Sự khác biệt về tuổi tác, thời gian, không gian, tiếp nhận tri thức… và gu thẩm mĩ đã dẫn đến những cuộc “đối thoại” thi ca ở nhiều mức độ. Các nhà văn, nhà thơ thế hệ đi trước có những điểm gì khác với các cây bút trẻ đương đại dẫn đến tranh luận văn chương. Đi tìm câu trả lời cho khúc mắc này, Báo điện tử Tổ Quốc đã thực hiện các cuộc trao đổi với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.


Kỳ 1: Các tác phẩm văn chương vững vàng vẫn là của thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ


Đối tượng và hoàn cảnh sáng tác

PV: Nhà văn, nhà thơ có thể cho độc giả biết, trong mấy chục năm cầm bút, yếu tố nào ảnh hưởng lớn nhất đến sáng tác văn chương?

Nhà thơ Vương Trọng: Thơ là tác phẩm của dân tộc có hàng ngàn năm rồi, có nghĩa là cái bề dày của nó rất ổn định. Nó ngược hẳn với những cái thời trang, mốt, mà thơ ca hay văn chương có tính bền vững.

Bản thân tôi học và đọc thơ ca từ trong cổ điển, những giá trị đã được thử thách và còn lại với thời gian. Nói như nhà thơ Xuân Diệu là thời gian vặt lông vịt, phải bỏ đi cái bên ngoài mới nhìn rõ giá trị cốt lõi.

Có hai loại thơ, thơ bất biến và thơ khả biến. Có những loại thơ mà nó hay tức thời, còn về sau không hay nữa. Ngược lại, có loại thời điểm ra đời không hay nhưng sau đấy lại hay. Tóm lại là phải qua thời gian sàng lọc thì cái nào hay hay dở sẽ biết ngay. Cái hay không phụ thuộc thời thế.


Nhà thơ Vương Trọng

Nhà văn Thái Bá Lợi: Từ “yếu tố” có thể chưa rõ nghĩa lắm. Đối tượng nào ảnh hưởng đến sáng tác của nhà văn thì đúng hơn. Đối tượng của văn học muôn thuở vẫn là con người. Có lần tôi đã nói dù nhà văn có viết về chiến tranh hay hòa bình, thành phố hay nông thôn, người lớn hay trẻ nhỏ, quá khứ, hiện tại hay tương lai, viết về nơi mình đang sống hay xứ sở xa xôi, viết về thiên nhiên tươi đẹp hay vùng đất khắc nghiệt, viết về hiền nhân hay bạo chúa… thì cũng là viết về con người.


Nhà văn Thái Bá Lợi

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Thực tế cuộc sống khó nhọc riêng đã tác động nhiều vào cảm thức nên thơ tôi hay nghĩ ngợi vẩn vơ về kiếp người và cõi nhân sinh.

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: Tôi nghĩ cảm hứng sáng tác chính là những bức xúc từ đời sống xã hội. Và yếu tố ảnh hưởng lớn đến sáng tác của tôi là tâm tư tình cảm trước cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất tại những thời điểm tôi được chứng kiến.


Nhà thơ Bùi Việt Mỹ

Nhà văn Phạm Việt Long: Không chỉ với mấy chục năm cầm bút, mà có lẽ toàn bộ quá trình sống, từ khi sinh ra tới lúc trưởng thành, sẽ tạo nên nhà văn. Theo quan niệm ấy, thì với tôi, hai yếu tố quyết định ảnh hưởng tới nghiệp văn chương của mình là yếu tố ngoại cảnh và yếu tố nội tâm.

