Chu Thần Cao Bá Quát (1808-1855) mà chúng ta vừa kỷ niệm 200 năm sinh, là một trong số các nhà thơ kiệt xuất nhất của nền thi ca trung đại Việt Nam, đồng thời ông cũng là người có những quan niệm về văn chương, học thuật vừa sâu sắc, mới mẻ vừa mang tính phát hiện và cả tính “phản tỉnh”.

Những quan niệm về văn chương, học thuật của Cao Bá Quát được trình bày ở một số bài Tự, Bạt và thơ của ông, thí dụ bài Tựa Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, bài Bạt cho tập thơ của Thương Sơn (Tùng Thiện vương Miên Thẩm), Bài hậu đề cho tập thơ Yên đài anh ngữ của Bùi Quỹ…

Tuy không nhiều, nhưng qua những bài Tự, Bạt này, Cao Bá Quát đã bày tỏ rất rõ quan niệm của ông đối với văn chương trên ba vấn đề sau:

Thứ nhất. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ dân tộc và văn chương.

Trong lý luận văn học cổ Việt Nam, Cao Bá Quát có lẽ là một trong số không nhiều người, đã nêu thành vấn đề và khẳng định vị trí thiêng liêng của Quốc ngữ, tức là tiếng nói chung của dân tộc.

Cao Bá Quát viết trong Bài Tựa Truyện Hoa Tiên: “Sống ở đất này, có thể bỏ được tiếng Quốc ngữ không? Không bỏ được. Đọc sách Quốc ngữ có thể bỏ được Truyện Hoa Tiên và Kim Vân Kiều không? Không bỏ được. Ôi, người xưa đã đem tâm trí đúc chuốt thành lời hay, ý đẹp, cốt để chắp lông, nối cánh cho văn chương của ta mà ta lại coi thường được sao” .

Cao Bá Quát viết: “Ôi, lấy Quốc ngữ làm văn chương thì ta chưa dám, song lấy văn chương mà xem Quốc ngữ thì ta có phần tán đồng. Nước ta từ sau Hàn Thuyên, các tác gia mọc lên như rừng: Ôn Như Hầu làm thơ cổ cận khuôn mẫu ngang với Thiếu Lăng, Bằng Quận công đặt điệu cung từ rong ruổi không nhường Hán, Ngụy, còn như văn hay của truyện khúc đến nay ta thấy được có Hoa Tiên và Kim Vân Kiều”.

Rõ ràng với lòng yêu thiết tha tiếng nói dân tộc, chữ viết dân tộc và sự am hiểu tường tận nền văn học quốc âm của nước nhà, Cao Bá Quát dẫn ra một số tên tuổi có thể nói là tiêu biểu nhất, tài hoa nhất khi viết văn thơ bằng Quốc ngữ, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1789), tác giả Cung oán ngâm khúc; Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, tác giả Văn tế chị, Quách Tử Nghi phú, Trương Lưu hầu phú…; Nguyễn Huy Tự (1743-1790), tác giả Truyện Hoa Tiên; Nguyễn Du (1766-1820), tác giả Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn)…

Thực ra, khi nêu danh những tác giả văn chương Quốc ngữ, tức là văn chương viết bằng chữ Nôm tài hoa nhất, Cao Bá Quát đã bỏ qua hai người: Một là Phạm Thái (1777-1813), tác giả Sơ kính tân trang và Chiến tụng Tây hồ phú. Người thứ hai chính là ông, là Cao Chu Thần, tác giả nhiều bài thơ, ca trù, phú Nôm nổi tiếng.

Đương nhiên, Cao Bá Quát không bao giờ tự vỗ ngực khoe tài Quốc ngữ. Hơn nữa, ông nói khiêm nhường nói: “Than ôi, lấy Quốc ngữ làm văn chương thì ta chưa dám”.

Đối với thể loại truyện thơ Nôm, Cao Bá Quát rất yêu thích Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự. Mặc dầu Cao Bá Quát sinh ra sau khi Nguyễn Huy Tự qua đời đã 18 năm, nhưng ông vẫn tìm thấy sự đồng điệu, đồng tình với Nguyễn Huy Tự qua Truyện Hoa Tiên.

