Đường lên Oku*

hành hương tiếp bước

có người đang bay

( Đinh Nhật Hạnh )

 

Vũ Tam Huề, tác giả tập thơ Hương cỏ mật – 365 khúc haiku Việt, là một nhà khoa học được thụ hưởng nền đào tạo tiên tiến, sinh ra và lớn lên tại thành phố Nam Định, một địa danh có truyền thống văn chương. Vũ đã có bản sắc riêng ngay khi bước vào sáng tác văn thơ. Trên bước đường ngàn dặm từng qua, trải bao biến thiên của thời cuộc, anh đã tích lũy được nhiều trải nghiệm từ thiên nhiên, thế sự và những tinh túy của các nền văn hóa khác nhau. Sự nghiệp chuyển vùng định cư vào Sài Gòn cách nay đã 30 năm, cũng đã để lại trong văn thơ anh nhiều dấu ấn đậm nét. Anh viết say mà rất tỉnh. Văn xuôi vài ba cuốn. Phiến khúc Haiku Việt phải tính tới hàng ngàn. Thơ Haiku của Vũ mượt mà vần điệu, cân đối, hài hòa trong từng đoản khúc, tạo nên một tổng thề nhịp nhàng, hấp dẫn, lôi cuốn hiếm thấy trong đội ngũ những người sáng tác thơ Haiku Việt ( tạm gọi là Hajiin ) từ một thập kỷ nay.

Ở nước ta, số người cảm và thích thể thơ cực ngắn có xuất xứ từ Nhật Bản này đã ít, người sáng tác lại còn ít hơn nhiều. Vậy mà Vũ đã trình làng ba ấn phẩm thơ Haiku liên tiếp trong vòng 6 năm ( từ 2009 tới 2015 ) :

Khúc vô thanh : NXB Hội Nhà Văn – năm 2009

Giọt sương giọt nắng : NXB Thanh Niên – năm 2012

Và sắp tới đây, Hương cỏ mật : NXB Hội Nhà Văn –  năm 2015.

Những lời bình trước đây của các nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, Lưu Đức Trung , Nguyễn Khôi và Lê Đăng Hoan đã thâu tóm được tinh hoa nổi trội, nhiều màu sắc trong thơ Haiku Việt của Vũ Tam Huề. Tuy nhiên người viết cảm nhận cho tập thơ Hương cỏ mật này sẽ có những ý kiến của riêng mình, vì cũng đã có duyên gặp tác giả từ những ngày đầu của tập thơ Khúc vô thanh, rồi đã sát cánh đồng hành cùng Vũ trên đoạn đường thơ mới lạ này. Dường như thơ Haiku của Vũ mang đậm bản sắc Việt rất rõ, ở cấu trúc đa dạng, ở vần điệu linh hoạt, ở tính trữ tình man mác mang hơi thở của tục ngữ ca dao, của thơ lục bát từ tiền nhân truyền lại..

Thơ Haiku Việt của Vũ không sa đà nhiều vào những cảm xúc vô ngã, vô thường, đốn ngộ, hư vô, tịch lặng…như ở một số nhà thơ Haiku khác. Cảm xúc thơ Haiku vủa Vũ đi thẳng vào những nẻo đời thường, rất chân thật mà vẫn đượm tính Thiền vô ảnh vô hình…Đó là những bức tranh thiên nhiên với bao tình cảm dồn nén rồi lan tỏa như những con sóng bạc đầu ôm ấp lấy quê hương xứ sở :

Nước nổi đảo chìm

theo nhau con sóng

tìm về quê hương

*

Đảo nhỏ khơi xa

vời vợi tiếng gà

quê hương đầu song

*

Thác đầu non

tiếng nước thét gào

khát khao đất mẹ

*

Di hài biển sâu

vong linh quê nhà

vườn xưa mộ gió

Vũ làm thơ Haiku Việt nhẹ tênh, thanh thản và gợi cảm. Vần điệu uyển chuyển mà lưu loát, trữ tình. Tứ thơ mang cảm xúc của hai đầu nỗi nhớ ở hai phương trời của Tổ quốc. Những mảng màu đối nghịch, những cảm xúc bất chợt mang sắc thái ba miền :

