Trong khoảng hai thập niên cuối thế kỉ XX, văn học thiếu nhi (VHTN) Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Đó là một nền văn học với đội ngũ nhà văn đông đảo, đa dạng về độ tuổi và phong cách; năng động về sức tìm tòi, khám phá, đổi mới tư duy và cách tiếp cận cuộc sống đa dạng, đa chiều. Các nhà văn lớp trước như Tô Hoài, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương, Nguyễn Quỳnh… mặc dù tuổi cao nhưng vẫn cần mẫn viết cho các em. Họ đã tự đổi mới chính bản thân mình trong việc mở rộng đề tài và tìm tòi hướng khai thác mới mẻ, phù hợp với nhu cầu của cuộc sống và nhu cầu bạn đọc. Tô Hoài rất thành công với mảng đề tài truyện cổ viết lại (Chuyện nỏ thần, Nhà Chử, 101 truyện ngày xưa…); Phạm Hổ với truyện cổ tích hiện đại (Chuyện hoa, chuyện quả…); Trần Hoài Dương với những truyện đầy chất thơ về cỏ cây hoa lá và kí ức tuổi thơ (Nhớ một mùa hoa thạch thảo, Cô bé mảnh khảnh, Hoa cỏ thì thầm, Miền xanh thẳm…); Nguyễn Quỳnh với những truyện phiêu lưu, mạo hiểm về núi rừng (Đồi sói hú, Rừng đêm, Người đi săn vfa con sói lửa, Con báo vàng…)… Đến đầu những năm 90, đội ngũ viết cho các em được bổ sung thêm nhiều cây bút trẻ như Trần Thiên Hương, Nguyễn Quang Thiều, Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Nhật Ánh, Hà Lâm Kì, Quách Liêu, Phan Hồn Nhiên… (về truyện) và Phùng Ngọc Hùng, Trương Hữu Lợi, Dương Thuấn, Mai Văn Hai… (về thơ). Tiếp nữa là những cây bút không chỉ trẻ về tuổi nghề mà còn rất trẻ về tuổi đời. Họ là những người vừa chia tay với tuổi thơ, đang hăm hở bước vào đời, như Hoàng Dạ Thi, Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Nguyễn Thị Châu Giang, Thu Trân, Quế Hương, Nguyễn Thúy Loan… Lớp người viết trẻ này đã đem đến cho văn học thiếu nhi những nét mới trẻ trung, tươi tắn, đầy nhiệt huyết. Một lực lượng nữa cũng góp phần làm phong phú thêm cho đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi, đó là chính các em. Có thể thấy rõ điều này qua những tác phẩm Tuổi xanh, Mực tím, báo Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, Văn học với tuổi thơ…

Nhìn chung, đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi từ thời kì Đổi mới đã phát triển thật hùng hậu. Nó chứng tỏ tính chuyên nghiệp của bộ phận sáng tác cho các em. Và cũng vì vậy mà chưa bao giờ, văn học thiếu nhi Việt Nam lại phát triển phong phú và đa dạng như ở thời kì này. Sáng tác cho các em ngày càng có sự mở rộng đề tài cũng như hướng tiếp cận đời sống, tiếp cận trẻ em và khả năng khám phá con người. Với những thành tựu như vậy, VHTN xứng đáng giữ một vị trí quan trọng, góp phần làm nên diện mạo của nền văn học dân tộc.

 

2. Được tạo đà từ một thành tựu rực rỡ như vậy, văn học thiếu nhi Việt Nam bước sang thế kỉ XXI tràn đầy sức sống, vừa hội nhập với thế giới, vừa giữ gìn và phát huy những nét truyền thống của nguồn mạch văn học dân tộc.

Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quỳnh, Dương Thuấn… là những nhà văn giao thời của hai thế kỉ. Nổi lên từ những năm cuối thế kỉ XX, họ vẫn giữ được phong độ và cảm hứng sáng tạo trong thế kỉ mới.