Yếu tố ngoại cảnh chính là xã hội, gia đình mà mình sống trong đó. Tôi rất hạnh phúc được sống trong một xã hội tốt đẹp, giàu chất nhân văn. Mặc dù phải trải qua chiến tranh tàn khốc, nhân dân ta buộc phải cầm súng để tự vệ và giải phóng mình khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quốc, nhưng tình yêu thương con người vẫn là âm hưởng chủ đạo của cuộc sống mà tôi trải qua. Nói như nhà văn Nguyễn Đình Chiểu, là “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”, nhân dân ta chống cái ác, cái xấu cũng là để bảo vệ cái hiền, cái đẹp. Từ những năm thơ ấu theo gia đình đi kháng chiến chống Pháp, có khi ngồi trong quang gánh mà bà, mẹ gánh đi sơ tán, tôi đã được sống trong tình yêu thương đằm thắm của gia đình và làng xóm. Đến khi trưởng thành, vào chiến trường làm báo, tôi càng thấy nhân dân mình đáng yêu, đáng kính phục, vì thế tôi thấy rõ rằng mình chính là một bộ phận máu thịt của nhân dân, không bao giờ tách ra, đau với nỗi đau chung, vui với niềm vui chung của nhân dân. Bản thân tôi đã được nhân dân Bình Định che chở, nuôi nấng như người ruột thịt, kể cả lúc súng địch kề bên. Khi tôi nằm hầm bí mật, địch ở trên mặt đất, người dân vẫn canh gác, thông l thông hơi để tôi và đồng đội không bị ngạt thở. Khi vượt vòng vây quân địch đểlên vùng căn cCách mạng, tôi đã được người dân lột áo đưa cho mặc để ngụy trang. Tôi cũng vô cùng hạnh phúc khi có một gia đình tuyệt vời, sống chuẩn mực và nhân hậu. Từ khi biết nhận thức, tôi được chứng kiến và sống trong lối sống trong sạch, nhân từ, bao dung của gia đình bên Ngoại (ông bà Nội tôi mất từ khi tôi chưa sinh ra, suốt tuổi ấu thơ tôi gắn bó với gia đình bên Ngoại), của bố mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy gia đình mình cư xử xấu với ai, mà chỉ thấy giúp đỡ, động viên người khác. Khi tôi đi chiến trường, bố mẹ tôi là nguồn động lực lớn về tinh thần cho tôi vượt qua mọi thử thách của đói, khổ, bệnh tật, đạn bom. Bố tôi, trong những lá thư gửi cho tôi, với giọng văn vừa trìu mến vừa có phần nghiêm khắc, luôn thể hiện niềm tự hào về đứa con dám xông pha vào lửa đạn cùng nhân dân cứu nước. Trở thành niềm kiêu hãnh của một người bố đã từng xông pha lửa đạn thời chống Pháp, tôi thấy mình là nười xứng đáng với niềm tin yêu của bố, tôi càng sống cho tốt đẹp hơn. Mẹ tôi, với tình cảm thắm thiết có phần yếu đuối hơn, thì luôn lo cho tôi lo tôi bị ốm đau, gặp nguy hiểm. Bà dặn tôi từ cách uống thuốc, tới “đừng xông pha quá”. Nhưng bà vẫn nói tiếp: “Đừng xông pha quá nếu không vì nhiệm vụ”. Có nghĩa là bà dặn tôi đừng liều lĩnh chứ không phải muốn tôi chùn bước. Nhận những lời yêu thương ấy, tôi dám xông pha nhưng cũng biết cảnh giác, không chủ quan khinh địch. Chính xã hội và gia đình ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn một con người để sau này trở thành một nhà văn, bởi vì nhà văn chính là sản phẩm của xã hội, gia đình, bao giờ cũng in vào tác phẩm của mình những dấu ấn của môi trường sống.

Về yếu tố nội tâm: Chính bối cảnh xã hội nói trên đã tác động hàng ngày hàng giờ vào cá nhân tôi, hình thành nhân cách của tôi, trước hết là nhân cách một con người, sau đó là nhân cách một nhà văn. Tôi viết một cách chân thực theo suy nghĩ và lối sống của mình. Mỗi lần dấn thân là tôi có chất liệu, cảm hứng để sáng tạo và cho ra đời tác phẩm. “Bê trọc” là tác phẩm được ra đời sau 7 năm dấn thân của tôi vào chiến trường Khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. “Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9” là cuộc dấn thân của tôi vào chính nước Mỹ, nơi đã gieo rắc cuộc chiến tranh thảm khốc trên đất nước ta trong quá khứ, và hiện nay đang xây dựng quan hệ hòa bình, hợp tác với nước ta. “Giã từ” là cuộc dấn thân của tôi vào một thực tế mới nảy sinh, phức tạp của công cuộc đổi mới, khi mà xã hội đang tiến lên theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn một tác phẩm nghiên cứu tâm đắc của tôi cũng được bạn đọc yêu thích: “Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình” – là cuộc dấn thân của tôi vào con đường học vấn, nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu của một xã hội trí thức – tôi làm Nghiên cứu sinh và đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ ngữ văn với đề tài “Tục ngữ, ca dao với phong tục tập quán của người Việt (thể hiện qua quan hệ gia đình)”, cơ sở cho tác phẩm nói trên do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản.


