Là một cây bút giàu tài năng, có cá tính và đam mê sáng tạo nhưng Hoàng Minh Tường vẫn luôn học hỏi, kế thừa tinh hoa của các bậc tiền bối văn chương. Trong số những thần tượng mà ông ngưỡng mộ có: Nam Cao – một nhà văn có biệt tài miêu tả “con người bên trong con người”, Giắclơndơn – một nhà văn hành động, và đặc biệt nhất là Nguyễn Tuân – một nghệ sĩ luôn “tôn thờ chủ nghĩa xê dịch”, bậc thầy của thể loại tùy bút. Hoàng Minh Tường tự coi mình là đệ tử trung thành của Nguyễn Tuân. Bởi lẽ, ông cũng là người luôn thích đi, ham đi và ham ghi chép. Trong mỗi chuyến đi thực tế, ông thường là người luôn muốn đi đến tận cùng. Khi có điều kiện đến bất kì đâu nhà văn đều muốn khám phá đến “sơn cùng, thủy tận”. Chuyến đi Vancauver lần này sở thích ấy được phát huy, khẳng định.



Hoàng Minh Tường là một nhà văn đa tài. Ông không chỉ sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn và kí mà mới đây ông còn bước chân sang cả lĩnh vực thơ, với chùm thơ ấn tượng viết về biển đảo Trường Sa, và… đôi lúc còn lạc bước đến vương quốc của hội họa. Chính sự tâm huyết và say mê nghề nghiệp đã mang đến cho nhà văn nhiều giải thưởng xứng đáng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1997 cho tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc; Giải thưởng 10 tiểu thuyết xuất sắc về Nông nghiệp Nông thôn 1980-2010 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Hội Nhà văn Việt Nam cho bộ tiểu thuyết Gia phả của đất (Thủy hỏa đạo tặc – Tập 1; Đồng sau bão – Tập 2). Tháng 12-2011 ông còn vinh dự được nhận giải thưởng bút kí hay nhất trong năm do Tạp chí Nhà văn bình chọn cho Canađa màu phong đỏ.
Bài kí là kết quả sau chuyến đi của Hoàng Minh Tường cùng với những người bạn văn sang thăm Vancouver vào mùa hè năm 2011, theo lời mời của Tạp chí Người Việt hải ngoại tại Canada. Qua tác phẩm, nhà văn không chỉ thể hiện thành công vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống và con người (nhất là người Việt Nam) nơi đây mà còn khẳng định được hình tượng cái tôi tác giả. Một cái tôi nhiều say mê, trân trọng, giàu nhiệt huyết, suy tư, uyên bác và tài  hoa.
Chủ thể của lời nói nghệ thuật trong tác phẩm kí chính là bản thân người viết, là cái tôi thứ hai của nhà văn. Đúng như nhà phê bình Xô Viết Priliút đã nói: “Thông thường, tôi trong kí là tác giả, mặc dù không ngoại trừ hình thức người trần thuật ước lệ“. Chính vì vậy, trong Canada màu phong đỏ, hình tượng tác giả hiện ra khá rõ nét  qua việc xưng tôi. Đây cũng là một trong những tiền đề cốt lõi khẳng định dấu ấn riêng của nhà văn đối với một thể loại không phải ai cũng thành công.

1. Một cái tôi nhiều say mê, trân trọng, giàu nhiệt huyết và suy tư.
1.1. Cái tôi say mê với cảnh vật thiên nhiên và cuộc sống con người ở những nơi đã đến
Theo hành trình xuyên Đông Tây của các nhà văn Việt Nam tại đất nước rộng thứ hai trên thế giới – Canada, ấn tượng đọng lại rõ nét trong tâm trí người đọc về Hoàng Minh Tường là một trái tim luôn tha thiết, say mê với vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống con người.
Khi đến với thành phố Vancouver, nơi được đánh giá là một trong năm thành phố đáng sống nhất trên thế giới, dù chưa thực sự được trải nghiệm qua bốn thành phố nổi tiếng khác, nhưng với con mắt của một cử nhân địa lí đã từng được đào tạo bài bản qua bốn năm ở một trường đại học có uy tín nhất của Việt Nam, Hoàng Minh Tường đã khẳng định chắc chắn rằng: Người dân Vancouver sẽ dẫn đầu thế giới về mức độ hưởng thụ thiên nhiên. Nhà văn, giống như một họa sĩ thực thụ, mới chỉ đưa đường cọ của mình phác thảo nên vài đường nét, vậy mà bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu của xứ sở lá phong đỏ đã hiển hiện ra rõ rệt: Thành phố lẫn trong rừng, ào ra biển. Rừng, biển, thảm cỏ, vườn hoa tràn vào từng con phố. Với những từ lẫn,ào, tràn, thiên nhiên nơi đây mang một vẻ đẹp của sự tổng hòa giữa: Cái hùng vĩ, thẳm sâu của rừng, cái mênh mông, bao la của biển cả, cái thẳm xanh, mượt mà của cỏ cùng vẻ lãng mạn, nên thơ, tươi tắn của hoa. Chỉ bấy nhiêu thôi đã khiến cho lòng người say mê, đắm đuối. Thiên nhiên trong lành nguyên sơ ấy còn hòa vào vẻ hiện đại của các con phố sầm uất làm nên một nét riêng không thể lẫn với bất kì nơi đâu khiến cho người nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm ấy tưởng như đang trôi dần, trôi dần vào huyền thọai, vào cổ tích.
