Chữ “xuân” và tài nghệ của đại thi hào
Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) gồm 3.254 dòng thơ lục bát – một thể thơ đặc trưng dân tộc Việt, vì thế dễ đọc, dễ nhớ với cả những người không biết chữ. Người Việt Nam ai chẳng yêu và chí ít thuộc lòng nhiều câu thơ bất hủ của một tác phẩm thuộc loại sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ (không có trong lịch sử văn chương thế giới một tác phẩm lại có thể để người ta ngâm, vịnh, lẩy, bói như Truyện Kiều). Trong Truyện Kiều có 55 dòng thơ chứa 58 chữ xuân (trong đó có 3 dòng chứa 2 chữ xuân: dòng 424 – “Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng“, dòng 1006 – “Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài” và dòng 1294 – “Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân“). Dưới ngòi bút điêu luyện của đại thi hào Nguyễn Du, chữ xuân biến ảo trong nhiều ý nghĩa, hay nói cách khác trường nghĩa của nó rất rộng. Ngày xuân, mà không cứ ngày xuân, nghĩa là bất cứ lúc nào và ở đâu, đọc lại tuyệt tác Truyện Kiều và thong dong ngẫm ngợi nghĩa lí của chữ xuân cũng là một sự thú vị. Nói theo cách của nhà văn Nguyễn Tuân, là tìm thấy cái nhã thú văn chương trong chữ xuân. Chúng tôi nhận biết chữ xuân trong Truyện Kiều và tiến hành sắp xếp nó vào các nhóm mang sắc thái biểu đạt, biểu cảm khác nhau tùy theo đối tượng được thể hiện.
Nhóm một gồm những dòng có chữ xuân chỉ sắc đẹp của người con gái: “Làn thu thủy, nét xuân sơn” (dòng 25) và “Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai” (dòng 162). Sẽ có người thắc mắc vì sao hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân đẹp như thế (“Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười“, dòng 17 và 18) mà đại thi hào Nguyễn Du chỉ dành cho 2 dòng có chữ xuân để tả sắc đẹp của họ? Có lẽ đại thi hào muốn ngụ ý về cái quy luật khắt khe của Tạo hóa “Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” (dòng 5 và 6) chăng?! Rất có thể đây là những “nhân vật chức năng” điển hình trong văn chương trung đại Việt Nam (vì có thể xác định Truyện Kiều là một tiểu thuyết bằng thơ kiểu Epghênhi Ônhêghin của văn hào Nga thế kỉ XIX A. Puskin) nên đại thi hào sẽ nghiêng nói về chữ “hiếu” của họ!
Nhóm hai gồm những dòng thơ có chữ xuân chỉ tuổi tác, thứ bậc, các quan hệ gia đình, xã hội của nhân vật. Chẳng hạn nói về tuổi của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, đại thi hào viết “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (dòng 36). Mới tuổi ấy mà Thúy Kiều đã được Đạm Tiên (người mà “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” – dòng 66) linh báo cho biết cái kiếp đoạn trường về sau. Khi Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha nên đã cậy nhờ Thúy Vân gá nghĩa với Kim Trọng, lời Thúy Kiều bình tĩnh mà chan đầy nước mắt vì biết em gái còn rất trẻ “Ngày xuân em hãy còn dài” (dòng 731), còn có thể “Xót tình máu mủ thay lời nước non” (dòng 732). Trong nhóm hai, độc giả thấy xuất hiện nhiều chữ xuân gắn với bậc cha mẹ có công sinh thành như “Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang” (dòng 534), “Cội xuân tuổi hạc càng cao” (dòng 674), “Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng” (dòng 759), “Cởi yên đã thấy xuân đường tới nơi” (dòng 1388), “Rạng ra gửi đến xuân đường” (dòng 1497), “Xót thay huyên cỗi xuân già” (dòng 1703), “Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi” (dòng 3010). Tại sao chữ xuân lại gắn nhiều với các bậc sinh thành? Câu hỏi không khó trả lời khi ai cũng biết nhân vật chính Thúy Kiều là người tròn chữ hiếu trong cuộc đấu tranh nội tâm “Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?” (dòng 602) và nhất định là “Làm con, trước phải đền ơn sinh thành” (dòng 604). Không chỉ có mình Thúy Kiều mà tất những người con chúng ta trước cha mẹ – những bậc sinh thành cao quý – đều hành động theo sự dẫn dắt của lương tri, thực hiện bổn phận và trách nhiệm của con cái.
