Tô Hải Vân

Lâu lâu chưa viết được truyện ngắn nào, lòng cảm thấy bứt rứt. Mình tịt rồi à? – Lòng tự hỏi. Chắc thế, bởi đầu rỗng, lòng rỗng.

Chiều muộn, ra công viên gần nhà đi bộ vài vòng hồ cho thư giãn. Toàn ông già bà già đi dưỡng sinh và thể dục, toàn chíp hôi rủ nhau ra công viên tâm sự và đùa cợt. Những loại này không thuộc dạng đề tài viết truyện. Có viết về mấy lão già mụ già, chả ai đọc. Đến các công ty may mặc cũng chả ai buồn sản xuất quần áo cho các cụ, các cụ đành mặc thừa của con cháu. Viết về chíp hôi, mình không đủ tài, và đã có sách ngôn tình đầy rẫy.

Thẫn thờ ra khỏi công viên, bỗng thấy một anh bán giày đang ngồi mốc meo bên vệ đường. Giống mình quá! Cũng đang mốc meo đây. Hay viết về anh bán giày?
Thế là trí não được huy động tối đa. Nghĩ, bịa ra vài cảnh, thấy thú vị, sợ quên, bèn đến gần mấy chíp hôi: “Cho chú xin mẩu giấy, mượn cái bút nào?” Chíp lục ba lô. Không có giấy, không có bút. Tuổi trẻ bây giờ có vẻ thấy những vật này là thừa. Hỏi mấy lần mới có đứa cho mượn bút, còn giấy thì xé tờ quảng cáo. Mình ghi vội mấy ý nghĩ vào tờ quảng cáo, đút túi, nghĩ bụng sẽ có một truyện ngắn.

Nhưng mình có biết gì về bán giày đâu? Thế là lang thang qua một loạt “cửa hàng” bán giày giăng đầy vỉa hè một con phố rộng. Ngắm các anh bán giày. Ngắm đủ loại hàng giày.
“Mua đi, ông anh! Giày em hàng xịn đấy.”
Tôi trề môi: “Giày tầu chứ gì?”
“Da giày Hà Nội đây này.” – Anh bán giày dí nhãn mác đôi giày vào mặt tôi. Mặt đắc thắng.
“Thôi, không mua.” – Tôi đứng dậy, đi sang hàng khác.

Nghe phía sau câu chửi đổng. Mặt hắn chắc hẳn đang biến đổi từ nịnh bợ khách hàng sang căm thù sâu sắc. Không biết hắn có đốt vía như mấy bà bán hoa quả không?

Anh nào cũng bặm trợn. Anh nào cũng như muốn lột giày cũ của người ta ra mà dí đôi giày mới vào mặt, khi hỏi mà không mua.

Thôi thì đứng xa xa mà ngắm vậy. Thỉnh thoảng lại xán lại gần, cũng ngồi chọn chọn lựa lựa, nhưng mắt không để vào giày mà để vào mặt gã bán giày.

Mất đến hàng tuần ngắm cả lũ bán giày. Vài câu chuyện vớ vẩn. Mấy câu hỏi đưa đẩy. Và hiểu: họ cũng chẳng muốn ngồi đường ngồi chợ, cũng chẳng muốn du côn du kề, hoàn cảnh nó thế. Đồng tiền nó thúc ép người ta. Vậy mình sẽ viết truyện về anh bán giày!

Thế nhưng, có mỗi anh bán giày thì buồn tẻ quá. Cho một anh khác vào đây. Anh nào bây giờ? Ý nghĩ lóe lên: cho vào truyện một anh bán sách! Cũng dân bán vệ đường.

Thực tế, bọn bán sách tránh xa bọn bán giày, vì không cùng “phân khúc thị trường”. Nhưng hề gì? Làm nhà văn thật sướng, nhặt anh bán sách nhét vào cạnh anh bán giày, thế là thành truyện. Gì chứ nghề bán sách mình có đầy kinh nghiệm.

Thế là về viết. Hình như có một thằng ngoài chợ cóc đầu ngõ nhà mình “hoàn cảnh” lắm, trí thức hẳn hoi, bị trù dập thế nào đó không rõ, nhưng bây giờ về phụ vợ rồi thành chuyên viên chính bán thịt. Nói năng văn hoa nghiêm chỉnh, tay chặt thịt bôm bốp, chặt nhát nào trượt nhát đó, chị vợ la oai oái, khách hàng lăn ra cười. Hay! Đem cậu này nhét vào đầu cậu bán giày.