Với thành công đặc biệt của Kính vạn hoa cùng với gần ba mươi tập sách viết cho lứa tuổi hoa học trò, Nguyễn Nhật Ánh được bình chọn là tác giả tiêu biểu nhất của VHTN Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX. Sang đầu thế kỉ XXI, anh đột ngột “chuyển hướng” sang lối kể chuyện hoang đường, kì bí. Bộ truyện dài nhiều tập Chuyện xứ Lang-bi-ang là sự thử nghiệm một lối viết mới của nhà văn đang được các bạn đọc nhỏ tuổi yêu quý. Là truyện hoang đường nhưng không phải là viển vông, tùy hứng. Sự tưởng tượng của Nguyễn Nhật Ánh được dựa trên nền tảng vững chắc, đó là tâm lí trẻ thơ. Với Chuyện xứ Lang-bi-ang, anh đã chạm đúng vào một trong những đặc điểm nổi bật của tâm lí trẻ thơ, đó là tính tò mò, thích phiêu lưu, mạo hiểm, thích khám phá. Có lẽ trẻ thơ ở Mĩ, ở Anh, ở Nhật Bản và ở đâu cũng thế. Sự phiêu lưu mạo hiểm của chúng bất chấp mọi rào cản. Chẳng thế mà Tom Sawyer (Mark Twain) đã có những cuộc phiêu lưu thật liều lĩnh để săn tìm kho báu; Dim (Xtivenxơn) cũng có chuyến đi nguy hiểm nhưng thật tuyệt vời ra Đảo giấu vàng; Oliver Twist (Charles Dickens) đã bỏ cửa hàng đóng áo quan để chạy trốn đến Luân-đôn… Và ở Chuyện xứ Lang-bi-ang, Nguyễn Nhật Ánh để cho hai chú bé Kăply và Nguyên bí mật lên Đồi phù thủy– nơi mà bất cứ ai dám “liều lĩnh mò lên ngọn đồi đều rớ hết ráo xuống vực”, mà đó lại là cái vực “sâu không đáy” để khám phá sự bí ẩn bao trùm hàng ngàn năm đối với người làng Ke thì cũng không có gì là lạ. Với Chuyện xứ Lang biang, Nguyễn Nhật Ánh đã làm được một điều kì diệu, đó là đem đến cho bạn đọc trẻ thơ sự thú vị và niềm vui háo hức mong chờ những tác phẩm tiếp theo của anh.Và quả nhiên, Nguyễn Nhật Ánh đã không làm bạn đọc thất vọng. Anh tiếp tục trình làng Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Vẫn với lối viết dí dỏm kiểu Kính vạn hoa, Tôi là Bê tô nhưng dấu ấn tâm trạng tác giả đã in đậm nét hơn, tâm trạng của con người càng đi xa tuổi thơ càng da diết nhớ về tuổi thơ. Đây là tập sách được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và giải thưởng Asean, 2010… Cùng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhLá nằm trong lá, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ… Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện sức viết bền bỉ của mình.

Nhà văn Nguyễn Quỳnh – người đã từng thành công với những tác phẩm đạt giải cao trong các giải thưởng hàng năm thời kì Đổi mới – vẫn tiếp tục khai thác mảng đề tài đường rừng. Những tác phẩm tiêu biểu như Đứa con phiêu bạt và kí ức người cha, Dũng sĩ rừng xanh, Sói gầm trên đỉnh dốc , và đặc biệt gần đây là Cậu bé người rừng (2012)… vẫn hấp dẫn bạn đọc bởi những trang viết đầy ấn tượng miêu tả cảnh thiên nhiên hoang dã, khắc nghiệt, cảnh thú dữ rừng xa và những chuyện phiêu lưu, mạo hiểm. Cùng với chất văn dạt dào cảm xúc, phóng khoáng. Nguyễn Quỳnh đã “làm mới” sự cảm nhận của bạn đọc về thiên nhiên trong sự khám phá thú vị và nhân văn.

Cũng như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quỳnh, nhà thơ người Tày Dương Thuấn là tác giả viết cho thiếu nhi thành công giữa hai thế kỉ. Đi nhiều, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, nhưng không vì thế mà anh lúng túng trong sự hội nhập. Bình tĩnh với lối viết truyền thống, Dương Thuấn giới thiệu với bạn đọc con người và mảnh đất vùng cao Bắc Kạn quê anh. Sau tập thơ Cưỡi ngựa đi săn được tặng giải A Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1992, Dương Thuấn vẫn tiếp tục cuộc hành trình với khát vọng giới thiệu được thật nhiều hình ảnh của quê hương và văn hóa dân tộc Tày tới mọi người. Thơ anh luôn là những trăn trở, những khúc ca rạo rực mê say về quê hương. Tuyển tập Dương Thuấn, (3 tập- Riêng tập 3 dành cho thiếu nhi), xuất bản song ngữ Tày- Kinh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010) đánh dấu một chặng đường sáng tác của anh. Đến với Tuyển tập Dương Thuấn (tập 3), bạn đọc sẽ gặp ở đó một thế giới trẻ thơ cùng với thiên nhiên vùng cao hết sức sống động. Đó là cỏ cây hoa trái muôn sắc màu, là tiếng suối reo, là hòn sỏi thần kì, là tiếng hò săn bắn, là một làn khói sớm với mùi thịt nướng, là những phong tục tập quán, những huyền thoại làm mê đắm lòng người. Thơ Dương Thuấn đã dựng nên một không gian rộng lớn, vừa hùng vĩ vừa lãng mạn; vừa xa xôi lại vừa rất đỗi gần gũi, thân thương và quyến rũ. Ở vùng quê ấy, con người được sống hồn nhiên, vô tư trong sự bao bọc, vỗ về của thiên nhiên, trong cái đẹp vô biên của trời đất- Người và cảnh, cảnh và người giao hòa, quấn quýt với nhau: Nơi đó chỉ có mây và suối/ Người ngủ cùng mặt trăng (Mách với trẻ con).