Cao Bá Quát chính là người đã sớm lên tiếng bênh vực Truyện Hoa Tiên trước những lời đàm tiếu, chê bai của nhiều nhà cầm bút đương thời cho rằng Truyện Hoa Tiên là “văn dâm đãng, lẳng lơ”.

Đặc biệt, Cao Bá Quát là người đầu tiên phát hiện ra ảnh hưởng của Truyện Hoa Tiên đối với Nguyễn Du. Ông viết: “Hoa Tiên là câu chuyện bắt đầu từ chỗ vợ chồng, tây riêng ân ái… lời nói thì bi tráng, văn tiết thì trầm hùng, những cái đó khác nào như bụi bậm, cám bã mà đã đem hun đúc thành gạch ngói, giúp đỡ cho các tác giả, khiến cho sau đấy truyện Kim Vân Kiều đã có thể xuất hiện”.

Nếu đọc theo cách đối chiếu văn bản giữa Truyện Kiều và Truyện Hoa Tiên, ta thấy ở Truyện Hoa Tiên có nhiều đoạn, nhiều câu, về kết cấu ngôn ngữ, về hình ảnh, về thi liệu, về âm điệu thơ lục bát và cả về cái hồn của ca dao như:

– Phất phơ tơ liễu buông rèm,

Nửa sân lần dễ, bóng thiềm xế ngang.

Nói cười sang sảng gieo vàng,

Thảnh thơi với Nguyệt, với Hương trước đình…

(đoạn Dương Dao Tiên và Lương sinh thề nguyền)

– Tường hoa quanh quất mấy vòng,

Bên hoa nhường có nẻo không cuối tường.

Hài văn lần bước bước sang,

Rấp ranh đã dựng tiếng vàng xa đưa.

Tưởng bây giờ là bao giờ,

Song song đôi mặt còn ngờ chiêm bao…”

(đoạn tả Dao Tiên và Lương sinh gặp lại nhau)

rõ ràng đã ảnh hưởng đến thi pháp Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều.

Thứ hai. Đề cao vốn sống, vốn hiểu biết rộng, chống bệnh mô phỏng, sáo mòn.

Trong văn học, hình như đây là vấn đề thời sự muôn thuở, vì ở đâu và đời nào cũng vậy, bên cạnh những nhà văn, nhà thơ đầy kinh nghiệm tri thức sống, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo cái mới thì cũng không thiếu các tác giả chỉ quanh quẩn ngồi gọt giũa câu văn, nhai chữ, nhai câu, mô phỏng, bắt chước… Cao Bá Quát đả kích mạnh mẽ tệ hại văn chương này.

Trong bài Bạt ở tập thơ của Thương Sơn Miên Thẩm Tùng Thiện vương, Cao Bá Quát viết: “Thơ thật là khó nói. Hiện nay cái học khoa cử in sâu vào người ta đã mấy trăm năm… Vì cái thói ủy mị, yếu ớt còn rơi rớt lại, ít có người tự thoát ra được. Người kém thì dễ dãi, người có hào khí thì mắc vào bệnh nuốt sống, bắt tươi. Những người sức học gọi là dồi dào thì hí hửng tự đắc, chỉ muốn vơ vét trăm nhà, thâu tóm mọi thể, thành ra mô phỏng quá nhiều mà phong cốt không cao, tô điểm có khéo nhưng tinh thần lại thấp”.

Đối với thứ văn chương mô phỏng, sáo mòn, không sáng tạo, Cao Bá Quát cho rằng nó không đáng được nói tới. Ông viết: “Ví như học viết chữ, nếu cứ theo khuôn mẫu có sẵn, không biết biến hóa thì tuy có giống hệt được cái vẻ ngoài của lối chữ Lan Đình của Vương Hy Chi cũng chẳng ai thèm kể vào đâu. Tô Đông Pha bàn về cách viết, có nói: “Không học là hơn”. Ai hiểu được ý ấy thì có thể cùng nói chuyện về việc làm thơ được”.

