Sự giác ngộ không dựa vào ai, trước hết, phải dựa vào chính bản thân mình. Vượt qua những khúc quanh của cuộc đời với lòng từ bi, con người sẽ đến được bờ giác. Nguyễn Hiệp mở một đường đi riêng cho nhân vật của mình: đi từ hành trình bến mê đến bến tỉnh, tự nỗ lực, giác ngộ, giải thoát khỏi địa đạo vô minh. Đó là chiến thắng lớn của các nhân vật trong tập truyện nhưng cũng là chiến thắng của nhà văn khi đẩy vào trang viết màu sắc, hơi thở của thiền.

Trong tập “Âm thanh đổ bóng”, số phận các nhân vật được phản ánh thông qua những mâu thuẫn, những giằng xé nội tâm trước vấn đề nan giải. Trong cuộc đấu tranh nội tâm, họ vừa tự phán xét mình vừa tự tìm cho mình hướng đi thích hợp. Khởi đầu bằng những lỗi lầm nhưng kết thúc bằng sự thức tỉnh. Khi vươn đến những điều tốt đẹp, biết vị tha, bao dung, tâm trở nên thánh thiện hơn.

Bằng những cơn ảo giác, hoang tưởng, nhân vật “chị” trong truyện “Sáu ngọn gió” đã tưởng tượng ra cuộc nói chuyện với linh vũ để bày tỏ sự ăn năn, hối hận và cũng là để tự trừng phạt chính mình. Việc chị tố cáo nơi ở của anh Lê là đầu mối cho tất cả những khổ đau: anh Lê chết không còn nguyên xác trên chiến trường, chị gái bị cưỡng hiếp, ba chết trong tư thế bó gối khi xác con gái bị đặt ở đầu chợ quận,… Đối diện trước những việc làm không đúng với lương tâm, con người ta thường tự hành hạ mình bằng những cách khác nhau để bày tỏ sự sám hối, tự thú. Đó là một sự giằng xé mãnh liệt. Nhưng một khi sự sám hối, tự thú trở thành khát vọng thì nỗi tê tái, đắng đót càng nhân lên gấp bội phần. Cuộc đối thoại với linh vũ chính là cuộc đối thoại với con người thứ hai của chị. Hay nói cách khác, chị đang phân thân để tự vấn chính mình. Từng lỗi lầm được bóc tách theo cuộc đối thoại với linh vũ. Trong 6 cuộc đối thoại với linh vũ, tâm tính chị chuyển dần từ mê đến ngộ: sự đắc ý, cô đơn, cắn rứt, buộc tội, hoảng loạn. Đến cuộc trò chuyện với linh vũ thứ sáu, dù không chạm được ngọn gió thứ sáu, ngọn gió của sự “hóa giải” nhưng chị đã chạm được bản ngã của mình: “Hỡi tội lỗi! Mi sẽ mãi là mặt đỏ, lòng đen. Mi sẽ chín rục sự khám phá sau cùng trong mệt nhọc, mệt mỏi, trong chán ngán cuộc sống chính mình. Khám phá gì ư? Vô vọng. Tội lỗi. Nan y. Người đời có thể rộng lượng tha thứ cho mi, còn mi thì không. Mi không thể vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ điều trị chứng nan y đó. Cái gì dành riêng cho tội lỗi? Sống mòn sống mỏi. Chết mòn chết mỏi. Chết không nhắm mắt được” [1; 93]. Không chấp nhận trước những hành động mà mình gây ra, chị chọn cho mình cái chết. Nhưng cái chết ở đây không phải là cách để quên đi mọi thứ, xóa bỏ lỗi lầm một cách dễ dàng mà đó là cái chết của sự giác ngộ. Khi con người ý thức được những tội lỗi mà mình gây ra, chọn cho mình cái chết như thế, dẫu phải trải qua sự dằn vặt nội tâm nhưng đó là cái chết an nhiên, thảnh thơi. Quy trong truyện ngắn “Dứt dây” cũng rơi vào tâm thế như chị. Chỉ vì danh vọng trước mắt mà quên đi cái tình của Plang, người vợ mà sau này dù có đi đâu về đâu ông cũng không thể nào quên. Khi tự hành hạ, trừng trị thân xác mình giữa bạt ngàn lá cao su phủ kín, lòng Quy mới tỉnh ngộ: “Kì thực cái đẹp trong sâu thẳm hồn người… mới là cứu cánh thật sự của con người…” [1; 144].

