Lê Minh Phong phỏng vấn nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, các nhà nghiên cứu văn học Phan Tuấn Anh và Nguyễn Quang Huy.
Nhà văn Lê Minh Phong
Lê Minh Phong: Theo anh, cái mới trong văn học đến từ đâu?
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc
Hồ Đăng Thanh Ngọc: Theo tôi thì khi nảy sinh những yếu tố sẵn sàng thay thế những gì đã có trước đó thì đó là lúc cái mới xuất hiện. Văn học cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, vấn đề cái mới trong văn học nói riêng và trong nghệ thuật nói chung, để nhận diện và công nhận được chúng không phải là một vấn đề đơn giản. Cái mới trong thực tế sáng tác đến từ sự nhìn nhận của chúng ta về cuộc sống, hay nói cách khác là sự tri nhận của chúng ta về thế giới khách quan và tâm hồn của mình. Ngày nay, nghệ thuật đã thật sự biến đổi sang những ngả đường khác khi con người có sự nhìn nhận khác về khuôn mặt của mình. Cái mới trong văn học cũng đến từ sự biến đổi trong cách nhìn về cái hay, cái đẹp, quan niệm về giá trị và những gì phi giá trị. Nhìn chung, cái mới không thể tồn tại được nếu chúng ta luôn muốn duy trì cái cảm quan thẩm mỹ thủ cựu. Bản thân tôi cũng đã có những trải nghiệm khá thú vị đối với vấn đề cái mới. Trong một kỳ Fetival Huế tôi tình cờ xem một tác phẩm của nghệ thuật sắp đặt đương đại. Trong tác phẩm này người nghệ sĩ đã bỏ những con cá đã chết và những con cá đang sống ngắc ngoải trong một chiếc tủ bịt kín bằng kiếng. Và dưới chiếc tủ kín ấy là than hồng, đèn điện tượng trưng cho nham thạch và phía trên tủ là khói. Tôi không thể dùng ngôn ngữ để diễn giải cho những cảm xúc lẫn lộn của tôi ngay lúc đó. Có lẽ đầu tiên câu hỏi đặt ra trong tôi là vì sao những điều này lại được xem là nghệ thuật. Và cũng chính ngay lúc đó, có một sự rạn nứt khủng khiếp trong quan điểm thẩm mỹ của tôi đang diễn ra. Tôi không nghĩ những người trẻ lại đẩy nghệ thuật đi xa đến như thế. Tôi cũng cảm thấy ngay lúc đó dường như tôi đang bị phản bội, hay nói đúng hơn quan niệm về cái đẹp của tôi bị phản bội. Có một cái gì đó đang rạn nứt và đổ vỡ thực sự đối với những quan niệm nghệ thuật cũ kỹ bấy lâu trong tôi. Tôi biết rằng nếu tôi cứ bảo thủ những quan niệm nghệ thuật cũ của mình thì tôi chắc chắn sẽ rơi vào hố thẳm của sự tụt hậu đối với sự biến chuyển không ngừng của nghệ thuật đương đại. Và từ đấy tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn về cái mới trong nghệ thuật và nhận ra rằng không chỉ riêng trong nghệ thuật sắp đặt mà trong văn chương và tất cả các loại hình nghệ thuật khác cái mới luôn phải đi ra từ những sự sáng tạo quyết liệt, tận cùng.
Nhà nghiên cứu văn học Phan Tuấn Anh
Phan Tuấn Anh: Theo tôi, từ góc độ của một người nghiên cứu, cái mới trước hết đến từ sự ra đời của một lý thuyết nghiên cứu văn học mới. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của C.Freeland trong chuyên luận Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật, đại ý rằng lịch sử của nghệ thuật trên một góc độ nào đó, là lịch sử của những khái niệm nghệ thuật. Tất nhiên, lý thuyết văn học luôn được trừu xuất từ thực tiễn sáng tạo, nhưng quá trình phát hiện ra cái mới, cụ thể và hệ thống hóa những cách tân thành luận điểm, so sánh với cái cũ và những cái mới khác, thì lại cần đến lý thuyết văn học mới có tính tương thích. Chúng ta cũng cần tính đến sự dẫn đường, vượt trước của lý thuyết văn học so với thực tiễn sáng tạo trong thời hậu hiện đại. Một giai đoạn mà chúng tôi rất đồng ý với Mitchell. M.J.T. trong Bảy luận đề về thời hoàng kim của phê bình văn họctừng cho rằng: “Chúng ta đang sống trong thời hoàng kim của phê bình văn học. Thể loại văn học chủ đạo vào cuối thế kỷ XX này không phải là thơ, kịch, tiểu thuyết, điện ảnh mà là phê bình và lý luận văn học. Với khái niệm “chủ đạo”, tôi không muốn nói là nó được phổ cập nhất, có uy tín hay có thẩm quyền mà chỉ muốn nói là nó tiến bộ, nổi bật và tiên phong.”