Nhóm ba gồm những dòng thơ có chữ xuân chỉ thời gian địa điểm câu chuyện. Mở đầu là “Ngày xuân con én đưa thoi ” (dòng 39), người ta thường gắn cánh én với mùa xuân và khi “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” (dòng 40) thì thiên nhiên mở ra huy hoàng, tráng lệ, mĩ miều với những cảnh “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (dòng 41 và 42). Và trong phong cảnh hữu tình ấy Thúy Kiều đã gặp gỡ Kim Trọng, lúc đầu như một sự ngẫu nhiên và tình cờ “Ngày xuân đã dễ tình cờ thấy nhau” (dòng 338), nhưng từ tình cờ và ngẫu nhiên đến tất nhiên, đến mức “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” (dòng 348). Sự gặp gỡ này là hiện thực, thực đến mức như thể có thể “sờ mó” được, nhưng đôi khi Thúy Kiều vẫn cứ cảm thấy thảng thốt đến ngỡ ngàng “Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng” (dòng 440). Khi Thúy Kiều tìm đến em gái Thúy Vân để cậy nhờ, kí thác việc nghĩa thì “Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân” (dòng 713). Nhìn thấy cảnh đó mà Thúy Kiều như tan nát cõi  lòng vì em gái mình vẫn còn quá trẻ, nếu không nói là còn bé, mà đã phải nhận gánh trên vai một trọng trách, có thể nói là quá sức (vì giấc xuân là giấc ngủ của trẻ nhỏ, mà trẻ nhỏ thì như búp trên cành, chỉ cần “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”).
Nhóm bốn gồm những dòng thơ có chữ xuân chỉ lễ hội, thi cử như “Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân” (dòng 46), dường như khung cảnh lễ hội chỉ được lướt qua, chỉ như một đường viền của bức tranh, vì cuộc đời đầy những cạm bẫy đã giương sẵn chờ đón Thúy Kiều – con người tài hoa bạc mệnh. Trong khi Thúy Kiều đang lưu lạc, nổi trôi với phận bạc thì ở nhà “Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày” (dòng 2860). Cả hai người đàn ông, một người tình (Kim Trọng), một em trai (Vương Quan) cùng đỗ đạt trong cùng một kì thi Hội thi Đình được mở vào mùa xuân. Có lẽ đấy cũng là một niềm an ủi lớn nhất đối với Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc, đày ải, nay gặp lại người thân yêu đều công thành danh toại.
Nhóm năm (chiếm tỉ lệ nhiều nhất) gồm những dòng thơ có chữ xuân chỉ tính tình, trạng thái tình cảm con người. Ngay ngày đầu gặp gỡ, Kim Trọng đã tìm thấy ở Thúy Kiều một phẩm tính đáng quý trọng, đó là lòng độ lượng, sự vị tha tuyệt vời nên mới dám thổ lộ “Lượng xuân dầu quyết hẹp hòi” (dòng 345). Ý thơ này không hề hạ thấp chàng Kim, trái lại chứng tỏ chàng  là người khôn ngoan một cách chân thành, tha thiết mong mỏi lòng bao dung của Thúy Kiều, chiếu cố đến tình cảm của mình. Nhưng tuyệt nhiên không xin xỏ, mà là gợi tình cảm cao quý ở “đối phương”. Rồi khi “đầu mày cuối mắt” đã qua, đã bắt đầu thấy tin tưởng và kí thác cho nhau được thì tình cảm trào dâng đến độ “Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng” (dòng 