Trực quán số này: Nhà văn Uông Triều
Khách văn: Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng

NGUYỄN VĂN HÙNG

– Sinh năm 1984 tại Thanh Hóa
– Tiến sĩ Lí luận văn học
– Hiện là giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
– Sắp in: chuyên luận về tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau Đổi mới, tập tiểu luận phê bình về văn học Việt Nam đương đại
– Giải thưởng: Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc (2006), Tặng thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội về Lí luận, phê bình (2016)

– Xin chào tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng. Tôi rất đang chờ đón để được đọc cuốn sách nghiên cứu mới nhất của anh về tiểu thuyết lịch sử và được biết đó cũng là một trong những hướng nghiên cứu chính của anh. Liệu anh có thể cho biết lí do sự lựa chọn của mình?

+ Cảm ơn anh, sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ và công bố hơn 20 bài viết xoay quanh những sáng tác về đề tài lịch sử, tôi đang tổ chức hai bản thảo, một bản thảo chuyên luận và một bản thảo tiểu luận phê bình, hi vọng sẽ sớm ra mắt vào năm sau. Đây là những thành quả bước đầu sau gần 10 năm “bén duyên” cùng mảng văn học đầy thú vị này. Năm 2008, tôi bắt đầu nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử qua hai tác phẩm được coi là đỉnh cao của thể loại: Quo Vadis (tuyệt tác của văn hào vĩ đại người Ba Lan – Henric Adam Alexandr Sienkievich, Nobel văn học 1905) và Désirée – Mối tình đầu của Napoléon (bestselling của nữ văn sĩ người áo Annemarie Selinko, 1956). Nhìn vào thời điểm ra đời, nhất là Quo Vadis (1895 – 1896), tôi vô cùng kinh ngạc, tại sao cách đây hơn một thế kỉ, các nhà văn lại có thể viết nên tác phẩm có sức quyến rũ mê hoặc như vậy? Phải chăng truyền thống đối thoại, tinh thần dân chủ và tư duy phản biện lịch sử đã ăn sâu và chi phối cảm thức, lối viết lịch sử nơi họ? Hàng loạt vấn đề mang tính bản thể luận về thể loại khởi đi từ tiểu thuyết lịch sử thế giới khiến tôi không ngừng trăn trở; từ đó, thôi thúc tôi quay trở về tìm hiểu, nghiên cứu văn học về đề tài lịch sử ở Việt Nam, nhất là những sáng tác sau thời kì Đổi mới. Tôi nhận thấy, trong xu hướng dân chủ hóa và tự do sáng tác, lĩnh vực văn học lịch sử bắt đầu sống lại và trở thành một trong những đề tài chủ chốt của văn học nước nhà. Sự thay đổi trong cảm thức và tư duy lịch sử, cùng những thể nghiệm độc đáo về cấu trúc và phương thức tự sự… đã mang lại những dấu ấn đặc biệt trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nam Dao, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Quốc Hải, Thái Bá Lợi, Hoàng Công Khanh, Trần Thu Hằng, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Thế Quang, Bùi Anh Tấn, Uông Triều… Thế nhưng trong lĩnh vực lí luận chúng ta vẫn chưa quan tâm thỏa đáng đến mảng sáng tác đặc sắc này. Các công trình chuyên khảo mang tính lí luận về tiểu thuyết lịch sử còn khá thưa thớt. Khi mà sáng tạo văn học về đề tài lịch sử đang được giới sáng tác nhiệt tình hưởng ứng thì giới lí luận, nghiên cứu gần như chưa bắt kịp với sự hồi sinh mạnh mẽ này. Qua những nghiên cứu bước đầu của mình, tôi mong muốn nhận diện và giải mã một hiện tượng văn học nổi bật bằng sự khám phá, phân tích nét độc đáo, đặc sắc trong tư duy tự sự lịch sử cùng những phương thức nghệ thuật mới lạ. Đó thật sự là mảnh đất màu mỡ để tôi trải nghiệm và theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu văn hóa, lịch sử, triết học và văn chương của mình.

– Tiểu thuyết lịch sử đã có truyền thống lâu đời và được yêu mến ở nhiều quốc gia, ví dụ ở Trung Quốc là “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”… ở châu Âu là “Chiến tranh và hòa bình”, “Sông Đông êm đềm”, “Quo vadis”, “Các hung thần lên cơn khát”… ở Việt Nam là “Hoàng Lê nhất thống chí”, “Nam triều công nghiệp diễn chí”… Liệu anh có thể đánh giá ngắn gọn về vị trí của tiểu thuyết lịch sử trong tổng thể văn học nói chung?