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy: Một vấn đề lớn luôn trăn trở những người có tâm huyết với khoa học văn học Việt Nam là chúng ta đang ở đâu trong cái nhìn so sánh với thế giới. Điều lạ lùng là văn học đổi mới đã tiến trên một chặng đường dài về thời gian nhưng chúng ta vẫn luôn hồi ức những câu hỏi về cái mới và sự tồn tại của nó. Điều này không nói lên sự bế tắc mà nằm ở một chỗ khác, việc đặt và tìm cách giải quyết cho cái mới đang có vấn đề. Gần đây, các nhà lí luận, phê bình, dịch thuật đã đem tới cho cộng đồng văn học những thuật ngữ mới (ở Việt Nam) như: Cái khác (otherness), văn hoc thiểu số (littérature mineure), văn học hậu hiện đại… trong cảm nhận chung, đó là những nét mới trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, những yếu tố trên hiện diện trước hết như một nhận thức/ một tư duy để hướng đến những lí giải mang tính chất thay đổi về chất trong sáng tác cũng như trong nghiên cứu văn học.
Tôi thích “cái khác” hơn là nói cái mới. Khi nói cái mới, ngay lập tức chúng ta nghĩ đến cái cũ, dẫn đến các mô tả như: cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới, các kiểu tư duy nghệ thuật chống đối nhau… điều này không sai nhưng nếu nhìn như vậy khó có lối thoát. Ở đây xin được trích nguyên văn một đoạn của Trương Đăng Dung, in trong tạp chí Nghiên cứu Văn học số 12 năm 2006, khi tổng kết Hội thảo về vấn đề những khả năng và giới hạn của văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế, ở trang 17: “Cái mới không chỉ là phạm trù mĩ học. Không thể nói hết về cái mới chỉ bằng những yếu tố đổi mới, bằng sự vượt trội bất ngờ của nó trước cái cũ. Cái mới đồng thời là phạm trù lịch sử, nếu chúng ta ý thức được yếu tố lịch sử nào đã làm cho một hiện tượng văn học lạ (NQH nhấn mạnh) trở thành cái mới, cũng như thiết chế văn hóa, xã hội nào đã kìm hãm hay ủng hộ nó”. Những điều này gợi nhắc chúng ta về sự ra đời của cái mới: một cái lạ trỗi sinh trong quá trình phát triển nội sinh của nó và môi trường xung quanh cái lạ đó. Xin được chia sẻ thêm, Đỗ Lai Thúy cũng có cách nhìn chí lí, rằng (xin được trích nguyên văn): “cái mới đích thực (…) phải là sự khẳng định sự khác biệt, cái khác biệt. Từ đó mới sinh ra biến đổi, biến dị, đổi mới, cách mạng. Vì thế, khẳng định cái Khác chính là sự phát minh ra những khái niệm mới, là sự thử nghiệm các hình thái mới của kinh nghiệm cũng như những khả thể khác biệt của hiện hữu” (Đỗ Lai Thúy: 2012, 82).
Lê Minh Phong: Trong cái nhìn của anh thì văn học đương đại Việt Nam đã chuyển tải được tâm thức hậu hiện đại hay chưa?
