Với bộ ba tác phẩm vừa chấp bút kịch bản, vừa làm đạo diễn phim Chơi vơi, Bi, đừng sợ!…, Cha và con và… Phan Đăng Di đã tiến những bước dài trong nghệ thuật thứ bảy. Truyện trong kịch bản Phan Đăng Di như một lát cắt cuộc sống. Chơi vơi bắt đầu với đám cưới của cô gái trẻ xinh đẹp tên Duyên và Hải, chàng trai lái taxi bằng tuổi, mới quen ba tháng. Duyên tin chắc mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng chỉ sau đám cưới ít ngày, Duyên đã quan hệ nam nữ với Thổ – một gã Sở Khanh. Thổ là bạn Cầm – bạn gái thân của Duyên. Những lần ân ái với chồng và Thổ đều khiến Duyên cảm thấy mình không hề hạnh phúc, cô tìm đến sự ủi an từ Cầm. Sau khi nói dối chồng để du lịch với Thổ, Duyên trở về, ngỡ ngàng khi chứng kiến cô hàng xóm mười tám tuổi đang vô tư tắm trong nhà mình. Duyên bỏ đến nhà Cầm. Hải nói với mẹ rằng anh có lỗi. Duyên tự nhận với Cầm: Dù sao mình cũng là người có lỗi trước…
Sau Chơi vơi khoảng mười năm, với độ chín tư tưởng và nghề nghiệp, Phan Đăng Di cho ra mắtBi, đừng sợ!… Kịch bản bắt đầu với sự kiện ông nội Bi bị bệnh từ châu Âu trở về Việt Nam sống với gia đình. Trái ngược với người con dâu luôn chăm chút cho bố chồng, bố và cô ruột Bi hoàn toàn lãnh đạm trước sự trở về của cha. Gia đình ấy, tuy sống bên nhau nhưng mỗi người đều theo đuổi những mối quan tâm riêng, không ai đoái hoài đến ai. Ông nội Bi chống chọi với những cơn đau bệnh đã đến giai đoạn cuối. Bố Bi ngày ở cơ quan, tan làm đi ăn nhậu, nhậu xong đến quán gội đầu, đêm khuya mò về nhà. Cô Bi, người phụ nữ quá lứa lỡ thì, ôm ấp tình yêu vô vọng nhiều khao khát với một cậu học sinh trong trường. Cái chết của ông nội không gây nhiều thay đổi với những người trong gia đình. Những người đang sống, phải sống, vẫn sống trong thế giới của riêng mình, không người chia sẻ, do không muốn hoặc không thể sẻ chia.
Kịch bản Cha và con và… kể về những thanh niên mới lớn đối mặt với vòng xoáy mưu sinh, bạo lực, tình ái, bản năng trong bối cảnh Việt Nam những năm chín mươi của thế kỉ trước. Vũ, sinh viên nhiếp ảnh, thầm yêu người bạn trai thân sống cùng phòng mình mà chưa khi nào dám tỏ bày. Thăng, chàng trai hai nhăm tuổi làm nghề pha chế đồ uống và bán ma túy chui ở một quán bar. Vân, cô vũ nữ xinh đẹp, nghiện ngập, cam chịu thân phận “gái bao” cho người tình đại gia. Tùng, sinh viên âm nhạc bỏ học giữa chừng, đi hát dạo kèm cô em gái bán kẹo kéo, xổ số dưới sự bảo kê của giang hồ… Chưa có cái kết nào cho cuộc đời họ. Họ vẫn kiếm sống, vẫn yêu đương và tiếp tục khao khát. Chỉ tiếc là những khao khát ấy đều quá sát mặt đất.
Tóm tắt ba kịch bản trên là việc rất khó khăn. Kịch bản của Phan Đăng Di không có sự kiện rõ ràng. Sức bùng nổ của kịch bản nằm ở chỗ phản ánh cuộc sống lúc nào cũng như một nồi nước sôi trong tình trạng sắp bật vung. Ẩn sâu trong mỗi kịch bản là những bi kịch tinh thần của con người. Đó là sự hoang mang, vô định, mất phương hướng. Ta bắt gặp ở Chơi vơi những người trẻ tuổi không biết mình sẽ về đâu. Duyên lấy chồng vội vàng để rồi lần lượt nhận về những bi kịch. Bi kịch trống trải khi làm vợ một người thanh niên ngây thơ, vô tư đến vô tâm. Bi kịch mất niềm tin khi làm tình nhân của người đàn ông hấp dẫn, đầy bản năng nhưng không biết yêu đương, chung tình với phụ nữ… Trong sự đau khổ của Duyên, ta nhìn thấy rõ nhu cầu của con người. Thể xác cần nâng niu, chăm sóc, trong đó có cả việc ôm ấp, làm tình… nhưng tâm hồn lại cần tình yêu thương và quan tâm thực sự. Người ta sẽ không thể trốn chạy nỗi cô đơn trống vắng bằng cách tìm đến bản năng. Trong tình yêu có bản năng, gần gũi thể xác, nhưng bản năng không phải là tất cả. Chơi vơi là bi kịch của sự lựa chọn sai lầm, nơi mà con người không hiểu mình, vì không hiểu mình nên không thể biết cách làm cho mình hạnh phúc… Trong Chơi vơi, tất cả các nhân vật đều bị “mắc kẹt”. Người mắc kẹt trong hoàn cảnh, người mắc kẹt trong tâm lí… Tất cả họ đều hoang mang không biết làm sao thoát khỏi tình trạng ấy.
