Rất nhiều người nói đến Cao Bá Quát từ vua quan, sĩ tử cho đến bần dân thiên hạ. Từ trong cuộc đời đang sống của thi nhân cho tới cái chết của người gần hai thế kỷ qua. Ngay cả câu nói ”bồ chữ” là phản ảnh lòng tự hào vốn đã có trong con người ngạo mạn. Phải chăng đó là âm vang của thiên tài sinh ra để ngạo? Ngạo để biếm đời, ngạo để khinh thường hay ngạo để nói lên lòng kiêu hãnh; vì nỗi tuyệt vọng mà sinh ra miệt thị đời; chẳng qua ức mà sinh ra ngạo – to be contemptuos/ méprisant/ non-comparution – Chân tình mà nhận ra rằng: ngạo mạn là hào phóng của con người bất cần, bất-khả-tư-nghị để giải thoát một chân như hiện hữu – éclaircie de l’être/to be enlightened. Đó là cái gì khác biệt cho một cái nhìn khác biệt về Cao Bá Quát; chính sự cớ đó đã đưa tới cách ly, có thể không còn hiển hiện mà đành chấp nhận sự căng phồng, bôi bác, chà đạp, hủy bỏ – La différence va si loin que de son fait la possibilité de connaitre ce qu’elle sépare est éteinte, abolie (Andre Préau).
Từ đó Cao tiên sinh trở nên hiện tượng, một hiện tượng siêu lý mà ít ai có giữa cõi đời này. Trong từng tiếng nói hay trong từng lời thơ phản phất một chất liệu phản kháng; giữa hai bề mặt xã hội và con người:
Trời nắng chang chang người trói người
Nước trong veo vẻo cá đớp cá.
Lời thơ không có gì là bác học, không có gì là hàm chứa mà cả một tập trung của sự thật, sự thật đau đớn phải gánh chịu của thân phận, cảnh tỉnh qua một phản kháng khác. Đó là triết lý nhân bản, một lý thuyết nói lên giá trị của con người, một giá trị gắn liền giữa ý niệm và tư tưởng: tình cảm nầy hay tình cảm kia, hành động này hay hành động nọ. Vì; cái nhìn của thi nhân là phán đoán, thẩm định giá trị của chân lý làm người giữa sai lầm và chính nghĩa, giữa thiện và ác, giữa hành vi nhân ái và sát nhân đó là chuỗi liên trình giữa người và vật; vẫn đau xót vẫn triền miên. Con vật khác con người ở chỗ con người biết đo lường, biết thẩm định và biết đánh giá. Đó là phạm trù của ngôn ngữ ”bản chất và hiện tượng” cả hai là biểu hiện của dung-thân; lý sự nầy cốt thỏa mãn dục vọng, tàn tích của con người trong cái bản chất ”egoist” cho nên chi con người không thể xác nhận được bản chất tự tại như thế nào, để rồi đi tới hành động điên rồ, ngu xuẩn. Như chúng ta biết: con người là hữu thể có lý trí, hữu thể xã hội, hữu thể kinh tế (quyền lợi) và hữu thể tự do. Con đường đó chính là con đường tồn lưu – monde et chose n’ont leur être que l’un par l’autre (M. Heidegger). Vì vậy; Cao Chu Thần nhìn đời bằng đôi mắt miệt thị của ”hữu-vô của ”thiện-ác” của ”quân-tử/ tiểu-nhân” đó là một lý giải thông đạt và liễu quán.
Đấy là tâm thức ”hoài vọng của tồn lưu” –la espoir de l’être. Cái đó đã làm cho người ta trở nên khinh khi để còn lại hoài vọng của mơ-về, của cuộc đời là lẽ sống, nói lên biểu hiện tự do vì chứng cớ ”trói người” và ”đớp” là hai động từ bi đát của ”tragedy” là thảm kịch, bởi ý nghĩa chung hay riêng của cuộc đời đều nằm trong tư thế của ‘hư-vô’ cho mỗi cá thể. Với chừng đó câu thơ 7 chữ thi nhân đã nói lên trọn gói của bi thảm; đời là chấp nhận sinh tử, dù là thương đau, dù là thất bại nhưng để lại tiếng đời. K. Jasper có lần nói: ”Thất bại chỉ có với tồn lưu/ Il n’y a d’échec que pour l’existence”.
