Thời gian gần đây ở Huế, việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung đã trở thành một vấn đề sôi động.
Cho đến nay, công việc ấy đang được tiếp tục một cách tích cực, giới nghiên cứu đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp cận với tư liệu, thư tịch và khảo sát thực địa để đưa ra những kiến giải mới, khiến cho vấn đề ngày càng có hy vọng sáng tỏ và đã được dư luận quan tâm đánh giá đúng mức. Đó là điều đáng quý.
Trong số những cách kiến giải ấy đã có không ít ý kiến coi bài thơ Khâm Vãn Đan Dương Lăng của Ngô Thời Nhậm như là một tư liệu hướng đạo trong việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung, từ đó người ta cố vận dụng dịch học và thuật phong thủy vào bài thơ để đi đến khẳng định đây là bài đặc tả mộ Quang Trung. Quả như thế không?
Sử sách xưa cũng như người đời nay đều không còn nghi ngờ gì nữa về tình cảm của Ngô Thời Nhậm đối với vua Quang Trung, tình cảm ấy đã thể hiện chứa chan trong từng trang thơ của Ngô Thời Nhậm. Càng đọc, chúng ta càng trân trọng cái phẩm chất cao đẹp của một bề tôi tận tụy đối với một vị minh quân: kính cẩn thủy chung khi nhà vua đương tại vị, xót xa tận lễ khi nhà vua băng hà, bài Khâm Vãn Đan Dương Lăng là một minh chứng cụ thể về tình cảm ấy. Bài thơ như sau:
KHÂM VÃN ĐAN DƯƠNG LĂNG
Long ngự nan phan tử cực đường,
Kim nguyên trướng vọng cửu hồi đường,
Nhung y thần vũ lưu bằng tạ,
Phương sách anh mô địch hiến chương.
Trắc giáng hoàng linh khâm tại tả,
Bảo minh thánh dận ngưỡng đương dương.
Tài bồi thiên đức tư thù báo,
Khôn đạo vô tha lợi trực phương.
Xin tạm dịch xuôi như sau:
KÍNH VIẾNG LĂNG ĐAN DƯƠNG.
(Nhà vua) đã cưỡi rồng lên nhà tử cực, khó mà vin theo,
Buồn trông chốn suối vàng quanh co chín khúc,
Võ công oanh liệt lưu lại để làm nơi nương tựa,
Mưu lược sáng ngời đã mở đường cho khuôn phép.
Anh linh nhà vua lên xuống, kính cẩn ở bên trái,
Nghiệp thánh gìn giữ phát huy, ngửa trông theo hướng nam.
Đức trời vun đắp, phải lo báo đáp,
Đạo quẻ khôn không gì ngoài lợi ở thẳng và vuông.
Đọc kỹ, ta thấy đây là bài thơ diễn tả tình cảm của một trung thần có tài năng và trách nhiệm đối với nhà vua – một vị anh hùng – đột ngột ra đi giữa lúc sự nghiệp đang dang dở. Chúng tôi cho rằng bài Khâm Vãn Đan Dương Lăng không hề có ý mô tả lăng vua Quang Trung, lại càng không phải có những gợi ý về cấu trúc lăng mộ nhà vua trên cơ sở dịch học và phong thủy. Bởi vì:
1. Cái quý của thơ Ngô Thời Nhậm là phần lớn trên đầu mỗi bài đều có lời dẫn, đó là một cứ liệu xác đáng giúp người đọc biết được hoàn cảnh sáng tác để dễ đánh giá đúng bài thơ. Nguyên dẫn bài Khâm Vãn Đan Dương Lăng, Ngô Thời Nhậm viết:
“Đại đế vua tôi chủ ở nghĩa, cha con chủ ở ơn, cái luân lý lớn của đạo làm người thì chỉ là một. Nhưng vua biết tôi, cha biết con, đối với sự cảm kích cái ơn, nghĩa lại phải thế nào? Bài thơ trước của tôi có câu… vọng Đan Dương, do bởi được đề cử đi sứ mà thành thơ. Nay được thơ ông (tức Phan Huy Ích – PHT), lại chợt có cảm nghĩ: gần đến ngày giỗ của ông thân, bồi hồi xúc động làm được hai bài: Khâm vãnvà Cung ức theo y vần, trình ông xem”.
Như vậy bài Khâm Vãn Đan Dương Lăng được làm cùng lúc với bài Cung ức Nhị Thanh Động trong thời gian gần đến ngày giỗ của Ngô Ngọ Phong. Một bài là kính viếng (Khâm vãn) lăng nhà vua, một bài làkính nhớ (Cung ức) nơi ở của cha. Nhân ngày giỗ cha mà liên tưởng đến vua Quang Trung, đó là tình cảm chân thành của Ngô Thời Nhậm mà cũng là thứ tình cảm thường thấy ở giới nho sĩ: đạo quân thần. Từ một tấm lòng, một hoàn cảnh, hai bài thơ đã biểu lộ hai khía cạnh, hai trách nhiệm của một con người, đó là cái ơn cái nghĩa của phận làm tôi, làm con như tác giả viết. Cảm hứng để viết bài thơ chính là tình cảm chứ không phải gì khác.