Lại có ông giáo chữ nghĩa đầy mình, phụ vợ bán miến gà phở gà, lầm lầm lỳ lỳ, bê miến cho thằng gọi phở và bê phở cho thằng ăn mày. Hay! Đem ông này nhét vào đầu thằng bán sách.

Thêm khá nhiều “kinh nghiệm sống” làm hành tỏi cho món ăn đang chế biến.

Nghĩ, viết theo phong cách nào đây? Tự đáp: theo phong cách phớt đời. Hãy để cho tự câu chuyện nó diễn biến. Không can thiệp.

Thế là truyện ngắn “Bán sách và Bán giày” ra đời.

Khoe tý: truyện này được Báo Văn nghệ đăng, sau đó được chọn trong “Truyện ngắn hay năm 2010” của Báo Văn nghệ, được in ở vài tập truyện ngắn hay, rồi được dịch ra tiếng Pháp (nhờ anh Emmanuel Poisson), in ở Tạp chí “Siècle 21- Littérature & société” năm 2016.

Cô bạn biên tập viên hỏi tôi: nguyên mẫu của anh Bán sách và anh Bán giày là ai? Tôi đùa, bảo: là anh bán thịt và anh bán phở.

Là nhà văn, “nguyên mẫu” quan trọng nhất là chính mình. Thêm vào đó, mình vừa bán sách, vừa bán giày, vừa bán thịt, vừa bán phở, lại vừa là thằng ăn mày thiên hạ.

Truyện ngắn “Bán sách và Bán giày”

Đó là một vỉa hè đẹp, một nơi bán hàng lý tưởng.

Trước kia, gã vẫn bán sách ở vỉa hè gần một trường phổ thông trung học. Vỉa hè rộng và thoáng. Đằng sau là bức tường nhà trường, chẳng phạm đến ai. Nhưng đường không đông. Lũ trẻ lại không mua sách. Tiền dùng chơi game. Hoặc để ăn linh tinh những thứ rất đáng ngờ bán ở cổng trường.

Một lần đi ngang qua đây, gã đã dừng xe ngắm nghía. Vỉa hè chỗ này rộng, sạch sẽ. Đằng sau là một ngôi nhà nát trưng biển bán, hiện không có người ở, cửa ra vào thỉnh thoảng gặp gió kêu cót két. Quanh đó là mấy cái biệt thự. Thỉnh thoảng thấy ô tô ra vào, nhưng lại ra vào bên cửa ngách. Phía bên kia đường là cái công viên nhỏ. Cây cối xum xuê. Có một nhánh sông Tô Lịch, có cả hồ nước, dù bé. Bán sách gật gù, tự nhủ, về phong thủy, đây là nơi làm ăn được. Hay nhất là chưa có thằng nào xớ rớ, đoạn đường nhiều người qua lại mà lại ít cảnh sát đi tuần. Thế là gã lập tức dọn dẹp của nả sang đóng đô ở đây.

Quả là một sự dời đô đúng đắn. Ngay những phút đầu dọn đến, mới trải rộng tấm ni-lông ra vỉa hè và đang bầy sách, đã có hai chíp hôi đến mua cuốn tiểu thuyết dày khự và một ông đứng tuổi mua một cuốn học làm người. Lạ chưa? Gã nhìn “cửa hàng” của mình, thấy hài lòng. Trên vỉa hè, ngay hàng đầu, ai cũng có thể nhìn thấy những cuốn sách sáng trưng đứng cạnh nhau như điểm binh, đó chính là một chiêu marketing như sách dạy. Rồi từ hàng sau, chủng loại sách nào ra chủng loại ấy, người mua dễ lựa chọn. Nghệ thuật bán hàng rong đến thế là cùng, cuối cùng gã xoa tay tự hài lòng.

Khá nhiều khách dừng xe xuống nhòm ngó. Người đi bộ cũng sẵn lòng dừng lại ngắm nghía. Ngay ngày đầu tiên, doanh thu đã khá đến không ngờ. Giá sách mềm mại, cuốn trừ ba mươi, cuốn trừ năm mươi phần trăm giá bìa, người mua thấy sướng, người bán thấy vui.