Phật giáo quan niệm, gieo nhân nào ắt gặp quả ấy. Nhân thiện gặp quả thiện. Nhân ác gặp quả ác. Không có nhân nào, quả nào mãi mãi. Xây dựng số phận các nhân vật trên tinh thần này, Nguyễn Hiệp đã thấy được vẻ đẹp sâu kín tiềm ẩn bên trong con người. Bị tác động bởi hoàn cảnh, con người có thể thay đổi tâm tính nhưng bản chất người không bao giờ bị mất đi. Nếu tìm được nguyên nhân gây đau khổ, biết giải mã nó bằng sự hoàn thiện dần tâm tính thì lòng sẽ nhẹ nhõm, không còn sống trong trạng thái bất an. ở đây, nhân vật của Nguyễn Hiệp có xu hướng tìm đến cái chết để giải quyết mọi lỗi lầm do chính mình gây ra. Liệu đó có phải là sự bế tắc trong việc giải quyết số phận nhân vật? Khi bàn về sự luân hồi, Hòa Thượng Thích Thượng Hoa có viết: “Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng dẻo trả về cho đất, chất đượm ướt trả về cho nước, hơi nóng trả về cho lửa, hơi thở và sự cử động trả về cho gió. Rồi bốn chất này tùy theo nhân duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác” [2; 181]. Nghĩa là vạn vật đều có luân hồi. Khi giáp ranh với cái chết, con người mới nhận ra, được hưởng hạnh phúc hay phải sống trong khổ đau đều do mình. Chỉ có sự nỗ lực của bản thân mới giải thoát được vòng tham sân si, hướng đến cảnh giới hạnh phúc. Hơn nữa, con người sinh ra không phải là kẻ xấu. Cho nên, họ luôn có cơ hội để thay đổi, sống tốt hơn. Nói như thế, chết không phải biểu hiện sự bế tắc mà chết để khởi đầu kiếp sau tốt đẹp hơn. Nhân vật “chị” (Sáu ngọn gió), họa sĩ Quy (Dứt dây) sẽ tìm được chốn bình yên cho tâm hồn.

Bìa tập truyện ngắn “Âm thanh đổ bóng” của nhà văn Nguyễn Hiệp

Các nhân vật trong tập truyện đều có những tâm trạng, nỗi niềm riêng nhưng hầu hết đều cô đơn. Phấn cô đơn, lẻ bóng khi cái nghiệp bị từ chối cứ bủa vây, không cho chị cơ hội được hưởng hạnh phúc (Phấn). Nhân vật “tôi” cô đơn biết chừng nào khi nhận thấy có dòng chảy khác đang hiện hữu trong cái thân xác nam giới (Dốc ngọn gió). Hắn muốn bay để thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt, lẻ bóng nhưng không thể vượt qua được bức tường vững chắc của tâm hồn… (Bay). Trần Vũ cô đơn ngay cả khi sống với vợ với con (Âm thanh đổ bóng). Trong cô đơn, có phải nhân vật nào cũng nhận ra sai lầm của bản thân như Phấn, như nhân vật “tôi” trong “Nóc trời và đáy cát”…? Việc Trần Vũ bán đất nghĩa địa cho các dự án, gây sụp lở ngay chính ngôi mộ của Hiền như một đòn “gậy ông đập lưng ông”. Ông Thực với tham vọng về cái sự bất tử đã phải gánh chịu hậu quả ngay từ cô con gái đi du học nước ngoài về. Thông qua số phận của các nhân vật này, Nguyễn Hiệp đã nêu lên triết lý của nhà Phật trong việc chọn đường đi, cần biết rõ mọi thứ để có hành động đúng đắn, từ bỏ những gì cần phải từ bỏ để tu tâm tích đức, rèn luyện bản thân để sống tốt, sống đẹp hơn.

Giấc mộng đến với tất thảy mọi người. Có người nhớ hết những giấc mơ mà mình đã mơ. Có người thức dậy không thể nào nhớ nổi. Bởi các giấc mơ xuất hiện thường không giống nhau, đan xen những hình ảnh, sự việc rất bình thường với những hình ảnh, sự việc phi lý, trái với quy luật cuộc sống. Theo Tâm lý học hiện đại, những thất bại, khổ đau thường được con người ghi nhớ trong não bộ. Do đó, khi những khát khao, dục vọng càng lớn, mãnh liệt mà chúng ta chưa thể giải quyết, đáp ứng trong cuộc sống lúc thức thì thường được phản chiếu, giải tỏa qua các giấc mơ. Hay nói cách khác, chính những ức chế đó đã mã hóa, định hướng nội dung các giấc mơ. Giấc mơ còn bí ẩn, chưa được lý giải thấu đáo nhưng nó cũng mang đến một ý nghĩa nhất định với cuộc sống. Đôi khi, giấc mơ mang đến điềm báo, dự báo, linh cảm gì đó. Nó có thể đưa đến cho chúng ta niềm hạnh phúc, vui sướng nhưng cũng có lúc khiến chúng ta trăn trở, khổ đau. Đối với người nghệ sĩ, giấc mơ lại có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó có thể tạo cảm hứng cho sáng tác.

