(Bước đầu tìm hiểu bút pháp Nguyễn Hiếu qua truyện ngắn “Loài gián”)

Ấn tượng bật nổi, với tôi sau khi đọc hàng trăm truyện ngắn trong Tuyển Truyện ngắn Nguyễn Hiếu (Tuyển tập Nguyễn Hiếu .NXB HN 2010) là sự phong phú về đề tài, đa dạng về nghệ thuật thể hiện. Đã có một số truyện toát lên những nét duyên riêng khá mới mẻ, độc đáo. Chính nhờ nét duyên đậm đà ấy mà người đọc đọc rồi lại muốn đọc lại vài ba lần, cơ hồ vẫn chưa giảm bớt thi vị, thú vị. Truyện ngắn Loài gián (đã in trên báo Người Hà nội năm 2008 trước khi đưa vào tuyển) trong đó là một trong những đoản thiên tiểu thuyết như thế.

* Giọng điệu – Nét duyên đầu tiên

Giọng kể trong Loài Gián là giọng của nhà văn già mấp mé lục thập nhi nhĩ thuận. Trầm tĩnh, nhẩn nha vừa kể vừa tả vừa hồi ức, cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng, chiêm nghiệm, nghĩ suy, bình luận… Trôi chảy tự nhiên, dễ dàng cứ như là tiện đâu ghi đấy, nhặt gom những chuyện vụn vặt, vớ vẩn trong cái gia đình riêng bé nhỏ của mình: một bà vợ già hay cáu bẳn hết lòng vì cháu nội, cặp vợ chồng con trai – con dâu, đàn gián – kẻ đối thoại, đối trọng với nhà văn đầu hói đang vừa chán nản chấp nhận vừa cố chống chọi với cái già rệu nhão, thể chất và tinh thần bởi những gắng gỏi, nỗ lực tinh thần để sống và viết – như cái nghiệp dĩ kiêu hãnh nhọc nhằn sẽ đa mang đến chết…tất thảy hình như chẳng có công phu, dụng ý gì to tát?!

Nổi lên là giọng tự đùa cợt, giễu nhại mình và thế hệ, trang lứa mình về sự vụng về, vô tích sự, với tư cách là chồng, là cha, là ông trong mọi công việc thực tế thường nhật của gia đình, trong cái nhìn bao dung mà khó chịu của bà vợ già hay cáu bẳn vô cớ, trong cái nhìn lễ phép, đã có phần chơm chớm coi thường hơi lộ ở thằng con trai, và sự đồng tình, cố giấu nơi đứa con dâu yêu chồng, nên kính nể bố chồng. Tất cả được bắt đầu và xoay quanh từ 1 sự việc chẳng đáng bận tâm: ông bố sai con mua thuốc diệt gián. Bực bội, thương con, vợ, cháu..nên lão đành thúc thủ, nhẫn nại chịu đựng, … rồi lên giường nằm, tình cờ có dịp trò chuyện tay đôi với con gián đại biểu. Quá trình đối thoại từ chỗ con người trịch thượng, kẻ cả; có văn hóa, coi thường giống côn trùng hạ đẳng hôi xì; nhưng đến cuối cuộc trò chuyện thì con người đã hầu như khẩu, tâm cũng phục trước kiến thức uyên bác, lập luận chắc nịch, chứng lý rõ ràng của… Gián!

Tưởng câu chuyện có thể dừng ở đây cũng đã hay rồi! Nhưng không! Ngoắt một cú rất ngoạn mục diệu nghệ, chỉ bằng 1 lượt lời:

Gián:… – Không tin, ông cứ thử thành loài gián chúng tôi xem sao?- Người:.. – Thành loài gián chúng mày ấy ư? Làm sao có thể, làm sao?… Mình lẩm bẩm mãi… Tiếng mình nhỏ dần, nhỏ dần…

Thế là, như trong truyện đồng thoại – cổ tích thần kỳ, nhà văn hói đầu đã vụt biến thành con gián thực thụ (Nhưng thú và lạ ở chỗ: khi đã thành gián ông vẫn nghĩ, nói, vừa vẫn là người vừa là gián). Sự biến thành Gián bất ngờ này tạo điều kiện khám phá, kiểm chứng thêm nhiều thực tiễn sinh động đời sống gián trong mối quan hệ với chuột, mèo,con người …trước khi 1 tai nạn kinh hoàng ập tới tạo cơ hội gián trở lại làm người, đặng rút ra bài học nhân sinh thế sự… và… hết truyện!

