Tiểu thuyết Nền văn minh chợt tắt của Võ Xuân Tòng đã ra đời sau 7 năm thai nghén. Điều gì đã khiến một kĩ sư cơ khí chuyển sang viết văn? Nội dung/ Hình thức thể hiện thế nào mà có thể biến một khối tư liệu đồ sộ mà ai đó đã từng đọc/xem lẻ tẻ đâu đó trong các quyển sách hoặc trên mạng internet thành một cuốn tiểu thuyết giả tưởng/ triết học và mang hơi hướng hậu hiện đại? Phải chăng đó là những vấn đề của thế giới vô hình huyền bí được xâu chuỗi, những tri kiến Phật giáo được luận bàn và đốn ngộ; phải chăng đó là sự sắp xếp kết cấu truyện lồng truyện, phân mảnh, lắp ráp thông tin, sự kiện; sự đối thoại của các nhân vật xuyên thời gian, không gian; phá vỡ đại tự sự; cảm thức lo lắng, bất an của con người trước xã hội thực tại, trước thời kì mạt pháp…
Trước hết, phải nói ngay rằng đây là một tiểu thuyết có một nội dung hấp dẫn và cách thể hiện rất mới lạ.
1. Nó hấp dẫn bởi trong sâu thẳm mỗi con người chúng ta đều đau đáu những câu hỏi muôn thuở: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đến đây để làm gì? và Ta sẽ đi về đâu? Để rồi, qua mỗi trang sách, những câu hỏi dần được giải đáp. Albert Einstein cũng đã từng nói: “Cái đẹp nhất, sâu xa nhất mà con người có thể trải nghiệm được là cái cảm giác của sự huyền bí. Nó là gốc rễ của tôn giáo cũng như tất cả các nỗ lực vươn lên trong nghệ thuật và khoa học. Ai không trải nghiệm điều này thì đối với tôi, nếu không phải là một người đã chết thì cũng là một người mù. Tôi cảm thấy sung sướng khi linh cảm được điều bí ẩn này một cách ngạc nhiên, và khi tôi cố gắng vẽ được bằng tinh thần một bức tranh thô của cấu trúc cao cả này của tạo hóa trong sự khiêm tốn.” (tr. 317, Einstein, Nguyễn Xuân Xanh, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, 2007)
Sự lo lắng về một thế giới bất an, vũ khí hạt nhân, ô nhiễm môi trường, đạo đức băng hoại, sự kém hiểu biết về vũ trụ, nguy cơ nhân loại diệt vong… đã khiến Võ Xuân Tòng viết tiểu thuyết nhằm cung cấp cho người đọc có một cái nhìn đa chiều về ý nghĩa cuộc sống, cảnh báo về ngày tận thế nếu con người không hiểu biết thế giới tự nhiên, siêu nhiên, vô hình, huyền bí… mà tác giả kết lại qua “Những sai lầm thiên niên kỷ của nhân loại…” (tr.581).
Tiểu thuyết có dung lượng gần 600 trang, chia làm 6 chương chính. Tác phẩm đã xâu chuỗi tri kiến, tri thức của nhiều nhà nghiên cứu thế giới huyền bí (bao gồm cả các nhà khoa học, nhà triết học, bác sĩ, đạo sĩ, chân sư…) xuyên suốt 35 thế kỉ, từ nền văn minh sông Hằng (tk.XV – TCN) đến nền văn minh kĩ thuật số (tk.XXI). Bạn đọc sẽ nhận ra nửa bộ óc thiên tài còn lại của Albert Einstein qua tư tưởng triết học và tôn giáo (được tóm lược ở bìa cuối), đã được tác giả vận dụng suốt quá trình luận bàn về minh triết và khoa học.