Nhưng chỉ được dăm hôm. Đúng là mật ngọt hút ruồi, hôm thứ sáu, một thằng cha cao kều mặt lạnh tanh với đống bao tải bẩn thỉu đã uỵch đến, thản nhiên trải tấm bạt xây dựng ngay bên cạnh hàng họ của gã, bầy ra đủ loại giầy dép bít tất. Thậm chí còn có chiêu khuyến mãi độc, trương ra tận ngoài đường xe chạy tấm biển các-tông với dòng chữ cực đẹp “Đại hạ giá, mua giầy khuyến mãi tất”.

Bán sách tức tối, gườm gườm nhìn thằng bán giầy. Nghĩ bụng, ông tăm mãi mới được chỗ ngon thế này, mày không dưng đến hưởng? Lại nghĩ, đặt hàng giầy cạnh hàng sách, trông chả ra sao.

Thằng cha bán giầy lại số son, vừa bầy hàng đã lắm người mua, làm Bán sách càng tức. Chẳng lẽ ông trưng biển “Đại hạ giá, mua sách khuyến mãi giầy”?

Từ hôm đó, doanh thu của Bán sách kém hẳn. Mấy hôm liền gã để ý, thấy dân tình dừng lại đoạn đường này mười người thì có đến chín là sà vào hàng giầy, chỉ có một ngó qua sách. Nhưng một ấy cũng chỉ đứng nhìn sách độ một phút, rồi sau đó lại quay ngay sang giầy, đứng dễ đến mười phút. Nhìn thiên hạ bất công, Bán sách uất nghẹn. Nhưng cái sự ngẫm nghĩ chính xác rất con buôn trong gã lại thì thầm bảo, mẹ kiếp, nếu nó mà là anh em với mình, cùng kinh doanh với mình, trưng biển “Đại hạ giá, mua giầy khuyến mãi sách” thì chắc ăn. Nhưng nghĩ đến điều này, gã thấy xấu hổ, càng tức hơn.

Không có khách, Bán sách buồn thiu ngồi nhìn thiên hạ.

Thằng cha bán giầy rõ có duyên bán hàng. Bán sách chợt nhớ đến lời một ông khách, vốn là giáo sư, một lần lân la đến mua sách vỉa hè đã mớm cho gã châm ngôn: nhất thị, nhị tiền, tam duyên, tứ chí. Bán giầy rõ ràng hơn mình ở cái thứ nhất và thứ ba. Còn cái thứ tư thì chưa biết thằng nào hơn thằng nào.

Với ai Bán giầy cũng sởi lởi. Thì đấy, gã đang sởi lởi, vì có người khách ăn mặc tả tơi đang lúi húi chọn giầy. Khách đi một đôi giầy quá tã, vải không ra vải, da không ra da, chịu không thể biết loại gì. Một mõm còn thò cả ngón chân đen đủi ra ngoài. Hắn bò ra vỉa hè để chọn giầy. Có vẻ như không dám chọn đôi tốt, chỉ lựa đôi xoàng. “Lấy đôi này này”, Bán giầy góp ý, đưa ra một đôi trông còn tươm, “giầy dân bãi rác tái chế, nhưng còn tốt lắm”, gã nói, “giá lại rẻ”. Người khách vẫn cò kè bớt hai thêm một, rồi tặc lưỡi mua. Bán sách vẫn chú ý nhìn, thấy hắn ta thò tay vào túi quần lôi ra nắm tiền nhàu nát, đếm mãi mới xong. Hắn sung sướng lột ngay giầy cũ vứt đi. Diện ngay đôi mới. Tưng tưng đi mất.

Niềm vui ấy bất chợt lây sang Bán sách. Gã sờ sờ chân mình. Nghĩ bụng, nhân thể ngồi đây, tăm tia đôi giầy nào ưng ý, hôm nào hàng họ kha khá sẽ đổi sách lấy giầy. Rồi lại nghĩ, không biết Bán giầy có bao giờ tăm tia sách của mình không, để đổi giầy lấy sách? Liếc nhìn cái bản mặt Bán giầy, gã nghĩ, không.

Mấy ngày trôi qua. Bán giầy càng bán được nhiều thì Bán sách càng bán được ít. Dường như thiên hạ có một dúm tiền, bảo nhau mua giầy thì thôi mua sách. Hoặc là, cái duyên bán hàng của thằng cha bán giầy nó lấy hết khách của mình, Bán sách nghĩ. Sách dạy, cái gì cũng chỉ có một mức độ nhất định, thằng này nhiều thì thằng kia phải ít. Vậy là, nguyên nhân của việc không bán được hàng chính là do thằng cha kia gây ra! Bán sách thù ghét nhìn Bán giầy.
Bán giầy không biết điều đó, vẫn vô tư toác miệng ra cười.

