Phóng sự. HOÀNG DUY NGUYÊN

Từ thượng cổ đến giờ, cả dải đất Việt Nam, vùng địa đầu biên tái Cao Bằng là một trong số rất ít các địa phương được vinh danh với cụm mĩ từ đầy kiêu hãnh: “Non nước Cao Bằng”. Sơn thủy hữu tình, thác cao động hiểm, vẻ mĩ miều hoang sơ vẫn được bảo toàn đến tận bây giờ. Du lãm Cao Bằng, người ta như thấy được từng bước đi kiều diễm của trời đất từ thuở tạo sơn, khi núi trồi lên, sụt xuống, sông sâu thác cao xuất hiện, núi thủng động đá kì khôi xuất hiện như một cơn mơ thú vị nhất. Nếu thật sự có ông Đùng bà Đoàng ngồi nặn vỏ trái đất ra những hình thù tuyệt đẹp ban phát cho các điệu hồn lãng mạn của nhân gian, thì phải nói rằng: “Các cụ” rất là ưu ái với non nước Cao Bằng.

Bên cạnh miền đá bất tận cao nguyên Đồng Văn – Hà Giang, năm 2016, người Việt Nam đã kịp lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng để trình quốc tế công nhận.

Đây thác Bản Giốc. Con thác huyền thoại nổi tiếng không chỉ ở Cao Bằng, không chỉ ở Việt Nam. Đó là một bước đi hữu tình và lơ đễnh để rồi đầy thi vị của vỏ trái đất. Sông Quây Sơn lạ lùng, đến giờ, chắc chắn vẫn đang nuôi dưỡng khát vọng làm một kí sự ra trò của những người làm báo Việt Nam. Sông nhỏ, xanh lơ, trong vắt, tre pheo lún phún, hoa tam giác mạch như sương khói đôi bờ. Cây cổ thụ sà xuống sát mép nước. Các cọn nước to như gian nhà, phủ đầy rêu mốc cứ nối tiếp nhau quay như đàn quái thú đến từ thuở hồng hoang. Những bến nước Tày êm đềm hoa cỏ, lại thêm bắp chân trần trắng nõn của sơn nữ áo chàm dầm nước giặt khăn, cứ như đang lí lơi vẫy lá gọi lũ cá trầm hương. Loài cá nhỏ, như được trời đất ướp sẵn đủ thứ thảo dược đáy sông ở trong bụng chúng rồi vậy. Thế nên, nó có tên thơm ngát là trầm hương ngư, nên nó là loài cá tiến Vua danh tiếng. Cá trầm hương bây giờ vẫn còn khá nhiều. Các loài cá nheo, cá “nguyên sinh” của bụng nước trong vắt luồn lỏi giữa núi rừng hoang dại Quây Sơn vẫn còn nhiều lắm. Người Tày ở Ngọc Côn, Ngọc Khuê, Thông Huề ngồi mỏm đá thả câu một buổi chiều đã được vài chậu thau. Bạn bè tôi chơi flycam (camera bay ghi hình từ trên cao) tràn ngập hứng khởi. Hắn “bay” trên bầu trời biên ải Trùng Khánh, quay những thước phim như trong cổ tích về sông Quây Sơn, núi lượn sóng trải dài vô tận, nếp nhà sàn lợp ngói âm dương ềm ệp trong nắng sớm tinh khôi và thác Bản Giốc như từ trời xanh xổ mái tóc dày trắng khổng lồ xuống nhân gian. Thác Bản Giốc ra đời do nhiều triệu năm trước, đáy sông đầy đá lớn của dòng nước thắm Quây Sơn bị đột ngột sụt xuống, “cốt nền” bị (được) ụp một cái giảm độ cao hẳn 35m. Nước vòi vọi gầm rú rót xuống, cộng với các độ chênh bụng sông và đứt gãy địa chất khác nữa, tính ra từ chân thác đến đỉnh thác khoảng 70m. Chiều rộng của thác chính và thác phụ lên tới  208m. Đặc biệt, giữa đỉnh thác lại có một khối đá lớn muôn đời phủ rêu, cỏ và cây cối lúp súp. Nhiều người ưa mạo hiểm hay ngồi ở triền đá xanh nhô giữa biển nước trắng toát gào réo đó mà thả câu dọc cả ba tầng con thác giữ nhiều kỉ lục Việt Nam. Được trời đất nâng lên sụp xuống chia thành các nhánh, với ba tầng “áng tóc trữ tình” của một kì quan, thác Bản Giốc được loài người tôn vinh là con thác biên thùy lớn thứ tư trên thế giới.