Nhưng đó không phải là vẻ đẹp của riêng Vancouver mà là vẻ đẹp của rất nhiều thành phố ở Canada. Ngay ở thành phố công nghiệp Toronto, tác giả cũng không kìm nén được cảm giác say sưa, hứng thú khi được ngắm nhìn một bức tranh phong cảnh tuyệt bích vào buổi sớm mai: “Trong khuôn viên rộng 960 m2 vùng ngoại ô, với thảm cỏ xanh mượt trước và sau nhà, tôi ngỡ ngàng và vô cùng thích thú, khi sáng sớm, nhìn qua con đường nhựa trước mặt thấy một cặp nai vàng đang nhởn nhơ gặm cỏ bên bìa rừng.
Thiên nhiên nơi đây còn tiềm ẩn nguồn tài nguyên giàu có theo đúng nghĩa “rừng vàng, biển bạc“. Thật xót xa khi câu nói này ở Việt Nam bây giờ là một sự hài hước. Còn ở Vancuver đây lại là một sự thật hiển nhiên. Về tài nguyên rừng: “ trừ mùa đông băng tuyết chừng hơn một tháng, còn quanh năm xanh tốt. Những cánh rừng thuần chủng thông, sồi, phong… đều tăm tắp, cây nào cũng đẫy vòng tay ôm. Nhà văn đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy “ở thành phố công nghiệp hiện đại này, người ta vẫn dùng những cây rừng thẳng tắp, cao hàng chục mét để làm cột điện. Chưa hết ngỡ ngàng về sự giàu có của rừng, tác giả đã thực sự bị chinh phục bởi tiềm năng lớn của tài nguyên biển. Một chuyến đi câu cá bốn tiếng trên biển bạc Canada mang đến cho vị khách người Việt thật nhiều bất ngờ, thú vị. Có lúc con người ấy đã phải thảng thốt: “Chao ôi, cả đời tôi chưa bao giờ được nhìn thấy biển cả trù phú đến mức này. Chiếc lồng cua chừng gần mét khối, kềnh càng, dày đặc những cua, con nào cũng to chừng bàn tay, nâu bóng… Tôi nhẩm đếm số cua còn lại của lồng cua đầu tiên: hai mươi tám con, khoảng hơn chục ký“. Kiểu thu họach như vậy ở trên đất nước hình chữ S của ta có lẽ chỉ thấy trong mơ chăng? Chưa hết ngạc nhiên vì những lồng cua mà những “ngư dân” ấy đã được thưởng thức bằng tất cả các giác quan, thì những chú cá hồi câu được làm cho văn sĩ của ta lại một lần nữa phải “mắt tròn, mắt dẹt“: “Chưa đầy một tiếng đồng hồ, hầm chứa cá của tàu đã chật... Ước tính hơn bốn chục con, khoảng gần một tạ. Vốn kiến thức địa lí lại một lần nữa được nhà văn vận dụng để lí giải nguyên nhân của sự giàu có đó: “Tôi đồ rằng dòng hải lưu nóng Gơnstơrim vòng từ biển Bêrinh về đây đã dụ hết mọi loài thủy tộc đến vùng biển tây Canada“. Nói vậy nhưng ta tin rằng cả tác giả và mọi người đều hiểu rõ, sự giàu có về tài nguyên kia phần lớn là do ý thức ứng xử của con người với thiên nhiên quyết định.
