Thường thì sau khi lao tâm khổ tứ làm xong một bài thơ, tác giả tiếc xót công sức của mình nên bỏ đi chữ nào, câu nào, đoạn nào cũng tiếc. Vì vậy, nhiều lúc, trong một bài thơ có những chỗ thừa; so sánh một cách nôm na thì chúng cũng như chỗ ruột thừa trong cơ thể con người vậy. Biết vứt bỏ những chỗ ấy một cách không thương tiếc, làm cho bài thơ cô đọng, súc tích và hay hơn, có ấn tượng mạnh hơn với người đọc, là một nghệ thuật mà không phải nhà thơ nào cũng làm được.
Theo tôi, trong thơ Việt Nam hiện đại, có hai người đặc biệt giỏi về việc này: Tố Hữu (1920 – 2002) và Nguyễn Bính (1918 – 1966).
Hai nhà thơ nói trên cho thấy họ ý thức rất rõ về việc sửa chữa, chỉnh lý, lược bỏ rất nhiều những chữ, những câu, những đoạn thừa; và dường như đều làm thơ mình hay hơn hẳn, so với bản viết (hay in) lần đầu.
Xin hãy xem trường hợp Tố Hữu với bài “Lên Tây Bắc”. Bài này, nhà thơ viết năm 1948. Tôi chép lại đây hai bản:
a) Bản đầu in ở Tạp chí “Văn nghệ” số Mùa xuân năm 1949, tại Việt Bắc.
b) Bản sau in trong “Tố Hữu, tuyển tập thơ”, Nhà xuất bản Văn học, 1998.
Xin lưu ý: những chữ in đậm trong bản đầu là những chữ tác giả đã lược bỏ (hoặc sửa lại) so với bản in sau. So sánh hai bản, ta sẽ thấy rất rõ chúng khác nhau thế nào về chất lượng.
LÊN TÂY BẮC
Tặng bộ đội Sơn La
Các anh đi trước, tôi đi sau
Cũng lá che lưng, lá lợp đầu,
Bỡ ngỡ anh trông người lính lạ
Theo anh không biết để đi đâu…
Sáng nay ra trận lên Tây Bắc,
Hai đứa ta cùng đi đánh giặc,
Tay anh cắp súng vai đeo dao,
Tôi có gì đâu, chỉ cái xắc.
Tôi đi như đứa trẻ thơ ngây
Được mẹ cho theo dự cỗ đầy,
Của chúng ta đây, rừng bát ngát,
Trời Tây Bắc của chúng ta đây!
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng chồm lên đỉnh dốc cheo leo,
Núi không đè nổi vai vươn tới,
Đá cắt chân tê, trèo cứ trèo.
Quê hương anh đó, gió sương mù
Và rú rừng đây của chiến khu,
Súng đã cầm tay thay cán cuốc
Máu tươi gieo để giống muôn mùa.
Anh đi tìm giặc, tôi tìm anh
Người lính trường chinh dáng mỏng manh
Trăm trận bừng lên đồng lúa chín
Lửa vui mường mới nứa tre xanh.
Po Tào, Mường Khủa, Mường Tranh
Mường La, Hát Lót, chân anh đã từng
Anh về, cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân
Anh về, sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca
Nhưng rồi khói từ xa gió thổi
Núi kêu anh bộ đội lên đường…
Lại những ngày đi, vắt với sương,
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Đêm mưa rình giặc, tai thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương
Ai biết trưa nay giữa bụi bờ
Anh nằm sưởi nắng, mắt lơ mơ,
Tôi ngồi không ngủ nghe anh thở
Khe khẽ lòng ngâm lên tiếng thơ,
Anh của tôi nghe há miệng cười:
“Ồ thơ thú đấy, chép cho tôi!
Bao giờ xong hết Sơn La nhé,
Anh lại nhà em ít bữa chơi!”