Mỗi chương là một mảng kiến thức. Nội dung chủ yếu của các chương là những bằng chứng khoa học và thực tiễn. Nhưng với sự dẫn dắt ở đầu, cuối và những mục đan xen của một câu chuyện hư cấu khác (như Ngày trở về, Ngày đầu gian khó, Cuộc sống hồi sinh, Tình yêu đôi lứa, Ngày cưới, Con trai, Chuỗi ngày lo lắng) đã khiến khối tư liệu đồ sộ của nhân loại về những vấn đề huyền bí và siêu nhiên trở thành một cuốn tiểu thuyết giả tưởng hay tiểu thuyết – tư liệu, tiểu thuyết – triết học. Những vấn đề của thế giới tâm linh được tác giả khéo léo trình bày dưới dạng hội thảo khoa học trong 6 ngày, bối cảnh diễn ra tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam (mỗi ngày được thể hiện trong một chương). Nhờ hình thức hỏi – đáp giữa người nghe và người thuyết trình và kĩ thuật dẫn truyện lạ nên bạn đọc tiếp nhận được một lượng thông tin ăm ắp nhưng không cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, mà còn thấy hấp dẫn, thú vị.
Tiểu thuyết Nền văn minh chợt tắt thấm đẫm ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi ca ngợi tình yêu là cái gốc của sự sống, là nguồn năng lượng để con người tồn tại và tái sinh trong vũ trụ này. “Sách “Tử thư” của người Tây Tạng nói rất rõ, khi linh hồn nhìn thấy bố mẹ tương lai giao hợp, linh hồn nam sẽ luyến ái người mẹ, linh hồn nữ sẽ luyến ái người cha.(…). Mỗi lần làm tình là bạn đã làm một chuyến đò đưa linh hồn sang sông, cập bến làm người – Bến Trần Gian.” Tác giả cũng đã viết “Chỉ có tình yêu, từ nơi thăm thẳm giá lạnh, hơi nóng của ngọn lửa tình dục vẫn hừng hực xoắn mình xuyên thấu lớp lớp, tìm đường thoát khỏi băng sơn kì vĩ, minh chứng cho sự trở lại của thế giới bên kia.”
Đọc truyện, ta thấy được mở mang kiến thức về nhiều lĩnh vực như triết học, lịch sử, vật lý, Phật học…Đọc truyện, ta thấy tự hào về hồn thiêng sông núi của Việt Nam, tự hào về truyền thống đấu tranh của dân tộc (tr.277), tự hào về những con người ưu tú có tâm, có đức như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Đức Cần… Tác giả đã để cho một nhân vật người Mỹ thốt lên: “Tôi tin rằng những người như ngài Võ Nguyên Giáp là tinh hoa của hồn thiêng sông núi đất Việt” (tr.311)
Truyện cũng bàn về những vấn đề xã hội như dân chủ hay bình đẳng giới.
Chẳng hạn, Võ Xuân Tòng thừa nhận tri kiến Phật giáo có nhiều điểm đúng, trùng khớp với khoa học hiện đại. Mặt khác, tác giả đã phản biện lại một quan điểm của Đức Phật đó là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khi chứng minh càng ngày thế giới càng có nhiều phụ nữ làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, khi quyền lực và sắc đẹp đang tỏa sáng 24/24 trên mọi phương tiện thông tin đại chúng… Và điều thú vị là anh đã để cho chính ngài Dalai Lama XIV cảnh báo: “…Nếu không phù hợp với những kết quả trắc nghiệm thì chính những lời giảng của Phật cũng phải bị loại bỏ.” (tr.379)
2. Tôi đoán rằng, có lẽ lúc đầu Võ Xuân Tòng không có ý thức viết tiểu thuyết mà chỉ có mục đích thu thập tư liệu về những hiện tượng tâm linh mà anh chứng kiến. Nhưng chính cái nội dung đặc biệt này đã quy định cách kể có cái cảm thức hậu hiện đại (tôi chỉ dám nói là cảm thức, bởi lẽ Võ Xuân Tòng không có mục đích cách tân văn chương mà chẳng qua nội dung ấy đòi hỏi phải có nghệ thuật ấy).