Bên cạnh niềm say mê với cảnh vật là niềm say mê cuộc sống con người. Điều này được thể hiện rõ ngay từ những cảm nhận đầu tiên của nhà văn về xứ sở Canada diệu kì. Điều kiện sống của con người thật sự lí tưởng: tiện nghi, thông thóang, hợp lí, đồng bộ, hài hòa trong sự gắn kết với thiên nhiên. Cấu trúc nhà ở của họ mang những nét đặc thù riêng: “Mỗi căn hộ, trừ khu Downtown (khu thương mại dịch vụ trung tâm), đều có diện tích tối thiểu ba trăm mét vuông, có cửa trước nhà mở ra trục đường lớn, cửa sau ra trục đường nhỏ, cửa trước bắt buộc phải có vườn hoa, thảm cỏ chừng năm chục mét vuông. Có sự quy định rõ ràng giữa nơi ở và các trung tâm kinh doanh, buôn bán. Đặc biệt là cảm giác gần gũi với thiên nhiên: “Đi trong khu dân cư, dưới những rặng anh đào mùa hè nở sáng bừng, dưới những đường phong từ màu xanh non đầu hè đậm dần rồi ngả vàng và đỏ sậm cuối thu, như sống trong cảnh thần tiên cảm giác yên lành, thư thái bởi: môi trường sạch sẽ, an ninh ổn định, con người nhân ái, thuận hòa khó có thể có được ở một nơi nào khác: “Không thấy rác thải, không gặp công an, không tiếng còi xe, không lời cãi cọ… Con người như sinh ra để giao hòa với thiên nhiên, để làm đầy nhau, sống vì nhau“. Những ngày nghỉ cuối tuần của họ thực sự thú vị và ý nghĩa: “Các gia đình lũ lượt chở nhau đi mua sắm, ăn uống, hoặc kéo tàu đi câu cá, thả rọ cua ngoài biển, cưỡi phà sang đảo nghỉ cuối tuần. Cái tài của nhà văn là ở sự quan sát, phân tích, thẩm bình, kết luận, để làm bật lên nét đặc trưng riêng, bản sắc riêng của cuộc sống con người nơi đây dẫu chỉ trong một thời gian rất ngắn (mà nhiều người có thể nhận thấy nhưng  không thể nói ra).

1.2. Cái tôi yêu mến, trân trọng và ngưỡng mộ những con người đã gặp.
Trong Canada màu phong đỏ, Hoàng Minh Tường đã dựng lên khá nhiều chân dung người Việt Nam đang sống và làm việc ở các thành phố lớn như Vancouver, Toronto… như: vợ chồng Lê Minh Khương – Hà Minh Hải, vợ chồng Nguyễn Thị Cảnh – Nguyễn Tiến Lộc, Đinh Trọng Đắc, Phan Thảo Nguyên, Phạm Ngọc Cương, Đỗ Kỳ Anh, vợ chồng Khánh Phượng – Lê Thành Tài,… cùng với những người thân yêu trong gia đình của họ. Mỗi người là một chân dung, một nét cá tính, một hoàn cảnh xuất thân khác nhau, và họ đến xứ sở này do các nguyên nhân khách quan và chủ quan không giống nhau. Nhưng điểm chung  nhất ở họ là: nhân cách cao đẹp, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ giỏi giang, tinh thần làm việc chăm chỉ, cần mẫn, có tấm lòng hiếu khách, giàu yêu thương con người và đặc biệt luôn luôn hướng về nguồn cội. Dường như, cùng sự năng động, cởi mở để thích nghi với điều kiện sống hiện tại, họ vẫn gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền hồn cốt dân tộc Việt. Trong một tòa biệt thự sang trọng ta vẫn thấy một góc rất Việt Nam: đó là hình ảnh chiếc bàn thờ tổ tiên, là tấm bản đồ Việt Nam từ những năm 1991 cỡ lớn kín mảng tường ngoài sảnh tiếp khách; là những giá sách “u trầm” với nhiều tên tuổi thân quen Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… Trong điều kiện sống đầy đủ, sung túc ta vẫn thấy sự chăm chỉ, dịu dàng, chu đáo, hiền hậu của những người phụ nữ Việt. Và còn nữa tấm lòng hiếu thảo của người con thành đạt đối với đấng sinh thành chỉ qua một chiếc bát cổ của cha. Ôi thân thiết biết bao là hương vị xôi nếp, hương vị phở quê hương vào một buổi sáng sớm nơi xứ người… Điều đó vừa làm nên vẻ đẹp hiện đại ở những người Việt Nam đó vừa góp phần làm phong phú, đa dạng thêm vẻ đẹp đa sắc tộc của xứ sở lá phong đỏ. Qua cảm hứng yêu mến, ngợi ca, tự hào, trân trọng và khâm phục của cái tôi tác giả, ta hiểu rõ hơn hình tượng người Việt Nam trên đất nước Canada. Từ đó càng thêm tự hào hơn về bản lĩnh Việt Nam, cốt cách Việt Nam, dù xa đất mẹ nhưng vẫn hấp thụ nguồn mạch linh thiêng nguồn cội. Đáng quý hơn nữa là từ những trang viết đó người đọc còn nhận ra một Hoàng Minh Tường với tư tưởng tiến bộ, cởi mở, hiện đại về bản sắc văn hóa dân tộc – điều không thể thiếu trong thời đại giao lưu và hội nhập, mà chính tác giả đã diễn đạt một cách hình ảnh trong một bài bút kí khác: “Có những loài cây phải nhờ gió, nhờ nước, thậm chí phải nhờ bão táp mưa sa để phát tán hạt đi xa, gieo trồng sự sống và bảo tồn nòi giống. Người Việt mình cũng như những hạt giống Lạc Hồng của cây mẹ Việt Nam, bay đi khắp chân trời góc biển (Bạn văn ngoài vùng phủ sóng – Hoàng Minh Tường). Và ở đây, ở Vancouver, ở Toronto, ở Comox hay Nanaimo,… cùng những miền đất mênh mông của nước Canada, những công dân Việt Nam đã trụ lại, vừa hòa đồng, vừa hội tụ, tạo nên những bản sắc Việt.