Lời thơ của Cao Bá Quát không còn tính cách châm biếm, ngạo đời hay mai mỉa mà chứa đựng một phản kháng nội tại: vô cùng, mãnh liệt, bi thương. Bởi; phản kháng của Chu tiên sinh có nghĩa là không chấp nhận cái thứ quyền lực phi lý, kết án không bản án, cáo trạng của vô tội giữa một tình huống ngổn ngang, gò đống. Tinh thần phản kháng đã biến mình qua gào thét, đơn điệu, ngạo mạn ung dung, mỉm cười trong đau xót của thế thái nhân tình mà mấy ai hiểu lòng dạ của thi nhân. Không chừng nhìn Cao Chu Thần là kẻ cuồng si thời đại, chưởi đời qua ngạo nghễ tư duy! A. Camus cũng có lần thốt lên như vậy: ”Tôi thốt lên rằng mọi thứ là vô lý nhưng tôi không thể nào nghi ngại lời than, lời thét (ngạo)của mình mà ít ra tôi phải tin vào sự quyết của tôi/ Je crier que je ne crois à rien et que tout est absurde, mais je ne puis douter de mon cri et il me faut au moins croire ma protestation”. Vậy thì tinh thần phản kháng của Cao tiên sinh là tìm thấy ở chính mình với những lý do đưa ra như tự mình kiểm xét tự mình để mở một lối thoát; cái dồn ép nội tại nầy là lý do đẩy Cao Bá Quát theo phong trào cựu Lê để dấy binh ở Mỹ Lương (1854). Có phải đó là con đường ‘la nostalgie de l’être’ một hiện hữu của tình quê? một phản kháng cuối đường được tìm thấy qua những gì kêu ngạo đời vì đời nuôi dưỡng bất công, hủ hóa ngay cả triều thần đang rơi vào cõi u minh (luật trường thi). Cái phản kháng nói không mà có, nói có mà không; một lối chơi chữ tài tình của con người vốn hay chữ như Mẫn Hiên Cao Chu Thần. Hiếm có người làm thơ theo dạng đó.
Từ thất bại nầy đến thất bại khác Cao tiên sinh rơi vào vực thẳm, nỗi thống khổ chồng chất khi nhận tước vị Quốc sư cho dòng hậu Lê mà không đạt được mộng ”xây thành”, ngọn cờ không thuận gió như mộng ban sơ:
”Bình dương, Bồ bản vô Nghiêu Thuấn/Mục dã Minh điền hữu Vũ Thang”
(Bình dương, Bồ bản không có vua Nghiêu Thuấn thì Mục dã Minh điền phải có Vũ Thang nổi dậy). Ngần ấy thôi cũng là tội mất đầu đối với triều Nguyễn, còn biết bao nghịch phản lệnh triều đình, bao lần sửa bài, phạm húy luật trường thi. Cao Bá Quát đang đối diện với thực trạng, đối diện một xã hội thoái trào, thủ cựu, bao che, đì ải của quyền lực: một cho quyền lực thiết lập trên nghi thức của dòng tộc, hai cho quyền lực thu đoạt, khống chế. Đó là nguyên cớ phát động bùng dậy để trừ gian diệt bạo của phường nhà ma, ngạ qủi. Quyền lực của đám ruồi muỗi nhỏ nhen khơi nguồn như một quyền lực vô biên. Cao Chu Thần không nghi ngờ điều nầy, và; cũng chẳng ai nghi ngờ sự thế, cho dù một giây phút nào đó, cái đặc ân ghê gớm đó đều đem lại bè phái tức khắc và rồi chúng ta trở nên nạn nhân của thoái trào – this powerfull little group of innitiates knows that it has all the rights. Anyone who doubts, even for a second, these formidable privileges is immediately driven from the flock, and once mere becomes a victims (The Rebel. A. Camus). Nhưng Cao tiên sinh phá chấp để đạt tới một tinh thần cách mệnh chủ nghĩa. Nhìn xa hơn ta thấy được cái tâm như của Mẫn Hiên là tâm bình đẳng; một hoài vọng của kẻ sĩ đứng trước thảm cảnh, muốn biến mộng thành thực, đó là hướng vọng cuộc đời, là lẽ sống là hướng trực là ý nghĩa làm nền cho mọi hoạt động của mình, sửa bài là một thái độ phá chấp để nuôi dưỡng hoài bão, mưu cầu trọng dụng nhân tài, chớ phải mục đích mua quan bán tước mà đó là tinh thần của người thức giả, một yêu cầu tự thân của hiện thể.