Cảm hứng bao trùm trong những vần thơ anh viết cho con trẻ là niềm tự hào và tình yêu tha thiết với bản Hon, với núi rừng Bắc Kạn. Miền sơn cước ấy không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp hồn nhiên, rực rỡ mà còn hấp dẫn bởi những sản vật địa phương lạ và quý như Nhót, Hạt dẻ, Gắm, Xổ, Bồ khai, Núc nác, Cây sui, Chuối rừng, quả ngõa, quả vối, quả mác mật, quả mắt chài… Dường như từng góc núi, mỏm đá, từng con suối, lối đi đều thấm hồn tác giả, ăm ắp tâm trạng. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp kín đáo và thuần khiết. Dương Thuấn đã làm sống dậy cả một nền văn hóa Tày cùng bề dày lịch sử bằng những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại với tất cả sự sinh động, hiện hữu, vừa chân thực, vừa gợi cảm khi Xuân đến, Vào hè, Tháng ba, Tháng bảy v.v… với vị Nếp nương vừa dẻo vừa ngon của món Xôi đài hái; với những Tiếng mõ, Tiếng khèn, Tiếng lượn, Lời ru; những trò chơi truyền thống như Tung còn, Đánh yến, Chơi quay; những cuộc Cưỡi ngựa đi săn, Đuổi quạ, Bắt trăn v.v…và đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng của người Tày như Tín ngưỡng mẹ Hoa, Lễ bán tháng, Chợ phiên, Lễ hội lồng tồng v.v…

Từ bản Hon nhỏ bé mà nên thơ, Dương Thuấn đã đến với nhiều miền quê khác để sống và trải nghiệm, để hiểu thêm về nguồn cội với những phong tục tập quán, những thảo nguyên rực rỡ nắng và hoa, những con người nhòe lẫn với thiên nhiên… Dương Thuấn đã vận dụng tới mức tối đa những chất liệu riêng biệt của vùng quê văn hóa Tày để làm nên một thế giới nghệ thuật sinh động và độc đáo. Những hình tượng nghệ thuật trong thơ anh, từ hình tượng con người đến hình tượng thiên nhiên đều mang những nét điển hình của vùng Tày Bắc Kạn. Đó là Những bà mẹ xứ Mây chân đi giày vải, Những em bé xứ Mây/ Tóc nâu/ Da thơm mùi cỏ, những chàng trai, cô gái xứ Mây; là cuộc sống vùng sơn cước giản dị mà huyền bí. Đó là dòng sông, ngọn núi, thảo nguyên bốn mùa hoang sơ, kì ảo; là bản làng quanh năm thơm mùi nếp nương, bắp bãi; là ngất ngây tiếng cười và men rượu trong những Chợ phiên, những Lễ hội Lồng tồng, những rằm Tháng bảy, những tết Trung thu… say người, say cảnh… Khi được đến giao lưu văn hóa ở Washington, Dương Thuấn đã đọc những bài thơ bằng tiếng Tày và hát then bằng tiếng Tày. Đọc xong, anh vô cùng cảm kích vì nhận thấy sự tán thưởng thích thú của mọi người. Vậy là, từ bản Hon bé nhỏ, anh đã hòa nhập vào thế giới. Ngôn ngữ Tày, văn hóa Tày của anh đã tới được những miền đất xa xôi nhất, văn minh và hiện đại nhất trên hành tinh. Đó cũng chính là một động lực để anh trân trọng và mãi gìn giữ chất liệu trong sáng tác của mình. Ngôn ngữ Tày, ngôn ngữ Kinh hòa nhập trong tư duy duy cảm mà đầy triết lí sâu xa của Dương Thuấn. Anh khai thác nhiều mô típ dân gian quen thuộc và làm mới những huyền thoại đó bằng chính cái nhìn vừa lãng mạn, bay bổng lại vừa hiện thực, sắc sảo của mình. Có thể nói, giữa cuộc sống cấp tập, bộn bề của xã hội thời kì hội nhập, thơ Dương Thuấn vẫn là Khúc ca cao nguyên ngân vang những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất nước quê hương.

