Cảm hứng triết luận ngay từ giai đoạn đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại đã xuất sắc thay thế tính triết lí trong “văn-sử-triết” bất phân của văn xuôi trung đại để tạo ra một giá trị mới. Giá trị ấy không hề làm mất đi tính đỏng đảnh của câu chữ và bóng bảy của những hình tượng nghệ thuật. Bởi thế, nó vẫn có được chỗ đứng trong những trang văn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp… sau này.
Ở giai đoạn đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, cảm hứng triết luận đã có sự hình thành tương đối hoàn chỉnh và bộc lộ rõ nét hơn dựa trên những nhân tố mới như: sự ảnh hưởng tư duy phân tích, suy lí của các trí thức Tây học, của tiểu thuyết luận đề và các tôn chỉ nghệ thuật. PGS.TS Hà Văn Đức đã có một nhận xét như sau: “Không trào lộng như Vũ Trọng Phụng, không hài hước như Nguyễn Công Hoan, không triết lý như Nam Cao. Thạch Lam nhẹ nhàng và tinh tế. Ngôn ngữ và giọng điệu trữ tình cũng vì thế là đặc trưng cơ bản của truyện ngắn Thạch Lam. Mỗi truyện ngắn của ông như một bài thơ về những cuộc đời, những thân phận nhỏ bé, côi cút và bất hạnh, gợi sự thương cảm, xót xa sâu sắc của tình người. Giản dị mà sâu sắc, chứa chan tình nhân ái, Thạch Lam hướng người đọc tới sự thanh cao của cái đẹp, cái thiện…”(1).
Ở bộ phận văn học hiện thực, với yêu cầu phản ảnh bức tranh hiện thực của thời đại bằng phương thức điển hình hoá, các nhà văn đã xây dựng những hình tượng điển hình mang tính triết luận sâu sắc. Bản thân các hình tượng này không hiện lên khô cứng mà được khắc hoạ với cả những yếu tố trữ tình tạo ra sự sinh động và gây ấn tượng mạnh mẽ. Trong đó, đặc biệt là cách xây dựng nhân vật của Nam Cao, với bút pháp hiện thực trữ tình như một sự gửi gắm niềm tin vào những phẩm chất tốt đẹp của con người. Chính bởi những nét rất độc đáo như: Thị Nở biết lo toan, thương hại, biết “lườm”, biết e lệ, Điền biết thả hồn vào ánh trăng, Chí Phèo có những phút bâng khuâng trước những thanh âm của buổi sáng, Lão Hạc thấy hổ thẹn trước “cậu vàng” và thốt lên những lời tụ thú như một đứa trẻ… Những điều đó đã giúp cho những áng văn hiện thực của Nam Cao có sức thuyết phục hơn về bối cảnh thời đại và không rơi vào kiểu hiện thực trần trụi và khô cứng. Bên cạnh Nam Cao là các nhà văn hiện thực khác cũng có nhiều nét tương đồng như Ngô Tất Tố với nhân vật chị Dậu mang phẩm chất toàn vẹn của một người phụ nữ Việt Nam từ dung nhan, đạo đức, bản lĩnh đã tạo ra sức lôi cuốn của tác phẩm.
Ở bộ phận văn học lãng mạn mà tiêu biểu là nhóm Tự lực văn đoàn, cảm hứng trữ tình triết luận cũng được phát huy mạnh mẽ qua các sáng tác của Thạch Lam như Hai đứa trẻ, tác giả đã dành những đoạn văn trữ tình để thể hiện biểu tượng triết luận như thế: “Con tầu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng.” Hình ảnh con tàu mang ánh sáng từ Hà Nội phồn hoa thuở ấy đến với cuộc đời của chị em Liên nơi phố huyện nghèo nàn đã tự nói lên một triết lí về sự tự ý thức vươn lên thay đổi cuộc sống tối tăm, tù đọng của đêm đen trước cách mạng tháng Tám.
Nguyễn Tuân là một nhà văn có nguồn cảm hứng với các giá trị văn hoá cổ truyền. Những thú chơi tao nhã, nghệ thuật, kĩ xảo của cuộc sống nông nghiệp được ông “phục dựng” thông qua những áng văn của mình. Ôn cố để tri tân, bởi thế Nguyễn Tuân cũng gửi gắm nhiều triết lí và hứng thú với triết luận về nhân sinh thông các tác phẩm của mình. Hình ảnh người tử tù Huấn Cao – mang dáng dấp của nhà Nho yêu nước Cao Bá Quát – hội tụ đủ cả hai yếu tố tài và tâm. Ông là người lưu giữ được nghệ thuật thư pháp của dân tộc cũng là một triết luận về số phận của dân tộc và thời đại: “Trong một không khí tỏa như đám cháy, ánh sáng đỏ ngòm của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên trên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt làm họ dụi mắt lia lịa. Một tên tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Tên tù viết xong một chữ, tên quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò thì run run bưng chậu mực”. “Chữ” đã trở thành một thứ vũ khí có sức mạnh làm thay đổi tất cả. Dẫu ngày mai Huấn Cao sẽ ngã xuống ở pháp trường nhưng những gì ông để lại trong những con chữ sẽ làm trong trẻo thêm cuộc đời này. Nhờ vậy mà mạch nguồn của tinh thần yêu nước sẽ không mất đi mà còn được hậu thế lưu truyền. Chỉ qua một cuộc cho chữ đã tạo nên một triết luận sâu sắc, đồng thời vẫn giữ được vẻ đẹp mỹ lệ độc đáo của văn chương Nguyễn Tuân.
Ở bộ phận văn chương cách mạng (vô sản) những sáng tác của Nguyễn Ái Quốc cũng mang tinh thần triết luận sâu sắc mà tiêu biểu là truyện ngắn Vi hành. Thông qua hình thức viết thư với tình huống nhầm lẫn độc đáo, tác giả đã mượn những lời bình luận của đôi trai gái người Pháp để từ đó suy ngẫm bằng những triết luận về vấn đề thế sự: Những hành động bất minh của bù nhìn Khải Định: “Tôi không được rõ ý đồ nhà “vi hành” của chúng ta ra sao. Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lếch-xăng đệ Nhất, có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không? Phải chăng ngài muốn học sử dụng (theo kiểu Pháp) cái liềm của nhà nông cùng cái búa của thày thợ để, sau cuộc ngao du, đem về chút ấm no mà đám “dân” bất hạnh của ngài tới nay hoàn toàn chẳng biết đến?”. Cảm hứng triết luận trong các sáng tác của các nhà văn cách mạng vô sản mang tinh thần yêu nước và có sức mạnh tố cáo thực dân phong kiến. Đồng thời với sức gợi mở của mình, nó cũng tạo được ấn tượng trong lòng người đọc.
———————–
(1) Xem thêm Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Thạch Lam, PGS.TS Hà Văn Đức
Nguồn: Vanhocquenha.vn