Giọng điệu đôn hậu, phục thiện, xét cho cùng vẫn phát khởi từ cái tâm tính hiền lành pha hóm nghịch lẫn nghiêm túc khiến Nguyễn Hiếu cố ý không đẩy cái kết truyện giả tưởng theo hướng bi kịch: Tuy nhiên, ở đây, luồng hơi thuốc độc phóng từ bàn tay nhỏ yếu của đứa cháu, mới chỉ khiến ông già – gián cụ ngã chổng kềnh, tạm bất tỉnh nhân sự hồi lâu trong bếp, biến thành trò cười cho bà vợ già… mà thôi!

Chuyện người hóa gián, gián lại hóa người, gián – người bỗng trở nên bình đẳng trong đối thoại và ngẫm nghĩ, nhận xét thiên nhiên, môi trường, cuộc sống, con người… Vai chủ – người thoắt đổi thay để có điều kiện hợp lý tìm hiểu, khám phá, chiêm nghiệm, nhận xét, luận bàn, cọ sát với phản biện – vai khách (gián). Từ đó hình thành đường dây cốt truyện đơn giản mà lắt léo, lúc chùng, lúc căng; từ đó toát lên chủ đề tư tưởng và cảm hứng chủ đạo cùng những cạnh khía chính, phụ, lớn, nhỏ hữu quan, làm tăng sự đa nghĩa và chiều sâu tư tưởng – nghệ thuật của truyện. So với truyện giả tưởng của Nguyễn Hiếu viết cùng năm: Ruồi có thể ăn được, nhân vật chính Kiên cũng bị /được biến thành ruồi. Môtip người biến thành côn trùng được lặp lại. Nhưng nếu trong Ruồi…chỉ là 1 chi tiết đến cuối truyện mới xuất hiện, thì ở Loài gián, nó trở thành tình huống trung tâm đầu mối, khởi nguồn diễn biến chuỗi tình tiết truyện và phơi mở tâm lý nhân vật phức tạp hơn, ly kỳ hơn. Nhờ vậy, ý nghĩa tượng trưng của hình tượng, cũng trở nên giàu có, chân thật hơn.


* Nét duyên thứ hai bạn đọc cảm nhận rất rõ ở Loài gián là cảm hứng về tâm lý tuổi già và tình yêu gia đình của nhà văn.

Đọc Loài gián, thấy Nguyễn Hiếu đã nói dùm thế hệ U40… không chỉ cái tâm lý, tâm trạng của lớp người chớm bước vào độ tuổi già mà còn bộc lộ trách nhiệm và tình yêu thương gia đình mặn mòi, thô vụng, lặn vào trong sâu nặng…. Thấy ông yêu thương bà vợ già tấm mẳn hay cáu biết bao nhiêu, yêu thương, trọng nể lớp hậu sinh khả uý – con cháu ruột thịt mình biết bao nhiêu! Ngay đoạn mở truyện đã gợi được sự đồng cảm cao của mấy anh, chị cao tuổi. Nhưng đọc đến đoạn:

Nghe vợ già trách, nghe cháu khóc laị thấy xót, ân hận, len lén lên giường nằm. Định vớ cuốn sách đọc, nghĩ thế nào lại thôi. Tay vắt ngang trán, mắt nhắm lại. Nằm một lúc thình lình lại buồn…

Tự dưng lòng tôi gờn gợn, nao nao… Những câu văn chậm, kỹ, đẫm tình, sâu đằm mà mộc như thế này tuy không nhiều nhưng không phải quá hiếm hoi trong truyện ngắn và tiểu thuyết của ông. Hoặc đoạn cuối:

…Tiếng thằng cháu nội hét váng lên:

– Bà ơi! Ông nội ngã trong bếp.

Tiếng bà vợ già lầu bầu vẻ khó chịu:

– Ông cháu còn có gì mà không bầy ra?!. Vừa già, vừa là nhà văn thì còn khối trò nghịch. Lạ thật! Từng ấy tuổi rồi mà cứ như trẻ con. Bạ đâu cũng nằm được. Buồn cười thế cơ chứ!