2. Chữ Vãn (trong Khâm vãn…) có nghĩa là lời viếng kẻ quá cố, tỏ sự thương xót của người còn đối với kẻ mất. Cho nên Khâm Vãn Đan Dương Lăng không nên hiểu là kính đến thăm lăng Đan Dương mặc dù phải dịch là Kính viếng lăng Đan Dương. Vì vậy chúng tôi cho rằng bài thơ này không phải được viết trong hay sau khi tác giả đi thăm lăng Đan Dương về mà rõ ràng xuất xứ của bài thơ là cùng mạch cảm xúc với bài Cung ức Nhị Thanh Động như tác giả đã cho biết.
3. Có ý kiến cho bài Khâm Vãn Đan Dương Lăng là bài thơ tả lăng vua Quang Trung, nhưng xét bố cục của bài thơ trên cơ sở cấu trúc ổn định của thơ Đường luật thì không thấy câu nào là câu miêu tả lăng rõ nét. Ngoài câu phú, thừa đề và cặp kết, thường hai cặp thực và luận của bài thơ là phải miêu tả, bình phẩm đề tài chính của bài thơ, cụ thể ở đây là lăng Đan Dương, nhưng trong Khâm Vãn Đan Dương Lăng thì cặp thực và luận chỉ nhằm ca ngợi võ công, sách lược và anh đức của nhà vua. Nhưng từ tại tả(ở bên trái, bên quan trọng: nam tả nữ hữu, tả văn hữu võ…) hay đương dương (do chữ thiên tử đương dương: bậc thiên tử ngồi xoay về hướng nam, đây chỉ vua Quang Trung), ngoài ra tuyệt không có từ nào cho phép ta hình dung lăng mộ của nhà vua như thế nào dù phải hiểu theo nghĩa ẩn tương của dịch học. Rõ ràng hai cặp thực và luận của bài thơ là sự đánh giá sâu sắc của nhà thơ đối với nhà vua và vị trí của nhà vua trong lòng nhà thơ, vì thế không thể xem bài thơ nầy có ý tả lăng được.
4. Nói bài thơ Khâm Vãn Đan Dương Lăng tả lăng vua Quang Trung theo nghĩa dịch học, chắc là căn cứ vào các từ tử cực đường, cửu hồi đường và toàn câu cuối của bài thơ. Thực ra câu cuối của bài thơ thì có màu sắc dịch học nhưng cũng không phải để tả lăng, còn hai từ kia thì không.
Tử cực, tử viên hay tử viên cung là ở phía bắc của bắc đẩu (theo Tấn thư – Thiên văn chí), là nơi trung tâm của trời (theo Tống sử – Thiên văn chí), tức là nơi mà mọi vì sao phải châu về, đó cũng chỉ cái ngôi cao quý của đế vương đầy đủ oai đức, đây chỉ cái vị trí cao quý trân trọng của vua Quang Trung khi nhà vua mất. Còn cửu hồi là do chữ cửu hồi trường (theo Từ nguyên) có nghĩa là chín khúc ruột, chỉ sự đau đớn xót xa. Điều đáng lưu ý là suốt 10 bài trong tập Cúc Hoa Thi Trận của Ngô Thời Nhậm và 44 bài trong Cúc Hoa Bách Vịnh của Phan Huy Ích là hai tập thơ xướng họa của hai ông đều gieo chỉ một vần và chỉ hạn trong năm chữ Đường, Đường, Chương, Dương và Phương, D, cho nên tử cực đường, cửu hồi đường tuy có bị hạn chế do cách gieo vần nhưng kì thực cũng không ngoài những nghĩa đã nêu trên. Ta không nên vì bị ấn tượng của dịch học mà gán cho câu thơ những con số bí hiểm làm cho bài thơ vốn giản dị tươi mát trở thành khúc mắc phức tạp, sai lạc ý đồ của tác giả.
Người xưa thường ví bài thơ Đường như thể giọt sương: nhọn ở trên và tù nặng ở dưới, hình ảnh ví von ấy ám chỉ trọng lượng của bài thơ Đường tụ lại ở cặp kết, vì thế nên Phan Ngọc có lí khi cho rằng muốn dịch một bài thơ Đường trước hết hãy dịch thành công hai câu cuối. Thật thế, giá trị của bài Khâm Vãn Đan Dương Lăng cũng chính là hai câu cuối:
Tài bồi thiên đức tư thù báo,
Khôn đạo vô tha lợi trực phương.
(Đức trời vun đắp, phải lo báo đáp,
Đạo quẻ khôn không gì ngoài lợi ở thẳng và vuông).
