thứ hai – mọc lên từ gốc Nam Mộc đã bị chàng học trò nghèo kia chặt.

 Nam Mộc và Nàng Thê trong các kiếp làm người đều chưa từng có kết quả. Nam Mộc luôn luôn tìm kiếm Nàng. Còn Nàng, Nàng cũng luôn cảm thấy mình như thiếu vắng điều gì đó, như muốn tìm kiếm cái gì đó còn thiếu trong mình nhưng mọi thứ mờ mờ ảo ảo như nàng đang đứng trước gương soi ngược khó tỏ tường. Nàng chỉ mơ hồ nhận ra rồi không tỏ được. Nàng chỉ biết rằng, mỗi lần gặp được chuyển kiếp của Nam Mộc đều rất thân thuộc, muốn gần và vô cùng ấm áp. Nam Mộc, trong các kiếp kiếm tìm Nàng Thê thì Luôn bị xếp sau những linh hồn giả mệnh khác. Nhân vật chính này luôn ẩn, không rõ tung tích. Đồng thời ”Chỉ 3 lần xuất hiện: Trải kiếp lần thứ nhất là kẻ bịt mặt đã chạm tay vào gót chân công chúa nước Trang. Lần thứ hai, là họa sư vẽ Thiên Xuân Hoàng Hậu. Khi Thiên Xuân Hoàng Hậu bị trúng mũi tên chết, thì lập tức cũng tự thiêu, để có thể cùng đầu thai. Lần thứ ba, là chàng trai con người họa sư tội lỗi”. Lý do làm cho Nam Mộc mờ nhạt như vậy là vì sự cản trở từ chính linh hồn phái sinhc ủa mình chăng? Có lẽ, chàng chỉ có thể rõ ràng và gần được nàng khi linh hồn thứ hai của chàng lớn lên, trường thành và hợp nhất với gốc Nam Mộc đã bị đốn trước đó. Cuối cùng, Nam Mộc đã được thức tỉnh. Nam Mộc đến trái đất mang năng lượng tình yêu thương đến và được trải qua muôn vàn thử thách để thực sự biết thế nào là tình yêu thương từ loài người trong những quá trình sống. 

Đọc Câu chuyện của Nàng Thê, bạn đọc cũng sẽ thấy không gian, thời gian không còn là quan trọng. Tất cả các nhân vật, con người, sự việc đều có mắt xích logic với nhau từ ngàn vạn năm. Mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó. Thời gian và không gian không phải là yếu tố trọng yếu nhưng điều quan trọng ấy là ý thức của con người đang dần được đánh thức, được thức tỉnh và trưởng thành. Tiền bạc, vật chất, hư danh, chức vị,… đều không quan trọng, không có sự tranh đấu, tham lam trong ý thức của chàng và nàng mà chỉ có tình yêu thương còn lại. Trong mọi kiếp sống, Nàng Thê như là đang trong kiếp sống, lại như là đang đứng nhìn mọi kiếp sống của mình. Đã không còn đau khổ, tang thương; đã qua đi mọi sự. Cuối cùng mọi sự xảy đến với Nàng như thử thách, như giúp đỡ nàng để trở nên là Nàng Thê của hôm nay. Một Nàng Thê:

Không quan tâm sinh tử.

Ngàn năm ngắm hồng trần thịnh suy.

Ngàn năm lãng du.

Vạn kiếp kiếm tìm.

“Sứ mệnh của con không phải tìm nơi tràn đầy ánh sáng để trú ngụ. Con phải gánh vác nơi tăm tối, bần hàn, để làm sáng rỡ nơi đó…”

Trích tiểu thuyết

Câu chuyện của Nàng Thê, mọi chuyện dường như sáng tỏ, dường như mờ ảo. Nàng đã học và trải qua nhiều kiếp sống với sự trưởng thành về ý thức. Liệu rằng Nàng Thê sẽ phải trải qua những kiếp sống nào nữa? Cần huấn luyện điều gì nữa để hoàn thành nhiệm vụ của mình? Rồi cuối cùng Nàng và Nam Mộc sẽ như thế nào? Mời quý vị và các bạn hãy đọc CÂU CHUYỆN CỦA NÀNG THÊ và chờ đợi phần tiếp theo như Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã định liệu trước.