+ Nhìn vào kho tàng văn chương nhân loại, cũng như nền văn học mỗi dân tộc, điều dễ dàng nhận thấy, từ khi ra đời, văn học sáng tạo về đề tài lịch sử nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng nhanh chóng chiếm lĩnh và khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống các thể loại văn học. Nhiều tác phẩm đã làm nên những đỉnh cao, trở thành niềm tự hào dân tộc, bởi sức lan tỏa cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó. Cùng những thăng trầm, biến động của lịch sử nhân loại, thể loại này đã dần khẳng định được sứ mệnh cao cả, ý nghĩa lớn lao không chỉ trong lĩnh vực văn học mà cả đời sống văn hóa, tinh thần nhiều thời đại.

– Có nhiều cách viết về lịch sử, người thì coi lịch sử chỉ là cái móc treo, người thì muốn diễn giải lịch sử, người thì dùng lịch sử làm phương tiện để truyền tải quan điểm của mình. Theo anh, những cách viết này có ưu nhược gì?

+ Có thể nói, khi bắt tay vào lãnh địa sáng tạo văn học về đề tài lịch sử, mỗi nhà văn đều lựa chọn cho mình một hướng tiếp cận, một cảm thức, quan niệm và một lối viết riêng. Không dễ để thống kê có bao nhiêu cách viết, lại càng không đơn giản đóng khung nhà văn nào trong lối viết nào. Quy gọn vào một số lối viết, tất yếu sẽ làm giảm đi sự đa dạng ấy. Nhưng do yêu cầu của tư duy nghiên cứu, tôi vẫn phải loại hình hóa tiểu thuyết lịch sử (một cách tương đối), và dĩ nhiên dựa trên một hệ tiêu chí nhất định.

Thứ nhất, xu hướng khách quan hóa lịch sử. Những tác giả theo xu hướng này đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ tái hiện các sự kiện lịch sử theo tinh thần khách quan, ít có sự can thiệp trực tiếp từ người viết. Sức hấp dẫn nằm ở các sự kiện, tình tiết và hành động nhân vật chứ không phải ở yếu tố bình luận của tác giả hay chiều sâu thế giới nội tâm nhân vật. Dù đã có ý thức cách tân, song những tác phẩm theo xu hướng này dường như ít hấp dẫn với độc giả hiện đại.

Thứ hai, xu hướng dùng lịch sử như một phương tiện để giáo huấn. Bằng việc lựa chọn và tái hiện những giai đoạn lịch sử đầy biến động với nhiều vấn đề hệ trọng của dân tộc, cùng những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu, các nhà văn lồng vào đó những bài học có tính giáo huấn về niềm tự tôn dân tộc, về nhân cách, vai trò lịch sử của các danh nhân, anh hùng dân tộc. Tinh thần dân tộc, sức mạnh giáo dục khơi dậy từ cảm hứng ngợi ca, chiêm bái là một trong những đóng góp tâm huyết của các tác giả theo xu hướng này. Tuy vậy, với quan điểm “dùng văn để dạy sử”, “phổ cập hóa lịch sử bằng văn chương hóa lịch sử”, cùng sự gò bó vào sự thật lịch sử khiến cho nghệ thuật hư cấu bị hạn chế, từ đó làm cho hiệu quả thẩm mĩ, sức hấp dẫn chưa thỏa mãn được người đọc đương thời.

Thứ ba, xu hướng phân tích, đối thoại, luận giải lịch sử. Các tác giả theo xu hướng này đã lựa chọn lịch sử như là phương tiện, phông nền để khám phá và luận giải những vấn đề lịch sử, văn hóa và số phận con người trong dòng chảy lịch sử, qua đó nối kết quá khứ – thực tại – tương lai. Từ tầm nhìn hiện đại, các nhà văn phóng chiếu vào lịch sử cái nhìn đời tư, thế sự, nhân văn; luận giải số phận của cá nhân, dân tộc, bản sắc văn hóa trên hành trình kiếm tìm, kết nối sức mạnh của cộng đồng và khám phá, truy tìm bản thể con người. Theo tôi, đây là một xu hướng khá phù hợp với “tầm đón nhận” của công chúng hôm nay và có thể coi là “viễn cảnh của tiểu thuyết lịch sử” tương lai.

– Hiện nay có một số nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ viết lịch sử theo một cách riêng của mình, họ muốn làm mới lịch sử, ví dụ đặt nhân vật trong một bối cảnh mới, tình huống mới, thậm chí có thể đùa cợt, tung hứng với các nhân vật lịch sử, anh nghĩ sao về xu hướng này?