Ta cũng bắt gặp ở Bi, đừng sợ!… những cuộc đời nhàm chán, khó hứa hẹn vui vẻ trong tương lai. Bố Bi ngày nào cũng tuân theo lịch trình: cơ quan – quán bia – quán gội đầu – cái giường. Cô Bi mệt mỏi ở nhà, chán chường trên những chuyến xe bus, đến trường, rồi lại về nhà. Việc lấy một người không hề yêu và làm tình thô bạo liệu có hứa hẹn cho cô về một tương lai vui vẻ, hạnh phúc hơn? Người chết đã chết, chẳng cần ai thương xót, cũng chẳng mấy ai thương xót. Người sống vẫn sống. Sống một cách bình thường, đôi khi hèn hạ. Các mối quan hệ giữa họ, từ tình thân đến tình yêu, tình dục đều mong manh, tạm thời, bản năng và giả dối. Gia đình Bi giúp chúng ta nhận ra một phần gương mặt xấu xí của cuộc đời. Đặc biệt, tới kịch bản Cha và con và… ta bắt gặt gương mặt của cả một thế hệ thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Một người viết đã nhận định về tác phẩm này rất chính xác: “Phim miêu tả quá trình “lưu manh hóa” bạo liệt của cuộc sống những năm 1990, nơi dòng chảy đô thị có thể xô đẩy những người rất trẻ, rất yêu đời vào một quá trình bất tận của tranh giành, chém giết, hưởng thụ trong ngắn hạn mà không nghĩ đến ngày mai”(1).
Không chỉ là bi kịch về sự hoang mang, mất phương hướng, kịch bản của Phan Đăng Di còn cho ta thấy nỗi cô đơn và sự lạc lõng luôn vây bủa con người. Trong ba kịch bản, các nhân vật khổ, cô đơn vì họ khác nhau nhiều quá. Do không hiểu nhau nên họ không thể cảm thông cho nhau, không thể yêu nhau thực lòng và mang lại cho nhau hạnh phúc trọn vẹn. Cả ba kịch bản tràn trề tính dục nhưng kết cục không một cuộc làm tình nào được “như ý”. Ngay cả phần bản năng, thú vui nguyên thủy nhất trong họ cũng không được thỏa mãn. Nó trơ lì và chai sạn như tâm hồn và cuộc sống của họ.
Ba kịch bản đều xuất hiện nhân vật người già đau khổ. Người bệnh tật, người không vui, người lo cho con gái mãi chẳng lấy chồng… Họ méo mó về thể xác, buồn bã về tâm hồn, tựa như một cái xác khô. Ta bắt gặp người đàn ông từng có tuổi trẻ oanh liệt, nay gắn chặt trên chiếc giường với chiếc bô ở dưới. Ta bắt gặp người đàn bà cả đời sống trong đau khổ, lầm lụi chăm sóc chồng.
Và cuối cùng là cái chết. Cái chết thường là điều con người kinh sợ nhất. Trái với nét tâm lí đó, trong Bi, đừng sợ!…, ông nội Bi không sợ chết, sự ra đi của nhân vật ấy cũng không lấy đi nhiều nước mắt của bất cứ ai trong gia đình. Sự ra đi đó bình thản và đương nhiên như sự lìa cành của một chiếc lá khiến ta cảm nhận rõ sự mong manh, vô thường của kiếp người…
Khác với kiểu kịch bản tuân theo cấu trúc ba hồi kinh điển với cái kết có hậu, kịch bản của Phan Đăng Di có những kết thúc buồn, vô nghĩa. Kết thúc Chơi vơi là cảnh kẹt xe của Hải và tiếng khóc lặng lẽ của Duyên, cảnh cuối trong Bi, đừng sợ!.. là tiếng khóc của mẹ Bi ở nghĩa địa, trong Cha và con và… là cảnh đám thanh niên rủ nhau đi thắt ống dẫn tinh. Những cái kết chứa đựng cái nhìn hoài nghi, hoang hoải về kiếp người.
Kịch bản của Phan Đăng Di đi sâu vào những bi kịch của con người, phản ánh nó bằng tất cả những gì gai góc, nhạy cảm nhất. Những phản ánh đó không hề làm hạ thấp nhân cách và phẩm giá con người mà trái lại đã đặt con người trở về đúng với bản thể của mình. Tinh thần nhân văn sâu sắc của các kịch bản phim Phan Đăng Di nằm ở chỗ đó. Và đấy có lẽ cũng là nguyên nhân chính giúp các kịch bản – sau nữa là các phim của anh – thành công, tạo được dấu ấn trong lòng công chúng yêu điện ảnh.
N.T.P.T
—–
1. http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/diem-phim/cha-va-con-va-suc-manh-cau-chuyen-lam-nen-hao-quang-3155465.html
VNQĐ