Một hôm trời đầy mây, sương hạ xuống từ lúc khoảng năm giờ chiều. Vào giờ này trở đi thường là cái giờ có cơ hội bán được nhiều hàng nhất. Nhưng hôm nay lành lạnh, gió mùa Đông Bắc về, thiên hạ cắm cúi đi, chẳng ai để ý đến cả sách lẫn giầy.

Bán giầy nhấp nhổm không yên. Có vẻ như sự yên lặng là cực hình đối với gã. Gã nhìn những người đi đường thờ ơ, thấy chán quá, thấy cái mồm để yên đã lâu quá, đành quay sang nhìn Bán sách, mong Bán sách bắt chuyện với mình. Đã lạnh, mồm lại để yên, thật khó chịu. Nhưng nhìn mãi nhìn mãi mà Bán sách vẫn vác mặt nhìn ra đường, không thèm nhìn lại đến nửa cái. Cuối cùng Bán giầy không chịu đựng được nữa, liền gọi với sang:
– Này này!

Bán sách biết, nhưng không thèm trả lời. Cơn tức vẫn còn đó.

Bán giầy trề môi, không thèm gọi nữa.
Trời tối dần.

Bán sách và Bán giầy thằng nào chuẩn bị đèn ống chạy ắc-quy của thằng ấy. Bán giầy chăng đèn ống ngang. Còn Bán sách chăng dọc.
– Đôi kia được đấy! – Đột nhiên có giọng nói eo éo cất lên.

Bán sách giật mình, ngẩng đầu. Thấy ba thằng trẻ tuổi dàn hàng ngang đang đứng trước hàng giầy. Một thằng trông còn ra hồn người. Hai thằng kia oặt oẹo nghiêng ngả, giơ tay chỉ trỏ. Thoáng nhìn cũng biết ba thằng nghiện. Ánh sáng trắng của bóng nê-ông quyện lẫn ánh sáng vàng của đèn đường làm vẻ mặt ba thằng trông như ma. Loại này chắc chắn không mua sách. Mời chúng mua sách có khác gì mời sư mua thịt chó. Đụng vào lũ này chỉ thiệt, không ăn kim dính máu ết thì cũng ăn chửi, lại những ba thằng! Nhìn Bán giầy, thấy gã vẫn có thể tươi cười, mắt tia theo cái chỉ tay của khách, nhặt ngay một đôi giầy da bóng lộn mũi dài như một con thuyền. Thằng có hồn người sỏ ngay đôi giầy vào chân. Gật gù hài lòng. Thấy vậy, hai thằng oặt oẹo cũng chọn hai đôi khác, cũng đi vào chân, cũng gật gù. Sau đó, cả ba thằng vứt uỵch uỵch ba đôi cũ rích vào giữa hàng giầy đang bầy ngay ngắn, hô hố cười, bảo:
– Chúng ông đổi cho mày đấy!

Rồi chúng kéo nhau đi. Được mấy bước, quay lại. Tịch thêm ba đôi tất. Rồi mới chịu đi hẳn.
Bán giầy ngồi trơ, nhìn trời, cười ruồi. Hai bàn tay gã để lên hai đầu gối trong tư thế ngồi xổm, nom rất buồn cười.

Cho mày chết nhé, Bán sách nghĩ. Ít nhiều, trong lòng gã cũng hả hê. Sau vụ này, giá mà mày biến đi chỗ khác thì tốt, Bán sách lại nghĩ. Nhưng gã cũng không thể không liếc nhìn Bán giầy. Tò mò. Muốn xem Bán giầy sẽ xử sự ra sao.

Chẳng ra sao. Bán giầy nhặt ba đôi giầy bẩn bọn kia vứt lại, xếp gọn cạnh đống rác chưa hót trên vỉa hè cách đấy không xa. Rồi lẳng lặng xếp lại những đôi giầy còn lại cho thẳng hàng. Đặt lại tấm biển các-tông cho ngay ngắn. Và lại nhấp nhổm nhìn ngó người đi đường. Không tươi tỉnh, nhưng vẫn cầu mong. Xem ra kiểu này thằng cha sẽ chẳng dọn đi nơi khác, thế mới phiền. Bán sách lại thấy bực bực. Chẳng nhẽ lại ước có thêm ba thằng nghiện nữa?