+ Có thể thấy, trong số những gương mặt làm nên dấu ấn và thành tựu của văn học sáng tạo về đề tài lịch sử sau Đổi mới còn quá ít những cây bút trẻ. Đa phần những “hiện tượng” đặc sắc đều thuộc về các “bậc lão thành” U60, U70, U80 – những nhà văn có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Số cây bút trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, đã vậy, số chuyên tâm, dấn thân với đề tài và có thành tựu lại càng hiếm hoi. Song công bằng mà nói, các sáng tác trẻ về đề tài lịch sử không phải không có những dấu ấn và thành tựu, không phải không có những gương mặt triển vọng: Sương Nguyệt Minh, Trần Thị Huyền Trang, Uông Triều, Phạm Thái Quỳnh, Hoàng Tùng, Phùng Văn Khai, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Phú, Lê Vũ Trường Giang, Trần Thu Hằng, Nguyễn Hữu Nam, Bùi Anh Tấn…. Có thể có những đánh giá khác nhau về xu hướng làm mới, làm khác của các nhà văn trẻ trong mảng đề tài về lịch sử, song theo tôi, chính những tìm tòi, thử nghiệm cả thành công lẫn thất bại, có cái tới đích, có cái còn dang dở đã mang lại cho thể loại này sự đa dạng trong cách tiếp cận, sự phong phú trong phương thức thể hiện, sự mới mẻ trong bút pháp nghệ thuật. Với tôi, đây là tín hiệu đáng trân trọng vì nó đã cho thấy, đề tài lịch sử không chỉ là sân chơi riêng của những nhà văn dạn dày kinh nghiệm trong nghề mà còn là nơi khẳng định tài năng, bản lĩnh, niềm đam mê của người viết trẻ.

Mỗi khi đời sống xã hội có biến động, những vấn đề nhức nhối, người ta thường tìm về lịch sử, khai thác những vấn đề bị bỏ quên, bị phai nhạt, những con người đã bị đẩy ra ngoại biên, tìm ở đấy những bài học, hấp thụ những chất men, nguồn khích lệ. Người ta muốn nghe lại tiếng nói của lịch sử, muốn sống lại những thời khắc đau thương và hào hùng, những thời khắc nhục nhã… đối với người viết và đọc tiểu thuyết lịch sử.

Tiểu thuyết lịch sử có vai trò và sức mạnh rất to lớn. Người Ba Lan thường nói, khi đế quốc Nga chiếm đóng Ba Lan thì nước Ba Lan chỉ tồn tại trong tiểu thuyết lịch sử của họ, nhà sử học người Anh Arnold Toynbee thì nói: Trước khi hạm đội người Anh đánh tan hạm đội người Tây Ban Nha thì “hạm đội tiểu thuyết lịch sử Anh đã dọn đường cho nó”. Tôi nghĩ rằng tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trước nay cũng có vai trò và sức mạnh như vậy.
GS.TS Trần Đình Sử

Có ý kiến cho rằng những sự kiện được ghi trong các bộ sử chính thống, sách giáo khoa thực chất là một diễn ngôn lịch sử, và diễn ngôn ấy thường bị quy định bởi hệ tư tưởng thống trị hoặc kẻ chiến thắng. Nếu như nhà văn phản biện lại những diễn ngôn ấy qua một cách nhìn khác, ví dụ ở phía thua cuộc, hoặc ở phía “lịch sử dân gian” thì liệu mâu thuẫn gì sẽ xảy ra?

