Trong dòng chảy của văn học nước nhà thời kì đổi mới, Võ Thị Xuân Hà là một cây bút nữ khá tiêu biểu. Những sáng tác của chị mang đậm cảm hứng bi kịch. Đọc truyện ngắn của chị, chúng ta bắt gặp hàng loạt những bi kịch khác nhau trong cuộc sống. Trước nhất, đó là bi kịch chiến tranh. Trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng, tác giả đề cập đến sự tàn khốc của chiến tranh với sinh mệnh con người. Dù đoàn làm phim trong truyện tái hiện lại cảnh chiến tranh với bom rơi đạn nổ khốc liệt đến mức khiến Diễm “khiếp đảm như thể chiến tranh đang kề bên” nhưng theo như ông trưởng đoàn làm phim thì “mới chỉ mô tả được một phần mười”. Trong cảm nhận của Diễm, thành cổ Quảng Trị “là thành phố của những người chết”. Cô có cảm nhận như vậy bởi ở đây có nghĩa trang rộng ngút ngàn. Nhưng những người được nằm ở đây dù sao vẫn còn là điều may mắn hơn những người chưa tìm thấy xác, đang phải nằm đâu đây trên mảnh đất đầy bom đạn này. Đó là những người như Nẫm: “chân đạp đất mà đầu đội phải đạn”, hay như con trai bà cụ già mà vợ chồng Diễm gặp: “Nó chết không nhặt được một mảnh xương… Pháo dập, lẫn lộn hết vào đất cát”. Tuy nhiên, dù đề cập đến hậu quả to lớn của chiến tranh nhưng âm hưởng của truyện không hoàn toàn chỉ có bi kịch. Tác giả khẳng định sự mất mát của cuộc chiến là vô cùng to lớn nhưng sức sống của dân tộc là vĩnh hằng, sự hi sinh của những người chiến sĩ đã góp phần đem lại cuộc sống hạnh phúc cho dân tộc: “Nhưng dòng Thạch Hãn vẫn lầm lụi chảy. Phù sa đỏ bầm. Có phải xương cốt của bao chàng trai ngã xuống trong cuộc chiến đã hóa thành phù sa?”.
Nếu Đàn sẻ ri bay ngang rừng hướng đến vấn đề tổn thất máu xương to lớn của những người trực tiếp tham gia cuộc chiến thì Ngọa sinh lại đi vào vấn đề di chứng của chiến tranh. Đó là vấn đề hậu quả của việc nhiễm chất độc màu da cam. Thảm họa này trước tiên đến với những người trực tiếp tham gia cuộc chiến. Có người mất khả năng sinh con, có người sinh con được nhưng lại bị dị hình, dị dạng. Thảm cảnh rõ nhất là ở nhân vật Hoan. Bố cô vốn là một người lính từng tham chiến ở vùng quân Mỹ thả chất độc màu da cam. Chất độc người bố nhiễm trong những năm tháng ở chiến trường đã để lại di chứng ở đời thứ hai. Hoan sinh đứa con đầu nhưng thằng bé lại bị dị dạng và nó trở thành đối tượng để mỉa mai cay độc, đứa thứ hai lại là con gái nên gã chồng mang nặng tư tưởng gia trưởng đã bỏ đi. Hoan sống trong nỗi bất hạnh của người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ. Ngoài nhân vật Hoan thì Vương – đứa con bất hạnh cũng là hình tượng đầy ám ảnh. Đó là một đứa trẻ bị dị hình và chỉ biết nói mỗi câu “Tao sẽ đập nát bét”. Nó không có trí tuệ và cũng chẳng có tính cách. Trong truyện, Vương xuất hiện không nhiều, nhưng đủ để gây ấn tượng mạnh với người đọc. Hình ảnh “Thằng Vương chồm lên như muốn vượt qua bốn bức rào cũi, giọng điên dại” ẩn chứa sự phê phán của nhà văn với những người vô tâm trước nỗi đau của đồng loại.