Tập Âm thanh đổ bóng bàn nhiều về các giấc mơ. Những giấc mơ không chỉ phản ánh khát vọng, sự linh cảm của các nhân vật mà còn giúp nhà văn mở rộng không gian tồn tại của nhân vật ở thế giới huyền bí. Các giấc mơ phản ánh, mách nước, dự cảm về những điều sắp xảy ra. Chúng là yếu tố “trung gian” giúp chúng ta phán xét lại bản thân, “giác ngộ bản thân”.

Giấc mơ không bao giờ bó hẹp trong một không gian hay thời gian nào. Các sự vật, sự việc xuất hiện bất ngờ, mang màu sắc quái dị, huyễn hoặc, thậm chí không kết dính, liên quan gì nhau. Nhưng các giấc mơ ấy là một trong những biểu hiện nghệ thuật giúp nhà văn khám phá sâu hơn về thân phận con người và cái nhìn triết lý về cuộc sống. O trong truyện ngắn “Mị lực” xuất hiện trong tình trạng là một người bị bệnh tâm thần. Nguyên nhân dẫn O đến căn bệnh này từ chuyện bị kẻ hàng xóm thẻo mông con bò Khú để hòng mua bằng được ruộng vườn nhà O. Sau khi bán đất cho kẻ hàng xóm xảo quyệt, O chìm trong ba giấc mơ. Những linh cảm trong các giấc mơ ấy đều có thật. Nỗi đau khi mất con bò Khú, con vật gắn bó bao nhiêu năm với O, tê tái đến mức như O đang bị róc đi một phần cơ thể của mình. Hình ảnh bộ xương “gục gặc di chuyển” trong giấc mơ thứ hai như chính tâm trạng tan nát, bất lực của O trước âm mưu của người hàng xóm. Giấc mơ thứ ba, O mơ về những đàn muỗi khổng lồ. Cuộc đời của O cũng như cuộc đời của những người nông dân khó bề thoát được những “quái vật muỗi” luôn luôn “rền rền” trên đầu. Như thế, nguyên nhân sâu xa cho việc O sống trong hoang tưởng, bị bấn loạn về tinh thần đâu phải chỉ từ hành động tráo trở của gã hàng xóm kia! ở truyện “Thùng lủng đáy”, ông Thực tin và thậm chí tôn thờ sự bất tử. Thế mà, đứa con gái du học nước ngoài, đường công danh chưa trọn đã vội vàng tay bống tay bế với cái lý thuyết mang từ Tây phương về, không đủ tiền du học thì làm “gái sang” đã dập tắt niềm hi vọng của ông. Giấc mơ về thùng nước đổ mãi mà không đầy đánh vào cái thành trì bất tử của ông. Thực tế cuộc sống đã không cho ông đạt được mục đích. Hơn nữa, với “nhân cách kép” của ông Thực, đó là cái giá, là quả báo, là hình phạt cho chính bản thân ông ngay cả trong mơ. Hoặc là, giấc mơ của cô giáo Hiền trong truyện “Con diều” là giấc mơ có tính điềm báo. Dẫu cô Hiền không hóa giải được giấc mơ nhưng cái chết của thằng Lộc là sự cảnh báo, lên án những kẻ hám lợi, chỉ vì lợi nhuận mà không màng đến sự sống còn của kẻ khác.

Lấy nhan đề một truyện đặt tên cho cả tập truyện, “Âm thanh đổ bóng” không chỉ là những thanh âm buồn, ma quái mà còn là những âm thanh day dứt về cách hành xử giữa người với người, xốn xang với những số phận bấp bênh, khổ lụy về tâm. Sự tưởng tượng cùng với những giấc mộng chập chờn mang tính dự cảm, linh ứng làm nên một thế giới âm thanh đầy quái dị: “rít ri…iii… uuu… uuu…”, “ì ì ì ì ì ì… í… i… ì…”, “Hú hú hú…u…u…u…”, “i… i… I… ì… ì… ì…”,… Nguyễn Hiệp còn gửi gắm trong đó khát vọng về một cuộc sống nhân ái. Đó là sức mạnh tinh thần vô biên giúp con người đứng vững giữa trần gian lầm bụi.

Văn xuôi nhuốm thiền không phải là mới trong lĩnh vực sáng tạo. Thiền rộng lớn, vô biên, có mặt từ trong đời sống văn học tâm linh của thơ, văn xuôi,…Tuy nhiên, việc mượn quy luật nhân quả, luân hồi cũng như việc xem “giấc mơ như là một điềm báo” của Phật giáo làm cảm hứng sáng tác, Nguyễn Hiệp đã làm nên dáng dấp riêng cho truyện ngắn của mình. Nhờ đó, “Âm thanh đổ bóng” rất giàu về chất triết lý và giàu tính nhân văn.

(Nguồn: Văn nghệ Số 4/2013)