Hồ Đăng Thanh Ngọc: Đây là một câu hỏi khó để trả lời một cách rốt ráo. Bạn thấy đấy, chúng ta đang sống trong vô vàn những lựa chọn. Những lựa chọn đó đôi khi lại nằm ngoài chính ý muốn của chúng ta. Thế giới đã có những xáo trộn thật kinh khủng đúng không? Những xáo trộn đó đã buộc chúng ta đối mặt với những nghi ngờ, những truy vấn. Con người nghi ngờ, truy vấn gốc rễ sự tồn tại; nghi ngờ, truy vấn giá trị của mọi thứ; và không biết nên gọi là bi kịch hay là sự thú vị khắc nghiệt là chúng ta đang từng ngày nghi ngờ, truy vấn chính bản thân mình. Nói theo hậu hiện đại là cảm thức hoài nghi đang bao trùm chúng ta. Hiện thực hôm nay cũng không còn cố định nữa. Có lẽ nếu nhìn ra thế giới thì những gì gọi là cách tân triệt để trong nghệ thuật thì người ta cũng đã làm tới mức khiến người tiếp nhận trở nên lo ngại. Bản thân tôi cũng không thể biết được rồi nghệ thuật sẽ trượt đi trong chiều hướng nào nữa. Nhưng đó là thế giới. Văn học Việt Nam đương đại theo tôi nhìn nhận (có thể sai lầm) thì vẫn đang là những bước đầu của thử nghiệm. Có lẽ chúng ta đang dừng lại ở tính chất bắt chước nhiều hơn là sáng tạo dựa vào tâm thức. Tất nhiên những thử nghiệm mang tính phá phách ấy là nơi để từ đó bắt đầu cho một cuộc thay da đổi thịt. Nói theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy trong công trình Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy thì Việt Nam hiện nay chưa có cơ sở cho một văn hóa hậu hiện đại. Bởi nước ta còn đang hô hào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghĩa là cái hiện đại vẫn còn là ga đến chứ chưa phải là ga đi.”. Vậy thì lấy đâu ra tâm thức của hậu hiện đại, tâm thức sau và tiếp nối hiện đại? Nhưng có một điều là khi thế giới đã trở nên phẳng bởi công nghệ thông tin thì dù có muốn hay không chúng ta vẫn đang sống chung và cảm nhận được một nền văn học bất cứ nào đó (mà đa phần đang ở trong hoàn cảnh hậu hiện đại) trên hành tinh này. Nên tôi nghĩ vấn đề tâm thức hậu hiện đại trong văn học đương đại Việt Nam rất khó để xác định nó có hay không nhưng rõ ràng là nó đang tồn tại trong trang viết của một số tác giả. Chúng ta nên cổ xúy cho những bắt chước thử nghiệm để thực tiễn sáng tác sau này có được nền móng thực sự của nó. Có một điều mà tôi có thể chắc chắn với bạn được, là văn học chúng ta đã thực sự mang những dấu ấn của văn học hậu hiện đại, đặc biệt là về mặt kỹ thuật viết của các nhà văn trẻ hiện nay.
Nguyễn Quang Huy: Văn học Việt Nam đương đại và yếu tố Hậu hiện đại (như một tâm thức, một nhận thức về bổn phận của nghệ thuật trước thế giới, về những tìm tòi và sáng tạo) có một liên đới nhiều chiều, như nó thuộc về những kẻ môi giới văn học như các sáng tác của thế giới đương đại được tiếp nhận trực tiếp hoặc qua bản dịch, các lí thuyết văn học của phương Tây được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép làm xuất hiện những yếu tố nền tảng cho hậu hiện đại, nhưng về mặt tinh thần, tâm thức thì có sự trỗi vượt. Các sáng tác của những nhà văn bấy lâu nay được nhắc tên đến quen thuộc ít nhiều biểu tỏ yếu tố này, nhưng theo tôi, đó là một kiểu hậu hiện đại của Việt Nam, một sự chắp nối, lai ghép, chưa thực sự tự nhiên. Còn trong thơ thì đã được nhìn nhận một cách xác đáng trong Thơ như là mĩ học của cái khác của thầy Thúy. Con đường hậu hiện đại thực sự vẫn còn ở phía trước. Nó cũng đang ít nhiều dây mơ rễ má với cái Khác, hay mới đang bàn ở đây.