Cũng như rất nhiều cây bút nữ cùng thời và sau này như Nguyễn Thị Thu Huệ, Thùy Dương, Y Ban… bi kịch gia đình là đề tài được Võ Thị Xuân Hà quan tâm với một loạt sáng tác như Nhà có ba chị em, Cây bồ kết nở hoa, Lúa và đất, Dưới cơn gió thoảng, Ngọa sinh, Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí, Con đường vô tận… Về nguyên nhân gây nên những rạn nứt trong gia đình, nguyên nhân đầu tiên, theo Võ Thị Xuân Hà nằm ở phía những người chồng. Họ có thể là những người có công việc đàng hoàng như nhân vật bác sĩ, chồng của Nghi, trong truyện Nhà có ba chị em. Trong khi người vợ rất cần được yêu thương, vỗ về thì anh ta lại suốt ngày cắm cúi với công việc, đối xử lạnh nhạt với vợ. Nghi chỉ có ý nghĩa khi anh ta muốn thỏa mãn nhu cầu sinh lí cá nhân. Mà lúc đó người chồng cũng thật thô bạo: “Một đêm chồng Nghi bỏ dở ca trực về nhà, chạm tay vào người vợ, chị bỗng rú lên hoảng hốt. Đáng lẽ anh phải lấy chăn ủ kín cho chị nhưng anh lại lột hết quần áo của chị ra một cách không thương tiếc”. Là kẻ gia trưởng, thô bạo, người chồng trong Vườn hài nhi coi vợ mình không hơn không kém chỉ là thứ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Và khi làm chuyện đó anh ta cũng chẳng thèm giữ gìn cho vợ. Hậu quả là đã hai mươi ba lần người vợ khốn khổ ấy phải đến bệnh viện phụ sản chịu đớn đau. Đã thế, gã không một lời động viên mà còn nói những câu thật tàn nhẫn: “Cô thế chó nào thế? Y như lợn nái. Cứ động vào là có chuyện. Quê mùa như cô chồng nào chịu được hả?” Trong Lúa và đất, Đào vốn rất tần tảo, chịu thương chịu khó là thế nhưng nhà lúc nào cũng túng thiếu bởi ông chồng chẳng bao giờ chịu mó tay làm một việc gì. Đã thế anh ta lại còn cờ bạc, nhà có con bò để cày ruộng và là tài sản lớn duy nhất cũng bị đem đánh bạc nốt.
Nhưng nguyên nhân của bi kịch gia đình cũng còn xuất phát từ phía người vợ. Nhân vật Hồng trong Nhà có ba chị em và cô gái trong truyện Cây bồ kết nở hoa khổ một phần chính bởi lối sống thực dụng của họ. Nếu không bỏ người chồng thứ nhất, Hồng cũng sẽ không phải hối tiếc khi lập gia đình lần hai với một gã đàn ông bệnh hoạn tận miền Nam. Cô gái trong truyện Cây bồ kết nở hoa cũng vì không chịu được cuộc sống nghèo túng nơi quê hương mình mà sẵn sàng chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu với một người đàn ông ngoại quốc xa xôi để rồi rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Nói về vấn đề bi kịch gia đình, là nhà văn nữ nên Võ Thị Xuân Hà nhấn mạnh đến nỗi khổ của những người vợ, người mẹ và những đứa trẻ tội nghiệp. Nếu gia đình không tan vỡ thì cũng là cảnh vợ chồng lục đục, nói chuyện mà cứ như chửi nhau (Con đường vô tận). Rồi là cuộc sống nghèo khổ với việc người vợ tần tảo sớm khuya nhưng gia đình vẫn cứ nghèo túng như nhân vật Hoan trong Lúa và đất. Nhưng hậu quả lớn hơn của bi kịch gia đình có lẽ là sự tan vỡ mái ấm hạnh phúc và từ đó kéo theo những hệ lụy bi đát. Nhân vật người phụ nữ trong Dưới cơn gió thoảng từ sau cuộc hôn nhân tan vỡ luôn sống trong cảnh “Không hát không cười. Nó lặng lẽ và khô héo. Nó hằn học với tất cả đám đàn ông đi qua ngõ”. Nhân vật Nghi trong truyện Nhà có ba chị em vốn là một nhà báo, có tâm hồn văn chương nên khi sống với người chồng lạnh lẽo, vô cảm cô thấy như sống trong địa ngục. Và Nghi đã tìm đến một tình yêu ngoài hôn nhân với Giang để vơi bớt nỗi khổ đau. Nhưng ngay cả người tưởng như cô yêu và yêu cô nhất trên đời cũng có nguy cơ rời bỏ Nghi. Thất vọng cùng cực, nhân vật đã tìm đến cái chết. Đề cập đến hậu quả của những bi kịch gia đình, Võ Thị Xuân Hà như muốn nói: gia đình chính là thứ quý giá nhất, gần gũi nhất với cá nhân. Mỗi chúng ta cần phải biết trân trọng nó, nếu không hậu quả sẽ không thể lường hết được.
