Trong một hội thảo về triết học tại Hà Nội, Francois Jullien (nhà Triết học Pháp) có đưa ra một nhận xét rất tinh: ở Việt Nam, triết học lẩn vào văn học. Đúng thế, không phải lúc nào triết thuyết cũng hiện diện như một hệ thống kinh viện, không phải lúc nào nó cũng tồn tại lộ thiên. Và không phải cứ nói thẳng chuyện triết học và say sưa xây dựng các triết thuyết thì mới là triết gia” (Chu Văn Sơn).
Nhận định của Francois và khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chẳng phải lý luận văn học phương Đông cổ trung đại vẫn quan niệm văn – sử – triết bất phân đó sao. Hãy thử “thăm khám” lại một vài tác giả, tác phẩm trong tiến trình văn học Việt Nam, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy điều đó. Rất nhiều quan điểm triết học nhân sinh được lồng vào tác phẩm dù bằng cách này hay cách khác… từ các tác giả trung đại, cận hiện đại như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng cho đến những tác giả hiện đại, hậu hiện đại gần đây như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… Và tất nhiên, dù ít dù nhiều chúng luôn có giá trị đối với cuộc sống hiện sinh. Riêng đối với Hồ Anh Thái, những tác phẩm của ông ẩn chứa nhiều quan điểm triết học nhân sinh kể cả các mảng truyện ngắn và tiểu thuyết. Đặc biệt, trong cuốn Dấu về gió xóa, theo quan điểm cá nhân, người viết nhận thấy thuyết bất khả tri trở thành cái nền trong “cơn sáng tạo” của Hồ Anh Thái. Thuyết bất khả tri (agnosticism) là quan điểm triết học cho rằng tính đúng hay sai của một số tuyên bố nhất định – đặc biệt là các tuyên bố thần học về sự tồn tại của Chúa Trời hay các vị thần – là chưa biết và không thể biết được hay không mạch lạc. Một số người theo thuyết bất khả tri suy diễn từ đó rằng các tuyên bố đó không liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống.
Thực tế sáng tác cho thấy, Hồ Anh Thái là nhà văn đặc biệt tinh nhạy về những khía cạnh của cuộc sống, tác giả đã làm sáng lên một tư tưởng triết học trong Dấu về gió xóa. Từ những quan niệm hư – thực, minh – vô minh, cái biết – cái không thể biết, tồn tại – không tồn tại… anh khiến người đọc có khi như trở thành ông lão, bà lão đã đi hết một cuộc đời, đã thấu hiểu tất cả về cuộc sống; nhưng rồi chợt hụt hẫng khi biết mình chỉ là đứa trẻ thơ ngỡ ngàng trước bộn bề cuộc sống vì mọi thứ đều bất khả tri.
Trên Đảo Xanh, mọi thứ đều rất mong manh giữa hai bờ ranh giới hư và thực. Nói hưcũng đúng, bởi trên bản đồ thế giới làm gì có một nơi nào có tên Đảo Xanh, hơn nữa đó còn là tù giam những danh nhân thế giới thuộc mọi lĩnh vực như Văn học, Điện ảnh, âm nhạc, Văn hóa, thậm chí Chính trị… Nhưng nói thực cũng không hề ngoa khi đi hết chi tiết này đến chi tiết khác trong tác phẩm, tất cả dần dần hé lộ với những tình tiết vô cùng thực. Chân dung nhà văn, nhà phi công Antoine de Saint-Exupéry và câu chuyện về chuyến máy bay bị xem là mất tích. Rồi sự xuất hiện của Greta Garbo (18 tháng 9 năm 1905 – 15 tháng 4 năm 1990), một diễn viên người Mỹ gốc Thụy Điển và là một trong những diễn viên nổi tiếng nhất trong thời kỳ vàng son của Hollywood. Được coi là một trong những diễn viên đỉnh cao của hãng truyền thông Metro-Goldwyn-Mayer cũng như điện ảnh Mỹ, Garbo đã nhận được giải Oscar danh dự cho “những vai diễn không thể quên trên màn ảnh”. (Năm 1999, bà được Viện phim Mỹ vinh danh trong số những huyền thoại màn bạc vĩ đại nhất mọi thời đại). Đặc biệt, sự xuất hiện của bà trên Đảo Xanh như một nhân chứng sống cho sự tồn tại của một nhà tù như đã nói. Bà kể về những điều xảy ra trong cái nhà máy chế biến hải sản, về những con người đã từng một thời vang bóng. Như vậy, có hay không sự hiện hữu của Saint-Exupéry, Greta Garbo, Jonh Kennedy và hàng trăm danh nhân thế giới khác trong cái “nhà máy chế biến hải sản” đó? Điều cuối cùng mà chúng ta – những người đọc có thể biết về cái thực tại trong tác phẩm cũng chỉ là bất khả tri mà thôi.