Một số tuyển tập tuyển những câu chuyện, những bài thơ hay nhất, đẹp nhất, đánh dấu những nỗ lực của các nhà văn trong sự nghiệp sáng tác cho các em cũng góp phần làm phong phú thêm cho văn học thiếu nhi giai đoạn này như Trần Hoài Dương- Truyện ngắn chọn lọc (2006), Tuyển thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất của Cao Xuân Sơn (2010), Dắt biển lên trời của Hoài Khánh (2012)…

Đọc Trần Hoài Dương, bạn đọc được đắm mình trong những trang văn đẹp đến mê hoặc: “Bầu trời hồng lên, lấp lánh những màu kì diệu. Những hạt phấn màu ấy rơi xuống, phủ lên muôn vật. Lập tức rừng rào rào nảy lộc, lá non xanh mướt run rẩy vẫy gió, suối tung bọt trắng xóa, cỏ cựa mình sột soạt, hoa đào, hoa mai, hoa tường vi, hoa tầm xuân, hoa mận, hoa lê… đua nhau nở, phô sắc phô hương rực rỡ ngào ngạt cả đất trời” (Tiếng mùa xuân).

Đến với Cao Xuân Sơn là đến với những vần thơ đầy chất thế sự: Tôi đã từng rình, nấp mê say/ Nhưng chỉ thấy một con chuồn đẹp nhất/ Chính là con chuồn chưa bao giờ bị bắt/ Con chuồn chuồn… đang bay (Cao Xuân Sơn)

Và Hoài Khánh là những vần thơ mang cái nhìn con trẻ, ngộ nghĩnh: Sáng ra biển hóa trẻ con/ Sóng lắc ông mặt trời thức dậy/ Dã tràng cõng nắng lon xon/ Mắt thụt mắt thò hấp háy; Lon ton qua vách đá/ Bỗng trốn vào thung chơi/ Rồi tót về bến cá/ Đường chạy thẳng ra khơi/ Từ làng chài vào lớp/ Đường nằm trong khoang thuyền… Hoặc tràn đầy tâm sự: Đơn sơ tre lá giấy bồi/ Gửi vào ngọn gió thành lời quê hương ; Chuyện cổ tích ngủ lì trên cánh võng/ Ai nhặt nắng rơi trong giấc mơ nồng

3. Bên cạnh những cây bút trưởng thành từ thế kỉ XX là những gương mặt trẻ mới xuất hiện như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Lãm Thắng, Đặng Chân Nhân và Ngô Gia Thiên An …

Nguyễn Ngọc Thuần mở đầu cho văn học thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XXI bằng những tác phẩm liên tiếp được giải cao: Giăng giăng tơ nhện (Giải ba cuộc vận động Sáng tác văn học tuổi 20 năm 2000), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Giải A cuộc thi sáng tác văn học Vì tương lai đất nước lần thứ ba 2001-2002, giải thưởng Peter Pan của Thụy Điển năm 2008 dành cho những tác phẩm văn học thiếu nhi hay nhất). Một thiên nằm mộng (Giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (2001-2002).

Truyện Nguyễn Ngọc Thuần thu hút người đọc ở giọng văn trong trẻo, với cái nhìn hồn nhiên, đầy sự ngạc nhiên thơ trẻ. Thế giới xung quanh rất quen thuộc qua con mắt của anh bỗng trở nên sống động, tinh khôi, trong vắt và đầy yêu thương, mới lạ. Truyện Nguyễn Ngọc Thuần đem lại cho bạn đọc cảm nhận về một thế giới thuần khiết, thanh sạch: “Bạn sẽ tiếc lắm nếu thế giới này vắng đi những bông hoa. Bạn sẽ tự hỏi, tại sao trong khu vườn không có người dẫn lối? Người ta sẽ ngạc nhiên hỏi lại, người dẫn lối nào? Bạn sẽ từ từ nói, đó là những bông hoa…. Những bông hoa chính là người đưa đường…”