Với 46 năm cuộc đời là đón nhận thảm cảnh bi thương, khi thăng khi trầm, khi đày, khi dương hành hiệu lực, khi sơn lâm cùng cốc hay đến miền cao heo hút. 1840 (32 tuổi) đánh dấu một đời tham quan trước cửa Khổng sân Trình để rồi nhận lãnh chức Hành Tẩu Bộ Lễ ở Sơn Tây. Cao Chu Thần bình tâm trước vận nước đảo điên, xót thương tình người, tình bầu bạn, tình yêu vợ con, tình trăng trong núi biếc với chén thù chén tạc. Lời thơ như tự thán, như trách phận mình làm mà không thành để vạ lây:
”Cầu điều nhân chưa đạt thành gây họa/ Cùng bệnh thương nhau mà lụy đến người”.
Ba năm ngồi tù vì tội ngạo, tội nghịch nhưng khí tiết ‘nhà nho’ không vì thế mà khiếm nhược, vẫn ngạo nghễ để chưởi vào mặt đám quan liêu, xua nịnh, hoạt đầu để nhũng lạm, bênh vực kẻ yếm thế và tình người cao cả; đọc bài ”Tài tử đa cùng phú” tưởng là lời lẽ bông đùa nhưng trong đó chứa một nội thức phản kháng. Một thứ phản kháng siêu hình là cơn dấy động của con người, đứng lên để đối đầu với thân phận. Tại sao cho Cao Bá Quát là phản kháng siêu hình? – trong con người nô lệ có cái sự đặt định buộc phải, giá trị con người ngang hàng con vật; cho nên dấy động là đi từ kẻ nô lệ và kẻ phản kháng trở thành đồng tính. Nguyễn văn Siêu và Cao Bá Quát là bạn tâm giao (dù mức độ và tuổi tác cách biệt) nhưng đồng cảm; cả hai đã chối bỏ, chối bỏ thân phận bị vùi dập –pour l’un et l’autre, il ne s’agit pas seulement d’une negation pure et simple. Vì vậy Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu phản kháng để thấy họ hiện hữu, tư duy nầy gần với Descartes, đó là lối suy tư phản kháng ‘cogito’ của hai vị thức giả nhà nho ở vào thời đó.
Trái chân kỳ ký cho vào rọ
Rút ruột tang bồng trả nợ cơ
Kỳ ký là bậc tài hoa mà không biết dụng võ, lãng quên như đồ bỏ. Chí tang bồng hồ thỉ thì lại dùng vào chuyện áo cơm. Cao Chu Thần manh nha từ đó để ngạo mạn. Cái đối đãi ơn sủng, mưa móc của nhà vua là nặng nhẹ trong hình phạt. Cao Chu Thần hiểu rõ điều đó hơn ai. Thiệu Trị, Tự Đức sủng ái, bổ nhiệm, khoan hồng, ân huệ vì; Cao Bá Quát có tài về văn, chữ lại giỏi, thông tuệ chính trị; như đã một lần quân sư thì đó không phải người thường. Song le; chất ngạo ở con người Cao là một khinh mạn có lý, có tình, một cung cách phản kháng thâm hậu mỗi khi đáp lễ vua quan; tàng ẩn một sự so sánh giữa vua tôi:
”Thiên tải nhất ngộ, hữu thị quân hữu thị thần”
(Nghìn năm gặp được một lần, có vua đó có tôi đây)