1948
LÊN TÂY BẮC
Sáng nay ra trận lên Tây Bắc
Hai đứa ta cùng đi đánh giặc
Tay dao, tay súng gạo đầy bao
Chân cứng đạp rừng gai đá sắc
Rất đẹp, hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo…
Quê hương anh đó: gió sương mù
Và rú rừng đây của chiến khu
Cỏ ngập đồng khô mờ lối cũ
Tan hoang làng cháy khói căm thù
Anh đi tìm giặc, tôi tìm anh
Người lính trường chinh áo mỏng manh
Mỗi bước, vàng theo đồng lúa chín
Lửa vui từng mái nứa tươi xanh
Po Tào, Mường Khủa, Mường Tranh
Mường La, Hát Lót, chân anh đã từng
Anh về, cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân.
Anh về, sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca…
Nhưng rồi khói từ xa gió thổi
Núi kêu anh bộ đội lên đường
Lại những ngày đi, vắt với sương
Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương
Đêm mưa rình giặc, tại thao thức
Mùa lại mùa qua, rét nhức xương.
Ai biết trưa nay giữa bụi bờ
Anh nằm sưởi nắng mắt lơ mơ
Tôi ngồi, không ngủ, nghe anh thở
Khe khẽ lòng ngâm lên tiếng thơ…
1948
Lại xem trường hợp Nguyễn Bính. Khi tuyển chọn thơ mình viết trước Cách mạng đưa vào tập “Nước giếng thơi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1957) nhà thơ đã có một loạt lược bỏ, chỉnh lý rất đắc địa và lý thú.
Chẳng hạn, bài “Mưa xuân” (mở đầu bằng câu “Em là con gái trong khu cửi”) vừa mơ mộng vừa buồn, được bỏ hẳn những câu quá “thật thà” trong đoạn kết, nói về nỗi thất vọng của cô gái sau khi đi hội chèo, không gặp được chàng trai:
Em giận hờn anh cho đến sáng
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì
“Thưa u họ hát…” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.
Ở bài “Viếng hồn trinh nữ”, bài thơ dừng ở hai câu này, tạo một ấn tượng rất mạnh:
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối
Bàn tay lại nắm phải bàn tay…
Chính là vì nhà thơ lược bỏ đến tám câu in trong tập “Lỡ bước sang ngang” (đã nối vào hai câu trên làm bài thơ loãng hẳn):
Chỉ một vài năm nữa, thế rồi
(Người ta thương nhớ có ngần thôi)
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng như kể chuyện vui
Tôi với nàng đây không biết nhau
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
“Mới hay tự cổ bao người đẹp
Chẳng hẹn trần gian đến bạc đầu”
Việc loại bỏ tương tự, có khi đã bớt được những câu vừa không hay vừa ít ăn nhập với bài thơ, thậm chí là vô duyên như mấy câu này ở cuối bài “Giấc mơ anh lái đò” (sau câu “Có người giả chín quan tiền lại thôi”):
Buông sào cho nước sông trôi
Bãi đay loáng thoáng, tôi ngồi tôi mơ…
Có người con gái đang tơ
Vẫy tay ý muốn sang nhờ bãi đay.
Sao cô không gọi sáng ngày?
Giờ thuyền tôi đã chở đầy thuyền mơ.
Con sông nó có hai bờ,
Tôi chưa đỗ Trạng, thôi cô lại nhà!
Hay trong bài “Những bóng người trên sân ga”, dừng tại câu “Buồn ở đâu hơn ở chốn này”, bỏ mấy câu tiếp đó:
Tôi đã từng chờ những chuyến xe,
Đã từng đưa đón kẻ đi về.
Sao nhà ga ấy, sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?
Lại như bỏ mấy câu này ở cuối bài “Truyện cổ tích” (sau câu “Chồng hóa làm anh, vợ hóa em”):
Dạy rằng: “Kiếp trước đà chung chạ
Thì kiếp này đây lại lấy nhau”
Bà đứng ngay lên làm phép cưới;
Nhập phòng: chú rể hôn cô dâu…
Hiện tượng nói trên cũng thấy ở nhiều chỗ khác: trong bài “Đợi áo” (bỏ hai câu), “Tình tôi” hay “Oan uổng” (bỏ hai câu), “Chờ” (bỏ hai câu). Rồi “Giời mưa ở Huế”, “Xuân tha hương” nhiều câu, v.v…