Nhà văn Phạm Việt Long

PV: Những trào lưu, sự ảnh hưởng… của văn học Trung Quốc, Pháp, Nga hay các nước khác có tác động gì đến sáng tác của nhà văn, nhà thơ không?

Nhà thơ Vương Trọng: Tôi ảnh hưởng thơ của Trung Quốc và thơ cổ điển.

Nhà văn Thái Bá Lợi: Đất nước chúng ta có may mắn tiếp xúc sớm với các nền văn hóa lớn Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Nga… Nói các trào lưu ảnh hưởng đến mình, đối với tôi có vẻ mơ hồ, nhưng các nhà văn mà tôi yêu quí và chịu ảnh hưởng như Lỗ Tấn, A. Chekhov, E. Hemingway, G. Macket… thì có. Nói thật không đọc họ chắc tôi bỏ nghề văn.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Không ảnh hướng gì đến tôi cả! Yêu thích và trân trọng văn học nước ngoài là một lẽ, nhưng họ là họ ta là ta, tự biết cái tạng của mình không “bắt chước” được! Có người bắt chước, bạn đọc rất dễ nhận ra họ đang… phát âm tiếng nước ngoài, ngọng líu ngọng lô!


Nhà thơ Tạ Văn Sỹ

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: Tôi có đọc các sáng tác văn học nước ngoài thông qua những bản dịch, tôi rất thích và thấy rất khác so với sáng tác trong nước. Nhưng đọc để biết thêm thôi chứ tôi không bị ảnh hưởng.

Nhà văn Phạm Việt Long: Tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Nga, một nền văn học đậm tính nhân văn và luôn hướng tới cái cao cả. Các tác phẩm như: Thép đã tôi thế đây, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Phục sinh, Người Mẹ, Cây phong non trùm khăn đỏ… đem lại cho tôi xúc cảm thẩm mỹ mạnh mẽ và nhận thức về cuộc sống để tôi phấn đấu theo những giá trị mà các tác phẩm này nêu lên, cũng như học tập phương pháp sáng tác của các nhà văn Nga. Riêng Thép đã tôi thế đấy, suốt những năm học phổ thông tới khi làm phóng viên ở chiến trường, luôn là nguồn động lực thúc đẩy tôi dấn thân vào cuộc kháng chiến của dân tộc, noi gương Paven Cooc Sa Ghin.

Văn học Trung Quốc, giai đoạn đầu, cũng đem lại nhận thức và xúc cảm gần giống với văn học Xô viết, giai đoạn gần đây nêu lên một lối viết trần trụi, đấu tranh trực diện với cái xấu và xây dựng nên những hình tượng văn học xù xì, gai góc.

Văn học Pháp giúp tôi nhận thức xã hội phương Tây mà thời đó chúng tôi ít có điều kiện hiểu biết. Phương pháp hiện thực phê phán và cả phương pháp lãng mạn của dòng văn học này cũng giúp cho tôi học tập nhiều.

Nhìn chung, tác động mạnh mẽ vào nhận thức và tình cảm của tôi, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình sáng tác của tôi, là văn học Xô viết đến bây giờ vẫn vậy.

PV: Còn chiến tranh thì sao ạ, có ảnh hưởng gì đến sáng tác của nhà văn, nhà thơ?

Nhà thơ Vương Trọng: Chiến tranh ảnh hưởng lớn đến thơ ca của tôi. Tôi tốt nghiệp đại học và bắt đầu vào bộ đội năm 1965. Mà năm 1965 Mỹ bắt đầu chiến tranh đặc biệt. Những bài thơ đầu tiên của tôi là viết về chiến tranh. Tôi cũng từng nói ở nhiều nơi vấn đề này: Rằng hầu hết các bài thơ đầu tiên của các nhà văn, nhà thơ khi đến với thơ ca là viết về cái tôi, về tình cảm riêng tư, như tình yêu, tình mẹ con, gia đình, bạn bè. Nhưng các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ thì lại khác, những sáng tác đầu tiên là viết về chiến tranh. Bản thân tôi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu cũng như thế. Thực ra thì cũng không khác, vì thường các sáng tác đầu tiên là viết về những gì gần gũi với mình như tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình. Còn với thế hệ chúng tôi gắn liền với chiến tranh cũng là thứ tự nhiên và gần gũi.