424). Sau này trên bước đường lưu lạc, Thúy Kiều đã gặp Thúc Sinh, có thể nói đó là quãng thời gian mà cả hai con người này đều đã sống hết mình với nhau vì hơn ai hết họ đã “Ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng” (dòng 1284), hơn thế “Đêm xuân ai dễ cầm lòng được ai” (dòng 1286), và thậm chí lúc có cơ hội tốt khi “Lại vừa gặp khoảng xuân đường về quê” (dòng 1292) thì Thúc Sinh chỉ còn là con người si tình đến mức “một tỉnh mười mê” nên mới “Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân” (dòng 1294). Đành rằng Thúc sinh cũng chỉ là một Sở Khanh trá hình, nhưng chí ít trong sâu thẳm tình cảm, chàng ta tốt với Thúy Kiều vì những rung động thật. Kết thúc tuyệt tác Truyện Kiều là màn đoàn viên của Thúy Kiều với người tình trăm năm Kim Trọng, và từ đây họ là vĩnh viễn thuộc về nhau, không có thế lực nào có thể chia cắt nổi. Hạnh phúc làm cho Thúy Kiều “Dưới đèn tỏ dạng má đào thêm xuân” (dòng 3142). Bây giờ Thúy Kiều lại đánh đàn cho Kim Trọng nghe, nhưng có thể nói đây là khúc đàn êm ái nhất “Khúc đâu êm ái xuân tình” (dòng 3201). Bây giờ Thúy Kiều không  còn bị ép phải đánh đàn đến mức “bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay” nữa. Nàng đánh cho người tình trăm năm nghe và cũng đánh cho chính mình nghe khi hạnh phúc thực sự cầm nắm được trong tay.
Tuyệt tác Truyện Kiều được mở ra bằng một chữ xuân chỉ mùa xuân (“Ngày xuân con én đưa thoi“, dòng 39) và được kết thúc cũng bằng một chữ xuân chỉ hạnh phúc của cuộc đời, con người (“Vườn xuân một cửa để bia muôn đời, dòng 3240). Truyện Kiều là một bi kịch lạc quan vì cuối cùng con người đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, mặc dù có vẻ như tác giả của nó bị chi phối bởi thuyết “tài mệnh tương đố”. Chữ xuân, có thể nói, tượng hình cho sức sống mãnh liệt, cho tình yêu bất diệt của con người dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Chữ xuân, mặt khác, biểu hiện tài nghệ của đại thi hào khi biến chữ thành nghĩa, vì thế mà chỉ một chữ xuân nhưng hàm nhiều nghĩa khác nhau, luôn luôn lấp lánh và phát sáng. Khi nói về tình trạng bị giam hãm, o bế của những người con gái đẹp trong những hoàn cảnh sống ngặt nghèo (ở đây là Thúy Kiều) thì đại thi hào viết “Bốn bề xuân khóa một nàng ở trong” (dòng 786), khi nói về mối tình đầu của Thúy Kiều với Kim Trọng – mối tình đã làm chỗ dựa tinh thần cho nàng vượt qua biết bao nhiêu cửa ải đời sống – chữ xuân lại hóa thân vào trong câu thơ “Cành xuân đã bẻ cho người tình chung” (dòng 1262). Nếu nói văn chương – và đặc biệt thơ – là nghệ thuật ngôn từ, thì Nguyễn Du là một bậc thầy ngôn từ. Bởi thế, chữ trong tay ông bỗng trở nên đa nghĩa, trở nên lấp lánh và phát sáng khiến cho tác phẩm vừa là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất tuyệt đối vừa gợi cảm đến độ thâm sâu nhất, chữ trở nên có linh hồn.