Nội dung đối thoại của các nhân vật có lẽ là phần đặc biệt nhất, độc đáo nhất của tiểu thuyết này. Đối thoại cũng chính là một cách tán thành hoặc phản biện của chính chúng ta trong quá trình tìm hiểu thế giới. Và để người đọc không cảm thấy khô khan, mệt mỏi trước một lượng thông tin lớn, tác giả đã dụng công một vài kĩ thuật như sau:
Nếu một lời thoại quá dài, chứa nhiều lượng thông tin, không giống với hội thoại thực tế thì tác giả khéo léo để cho nhân vật nói: “Quý vị có thể vừa nghe vừa xem phần chú thích viết bằng chữ nhỏ dưới đây.” (tr.47). Hoặc để chia nhỏ tri thức cần trình bày, tránh cho người đọc cảm giác mệt mỏi, tác giả đã cho đan xen lời của nhân vật khác, ví dụ: Tiến sĩ vật lí nói: “Trong lúc chờ đợi ngài Lạt ma uống tách trà, tôi xin kể quý vị nghe một câu chuyện trùng lặp khác.” (tr.103). Khi nhà sư Sakya trình bày công trình khoa học của Đức Phật, ngài đã có đoạn rào đón như sau: “Quý vị đừng vội tin lời tôi nói. Chỉ xin quý vị yên lặng để tôi thuyết trình được thuận lợi, rồi tôi sẽ tùy thời giải đáp băn khoăn của quý vị. Thời gian Ban thư kí cho phép tôi nói khoảng mươi trang giấy, tôi sẽ cố gắng thu gọn trong vài trang, khái quát những nét chính. Sau buổi hôm nay, quý vị có thể tìm đọc tài liệu đang bán sẵn ngoài hiệu sách. Tôi bắt đầu với: …”. Hoặc đoạn nữ sinh viên nêu câu hỏi quan niệm về tình yêu, tình dục của ngài Osho là thế nào với Đạo sư Ấn, sau khi trả lời khá dài, tác giả đã để cho Đạo sư Ấn nói: “Nói có sách, mách có chứng, các bạn vào trang mạng internet… Bài báo viết thế này, tóm tắt thôi nhé” (tr.419).
Mặc dù tiểu thuyết này không có yếu tố giễu nhại – một yếu tố đặc trưng của văn học hậu hiện đại (vì đây là một tác phẩm bàn về một vấn đề nhân sinh nghiêm túc của nhân loại) nhưng một vài dấu hiệu khác của văn chương hậu hiện đại đã ít nhiều xuất hiện trong câu chữ của tác phẩm. Có thể nhận thấy cảm thức hậu hiện đại qua những yếu tố sau:
Yếu tố tâm linh, tôn giáo huyền bí – Không phải tác phẩm hậu hiện đại nào cũng có yếu tố tâm linh, tôn giáo nhưng những tác phẩm có yếu tố tâm linh, tôn giáo thường là những tác phẩm hậu hiện đại. Chẳng hạn như Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Vũ điệu địa ngục của Võ Thị Hảo, Đức Phật, nàng Savittri và tôi của Hồ Anh Thái… thì tiểu thuyết của Võ Xuân Tòng đậm đặc những yếu tố bí ẩn về con người trong thế giới tâm linh huyền nhiệm mà đôi khi chúng ta không thể giải thích, tại sao lại như vậy.
Cấu trúc truyện lồng truyện – Nếu như các tiểu thuyết hậu hiện đại thường có cấu trúc truyện lồng truyện thì truyện của Võ Xuân Tòng đã có yếu tố ấy. Đó là chuyện của những con người của nền văn minh thứ năm kể về chuyện của những con người của nền văn minh thứ tư (lưu ý: chúng ta bây giờ đang sống ở nền văn minh thứ tư). Truyện của hai nền văn minh cứ đan xen nhau; thời gian – không gian được lồng quyện giữa hiện tại và quá khứ, quá khứ và hiện tại. Lời của nhân vật đôi khi bị mờ nhòe với lời của tác giả.