Nguyễn Ngọc Tư viết cho thiếu nhi không nhiều. Khiêm tốn một tập truyện Ông ngoại với tám câu chuyện nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng cũng đủ cho bạn đọc cảm nhận về một Ngọc Tư giản dị mà tinh tế; nhỏ nhẻ mà sâu sắc. Trở đi trở lại trong những câu chuyện này là hình ảnh một cô bé hoặc cậu bé với tâm hồn nhạy cảm, tràn ngập tình yêu thương, biết chia sẻ, biết trân trọng những gì mình có, biết quý yêu những gì người khác dành cho mình (Cô bé trong Bà mẹ vườn cau, Dung trong Ông ngoại, Cậu bé trong Lụm Còi… ). Những mẩu ngắn ngắn thấm đẫm tình người, tình cỏ cây, hoa trái, cùng với lối văn nhẹ nhàng, trong sáng; lối kể chuyện tự nhiên, thì thầm… Nguyễn Ngọc Tư đã dẫn bạn đọc đến với những rung động mỏng manh, tinh vi nhất của con người. Mảnh đất miền Tây, con người miền Tây hiện lên trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư giản dị mà thật ám ảnh: “Bà nội dẫn tôi ra vườn, cái nắng sau mưa nồng ngả vàng pha sắc đỏ, những giọt nước còn đọng lại trên tán lá non. Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Trái chín đỏ lừ bên hông cau trắng muốt, tóc Nội cũng trắng phau phau…” , “Món thịt ếch đầu mùa lịm trong lưỡi làm ba đau nhói…” (Bà mẹ vườn cau); “Nội hay ra ngoài hiên, chăm chăm nhìn giàn bầu đang run rẩy trong gió. Bà ngồi đấy lặng lẽ, thẫn thờ, như chờ một tiếng vạc sành, một tiếng ếch kêu….” , “Ôi cái quê của nội. Cái quê heo hút muốn về phải đi mấy chặng xe, tàucó thể bứt người ta ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim con người.” (Giàn bầu trước ngõ) …

Nhà thơ trẻ Nguyễn Lãm Thắng với 1008 bài thơ thiếu nhi đã thực sự chinh phục bạn đọc bởi những vần thơ đầy tâm huyết. Tập thơ viết về nhiều đề tài nhưng tất cả đều xoay quanh một trục chính: trẻ thơ. Có thể thấy trong thơ anh, hình ảnh một tuổi thơ êm đềm, giản dị. Không cầu kì kiểu cách. Thơ Lãm Thắng là sự hòa quyện giữa tình yêu thương trìu mến và sự mộc mạc chân thành. Trong trẻo và hồn nhiên, thơ anh khiến người đọc cảm nhận sự gần gũi, tựa như lời thơ, ý thơ cứ đi thẳng từ tấm lòng người viết mà giãi bày trên trang giấy. Trong thơ anh, sức mạnh của truyền thống kết hợp với cách nhìn, cách cảm của trẻ thơ tạo ra một dấu ấn đặc biệt. Có lẽ đó cũng là một lý do hết sức quan trọng để nhiều bài thơ thiếu nhi của anh (hơn ba mươi lăm bài thơ) được phổ nhạc, trở thành những bài hát với giai điệu vui tươi, trong sáng dễ gần với tuổi thơ như Cháu vẽ, Mưa xuân, Mời bạn về thăm xứ Huế, Chợ Xuân (Quỳnh Hợp phổ nhạc) và Cô tập em viết, Màu ước mơ, Bài hát thày dạy, Ông trăng ơi, Mẹ ơi con ngủ, Lồng đèn, Quạt bà quạt bố, Mùa xuân đã về, Nơi tuổi thơ em… (Trương Pháp phổ nhạc).

Tập thơ hiếm hoi dành cho thiếu nhi của Vi Thùy Linh Chu du cùng ông nội (gồm 23 bài) là những kỉ niệm về tuổi thơ, về gia đình, về ông nội. Sự trở về với tuổi thơ có lẽ cũng là một hướng sáng tác mới trong “đường thơ” của chị, một người luôn say sưa, luôn “điên cuồng với thơ”.

