Ngô Phan Lưu sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ năm 2007 đã được bạn đọc chú ý qua cách gọi thân mật “lão nông cầm bút” hoặc “nhà văn nông dân”. Ông “phát tiết” nhà văn khá muộn màng.
Ở tuổi ngoài 60 mới bước chân vào văn đàn thì kể cũng hơi muộn thật, nhưng chỉ trong khoảng thời gian tương đối ngắn gần đây đã có nhiều đầu sách của Ngô Phan Lưu được xuất bản như: Cơm chiều, Con lươn chép miệng, Xoa tay và cười… Gần đây nhất, NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM lại ấn hành một tập tản văn của Ngô Phan Lưu có tên gọi Tờ lịch gỡ mỗi ngày.
|
1. Với cái tản văn được chọn làm tựa sách, lão nông đất Phú Yên viết rằng: “Ví như, sáng thứ Hai tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, tờ mới có ghi câu danh ngôn của Turenne: “Tôi có ý kiến này muốn tặng bạn: Đó là, mỗi khi bạn muốn nói, bạn hãy làm thinh”. Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ… và thấy có lý, hay lắm. Quá hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng, đã đúc kết một kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người! Và, ngày hôm đó tôi cẩn thận trong ngôn ngữ hơn. Tôi chỉ thực hành nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi. Còn thực hành nguyên câu dĩ nhiên là không nổi! Xin cảm ơn ông hay bà Turenne người nước nào tôi không rõ, đã cho tôi một chút của báu giắt lưng phòng thân trên đường đời gian truân!”.
Văn phong của Ngô Phan Lưu tưng tửng như vậy. Lão nông Ngô Phan Lưu chọn câu ngắn gọn và chọn giọng hài hước nên tản văn của ông dễ đọc, dễ nhớ, đôi khi khiến người thưởng thức bật cười thú vị vì những tình tiết gần gũi mà trớ trêu giữa đời thường.
Nói về duyên nợ sáng tác chữ nghĩa, nhà văn Ngô Phan Lưu từng thổ lộ “tôi cầm bút khi đã mỏi tay cày”. Thực tế, Ngô Phan Lưu không chỉ làm ruộng, ông từng trải nghiệm rất nhiều nghề. Mấy sào ruộng làm sao đủ nuôi 5 đứa con, Ngô Phan Lưu xoay xở theo kiểu bà con nông thôn “mần được thì mần”.
2. Thời bao cấp, Ngô Phan Lưu đi chụp ảnh dạo. Chốn quê hẻo lánh, chả ai giàu có để chụp vài chục tấm hình. Vì vậy, phải tháng rưỡi hoặc hai tháng ông mới bắt xe đò lên thị xã tráng rửa hình. Và một “tai nạn” dở khóc dở cười xảy ra: có đám cưới gọi ông chụp cho mấy kiểu ảnh, nhưng từ khi chụp đến khi có ảnh để giao thì… cô dâu chú rể đã tan đàn xẻ nghé, khiến thợ ảnh Ngô Phan Lưu đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Sau khi bỏ nghề thợ ảnh, Ngô Phan Lưu cải tạo khoảng đất trống trước nhà thành sân trượt pa-tin. Khách vào cũng đông, nhưng thu nhập của ông chủ sân pa-tin chẳng được bao nhiêu, mà người thu lợi nhiều nhất là… ông hàng xóm có nghề chữa trị bong gân trật cẳng.
Như lóe chút ánh sáng hy vọng, Ngô Phan Lưu xách túi đi học nghề đông y. Thế nhưng, khi đã có đủ khả năng bốc thuốc kiếm ăn thì… các loại thuốc Tây tràn ngập lũy tre khóm trúc. Ai bệnh cứ ra mua vài viên nhức đầu sổ mũi mà uống cho nhanh, khiến giấc mộng thầy lang của Ngô Phan Lưu cũng tan thành mây khói!
Mấy bận đổi nghề không được gì, Ngô Phan Lưu chong đèn viết lách. In tập thơ đầu tay lỗ vốn hoàn toàn, Ngô Phan Lưu quyết định viết những câu chuyện quanh bờ ao nhà mình. Trời thật không phụ người có lòng, từ đó bạn đọc cả nước biết đến một lão nông Ngô Phan Lưu cầm bút với quan niệm: “Theo tôi, chức năng của văn chương không phải là sự phản ánh hiện thực cuộc sống. Phản ánh làm sao được khi cuộc sống biến chuyển không ngừng, thậm chí còn biến chuyển đến chóng mặt”.
Từ đó ông tâm niệm: “Văn chương phải khảo sát những gì có thể xảy ra trên cái hiện thực đã xảy ra. Khi viết, tôi không đoán độc giả sẽ đọc thích hay không thích. Việc ấy là tự do của họ mà tôi luôn tôn trọng. Độc giả thích hay không thích, tôi đều vui mừng cả. Đây không phải là nói dối mà thật tâm tôi như vậy. Tại sao họ không thích? Tại vì họ đã đọc quyển sách ấy. Người ta đã đọc tác phẩm là tôi mừng rồi!”.
Tâm Huyền
TT&VH