Cách đặt tên nhân vật – Phần lớn tên nhân vật trong tác phẩm được đặt theo kiểu “cải danh” tức là cách đặt tên phiếm chỉ, không tên, không tuổi, dựa trên nghề nghiệp của họ:Triết gia Đức/ Anh/ Pháp/ Hy Lạp; Giáo sư vật lý/ toán/ Tiến sĩ Harvard; Tiến sĩ toán/ sinh học/ kinh tế; Tỷ phú Mỹ; Sinh viên IT/ Y/ Triết/ Vật lý/ Sử/ Văn/ Kỹ thuật/ Văn hóa…; Sinh viên nam, sinh viên nữ; Đạo sư Ấn; Chân sư Tây Tạng; Đặc sứ Liên Hợp Quốc/ Ban Thư kí… chỉ có vài tên cụ thể: Nhà sư Sakya, Lạt ma; nhà bác học Albert Einstein… Tên gọi “cải danh” này là khác với cách đặt tên trong văn học truyền thống và nó cũng đã được các nhà văn hậu hiện đại như Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà sử dụng nhiều như các tên: Luật Sư, Giáo sư, ông Kễnh, Thư Kí, cô Báo, chú Thơ, ông Cốp, Đại Gia…). Với cách đặt tên này, nhân vậtchínhbị “tẩy trắng” tính cách, người đọc chỉ tiếp cận nhân vật ở điểm nhìn bên ngoài. Đây chính là mục đích của Võ Xuân Tòng vì tác giả chỉ muốn người đọc quan tâm đến nội dung lời nói của nhân vật mà thôi. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là các nhân vật trong nội dung câu chuyện của những “nhân vật chính” lại có tên tuổi và địa chỉ thật. Chính vì thế, nhân vật trong Nền văn minh chợt tắt nửa có thật – nửa hư cấu, cứ hư hư – thực thực và thực thực- hư hư.
Các yếu tố liên văn bản – Nếu như một số hình thức thực hành kĩ thuật liên văn bản bao gồm: phóng tác/ chuyển thể (adatation), dịch thuật (translation), mô phỏng (imitation), điển cố/ điển tích/ giễu nhại (parody), nhại, cắt dán (pastiche, collage), nghịch đảo (anagram), ám chỉ (allusion), xoáy vặn (twisting) thì tiểu thuyết này có sử dụng hình thức ám chỉ (allusion). Khi cho các nhân vật nước ngoài (là người của nền văn minh thứ năm) đọc, hát, trích dẫn những ngụ ngôn, những bài thơ hay, những bài ca đi cùng năm tháng cùng những câu ca dao, tục ngữ (thuộc nền văn minh thứ tư), tác giả đều nhằm thể hiện một tư tưởng gì đó hoặc ngầm khẳng định rằng văn hóa, văn học giàu tính nhân văn đều là tài sản chung của nhân loại, được thâm nhập vào mọi quốc gia và không có biên giới, trường tồn mãi với thời gian. Bên cạnh đó, những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp như dòng sông quê, biển bạc đồng xanh… đã thể hiện sự tiếc nuối một thời văn minh đã mất. Có thể thấy điều này qua những dẫn chứng sau:
Tác giả đã “cài cắm” để cô sinh viên văn cho mọi người xem tiểu phẩm ngụ ngôn siêu thực “Rùa và cá chép” (tr.107). Bà ngoại Cougirl khen Sujita bằng ca dao Việt Nam (tr.213). Đạo sư Ấn đọc và trích dẫn những bài thơ của Xuân Diệu (tr.416), Hồ Xuân Hương (như Vịnh cái quạt (tr.417), Cái nợ chồng con (tr.418), Vịnh đánh đu, Thiếu nữ ngủ ngày (tr.421) và thơ Trần Đăng Khoa (tr.508 và tr.511) [Đạo sư Ấn có vẻ là một người thích thơ Việt Nam(?)]. Tiến sĩ vật lí dẫn thơ của Nguyễn Du (tr.568). Triết gia Hy Lạp cũngđọc thơ Nguyễn Du;Cougirl và Kolya hát song ca bài Tình ta biển bạc đồng xanh của Hoàng Sông Hương (tr.446); nhân vật Natasa hát bài Khúc hát sông quêcủa Nguyễn Trọng Tạo (tr.447); các thanh niên nước ngoài hát Ngày mùa của Văn Cao (tr.433). Sinh viên y trích dẫn thơ Nguyễn Du nói về mối quan hệ giữa thể phách và linh hồn (tr.500). Sujita nựng con bằng bài hát Việt“Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý (tr.553). Triết gia Đức sử dụng tục ngữ Việt “Nói phải củ cải cũng nghe” (tr.565);…