Hai tác giả thực sự trẻ là Đặng Chân Nhân (sinh năm 1993) với Giấc mơ và Ngô Gia Thiên An (sinh năm 1999) với tập thơ đầu tay Những ngôi sao lấp lánh đã đem đến cho bạn đọc một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống , thiên nhiên và vũ trụ của thế hệ trẻ ngày hôm nay. Kể từ sau Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Khánh Chi, Hoàng Dạ Thi, Ngô Thị Bích Hiền… rất lâu, bạn đọc Việt Nam mới lại được đọc những trang thơ hồn nhiên, trong trẻo do chính các em viết. Năm 2011, khi Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành Giấc mơNhững ngôi sao lấp lánh, nhiều người đã gọi hai tác giả này là “Thần đồng” thơ thế kỉ XXI. Thiên An viết về cuộc sống với những sự việc xảy ra xung quanh cùng những điều em băn khoăn và mơ ước, ví dụ: Một đàn kiến nhỏ/ Chạy ngược chạy xuôi/ Nhảy múa ca vui/ Cùng nhau ăn bánh/ Đến trưa nắng gắt/ Thì về ngủ trưa (Đàn kiến nhỏ)… Trong con mắt của em, cuộc sống lung linh như Những ngôi sao bay trên bầu trời thật đẹp/ Chúng lấp lánh như những bóng đèn…Cả khi trong bầu trời đen tối, những ngôi sao không còn nữa, em vẫn thấy Chúng đã chết đi một cách yên lặng và đẹp đẽ…

Thơ Chân Nhân cũng là những câu chuyện về gia đình, về vũ trụ, cuộc sống, thiên nhiên và cây cỏ nhưng mang vẻ hồ nghi, già dặn so với tuổi của em. Trở đi trở lại trong nhiều bài thơ là những suy nghĩ của cậu bé hơn 10 tuổi về cuộc sống, về bản thể tự do: Nếu cuộc sống hoàn hảo/ Sẽ không có sự sợ hãi, lo lắng hay chiến tranh/ Sẽ không có cả những điều ước, hi vọng hay giấc mơ/ Cuộc sống sẽ quá dễ để đoán trước (Cuộc sống ở một cái nhìn khác); Cuộc sống chỉ là một trò chơi/ Và thế giới là sân chơi của tôi/ Tôi đặt ra luật riêng cho tôi/ Tôi có đồ chơi riêng của tôi/ Đừng làm phiền tôi/ Vì tôi đang thích thú/ Cuộc sống là sự tự do của tôi (Trò chơi)…

Một số tác giả nổi lên từ giải thưởng Cây bút Tuổi hồng (Giải thưởng hàng năm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ chí Minh , Báo Thiếu niên tiền phong phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, bắt đầu từ năm 2011) như Đỗ Tú Cường (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Đan Thi (Hà Nội), Võ Hương Nam (Đắc Lắc)… cũng góp phần làm nên sự đa dạng của Văn học thiếu nhi những năm gần đây.

4. Có thể nói, trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, văn học thiếu nhi Việt Nam đã ghi những thành tựu đáng kể, khẳng định vị trí của mình trong nền văn học dân tộc thời kì hội nhập. Sự đa dạng trong phong cách, trong giọng điệu làm nên sức hấp dẫn của văn học thiếu nhi giai đoạn này. Cũng không phải mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm chỉ có một giọng điệu mà đôi khi còn có sự phối hợp, xen kẽ, tạo nên sự đa dạng ngay trong một tác giả. Nếu ở giai đoạn trước năm 1975, cảm hứng sử thi tạo cho văn học giọng điệu trang nghiêm; thời kì Đổi mới nổi lên cảm hứng đời tư- thế sự với giọng suy tư, triêt lí thì ở giai đoạn này, với hiện thực đời sống bình thường, văn học cho các em mang giọng gần gũi, tự nhiên, bình đẳng với bạn đọc hơn. Bên cạnh đó là giọng trữ tình tiếp nối văn mạch truyền thống đậm tính nhân văn, hướng về những kiếp người, những cảnh ngộ bi thương; những tình cảm sáng trong, cao đẹp của con người và những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, quê hương. Đặc biệt là giọng tinh nghịch, hóm hỉnh, mang tính đặc thù của VHTN vẫn được phát triển. Chất hóm, nghịch gây cho người đọc những tiếng cười sảng khoái được vận dụng như một phương tiện giúp các em tiếp nhận tác phẩm một cách vui vẻ, thoải mái. Nhìn chung, sự đa dạng của giọng điệu đã chứng tỏ tính cập nhật của VHTN hiện nay, không xa rời, lạc lõng với đời sống xã hội và đời sống văn học nói chung; vừa hoà đồng với văn học Việt Nam hiện đại, vừa tỏ rõ sức mạnh là một bộ phận văn học riêng – văn học dành cho trẻ em.

Nguồn: Toquoc