Bên cạnh bi kịch gia đình thì bi kịch tình yêu cũng là một chủ đề mà Võ Thị Xuân Hà quan tâm. Bí ẩn một dòng sông kể về mối tình rất đẹp giữa Hạ, một cô giáo trẻ trung, xinh đẹp ở Hà Nội xung phong vào dạy tại một trường ở Huế, với Vịnh, một giáo viên người địa phương. Tình cảm họ dành cho nhau thật nồng cháy. Nhưng rồi tai họa đã đến khi hạnh phúc trọn vẹn tưởng đã trong tầm tay họ. Một mái nhà không chịu được gió bão đã sụp xuống và cướp người con gái tuyệt vời ấy khỏi cuộc đời Vịnh. Họ đã vĩnh viễn mất nhau. Mất mát khiến cho Vịnh mãi về sau vẫn không nguôi dằn vặt bởi anh cứ cho rằng một phần do mình mà Hạ đã phải chết. Trôi trong sương mù đề cập tới bi kịch của tình yêu đơn phương. Hoàng Mai Sương Vân vốn là tiểu thư cành vàng lá ngọc của một họ tộc nổi tiếng xứ cố đô. Mười bốn tuổi, cô tình cờ gặp và yêu một người đàn ông tên Thuận. Điều trớ trêu là người đàn ông ấy lại là linh mục nên hai năm trời lẽo đẽo mà Vân vẫn không giành được trái tim vị linh mục, kể cả khi cô nguyện hiến dâng sự trong trắng của mình. Đau khổ, cô tiểu thư cành vàng lá ngọc đã lao vào kiếp sống nổi loạn, sẵn sàng chung đụng với bất cứ người đàn ông nào. Trên đất Mĩ, trong khi linh mục Thuận trở thành cha xứ của một địa hạt thì Hoàng Mai Sương Vân là một phạm nhân. Dẫu vậy, trong sâu thẳm trái tim người con gái bất hạnh ấy vẫn luôn có hình bóng người đàn ông mà cô biết sẽ không bao giờ có được.
Nếu bi kịch của Vân (Trôi trong sương mù) là yêu mà không được đáp lại thì bi kịch của không ít nhân vật trong nhiều truyện khác của Võ Thị Xuân Hà là bị phụ bạc. Trong truyện Xin lỗi em, Huyền yêu Cương bằng một tình yêu nồng nàn và mỗi khi được đi bên anh, cô cảm thấy thật hãnh diện, hạnh phúc và càng hạnh phúc hơn trước những cử chỉ, hành động quan tâm của người yêu. Nhưng cũng thật bất hạnh cho Huyền, bởi vốn xuất thân nghèo khó, Cương lao vào kinh doanh với khát khao làm giàu, vì khát khao quá lớn mà tâm hồn anh ta đã trở nên chai sạn. Cương không muốn vì Huyền mà mình mất quá nhiều thời gian. Anh chia tay với cô như là một điều tất yếu. Đau khổ, Huyền tìm đến rượu. Nhưng vô ích.