Bên cạnh những điểm đến vang danh thiên hạ đã nhiều đời, Cao Bằng còn nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn trời ban mà không phải ai cũng có cơ hội để mắt tới. Ví như Đền thờ Vua Lê và khu vực thành Nà Lữ ở huyện Hòa An. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lời sấm truyền khét tiếng được sử sách lưu truyền về đủ thứ chuyện ở nước Nam thì ai cũng biết cả. Song, lạ lùng nhất phải kể đến câu: “Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế” – đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng cũng có thể giúp Vua tôi nhà Mạc duy trì quyền lực của mình đến vài đời. Thật khó lí giải, thế kỉ XVI, nhà Mạc đã theo lời của quân sư danh tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay cả khi mất quyền lực ở kinh đô Thăng Long, vẫn xây thành lũy khắp các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng để rồi “trụ” với đủ cung điện, xưởng chế tác vũ khí, chiêu binh mãi mã, củng cố “vương quyền” được (thêm) những tám hai năm nữa ở tại Cao Bằng. Tám hai năm có thể ngắn với nghìn năm lịch sử, nhưng quá dài đối với một vài kiếp người. Lịch sử Việt Nam hình như chưa có triều đình nào kì lạ với vùng đất “tuy tiểu” mà “khả diên sổ thế” như vậy! Người ta bảo, cụ Trạng Trình trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, ngài thấy rõ cái thế đất lành hình chữ “Vương” ở thành Nà Lữ, thấy núi non Cao Bằng vượng khí mà nhân hòa vật thịnh. Các nhà khoa học thì nói cụ thể hơn: hệ thống đồn lũy, các công sự trấn thủ của nhà Mạc quây kín nhiều xã phía Tây thành phố Cao Bằng hiện nay vẫn còn đó. Rõ ràng, nhà Mạc “vững âu vàng” được là nhờ vỏ trái đất tạo tác ra các thế đất hiểm chờ người biết nhìn xa trông rộng để mưu đồ đại nghiệp: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Bây giờ, khách lãng du đến thành Nà Lữ được khởi xây bằng đất từ đời nhà Đường, hơn một nghìn năm qua, bao nhiêu dâu bể tràn qua, nhiều dấu tích của các công trình (sau này gia cố bằng đá và các thân gỗ nghiến nghìn năm tuổi cứng như thép) vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Cây đa có cành nhánh hình con hươu cao cổ. Cả khu rừng đạn đá, nhiều vạn viên tròn xoe sử dụng cho máy bắn đá, súng thần công vẫn còn ẩn tàng trong lòng các rông núi, vẫn trở thành nền cốt cho cư dân xây dựng nhà cửa. Viện Khảo cổ học Việt Nam đã lên thành Nà Lữ khai quật, PGS.TS Trình Năng Chung kết luận về hỏa khí mạnh, vũ khí tinh nhuệ của nhà Mạc qua các di vật mà giới khoa học Việt Nam đang lưu giữ. Chỉ một hố khai quật rộng hơn 3m2, Viện Khảo cổ đã có hơn 500 viên đạn đá được tìm thấy, bên cạnh là đạn sắt và ngói âm dương. Bà Ngô Cẩm Châu, Phó Giám đốc Bảo tàng Cao Bằng tự hào giới thiệu với nhà báo kho đạn đá lớn nhất Việt Nam mà họ đang lưu giữ: hơn 3.000 viên! Vừa rồi, ở khu vực Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ (tỉnh Thanh Hóa), người ta đào được khoảng 100 viên đạn đá mà giới báo chí và những người yêu chuyện xưa đã xôn xao đưa tin rồi phân tích. Chứ nếu lên các rông núi ken dày, phủ kín, tầng tầng lớp lớp đạn đá được tạo tác cầu kì, tròn xoe, đủ kích cỡ (mà ngẫu hứng lúc nào bạn cũng có thể mang về cả thùng xe tải làm kỉ niệm – tất nhiên, chúng tôi không khuyến khích điều này), thì chắc chắn ai cũng phải ngạc nhiên thảng thốt.