Cuộc thi thơ năm 1969 ở báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật được giải nhất với bốn bài thì cả bốn bài viết về chiến tranh. Tôi có ba bài được giải ba thì cùng đều viết về chiến tranh.

Thời chống Mỹ, những bài thơ đầu tiên của nhiều nhà thơ chống Mỹ là viết về chiến tranh và đề tài chủ yếu, lớn nhất, quán xuyến nhất là đề tài về chiến tranh. Kể cả đề tài và nhận thức đều ảnh hưởng lớn từ cuộc chiến tranh.

Nhà văn Thái Bá Lợi: Đó là đề tài lớn của văn học. Chiến tranh là cơn điên của nhân loại. Trong chiến tranh con người phải chịu đựng những thử thách lớn nhất và qua đó bộc lộ những bản chất tốt, xấu của con người một cách rõ ràng, khó che đậy hơn thời bình.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Tôi không trực tiếp tham dự vào cuộc chiến vừa qua, nhưng là thế hệ thanh niên miền Nam lớn lên trong lòng cuộc chiến. Hiển hiện trước mắt một xã hội bát nháo ảnh hưởng ngoại bang, hiển hiện trước mắt những tan tác bi thương oan uổng, hiển hiện trước mắt một “tuổi thơ giám thị cho ngày phù du” (thơ Bùi Giáng)… đã tác động tiêu cực trong các sáng tác trước 1975 của tôi, chỉ toàn chia lìa, bế tắc, bi quẫn, tang thương…

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: Cuộc chiến tranh có tác động lớn đến những sáng tác của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến tranh đã sắp kết thúc. Những bài thơ đầu tiên của tôi, trong đó có cả bài được giải văn chương đầu tiên cũng là về đề tài chiến tranh, phải chia tay với quê hương.

Nhà văn Phạm Việt Long: Về cuộc chiến tranh, như đã nói ở trên, một phần cuộc sống của tôi đã trải qua chiến tranh. Cùng với nhân dân, lớp trẻ chúng tôi lúc đó tự nguyện và có đầy đủ ý thức về độc lập dân tộc, không chịu áp bức, không chịu làm nô lệ, cho nên đã tự nguyện dấn thân vào một cuộc chiến không cân sức và đã thắng lợi. Tư tưởng này xuyên suốt các tác phẩm văn học của tôi. Chính cuộc chiến tranh mà tôi được tham gia đã ảnh hưởng sâu sắc đến lối sống, lối nghĩ, cảm xúc của tôi để hình thành trong tôi phong cách sáng tác, đó là hiện thực, theo âm hưởng ngợi ca là chính.

PV: Vậy có sự mâu thuẫn nào không, khi mà nhà thơ Vương Trọng ảnh hưởng thơ cổ điển, thơ Trung Quốc mà nhiều người cho là uỷ mị, trong khi ông lại có những trang viết về đề tài chiến tranh có tính bi thương hùng tráng?

Nhà thơ Vương Trọng: Hoàn toàn không. Tôi từng nói rằng, nếu chọn một bài thơ nào hay viết về chiến tranh thì tôi lại trở lại thơ Đường với bài Lũng tây hành của Trần Đào. Bài thơ như sau: Thệ tảo Hung Nô bất cố thân/ Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần/ Khả liên Vô Định hà biên cốt/ Do thị xuân khê mộng lý nhân. . Tạm dịch là: Quyết tâm diệt hết giặc Hung Nô/ Năm ngàn tướng sĩ vùi chôn đất Hồ/Xót thương thay người ra đi đã xương trắng bên bờ Vô Định/ Mà người vợ vẫn còn mơ thấy chồng về trong giấc mộng.

Đấy, thơ ca viết về chiến tranh cổ điển mà hay như thế. Vì vậy không có sự mâu thuẫn nào ở đây cả. Thậm chí, chính thơ cổ điển làm cho thơ ca của tôi “giàu có” hơn.

Thế nào là một tác phẩm hay?

PV: Nhà văn, nhà thơ thấy những sáng tác của mình có sự khác biệt quá lớn so với các cây bút cùng thế hệ không?