Nhưng vì sao đại thi hào lại dành nhiều chữ xuân nhiều để nói về cõi nhân sinh, thế tục ở trần gian hơn là về tạo vật thiên nhiên? Cũng không khó giải thích tương quan này vì ngay mở đầu kiệt tác Truyện Kiều tác giả đã viết “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng/ Lạ gì bỉ sắc tư phong/Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” (dòng 3, 4, 5 và 6). Mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều đúng là một “bể dâu” với biết bao tủi nhục, ê chề đau đớn, với biết bao phù du và vô nghĩa lí. Nhưng cuối cùng Thúy Kiều đã vượt qua được tất cả các cửa ải (cả thể xác lẫn tinh thần), để trở về sống cuộc đời khác hài hòa hơn giữa “tâm” và “thân”. Nói cách khác đó là một cuộc “tái sinh màu nhiệm” được kiến tạo bởi phép màu mà đại thi hào Nguyễn Du tạo ra. Trong một kết thúc “có hậu” theo thi pháp văn học trung đại Việt Nam, người tốt cuối cùng được hạnh phúc, Thúy Kiều đoàn viên với Kim Trọng “Vườn xuân một cửa để bia muôn đời” (dòng 3240). Cái kết này phù hợp với tâm lí dân tộc, không chỉ trong quá khứ mà cả trong hiện tại, khi mà cuộc đấu tranh giũa cái áccái thiện vẫn đang tiếp diễn trên con đường thiên lí.
Giữa thời đại của thi hào Nguyễn Du với các thi nhân Việt Nam thời Thơ mới (1932-1945) là cả một khoảng cách thời gian hơn một thế kỉ. Nhưng dường như có một sợi dây liên hệ nối ghép (vừa vô hình vừa hữu hình), xuyên suốt thế kỉ – đó là sự gặp gỡ giữa bậc tiền nhân và lớp con cháu “hậu sinh khả úy” qua một chữ “xuân” nối cả quá khứ và hiện tại.

Chiêu tuyết cho Thơ mới qua chữ “xuân”
Có một thời kì dài chúng ta định kiến một cách vô lí và đối xử thiếu công bằng với những di sản văn chương quá khứ trong đó có Tự lực văn đoàn, Thơ mới, Vũ Trọng Phụng… mà bây giờ chúng ta coi là các giá trị thuộc di sản văn hóa – văn chương trước năm 1945. Nhân dịp viết tiểu luận văn học này chúng tôi liên hệ với quan điểm của một nhà khoa học Mỹ – Giáo sư Paul Lauter – với công trình khoa học Tiêu chuẩn đánh giá nhà văn và tác phẩm (in trong sách Tiếp cận đương đại văn hóa Mỹ – Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 2001). Nhà khoa học đã thuyết phục chúng ta khi lập luận sắc bén và xác đáng “Thuật ngữ canon (tiêu chuẩn đánh giá nhà văn và tác phẩm) mới bắt đầu được dùng trong những cuộc bàn cãi về vấn đề những văn bản nào đáng được nghiên cứu, chứ không phải chỉ là những vấn đề văn bản đó viết về điều gì, chúng được tổ chức và phát huy chức năng như thế nào. Nói một cách cụ thể, phương pháp nghiên cứu cũ nhằm vào việc xem những thăng trầm về vị trí của các nhà văn. Nhưng cách làm đó hầu như hoàn toàn giới hạn trong việc miêu tả sự thăng trầm của một tác giả chứ không phân tích các yếu tố vật chất và tư tưởng vốn là gốc rễ của những thay đổi về uy tín của nhà văn. Nói một cách khác “tiêu chuẩn đánh giá tác giả và tác phẩm” nhìn một cách rộng hơn, đó là bản thân vấn đề hoặc tính xã hội học của văn học, hơn là nghiên cứu có tính phê bình – lí luận về tác phẩm văn học và tác giả”. Từ việc đề xuất khái niệm canon, nhà khoa học Mỹ đề xuất tiếp khái niệm “khảo cổ học văn chương”. Ông nhấn mạnh “Thuật ngữ khảo cổ học văn chương tôi chỉ dùng với ý nghĩa đơn giản là phát hiện lại những văn bản do một nguyên nhân nào đó đã bị lãng quên”.