Công viên địa chất toàn cầu (ĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang của Việt Nam rất lạ và đẹp. Nhưng cái riêng có của Công viên ĐCTC Non nước Cao Bằng khi được vinh danh, lại là sự phong phú thể loại thắng cảnh, sự kì bí hữu tình kiểu “non kì thủy tú”. Cao nguyên Đồng Văn quá khắc nghiệt và chỉ miên man toàn đá, kì vĩ rợn ngợp. Ở Non nước Cao Bằng, có vùng Lục Khu cũng đá tai mèo phún sắc mênh mông, y xì phóc một kiểu địa hình, một dải đá khát xám ngoét, nó là sự kéo dài của chính địa hình địa mạo cao nguyên Đồng Văn Mèo Vạc. Vậy thăm xong một Công viên ĐCTC Đồng Văn Hà Giang ngay tại Lục Khu xong, bạn vẫn được thiên nhiên Cao Bằng nồng thắm đón chào với đủ loại hình khác nữa. Có thác lớn, sông êm đềm, có hệ thống hang động kì thú, có các đỉnh núi rừng thường xanh với rêu vàng băng tuyết phủ trong mùa đông như đỉnh Phia Oắc và bình nguyên Phia Đén. Phia Oắc cao hơn hai nghìn mét, là nóc nhà của miền Đông Bắc Việt Nam. Phia Đén lạ lùng với các đỉnh cao phát ra ánh sáng lân tinh vào ban đêm, do côn trùng và do các loại khoáng sản quý trong lòng đá, vì thế nên bà con tin, đỉnh núi hình rồng ở nơi cao nhất quê mình luôn thao thức, đôi mắt rồng tỏa sáng trong đêm trường. Nhân thế mới đặt tên là Núi Đèn, theo tiếng bản địa là Phia Đén. Động Ngườm Ngao nổi tiếng đã nhiều thập niên. Vừa rồi, động Ngườm Pục ở Thạch An cũng đang là một hiện tượng “xôn xao”. Đài PTTH Cao Bằng vừa phát sóng vài hình ảnh “độc nhất vô nhị”, du khách đã sững sờ kéo đến, đông tới mức UBND tỉnh phải ra lệnh tạm đóng cửa hang. Vì động lớn hoang sơ, cơ sở vật chất chưa đủ để đón lượng du khách lớn, khách ham khám phá quá có thể gây nguy hiểm. Và cũng có nguy cơ, kẻ xấu vẽ bậy hoặc đẵn măng đá khênh ngắm nghía.