Nhà thơ Vương Trọng: Tôi không thấy khác biệt.

Nhà văn Thái Bá Lợi: Khác biệt trong sáng tác là một đặc điểm của các nền văn học trưởng thành. Nếu tôi viết không khác gì các nhà văn khác thì không cần tôi nữa.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Nói cùng thế hệ thì nên để ý ở miền Nam trước năm 1975 có hai luồng “từ trường văn học”, tức hai phương pháp sáng tác: Lối hiện thực xã hội chủ nghĩa của dòng văn học kháng chiến ngoài chiến khu và lối viết không định hướng của dòng sáng tác trong lòng đô thị. Dĩ nhiên với môi trường sống, sáng tác của tôi không khác mấy so với cái phong cách, cái “mô-típ” của “giọng điệu văn học” trong lòng đô thị miền Nam cũ.

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: Hầu như là rất ít, có chăng chỉ là cách thể hiện thôi, chứ còn tâm tư nguyện vọng không khác biệt, vì bổn phận của người sáng tác xuất phát từ đời sống và phục vụ đời sống. Theo tôi thì các thế hệ nhà văn chống Pháp, chống Mỹ đã làm tốt bổn phận của mình và cho đến bây giờ vẫn là thế hệ có những tác phẩm vững vàng trong đời sống văn chương.

Bây giờ thế hệ trẻ làm thơ tôi thấy rất khác, thậm chí khác quá mức về nội dung cũng như cách thể hiện. Họ có sự thông minh, năng động, đa dạng thế nhưng lại ít phản ánh đời sống thực mà cái còn lại giá trị bây giờ vẫn là thơ ca của lớp đàn anh.

Nhà văn Phạm Việt Long: Theo cảm quan của tôi, những sáng tác của bản thân so với các cây bút cùng thế hệ thì có sựtương đồng nhiều hơn là sự khác biệt. Khác chăng, có thể đó là nghệ thuật biểu hiện, tôi thiên về phương pháp hiện thực,nhiều khi sử dụng thủ pháp phóng sự trong tác phẩm của mình, mà thậm chí có tác phẩm hoàn toàn là sự thật, thuộc loại văn học không hư cấu.

PV: Nhà văn, nhà thơ quan niệm thế nào là một tác phẩm hay?

Nhà thơ Vương Trọng: Thơ hay là thơ vượt qua được rào cản thời gian. Tôi từng nói: Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương; bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu, mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận.

Thơ hay là thơ được nhiều người ưa thích. Ít độc giả không bao giờ là mục đích sáng tác của những nhà thơ chân chính. Nói rằng thơ mình chỉ cần ít người đọc hoặc mìnhchỉ viết cho đời sau… chẳng qua là thú nhận sự bất lực, bất tài.

Nhà văn Thái Bá Lợi: Đối với tôi một tác phẩm hay nó phải có được hai tiêu chí: Ám ảnh và Đa nghĩa.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Theo tôi, thơ hay luôn có tư tưởng và mang sắc tố văn hoá. Hai yếu tố này dễ khiến được nhiều người đồng cảm, cùng ngẫm nghĩ và nhớ, thuộc; bởi nó đã chuyển hoá, chuyển tải được từ cái “tôi” sang “ta”. Và như thế là nó có ích cho đời. Mà cái gì có ích cho đời thì đều… hay cả! Dẫu dụng công nghệ thuật, kỳ khu ngôn từ… nhưng xa lạ với công chúng, với thời đại thì khó mà… có ích.

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: Bài thơ hay trước hết là bài thơ mà tình cảm của thơ phải hợp với thực tế. Thứ hai là phải được thể hiện mới mẻ hơn, không bắt chước cách viết người đi trước. Tức là tác giả phải có cái riêng, nhưng rất khoát nó phải thể hiện được cái tình cảm thực tế, những trăn trở.

Nhà văn Phạm Việt Long: Tôi quan niệm một tác phẩm hay là tác phẩm có nội dung sâu sắc, tràn đầy hơi thở của thời đại,với nghệ thuật hấp dẫn. Khi có nội dung rồi, thì quyết định là hình thức, tác phẩm phải xây dựng được những hình tượng tiêu biểu, những nhân vật có cá tính, sinh động, từ đó tạo nên một thế giới ảo thu hút người đọc.