Đến bây giờ thì chúng ta mặc nhiên thừa nhận Thơ mới Việt Nam 1932-1945 là một cuộc cách mạng văn chương, mở ra một thời đại mới trong lịch sử thơ ca dân tộc vốn có bề dày truyền thống. Thơ mới không còn bị đánh giá là “tiếng thở dài”, là tiêu cực, là… Tiếp cận Thơ mới có thể từ nhiều phương diện, trong đó có phương diện chữ nghĩa. Nhân việc nhận biết chữ “xuân” trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, chúng tôi có làm một phép so sánh, qua thống kê, để tìm ra vị trí và ý nghĩa của chữ “xuân” trong hơn 1.000 bài thơ được tuyển chọn công phu, được đưa vào sách Thơ mới (1932-1945) – Tác giả và tác phẩm (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998). Trước khi phân tích ý nghĩa của chữ “xuân” trong Thơ mới, chúng tôi xin đưa ra những “con số biết nói”:
– Số tác giả được chọn thơ: 81
– Số bài thơ được chọn: 1.086
– Tổng số lượt chữ xuân xuất hiện: 435 lượt
– Số tập thơ viết về mùa xuân (có chữ xuân ngay trong nhan đề): Tập thơ Xuân như ý của Hàn Mặc Tử
– Tổng số bài thơ viết về mùa xuân: 57 bài
+ Thế Lữ (2 bài): Khúc ca hoài xuân, Hồ xuân và thiếu nữ
+ Lưu Trọng Lư (1 bài): Xuân về
+ Hàn Mặc Tử (3 bài): Mùa xuân chín, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện
+ Nguyễn Nhược Pháp (1 bài): Một buổi chiều xuân
+ Bích Khê (8 bài): Xuân tượng trưng, Quán khách xuân về, Mộng Xuân Hương, Hồ Xuân Hương, Tình xuân, Xuân hồng, Đêm xuân đến thôn Vĩ Dạ nghe đàn sáo, Tinh chất ngày xuân
+ Nguyễn Bính (3 bài): Xuân về, Mưa xuân, Xuân tha hương
+ Xuân Diệu (4 bài): Nụ cười xuân, Xuân rụng, Xuân đầu, Xuân không mùa
+ Phạm Huy Thông (3 bài): Gió đêm xuân, Hương xuân, Ngày xuân
+ Hồ DZếnh (4 bài): Chiều xuân Trung Kỳ, Xuân ở quê em, Xuân ý, Xuân đôi ta
+ Huy Cận (4 bài): Xuân, Xuân ý, Chiều xuân, Hồn xuân
+ Chế Lan Viên (3 bài): Xuân về, Đêm xuân sầu, Xuân
+ Phạm Văn Hạnh (1 bài thơ văn xuôi): Xuân
+ Anh Thơ (5 bài): Chiều xuân, Đêm xuân, Ngày xuân, Đêm trăng xuân, Chợ ngày xuân
+ Đoàn Văn Cừ (5 bài): Nắng xuân, Mùa xuân, Chơi xuân, Chợ làng vào xuân, Đám cưới mùa xuân
+ Nguyễn Giang (1 bài): Xuân
+ Đông Hồ (2 bài): Cô gái xuân, Tuổi xuân
+ Quách Tấn (1 bài): Chiều xuân
+ J. LeiBa (1 bài): Người đẹp vườn xuân
+ Nguyễn Huy Tưởng (1 bài): Xuân chiến sĩ
+ Ngô Hòa (1 bài): Huế xuân
+ Huyền Kiêu (1 bài): Ý xuân
+ Thúc Tề (1 bài): Xuân lên đường
+ Yến Lan (1 bài): Đường xuân gặp gió
– Những bài thơ chứa nhiều chữ xuân nhất:
+ Mai rụng của J. LeiBa (19 chữ xuân)
+ Năm qua của J. LeiBa (15 chữ xuân)
+ Xuân không mùa của Xuân Diệu (12 chữ xuân)
+ Cô gái xuân của Đông Hồ (11 chữ xuân)
+ Người đẹp vườn xuân của J. LeiBa (8 chữ xuân)
+ Cây gạo của Phạm Văn Hạnh (8 chữ xuân)
+ Vội vàng của Xuân Diệu (7 chữ xuân)
+ Nhớ thương của Hàn Mặc Tử (5 chữ xuân)
+ Mưa xuân của Nguyễn Bính (5 chữ xuân)
+ Dịu nhẹ của Vũ Hoàng Chương (5 chữ xuân)
+ Lòng son sắt của Phạm Huy Thông (5 chữ xuân)
+ Xuân về của Chế Lan Viên (5 chữ xuân)
+ Đặc biệt bài Tình xuân của Bích Khê chỉ có 4 dòng chứa 4 chữ xuân
*
Chữ xuân biểu cảm về tạo vật thiên nhiên trong Thơ mới, nhìn chung áp đảo (tỉ lệ 2/1) so với chữ xuân về thế sự nhân sinh, vì sao?
