Tháng Tư, trận động đất khủng khiếp ở Nepal khiến hơn 8.800 người chết và 23 ngàn người bị thương đã thực sự khiến cả thế giới phải bàng hoàng. Và người Việt cũng không nằm ngoài cảm xúc chung của cộng đồng quốc tế khi đã có rất nhiều hành động, bày tỏ, chia sẻ dành cho đất nước Nam Á xinh đẹp ấy.
Những tình cảm và hoạt động thiết thực cho một mảnh đất nào đó mới bị thiên tai như “Cầu nguyện cho Nepal” vốn dĩ đã quá quen với người Việt Nam từ lâu rồi, thậm chí là kể từ những ngày công nghệ thông tin còn chưa bùng nổ và người Việt còn chưa thể tiếp cận ngay lập tức với các tin tức trên thế giới. Đó là cái tình của con người với con người, cái tình vượt qua mọi ranh giới thể lý, mọi phân chia khác biệt về điều kiện kinh tế; tiếng nói; sắc tộc; văn hóa hay tôn giáo.
Người Việt đã từng ủng hộ cả những nạn nhân bão Katrina ở Mỹ, nạn nhân động đất ở Nhật Bản, nạn nhân bão ở Phillippines hay nạn nhân sóng thần ở Thái Lan một cách vô tư, với sự nhân văn từ đáy lòng mình. Đơn giản, chúng ta cũng đã nhận được nhiều tình cảm chia sẻ của nhiều nước bạn bè mỗi khi chúng ta gặp hoạn nạn và việc nhìn nhận trách nhiệm ủng hộ của mình cũng là trách nhiệm xã hội của một công-dân-thế-giới chính là thái độ sống văn minh, thể hiện diện mạo một quốc gia văn minh mà mỗi con người cần phải có.
Có thể nói, nước Việt Nam còn nghèo, còn nhiều lạc hậu so với nhiều nước tiên tiến, nhưng ở Việt Nam vẫn có rất nhiều người không hề lạc hậu so với thế giới, ít nhất là ở lĩnh vực nhân đạo và thể hiện thái độ sống nhân văn của một con người. Chính vì thế, không chỉ có những ủng hộ cho những thiên tai bi thương như kể trên mà người Việt hiện đại còn bắt kịp thế giới ở nhiều phong trào tiên tiến khác, như điển hình là phong trào bảo vệ động vật hay phong trào bình đẳng giới tính. Người Việt rõ ràng vẫn giữ gìn được một thứ tài sản quý, là cái tâm tốt, cái tâm mà cha ông ta ngày xưa từng nói “cái tâm kia mới bằng mấy cái tài”.
Song, câu hỏi lúc nào cũng tồn tại, như thể khi ta mở cửa sổ ra, nhìn thấy khoảng xanh nhưng ẩn sau nó vẫn có thể có những mảng bê tông bức bối. Đó là câu hỏi “Chúng ta đã đủ từ tâm chưa, hay chúng ta mới chỉ từ tâm khi cùng xúc động trước một sự kiện chấn động chung nào đó?”.
Hãy nhìn vào ví dụ mới nhất và chúng ta sẽ hiểu tại sao vẫn còn câu hỏi kiểu “mảng bê tông bức bối phía sau khoảng xanh” kia. Ấy là ví dụ về đợt nắng nóng khủng khiếp ở Ấn Độ tuần vừa rồi, đợt nắng nóng lên tới hơn 50 độ C, nắng nóng tới mức nhựa đường cũng phải chảy ra, nắng nóng tới mức mỗi ngày đều có người Ấn Độ phải chết. Tính đến ngày 27/5 thôi, đã có đến hơn 1.100 người Ấn Độ chết vì nắng nóng. Con số ấy có khủng khiếp không? Quá khủng khiếp là khác. Nhưng tuyệt nhiên không thấy dòng chia sẻ nào trên các trang mạng cá nhân của rất nhiều người đã từng “Pray for Nepal”, “Pray for the Phillippines”, “Pray for Japan”… (Cầu nguyện cho Nepal, cho Phillippines, cho Nhật Bản) như trước đó. Phải chăng họ đang lạnh lùng thờ ơ với cái chết ngoài kia?
Không. Người Việt không hề mất đi sự từ tâm một cách nhanh chóng như thế mà đơn giản đó là một vấn đề về tâm lý. Khi tai hoạ đến từ từ, với sức hủy diệt từ từ không hề gây sốc thì cảm xúc tập thể khó có thể dâng trào như một thảm họa đột ngột kiểu như địa chấn. Thế nên, mỗi ngày thêm chục người Ấn Độ chết nóng, cùng lắm phản ứng của đám đông chỉ là “Khủng khiếp quá. Sao lại nóng dã man đến thế?”.
Đó là một cơ chế phản ứng tâm lý bình thường mà chính chúng ta, cả tôi, cả bạn, cả những người thân của mình, đều có thể mắc phải một cách dễ dàng. Cái gì càng “hoành tráng”, cái đó càng tác động vào tâm lý chung mạnh mẽ bởi sự đột ngột và mức độ của nó, kể cả là những tai nạn. Thế nên, sự thương tâm cũng vì thế mà tăng cấp lên trong cảm thức của những người quan sát. Song, đó cũng chính là điều mà mỗi chúng ta cần phải cảnh giác với chính mình. Chúng ta chưa đủ tốt để có thể tự hào rằng, Việt Nam chính là mảnh đất tiêu biểu của tình yêu và nhân bản.
Hãy bắt đầu từ tâm bằng chính hành động, chia sẻ của mình trên từng sự kiện nhỏ. Và hãy từ tâm bắt đầu từ với chính đồng bào của mình. Đơn cử, hãy thử lên google và tìm thông tin về phóng sự mà tờ The Guardian thực hiện về cậu bé tên Hiền ở London. Cậu là đại diện tiêu biểu cho hơn 3.000 trẻ em Việt bị buôn bán sang Anh quốc để trồng cần sa và dòng chảy buôn lậu trẻ em ấy vẫn còn đang tiếp diễn. Chúng ta cần phải làm gì đi chứ? Bởi các em ấy chính là đồng bào của mình.
Đừng chỉ xúc động vì cơn bão lớn, hãy yêu người ngay từ những khoảng xanh tưởng như bình lặng mỗi ngày. Từ đó, người Việt sẽ góp phần vinh danh nước Việt như một đất nước của tình yêu, và nhân bản.
Theo Đan Anh (Văn nghệ công an)