Dù chỉ là điểm qua nhưng có thể thấy rằng cảm hứng bi kịch trong truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà khá đa dạng. Bằng tác phẩm của mình, nhà văn đã phản ánh được những bề bộn, phức tạp, những góc khuất trong mỗi con người từ đó đặt ra những vấn đề bức thiết với cuộc sống. Phản ánh những vấn đề bi kịch nhưng các tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà không nhuốm màu sắc bi quan. Chị vẫn cho thấy những hi vọng và nghị lực để con người có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Và ẩn trong mỗi câu chuyện là sự cảm thông chân thành, sâu sắc của nhà văn với các nhân vật của mình (đặc biệt là các nhân vật nữ) dù cho họ là nạn nhân hay chính là thủ phạm gây ra nỗi bất hạnh của cuộc đời mình. Rõ ràng, điểm sáng nhân hậu trên đã góp phần nâng tầm tư tưởng cho mỗi tác phẩm của nữ văn sĩ gốc Huế này.
Nếu Đàn sẻ ri bay ngang rừng hướng đến vấn đề tổn thất máu xương to lớn của những người trực tiếp tham gia cuộc chiến thì Ngọa sinh lại đi vào vấn đề di chứng của chiến tranh. Đó là vấn đề hậu quả của việc nhiễm chất độc màu da cam. Thảm họa này trước tiên đến với những người trực tiếp tham gia cuộc chiến. Có người mất khả năng sinh con, có người sinh con được nhưng lại bị dị hình, dị dạng. Thảm cảnh rõ nhất là ở nhân vật Hoan. Bố cô vốn là một người lính từng tham chiến ở vùng quân Mỹ thả chất độc màu da cam. Chất độc người bố nhiễm trong những năm tháng ở chiến trường đã để lại di chứng ở đời thứ hai. Hoan sinh đứa con đầu nhưng thằng bé lại bị dị dạng và nó trở thành đối tượng để mỉa mai cay độc, đứa thứ hai lại là con gái nên gã chồng mang nặng tư tưởng gia trưởng đã bỏ đi. Hoan sống trong nỗi bất hạnh của người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ. Ngoài nhân vật Hoan thì Vương – đứa con bất hạnh cũng là hình tượng đầy ám ảnh. Đó là một đứa trẻ bị dị hình và chỉ biết nói mỗi câu “Tao sẽ đập nát bét”. Nó không có trí tuệ và cũng chẳng có tính cách. Trong truyện, Vương xuất hiện không nhiều, nhưng đủ để gây ấn tượng mạnh với người đọc. Hình ảnh “Thằng Vương chồm lên như muốn vượt qua bốn bức rào cũi, giọng điên dại” ẩn chứa sự phê phán của nhà văn với những người vô tâm trước nỗi đau của đồng loại.