Còn mình thì ân hận. Chỉ thiếu một chút nữa thôi là chính mình lại tự giết mình!…

Đó là một trong những náo cảnh nho nhỏ vẫn thường xảy ra hằng ngày, hằng buổi ở nhà tôi, nhà anh? Tiếng la hoảng của thằng cháu xót xa ông nội yêu quý nhất đời, hẳn làm gã gián – ông ứa nước mắt!? Và trong những tiếng lầu bầu của bà vợ già khó tính kia, phải chăng vẫn bộc lộ tình thương yêu đắng đót, trái nết của ngưòi đàn bà đã cùng ông đằng đẵng hơn 40 năm trường.

Đọc Loài gián, tôi bỗng nhớ đến 2 tập truyện ngắn, truyện vừa cùng đề tài của Bùi Hiển (Ý nghĩ ban mai), Vũ Tú Nam (Sống với thời gian hai chiều) ra đời vào những năm 80 thế kỷ trước. Quả là người viết cũng phải tới độ tuổi nào đó mới có thể viết thật, đúng, sâu sắc và hay… cách nhìn, cách cảm, tâm lý, tâm trạng của lớp người ở lứa tuổi ấy. Cùng bàng bạc bâng khuâng, trầm trầm, hiu hiu buồn buồn, lặng lặng, thấp thoáng cô đơn, thi thoảng lóe lên chút nghịch, hóm… nhưng ở hai tác giả lão thành trên không có được cái linh hoạt, ranh mãnh, biến hóa phóng túng, thực – ảo khôn lường, từ cốt truyện đến cách kể, cách tả như truyện ngắn Nguyễn Hiếu.

Tôi lại nghĩ tới Nguyễn Khải với những Thượng đế thì cười, Trôi theo tự nhiên, Nghĩ muộn,… những tiểu thuyết, hồi tưởng, tùy bút chính trị được viết khi nhà văn của hôm nay đã ngoài thất thập, những tác phẩm văn xuôi từng gây xôn xao dư luận trong, ngoài giới phê bình và bạn đọc mấy năm vừa qua. So với nhà văn lừng danh thuộc thế hệ cha chú, Nguyễn Hiếu chưa đạt tới cái vân vi sâu sắc, thật mà ảo, nghiêm ngắn mà đùa cợt, vẻ ngoài hối lỗi chân thành mà trong thẳm sâu lại vẫn ngầm tự hào, tự kiêu…của tác giả Xung đột, Cha và con và…,Vòng sóng đến vô cùng,… Nhưng bù lại, nét duyên riêng ánh lên vẻ đẹp đằm thắm, khiêm nhường, tự biết mình của văn Nguyễn Hiếu khi viết về tâm sự tuổi già chính là ở sự chân thật đến vụng ngượng; trong sự nhẫn nhịn, sẵn sàng chịu thua thiệt, nhường lời, nhường phần thắng cho vợ con, bạn bè, … nhưng thi thoảng, thấp thoáng vẫn lóe lên vài nét cười mủm mỉm ranh mãnh, dăm tia nhìn giễu cợt nhẹ nhàng, lịch lãm… của nhân vật hay nhân vật – người kể chuyện thông minh – ngù ngờ, biết tuốt – như chẳng biết gì! (đa trí tựa ngu!). Chỗ này, thiển nghĩ, Nguyễn Hiếu hình như lại chẳng nể, không nhường Nguyễn Khải lấy nửa ly ông cụ!?

Phải chăng đó là một trong những điểm gần mà xa của 2 lực sỹ văn xuôi đương đại Việt Nam?

Đó chính là nét duyên hấp dẫn thứ hai của Loài gián.

* Nét duyên thứ 3 của Loài gián ánh lên từ cuộc đối thoại người – gián và đoạn thời gian hóa gián, rồi trở lại người của nhà văn hói dầu.

Đọc đoạn trò chuyện – tranh biện thông minh, sắc sảo mà kẻ đuối lý, chịu trận, chịu thua, nếu không nói cơ bản là bị khuất phục, ai ngờ lại chính là… con người! Kết quả đó khiến tôi nghĩ tới truyện ngắn nổi tiếng Người độc giả của M. Gorki (TT TN M.G- NXBVH, H, 1971, tập 2). Tôi nghĩ: hình thức bề mặt là đối thoại người – gián; nội dung bề nổi dễ nhận ra là vấn đề thái độ của con người với môi trường, với những loài côn trùng, chim, thú độc hại, bẩn thỉu? Nhưng ngay ở chủ đề thời sự mang tính nhân văn – khoa học quan trọng này, cách giải quyết của tác giả lại cũng nửa vời, chưa rõ ràng. Vậy, cuối cùng, câu hỏi tất yếu đặt ra là, có nên tiêu diệt, tận diệt gián cũng chim sẻ, chuột, sâu, bọ,… để bảo vệ mùa màng, giữ gìn môi trường thiên nhiên,…trong sạch, yên lành hay không? Nếu làm được, có khi lại phải lãnh chịu những hậu quả tai hại, nguy hiểm khác … Câu trả lời cuối cùng và triệt để, trong truyện cũng như trong thực tế, thậm chí trong giới khoa học tiếc thay, vẫn ở phía trước! Tính mở và tính khoa học, thời sự của truyện ngắn này, có lẽ là ở đó.

Còn ở tầng nghĩa thứ hai, sâu hơn, là: thái độ con người tôn trọng thiên nhiên, bình đẳng và trân trọng các loài côn trùng, động, thực vật, sản phẩm của tự nhiên…phải tuân thủ những quy luật khách quan của chúng, phải có cái nhìn sâu, nhìn xa, tổng thể và khách quan; từ đó xác định cách thức ứng xử với thiên nhiên, muôn loài…Những quyết sách vội vã, cực đoan của con người nhân danh vì cuộc sống con người mà phát động phong trào tiêu diệt chim sẻ (Trung Quốc) trước đây hay phát triển nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ… ở nước ta những năm gần đây… đều đã và đang phải trả giá cực đắt! Còn trong truyện ngắn hay này, đáng lẽ nó nên ẩn kín, chìm khuất giữa và dưới các hình tượng, chi tiết, để người đọc tự rút ra bài học, thì, tiếc thay, nó lại được trực tiếp nói ra, bung ra, lồ lộ, vụng về ngay trong đoạn kết. Và đến đây, tác giả, không hiểu sao lại chọn cái kết.” Tất cả đã được ghi vào sổ Trời!!!???

Nhưng có lẽ đó chỉ là một ý nghĩ, một câu văn đùa đùa cho kết truyện thêm đậm đà dư vị. Nhà văn ưa hài hước hơi già tay vẽ nét vui duyên dáng cuối cùng trước khi đóng truyện, chứ không phải đó là tư tưởng nghiêm chỉnh của ông.

Tầng nghĩa sâu thứ ba, sâu hơn nữa, tôi cho là: tính chất phân thân – phân đôi nhân vật từ trong bản chất và ý nghĩa cuộc đối thoại và cuộc hóa thân người – gián, gián – người. Tính chất luận đề của truyện cũng nổi lên ở đây. Xét cho cùng, những ý kiến, quan điểm của con Gián đã phản biện thẳng thắn, có lý, có tình đã hoàn toàn thuyết phục nhà văn đầu hói, mới chính là tư tưởng, ý kiến, quan điểm của người kể chuyện – tác giả phản bác lại những ý kiến, quan điểm của không ít người trong xã hội ta hiên nay – được đặt vào miệng gã nhà văn. Có cái gì rất gần gũi về giọng điệu, thái độ giữa nhân vật tôi – nhà văn M.G và nhân vật người bạn đọc trong Người độc giả – con người kỳ quái, khó hiểu thường tỏ ra nhạy bén, sắc sảo hơn hẳn ông kỹ sư tâm hồn Nga nhiều. Không biết Nguyễn Hiếu có ít nhiều chịu ảnh hưởng của M.G khi viết Loài gián không? Nhưng rõ ràng, cách xây dựng tình huống truyện và xây dựng cặp nhân vật tư tưởng – đối thoại – tranh luận này đã góp phần thể hiện rất hiệu quả mà uyển chuyển, mềm hóa những vấn đề tư tưởng xã hội quan trọng, tâm lý con người phức tạp – Ý tưởng nghệ thuật của tác giả.

Chẳng lẽ, thành công thú vị rất đáng ghi nhận và biểu dương ấy lại không tạo thêm một nét duyên lặn vào trong nữa của truyện ngắn Loài gián?

Nguồn: vanvn.net