Kiểu trần thuật trung tính “thư kí hội thảo” – Giọng điệu trần thuật trung tính theo điểm nhìn kiểu “nhà văn – thư kí”, tường thuật một cuộc hội thảo khoa học, không giống như các tiểu thuyết truyền thống. Lời người kể chuyện thường được đặt trong ngoặc đơn in chữ nhỏ sau mỗi đối thoại hoặc được đóng khung cả trên lẫn dưới sau mỗi chuyển mục (tr. 31, tr. 215, tr. 331, v.v..) Lời trần thuật rất ít về số lượng (chỉ khoảng mấy chục trang trong tổng số gần 600 trang sách). Lời người kể chuyện hạn chế tham gia vào tác phẩm, không bình luận để người đọc tự nhận thức. Lượng thông tin trong các mảng tư liệu được trình bày uyển chuyển sinh động thông qua những đối thoại chủ yếu dưới dạng hỏi đáp.
Hệ thống ngôn ngữ “pha trộn”, hỗn dung thể loại – Nếu như một trong những dấu hiệu nhận biết tiểu thuyết hậu hiện đại là có sự pha trộn ngôn ngữ của nhiều hệ thống thể loại, thậm chí cả ngôn ngữ mạng (mà Đặng Thân là một trong những tác giả đi tiên phong) thì tiểu thuyết của Võ Xuân Tòng cũng có dấu hiệu này. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Nền văn minh chợt tắt không đơn thuần chỉ là ngôn ngữ giao tiếp, ngôn ngữ văn học mà có cả ngôn ngữ báo chí, báo mạng internet; trường từ vựng, thuật ngữ triết học, vật lí, toán học, sinh học, Phật học với nhiều kí hiệu, nhiều bảng biểu, con số thống kê; nhiều tranh ảnh minh họa…
Chẳng hạn, ngôn ngữ văn học được thể hiện với những thủ pháp nhân hóa, so sánh, miêu tả như: “Mưa bước xuống, đi lộp khộp trên mái lá”, “Từ trên cao nhìn xuống, Trời góp vui với người…” (tr.212); “Trên nóc nhà, mái lá phập phồng thở ra những làn khói trắng” (tr.232); “Mặt trời bụm miệng, giấu vội nụ cười sau đám mây” (tr.296); “Tia nắng lách khỏi lá cây nhìn trộm, thấy được phần da trắng hồng nơi bầu ngực cô thôn nữ” (tr.296); “Nàng Eva liền xích lại, tựa má lên vai Adam như mái lều tranh nép dưới giàn thiên lý” (tr.436); “Đất chăm lúa như chồng chăm vợ, lúa muốn ăn gì đất có ngay. Ở bên người chồng thật thà như đất, lúa yên tâm, tươi vui, nở nụ cười xanh lá mạ. Những ngày lúa trổ đòng, đất quẩn quanh bên lúa… Những lúc cao hứng, lúa uốn rễ siết đất chặt đến nghẹn. Đất vỡ ra, vỡ vụn, cười tươi roi rói. Lúa trổ bông như vợ trổ bầu” (tr.442)
Bên cạnh đó lại là những thuật ngữ khoa học, xã hội học, triết học: Nguyên tử, hiệu ứng lượng tử, nguyên tố, nhiệt lượng, năng lượng sinh học, lực hút, hạt nhân, vận tốc, quỹ đạo, hạt cơ bản, proton, neutron, electron, super.COM, cenetr.C, vũ trụ, hành tinh, thai sinh, thấp sinh, noãn sinh, hóa sinh, Xã hội chủ nghĩa, Tư bản chủ nghĩa, nền dân chủ, mất dân chủ, thực chứng luận…Thậm chí tác giả còn sáng tạo thêm những chữ mới như HC (hình cầu linh thể), PhoS, ClipS (ảnh/ clip hình cầu linh thể), VHC (tốc độ di chuyển của hình cầu linh thể), ODL (hình cầu ánh sáng tối/ hình cầu linh thể); COSMOS.BUDDHA (Tổ chức trung ương các vị Phật trong vũ trụ); MASB (Sự chuyển hóa giữa các loài chúng sinh); PerJ (Người trái đất); TheB (Thuyết nhà Phật) … (Tôi đồ rằng một thời gian sau, có lẽ giới khoa học sẽ sử dụng những thuật ngữ này của tác giả).