Phan Tuấn Anh: Theo cách nhìn của tôi, văn học Việt Nam đương đại hiện nay không chỉ chuyển tải được tâm thức hậu hiện đại, mà những kỹ thuật đặc trưng của trào lưu văn học này đã được biểu hiện đầy đủ. Đương nhiên, giá trị nghệ thuật của nó đến đâu, những ưu nhược thế nào thì vẫn cần xét đến trường hợp cụ thể, nhưng sự xuất hiện và vị trí của nó thì không còn phải bàn cãi. Ngay từ văn học Đổi mới, tức là từ 1986 đến nay, qua các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… tâm thức hậu hiện đại đã được biểu hiện rõ ràng. Ý kiến này không phải của riêng tôi, mà những bậc thầy như Lã Nguyên, Lê Huy Bắc… cũng đã có những tiểu luận, công trình riêng để phân tích khá rõ. Cho đến những sáng tác đầu thiên niên kỷ mới, mà đặc biệt là các tác phẩm của Đặng Thân (Ma net và 3339 [những mảnh hồn trần]), thì những kỹ thuật hậu hiện đại đã được biểu hiện đầy đủ, chứ không còn đơn giản chỉ là tâm thức nữa. Trong chuyên luận Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam(Nxb. Tri thức, 2013, Lê Huy Bắc chủ biên), hai tiểu luận của chúng tôi và Lã Nguyên cũng đã luận giải, chứng minh về điều này. Đương nhiên, tôi lưu ý, những kỹ thuật hậu hiện đại ở nước ta vừa có tính quốc tế, lại vừa có tính bản địa, không phải cứ áp một khuôn mẫu phương Tây như một tiêu chuẩn cố định nhằm phân tích là được. Chúng tôi cũng đã công bố vài tiểu luận nghiên cứu về thủ pháp và ngôn ngữ hậu hiện đại trong văn học Việt Nam trên chính Sông Hương.
Lê Minh Phong: Trước những nỗ lực của các nhà văn tiền phong, không ít người đọc và kể cả các nhà xuất bản đã hoài nghi, thậm chí quay lưng lại với những khai phá của họ. Theo anh, điều này xuất phát từ đâu?
Hồ Đăng Thanh Ngọc: Trong cái nhìn của tôi thì không có bất cứ một cái mới nào mà lại không mang tính khiêu khích. Cái mới luôn đứng trước những rào cản. Rào cản từ những giá trị đã tưởng vững như bàn thạch của truyền thống, của những người bảo thủ, và rào cản đến từ những nguyên tắc đã định hình. Cái mới lúc đầu tất nhiên nó không tránh được cảm giác là một đứa con lạc loài trong văn hóa tiếp nhận của công chúng. Khi thực hiện một số chuyên đề như Văn học hậu hiện đại, Thơ Tân hình thức… trênTạp chí Sông Hương thì chúng tôi đã vấp phải nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là việc anh em trong Ban Biên tập phải đứng trước nhiều quan điểm trái chiều từ phía người tiếp nhận. Nhưng chúng tôi nghĩ, qua thời gian thì những giá trị của cái mới sẽ được người ta nhìn nhận và công nhận. Điều này có thể chứng minh bằng cách nhìn vào lịch sử của tất cả các loại hình nghệ thuật như văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc,… Việc có một số người đọc đang quay mặt với những tác phẩm mang tính khiêu khích bởi chúng mới lạ cũng không nằm ngoài những lý giải trên. Người ta chưa thực sự nhập cuộc và chưa thực sự có những thiện cảm đối với cái mới, chưa kể là nhiều người còn quá xa lạ với những lý thuyết của cái mới. Và cũng cần có một cái nhìn ngược lại. Liệu những sáng tác mang tính cách tân, đột phá của chính người làm văn học đã thực sự có giá trị hay chưa, hay mới chỉ là những màn trình diễn của những thứ nghệ thuật giật gân, đánh đố, thiếu giá trị sáng tạo thực sự… Việc các nhà xuất bản chưa hoan hỉ đón nhận những tác phẩm mới bởi, theo tôi, họ có cái khó là phải nghĩ đến lợi nhuận, nghĩ đến sự tiêu thụ sản phẩm chứ không đơn thuần là nâng cao văn hóa đọc của công chúng. Và tất nhiên chúng ta cũng không loại trừ những rào cản, những cái khó của các nhà xuất bản trước những áp chế và những quan niệm dị biệt đến từ xã hội, phông văn hóa… Tôi muốn nói rằng chúng ta cần phải chờ đợi, phải có thời gian.
