Trong mùa lễ hội năm nay, chúng tôi về với Hội Lim (trị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để tìm hiểu sức sống của Quan họ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại khu vực trung tâm lễ hội ở đồi Lim, Ban tổ chức đã tổ chức hát quan họ tại 6 lán và trên sân khấu chính của lễ hội, hát tại cửa đình, cửa chùa, dưới thuyền tại 10 làng thuộc 3 xã xung quanh đồi Lim, các lán này sẽ có các nghệ nhân, câu lạc bộ từ các làng quan họ gốc về hát. Trên các sân khấu, dưới thuyền rồng, bên cạnh các nghệ nhân lớn tuổi, xuất hiện không ít các liền anh liền chị trẻ tuổi say sưa hát các điệu quan họ ngọt ngào. Thành quả này là nhờ các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đã nỗ lực bảo tồn và phát huy quan họ từ hàng chục năm trước, đặc biệt được đẩy mạnh từ năm 2009 khi Quan họ được UNESCO vinh danh.

 

Ý thức được điều sống còn là Quan họ được bảo tồn tốt nhất là nằm trong tâm trí của cộng đồng, nhiều năm qua, huyện Tiên Du đã tập trung khôi phục và đẩy mạnh phong trào ca hát Quan họ trong quần chúng, lan tỏa ở khắp cộng đồng. 68/68 thôn làng đều thành lập CLB, đội văn nghệ quan họ được thành lập và hoạt động tích cực nhờ khuyến khích, hỗ trợ sự hỗ trợ kinh phí của huyện. Mỗi khi có điều kiện, từ Hội Lim cho đến các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca Quan họ từ cấp cơ sở đến huyện được thường xuyên tổ chức, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia. Đó là lý do vì sao ở vùng đất Tiên Du, chẳng kể đến dịp lễ mà ngày thường, những cán bộ hưu trí, chị hàng xén cho đến những cháu bé đang học mẫu giáo lớn, ai cũng đều thổ lộ niềm tự hào về Quan họ, tình yêu với Quan họ và có thể hát không ít thì nhiều những bài hát Quan họ phổ biến. Ông Ngô Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tiên Du, cho biết: “Hiện nay, công tác truyền dạy quan họ trong các trường học, mở các lớp học cho các em thiếu nhi trên địa bàn huyện được quan tâm triển khai. Ngoài ra còn rất nhiều lớp học tại các thôn làng do các nghệ nhân tâm huyết truyền dạy miễn phí dành cho mọi đối tượng. Với cách truyền dạy bài bản về kỹ năng ca hát và lề lối của dân ca Quan họ, chúng tôi tin sau vài năm nữa, sẽ có nhiều người trẻ có nền tảng tốt từ kiến thức cho đến trình diễn Quan họ. Chúng tôi cũng đã phát hiện được một số giọng hát quan họ trẻ đầy triển vọng và sẽ có các việc làm cụ thể khuyến khích các em trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc chí ít cũng giúp các em tham gia hát Quan họ thường xuyên”.


Thoạt nhìn những sân khấu đông người xem, với làn điệu Quan họ vang lên khắp ngõ xóm ở thị trấn Lim khi vào hội thì dường như Quan họ đang “sống khỏe” hơn bao giờ hết, nhưng sự thực thì còn đó rất nhiều nỗi lo với những người tâm huyết với Quan họ. Trò chuyện với nhiều nghệ nhân, chúng tôi mới biết một thực trạng đáng lo là lớp trẻ ngày càng ít người học hát quan họ cổ. Phần lớn những người trẻ chỉ học hát dăm ba bài Quan họ phổ biến để đi “giao lưu”, để cho người khác biết mình là người Kinh Bắc, còn quan họ cổ thì khó học, thời gian eo hẹp và cũng vì không lấy việc hát làm nghề hay làm vui nên theo học cũng chẳng để làm gì. Chính vì thế những liền chị hát vững quan họ cổ đã lên chức bà nội, bà ngoại may mắn lắm cũng chỉ “tuyển” được vài ba học trò đã qua tuổi… tứ tuần. Những thách thức kể trên chắc sẽ không quá khó giải quyết khi Bắc Ninh là tỉnh thu ngân sách thuộc hàng đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, cần phải có cách làm đúng hướng và kiên trì thì di sản tinh thần vô giá của địa phương này mới được giữ vững. Đừng để năm nào khai mạc Hội Lim, khi cần người hát những bài hát cổ lại phải cầu viện những nghệ nhân gần 100 tuổi lên biểu diễn.