Từ Dấu về gió xóa, chúng ta cũng có thể bàn đến cái tồn tại và cái không tồn tại. Theo cảm quan của người viết, tác giả đang cố nói đến một điều gì đó đang tồn tại, nhưng sự tồn tại này không phải là cái hiện hữu trước mắt, mà là cái ẩn khuất sau vỏ bọc được hiện hữu đó, đó mới thực sự là cái đang tồn tại. Từ hình tượng con người, cụ thể trong truyện là ông Giáo Sĩ. Sự tồn tại của ông là hữu thực, song con người ông lại khác, ông đại diện cho điều gì đó kỳ bí mà chính người kể chuyện cũng không thể giải thích nổi sau khi gặp lại ông một nơi khác ở Đảo Xanh, cũng trong một ngôi đền Đa Giáo, cũng là cái mandala trước mặt, và cũng mang chiếc khẩu trang màu trắng… không những ông, mà Mắt Hai Màu, Giám đốc hay Cô chủ đều mang trong mình những điều bí ẩn như một sự hiển nhiên cho những ai có mặt ở quốc đảo đó; Cho đến một địa danh, đó sự hiện diện của một quốc đảo cũng y chang như Đảo Xanh, cũng một nền cộng hòa non trẻ; Ngoài ra, có hay không sự tồn tại của “nhà tù bí mật” trên Đảo Xanh là một vấn đề xuyên suốt câu chuyện. Tất cả là một sự nghi vấn, khiến cho Đảo Xanh trở thành nơi gặp gỡ của nhiều thế lực điều tra, trong những vỏ bọc khác nhau. Chỉ có Anh là ngoại lệ, nhưng rồi chính Anh cũng bị cuốn vào “kiếp nạn” đó khi Hoàng tử chia sẻ bí mật đó cùng Anh. Và tất cả đã được hé lộ khi Giáo Sĩ đền Đa giáo là người biết rõ con đường đi đến cái nhà tù bí mật và kế hoạch giải thoát cho tất cả những con người ở bên trong nó. Bên cạnh đó, tác giả còn đưa ra những triết lý về kiếp người, về thời gian, về sự tồn tại: “Điều ta muốn lãng quên bao giờ cũng có người tìm cách khơi dậy. Ta muốn nghỉ ngơi bình yên thì có người khuấy động. Ta muốn an nhàn nhẹ nhõm thì lập tức có người chất lên ta những bí mật chết người. Ta đang nhắm vào những mục tiêu khác thì có lúc giật mình thấy mình đang bị đưa vào tầm ngắm, chính mình đang là mục tiêu cho những cái mục tiêu kia. Ta dò tìm lối quay trở về thì cứ như thể có một thằng bé khổng lồ nghịch ác, ta vừa bước qua là thằng phì nộn ấy cười khanh khách dùng bút xóa mà xóa ngay cái dấu chân đằng sau. Hễ đi qua là khó ai biết được lối về”.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà người kể chuyện, cũng chính là nhân vật Anh lại kể “một bà năm ông” trong câu chuyện Dấu về gió xóa. Bởi từ cuộc đời của công chúa Draupadi, Anh đã đúc kết và so sánh với cuộc đời của chính mình, cuộc đời của muôn kẻ trần thế. Cái biết và cái không biết cũng chỉ là như thế. Nàng Draupadi trong năm đêm tân hôn, cái biết đã đủ cho một cuộc đời, còn Anh, chỉ ba năm ở Đảo Xanh, thực sự cũng đã đủ cho một cuộc đời. Còn không gian trong