Phan Tuấn Anh: Trước sự quay lưng của các nhà xuất bản đối với những khám phá có tính tiền phong, tôi nghĩ có hai vấn đề. Thứ nhất, sự hiểu biết về lý thuyết văn học đã chưa tương xứng với trình độ phát triển và thực tiễn của sáng tạo văn học. Có những thứ trong sáng tạo đã có từ lâu, nhưng lý thuyết vẫn chủ quan, e dè, giáo điều chưa nhận ra, hoặc cố tình phủ nhận. Tôi thích nhận định của V.Huygo rằng, chất nghịch dị là một phẩm chất tất yếu của một thiên tài, và mọi kiệt tác của nhân loại đều là một sự khiêu khích với những “quy phạm của những thời đại đã hoàn tất, quyền uy và giáo điều”. Thứ hai, những khám phá tiền phong ấy chưa đủ trình độ nghệ thuật. Nó là cái mới, nhưng chưa là cái hay, cái đẹp, cái có ích, cái phù hợp với văn hóa dân tộc. Hoặc là, cái mới đó ảnh hưởng từ bên ngoài nhưng chưa có sự vận dụng, cải biến mang hồn cốt bản địa, có sự tương thích với đời sống văn học Việt Nam đương đại. Tôi vẫn tâm đắc với ý kiến cho rằng thời gian sẽ là người thầy của tất cả, là lò luyện lửa thử vàng. Theo thời gian, với sự dân chủ, cởi mở trong quản lý, sự tiếp thu mau lẹ, cập nhật các lý thuyết văn học thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự cách tân của các nhà văn, nỗ lực cách tân của các sáng tác mang tính tiền phong thực sự có giá trị sẽ được đón nhận, được đánh giá đúng đắn. Lịch sử văn học đã chứng minh nhiều trường hợp như vậy, giúp chúng ta có thể vững tin.
Nguyễn Quang Huy: Điều này như đã đề cập ở trên, cái mới, không chỉ là một phạm trù mĩ học, mà nó còn là cái lịch sử, tồn tại trong tương quan với những thiết chế xã hội nhất định, thiết chế này có ủng hộ nó hay không. Khi nghĩ về chuyện này tôi thấy một mẫu số chung cho thân phận nghệ thuật nói chung, ở đâu cũng thế, nó tồn tại trong thế hiểm nguy, trong tính mong manh. Chuyện không ít người đọc (điều này chưa đúng lắm, mà phải là phần lớn người đọc quay lưng, vì họ là kẻ chịu trận cho quá nhiều định kiến, quá nhiều những quy ước đã sắp sẵn, tạo nên một “cái ngưỡng” khó bỏ, một phần khác, những khai phá của những kẻ sáng tạo thì đi trước quá nhiều so với số đông, vốn phải trải qua một quá trình đào tạo hoặc tự đào tạo lâu dài…) nhà xuất bản vừa là kẻ trung gian mang tới những sản phẩm văn hóa đọc, nhưng nó cũng là một tiếng nói của chính cái thiết chế ấy. Thỉnh thoảng có những nhà xuất bản tiền phong, xuất bản những tác phẩm nào đó, ngay lập tức họ phải thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của mình. Điều này cũng nằm trong thân phận của kẻ thuộc về thiểu số, kiểu “kình nghê vui thú kình nghê/ tép tôm thì lại vui bề tép tôm”, nghĩa là khó có thể tìm thấy tiếng nói “đồng ý, đồng tình”, liên quan đến căn nền của cộng đồng diễn giải, căn nền của việc tiếp nhận văn bản nghệ thuật. “Bản mệnh” của những khai phá có lẽ nằm ở phía đó, âm thầm, cô độc, và thậm chí có thể luôn luôn trong trạng thái bất ổn, mong manh. Nếu cái mới mà ai cũng biết cả, khi đó, nó vượt ra ngoài cái cá biệt thành cái chung mất rồi. Một sản phẩm đại trà thì không ai gọi là “mới” hay “khác” nữa.