PV: Nhà thơ Bùi Việt Mỹ nói, một trong những yếu tố của bài thơ hay là tình cảm phải hợp với thực tế, liệu cái “thực tế” mà ông nói có phải là giới hạn về thời gian, về một thời điểm nào đó không? Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm văn chương hay là phải vượt qua rào cản thời gian, tức là mọi thời điểm mà độc giả vẫn thấy hay?

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: Cái thực tế mà tôi nói chính là thực tế ở mọi thời điểm mà nó vẫn được chấp nhận. Chẳng hạn một bài thơ của nhà thơ Vương Trọng, Giang Nam hay Bằng Việt khi vừa ra đời, tại thời điểm đó đã được đánh giá là hay. Và cho đến bây giờ tôi đọc lại, tôi cũng vẫn thấy hay. Tức là bài thơ đó vừa hợp tình cảm lúc nó ra đời lại vừa hợp tình cảm bây giờ.

PV: Theo các nhà văn, nhà thơ đã đi một chặng đường dài, có công chúng, có các giải thưởng lớn bé rồi thì có được coi là đã “xong việc” với văn chương không? Và họ cần phải làm gì nữa không.

Nhà thơ Vương Trọng: Theo quan điểm của tôi, một nhà thơ được nhiều độc giả yêu thích hay gọi là nhà thơ lớn phải có các điều kiện. Một là năng khiếu bẩm sinh. Hai là vốn văn hoá. Sau nữa là môi trường làm việc. Như đại thi hào Nguyễn Du là hội tụ ba điều kiện như đã nói ở trên.

Sự thật điều này là có trong thực tế. Bởi tuổi tác cũng ảnh hưởng đến công việc, mặc dù không ghê gớm như các ngành nghề khác liên quan đến cơ bắp nhưng là có. Tuy nhiên, trong văn học tuổi tác cũng có ưu thế bởi thời gian cho họ tích luỹ vốn sống, vốn kiến thức của nhân loại và dân tộc, rồi cả kinh nghiệm mà tuổi trẻ không có được. Họ vẫn có thể sáng tác và làm nghiên cứu, phê bình.

Nhà văn Thái Bá Lợi: Công việc của nhà văn là liên tục làm việc, liên tục đi, đọc, viết. Tác phẩm hay nhất đối với họ là tác phẩm đang viết hay sẽ viết. Họ phải hướng tới sự hoàn thiện bằng lao động suốt đời. F.Dostoyevski từng nói: “Suốt đời tôi, tôi chỉ đẩy tới cùng điều mà các bạn mới làm một nửa”.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ: Chỉ có công chức mới xong việc, về hưu! Ngoài ra không bao giờ có chuyện “xong việc” với một ai đã mang trong đời một nghiệp dĩ! Chỉ có một thực tế là tuổi tác và những tác động không mong muốn khác khiến nhà thơ không viết được nhiều và sâu nữa mà thôi.

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: Theo tôi không có sự ngơi nghỉ dành cho nhà văn, chỉ có điều, họ có đủ sức không, đủ khả năng cảm thụ mà lứa tuổi cho phép nữa không. Tuy nhiên tuổi tác cũng ảnh hưởng đến người làm thơ viết văn.

Nhà văn Phạm Việt Long: Tôi nghĩ, viết văn là một nhu cần tự thân của nhà văn. Tôi không quan niệm viết văn như là một công việc, phải có kế hoạch, sự phấn đấu… mà viết trước hết là để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Đó là nhu cầu thể hiện những tình cảm, nhận thức của mình, qua đó giải tỏa những bức xúc của bản thân và để chia sẻ với cộng đồng. Chẳng hạn như, khi tiếp xúc với những người dân Bình Định đầy tình yêu thương, với cán bộ cách mạng và đầy sự dũng cảm, hi sinh, tôi thấy một nhu cầu phải viết về những con người đó. Và rồi tự ngồi viết để được bộc lộ tình cảm, suy nghĩ về họ qua những trang viết, sau đó là để chia sẻ với bạn đọc. Do đó, khi nhà văn còn có tình cảm mạnh mẽ với cuộc sống, khi còn nhu cầu thể hiện tình cảm, nhận thức với cuộc sống, thì còn viết. Tất nhiên là còn phải được trời cho sức khỏe nữa.

Hiền Nguyễn (thực hiện)


Nguồn: Tổ quốc

Exit mobile version