– Thống kê cho thấy chữ xuân biểu cảm về tạo vật thiên nhiên (thời tiết, mùa, sự tuần hoàn của vũ trụ, thời gian sống của con người…) dày đặc trong Thơ mới: xuân sang, ngày xuân, xuân về, gió xuân, trăng xuân, đêm xuân, chiều xuân, tầm xuân (hoa), én xuân, nẻo xuân, hoa xuân, xuân mới, mưa xuân, trời xuân, xuân qua, đầu xuân, sông xuân, xuân nở, màu xuân, khí xuân… Rõ ràng cảm thức về vũ trụ, về tạo vật thiên nhiên là cái giá đỡ cho Thơ mới thoát khỏi sự chông chênh, sụp đổ như theo cách hiểu cũ, thiển cận trước đây của chúng ta. Nói cách khác cảm xúc về vũ trụ làm cho Thơ mới có sức thoát tục, bay lên.
– Trong cái gọi là “tinh thần thoát li thực tại” (trước đây bị coi là tiêu cực), Thơ mới lại có một ưu điểm là tìm lối thoát vào tự nhiên (ở đây là thiên nhiên). Vì thế không có gì lạ khi thiên nhiên tươi đẹp (mà xuân là một biểu tượng) phủ khắp Thơ mới, thi sĩ tìm thấy thiên nhiên như là nơi trú ẩn thanh sạch nhất, tĩnh tâm nhất cho những tâm hồn đang bế tắc tột độ (nói như Chế Lan Viên “tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”). Hóa ra qua một chữ xuân mà chúng ta có thể “chiêu tuyết” cho Thơ mới vốn một thời gian dài bị coi là yếu đuối, bạc nhược, thậm chí độc hại!? Xuân là biểu tượng cho sự sống, sự sinh thành, xuân trong mắt thi sĩ cũng như một sinh thể, có đôi khi, đạt tới mức “chín” như trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử. Xuân đến, xuân sang, xuân tới thường gắn với những hình ảnh quen thuộc như hoa đào, câu đối, và khi cần là một cô gái đẹp, nhưng với thi sĩ họ Nguyễn này thì “Trên giàn thiên lí – Bóng xuân sang“. Sự độc đáo của thơ ca chính là ở đây, nơi nhà thơ cảm theo cách của mình và thể hiện cũng theo cách rất riêng. Cảm xúc về một “mùa xuân chín” nên cái nhìn của thi sĩ với tạo vật thiên nhiên và cuộc đời thật sinh sắc “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lí – Bóng xuân sang“. Có thể nói thi sĩ là người duy nhất nhìn thấy một mùa xuân chín mọng giữa thiên nhiên và giữa lòng người. Viết như thế ai dám bảo Hàn Mặc Tử là “thi sĩ điên”?!
