Ngay ở đầu thế kỉ mới, Thơ của các nhà thơ Dân tộc Thiểu số (NXB Văn hóa dân tộc, 2001) được Lò Ngân Sủn tuyển và bình, và cho ra mắt công chúng. Ngoài hai bài dân ca được biên tập, nhà thơ này đã chọn ra 33 tác giả vào tuyển. Từ thế hệ cây bút xuất hiện ngay từ thời Kháng chiến như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn… cho đến người mới trình làng tập thơ đầu tay: Tháp nắng (NXB Thanh niên, 1996).
Mỗi tác giả được chọn 1-2 bài, cá biệt có người nhận được sự ưu ái rất lớn: Y Phương (8 bài), Nông Quốc Chấn (6 bài), Mai Liễu (5 bài)… Yếu tố dân tộc với vùng miền cũng trải đều, cho dù có độ chênh khá lớn. Đông nhất là Thái (9 tác giả) và Tày (7); cạnh đó Hoa, Mường, Dao, Chăm, Lự có 2 tác giả góp mặt, còn lại các dân tộc H’rê, Vân Kiều, Pa Dí, Cao Lan, Giáy, Êđê, Bana mỗi dân tộc có một đại diện.
Cách bình cũng rất khác lạ, có bài được dành cho 3-4 trang, nhưng có bài chỉ vỏn vẹn vài dòng. Đủ thấy tính chủ quan và tùy hứng của tác giả. Chủ quan và tùy hứng này đã làm nên đặc trưng của nhà thơ người dân tộc Giáy này. Với văn phong phóng khoáng từ cách nhìn của người trong cuộc, Lò Ngân Sủn đã bước đầu đặt nền móng cho lối nhìn cận cảnh khuôn mặt các nhà thơ người dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn qua.
Hai năm sau, một Ban biên soạn gồm năm người (Hà Lý, Nông Quốc Bình, Hoàng Tuấn Cư, Nguyễn Thị Chính) do nhà thơ Lò Ngân Sủn chủ biên cho xuất bản cuốn: Nhà văn Dân tộc Thiểu số Việt Nam – Đời và văn (NBX Văn hóa Dân tộc, 2003) với cách làm khác. Dù mang tên “nhà văn”, nhưng đa phần trong số 35 tác giả này đều có làm thơ- thơ kiêm các “nhà” khác. Chiếm đa số vẫn là nhà văn dân tộc Tày (10 tác giả), tiếp đến là Thái (6), Mường (4) H’Mông (2); còn lại các dân tộc: Hoa, Chăm, Khmer, Pa Dí, Êđê, Châu Ro, Cao Lan, Nùng, Dao, Giáy, Hà Nhì, H’rê đều có một đại diện của mình.
Điều đặc biệt ở ấn phẩm này là bên cạnh in ảnh chân dung tác giả, là tiểu sử rất chi tiết cùng bài giới thiệu của nhà phê bình về chân dung mỗi nhà văn. Sau rốt là trích văn (thơ, phê bình, tiểu luận). Là sách công cụ đúng nghĩa, rất tiện ích cho tham khảo.
Cuối cùng, mới nhất là: Thơ Dân tộc và Miền núi đầu thế kỉ XXI do Ban tuyển chọn gồm Mai Liễu, Y Phương, Inrasara, Trịnh Hà (NXB Văn hóa dân tộc, 2011). Khác với hai tập trước đó, ở đây có đến 169 tác giả góp mặt, với 23 dân tộc khác nhau. Rất đông vui! Bởi tuyển có cả yếu tố “miền núi”, cho nên mới có dân tộc đa số là người Việt. Họ có mặt, và chiếm số lượng đông nhất: 73 tác giả! Nghĩa là chiếm đến gần nửa con số người dự phần. Sau đó thứ tự từ nhiều đến ít: Tày (35 tác giả), Mường (11), Thái (9), Dao (8), Chăm (7), Nùng (4), Mông (3), Sán Dìu và Khmer mỗi dân tộc có 2 tác giả; còn lại các dân tộc sau có một đại diện: Bana, Châu Ro, Cao Lan, K’ho, H’rê, Dáy, Pa Dí, Hà Nhì, Hoa, Êđê, Vân Kiều, Pù Nả, Xa Phó.
Cái khác biệt thấy rõ hơn cả, đây là tuyển bao gồm nhiều tác giả nhất, trải dài nhiều thế hệ nhất – từ thời Kháng chiến cho đến thế hệ hậu đổi mới. Chính vì thế nó là ấn phẩm mang tính phong trào nhất: không có nhà nào quá 4 bài.
Nhận diện
Tôi có nói một lần, thơ dân tộc thiểu số đang mất phương hướng. Còn hơn thế nữa – nó vừa đi vừa ngủ. Ngủ ở nhịp điệu, ngôn ngữ, hình ảnh và nhất là đề tài thơ. Ngủ từ Pờ Sảo Mìn, Y Phương, Lò Ngân Sủn cho đến Mai Liễu, Lương Định, Dương Thuấn… Ngủ, nhưng nó vẫn cứ đi. Hành động đi này không phải không từng cống hiến những cái đẹp, cái đặc sắc cho nền thơ đa dân tộc Việt Nam.
1. Từ thể thơ cổ điển như tự do sơ kì, năm chữ, tám chữ:
Đêm buốt lạnh cả màu trăng tê dại
Em mảnh mai xiêu vẹo bậc núi đồi
Tiếng từ quy kéo đêm rừng ngắn lại
Nghe suối ngàn cây cỏ ấm dần lên.
(Mai Liễu, “Tam Đảo ngày đông “)
Hay lục bát:
Tha hương giữa chốn quê nhà
Nửa đời nhìn lại, ngỡ là chiêm bao
Láng giềng đâu bạn tâm giao?
Thế cô lập nghiệp lao đao nẻo đời…
(Lương Định, “Rượu tha hương “)
Cho đến thơ tự do nhịp chỏi, không ít cây bút người dân tộc thiểu số sử dụng khá nhuần nhuyễn:
Cứ đi đi! – Phía trước là con đường
đừng mãi vỗ tay thán phục những chú dế ngây ngô
bị nắm râu quay tròn
choáng ngợp không nhìn thấy kẻ thân
giương càng/ gồng mình/ lao vào nhau/ đá nhau/ cắn nhau/ xé nát thân nhau
rồi ngã gục
làm mồi cho loài kiến
… suốt mùa đông
(Jalau Anưk, “Dưới vòm trời là những mái nhà”)
Có tác giả còn thử nghiệm cả thơ tân hình thức:
Mẹ dắt anh chị em tôi đi trốn
năm sáu ba. Không đâu xa mẹ dắt
qua nhà bà cô cách ba ngõ, mẹ
nói ngủ lại bà cô côi cút. Tôi
biết mẹ dắt anh em tôi chạy dịch.
Cha kể ngày xưa ông ngoại cõng cha
chạy xa rất xa. Thời buổi này ấp
chiến lược không đi đâu cả. Tôi nhớ
chị tay ôm cứng cái ao dhai cũ…
(Inrasara, “Chạy dịch”)
Các nhà thơ dân tộc thiểu số đi từ mĩ học sáng tác dân gian (đa phần các sáng tác của Lò Ngân Sủn, Dương Thuấn), sang cổ điển (Lương Định), đến hiện đại (Dư Thị Hoàn, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, và phần nào đó – Y Phương), và cả hậu hiện đại:
Có lẽ những giọt nước mắt đã khóc vào khẩu hiệu
vào trăn trở của nỗi niềm phê bình
là những giọt nước mắt phim bộ
có lẽ
từ đại hội năm ngoái khóc
sang tập áp cuối
năm nay
khóc chuyền tay như thể đội vận động viên 1000m X 4
có lẽ
vòng đầu ta may mắn hơn
kẻ kế bên – Thái Lan chẳng hạn
hay người chạy ở đường line số 4, 5
Nhật hay Hàn quốc
vô tư vòng hai
ta yên tâm số một, đinh ninh vô địch
vòng ba ta dồn sức
mồ hôi ta làm nên tất cả
có lẽ là những giọt mồ hôi được làm giả
như mồ hôi trong phòng massage
làm ta đuối sức
cũng có thể ta đã trục trặc khâu nào đó
chỗ đưa-nhận gậy chẳng hạn
ta đổ lỗi cho nhau
đổ qua lại như các bà nhà quê đổ thóc giống ra phơi
vẫn chừng ấy thóc giống cho cả mùa vụ
cho suốt mùa khẩu hiệu
cũng có thể là những hạt thóc đã ẩm, mốc
ta đại hi vọng vòng cuối cùng
có lẽ lại là hi vọng giả
như nước mắt phim bộ
như mồ hôi trong phòng massage.
(Trần Vũ Khang, “Nỗi niềm phê bình”)
Rồi thủ pháp, như thủ pháp so sánh chẳng hạn. Nếu Lò Ngân Sủn có lối so sánh thẳng, cụ thể và gần, như anh đã vận dụng ráo riết ở bài thơ “Người đẹp” nổi tiếng, thì nữ thi sĩ trẻ Chăm Kiều Maily lạ lẫm hơn qua lối so sánh gợi nhiều liên tưởng:
Anh là vệt sáng buồn
Bước vào đời em làm giông gió
(Kiều Maily, “Khúc Thei mai giữa Sài Gòn”)
Ví người yêu “như’ “vệt sáng” là điều lạ. Càng lạ hơn, khi đó là “vệt sáng buồn”. Khác nữa, ở đây thi sĩ không sử dụng “như”, mà là “là”: Anh là vệt sáng buồn. Từ “như” đến “là” không chỉ thuần thay đổi câu chữ, mà là sự chuyển đổi cách nghĩ, một cách nghĩ đầy tính hiện đại.
2. Thế nhưng cho dù mấy thử nghiệm hình thức có thành công tới đâu, nếu thơ không nói lên được điều gì đó – nhất là thơ của cộng đồng tộc người còn quá ít ỏi, thì coi như không gì cả. Thơ vẫn là thứ trò chơi vô tăm tích dành cho người viết văn học sử, và cho những người làm thơ đọc cho nhau nghe. Đã có không ít hiện tượng như thế xảy ra trong cuộc chơi chữ nghĩa hôm nay. May, các nhà thơ người dân tộc thiểu số không giẫm phải lối mòn ấy.
Điều đầu tiên dễ nhận ra, đó là tên của dân tộc và vùng đất mình sinh ra hay cư trú luôn được gọi lên. Như đứa con trai người Pa Dí – dân tộc chỉ có “hai ngàn người – như cây hai ngàn lá” luôn hãnh diện về tính cách ngang tàng, “tới bến” của dân tộc mình:
Con trai người Pa Dí
Đã đi là như chạy
Như mây bay lửa cháy ầm ầm
(Pờ Sảo Mìn, “Con trai người Pa Dí “)
Từ “trai Mông chăm làm/ khi say/ đuôi ngựa có người theo nắm” của Hoàng Chiến Thắng, đến đứa con Khmer Thạch Đờ Ni ở miền Tây Nam Bộ dẫu lang bạt kì hồ tới đâu vẫn nhớ Đôn-ta quê hương mà về. Hay từ nữ thi sĩ trẻ Êđê vùng đất Tây Nguyên vừa chập chững bước vào thế giới chữ nghĩa cũng qua hình ảnh và chất liệu buôn plây:
Già đang khan
Già say lời kể
Người nghe say lời già
Già kể từ ngày trước
Ngày sau chưa hết lời
(H’triem K’nul, “Người kể khan”)
Xuống đồng bào ít người đang sinh sống nơi khúc ruột miền Trung. Nga Rivê của dân tộc H’rê dẫn người đọc đến với đặc sản quê hương:
Lũ con iêng
Ngực non như trái hoa chuối
Ra con suối đội nước
Chọn lấy nước giữa dòng
Nước chảy từ lòng đá
Ngọt như trái Kapong – Kapang
Mát như gió núi Azin – Azàn…
(Nga Rivê, “Con iêng, xang éo”)
Sang tận dân tộc Châu Ro ở Đông Nam Bộ:
Châu Ro – Ta là ai?
Từ đâu đến?
Từ Cửu Long giang cổ quàng phù sa đỏ?
Từ biển biếc xa vời sóng vời lưng cát nhỏ?
(Prékimalamak, “Châu Ro ta là ai”)
Đâu đâu ta cũng nhận ra giọng kiêu hãnh riêng và chung, lộ bày hay thầm kín. Rất đáng trân trọng. Rồi Thái, Mông, Nùng, Kơ Ho, Mường, Hoa, Cao Lan, Chăm, Hà Nhì, Dao, Pù Nả, Vân Kiều, Xá Phó, Tày…
Do đó, mặc dù thơ không phải là thể loại kể lể chuyện phong tục tập quán, tái hiện môi trường sống, đời sống hiện thực của người dân tộc anh em, nhưng có thể nói hầu hết các tên lễ hội cùng đặc ngữ với những đặc trưng văn hóa vùng miền đều được gọi tên qua câu thơ của các cây bút từ ngôn ngữ mẹ đẻ bước đầu sử dụng tiếng Việt làm thơ. Những thổ cẩm, thắng cố, vũ nữ Apsara, múa Xòe, Tung Còn, Katê, rượu cần, amí, amư, tiếng cồng chiêng, lời kể khan… có mặt dày đặc trong suốt thơ của mỗi đứa con của plây, buôn, sóc, phum… Không như một cách tăng chất dân tộc thiểu số trong sáng tác, mà xuất phát từ thẳm sâu tình cảm của người viết với những gì gắn bó nhất và thân thuộc nhất của mình. Không có không được. Bởi chỉ như vậy thôi, sau bao nhiêu lắng đọng và chắc lọc, tiếng thơ ấy mới đi thằng đến được trái tim độc giả, từ đó rung động được lòng người.
Anh đến thăm em
Có gặp dáng chị ấy thẫn thờ đợi cửa
Anh ngắm nhìn em
Có thấy hình chị ấy ôm gối thở dài
Anh ca tụng em
Mà em ớn lạnh
Như giọt nước mắt chị ấy tuôn chảy
Anh ơi
Anh mãi mãi là mặt trời
Của người vợ đáng thương ấy
Lẽ ra trên thế gian này
Đừng nên có em.
(Dư Thị Hoàn, “Chị ấy”)
3. Khi người kẻ chợ đã quá oải cuộc sống hiện đại với lối kiến trúc tạp nham nhếch nhác, ngột ngạt mùi khói xe, hàng ngày phải chứng kiến bao nhiêu ô uế từ cơ man nhà máy thải vào môi trường thành phố, nhiều người muốn tìm tới không khí tươi rói sót lại nơi miền quê yên tĩnh, hẽm núi trong lành. Ở đó có thơ dân tộc thiểu số. Cũng vậy, choáng ngợp giữa ngôn ngữ thi ca đương đại ắp đầy ý tưởng với ẩn dụ, siêu thực với tượng trưng, lắm lúc không ít người thèm lối nói, lối nghĩ trong trẻo thuần phác của người miền sâu vùng xa. Tại nơi đây, có thơ của người dân tộc thiểu số.
Thơ dân tộc thiểu số đã đi, nhưng nó vẫn cứ ngủ. Cuộc sống hôm nay đầy vấn đề lớn và nóng đang xảy ra xung quanh ta, hàng ngày, hỏi có cây bút nào động cập đến chúng chưa? Một động cập cho thật sâu, và rốt ráo? Rừng Tây Nguyên bị tàn phá đến thành sa mạc, nạn chảy máu cồng chiêng, chảy máu tượng Chàm, điệu múa lai căng, lễ hội Đâm trâu giả tạo, những đứa con quê tràn vào phố mang cơ man ngôn từ xa lạ, quần áo model xa lạ, lối hành xử xa lạ về… Tệ nạn xã hội lâu nay tưởng chỉ xảy ra ở phố thị, nay cũng ngập tràn buôn plây. Ai nói lên điều đó? – Nhà thơ. Nhưng nhà thơ đại biểu cho tâm hồn dân tộc mình đang ở đâu? – Không đâu cả! Thi thoảng lắm chúng ta bắt gặp vài cái nhìn phản biện. Ở Tây Nguyên:
bây giờ mùa khô
những đứa con của làng rủ nhau ra phố
làng nắng chang chang, làng mù bụi đỏ
cuối ngày bên mé cửa
bỏng ngực mẹ chờ, bỏng ngực anh…
(Hoàng Thanh Hương, “Viết giữa mùa khô”)
Hay nơi biên giới phía Bắc:
Đứa trẻ bưng tuổi thơ
chạy ngược
Tiếng rao vỡ vào phố đêm
… Người đàn bà cõng mưa
Che con
Tiếng đàn rong va vào ngõ phố
(Hoàng Chiến Thắng, “Phố đêm”)
Và ở miền Trung:
Ai như em – dán dính mình bằng quần jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?
bập bẹ Chăm, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm – avian flu?
ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas?
(Jalau Anưk, “Ng.”)
Chỉ thế thôi, và không gì khác. Trong khi đời sống hiện đại đang đòi hỏi nhà thơ ngày càng nhiều hơn, cấp thiết hơn. Nói như Đồng Chuông Tử: “Tôi đặt tôi trần trụi trước thơ mình… / Ta xóc hành trang đựng đầy gió/ lên/ đôi vai gầy gã trai Chăm mơ mộng/ cô độc đi…”, dẫu cuộc đi đầy bất trắc ở tương lai. Nhà văn là kẻ tỏ thái độ. Bởi dù gì đi nữa, hãy vứt bỏ tất cả ở sau lưng, “cởi lại bồng mây” (chữ của Hoàng Chiến Thắng) – lên đường, không chút ngại ngần. Nhập vào dòng chảy của thời đại mình đang sống.
Đấy chính là “suy tư toàn cầu, hành động địa phương” trúng nhịp tinh thần thời đại. Tinh thần đó đòi hỏi nhà thơ nhập cuộc, nhập cuộc toàn phần để chúng ta hiện đại mà vẫn “đậm đà bản sắc”. Để đâu đó, giữa bao hỗn mang và thất thố, ta vẫn nghe được tiếng hát yêu thương đầy cảm thông cất lên. Tiếng hát đẹp đến ngậm ngùi:
Tiếng hát em bay cao vút lên tận không trung làm bừng tỉnh ánh bình minh
tiếng hát em len vào song cửa sổ đánh thức giấc ngủ
… Hỡi nghệ sĩ ban mai tôi xin cám ơn em
cùng em và các chú chim non
tôi sẽ hát khi bình minh thức giấc
về cuộc đời đau thương
và những phận đời bất hạnh.
(Tuệ Nguyên, Những giấc mơ đa chiều).
Hiểu dân tộc và yêu dân tộc – hiểu thì càng yêu hơn – là đẹp. Nói lên cái hay, cái đẹp của dân tộc qua ngôn ngữ thi ca, là đẹp. Và sẽ đẹp hơn, nếu thơ kia được diễn đạt bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó là điều hơi đáng tiếc đối với một bộ phận không nhỏ nhà thơ dân tộc thiểu số hôm nay. Dẫu sao, với nỗ lực hội nhập, họ đã phần nào – qua tiếng Việt – mang cái đẹp của dân tộc ra thế giới bên ngoài. Từ cái đẹp mĩ học dân gian, qua cổ điển đến hiện đại, và cả hậu hiện đại nữa.
Thế thôi, cũng đủ trân trọng rồi.
Nguồn: báo Văn nghệ; Chư Yang Sin