+ Lịch sử và diễn giải lịch sử luôn là mối quan tâm của con người, nhất là khi có một độ lùi nhất định về thời gian và con người có nhu cầu nhận thức lại, “định giá lại” lịch sử. Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc, từ hậu cấu trúc đến chủ nghĩa tân duy sử cùng tinh thần hoài nghi hậu hiện đại, người ta tin rằng lịch sử đầy rẫy sự ngụy tạo, đáng ngờ vì được viết theo quan điểm cá nhân của người làm sử. Hayden White, một trong những nhà lí luận của chủ nghĩa tân duy sử, khi bàn về “siêu lịch sử” (metahistory) đã đưa ra luận điểm nền tảng để từ đó ông triển khai toàn bộ tư tưởng của mình: Lịch sử như là tự sự (history as narrative), một trò chơi – ngôn ngữ (language – game). Quan điểm đó thể hiện tinh thần hoài nghi với cái gọi là “sự thật lịch sử”; lịch sử với ông chỉ là “sự tưởng tượng về lịch sử” được diễn ngôn hóa. Trước đó, Karl Popper (1902-1994), một trong những triết gia có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ XX đã nhận ra “sự nghèo nàn của thuyết sử luận” bởi các nhà sử luận không nhìn ra sự cần thiết của tính đa dạng trong những cách diễn giải (lịch sử) về cơ bản tương đương nhau. Cùng với đó, những thành tựu trong vật lí học hiện đại đã chứng minh một sự vật có thể mang những đặc tính hoàn toàn trái ngược nhau. Chẳng vì thế mà Niels Bohr, một trong những nhà vật lí học vĩ đại thế kỉ XX, đã phải thốt lên rằng: “Đối lập là bổ trợ”. Điều này có nghĩa, trong sáng tạo về đề tài lịch sử, những diễn giải đối lập nhau không phải là để triệt tiêu nhau, mà bổ trợ nhau trong việc hình thành một nhận thức đúng của chúng ta về sự vật, tức càng giúp chúng ta tiến gần sự thật. Các góc nhìn càng phong phú thì cơ hội tiếp cận sự thật càng nhiều. Chính nhờ quan niệm “đối lập là bổ trợ” này mà sự phán xét với các quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trở nên bớt khắt khe hơn. Theo tôi, về phía người sáng tạo lẫn người tiếp nhận, cần phải chấp nhận, mọi diễn giải đều bình đẳng như nhau, miễn sao chúng được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử và quan trọng là thuyết phục được cộng đồng diễn giải.
Trên thực tế vẫn tồn tại quan niệm về “sự diễn giải lịch sử chính thống” duy nhất đúng, lấn át, chi phối những diễn giải khác. Nó tạo nên sự độc quyền về tiếng nói, về chủ thể phát ngôn, về chân lí tuyệt đối trong phán xét lịch sử. Tuy nhiên, với tinh thần dân chủ ngày càng được mở rộng, người ta dần quen sự tồn tại cùng lúc nhiều tiếng nói khác nhau. Khi đó, sự tiếp nhận các quan điểm khác nhau, những diễn giải từ những phía trái ngược nhau như anh nói (phía thua cuộc hay “lịch sử dân gian”) trở nên bình thường, không có gì mâu thuẫn, thậm chí rất đáng được hoan nghênh.

Một trong những tiến bộ trong văn học đây là sự cởi mở, dân chủ, đối thoại đã thành xu hướng chung. Cả trung tâm và ngoại biên đều được quan tâm, các tác phẩm văn học đề tài lịch sử cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đã có những cuộc đối thoại thẳng thắn với lịch sử qua con mắt nhà văn. Những khoảng trống lịch sử đã được bổ khuyết, đưa ra ánh sáng, ví dụ thời nhà Mạc, nhà Hồ… và những nhân vật lịch sử thường bị mờ khuất như Hồ Quý Ly, Gia Long, Trần Khánh Dư… đã được mang ra soi chiếu trên nhiều góc cạnh.

+ Đúng vậy. Sáng tạo trong không gian tinh thần mới giúp nhà văn hôm nay có quyền bày tỏ công khai sự thức nhận của cá nhân trước những chân lí tưởng như bất di bất dịch, nghi ngờ những tín điều, giải thiêng các thần tượng, đề xuất những chuẩn mực, giá trị mới… Với mong muốn nhận chân quá khứ một cách sâu sắc và toàn vẹn, nhiều khoảng trống “nhạy cảm”, nhiều nhân vật “có vấn đề” được mang ra soi chiếu, phản biện, đối thoại dưới nhiều góc độ. Không có một thứ chân lí lịch sử duy nhất, không có một diễn ngôn thống trị, trung tâm, mà chỉ có lịch sử trong cảm nhận, hình dung chủ quan của cá nhân nhà văn, và sự tồn tại đa dạng, bình đẳng của các diễn ngôn về lịch sử. Từ đây mở ra chân trời mới cho những tưởng tượng và diễn giải lịch sử, làm xuất hiện nhiều khuynh hướng, cùng những lối viết độc đáo, mới lạ. Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn khơi mở từ phía khuất lấp, bí ẩn, “bề sâu, bề sau, bề xa” bằng điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại.

– Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng liệu anh có thể nhận định về những tác phẩm văn học đề tài lịch sử của các nhà văn thế hệ trước và những nhà văn trẻ hiện nay. Và nếu có thể, giữa các nhà văn trong nước và các nhà văn Việt kiều/nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam, ví dụ trường hợp Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Trần Vũ, Yveline Féray…

+ Về một vài phương diện, lực lượng người viết trẻ vẫn chưa sánh kịp thế hệ đàn anh: vốn sống chưa nhiều, cảm quan về lịch sử chưa thật sâu sắc, còn ít những tác phẩm mang chiều sâu tư tưởng, triết học, lịch sử, văn hóa. Nhưng ở họ, chúng ta dễ dàng cảm nhận khát khao đổi mới, ý thức vượt thoát mọi khuôn khổ và dám dấn thân tới cùng với những thể nghiệm nghệ thuật của mình. Với khả năng nhạy bén với cái mới, người trẻ có thể tiếp thu nhanh chóng những thành tựu của người đi trước, thể nghiệm nhiều kĩ thuật, lối viết hiện đại từ phương Tây. Tôi tin rằng, trong không gian tinh thần mới, chính họ sẽ sáng tạo nên những sinh thể nghệ thuật mới mẻ, đầy sức sống và ở một khía cạnh nào đó có thể vượt lên trên các thế hệ đàn anh.

Với các nhà văn nước ngoài (Yveline Féray) hay những nhà văn Việt Kiều (Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Hoàng Khởi Phong, Trần Vũ)…, từ nhãn quan phương Tây, họ có những cái nhìn “từ bên ngoài” vào “bên trong” lịch sử, xã hội, văn hóa, con người Việt Nam. Sống và viết trong môi trường hiện đại, cái nhìn về lịch sử của họ trở nên thông thoáng, cởi mở hơn; lối viết/kĩ thuật viết có nhiều tìm tòi, đổi mới; cách viết cũng mạnh bạo, tự nhiên hơn. Họ có thể “tung tẩy” ngòi bút để chăm chú khai thác, trưng ra những bí ẩn riêng tư, thầm kín của cái tôi cá nhân. Không ít tác phẩm mang lại cái nhìn mới mẻ, thú vị về sự kiện, nhân vật lịch sử, mang chiều sâu suy tư triết học, văn hóa, bản thể con người (Vạn xuân, Lãn ông, Đất trời, Gió lửa…), tuy nhiên vẫn còn đó một vài sáng tác gây sự phản cảm, ví như một số truyện ngắn của Trần Vũ (Mùa mưa gai sắc, Gia phả). Với quan niệm “lịch sử trong tiểu thuyết, một tùy tiện ý thức”, sự hư cấu của tác giả đôi khi “vượt ngưỡng”, khiến nhân vật lịch sử bị biến dạng, nhiều lúc rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Theo quan điểm của tôi, một khi các yếu tố bản năng bị dịch chuyển khỏi các giá trị văn hóa của cá nhân và cộng đồng, thì con người sẽ đánh mất đi nhân tính, biến thành một sinh vật tầm thường và văn học mất đi ý nghĩa tồn tại đích thực của nó.

– Và cuối cùng, là một người nghiên cứu văn học nói chung và theo dõi sát mảng đề tài lịch sử, anh có những dự đoán gì về thể tài này, từ khuynh hướng, cách tiếp cận, cách viết…

+ Theo như quan sát của tôi khoảng mươi năm trở lại đây, lịch sử vẫn là đề tài được đặc biệt quan tâm trong văn học phương Tây. Phần lớn các tác phẩm đều có xu hướng lật lại quá khứ để lí giải những căn bệnh của xã hội đương đại, nhất là sự đổ vỡ của những giá trị đạo đức. Và theo tôi, đây sẽ là xu hướng của văn học sáng tạo về đề tài lịch sử trong tương lai. Bằng cách đặt lịch sử trong/dưới tầm nhìn hiện đại, các tác giả buộc người đọc phải trăn trở, suy tư, hòng truy tìm bản thể con người trong quá khứ nhằm đối diện với những vấn nạn của cuộc sống thực tại. Muốn được như vậy, cùng với việc đổi mới tư duy, quan niệm sáng tác, các nhà văn buộc phải tìm kiếm hình thức mới, mở rộng đường biên thể loại, đa dạng hóa cách tiếp cận và không ngừng đổi mới diễn ngôn tự sự lịch sử nhằm chiếm lĩnh, giải mã hiện thực lịch sử và tâm hồn con người có chiều sâu. Có như vậy, sáng tạo văn học về đề tài lịch sử mới thật sự có được vị thế riêng của mình trong sân chơi văn học đương đại vốn bề bộn, ngổn ngang, phức tạp; và nhất là đáp ứng được thị hiếu, tầm đón nhận, sự hoài vọng lớn lao của cộng đồng diễn giải hôm nay.

Cảm ơn anh về cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn này!

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version