Dấu về gió xóa thực sự bị đảo lộn nhằm mục đích cuối cùng là để hướng đến cái biết, cái đang tồn tại. Có lúc đang đắm chìm trong những cuộc vui ở Đảo Xanh, Anh lại thả hồn mình về với đất mẹ, tổ quốc Anh; có khi lại lang thang trên sa mạc như một “hoàng tử bé” cùng Antoine de Saint-Exupéry… Có thể thấy, biểu tượng lửa xuất hiện trong truyện với tần suất dày đặc. Lửa từ những ánh đuốc nơi xóm Chửa Hoang, lửa từ những giàn dầu khí, lửa trên bệ thờ Hỏa giáo, lửa từ giàn hỏa táng Cá Ông, còn với chính bản thân mình, luôn luôn có những giấc mơ về lửa mà Anh cũng không thể nào lý giải được… Từ cái chưa biết đến cái biết là cả một chặng đường dài mà nhân loại xưa nay vẫn tìm tòi, giải thích. Song, mọi cố gắng lý giải cho cái chưa biết khiến cho con người ta càng biết lại càng không thể biết. Chính Anh, đã nhận ra điều đó khi nghĩ rằng mình đã lý giải được giấc mơ về lửa thông qua cái ngọn lửa trên bệ thờ Hỏa giáo: “Con người tự ý thức là động vật biết tư duy bèn cố gắng giải thích mọi thứ, không tự biết rằng sự vô minh bao trùm lên mọi vật chỉ khiến cho kẻ tự phụ ấy càng giải thích càng lầm lạc”.
Gấp cuốn sách lại, chúng ta không khỏi hồ nghi về những gì đã trải qua trên từng trang giấy, không thể không mơ màng về một nơi chứa đầy những điều kỳ bí mang tên Đảo Xanh. Khi lòng hoang mang đến tột độ bởi không thể giải thích nổi những điều đó, ta chợt nhớ đến tác giả. Thực ra ông Hồ Anh Thái có ý đồ gì khi kể một câu chuyện hư hư thực thực như thế nhỉ? Rồi như hiểu ra, điều đó có thực sự tồn tại hay không, hay gió đã xóa đi cái dấu vết hiện hữu. Tác giả câu chuyện như vừa thách thức lại vừa trêu ngươi người đọc: “Câu chuyện tôi vừa kể đó, tin hay không tin là tùy ý các vị”. Nhưng khi đã bừng tỉnh khỏi cơn mê mà gió mang đến, ta chợt hiểu nó cũng giống như cái triết lý về dấu vết và thời gian mà ông đã nhắc đến trong truyện: “Cái dấu vết đã qua mà ta tìm thấy hôm nay chắc gì đã đáng tin cậy”, vì thế nên dấu về gió xóa.
Những điều trong truyện dù tồn tại hay không tồn tại bên ngoài hiện thực, thì Dấu về gió xóa vẫn mang trong nó cả một tư tưởng triết mỹ mà chúng ta không thể nào phủ nhận, dù ít dù nhiều nó cũng có ý nghĩa với độc giả, có ý nghĩa với hiện sinh. Hẳn chúng ta đã thấy cái nỗ lực truy tìm vào bản chất sâu xa của sự việc và giải thích những quy luật tồn tại của thế giới hiện hữu, tất cả đều mang những ý nghĩa triết học sâu sắc, đây chính là cảm hứng triết học trong Dấu về gió xóa của Hồ Anh Thái. Tuy nhiên, những phát hiện trên chỉ mang tính võ đoán và nhất thời, vì vậy rất mong sự chỉ hướng của tác giả.
Trần Thị Ty
Nguồn: daibieunhandan.vn