Trong thế giới nhà văn, có nhiều người viết rất sung mãn, làm thế nào để họ có được một hiệu quả đến như vậy? Có bí mật gì đó mà chúng ta chưa biết trong quá trình sáng tạo của các nhà văn này không? Cái gì đã giúp họ vượt qua những cản trở? Mỗi nhà văn đều có một cách riêng để kích thích sự sáng tạo. Dưới đây là một số cách thức bí mật của các nhà văn nổi tiếng trên thế giới.
1. Voltaire
Là một là một đại văn hào, một tác giả, một bình luận gia, một nhà thần luận đồng thời là một triết gia người Pháp, Francois-Marie Arouet (sinh ngày 21 tháng 11 năm 1694 – mất ngày 30 tháng 5 năm 1778) nổi tiếng với những lời nói bỡn cợt nhưng lại cực kỳ nhạy bén mỗi khi tranh luận hay phê bình. Voltaire luôn đấu tranh vì quyền con người, tự do cá nhân, tự do tôn giáo. Với tư cách là một nhà văn, Voltaire đã để lại một di sản đồ sộ bao gồm: tiểu thuyết, kịch, thơ, và luận văn. Đại văn hào của Pháp trong thế kỷ XVIII này đã làm gì để tăng cường hiệu suất viết bài của mình?
Voltaire bỏ qua bữa ăn trưa. Thay vì ăn bữa ăn giữa ngày, ông duy trì năng lượng cơ thể bằng cách ăn chocolate và uống đến 40 tách cà phê một ngày.
2. Edgar Allan Poe
Được coi là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, có sự ảnh hưởng sâu sắc đến các tác giả như Charles Pierre Baudelaire, Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, Sir Arthur Conan Doyle,… Edgar Allan Poe (sinh ngày 19 tháng 1 năm 1809 – mất ngày 7 tháng 10 năm 1849) là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình và là nhà thơ của Mỹ. Bạn sẽ không khỏi giật mình khi biết nhà văn này luôn ngồi viết trong bóng tối dưới sự giám sát của một con mèo. Nghe có vẻ như một câu chuyện kinh dị vậy. Catterina, một con mèo khoang, nó thường nằm trong lòng nhà văn hoặc là ngồi trên vai của ông.
3. Walter Scott
Walter Scott (sinh ngày 14 tháng 8 năm 1771 – mất ngày 21 tháng 9 năm 1832) là tiểu thuyết gia và nhà thơ lỗi lạc của Scotland. Ông đã sống tại rất nhiều quốc gia châu Âu và có được một lượng người hâm mộ khổng lồ trên khắp Châu Âu, Bắc Mỹ, châu á và Châu úc. Cách của nhà văn này tìm cảm hứng, kích thích sáng tạo là vận động, thường thì là cưỡi ngựa.
4. Anthony Trollope
Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh thành công nhất, viết sung mãn nhất và được tôn kính nhất trong thời đại Victoria, Anthony Trollope (sinh ngày 24 tháng 4 năm 1815 – mất ngày 06 tháng 12 năm 1882) quan tâm sâu sắc đến các vấn đề chính trị, xã hội, giới tính và các vấn đề thời sự khác. Ông đã để lại cho kho tàng văn học hơn 40 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và rất nhiều những công trình viết lách, nghiên cứu khác.
Để thực hiện được một khối lượng văn học khổng lồ như thế, Trollope đã áp dụng một biện pháp làm việc khá cực đoan. Ông đặt ra mục tiêu cho bản thân, buộc bản thân phải viết được 250 từ trên 15 phút và thực hiện một cách nghiêm túc trong cuộc đời sáng tạo của mình. Đến gần cuối đời, danh tiếng văn học của Trollope có vẻ giảm sút, nhưng ông đã có được sự kính trọng của các nhà phê bình thế kỷ XX.
5. Victor Hugo
Nếu bạn yêu thích văn học Pháp, không thể nào lại không biết đến cái tên Victor Hugo, tác giả đại diện cho chủ nghĩa lãng mạn. Victor Hugo sinh ngày 26 tháng 2 năm 1802 tại Besancon và mất ngày 22 tháng 5 năm 1885 tại Paris. Ông là một nhà văn có vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử văn học Pháp. Tác phẩm của ông rất đa dạng về thể loại và đi sâu vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhà văn viết rất sung sức này cũng có bí mật về phương thức gia tăng hiệu suất sáng tạo.