Kì quan núi thủng Phja Piot ở Trà Lĩnh, Cao Bằng – Ảnh: Duy Nguyên
Đặc biệt, Cao Bằng có những dòng sông ngầm hút nước tưởng như dài vô tận. Lòng đất mẹ bí ẩn dưới chân các ngọn núi cao vòi muôn hình vạn trạng là một thế giới mà nhân loại còn phải phấn đấu nhiều để có thể khám phá hết. Ở xã Hồng Quang, huyện Quảng Uyên, bà con ai cũng biết “phép màu” ma thuật ở một “Mó nước hiểu tiếng người”. Bà con người Nùng, từ Bí thư Đảng ủy xã đến Chủ tịch UBND xã, từ các vị cao niên đến đứa trẻ 5 tuổi, đều biết đến mó (mỏ, hang, giếng) nước Giằng Phặt. Bà con cứ dắt trâu qua cần phải cho đầu cơ nghiệp giải khát khi cày đồng đang buổi ban trưa, hay cầm xô chậu xuống gánh nước tưới rau màu thì chỉ cần gọi “tí Xằm, tí Sỏi, tí Mỏi; Giằng Phặt sặc sìn, vớ!” là y như rằng nước dâng lên ào ạt. Có khi, nước đang lấp ló trong lòng hang, sau tiếng gọi lí lơi vui nhộn là nước ào ào ùn ùn xuất hiện, rồi cả ăm ắp nước đẩy nhau bò ra ùng ục. Chúng tôi đã nhiều lần mời các nhà khoa học của Viện Địa chất lên cắm cọc, dùng máy quay đặt yên một chỗ để làm thí nghiệm. Lần nào “đọc thần chú” nước cũng ra. Tí, theo tiếng Nùng là cô, cô Xằm, cô Sỏi, cô Mỏi ơi. Đem nước ra đi, lấp cửa hang đi, chúng nó vào ăn trộm vàng ở Giằng Phặt đó. Bài “thần chú” dài, đại ý thế. Bà con đều tin vào một câu chuyện cổ tích. Dưới hang sâu không có đáy, bà con từng dòng dây thừng lớn, đeo đèn pin khám phá mà chưa bao giờ thấy đáy. Kẻ đào trộm vàng cũng bê bết bùn đất tìm kho báu mà chưa bao giờ đụng được vào nơi trời đất để “két sắt”. Xưa, có một người giàu vô cùng nhiều của nả. Họ đã giết rồi trấn yểm ba cô trinh nữ tên Xằm, Sỏi và Mỏi ở đó. Các cô không cho ai vào hang, bằng một cái võ duy nhất: Dâng nước lấp cửa hang. Có gã còn muốn trả tiền cho bà con xã Hồng Quang, thuê máy múc về đào tung khu “mó nước hiểu tiếng người” lên để tìm kho báu, nếu thấy thì cưa đôi.

Thật ra thì lòng tham làm mờ mắt kẻ lái máy múc tìm vàng. Còn sự lãng mạn tồn tại nghìn năm qua ở xóm Nùng vùng Quảng Uyên đã giúp bà con có một cuộc sống viên mãn, tràn ngập niềm vui, điều đó đã quý giá hơn mọi thứ vàng bạc tưởng tượng kia. Không biết câu chuyện đến từ bao giờ và ai đã xây dựng nên. Nhưng có một điều chắc chắn, nó đã ngấm vào huyết quản bà con. Họ cứ gọi nước ra, để mình uống nước nguồn trong vắt và ngọt lịm, để trâu uống cày đồng cho tốt, để rau và hoa màu được tưới tắm xanh tươi. Và hãy cứ để người ta mơ màng chiêm bái một sự lạ của hang hốc trong lòng quả đất bí ẩn. Viện Địa chất và các chuyên gia của Trường Đại học Mỏ – Địa chất (Hà Nội) đã kết luận: Trong núi có các hang ngầm, hang này tồn tại các túi khí mà quốc tế gọi là “bẫy không khí”. Nước ngầm đã được một sự màu nhiệm nào đó của bàn tay tạo hóa đưa vào trạng thái gần như cân bằng giữa hai “bình” khổng lồ bằng đá vôi thông nhau. Theo nguyên tắc bình thông nhau, thì bên nào nước đầy sẽ chảy sang bên nước vơi. Khi có âm thanh đủ lớn, bẫy không khí sẽ hoạt động, âm thanh tác động vào các hang ngầm rỗng, tạo nên một áp lực xô nhẹ nước ở bình A, đẩy nó sang bình B, khiến nước ào ra cửa hang, dâng lên cao. Chúng tôi cắm cọc và quay phim liền một “đúp” hình. Gọi là nước ra, một lúc âm thanh hết xao động là nước rút dần và chờ lần bị gọi khác. Không cứ phải gọi cô Xằm, cô Sỏi và cô Mỏi, mà chỉ cần gào lên với âm thanh đủ lớn, thì nước cũng ra. Lúc gió về, gió thốc vào sườn non, gió lùa qua các bờ đá xanh rì lún phún rêu rồi vào hang Giằng Phặt, nước cũng ra. Cũng có khi, ngẫu hứng, theo chu kì nào đó (có thể là do gió thống từ đỉnh núi Mặt Quỷ bên cạnh, theo hang động rồi xuống hang ngầm) nước cũng ra rồi lại rút vào. Bà con bản xứ quan sát và tưởng tượng ra một câu chuyện đẹp hơn cổ tích. Chính là họ đã không biết rằng họ đang ca ngợi chính vẻ đẹp của vỏ trái đất quê mình.