Một thoáng Hà thành

ghé cà phê Lâm

khung trời hoài niệm

*

Hà Nội trong tôi

đường phố mới

bóng hình xưa

*

Sài Gòn nắng mưa

yêu những con đường /

đèo con đi học

*

Sài Gòn vũ trường

đêm màu hồng /

soi dòng kênh đen

*

Sài Gòn đất hứa

gái trai tỉnh lẻ

gõ cửa vào đời

*

Sài Gòn xóm trọ

nghe bản hòa âm

giọng nói ba miền

Vẫn mang nặng tình quê, nỗi buồn xa xứ, Vũ viết cho mình và cho cả những người định cư xa quê quán, luôn khắc khoải nỗi ly hương :

Quê xưa

nỗi buồn chiếu mưa

bài thơ xa xứ

*

Sài Gòn ngày về

người mong tìm lại

mảnh vỡ hồn quê

*

Đón Tết quê người

đốt lò trầm hương

đọc thơ thân phụ

*

Bay nửa vòng trái đất

về quê đồng bãi

húp canh rau tập tang

*

Với , sáng tác thơ Haiku tự nhiên như khí trời ánh sáng, như cơm ăn nước uống mỗi ngày. Trên mọi nẻo đường, không kể ngày đêm. Đi đâu viết đấy. Nghĩ sao viết vậy. Tuy rất tự nhiên nhưng thơ của Vũ không hề dễ dãi, hời hợt. Thơ anh nhiều lúc hồn nhiên, tung tẩy nhưng vẫn ôm trùm cả thiên nhiên với tình yêu quê hương đằm thắm và sâu nặng nỗi đau nhân tình.

Thơ Haiku Việt của Vũ có sức lan tỏa khá nhanh. Nhiều người thuộc thơ Vũ. Nhiều nhà thư pháp viết thơ Vũ. Hình như cứ đi cứ viết, còn cảm còn viết. Vũ có ngờ đâu mình đang tiếp bước người xưa trên con đường thơ xa ngàn dậm, tuy có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nhưng cũng nhiều gập ghềnh gian khổ, đầy lo lắng ưu tư. Thơ Haiku trong thời đại mới, còn đâu một thuở thanh bình xa xưa “ tiếng ve ngân xuyên đá “ ** Còn đâu “Hoa cúc cũng như mình vẫn chỉ đợi mùa thu “ ** Dẫu biết thế, Haijiin Vũ Tam Huề vẫn cứ đi…cứ đi… trên con đường thơ còn xa vời vợi mà Hương cỏ mật là trạm dừng chân thứ ba thật dầy dặn đáng mừng.

Hương cỏ mật – 365 khúc Haiku Việt của Vũ Tam Huề là một chặng mới khá dài trên con đường lên miền Oku xa thăm thẳm mà gần bốn trăm năm trước nhà thơ Haiku Basho của Nhật Bản đã dấn bước. Dẫu không dễ dàng với những nhà thơ Haiku Việt, nhưng tôi tin rằng với một tâm hồn nhạy cảm của Vũ, dễ rung động với hương thơm một cánh lan rừng, một thoáng lá rơi, một tiếng chim hót và lời nói bạn bè… Và ở quê xưa của Vũ còn như âm vang tiếng ếch bên hồ Vị Xuyên, còn như ám ảnh bởi một thảm rêu xanh ngôi nhà cổ nơi Vũ đã sinh ra. Cộng thêm với tình yêu quê hương xứ sở, nỗi đau đáu tình đời, chúng ta tin rắng Vũ còn tiếp bước mạnh mẽ trên con đường sáng tác Haiku Việt. Và khi lượng biến thành chất, cứ đà này một ngày không xa, ta sẽ được chiêm ngưỡng đỉnh Kim Tự tháp riêng của thơ Vũ.

Theo Đinh Nhật Hạnh

Exit mobile version