Để không bị xao nhãng, Victor Hugo chọn cách tự quản thúc tại gia trong thời gian viết Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris, 1831). Ông thậm chí còn khóa luôn tủ quần áo để không thể nào bị cám dỗ bởi việc chạy ra bên ngoài. Tất nhiên là nhà văn này không khỏa thân, ông choàng chiếc khăn choàng màu xám trong nhiều tháng, cho đến khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết.
6. Charles Dickens
Chúng ta đều biết rằng, tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng nhất trong thời đại Nữ hoàng Victoria là Charles John Huffam Dickens (sinh ngày 7 tháng 2 năm 1812 – mất ngày 9 tháng 6 năm 1870). Ông được xem là một trong những nhà văn vĩ đại viết bằng tiếng Anh, được yêu thích và hâm mộ trong suốt văn nghiệp, đồng thời là tác giả hiện thực lớn nhất của Anh trong thế kỷ XIX.
Giống như nhiều người trong số chúng ta, Charles Dickens thỉnh thoảng cũng làm việc trong lúc đang du lịch. Tuy nhiên, nhà văn này không thể sáng tạo mà không có có năm bức tượng động vật bằng đồng của ông, dao rọc giấy, bình hoa màu xanh, lịch để bàn, mực màu xanh và bút lông. Điều tốt nhất đốt với Charles Dickens không phải là ngồi viết trong một quán cà phê. Ông cũng chỉ viết bằng loại mực màu xanh. Không phải vì Charles Dickens có sự gắn bó nào đó với loại mực màu xanh này, chỉ đơn giản là nó khô nhanh hơn so với các loại mực màu khác, và vì thế, ông không cần lãng phí thời gian chờ đợi.
7. Lewis Carroll
Khác với Charles Dickens, Lewis Carroll (sinh ngày 27 tháng 1 năm 1832 – mất ngày 14 tháng 1 năm 1898), một nhà văn, nhà toán học, nhà thần học, nhà logic học kiêm nhà nhiếp ảnh người Anh, nổi tiếng khắp thế giới với tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên (Alice’s Adventures in Wonderland), lựa chọn màu mực tím để viết văn xuôi. Ông không chỉ viết văn bằng mực tím mà còn dùng màu mực này để chấm điểm cho các sinh viên toán của Cao đẳng Christ Church tại Oxford. Bằng cách này, Lewis Carroll có thể dễ dàng chuyển đổi khi thay phiên công việc.
8. Alexandre Dumas
Nhà văn nổi tiếng người Pháp, Alexandre Dumas (sinh ngày 24 tháng 7 năm 1802 – mất ngày 5 tháng 12 năm 1870), tác giả của Ba chàng lính ngự lâm (Les trois mousquetaires), tác phẩm đã giành được sự hâm mộ của độc giả khắp nơi trên thế giới, cũng là một nhà văn viết cực kỳ sung mãn. Ông đã để lại một di sản khổng lồ bao gồm hơn 100 cuốn tiểu thuyết và gần 20 vở kịch. Để dễ dàng phân biệt các văn bản sáng tạo, Alexandre Dumas đã sử dụng giấy màu. Ông dùng giấy màu xanh cho tiểu thuyết, màu vàng cho thơ và màu hồng cho những thứ khác. Trên bàn làm việc của Alexandre Dumas lúc nào cũng đủ màu sắc như thế này.
9. Herman Melville
Herman Melville (sinh ngày 1 tháng 8 năm 1819 – mất ngày 28 tháng 9 năm 1891), tác giả của tác phẩm nổi tiếng Moby-Dick, cuốn tiểu thuyết bị coi là sản phẩm thất bại khi nhà văn còn sống, nhưng sau đó lại trở thành một trong những kiệt tác hàng đầu của văn học Mỹ cũng như thế giới, là một nhà văn, nhà thơ. Ông cũng có một phương pháp đặc biệt để giữ lửa văn chương. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi vì công việc viết lách, nhà văn này lại đến khu vườn rộng 160 mẫu Anh của ông để làm nông. Đây là cách để Melville nghỉ ngơi và hồi phục sức sáng tạo.