1.3. Cái tôi năng động, nhiệt tình, táo bạo trong khát vọng khám phá và trải nghiệm, nhưng cũng đa cảm và nặng trĩu suy tư.
Là một cây bút giàu tài năng, có cá tính và đam mê sáng tạo nhưng Hoàng Minh Tường vẫn luôn học hỏi, kế thừa tinh hoa của các bậc tiền bối văn chương. Trong số những thần tượng mà ông ngưỡng mộ có: Nam Cao – một nhà văn có biệt tài miêu tả “con người bên trong con người“, Giắclơndơn – một  nhà văn hành động, và đặc biệt nhất là Nguyễn Tuân – một nghệ sĩ luôn “tôn thờ chủ nghĩa xê dịch, bậc thầy của thể loại tùy bút. Hoàng Minh Tường tự coi mình là đệ tử trung thành của Nguyễn Tuân. Bởi lẽ, ông cũng là người luôn thích đi, ham đi và ham ghi chép. Trong mỗi chuyến đi thực tế, ông thường là người luôn muốn đi đến tận cùng. Khi có điều kiện đến bất kì đâu nhà văn đều muốn khám phá đến “sơn cùng, thủy tận“. Chuyến đi Vancauver lần này sở thích ấy được phát huy, khẳng định.
Liên tục những trải nghiệm, những cuộc viếng thăm: Có một buổi làm công nhân tại xưởng ô tô HTV của Hải Anh cùng ông Hải Em 1; Đi câu cá ở biển Thái Bình Dương; Gặp Chúa đảo người Việt – Đinh Trọng Đắc. Bay sang thành phố công nghiệp Toronto; Dự buổi liên hoan tiễn mẹ con Võ Bình An, 14 tuổi, bị bệnh phình đại tràng, đã phẫu thuật trong nước tới 12 lần, từ Huế sang Toronto chữa trị suốt ba tháng trời ở tòa lâu đài đá xám tráng lệ như dinh cơ một bá tước của Đỗ Kỳ Anh. Tại nơi đó, tác giả đã thực sự xúc động bởi “một cộng đồng thành đạt nhưng đầy thân ái và canh cánh nỗi niềm hướng về quê hương xứ sở“. Được tiến sĩ Phạm Ngọc Cương mời lên chiêm ngưỡng tháp quay CN (Canadian National Tower) cao 553,33 mét, xây dựng vào năm 1976. Đó là tháp cao nhất thế giới từ khi được xây dựng, cho tới năm 2007 mới bị xếp xuống thứ nhì, sau khi tháp Burj Dubai vượt lên phá kỷ lục. Được thưởng thức một bữa ăn sa hoa, đắt đỏ trên đỉnh tháp và thực sự sung sướng, chóang ngợp vì được thấy “toàn cảnh thành phố, thấy hồ Ontario mênh mông như biển“. Thăm con thác Niagara vĩ đại. Để rồi tác giả cùng những người bạn của mình đã có “một chuyến xe bão táp” đáng kính nể vượt đoạn đường dài tới 1800 cây số, trong vòng 26 tiếng, từ Toronto qua thủ đô Ottawa thăm Bộ Ngoại giao Cộng hòa Canada, rồi tới Moltreal. Sau đó ngay lập tức chuyến xe lại quay trở lại Toronto. Nhà văn đã tự đánh giá: “Không thể nói rằng chúng tôi điên. Nhưng cũng không hẳn chúng tôi vừa vượt qua chặng đường 1800 cây số trong vòng 26 giờ đồng hồ trong trạng thái của những người không điên?“. Khía cạnh cần nhìn nhận không phải là điên hay không điên mà có lẽ là niềm mãn nguyện vì được thỏa thú vui xê dịch, dù có phần… mạo hiểm. Họ đã đến Moltreal, trong hoàn cảnh “Hối hả như gặp gỡ và sắp chia tay một người tình đã hẹn từ kiếp trước. Chỉ với bốn tiếng đồng hồ thôi mà tất cả các giác quan của họ đã được “nạp đầy, no nê, sung mãn” như đã được đến với Moltreal, sống ở Moltreal “bốn tháng, bốn năm…“. Dường như cảm xúc được thỏa nguyện ước muốn xê dịch đã khiến chất trữ tình thăng hoa, đã làm cho biên độ thời gian thông thường bị kéo giãn, đó không phải chỉ là thời gian vật lí nữa mà đã chất chứa sắc màu tâm lí. Ta như cũng đang được trải nghiệm cùng nhà văn trong chuyến hành trình mạo hiểm có một không hai ấy.