Cái lối cưỡng kháng mà vua quan đành lòng thừa nhận bản chất cố hữu của con người ngạo mạn, một biểu thị ngang ngửa, khát vọng là đòi hỏi chung. Suy ra lời lẽ đối thoại không phải là lời nói tao nhã của kẻ sĩ mà đó là ý chí quyết thắng, đánh đổ để dồn đối tượng vào ngõ cụt mới thấy được người được ta. Thế mạnh của Cao Bá Quát là ở chỗ ‘văn chương nết đất thông minh tính trời’(ND) điều đó hẳn nhiên đã rõ. Cho nên đứng trước vua quan Mẫn Hiên không nhìn là đối tượng tôn kính mà bằng một bản thể tự tại mới xuất thần thành thơ, một lối thơ ‘mới’ đối đáp có văn tự. Qua tư duy triết học giữa vua tôi là hiện thể của hai là một ”un être-à-deux” thì không còn phẩm trật hay đẳng cấp mà cả hai cùng chung một tế bào nhạy cảm, vướng vít vào nhau đưa đến một đối thoại rộng rãi; như gặp nhau, như đang sống cùng một tương thức lồ lộ – révélation de ‘toi’ pour ‘moi’ như Merleau- Ponty đã nói. Trở lại bài thơ đọc trước vua quan của Cao tiên sinh như sau:
”Bảo mã tây phương huếch hoắc lai
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài”.
(Ngựa qúy từ phương tây huếch-hoắc lại/ Người huênh – hoang nhờ cậy dìu về/ Trong vườn chim oanh khề – khà hót/ Ngoài đồng hoa đà lấm-tấm nở/ Ngày xuân chẳng nghe tiếng sương lộp-bộp/ Trời thu chỉ thấy mưa bài-nhài/ Thi tứ khù – khờ mà nhiều người biết/ Khệnh-khạng mang đến hỏi ông tú tài.) Những chữ, những câu có tính súc tích hàm chứa nghe như biền ngẫu nhưng đầy phong thái chân như của người thơ yêu nước. Ngẫm mới thấy cái tài dụng văn, cái nghịch lý của thơ là đưa Nôm vào Hán của Cao tiên sinh, diễn tả trọn vẹn cõi thời gian là yếu tố, cơ sở, sinh, diệt và chính con người dự cuộc với trần gian như giấc mơ, nhưng nhìn lại thì một thoắt. Vua Tự Đức người uyên bác ít nhiều hiểu được: thời gian là cuộc đời. Cao Bá Quát hiểu được: thời gian là qui trình; vì thế thời gian in dấu trong thơ, bởi; cuộc đời trôi chảy không thể vượt được thời gian, cho nên chi vạn vật song hành với thời gian để rồi đưa tới biến dịch, đổi thay và dần dà đi vào hư vô dưới ánh mặt trời:
”Dưới thiều-quang thấp thoáng bóng Nam-San
Ngoảnh mặt lại cửu-hoàn coi cũng nhỏ” (Uống Rượu Tiêu Sầu.CBQ)
Thời kỳ đi làm giáo thụ Quốc Oai, Sơn Tây. Ông tự thấy mình thừa giữa cuộc đời, một lưu đày tại thế. Biến Cao Chu Thần ở trạng thái lỡ thời. Cao Bá Quát tuyệt vọng, con đường hoạn lộ coi như vùi dập; cái lối ”đãi ngộ” của đám vua quan là trị tội; vì cho rằng Cao Chu Thần vạch mặt chỉ tên những kẻ phì gia, hả hê trong đau khổ. Đau đớn thay phận làm người. Ông từ quan cáo bệnh để xa cái cảnh trói người, đày người rồi buộc tội:
Nhà nát ba gian, một thầy một cô một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi
Cái đau nhói của thi nhân là bị ”nhốt” và đã ở hoàn cảnh đó thì thực trạng con người trước nhất có lẽ là thời gian, vì; thời gian là bao hàm quản thúc sự sống; nỗi tuyệt vọng đó đã giết chết nguồn thơ biếm đời ngay cả nguồn thơ tức cảnh để sinh tình của Cao thi nhân. Hiện tượng đó nói lên cái siêu lý của Cao Chu Thần; đó là cảnh u hoài, bi đát đưa đến một nội quan phản kháng. Do đó cái ngạo của Cao Bá Quát không còn tính cách biếm đời mà ngạo để lật đổ tàn tích cố cựu, để làm mới xã hội: mục nát giữa người và ngợm!
