Minh Vũ ( tổng hợp)

“Lolita” được xem là cuốn sách của Nabokov được độc giả biết đến nhiều nhất, nhưng “Pnin” mới là tác phẩm đã tạo dựng danh tiếng cho ông với vai trò một nhà văn sử dụng ngôn ngữ Anh độc đáo.

Theo đó, Pnin là tiểu thuyết thứ 4 được viết bằng tiếng Anh của Nabokov. Từ khi bắt đầu xây dựng nhân vật Pnin, Nabokov đã có kế hoạch viết một loạt những câu chuyện về nhân vật này, để đăng trên tờ New Yorker, sau đó sẽ tập hợp lại thành một cuốn sách, nhằm đảm bảo thu nhập cho ông trong khi ông tìm cách liên hệ với các nhà xuất bản để in Lolita. Khi Nabokov gửi bản thảo tiểu thuyết Pnin hoàn chỉnh cho vài nhà xuất bản của Mỹ vào mùa thu năm 1955, họ đã từ chối vì lý do là “quá ngắn”. Đến tháng 8/1956, Doubleday đã đồng ý xuất bản cuốn sách. Pnin chính thức có mặt trong các hiệu sách của nước Mỹ vào tháng 3 năm sau, và nhanh chóng nổi tiếng.

Ngay lập tức, Pnin tạo được cơn sốt trên đất Mỹ, biến Nabokov trở thành tác giả nổi tiếng. Ngay tuần thứ hai sau khi ra mắt, Pnin đã được tái bản và Nabokov được tạp chí Newsweek đánh giá là “một trong các nhà văn tinh tế nhất, hài hước nhất, cảm động nhất nước Mỹ ngày nay”. Pnin cũng được đề cử tranh giải National Book Award for Fiction năm 1958.

Pnin là kể về Timofey Pnin, một giáo sư lưu vong dạy tiếng Nga tại Waindell College ở New York. Tác  phẩm đã tái hiện lại một bức tranh hài hước nhưng đầy sầu muộn của tri thức Nga lưu vong, giữa cuộc sống đầy những phức tạp trên đất Mỹ hiện đại thực dụng. Nó cũng là bức tranh phản ánh trung thực nhất về cuộc đời của Nabokov.

Năm 1919, ông cùng gia đình đã tới được nước Anh và theo học tại Trinity College, Đại học Cambridge. Nabokov thành công trong việc hòa nhập với đời sống mới bằng thứ ngôn ngữ tiếng Anh hoàn hảo. Ông là một những câu chuyện thành công trong hàng ngũ những kẻ tha hương. Nabokov không chỉ sống như một nhà văn bằng ngôn ngữ mới, ông còn là tác giả nổi bật của nền văn học Mỹ hiện đại.

Tuy nhiên, trước khi Nabokov đạt được vinh quanh, bản thân ông cũng đã trải qua những bi kịch cá nhân cay đắng. Cha của ông đã bị một người Nga lưu vong khác giết. Anh trai ông, Sergei, cũng chịu sự khổ nhục và cái chết đau đớn tại một trại tập trung của Đức.

Bi kịch của gia đình cũng khiến mối tình của ông với Svetlana Siewert tan vỡ. Sau này, cuộc hôn nhân của ông với Véra Evseyevna Slonim cũng đem lại rất nhiều khốn khó cho gia đình bởi gốc gác Do Thái của bà.

Ngày 19/5/1940, Nabokov đến Mỹ không phải để tìm kiếm danh vọng và sự giàu có mà bởi sự tuyệt vọng cuối cùng để trốn thoát Đức Quốc xã, khi chúng bước chân vào Paris chỉ vài ngày sau đó.

Trước khi đến Mỹ, Nabokov đã trải qua hai thập kỷ sống lưu vong như một người đàn ông không quê hương ở Đức và Pháp. Ông, cũng giống như vô vàn những nhà văn lưu vong của thế kỷ 20 như Thomas Mann, Elias Canetti, Aleksandr Solzhenitsyn, Isaac Bashevis Singer, Czesław Miłosz và Joseph Brodsky… quá thấm thía những nỗi đau thương, nhung nhớ và mất mát của kẻ buộc phải rời bỏ quê hương, đã cùng nhau tạo nên những tác phẩm văn chương đầy day dứt về lớp người lưu vong này.

Giáo sư Pnin chính là một nhân vật khơi dậy sống động hình ảnh của một tri thức lưu vong. Nabokov đã biểu đạt sắc sảo những trải nghiệm của bản thân, đồng thời thâm nhập vào nội tâm kín đáo của nhân vật một cách đầy tinh tế, trìu mến, đã tạo nên một người đàn ông loay hoay hòa nhập với đời sống mới, khi tâm tư trĩu nặng những ưu sầu hoài nhớ về cố hương. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, ông đặc biệt nhấn nhá với những khoảnh khắc xúc cảm bất chợt rung động của Pnin. Đây cũng là cảm xúc người đọc bắt gặp hầu hết trong các tiểu thuyết của Nabokov.  Những ẩn dụ, những lớp lang trong truyện đều khiến người đọc liên tưởng đến sự cô đơn, cảm giác cần có nơi để trú ngụ để thoát khỏi sự cô đơn, lạc loài, hay chính là sự bất hạnh của thế hệ, trước những biến động của lịch sử. Tâm hồn sâu thẳm của con người vẫn là điều Nabokov cần mẫn khai mở. Pnin sống ở Mỹ, nhưng lại đắm chìm trong một không gian nước Nga mộng mơ cũ kỹ. Nước Nga ấy cắm rễ sâu trong lòng ông, thường tấn công ông bằng nỗi nhớ quặn thắt, bằng lòng hoài nghi buốt nhói và điều đó chỉ có thể gọi là cảm giác lưu vong của những con người lưu vong.

Nguồn: Văn Nghệ

 

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài