Không cần phải “giải cứu hòa bình thế giới”, không cần phải giải mã bí ẩn khoa học, không cần phải sáng tác siêu phẩm văn chương, cách nhanh nhất và dễ nhất để có được huy chương Nobel, đó là… mua nó.
Trong lịch sử 114 năm tồn tại, giải Nobel đã được trao tổng cộng 889 lần cho những công trình mang tính tiên phong ở nhiều hạng mục như Nobel Hòa bình, Văn học, Y học, Vật lý, Hóa học và Kinh tế.
Qua năm tháng, với những biến động trong cuộc sống của những người từng được trao giải Nobel, đã có ít nhất hơn một chục huy chương Nobel được đem ra rao bán đấu giá.
Đó là cách dễ nhất để một người bình thường, dù không thể “đem lại những lợi ích vĩ đại nhất cho nhân loại” (như những gì nhà khoa học Alfred Nobel từng đề cập trong chúc thư), thì họ vẫn có cơ hội được là “chủ nhân thứ hai” của tấm huy chương Nobel cao quý.
Trong khi những cống hiến của người nhận giải Nobel đối với sự phát triển và tiến bộ của nhân loại là vô giá, thì việc đấu giá một tấm huy chương Nobel đương nhiên có một cái giá rất cụ thể.
Huy chương Nobel rẻ nhất từng được bán tại một cuộc đấu giá là của chính trị gia người Pháp Aristide Briand – người từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1926. Năm 2008, tấm huy chương của ông được đem rao bán với mức giá chỉ 12.200 euro (308 triệu đồng).
Tấm huy chương của chính trị gia người Anh William Randal Cremer – người từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1903, cũng không khả dĩ hơn, chỉ bán được 17.000 đô (377 triệu đồng) hồi năm 1985. Tuy vậy, đó là những con số của các thập niên trước.
Giờ đây, ở thập niên 2010, giá của những tấm huy chương Nobel đang tăng vùn vụt, khiến ngày càng có nhiều người từng đoạt giải Nobel và gia đình của họ quyết định đem bán huy chương. Kể từ đầu năm 2014, ít nhất đã có 8 tấm huy chương Nobel xuất hiện trên thị trường đấu giá.
Con người ở thế kỷ 21 rất quan tâm và đề cao những phát kiến vĩ đại, những thành tựu lớn lao đối với nhân loại, trong khi đó, mỗi tấm huy chương Nobel đều biểu trưng cho một thành tựu nổi bật, vì vậy, giá trị của những tấm huy chương Nobel đang ngày càng đắt giá hơn.
Những tấm huy chương Nobel gần đây đều bán được với mức giá dao động từ 300.000-400.000 đô la (6,6-8,8 tỉ đồng). Những tấm huy chương Nobel được bán với giá cao có thể kể tới huy chương Nobel Hòa bình trao cho chính trị gia người Bỉ Auguste Beernaert năm 1909, được bán với giá 661.000 đô (14,6 tỉ đồng).
Hay như tấm huy chương Nobel Hòa bình trao cho chính trị gia người Argentina – Carlos Saavedra Lamas hồi năm 1936, người ta đã tìm thấy nó tại một tiệm cầm đồ cách đây vài năm và đem bán đấu giá, đạt mức 1,16 triệu đô (25,7 tỉ đồng).
Huy chương Nobel đắt nhất thuộc về nhà khoa học người Mỹ James Watson – chủ nhân của giải Nobel Y học năm 1962. Ông là một trong số rất ít những nhân vật từng đoạt giải Nobel quyết định đem bán huy chương ngay khi còn đang sống.
Thường chỉ có người thân của nhà khoa học đem bán huy chương sau khi người đó đã qua đời. Bù lại, James Watson đã nhận được số tiền kỷ lục 4,76 triệu đô la (105,7 tỉ đồng) hồi tháng 12/2014 vừa qua.
Tấm huy chương đã được người mua trả lại cho James Watson. Người mua đó là tỉ phú người Nga Alisher Usmanov. Ông này đã đấu giá thành công rồi đem tặng lại tấm huy chương cho chính nhà khoa học để thể hiện lòng ngưỡng mộ.
Nhiều người có thể nghĩ những tấm huy chương Nobel có vẻ “được giá” hơn khi chủ nhân của nó còn đang sống. Tháng 5 vừa qua, nhà vật lý người Mỹ 93 tuổi Leon Lederman cũng đã đem bán huy chương Nobel Vật lý nhận năm 1988 với giá 765.000 đô la (17 tỉ đồng).
Tuy vậy, đôi khi cũng có những trường hợp phải thất vọng. Chẳng hạn gia đình của nhà văn Mỹ William Faulkner – chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1949 – đã phải xin dừng rao bán huy chương hồi năm 2013 sau khi mức giá đạt được không như họ kỳ vọng.
Theo Bích Ngọc – Dân trí (dịch từ AFP)