Lạ kì không kém, “hút” mọi ánh nhìn và các góc máy ghi hình không kém, là kì quan Núi Thủng ở bản Nặm Trá, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Cả thế giới nghiêng mình trước vẻ đẹp của Thiên Môn Động, cái động ngẩng lên giời, như cái cửa đi vào cõi Thượng Giới ở vùng sơn cước diễm tình Trương Gia Giới và Viên Gia Giới (tỉnh Hồ Nam). Mây đùn từ cửa Động Lên Trời với từng đùm từng túm miên man cuồn cuộn. Tôi từng đến đó, đi qua 99 khúc cua như sợi dây chão trắng vắt mơ màng giữa rừng xanh núi lớn. Theo định kì hằng năm, những người mê chinh phục bầu trời trên thế gian vẫn tụ hội với nhau tại đó, tổ chức cuộc thi trần đời có một: Lái trực thăng xuyên qua Thiên Môn Động. Người ta đóng phim Avatar rồi dựng tượng những con thú kì quái từng hút hồn những người mê điện ảnh thứ bảy ở trên các vách đá cao, nhìn xuống các khu cầu bằng kính trong suốt ngoài mép vực nghìn mét sâu. Rồi người ta đi, bò, nằm lổm ngổm, run rẩy khóc lóc khi bỏ bao nhiêu tiền để trải nghiệm cảm giác phiêu du trên cây cầu trong suốt chơi vơi trong mây mù sẩy chân là sẩy mạng ấy. Kỉ lục thế giới liên tiếp được lập để thu bộn tiền từ du khách. Cầu thang bằng kính thẳng đứng cao nhất thế giới, cầu kính cao, to và dài nhất thế giới. Các rừng đá tự nhiên chất ngất, các loài cây ôn đới trùm xòa, các bức tượng bị gọt đẽo bởi phong hóa muôn nghìn vạn trạng. Tôi đã nghĩ đến Thiên Môn Động, khi đi bộ nửa ngày đường để có mặt ở Núi Thủng – Phia Piót.

Giữa một vùng trời nước bao la. Núi Thủng soi bóng xuống một con hồ nửa năm nước xanh leo lẻo, trong như  pha lê; nửa năm đáy hồ trở thành một bình nguyên uốn lượn, cỏ mượt xanh miên man, cỏ xanh non tơ mời gọi lũ bò, ngựa, trâu được bà con người Tày, Nùng thả bán hoang dã trong các khe núi về. Rồi vẻ đẹp hồng hoang đó thu hút cả cư dân phượt khắp Việt Nam và thế giới. Họ kéo đến, đắm đuối, đặt tên khu không gian cỏ mượt uốn lượn mênh mông, núi Thủng toang hoác một cái lỗ đường kính 50m, gia súc lớn thung thăng chơi đùa đó là Tuyệt Tình Cốc xứ Cao Bằng. Đẹp đến như mĩ từ thời mạng mẽo “Tuyệt Tình Cốc”, thì khỏi cần phải mô tả thêm câu nào nữa. Một ngọn núi cao vời, ai đã xuyên một hang rộng 50m thủng như dùi lỗ đồng xu thế nhỉ? Chỉ có ông Trời mới làm được, mà chỉ làm được từ nhiều triệu năm trước, cả Việt Nam chỉ làm ở đúng chỗ này.

Lại một bước đi diễm tình của vỏ trái đất. Nếu chịu nghe thiên nhiên lên tiếng, bạn sẽ thấy, đứng ở mỗi phía, Núi Thủng mang một hình dáng khác nhau. Khi làm công viên ĐCTC Non nước Cao Bằng, các chuyên gia quốc tế đặt Núi Thủng là Mountain Angel Eye, đôi mắt đẹp của thần núi linh thiêng và bí ẩn. Góc nhìn khác, nó ngoác ra kiêu dũng như bộ hàm cá mập lởm chởm răng (do nhũ đá rủ từ trên cao xuống cửa hang tròn). Cỏ cây bít mất một phần lớn diện tích hang thiên tạo kì ảo này. Hiện nay, ngoài việc ngắm từ xa, hầu như chưa có ai khám phá lòng hang, cũng chưa có một dịch vụ nào cho việc thăm ngắm núi và các hồ cỏ mượt, các ao tròn nước trong xanh của hệ thống liên thông ba mươi sáu con hồ Thang Hen. Không một xe cơ giới nào vào được. Đến cả một con đường đi bộ theo đúng nghĩa cũng chưa có. Thật đáng tiếc, thật phí hoài thắng cảnh.