10. John Milton
Như chúng ta đã biết, John Milton (sinh ngày 9 tháng 12 năm 1608 – mất ngày 8 tháng 11 năm 1674) là một nhà thơ, soạn giả, nhà bình luận văn học người Anh và ông đã sống suốt 20 năm cuối đời trong mù lòa. Sự nghiệp chính trị, rồi tiền bạc cũng đều vì thế mà gặp khó khăn. Thế nhưng, chính thời kỳ đau khổ và vô cùng cô đơn này lại là thời kỳ mà tài năng văn học của John Milton phát triển rực rỡ nhất, là thời kỳ mà những tác phẩm khiến cho tên tuổi của nhà văn lưu danh muôn thuở được sáng tạo, trong đó có Thiên đường đã mất (Paradise Lost) và Thiên đường trở lại (Paradise Regained).
Trong suốt 20 năm mù lòa, mặc dù không nhìn thấy, nhưng hiệu suất viết của John Milton vẫn không hề giảm sút. Ông thường bắt đầu làm thơ từ khoảng 5 giờ sáng, và phụ tá của ông sẽ đến vào lúc 7 giờ, giúp ông chỉnh sửa chính tả.
11. Fyodor Dostoyevsky
Được xem là một trong hai nhà văn người Nga vĩ đại nhất trong thế kỷ XIX cùng với Lev Tolstoy, Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky (sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821 – mất ngày 9 tháng 2 năm 1881) được các nhà phê bình đánh giá rất cao, xem ông như là tác giả tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh. Trong thời gian viết tác phẩm Con bạc (The Gambler), ông đã thuê một người làm việc tốc ký có tên là Anna Snitkina Grigoryevna để đẩy nhanh tiến độ làm việc. Hai tập tiểu thuyết được hoàn thành trong vòng chỉ có một tháng và một năm sau đó, Dostoyevsky kết hôn với Anna. Ông đã quyết định sẽ cùng làm công việc sáng tạo với cô nàng tốc ký của mình trong suốt phần đời còn lại.
12. Marcel Proust
Marcel Proust, tác giả có cái tên thật khá dài, Valentin Louis Georges Eugène Marcel Proust (sinh ngày 10 tháng 7 năm 1871 – mất ngày 18 tháng 11 năm 1922), là một nhà văn người Pháp. Ông nổi tiếng với tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất (à la recherche du temps perdu) và được đánh giá là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ XIX, sánh ngang với Tolstoy. Nhà văn này có cách thức làm việc khá độc đáo. Ông biến phòng ngủ thành không gian làm việc theo hình thức hệt như một cái kén vậy, với các cửa sổ, cửa thông gió và rèm cửa màu tối và các bức tường cách âm. Với một phòng làm việc như thế, Marcel Proust có thể chắn được ánh sáng mặt trời và tiếng ồn, giúp cho ông ngủ cả ngày và viết cả đêm.
13. Friedrich Schiller
Có lẽ chúng ta đều biết, người được coi như “Shakespeare của văn học Đức” là Johann Christoph Friedrich Schiller (1759 – 1805), một nhà thơ, nhà viết bi kịch và triết gia người Đức. Ông sánh ngang với Goethe, Wieland và Herder, là người đại diện quan trọng nhất của phong trào Văn học cổ điển Weimar. Đối với tác gia này, không gì kích thích sự sáng tạo hơn là loại nước ép có mùi táo thối. Ông có cả một ngăn kéo chứa đầy loại nước quái gở này. Ngoài ra, Friedrich Schiller cũng rất thích ngâm chân tay vào nước đá để cho tỉnh táo.
14. James Boswell
Tác giả cuối cùng được nhắc đến trong bộ sưu tập này là James Boswell (sinh ngày 29 tháng 10 năm 1740 – mất ngày 19 tháng 5 năm 1795), một tác giả người Scotland, là người viết tiểu sử cho Samuel Johnson. Là một nhà văn lớn nhưng James Boswell luôn gặp khó khăn trong việc thức dậy sớm. Để đối phó lại với thói quen ngủ nướng, ông muốn thiết kế một cái giường có khả năng nâng ông dậy và đặt xuống sàn nhà. Tuy nhiên, James Boswell đã không bao giờ có được một cái giường như vậy và vì thế, người làm đã giải quyết bằng cách gọi ông dậy mỗi sáng.
Vũ Thị Huế (Theo Mentalfloss.com)
(Nguồn: Văn nghệ số 13/2014)