Chưa thỏa mộng lại triệu về cung làm những điều không phải mộng mà đứng lại để nhận cái bi thương xã hội; bởi những ký sinh trùng thời đại biến minh quân trở nên u quân. Vì thế đời ra sức dzìm kẻ có tài đó là luật thường tình. Cao tiên sinh học giỏi lại hay chữ, cốt cách uyên thâm của giòng dõi để lại, một trí tuệ vượt bực khi ở tuổi thiếu thời thì đủ thấy được cái chất hào khí ngang tàng, ngỗ nghịch của một con người thấy được cuộc đời giữa hư và thực, giữa mộng và ảo thì làm sao kẻ sĩ nguôi ngoai với tình huống. Ngạo mạn là lý do uẩn khúc trước thời cuộc. Chí thì lớn mà đôi tay thì yếu… Cũng nhờ về đất Thuận Hóa làm kinh sử bên cạnh vua mới thấy được mộng là mộng, chân là thực:
”Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt”
Vị chi trạng thái tâm thần của Cao Bá Quát trở nên bị động trước hoàn cảnh đến bây giờ ngoảnh đầu thì xa vời với thực tại. Phải hiểu hoàn cảnh ở đây cho Cao tiên sinh; dù đối đầu qua nhiều trạng huống khác nhau nhưng hoài vọng nhà Chu vẫn một mực dấy động, làm bầy tôi nhà Nguyễn, hào khí bất khuất đó không thể dập tắc được. Dù rằng; về mặt tinh thần lễ giáo, đạo đức, gia phong có kiềm tỏa, quân với tôi là nghĩa cử nhưng yếu tố đó khiến cho con người ray rứt trước hoàn cảnh, trước bản chất, trước thời gian tất đưa tới khổ lụy. Đó là sự cớ đẩy Cao Bá Quát vào một tư duy phóng ngoại như để xoa dịu nỗi đau trước hoàn cảnh xã hội, trước hoàn cảnh cố hữu của thần và quân như trói buộc. Tình thế đó; dẫu là gì con người một đôi khi phải trở-về cho chính mình, một cái gì xao xuyến tương thức giữa đời và người, một nhân sinh quan tương hợp hóa ”rationlisation”. Nói một cách lý thuyết thì đó là hiện hữu cho mình – être-pour-soi mà vẫn chứa một cơ cấu hiện hữu cho người khác – être-pour-autrui. Thì đó là một liên trình của Cao Bá Quát:
”Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”
(Việc đời thăng trầm chất vấn làm chi/ Trong khói sóng mịt mờ có chiếc thuyền câu)
Phải biết rằng; Cao Bá Quát là đấng tài hoa quán thế, tài không dụng, chí không phát mà gặp phận số long đong. Sinh lòng mà lui về một góc trời riêng, mượn chén men say:
”Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu mà chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo”
(Uống Rượu Tiêu Sầu. CBQ)
Gia nhập vào Mạc Vân Thi Xã là duyên trùng phùng với cái nghiệp thi ca. Ở đây Cao tiên sinh thả thơ, bình thơ với những tay thi bá tiếng tăm cố đô văn vật, một tao ngộ kỳ phùng bởi chỉ có ngôn ngữ thơ mới nói lên sách lược của mình. Cao thủ như Mẫn Hiên mới thách đố được những bậc công hầu khanh tướng như thủ lãnh thi đàn Miên Thẩm.
Càng thâm sâu càng thấy cái dở, càng đào sâu mới thấy đất nhiều hơn vàng hơn bạc. Ngao ngán phải thốt nên lời miệt thị, khinh khi đám sĩ tử. Mặc dù Tự Đức đãi cho mấy chữ ngợi ca:
”Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”
Nhưng Cao Chu Thần không lấy đó làm tự mãn. Bởi Cao là một nhà thơ. Một nhà thơ chân chính và biệt tài. Thì dẫu có sánh hơn cả Hán hay Đường chỉ là lời ngợi ca khí tiết, trấn an một nội tại phản kháng. Phản kháng ngay trong lòng địch:
”Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”
Có cần lý giải cái thảm cảnh sầu bi này không? Giải làm chi một vùng đất mắm tôm dưa muối suốt đời thì hay ho gì mà phân bua bày biện. Thói đời là thế. Cứ thấy mình là hay!