Nhưng, sẽ là đáng tiếc hơn, nếu như các “phượt thủ” chỉ đến ngắm, chụp ảnh tự sướng, hú hí ăn chơi trên cỏ mượt, ơ hờ nhìn cái lỗ thủng khổng lồ thiên tạo rồi ra về. Mà họ cần hiểu và tri ân vỏ quả đất với sự ảo diệu, với các lí lẽ thú vị của nó. Ví như, Núi Thủng có tên là Phja Piót, chiết tự theo tiếng Tày Nùng bản xứ nghĩa là Núi bị thủng một lỗ. Bà con tin rằng, vị thần cai quản núi non sông hồ vùng biên ải này đã cưỡi một con ngựa khổng lồ bay trên mây, đạp chân vào các đỉnh núi cao nhất. Khi vèo qua đèo Mã Phục huyền thoại. Đến khu vực liên thông ba mươi sáu con hồ Thang Hen sâu vô tận của Trà Lĩnh, ngựa hí vang tung vó đá thủng một lỗ ở dãy núi thuộc bản Nặm Trá cổ xưa. Những nếp nhà ngói âm dương nâu xám rung lên trong gió lạnh. Những vết chân ngựa thần tạo thành ba mươi sáu con hồ thiêng, với số ba mươi sáu định mệnh của đạo pháp âm dương ngũ hành. Giờ đây, đúng như tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia Đức, Pháp và Việt Nam, hệ thống hồ Thang Hen liên thông nhau dưới lòng đất rất kì lạ. Mùa đến, trời không mưa, nhưng tự dưng nước từ âm ti địa ngục tràn lên, ba mươi sáu con hồ gào réo đầy ự nước trong một vài tiếng. Sông ngầm đáy hồ, các vết trượt và cửa hiện cửa biến của nước thoắt chạy thắt đứng như một ván bài bí hiểm mà người chơi là các vị thiên thần “cao tay ấn”. Đến một ngày đẹp trời, nước lại ùng ục như bị đun sôi. Trong ít giờ, lần lượt, đều đặn, ba mươi lăm con hồ cạn gần như trơ đáy, các loài thủy sản nằm giãy đành đạch. Bà con được dịp đi kiếm cá đông như hội. Chỉ con hồ thứ ba mươi sáu, nước vẫn còn lưng lửng trong xanh, soi mình bên dáng hồ là núi Quân Tử lơ đễnh điệp điệp cây cổ thụ gân guốc kiên cường sinh tồn trên đá xám. Các hiện tượng thiên nhiên riêng có ở Cao Bằng này đã được giới khoa học ghi nhận như một trò chơi ú tim thách thức hiểu biết của loài người, mà Thượng Đế đã bày ra từ nhiều triệu năm trước.

Đến Cao Bằng, mỗi bước chân mỗi huyền thoại, người ta chỉ ngồi im và mở mắt mình ra nhìn thôi, vẻ đẹp đã đủ ám ảnh rồi. Nhưng, cái cần hơn là: Hãy biết lắng lòng lại, cần tinh tế và đủ mơ màng để hiểu được từng bước đi nhiệm màu của tạo hóa. Những bức thông điệp từ nhiều triệu năm trước, vẫn còn phong kín hoặc đang phủ rêu xanh rêu vàng của vỏ trái đất gửi đến mỗi chúng ta kia, để mở và hiểu được chúng, đôi khi bạn chỉ cần biết qua những sơn kì thủy tú của đất nước ông bà mình bằng thái độ tri ân và những xúc cảm chân thành…

H.D.N
Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version