Hôm sau, Bán sách đến muộn hơn mọi hôm vì con gái gã quấy. Vừa ghé xe đến nơi, liếc nhìn, đã thấy Bán giầy mỉm cười với gã. Cười cái con khỉ, Bán sách nghĩ. Gã dỡ sách ra bầy, bụng nghĩ hôm nay không biết thằng cha này có ám mình không?

Hai gã hai hàng vỉa hè cùng ngồi xuông.

Vẫn như hôm qua, hôm nay lành lạnh vì sương xuống sớm. Mặt trời khuất sau những đám mây dày chẳng đủ sức sưởi ấm vỉa hè. Người đi lại cũng có vẻ vội vã hơn. Họ nhìn đường, không nhìn sách, không nhìn giầy. Có lẽ chỉ nhìn mấy cây bàng trụi lá.

Bán sách lấy phất trần ra, phủi bụi tất cả các cuốn sách. Lúc nào ít khách gã cũng làm những động tác như vậy.

Bên kia, ngồi không một lúc, chắc ngứa tay, Bán giầy cũng giở đồ nghề ra. Bàn chải, chổi lông, giẻ, chai nước, hộp xi. Gã mở hộp xi. Tình cờ phẩy bụi đến hàng sách cạnh hàng giầy, Bán sách liếc nhìn, thấy hộp xi đã nhẵn thín, thế mà Bán giầy vẫn lấy chổi lông chấm chấm vào cái hộp xi rỗng ấy, rồi quết quết lên một đôi giầy, rồi lấy bàn chải chải mãi. Chấm chấm, quết quết, chải chải, hết đôi này đến đôi khác. Rồi lại chấm chấm, quết quết, mặc dù hộp xi đã chẳng còn tý xi nào.

Bán sách nhìn thấy thế, buồn cười. Nhưng rồi, đột nhiên gã nhớ đến dáng vẻ con gái gã vào cái hôm gã hứng lên mua cải ngồng về luộc chấm nước mắm dầm trứng gà. Dù bát nước chấm mặn chát, vì nước mắm này không phải mua ở siêu thị mà là mua chai đong ở cái cửa hàng tạp hóa xập xệ đầu ngõ, không rõ bọn mất dạy có cho thêm muối vào không, nhưng ngon quá, đến nỗi khi bát nước mắm dầm trứng đã sạch bong mà con gái gã vẫn chấm chấm quết quết… Gã nhìn lại Bán giầy, thấy dáng vẻ lòng khòng của hắn, tự nhiên thấy mình thật ác, hôm qua sao mình lại có thể vui được chứ? Mà lại còn vui suốt tối qua?

Ngồi mốc meo đến một tiếng đồng hồ mà chả ma nào hỏi. Hàng giầy đôi nào cũng đã bóng lộn. Còn phất trần đã phẩy bụi sách đến hai lần.
– Này này! – Bán giầy gọi với sang. Trong tiếng gió lạnh ào ào, tiếng gọi có vẻ khẩn thiết.

Cái thằng cha này hình như không nói không chịu được? Nhưng Bán sách vẫn không thèm trả lời. Vì, cơn tức của gã vẫn còn. Không bán được hàng, lấy tiền đâu chi bao nhiêu thứ? Bán sách liếc sang Bán giầy. Thấy gã đã lại lôi đồ nghề ra, chấm chấm quết quết.

Bán sách tự nhiên thấy bứt rứt. Chẳng hiểu sao. Gã đứng lên. Rồi ngồi xuống. Hai ba lần.

Rồi mặt trời cũng xuống hẳn. Hai gã lôi đèn ra chăng. Vẫn vậy, Bán giầy chăng ngang, Bán sách chăng dọc.

Có gì buồn hơn là ế hàng?

Xa xa tiến lại có ba thằng. Dáng lòng ngòng loèo ngoèo. Bán giầy ngước mắt nhìn. Bán sách cũng nhìn, tự nhiên thấy lo lắng. Chúng đi tới. Rồi đi chậm lại. Mắt liếc hàng giầy, đương nhiên không liếc sách. Bán sách liếc nhìn Bán giầy, thấy Bán giầy vẫn duy trì được cái cười tươi tỉnh trước khách hàng, gã thấy lạ. Lần này mà mất ba đôi nữa thì mày mang cám về ăn, Bán sách nghĩ.