Nếu Hội Lim là trường hợp đặc biệt vì lễ hội ra đời để tôn vinh cho một hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống thì ở các lễ hội khác nghệ thuật truyền thống cũng giữ vai trò khá quan trọng. Đã qua cái thời tổ chức lễ hội truyền thống bằng hình thức sân khấu hóa hoành tráng với hàng trăm diễn viên, trang thiết bị tốn kém, người dân-chủ thể của lễ hội bị gạt ngoài lề, chỉ là khán giả thuần túy. Ngày nay, việc phục dựng lễ hội dân gian trở về đúng bản chất là lễ hội của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, đi dự các lễ hội truyền thống nhiều năm qua, ai cũng thấy có một thực tế là ban tổ chức lễ hội ngoài chú trọng việc làm lễ tế, lễ rước, tổ chức các trò chơi dân gian mà lại thường không chú trọng các hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Trong một lễ hội chia ra phần lễ và phần hội, không chỉ phần hội mới có hát văn, hát chèo, rối nước…, mà ngay cả phần lễ đôi khi có múa tôn giáo chẳng hạn như là một cách để giao tiếp với thần linh cũng chưa được để ý phục dựng.


Câu chuyện phục dựng lễ hội dân gian sẽ còn nhiều tranh cãi bởi có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, phục dựng cần nguyên bản; ngược lại, những tục lệ trong lễ hội không phù hợp với đời sống hiện đại thì cần loại bỏ. Nhiều năm trước người ta còn cãi nhau như “mổ bò” là đi hành lễ ở các địa điểm thờ Mẫu thì có cho phép tổ chức hầu đồng, hay người đến hành lễ chỉ thắp hương cầu khấn rồi ra về? May là theo thời gian, nhờ những nghiên cứu bài bản về tín ngưỡng thờ Mẫu, người ta dần phân biệt đâu là hầu đồng để phục vụ hoạt động tâm linh thuần túy, đâu là hoạt động mê tín dị đoan. Bây giờ, chẳng cần vào mùa lễ hội mà quanh năm, người ta vẫn tổ chức hầu đồng, hát chầu văn thường xuyên để ngợi ca thần linh, các anh hùng dân tộc, tổng hòa của sự bao dung, vị tha và nhân bản, khuyến khích tinh thần hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, đó là những giá trị đang được thế giới hiện đại hướng đến. Đó là lý do vì sao tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ có cơ hội lớn được UNESCO xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2016.


Trừ những nhà hát, đơn vị nghệ thuật truyền thống đóng chân ở các thành phố, các địa phương mạnh về du lịch, các loại hình nghệ thuật vẫn còn có “đất sống” thì nhiều địa phương hiện nay đang có chính sách sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống với các nhà hát nghệ thuật ca múa nhạc tạp kỹ hoặc nhà hát nghệ thuật đương đại. “Hợp” để tinh gọn bộ máy thì tất nhiên là tốt, nhưng liệu có làm “tan”, làm mất đi đất diễn của các nghệ sĩ nghệ thuật biểu diễn truyền thống hay không? Từ câu chuyện của Quan họ và hát Chầu văn, có thể thấy, nghệ thuật biểu diễn truyền thống cần phải gắn chặt với lễ hội, cần được phục dựng một cách nguyên vẹn. Ở những lễ hội làng xã với quy mô nhỏ, vẫn nên tích hợp các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống tại địa phương, theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Rõ ràng, thời nay, đa số người dân, nhất là lớp trẻ, ngày càng ít người hâm mộ các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống; nhưng ở lễ hội, đậm đặc không gian văn hóa truyền thống, các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống sẽ được tiếp nhận một cách dễ dàng hơn. Và nói cho cùng, điều quan trọng nhất của nghệ thuật truyền thống vẫn là sống trong lòng người dân.


(Nguồn: Báo Văn Nghệ- Hội Nhà văn)

Exit mobile version