Nhưng đặc biệt nhất trong tiểu thuyết “Nền văn minh chợt tắt” có rất nhiều từ ngữ, thành ngữ thuộc phạm trù tâm linh Phật giáo: Thiền định, Phật khí, Bồ Tát, Tỳ-kheo-ni, chúng sinh, sinh linh, bể khổ, trầm luân, sám hối, diệt độ, hữu sinh, hữu diệt, tham dục, sân hận, ngu si, linh hồn,vong, vía, thể phách,thể xác, tái sinh, tiền kiếp, giải thoát, chân sư, đại sư, thiên nhãn, thiền niệm, ngoại cảm, thần thức, nghiệp quả, nghiệp lực, nghiệp chướng, luân hồi, cõi âm, cõi súc sinh, cõi trời Sagga, cõi trời Đế Thích, cõi trời 33, Nietban, cảnh giới, A Tỳ địa ngục, trung giới, ngạ quỷ, siêu thoát, linh thể, đầu thai, hạt xá lị, vô thức, ý thức, vô minh, vô thường, hành không, hành diệt, thế giới vô hình/ hữu hình/ song song, tôn giáo vô thần, ngoại cảm, công năng đặc dị, Mật y Tây Tạng, cận tử, chết lâm sàng, chết oan, chết chậm, ma, ma trơi, ma xó, ma cà bông, ma cà rồng, ma ăn cỗ, ma rừng, quỷ thần, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã, Kinh Veda… TheB (Theory of Buddha), (xứ) Cosmos. Buddha.Taba, Cơ trời vi mật; đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, hồn thiêng sông núi…
Cảm giác bất an về thế giới, qua tinh thần nói thẳng, nói thật, qua cách nhìn phá vỡ đại tự sự – Truyện đề cập một cách nghiêm túc về tương lai của nhân loại, cảnh báo xã hội về vấn đề ô nhiễm môi trường, khói bụi hạt nhân che phủ kín bầu trời do cuộc chiến khốc liệt giữa các siêu cường, biến đổi khí hậu, đạo đức xuống cấp, đức tin bị nghi ngờ, tình trạng tham nhũng, sự mất dân chủ trong xã hội và đề nghị nghĩ đến một tôn giáo toàn cầu trong tương lai (thống nhất Thiên Chúa giáo và Phật giáo, bởi lẽ tư tưởng của Jesus và Siddhartha có nhiều điểm tương đồng, giữa Kinh Thánh và TheB là không có mâu thuẫn)
Tiểu thuyết đã có những dòng bàn về dân chủ (tr. 342), người quan tâm đến dân chủ là lớp người trẻ, ở đây đại diện phát biểu về vấn đề này là một sinh viên sử: “Ngày nay, một dân tộc hay đất nước gọi là văn minh phải có một nền dân chủ thực sự. Một nền dân chủ thực sự ở mọi thời đều được xem xét ở lĩnh vực Tòa án. Khổng Tử từng nói: ‘Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng’. Một bản án không công bằng là một nhát dao chặt đứt dân chủ. Một gián điệp lợi hại tương đương sức mạnh của một sư đoàn tinh nhuệ. Một thẩm phán ăn hối lộ tàn phá công lí tương đương một sư đoàn ăn cắp. Mỗi phong bì là một dòng nước xói mòn đập nước. Mỗi quan tòa bất thiện là một quả bộc phá đặt dưới chân đập nước dân chủ. Dân chủ là hơi thở của xã hội. Một xã hội còn dân chủ là một xã hội sống. Một xã hội dân chủ bị mất dần là một xã hội hấp hối. Một xã hội mất dân chủ là một xã hội chết.” (tr. 342). “Nơi nào có hòa bình dân chủ, nơi ấy no ấm; nơi nào có chiến tranh, mất dân chủ là còn đói nghèo, bất công” (tr. 584). Tinh thần dân chủ thể hiện ở sự bình đẳng khi sử dụng đại từ “tôi” trong những câu hỏi thẳng thắn, trong sự chất vấn của giới trẻ với các nhà khoa học và các vị Chân sư, Đạo sư. Trong tinh thần dân chủ ấy, tác giả đôi khi cũng để cho Đạo sư và Chân sư biết nói đùa, tếu táo, hóm hỉnh.