Cao Bá Quát phê phán những người chỉ quen mô phỏng, nhai câu, nhá chữ và đề cao các tác giả đi nhiều “lão luyện trên đường đời”. Quan niệm đó của Cao Bá Quát được thể hiện rõ trong bài ông viết ở cuối tập thơ Yên đài anh ngữ của Bùi Quỹ (1796-1861):

“Ông là người

Gót chân đã in khắp núi sông muôn dặm

Khi trở về sách chứa đầy bụng

Chà chà, làm trai như thế thật là khoái

Than cho ta chỉ đóng cửa gọt giũa câu văn, nhai lại từng lời từng chữ

Khác gì con sâu đo muốn đo cả đất trời

Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn

Mới hiểu vũ trụ là bao la

Chuyện văn chương trước kia thực là trò trẻ con…”

Năm 1944, Cao Bá Quát được triều đình Thiệu Trị sai đi theo một sứ đoàn sang Batavia (tức Giang Lưu Ba, còn gọi Kelapa, nay là Jakarta ở Indonesia). Trong chuyến đi này, ông có làm được mấy bài thơ, nhưng quan trọng nhất là ông thấy được một thế giới mới lạ và nó đã thức tỉnh ông nhiều điều, trong đó có việc làm ông “phản tỉnh”, nhìn lại những bài thơ “nhai lại”, nhìn lại cả chuyện văn chương mà trước đây ông cũng như bao người khác từng theo đuổi, hóa ra cũng chỉ là “trò con trẻ”.

Quả là một sự “phản tỉnh” mạnh mẽ ở nhà nho Cao Bá Quát.

Thứ ba. Về lẽ “cùng”, “đạt” của nhà thơ.

Trong lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, lời bàn của Âu Dương Tu (đời Tống) nhà thơ hiển đạt thì ít mà cùng khổ thì nhiều (thi nhân thiểu đạt nhi đa cùng) và có khốn cùng thì sau thơ mới hay (thi cùng nhi hậu công) đã trở thành luận điểm nổi tiếng, ai cũng thừa nhận, nhất là câu “thi cùng nhi hậu công”. Đời sau ai cũng chỉ thích trích dẫn câu này. Riêng Cao Bá Quát, khi luận về vấn đề này, ông đã đưa ra ý kiến riêng của mình, khác với cách nghĩ phổ biến xưa nay là chỉ có những người gặp số phận bất hạnh mới sáng tác hay được, còn người may mắn hiển đạt thì không viết được tác phẩm hay.

Cao Bá Quát nói: “Âu Dương Tu nói “thơ cùng thì sau mới hay”. Ôi, đúng như vậy chăng? Cùng đâu phải hết thảy đều hay. Đạt chưa thường là dở. Nó ở con người nào thôi. Căn cứ vào hai điều này mà bàn: cùng mà hay thì dễ, đạt mà hay thì khó. Cùng thì ném ra ngoài bến sông, góc núi, để thở than nỗi ấm ức của kẻ bầy tôi bị ghẻ lạnh, đứa con bị đầy đọa… Đạt thì nói lên sự thịnh trị của quốc gia… Do vậy, biết cái hay của cùng mà không biết cái hay của đạt, ưa cái dễ mà bỏ cái khó, đó là một điều nhầm lẫn… Tôi trộm nghe: Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người là phẩm chất của thơ. Phẩm chất của người cao thì thơ cao…” .

Quan niệm của Cao Bá Quát về lẽ “cùng”, “đạt” trong thơ, về phẩm chất của nhà thơ quả không phải là không chí lý và nó mang tính phản biện cao khi luận bàn học thuật. Một kiểu ý kiến “lật lại vấn đề” như thế của Cao Bá Quát quả là rất hiếm thấy trong học phong ở nước ta thời xưa.

 

(Nguồn Tạp chí Thơ)