Trong dịch học, nếu Càn là tượng trời, dương, nam, trên… thì Khôn là tượng đất, âm, nữ, dưới… Câu cuối của bài thơ, Ngô Thời Nhậm đã mượn lời quẻ Khôn trong kinh Dịch: Lục nhị: Trực, phương, đại, bất tập vô bất lợi (Hào sáu hai: thẳng, vuông, lớn, không tập mà không gì là không lợi) để tỏ bày lòng trung chính, thủy chung của mình đối với anh linh vua Quang Trung. Theo kinh Dịch, hào Lục nhị là chủ của quẻ Khôn: ngay thẳng ở bên trong là trực, vuông vức bên ngoài là phương, lại có qui mô quảng lượng nên gọi là đại, đất (tượng của quẻ Khôn) có đủ ba đức ấy thì tự nhiên không gì là không lợi (bất tập vô bất lợi). Quẻ Khôn còn ứng với bậc quân tử, là người cần đức nhu thuận, trung chính, được như vậy thì khi ứng xử sẽ không gì là không lợi. Như vậy, câu thơ là một lời hào trong dịch học, nhưng tứ thơ thì vẫn là cái tình, tình vua tôi, qua câu thơ ta còn thấy trước bao dâu bể, nhà thơ còn có dịp bình tâm để xác định chỗ đứng và trọng trách của mình, vững tin vào sự nghiệp chung của dân tộc và triều đại. Chư thiên đức (đức trời) trong câu bảy cũng chỉ là ân đức của vua Quang Trung, vì ân đức đã được nhà vua dày công bồi đắp nên kẻ trung chính phải lo cách để báo đáp, làm được điều đó mới xứng đáng là bậc quân tử đầy đủ thịnh đức nhu thuận và trung chính. Đây chính là tấc lòng, là quyết tâm của nhà thơ mà cũng là chất nặng của bài thơ.
5. Ngô Thời Nhậm là người tinh thông dịch học, đó là điều không phải bàn cãi nữa, nhưng cố vận dụng kiến thức dịch học vào việc cắt nghĩa bài thơ Khâm Vãn Đan Dương Lăng để đi đến giả thiết bài thơ mô tả lăng vua Quang Trung thì quả là thiếu cơ sở. Chúng tôi không muốn dài dòng về những con số của dịch học hay phương hướng huyệt mộ theo thuật phong thủy, bởi vì bài Khâm Vãn Đan Dương Lăngkhông hề gợi ra những con số ấy, mặt khác một ngôi mộ cổ, nhất là ngôi mộ có qui mô lớn thì ngôi nào mà không đủ các yếu tố phong thủy như long, sa, thủy, tả thanh long, hữu bạch hổ… bởi những yếu tố ấy bất quá cũng chỉ là sự tưởng tượng tùy theo địa thế và qui mô to nhỏ mà thôi. Cho nên nếu lăng Ba Vành có hội đủ những yếu tố ấy cũng chưa phải là lạ, mà cái lạ là từ một bài thơ thuần túy tình cảm đã dẫn đến việc phác thảo lăng mộ vua Quang Trung đủ phương ngang hướng dọc. Ai biết được huyệt của một ông vua nằm ở đâu dù lăng tẩm sờ sờ ra đấy, nghi lễ của bậc thiên tử khi đưa thi hài vào tẩm là đi theo một con đường ngầm gọi là toại đạo (Tunnel), nói nghi lễ chứ kì thực là giữ bí mật. Đám tang vua Quang Trung có được tổ chức theo nghi lễ ấy hay không, điều đó ta chưa dám quả quyết, nhưng chắc chắn huyệt mộ của ông cũng phải được giữ bí mật, và tất nhiên một trọng thần như Ngô Thời Nhậm càng phải có trách nhiệm bảo vệ điều bí mật ấy. Người đọc cũng thông minh như người viết thì lẽ nào chỉ một câu thơ bảy chữ mà Ngô Thời Nhậm đã công bố trọn vẹn điều bí mật đáng ra phải giữ kín ngàn năm?
Chúng tôi cho rằng nhóm biên soạn Tuyển tập thơ văn Ngô Thời Nhậm đã làm việc có trách nhiệm khi dịch bài Khâm Vãn Đan Dương Lăng, hoàn toàn không có ý bỏ quên phần tả lăng của bài thơ mà chỉ chú trọng đến mặt tình cảm. Bởi vì nội dung bài thơ chủ yếu là tình cảm, cảm hứng chủ đạo để viết bài thơ cũng là tình cảm, ngoài ra không còn gì khác.
Bài Khâm Vãn Đan Dương Lăng là một trong hai bài thơ gây nhiều dư luận ở Huế khoảng gần đây, ở đây chúng tôi không có ý làm cho vấn đề thêm phức tạp mà chỉ muốn loại trừ những giả thiết thiếu cơ sở, gói gọn dần lại, để hy vọng khi ta có phát hiện được lăng mộ vua Quang Trung thì chí ít số giấy bút chi dụng kia cũng không vượt quá số gạch vữa ngôi mộ của vị anh hùng từng nổi tiếng là một ông vua chuộng sự tiết giảm.
P.H.T.
(TCSH39/09&10-89)