– Một nhà thơ như Bích Khê trong một thời gian dài bị “lãng quên” một cách bất công, với nhiều tai tiếng trên văn đàn theo quan niệm phiến diện và cực đoan của chúng ta (rằng đây là “thơ lõa thể”). Nhưng chính nhà thơ này yêu cuộc đời, yêu con người, yêu tự nhiên hơn ai hết, thi sĩ đã viết đến 8 bài thơ về xuân (như con số thống kê đã nêu ở trên). Trong bài thơ Xuân tượng trưng thi sĩ viết “Hồn tôi như đỉnh hương/ Bốc lên mình thánh giá/ Ý xuân mát đến xương/ Ngậm tuyết phun lã chã“. Đi tìm một câu thơ thứ hai viết như Bích Khê là không thể “Ý xuân mát đến xương” (người ta thường nói lạnh thấu xương). Như thế với thi sĩ mùa xuân là bất tử, mùa xuân có mùi thơm như hương khói, mùa xuân có thể xúc giác được nên mới cảm thấy “mát đến xương”. Đặc biệt hơn bài thơ Tình xuân của thi sĩ chỉ có 4 dòng mà chứa đến 4 chữ xuân “Ngày xuân ai chẳng lại/ Chơi xuân một nhành mai/ Gió xuân rơi hoa hết/ Tình xuân dễ lợt phai“. Thơ tứ tuyệt là dồn nén tối đa, muốn thế tứ thơ phải vừa mới mẻ, độc đáo vừa tạo cơ chế đặc biệt để sắp xếp câu chữ cho thật sát sao, hợp lí.
– Một bài thơ hay như Mai rụng của J. LeiBa chứa đến 19 chữ xuân, kể ra     đã là một hiện tượng kì lạ với những câu thơ thấm đẫm tâm trạng “Xuân buồn như nhắc cảnh xuân vui/ Gió thổi lay cành rụng quả mai/ Thương dấu xuân tàn nghiêng giỏ hốt/ Thương xuân, xuân hỡi, có thương người?. Nhìn mai rụng mà như thấy bước đi của tạo hóa, nhìn thấy quy luật sinh thành và hủy diệt của vũ trụ, nhìn thấy tự nhiên mà liên hệ tới xã hội. Thơ hay giàu sức liên tưởng chính là như thế.
– Ngay Vội vàng (có 7 chữ xuân) của Xuân Diệu là một bài thơ thấm đậm tinh thần hiện sinh trong cái triết lí sống gấp, sống với thời gian vốn vô tình nên con người phải chủ động, chúng ta cũng thấy cảm thức về xuân của thi sĩ thật mới mẻ và hiện đại vì “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân“. Ý thức về phạm trù thời gian sống là dấu hiệu phân biệt con người biết cách tri nhận quy lật sinh tồn “Xuân đương tới nghĩa là xuân đã qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân đã già/ Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất“. Sống gấp, sống hết mình cũng là một phẩm chất của con người hiện đại, và quan trọng hơn là sống chân thành với tất cả những gì không xa lạ với con người. Một lời tuyên bố “xanh rờn” bằng thơ “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!. Nếu thanh niên yêu thích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì thi sĩ đã sống hộ họ, nói hộ họ và tuyên ngôn hộ họ rất nhiều. Xuân Diệu vì thế xứng đáng được tấn phong là “thi sĩ của tình yêu”.

Khó tìm thấy chữ “xuân” trong thơ đương đại, vì sao?
Một thống kê ngẫu nhiên qua hai tập thơ Khát (Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2007) của Vi Thùy Linh và Rỗng ngực (Nxb Văn học, Hà Nội, 2005) của Phan Huyền Thư, những tác giả đang được tung hô là những người “cách tân” thơ Việt!? Tập thơ Khát của Vi Thùy Linh gồm 56 bài (như thế là dày dặn), chỉ có một chữ xuân trong câu thơ Cả mùa xuân nghiêng mình thao thức (bài thơ Sóng). Tập thơ Rỗng ngực của Phan Huyền Thư có 24 bài thơ, chỉ có một chữ xuân, nhưng là tên người không được viết hoa trong một câu cộc lốc “viết xuân giương tên” (được chú thích ở cuối bài là: Liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân – anh hùng lực lượng vũ trang với câu nói bất hủ “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”). Thơ đương đại, đặc biệt là thơ trẻ, sáng tác theo tinh thần “hậu hiện đại” nên cảm thức về tạo vật thiên nhiên bị hạn chế tối đa, người làm thơ chủ yếu đào bới cái tôi khép kín, cái tôi xa lạ hoàn toàn – thậm chí đối lập gay gắt – với cái ta, là điều không khó giải thích.

Hà Nội, 10-2012
B.V.T

Nguồn tin: TCNV 02-2013