Tuy nhiên, bên cạnh sự năng động, nhiệt tình, táo bạo trong khát vọng khám phá và trải nghiệm ta lại bắt gặp một cái tôi đa cảm và nặng trĩu suy tư.
Trong suốt cuộc hành trình, cái đáng trân trọng ở Hoàng Minh Tường là dù nhìn ngắm những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hòa chung niềm vui ngày lễ hội hay hưởng thụ những thú vui ẩm thực nơi xứ xa, lúc nào nhà văn cũng đau đáu nỗi niềm đối với đất Việt. Có khi là kí ức ngọt ngào được đánh thức bởi mùi xôi nếp lạc. Có lúc là cảm giác “nôn nao, cồn cào khứu giác, vị giác và cả tri giác nữa” khi được thưởng thức thứ hải sản tươi ngon trên biển Thái Bình Dương. Và cả sự “không nỡ từ chối” rất chính đáng “một hành vi phạm luật, rất đặc trưng cho tính cách Việt, láu cá nhưng đầy chân tình” nữa. Có lúc lại nuối tiếc, xót xa “những cánh đồng An Khánh, Dương Nỗ, Đại Mỗ, Lương Sơn… mênh mông mới sáp nhập vào Hà Nội, hay bát ngát bãi giữa sông Hồng… Phải chi người ta bớt cấy những tòa nhà bê tông vào đó, bớt làm những sân gol phục vụ kẻ lắm tiền. Để rồi ao ước cháy bỏng một không gian sống trong lành, chính đáng “cho đại chúng dân cư” khi nhìn cánh rừng tưng bừng sắc màu, náo nhiệt không khí lễ hội và ẩm thực ở Canada. Như vậy những trang kí của Hoàng Minh Tường không đơn thuần là những thông tin mà người viết đã được “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Nó còn là những dòng máu chảy qua trái tim nhà văn rồi tuôn ra từ đầu ngòi bút..
Tất cả những tình cảm đó được tác giả giãi bày hết sức chân thành, tha thiết. Đây không chỉ là tình yêu, niềm tự hào đối với mảnh đất, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam mà còn là tình cảm của môt con người luôn quan tâm đến thời cuộc, đến sự phát triển của đất nước mình. (Nhà văn không dùng cách nói đao to búa lớn, không phát biểu suy nghĩ của mình thành một công trình nghiên cứu tầm cỡ kiểu như “Những thói xấu của người Việt” của giáo sư Trần Đình Hượu mà chỉ là những nét gợi, nét nhấn nhá, ví von so sánh tưởng như bất chợt, thoáng qua). Có lẽ, trong thời đại hội nhập và giao lưu, với xu hướng phát triển đa văn hóa, trước vấn đề hòa nhập nhưng không hòa tan, phát triển đất nước toàn diện về mọi mặt,… con người có trách nhiệm công dân ấy muốn góp thêm một tiếng nói chân thành.

2. Cái tôi uyên bác và tài hoa
2.1. Am hiểu kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau
Đến với những trang kí của Hoàng Minh Tường, người đọc như được khám phá một kho tri thức vô cùng phong phú, đa dạng, về nhiều chuyên ngành khoa học và nhiều lĩnh vực của cuộc sống: lịch sử, địa lí, văn hóa, kinh tế, chính trị, luật pháp, hội họa và  thơ ca… Trong bút kí này, để khắc họa hình tượng một đất nước Canada rộng lớn và đa sắc tộc, hình tượng những con người đáng quý, đáng yêu và một cuộc hành trình xuyên Đông – Tây của xứ lá phong đỏ, sự uyên bác ấy là điều dễ dàng nhận thấy.