Nhưng rồi, thật may, ba thằng đi qua…

Vốn Bán sách không thích nói. Đã từ lâu rất ít nói. Trong cuộc đời, gã nghiệm thấy mình càng nói càng hỏng. Dần dà cứ hai câu gã bớt một câu. Đến lúc cần lắm gã mới nói. Nhưng bây giờ, có lẽ lại đến lượt Bán sách không chịu đựng được nếu như không nói. Gã buột miệng:
– Này này!

Khác với Bán sách, Bán giầy quay đầu hưởng ứng ngay:
– Gì cơ?
– Không có gì. – Bán sách nói.
– Dù sao thì cũng đã nói. – Bán giầy sởi lởi. – Lúc đầu, tôi cứ tưởng ông câm.

Bán sách phì cười.
– Và cũng biết cười. – Bán giầy lại nhận xét tiếp. – Lúc đầu phát khiếp, mặt ông như lưỡi lê ấy.

Thế ư? Bán sách ngẩn ra. Gã không ngờ. Cái mặt mình, có lúc nom lại ác đến thế? Xưa nay, gã cứ nghĩ gã hiền. Xem ra chẳng hẳn. Nhưng, thực sự, tự thấy hiền. Hiền đến đụt. Ngày xưa, khi bị hất khỏi ngôi trường phổ thông cơ sở, rồi đi đâu cũng chẳng xin được việc làm, gã đã từng nghĩ mình là đồ thừa ế. Như đống sách ế này vậy. Buồn. May có người quen bảo lãnh cho việc nhận sách đi bán, gã mới thấy đời tươi hơn. Gã nghĩ, mình đã từng đọc nhiều sách, lại bán sách, hẳn phải hiền mới đúng?

Thấy Bán sách nghệt mặt, Bán giầy an ủi:
– Nói thật, tôi thấy bán sách như ông là quý tộc trong đám bán hàng rong. Hàng thế mới là hàng chứ, sang trọng, mua xong cất ngay vào túi. Còn giầy, mua xong xỏ vào chân.
– Nhưng quá ít người mua. – Bán sách thở dài.
– Thì, – Bán giầy tặc lưỡi – người ta có hai cái chân nhưng chỉ có một cái đầu, mua giầy nhiều gấp đôi mua sách là phải. Với lại, sách lâu hỏng hơn giầy. Ông xem, có quyển sách nào há mõm đâu?

Bán sách lại buồn cười. Thằng cha này lẻo mép quá.
– Nói thật, tôi chỉ thèm được bán sách, hóa ra lại đi bán giầy. – Bán giầy thở dài, đầy vẻ tiếc rẻ.

Bán sách vẫn bị cái cảm giác áy náy trong lòng, gã nói:
– Ba thằng hôm qua…
– Bỏ đi. – Bán giầy phẩy tay. – Hôm qua là hôm qua, hôm nay là hôm nay. – Gã ngáp – Hôm nay ế thật rồi. Dọn thôi.

Chiều hôm sau, Bán sách đã bầy hàng đâu ra đấy rồi mà chưa thấy Bán giầy đến, gã tự nhiên cảm thấy sốt ruột. Gã nghĩ, con người ta vận đen thường đến kế tiếp nhau, hay hôm nay Bán giầy có chuyện gì đen đủi nữa? Bán sách lại lấy phất trần ra phủi bụi sách. Giờ đã phủi đến lần thứ hai. Chỉ đến khi nhìn thấy cái xe máy tàng nổ phành phạch từ đầu phố và bóng dáng lòng khòng của Bán giầy lấp ló sau đống hàng ngồn ngộn trên xe xuất hiện, gã mới thở phào. Gã nhướng mắt nhìn Bán giầy. Bán giầy hiểu ngay, bảo:
– Mụ vợ ốm.
Bán sách gật đầu.

Hôm nay cũng như hôm qua, sương xuống sớm. Gió vẫn lạnh. Cây bàng bên kia đường ủ rũ, còn mỗi chiếc lá nửa xanh nửa vàng cứ quay tròn trong không gian. Có vẻ muốn mưa. Bán giầy nói với qua:
– Ông sợ gì hơn, trời mưa hay công an đuổi?

Bán sách phì cười. Lắm mồm quá. Dường như không nói không chịu được? Nhưng gã không nói gì. Tay xếp lại mấy cuốn sách nhiều tiền cho vào bên trong, nhỡ bị cuỗm mất đền ốm. Đã là dân buôn bán vỉa hè, cái gì mà chẳng sợ? Sợ đến cả bà quét rác, cứ nhè chỗ mình ngồi mà quét mãi quét mãi. Hồi xưa đi làm đã đủ thứ sợ. Nay ngồi vỉa hè cũng không hết. Gã miên man nghĩ.
– Này! Cầm lấy mà đi!