Cũng như rất nhiều cây bút nữ cùng thời và sau này như Nguyễn Thị Thu Huệ, Thùy Dương, Y Ban… bi kịch gia đình là đề tài được Võ Thị Xuân Hà quan tâm với một loạt sáng tác như Nhà có ba chị em, Cây bồ kết nở hoa, Lúa và đất, Dưới cơn gió thoảng, Ngọa sinh, Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí, Con đường vô tận… Về nguyên nhân gây nên những rạn nứt trong gia đình, nguyên nhân đầu tiên, theo Võ Thị Xuân Hà nằm ở phía những người chồng. Họ có thể là những người có công việc đàng hoàng như nhân vật bác sĩ, chồng của Nghi, trong truyện Nhà có ba chị em. Trong khi người vợ rất cần được yêu thương, vỗ về thì anh ta lại suốt ngày cắm cúi với công việc, đối xử lạnh nhạt với vợ. Nghi chỉ có ý nghĩa khi anh ta muốn thỏa mãn nhu cầu sinh lí cá nhân. Mà lúc đó người chồng cũng thật thô bạo: “Một đêm chồng Nghi bỏ dở ca trực về nhà, chạm tay vào người vợ, chị bỗng rú lên hoảng hốt. Đáng lẽ anh phải lấy chăn ủ kín cho chị nhưng anh lại lột hết quần áo của chị ra một cách không thương tiếc”. Là kẻ gia trưởng, thô bạo, người chồng trong Vườn hài nhi coi vợ mình không hơn không kém chỉ là thứ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Và khi làm chuyện đó anh ta cũng chẳng thèm giữ gìn cho vợ. Hậu quả là đã hai mươi ba lần người vợ khốn khổ ấy phải đến bệnh viện phụ sản chịu đớn đau. Đã thế, gã không một lời động viên mà còn nói những câu thật tàn nhẫn: “Cô thế chó nào thế? Y như lợn nái. Cứ động vào là có chuyện. Quê mùa như cô chồng nào chịu được hả?” Trong Lúa và đất, Đào vốn rất tần tảo, chịu thương chịu khó là thế nhưng nhà lúc nào cũng túng thiếu bởi ông chồng chẳng bao giờ chịu mó tay làm một việc gì. Đã thế anh ta lại còn cờ bạc, nhà có con bò để cày ruộng và là tài sản lớn duy nhất cũng bị đem đánh bạc nốt.
Nhưng nguyên nhân của bi kịch gia đình cũng còn xuất phát từ phía người vợ. Nhân vật Hồng trong Nhà có ba chị em và cô gái trong truyện Cây bồ kết nở hoa khổ một phần chính bởi lối sống thực dụng của họ. Nếu không bỏ người chồng thứ nhất, Hồng cũng sẽ không phải hối tiếc khi lập gia đình lần hai với một gã đàn ông bệnh hoạn tận miền Nam. Cô gái trong truyện Cây bồ kết nở hoa cũng vì không chịu được cuộc sống nghèo túng nơi quê hương mình mà sẵn sàng chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu với một người đàn ông ngoại quốc xa xôi để rồi rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Nói về vấn đề bi kịch gia đình, là nhà văn nữ nên Võ Thị Xuân Hà nhấn mạnh đến nỗi khổ của những người vợ, người mẹ và những đứa trẻ tội nghiệp. Nếu gia đình không tan vỡ thì cũng là cảnh vợ chồng lục đục, nói chuyện mà cứ như chửi nhau (Con đường vô tận). Rồi là cuộc sống nghèo khổ với việc người vợ tần tảo sớm khuya nhưng gia đình vẫn cứ nghèo túng như nhân vật Hoan trong Lúa và đất. Nhưng hậu quả lớn hơn của bi kịch gia đình có lẽ là sự tan vỡ mái ấm hạnh phúc và từ đó kéo theo những hệ lụy bi đát. Nhân vật người phụ nữ trong Dưới cơn gió thoảng từ sau cuộc hôn nhân tan vỡ luôn sống trong cảnh “Không hát không cười. Nó lặng lẽ và khô héo. Nó hằn học với tất cả đám đàn ông đi qua ngõ”. Nhân vật Nghi trong truyện Nhà có ba chị em vốn là một nhà báo, có tâm hồn văn chương nên khi sống với người chồng lạnh lẽo, vô cảm cô thấy như sống trong địa ngục. Và Nghi đã tìm đến một tình yêu ngoài hôn nhân với Giang để vơi bớt nỗi khổ đau. Nhưng ngay cả người tưởng như cô yêu và yêu cô nhất trên đời cũng có nguy cơ rời bỏ Nghi. Thất vọng cùng cực, nhân vật đã tìm đến cái chết. Đề cập đến hậu quả của những bi kịch gia đình, Võ Thị Xuân Hà như muốn nói: gia đình chính là thứ quý giá nhất, gần gũi nhất với cá nhân. Mỗi chúng ta cần phải biết trân trọng nó, nếu không hậu quả sẽ không thể lường hết được.