Ngay từ những dòng chữ đầu tiên, Hoàng Minh Tường đã tỏ rõ sự am tường kiến thức lịch sử và sự so sánh phương tiện đến với Bắc Mỹ thời xa xưa và bây giờ. Như một cách để dẫn dắt, định hướng sự chú ý của người đọc: “Hồi giữa thế kỷ XIX, vào năm 1873, người An Nam đầu tiên theo lệnh Vua Tự Đức vượt biển sang nước Mỹ để tìm cách bang giao, là cử nhân Bùi Viện... Ông đi qua Nhật, rồi phải lênh đênh sóng gió vượt biển cả năm trời ròng rã. Còn bây giờ, hậu sinh của ông, không ai dám vượt Thái Bình Dương bằng tàu thuyền mà “đi bằng máy bay phản lực, với thời gian đằng đẵng 18 giờ bay“.
Nhưng đáng nói nhất là sự am tường về kiến thức địa lí. Đây có lẽ là thế mạnh của một nhà văn nhưng đã từng được đào tạo bài bản qua chuyên ngành địa lí. Không một địa danh nào, một thắng cảnh nổi tiếng nào Hoàng Minh Tường không thể hiện sự hiểu biết cặn kẽ về vị trí, đặc điểm, hình dáng, nguồn gốc hình thành… của nó. Chẳng hạn như cách giới thiệu về đảo Vancuover, hay Horseshoe Bay (vịnh chân ngựa) – cửa ngõ của Vancouver Cty. Thú vị nhất có lẽ là cách nhà văn nói về Ngũ đại hồ và con thác nổi tiếng Niagara: “Nước Mỹ và Canada chung nhau năm con hồ: Superior, Michigan, Huron, Erie, và Ontario, mỗi con hồ diện tích như biển... Con hồ Erie, nối với hồ Ontario bởi một đoạn sông, qua con thác Niagara, chia làm ba đoạn, đoạn dài nhất tới gần 800 mét, cao 53 mét, nước suốt ngày tung bọt trắng xóa, sôi réo ầm ào… Con thác này chính là biên giới giữa thành phố Buffalo của Mỹ và Toronto của Canada“. Đọc đoạn văn trên, ta ngỡ như đang đứng trước một nhà nghiên cứu khoa học hay một hướng dẫn viên du lịch thực thụ vậy. Quan điểm, kí là “sự hợp nhất truyện và nghiên cứu” (Gorki), một đặc trưng quan trọng nhất của kí, có lẽ được khẳng định rõ nét ở đoạn văn này. Tư duy nghiên cứu được phát huy, những tri thức địa lí được cung cấp, những số liệu chính xác được nêu ra… làm thỏa mãn nhu cầu của tất cả những ai muốn tìm hiểu về đất nước Canada, muốn khám phá Ngũ đại hồ và thác nước Niagara.
Vốn hiểu biết dày dặn về nền văn hóa và luật pháp Canada cũng là một thế mạnh của nhà văn khi viết về đất nước và con người nơi đây. Canada giờ là một quốc gia nhiều dân tộc, nhiều sắc màu văn hóa vào bậc nhất thế giới: “Nước Canada ba mươi tư triệu dân, nhưng có tới hai trăm dân tộc, trong đó người Việt cũng chiếm không dưới một phần trăm dân số“. Đây cũng là quốc gia mà cách hành xử với con người vô cùng có văn hóa và dân chủ: “Người da đỏ ở Canada không gọi là thổ dân, mà được gọi với một danh xưng kính trọng: First National. Chủ thể của đất nước rộng lớn thứ hai thế giới nhưng dân số lại rất ít này là những người gốc Anh và Pháp. “Họ không dùng quyền lực để đồng hóa, bóp chết nền dân chủ, soán ngôi người dân bản địa“. Sự đa dạng về văn hóa và tinh thần dân chủ được đề cao có lẽ là tiền đề quan trọng làm cho đất nước Canada ngày càng phát triển phồn thịnh và đó cũng là điều kiện tốt để những cư dân Việt có cơ hội sinh sống, phát triển và khẳng định. Những thú vui sinh họat, những họat động văn hóa, lễ hội ẩm thực cũng được nhà văn tái hiện hết sức tỉ mỉ, chân thực, hấp dẫn chứng tỏ khả năng quan sát và cảm nhận rất tinh tế của ông: “Khắp cánh rừng,hàng trăm gia đình vợ chồng con cái người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Serbia, Trung Mỹ… đã bày bàn phủ khăn trắng, xếp ghế, trải thảm ra bãi cỏ. Các lò bavykiu tỏa khói và mùi vị ẩm thực thơm lừng. Người ta quay thịt lợn tẩm sẵn gia vị, nhào bột và nướng từng ổ bánh mỳ đen và trắng, nướng cá trích, cá hồi, xúc xích, thịt bò, khoai tây… Mỗi gia đình một loại thực đơn, một đặc sản riêng, cùng góp vui, cùng mời nhau. Lúc này, quả thật “Giác quan anh viết kí phải dựng lên hết” (Nguyễn Tuân). Nhà văn không chỉ tái hiện được khung cảnh, không khí lễ hội, tên gọi cùng mùi vị của các món ăn như một nghệ sĩ ẩm thực thực thụ… mà còn làm sống dậy sự thân thiện, hòa hợp giữa những con người ở các nền văn hóa khác nhau trong niềm say mê hứng thú vô bờ. Bản sắc văn hóa Canada có lẽ biểu hiện đặc trưng nhất  trong những lễ hội vui tươi ấy.