Bán sách giật bắn người. Đang nghĩ! Nhìn sang, thấy Bán giầy đưa tay sang, trên tay là đôi giầy da khá đẹp.
– Giầy ông đang buồn ngủ, ngáp kia kìa.

Thấy Bán sách chần chờ, Bán giầy, vẫn ngồi trên cái giá gỗ dùng để đèo hàng, giơ cẳng chân lên cho Bán sách nhìn rõ đôi giầy mới toanh trên chân gã. Một chiếc giầy lười da nâu bóng loáng trên cái cẳng chân vừa đen vừa gầy ngỏng không bít-tất.
– Nghĩ kỹ rồi. Mỗi hôm sẽ đi một đôi. Luôn luôn mới. – Bán giầy nói.

Bán sách gật gù. Gã nhận lấy đôi giầy, lột đôi đã tã của mình ra, đi đôi mới vào chân. Ấm áp hẳn. Đẹp đẽ hẳn. Nghĩ, giá mà đổi được sách lấy giầy thì hay biết mấy! Nhưng chắc là thằng cha này lại không thích đọc sách…

Bán giầy chọn khéo. Đôi giầy vừa vặn chân, không chê vào đâu được. Gã đứng hẳn lên. Đi đi lại lại. Êm ru, nhưng bất an. Phải trả tiền ngay cho hắn, nếu không, hắn lấy tiền đâu trả cho chủ hàng? Hôm vừa rồi còn mất trắng ba đôi? Mụ vợ gã lại đang ốm! Mình mấy hôm nay cũng không bán được quyển sách nào! Nghĩ vậy, Bán sách lại lột giầy ra, đưa trả cho Bán giầy, lẩm bẩm:
– Để sau.
– Cũng được. Tôi để riêng phần ông.

Chỉ lúc sau, giờ tan tầm, người đi lại đã tấp nập.

Bán giầy không ngồi nữa, gã đứng hẳn lên. Cái đầu nghiêng nghiêng ngó ngó. Cái mặt lại lên cơn tươi.

Có vẻ cái duyên bán hàng của Bán giầy đã trở lại, đã thấy có một người dừng xe. Lại một người nữa dừng xe. Rồi người nữa. Giống như có một tiếng gọi thầm thì đâu đó, ghé tai hết người nọ đến người kia. Rồi xúm đông xúm đỏ. Trong lúc đó, dãy sách thì chẳng ma nào nhìn, mặc dù nếu tính ra thì hàng sách chiếm dài gấp ba hàng giầy trên cùng cái vỉa hè này.

Nhưng lúc này, đông đúc, Bán sách thấy tâm trạng tốt hơn. Dù cái đông chẳng phải của mình, cho mình.

Bán giầy mồm tia lia, tay nhặt giầy thoăn thoắt. Khách ngắm nghía. Khách thử. Có người vẫn ngồi trên xe, xe vẫn nổ máy, chỉ thò cái chân ra trụt giầy cũ thử giầy mới. Khách có vẻ hài lòng. Một trăm, Bán giầy nói. Tám chục, người khách mặc cả. Có trăm bạc thôi mà, tự nhiên Bán sách chõ miệng vào, lấy đi, đẹp thế, mua đâu rẻ hơn? Bán sách tự thấy quá ngạc nhiên, sao mình lại có thể nói một câu dài đến thế, kể từ khi thôi chân dạy học? Thôi được, người khách đồng ý. Không ngờ Bán sách lại đi làm cò cho Bán giầy. Bán sách đứng lên, bỏ cả hàng sách, nhìn theo tay chỉ trỏ của khách, nhặt giầy. Bán sách hăng hái đến nỗi Bán giầy đờ người, quên cả trả lời khách hàng.
– Không ngờ ông lại có duyên bán hàng. – Khi khách đã vãn, Bán giầy bảo Bán sách như vậy.

Bán sách nhìn đống sách đang bám đường hít bụi của mình, nhăn nhó. Duyên quái gì? Nếu có duyên, sách mình đã chẳng ế.
– Người ta đã tổng kết: mặt hàng, mặt người, mặt phố. Sắp Tết, bán giầy được. Mặt ông sáng sủa, bán được. Phố này ông chọn, lắm khách. Ra giêng ông sẽ bán chạy hơn tôi. – Bán giầy bảo.
– Ông lấy đâu ra cái nguyên tắc ấy? – Bán sách khá ngạc nhiên.
– Trong sách ấy! – Bán giầy cười hì hì.
Thằng này khá nhỉ, Bán sách nghĩ.