Bên cạnh bi kịch gia đình thì bi kịch tình yêu cũng là một chủ đề mà Võ Thị Xuân Hà quan tâm. Bí ẩn một dòng sông kể về mối tình rất đẹp giữa Hạ, một cô giáo trẻ trung, xinh đẹp ở Hà Nội xung phong vào dạy tại một trường ở Huế, với Vịnh, một giáo viên người địa phương. Tình cảm họ dành cho nhau thật nồng cháy. Nhưng rồi tai họa đã đến khi hạnh phúc trọn vẹn tưởng đã trong tầm tay họ. Một mái nhà không chịu được gió bão đã sụp xuống và cướp người con gái tuyệt vời ấy khỏi cuộc đời Vịnh. Họ đã vĩnh viễn mất nhau. Mất mát khiến cho Vịnh mãi về sau vẫn không nguôi dằn vặt bởi anh cứ cho rằng một phần do mình mà Hạ đã phải chết. Trôi trong sương mù đề cập tới bi kịch của tình yêu đơn phương. Hoàng Mai Sương Vân vốn là tiểu thư cành vàng lá ngọc của một họ tộc nổi tiếng xứ cố đô. Mười bốn tuổi, cô tình cờ gặp và yêu một người đàn ông tên Thuận. Điều trớ trêu là người đàn ông ấy lại là linh mục nên hai năm trời lẽo đẽo mà Vân vẫn không giành được trái tim vị linh mục, kể cả khi cô nguyện hiến dâng sự trong trắng của mình. Đau khổ, cô tiểu thư cành vàng lá ngọc đã lao vào kiếp sống nổi loạn, sẵn sàng chung đụng với bất cứ người đàn ông nào. Trên đất Mĩ, trong khi linh mục Thuận trở thành cha xứ của một địa hạt thì Hoàng Mai Sương Vân là một phạm nhân. Dẫu vậy, trong sâu thẳm trái tim người con gái bất hạnh ấy vẫn luôn có hình bóng người đàn ông mà cô biết sẽ không bao giờ có được.
Nếu bi kịch của Vân (Trôi trong sương mù) là yêu mà không được đáp lại thì bi kịch của không ít nhân vật trong nhiều truyện khác của Võ Thị Xuân Hà là bị phụ bạc. Trong truyện Xin lỗi em, Huyền yêu Cương bằng một tình yêu nồng nàn và mỗi khi được đi bên anh, cô cảm thấy thật hãnh diện, hạnh phúc và càng hạnh phúc hơn trước những cử chỉ, hành động quan tâm của người yêu. Nhưng cũng thật bất hạnh cho Huyền, bởi vốn xuất thân nghèo khó, Cương lao vào kinh doanh với khát khao làm giàu, vì khát khao quá lớn mà tâm hồn anh ta đã trở nên chai sạn. Cương không muốn vì Huyền mà mình mất quá nhiều thời gian. Anh chia tay với cô như là một điều tất yếu. Đau khổ, Huyền tìm đến rượu. Nhưng vô ích.
Dù chỉ là điểm qua nhưng có thể thấy rằng cảm hứng bi kịch trong truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà khá đa dạng. Bằng tác phẩm của mình, nhà văn đã phản ánh được những bề bộn, phức tạp, những góc khuất trong mỗi con người từ đó đặt ra những vấn đề bức thiết với cuộc sống. Phản ánh những vấn đề bi kịch nhưng các tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà không nhuốm màu sắc bi quan. Chị vẫn cho thấy những hi vọng và nghị lực để con người có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Và ẩn trong mỗi câu chuyện là sự cảm thông chân thành, sâu sắc của nhà văn với các nhân vật của mình (đặc biệt là các nhân vật nữ) dù cho họ là nạn nhân hay chính là thủ phạm gây ra nỗi bất hạnh của cuộc đời mình. Rõ ràng, điểm sáng nhân hậu trên đã góp phần nâng tầm tư tưởng cho mỗi tác phẩm của nữ văn sĩ gốc Huế này.
Nguồn: Vannghequandoi