Cùng với sự hiểu biết về bản sắc văn hóa là những thông tin về pháp luật Canada của cái tôi tác giả. Tất cả những thông tin về luật bảo vệ môi trường; Luật đánh bắt hải sản, bảo vệ thú rừng; Luật  hỗ trợ thất nghiệp; Cách hành xử với người da đỏ; Luật giao thông, cũng như những quy định về trật tự an ninh ở Bộ Ngoại giao, hay việc tham gia vào Quốc hội “không phải để vinh thân phì gia, mà là một ý nguyện được đóng góp cho cộng đồng; Chính sách ưu đãi và mời gọi nhân tài… đều được tác giả đề cập đến. Tuy nhiên đó không phải là những thông tin được cung cấp khô khan trừu tượng mà cụ thể và vô cùng hấp dẫn. Những thông tin ấy vừa tác động đến lí trí, thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của độc giả, vừa đem đến cho họ những chân giá trị thẩm mĩ cao. Bởi lẽ, bên cạnh vai trò của một nhà nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin, Hoàng Minh Tường còn là một nhà văn, một nghệ sĩ am hiểu thơ ca và cũng say mê tiểu thuyết.

2.2. Tài hoa trong cách cảm nhận và diễn đạt.
Cùng với sự am hiểu sâu sắc kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, qua tác phẩm kí này, tác giả còn hiện ra với cốt cách một nghệ sĩ hết sức tài hoa.
Trước hết là sự tài hoa trong nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật. Thông thường, mỗi nhà văn đều có một thế giới nhân vật riêng, với thói quen khai thác nhân vật theo một cách riêng. Theo đó, nhân vật có thể là thật hoặc hư cấu, nhưng thường dựa trên những nguyên mẫu nhất định và mang dấu ấn sự trải nghiệm của chính tác giả. Bởi lẽ “Con người nào, văn chương ấy” (Chu Văn Sơn). Kí có tham vọng rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật các nhà văn cần phải sử dụng tất cả các phương tiện, thủ pháp trong xây dựng nhân vật để thuyết phục người đọc rằng nhân vật đó là con người có thật và có địa chỉ chính xác. Trong Canada màu phong đỏ, các nhân vật hiện ra cụ thể, rõ nét với những lí lịch không thể rõ ràng hơn. Chẳng hạn như cách nhà văn giới thiệu về nhân vật Nguyễn Tiến Lộc: Từ nghề nghiệp từng làm và quê quán: Ông “từng là một thuyền trưởng lão luyện ở vùng biển Vân Đồn, đến quá trình sống và sở thích: “Trước khi chuyển đến Vancuover, Nguyễn Tiến Lộc và vợ con ông từng có hơn mười năm sống ở Toronto... Là một người đi biển, một nhà kinh doanh, một thầy giáo dạy nghề, nhưng Nguyễn Tiến Lộc lại đặc biệt yêu thích văn chương, say mê văn hóa, cho tới những bạn bè văn chương và mục đích chuyển đến ở Vancouver: “Ở Toronto, ông kết bạn văn chương với các nhà thơ, nhà văn xa xứ... Thấy Vancuover không khí yên bình, là nơi tụ hội nhiều anh em con cháu ở quê sang, Nguyễn Tiến Lộc chuyển vợ con về, cùng các bạn văn chương thành lập tạp chí Người Việt hải ngoại để hội tụ tình yêu quê Việt. Hay cách giới thiệu Đinh Trọng Đắc, Phan Thảo Nguyên, vợ chồng Lê Minh Khương – Hà Minh Hải, vợ chồng Khánh Phượng – Lê Thành Tài,… tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều rất cụ thể và rõ ràng.