Lát sau, khách vãn. Sau nữa, lại ngồi mốc meo. Thấy Bán giầy bán được hàng mà còn nhăn nhó, sự lạ, Bán sách ngần ngừ một lúc, rồi hỏi:
– Sao thế?
– Ông có cuốn sách nào về bệnh tim không? – Bán giầy hỏi.
– Có. – Bán sách lục tìm trong cái túi gai đựng sách, có một cuốn, bán mãi chẳng được nên gã không lôi ra – Đây. Cần gì?
– Thằng bé nhà tôi bị bệnh tim bẩm sinh. Chán quá ông ạ…

Bán sách đờ người.
Bán giầy ngồi đọc sách.

Có người lại đến xem giầy. Bán sách chạy sang hàng giầy, hỏi: Chị cần loại nào? Cuối cùng bán được một đôi.

Bán sách đưa tiền cho Bán giầy. Bán giầy trả sách cho Bán sách.
– Có dùng được gì không?
– Đọc xong rồi. Sách chán chết. Điều muốn biết thì không viết, viết ba lăng nhăng. Chẳng hơn gì mình.

Bán sách ngạc nhiên:
– Thế à?
Không ngờ Bán giầy lại có kiến thức… hơn cả sách?

Bán sách lại ngồi nhìn sách, Bán giầy lại ngồi nhìn giầy. Những đợt người mua hàng như cơn gió thoảng, làm mát mặt tý chút rồi thôi.
– Thế… Sao lại đi bán giầy? – Lúc này, tự nhiên Bán sách lại muốn nói chuyện. Trái với thói quen. Kỳ lạ.
– Chuyện dài lắm… – Bán giầy phẩy tay. Hôm nào thật ế hàng, sẽ kể cho ông nghe.

Bán giầy ngắm Bán sách hồi lâu. Rồi tự ngắm mình. Rồi bảo:
– Nghe chừng cả tôi với ông cũng đều là đồ ế, hi hi… – Gã cười.
– Hì hì… – Bán sách cũng cười.

Gió rét vẫn vi vu thổi. Cái lá bàng bên kia đường vẫn không chịu đứt khỏi cành, vẫn quay tròn.
– Rét ra phết. – Bán giầy nói. – Này, cứ lấy đôi giầy mới mà đi, đừng ngại. – Gã nhặt đôi giầy mà Bán sách đã thử vẫn cất riêng, đưa cho Bán sách – Mùa đông phải giữ ấm hai bàn chân. Đặc biệt huyệt dũng tuyền ở giữa gan bàn chân.

Bán sách lại tròn mắt, nhìn Bán giầy, lạ lẫm.
– Con người thật mong manh. Ốm đau thật khổ sở. – Bán giầy nói. Bán sách gật gật đầu.

Trong gió rét, Bán giầy ngồi thu lu, khép cái áo dầy chặt người. Trông cái áo thật lệch lẹo với đôi giầy mới hắn đi. Cầm đôi giầy mới, Bán sách nửa muốn, nửa không. Phải trả tiền cho hắn chứ? Vợ hắn đang ốm, con đang mang bệnh. Còn gã, trong túi chỉ còn mấy đồng còm. Thôi nhịn, vét hết mà trả. Nghĩ vậy, gã lục túi, đủ tiền đưa cho Bán giầy.

Bán giầy cười hì hì, không nhận, bảo:
– Tặng là tặng.

Bán sách thở dài, bảo:
– Vậy ông lấy sách nhé?

Bán giầy lắc đầu:
– Tôi liếc hết tên mớ sách của ông rồi.

Ra vậy. Mắt hắn ghê thế?

Trời tối dần. Hai người chăng đèn. Bán giầy chăng ngang. Bán sách cũng chăng ngang. Có sáng hơn, nên sách và giầy bầy cạnh nhau trông rất buồn cười.

Có một mùi ngô nướng ở đâu bay đến. Cả Bán sách lẫn Bán giầy hếch cả hai cái mũi lên ngửi ngửi. Thơm quá, Bán sách nói. Thơm quá, Bán giầy cũng nói. Rồi cả hai đều ngồi duỗi dài chân, nhìn ra đường.

7/12/2009

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài