William Shakespeare (1564-1616) là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng của nước Anh thời Phục hưng, tác giả của nhiều vở kịch bất hủ hiện vẫn được công diễn tại nhiều nhà hát trên thế giới như “Othello”, “Hamlet”, “Romeo và Juliet”… Ngày 23/4 vừa qua là chẵn 450 năm ngày sinh của ông. Nhân dịp này, không chỉ ở Anh – quê hương của William Shakespeare – mà tại nhiều quốc gia, các hoạt động kỷ niệm bậc thiên tài đã liên tiếp diễn ra với nhiều hình thức tôn vinh mới lạ, độc đáo…

Trước tiên cần phải nói ngay rằng, trong tiểu sử của Shakespeare có một điểm lạ, đó là ngày sinh của ông (23 tháng tư) cũng chính là ngày mất của ông. Và lễ kỷ niệm 450 năm ngày sinh của ông khá gần với lễ kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông. Có lẽ vì thế mà tại Anh, hàng loạt chương trình kỷ niệm, triển lãm cũng như phim tài liệu về Shakespeare đã và sẽ được thực hiện một vệt từ cuối tháng tư 2014 cho tới tận tháng tư 2016, đúng vào dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của Shakespeare. Không chỉ có vậy, theo dự tính của các quan chức du lịch Anh thì lễ hội kỷ niệm 400 năm ngày mất của Shakespeare – được xác định là một “lễ hội quốc gia” – về quy mô sẽ không thua kém gì Olympic diễn ra tại London năm 2012.

Trở lại với lễ kỷ niệm 450 năm ngày sinh của tác giả “Romeo và Juliet”:

Tại thị trấn Stratford Upon Avon, quê hương của Shakespeare, Ban tổ chức cho căng một lá cờ khổng lồ có in hình Shakespeare ngay trung tâm thị trấn. Mở đầu lễ hội là màn diễu hành với sự tham gia của hàng ngàn người dân và du khách từ trung tâm thị trấn tới mộ của Shakespeare đặt tại Nhà thờ Holy Trinity (đây cũng là nơi nhà soạn kịch vĩ đại được làm lễ rửa tội). Đoàn diễu hành đi theo một chiếc xe có 2 ngựa kéo, bên trên đặt một chiếc bánh sinh nhật khổng lồ, nhiều tầng, gắn con số 450 – ứng với năm sinh của Shakespeare.

Dường như đã thành thông lệ, những người tham gia đoàn diễu hành đều mặc trang phục giống trang phục được thể hiện trong bức chân dung vẽ lúc sinh thời Shakespeare hoặc giống trang phục của những nhân vật nổi tiếng mà ông mô tả trong các vở kịch của mình. Các du khách tỏ ra rất hứng khởi khi được đặt trên mộ nhà soạn kịch mà họ yêu mến những bông hoa tươi thắm.

Được biết, tại nơi chôn nhau cắt rốn của Shakespeare, truyền thống kỷ niệm ngày sinh của ông mới bắt đầu cách đây 100 năm nhưng ngay từ lần đầu tiên, nó đã thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, kể cả một số chính khách. Hiện mỗi năm, Stratford Upon Avon thu hút được 3 triệu lượt du khách tới tham quan.

Chân dung Shakespeare được thể hiện bằng vệt sáng của… pháo hoa.

Cũng tại Stratford Upon Avon, đúng vào ngày 23/4 vừa qua, một nhà hát mang tên Shakespeare đã cho tiến hành màn bắn pháo hoa rực rỡ trên nóc nhà hát của mình nhằm kỷ niệm 450 năm ngày sinh của nhà soạn kịch lỗi lạc. Điểm độc đáo là, trong màn trình diễn này, các vệt sáng của pháo hoa đã được sắp xếp, tạo hình thành bức chân dung khổng lồ của Shakespeare nổi bật trên nền trời thị trấn quê hương.

Hòa vào khí thế chào đón sự kiện trọng đại liên quan tới Shakespeare, vào ngày 23/4 vừa qua, đoàn kịch Reduced Shakespeare gồm các nghệ sĩ hài người Mỹ đã có cách kỷ niệm 450 năm ngày sinh của tác giả “Romeo và Juliet” hết sức độc đáo: Trong vòng 1 giờ, các nghệ sĩ của đoàn đã lần lượt biểu diễn các phiên bản rút gọn của “Romeo và Juliet”, “Hamlet”, “Othello”, “Macbeth” và những vở kịch khác của Shakespeare trong một chiếc máy bay khi nó đang bay ở độ cao…11.000 mét. Khán giả của show diễn “có một không hai” này là các hành khách trên chuyến bay của Hãng Hàng không Easyjet đang bay theo lịch trình từ London đến Verona (nơi đã trở thành bối cảnh quen thuộc trong kịch của Shakespeare).

Chương trình biểu diễn của đoàn kịch Reduced Shakespeare không hề là một sự ngẫu hứng mà đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước. Bằng chứng là trên thân chiếc máy bay nói trên có in bức chân dung khổng lồ của Shakespeare. Hiệu quả nghệ thuật đến đâu chưa nói, chỉ biết là, màn trình diễn hôm ấy của đoàn kịch Reduced Shakespeare hiện đang được tổ chức Guinness xem xét công nhận là “cuộc biểu diễn sân khấu… cao nhất thế giới”.

Cũng là lập kỷ lục – nhưng ở khía cạnh khác – nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày sinh Shakespeare, Nhà hát Globe ở London cũng đã lên kế hoạch cho chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới (dự kiến kéo dài trong hai năm). Theo đó, vở “Hamlet” – một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Shakespeare sẽ được biểu diễn tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Triều Tiên. Hiện một số nhà nghiên cứu đang đặt vấn đề: Liệu tình tiết chàng Hoàng tử Hamlet đã giết người chú Claudius của mình để trả thù cho cha có khiến khán giả Triều Tiên liên tưởng tới vụ nhà lãnh đạo Kim Jong-un thanh trừng người chú rể của mình cách đây vài tháng? Và vì thế mà đoàn kịch có thể bị gây khó dễ? Bất kể những ý kiến căn ngan, lãnh đạo Nhà hát Globe vẫn khẳng định quyết tâm giữ nguyên ý định ban đầu. Với họ, kịch của Shakespeare cần phải được đến với đông đảo công chúng trên thế giới, càng nhiều càng tốt.

Đoàn kịch Reduced Shakespeare diễn vở “Hamlet” trên máy bay.

Theo kế hoạch, chương trình lưu diễn của Nhà hát Globe sẽ kết thúc vào năm 2016 tại Đan Mạch, cụ thể hơn là tại tòa lâu đài Kronborg, là nơi đã được William Shakespeare chọn làm nền cho vở kịch nổi tiếng này.

Được biết, cách đây 10 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 440 năm ngày sinh Shakespeare, tại London, lãnh đạo Nhà hát Globe đã có sáng kiến tổ chức một buổi công diễn vở “Hamlet” của Shakespeare, theo đó, khán giả đến xem đã được mời lên sân khấu để cùng tham gia vào vở diễn, qua đó thể hiện tình cảm của mình đối với nhà viết kịch vĩ đại. Lời mời gọi này đã được hưởng ứng nhiệt liệt. Khán giả xếp thành một hàng dài, chờ lên sân khấu để tham gia vở diễn. Thậm chí, ông Ken Livingstone, Thị trưởng London khi ấy cũng hào hứng lên sân khấu để tham gia vai Hamlet.

Tại Hàn Quốc, kế hoạch kỷ niệm 450 năm ngày sinh của Shakespeare cũng được giới chức văn hóa nước này chuẩn bị chu đáo. Một loạt tác phẩm kịch nói, opera, điện ảnh… được dàn dựng, chuyển thể từ tác phẩm của nhà đại văn hào Anh đã và sẽ tiếp tục ra mắt công chúng. Đặc biệt, bộ phim “Romeo và Juliet” của đạo diễn Baz Luhmann, với diễn xuất của hai diễn viên chính là Leonard DiCaprio và Clair Danes được sản xuất từ năm 1996 đã được công chiếu lại tại Hàn Quốc vào ngày 27/4.

Bên cạnh các hoạt động biểu diễn, để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ tới một trong những nhà viết kịch xuất sắc nhất của mọi thời đại, tại Anh, các bảo tàng như Victoria và Albert đã cho trưng bày những kỷ vật liên quan tới cuộc đời Shakespeare. Phần nhiều trong đó là các đạo cụ, các trang phục mà nhiều đạo diễn đã sử dụng cách đây nhiều năm khi đưa tác phẩm của Shakespeare lên sân khấu.

Không chỉ có vậy, trước thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm chừng hai tháng, Giáo sư Hildegard Hammerschmidt – Hummet thuộc Trường Đại học Mainz (Đức) đã công bố hai bức chân dung mà ông cho là của Shakespeare do các nhà nghiên cứu Đức mới tìm được. Một bức được xác định là chân dung Shakespeare khi ông 30 tuổi, với nụ cười đắc thắng khi đạt được những thành tựu văn học bước đầu và một bức được cho là chân dung Shakespeare khi ông đã 50 tuổi, với ánh mắt cương nghị, trang phục lịch lãm…

Theo James Bednarz, giáo sư Anh ngữ tại Đại học Long Island ở New York, Mỹ, ảnh hưởng của Shakespeare là vô cùng to lớn (ở Mỹ, số lượng tác phẩm được dàn dựng của Shakespeare bao giờ cũng nhiều gấp ba lần so với một tác giả Mỹ được dàn dựng nhiều vở kịch nhất). Ngay cả những người không có điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng tác phẩm của Shakespeare cũng vẫn có thể cảm nhận được dấu ấn thiên tài của ông.

Có thể nói, vượt lên tất cả những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Anh quốc cả trong quá khứ lẫn hiện tại, Shakespeare chính là một đại diện văn hóa xuất sắc có vai trò kết nối người dân của xứ sở sương mù với cư dân nhiều nước trên thế giới. Bởi vậy, việc các nhà hoạch định văn hóa Anh long trọng tổ chức các hoạt động tưởng nhớ Shakespeare với những hoạt động phong phú, đa dạng chính là một trong những nỗ lực nhằm “xuất khẩu văn hóa” Anh ra toàn thế giới

Hoàng Ngọc Thọ

Nguồn: CAND