Có thể sẽ có người nói rằng, đây chưa phải là một tiểu thuyết (theo cách hiểu truyền thống) nhưng ngày nay quan niệm về thể loại đã mở, nhiều nhà văn đang cố gắng tìm tòi thể hiện những cách viết mới. Chính vì thế mà nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy đã nói “Lý thuyết văn học luôn đi sau tác phẩm văn học”. Tiểu thuyết Nền văn minh chợt tắt được viết theo một cách khác, nhìn vấn đề khác với cách nhìn phổ quát hoặc quan tâm đến những vấn đề bị cho là “cấm kị” như “mê tín dị đoan”, phê phán cả triết học, kể cả việc nhìn nhận lại một vài quan điểm của Phật giáo… cũng là một cách phá vỡ đại tự sự. (Có lẽ vì thế mà để ra đời, tác phẩm này phải đi qua 15 lượt Nhà xuất bản và may mắn khi được lọt vào “con mắt xanh”, sự thẩm định nhạy bén của NXB. Hội Nhà văn).
3. Nếu một tác phẩm văn học hay là phải chuyển tải tới độc giả một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và bằng một cách viết mới lạ thì tiểu thuyết Nền văn minh chợt tắt đã đạt được tiêu chí này. Khi đọc, người tiếp nhận phải “ngộ” ra một điều gì đó. Câu hỏi Ta là ai, Ta đến từ đâu, Ta đến đây để làm gì, và Ta sẽ đi về đâu đã phần nào được giải đáp trong tác phẩm này. Chúng ta ngộ ra rằng một trong những tài sản lớn của nhân loại là TheB (Thuyết nhà Phật), ngộ ra rằng trong vũ trụ bao la còn có nhiều chúng sinh và những thế giới song hành. Tất cả những ai biết đến luật nhân quả, biết chết không phải là hết chắc sẽ không còn dám làm những điều ác tâm, phi nghĩa, phi đạo. Con người sẽ có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, chống chiến tranh hạt nhân. Con người sẽ hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc đời, bản chất của tình yêu và sống tốt đẹp hơn, tử tế hơn.
Một thông điệp nữa mà Võ Xuân Tòng muốn gửi đến bạn đọc là trong quá trình khám phá thế giới, chúng ta đã tự mình tạo nên kiến thức, tự mình tạo nên thế giới của mình. Chúng ta đọc các tri thức của nhân loại để tán thành hoặc phản biện bằng cách đối thoại để tìm ra chân lí. Cụ thể ở đây, sau nhiều bí ẩn lớn của nhân gian được lí giải trong “Nền văn minh chợt tắt”, thì vẫn còn một bí ẩn lớn (cuối cùng chăng?) cần phải tìm hiểu và giải mã – nếu thế giới tất yếu đi đến một tôn giáo thống nhất như Albert Einstein từng chỉ ra, đó là: Vai trò của đức Jesus trong tiến trình tiến hóa tâm linh của loài người (tr. 551-552). Chúng ta có quyền hi vọng trong số những độc giả hôm nay, ngày mai sẽ có người trả lời được bí ẩn lớn này.
Tháng Năm, 2016
Theo PGS.TS Hoàng Kim Ngọc