Thêm nữa, ở chiều sâu, cơ tầng văn hóa của một dân tộc cũng phải xét đến, ở chỗ, nó có ít hay nhiều cởi mở và thích phiêu lưu hay không. Một điều nữa là cộng đồng đọc, diễn giải văn chương Việt Nam đang bị chi phối bởi lối nhìn đạo đức, soi chiếu đạo đức thiển cận vào các giá trị thẩm mĩ, hoặc giữa chúng lẫn lộn nhau… dẫn đến những điều mà văn học làm thì giá trị tự thân của nó bị nhiễu. Chắc điều này xuất phát phần nhiều từ “yêu văn nghệ” chứ chưa phối trộn giữa yêu và tìm hiểu, nghiên cứu, mà yêu thì anh biết rồi, lẽ ghét thương thì cực đoan lắm.
Lê Minh Phong: Anh nghĩ gì về những hứa hẹn vén mở của văn chương siêu hư cấu trong tương lai gần ở Việt Nam?
Hồ Đăng Thanh Ngọc: Văn chương chúng ta phần lớn đang mang tính nệ thực. Người viết vẫn đang miệt mài với việc mô tả ngoại cảnh. Văn chương của họ phần lớn vẫn đang là tấm gương phản ánh hiện thực. Liệu lối viết hiện nay đã đi xa hơn chủ nghĩa hiện thực được bao nhiêu? Rất ít nhà văn ý thức được sức mạnh của nghệ thuật siêu hư cấu. Việc nghệ thuật lấy chính bản thân nó làm đối tượng vẫn là một cái gì đó xa lạ với người viết ở ta. Vì thế tôi không mấy kỳ vọng vào sự vén mở hay nở rộ của loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam trong tương lai gần. Lại phải nói rằng cần có thời gian.
Nguyễn Quang Huy: Văn chương siêu hư cấu là một hứa hẹn, không phải vì nó chưa xuất hiện, mà nó như những đợt sóng trong nỗ lực hướng đến biểu đạt một thế giới mới, nỗ lực tổ chức những suy nghiệm và cống hiến của những kẻ sáng tạo với thế giới sống. Nó gắn liền với những bước cách tân trong tư duy về ngôn ngữ, về cái biểu đạt. Trước tiên, siêu hư cấu có thể hiểu như là hư cấu của hư cấu, hay hư cấu về hư cấu. Gần đây nhiều người khai mở tác phẩm theo cái nhìn Liên văn bản. Tôi nghĩ nó có dính dáng đến nhau. Siêu hư cấu là một hi vọng nở rộ vì thực chất của nó là hướng đến giá trị sản nghĩa, tạo nghĩa của một văn bản nghệ thuật. Cũng vì thế, văn chương tiến tới siêu hư cấu, theo tôi là chỗ nó cần chiếm lĩnh trong tương lai gần.
Phan Tuấn Anh: Tôi nghĩ văn chương siêu hư cấu ở Việt Nam đang có triển vọng, bởi sự du nhập của các lý thuyết văn học mới như: liên văn bản, nữ quyền, hậu thực dân, tân lịch sử, giải cấu trúc,… Căn nền lý thuyết dần được đổ bê tông vững chãi. Từ phía người đọc, tầm đón nhận cũng ngày một nâng cao hơn, họ đến với văn bản văn học như đến với những hư cấu, đúng theo lý thuyết trò chơi của triết học ngôn ngữ, chứ không phải đến với việc truy nguyên hiện thực và tiểu sử tác giả nữa. Những nhà văn đương đại của chúng ta cũng dám dấn thân tìm tòi, giao lưu với thế giới, mà nhất là giao lưu lý thuyết và đọc những kiệt tác thế giới đương đại. Do đó, những điều kiện trên tất yếu sẽ mở đường cho văn chương siêu hư cấu. Dĩ nhiên, điều kiện thì có rồi, nhưng việc có xuất hiện những kiệt tác hay không, hay văn chương siêu hư cấu có đạt được những giá trị mang tính lịch sử hay không thì chúng ta vẫn phải chờ đợi. Sáng tác văn học phải đề xuất những giá trị mỹ học mới mẻ, đồng thời thể hiện được trách nhiệm với xã hội, thì mới thực sự có tương lai lâu dài, bền vững, thiếu một trong hai điều kiện trên, tất yếu sẽ bị thời gian lãng quên.
Lê Minh Phong: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của các anh. Kính chúc các anh một mùa xuân như nguyện.
Lê Minh Phong
Nguồn: phongdiep.net