Cùng với việc giới thiệu cụ thể về lai lịch của nhân vật,nhà văn còn khơi gợi trí tò mò của người đọc qua việc hé mở thông tin hấp dẫn về các nhân vật ngay từ đầu tác phẩm: “Ở Vancouver có hơn một trăm ngàn người Việt… Viết về họ, mỗi người là một pho tiểu thuyết. Hơn nữa, bằng sự khéo léo của mình, nhà văn đã biết kết hợp kể và tả, đan cài những dòng hồi kí, đoạn hồi ức của nhân vật trong một bài bút  kí, làm nên sự giao thoa giữa các thể loại và tiểu loại khác nhau. Kết hợp với khả năng lựa chọn, khai  thác những chi tiết, sự kiện li kì, hấp dẫn về số phận nghiệt ngã, về những hành trình gian khổ để đến với mảnh đất Canada của những người bạn văn chương của ông, khiến chân dung nhân vật trở nên hết sức sinh động, mang dấu ấn riêng không dễ lẫn. Điều quan trọng là tác giả đã qua những con người cụ thể đó để khẳng định bản lĩnh, tài năng, sự cởi mở, năng động của người Việt Nam ở Canada nói riêng và ở nhiều nước khac trên thế giới nói chung. Đồng thời cái tôi ấy muốn gửi gắm những vấn đề mang giá trị nhân sinh, và giá trị thời đại sâu xa hơn. Đó là việc nhìn nhận lại, đánh giá lại lịch sử. Bởi biết bao điều nhạy cảm của thời cuộc đã được khơi gợi ở đó như: Chiến tranh, đói khổ, oan trái, li tán, tha hương… Nó vượt xa giá trị của một bài kí tả người, kể việc thông thường.
Trong bút kí, thời gian trần thuật thường tuân theo lô gic khách quan, theo trình tự không thể đảo ngược của cuộc sống nhằm làm nổi bật tính chất hiện thực của hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định thì mạch tuyến tính thời gian sẽ bị chặt đứt bởi những hồi tưởng, liên tưởng, hồi ức. Trong Canada màu phong đỏ, trình tự trần thuật của nhà văn có sự sáng tạo linh họat, tài tình. Nếu xét trên phạm vi tổng thể thì bài kí ghi lại hành trình tác giả sang thăm xứ lá phong đỏ, theo phạm vi không gian là từ Tây sang Đông đất nước Canada. Nhưng xét trong phạm vi hẹp ở từng trường đoạn ta sẽ thấy một sự đan xen giữa kể và tả, giữa hồi tưởng, liên tưởng và hiện thực rất linh họat, phóng túng, không theo trình tự thời gian hay không gian nhất định, điểm nhìn có sự thay đổi luân phiên, khi là của nhà văn, khi là của nhân vật trong tác phẩm, lúc là thực tại , lúc là quá khứ… Và sợi dây kết nối các đoạn mạch thời gian chính là dòng cảm xúc của nhà văn. Cách trần thuật tài tình này góp thêm một minh chứng nữa cho sự say mê cuộc sống con người và tài năng viết kí của Hoàng Minh Tường.
Sẽ chưa đủ nếu nói đến sự tài hoa của cái tôi Hoàng Minh Tường mà không nhắc đến vẻ đẹp của ngôn ngữ. Bởi văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Chữ nghĩa chính là nơi phô bày tất cả tài nghệ của nhà văn. Trong tác phẩm này, sự tài hoa của cái tôi tác giả hiển hiện rõ ngay từ cách sử dụng câu chữ cho tới lối hành văn đa dạng và giàu hình ảnh. Chỉ xét đoạn văn miêu tả thiên nhiên ở thành phố Vancouver (như đã dẫn ở trên) nét tài hoa ấy đã phần nào được khẳng định. Từ ngữ được lựa chọn, sắp đặt, hết sức tinh tế và giàu sức gợi; Cấu trúc lời văn phong phú, với lối ngắt nhịp đan xen các vế câu dài ngắn khác nhau, cùng cách phối thanh, hiệp vần… tạo âm hưởng nhẹ nhàng, dàn trải, khiến ta có cảm giác những câu văn của Hoàng Minh Tường đang cựa quậy để chuyển thành thơ. Dường như, ngay trong âm hưởng lời văn đã gửi chọn cảm giác thư thái, say sưa của lòng người trước khung cảnh thần tiên nơi xứ người.
*
Chỉ cần thưởng thức một bút ký (trong hàng chục bút ký ấn tượng), Canada màu phong đỏ, ta đã thấy hiện lên khá trọn vẹn hình tượng cái tôi tác giả Hoàng Minh Tường. Sự hòa quyện cái say sưa, nhiệt huyết của một du khách, sự lãng mạn, đa cảm của một nhà văn, sự uyên bác của một nhà nghiên cứu và sự tài hoa của một nghệ sĩ ngôn từ… đã làm nên một nét phong cách riêng, hoàn thiện thêm phong cách văn chương của tác giả. Đồng thời góp phần tạo nên sức lôi cuốn sâu sắc đối với người đọc. Nếu ai chua từng đến xứ sở lá phong đỏ, xin hãy một lần trải nghiệm qua bút kí của tiểu thuyết gia kiêm cây bút ký, phóng sự đặc sắc này.

Hà Nam, tháng 7-2012
D.T.K.H

Nguồn tin: TCNV 09-2012