Trong buổi tiệc rượu của đám văn nhân Mạc Vân Thi Xã; đó là lần cuối Cao Bá Quát lên đường ra Bắc. Trước khi đi có trao bài thơ xuân cho bạn chí thân Nguyễn Văn Siêu:
”Khách nay chẳng thấy xuân xưa nữa
Thổn thức xuân nay gặp khách xưa
Nay hóa thành xưa nào mấy chốc
Hư nhìn ra thực khỏi lầm chưa?
Bao phường danh lợi cơn mưa sáng
Mấy bậc anh hùng đám bụi mờ
Tục lụy cười mình chưa dứt được
Gần đây sách vở quá say sưa”
(Xuân Dạ Độc Thư/ Đêm Xuân Đọc Sách. CBQ/ Nguyễn Văn Tú dịch nôm)
Đấy là bài thơ tả cảnh xuân. Miên Thẩm cho đây là tặng phẩm mùa xuân của Cao Chu Thần, xuống lịnh mở yến tiệc, tiễn đưa hiền hữu và cho lấy đàn Nam – Cầm dạo khúc tiêu tương. Dạo lên nghe như muôn sắc ngàn tiá của mùa xuân tươi sáng; nhưng chính ở lòng Mẫn Hiên là ước đời đổi thay sau những cơn mưa gió bão bùng.Ý thơ là vậy!
Tháng chạp năm 1854 Cao Bá Quát(*) bị bắt. Tự Đức ra lệnh chém đầu và tru di tam tộc. Người anh Cao Bá Đạt tự tử trên đường giải về Kinh. Cao Bá Nhạ con Đạt phanh phui nơi ẩn trốn bị bắt và đày lên sơn cước. Sau chết ở đó.
Thời gian Cao Bá Quát ở ngục thất chờ hành quyết có làm thơ và đối mang khẩu khí ngạo mạn của một tử tù nhưng lại là vua, được truyền tụng:
”Một chiếc cùm lim chân có ĐẾ
Ba vòng xích sắt đứng (bước) thì VƯƠNG”
Nghe đồn rằng khi thi sĩ Cao Chu Thần bước lên đoạn đầu đài, áo vải thô, cổ bị gông, trói tay; dõng dạc, ung dung gục đầu cho người ta chém, miệng lẩm bẩm chưởi đời đôi câu như sau:
”Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời”
Đó là thời gian ngoại tại và chuyển vần. Cao Bá Quát chết để thỏa lòng vị kỷ của đám vua quan. Chết ở đâu cũng là cái chết qua thời gian. Thế nhưng con người cứ tưởng khổ đau và những gì bi thảm có thể hết nhưng quên rằng thời gian là chứng tích, lịch sử là văn bản, con người là hiện thể, ba thứ nêu trên là sắc lệnh để đời. Nhưng; chắc chắn điều nầy không thể vượt qua được. Tại sao? Vì; sống có nghĩa là xoay vần, chuyển dịch có nghĩa là nghiệp chướng (theo nhà Phật) biến thiên của vũ trụ mà thời gian là cái gì vây quanh đời người ”thương hải biến vi tang điền, tan điền biến vi thương hải”. Mẫn Hiên Cao Bá Quát chết theo thời gian. Thời gian của Người đứng lại nơi đây. Bởi; thời gian chuyển vần vì thời gian là yếu tố sống còn và miên viễn như bao số phận khác…
Quan Án sát Nguyễn Văn Siêu những ngày sau đó không ngủ được, nằm nghe đêm âm thầm trôi với hồi trống canh năm ở cổng thành xa đưa tới. Nguyễn tiên sinh rùng mình, khơi ngọn đèn dầu lạc trong sương sớm, động lòng trắc ẩn làm một bài thơ nhớ bạn tài hoa dũng khí.
VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. cuối 6/2013)