Dịch giả Nguyễn Bích Lan

Mỗi lần đọc một tác phẩm mà trong lòng mình tôi thốt lên “hay quá” là một lần tôi suy nghĩ về văn học của nước ta, về các tác phẩm của chính tôi. Các tác phẩm xuất sắc của nước ngoài dạy tôi sự khiêm nhường. Đôi khi tôi thấy xấu hổ vì mình mang danh nhà văn của một nước hơn 90 triệu dân phần lớn biết đọc. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn về việc dịch văn học của mình. Cái gì tốt đẹp hãy nhân rộng nó (Nguyễn Bích Lan)

  • Chị luôn tự chọn các tác phẩm văn học nước ngoài để dịch sang tiếng Việt, chứ không làm việc theo kiểu nhận các “đơn đặt hàng” của NXB. Vì sao vậy?

Hầu hết các tác phẩm tôi dịch đều do tôi tự chọn. Tìm thấy cuốn nào mình thật sự thích và biết có thể dịch tốt tôi giới thiệu nó với nhà xuất bản. Tôi làm thế vì tôi nghĩ rằng mình chỉ có thể dịch tốt những cuốn mình thực sự thích. Tôi luôn muốn dịch một cuốn sách thu hút tôi từ trang đầu đến trang cuối. Như vậy quá trình dịch vẫn luôn đầy thách thức nhưng cũng là một trải nghiệm thú vị, một niềm hạnh phúc. Và hơn hết, độc giả được hưởng lợi nhiều vì bản dịch đến tay họ có chất lượng tốt, là sự kết hợp của nguồn cảm hứng dồi dào của cả tác giả lẫn người chuyển ngữ.

  • Tiêu chí chọn các tác phẩm để dịch của chị là gì?

Tôi thích dịch các tác phẩm giàu tính văn chương, nhất là tiểu thuyết lịch sử. Tôi dịch văn học của nhiều nước nói tiếng Anh nhưng tôi đặc biệt thích chuyển ngữ văn học của Ấn Độ và Ai Len. Tôi thấy hai nền văn hóa này vừa bí ẩn vừa cuốn hút và điều đó được thể hiện qua các tác phẩm văn chương. Tôi thích dịch văn học của Ấn Độ và của Ai Len còn vì lý do chưa có nhiều tác phẩm văn học của hai nước này được giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam. Hiện giờ tôi cũng rất quan tâm đến các tác phẩm viết về châu Á của những nhà văn gốc châu Á đang sống và viết bằng tiếng Anh ở Mỹ và châu Âu. Không ít các phẩm của những nhà văn gốc châu Á ra đời khi mà họ đã đứng ở một góc khác để nhìn về phương Đông chịu tác động bởi sự va chạm giữa các nền văn hóa đã gây được tiếng vang lớn trên văn đàn thế giới. Tôi muốn độc giả của Việt Nam được thưởng thức những món ăn tinh thần đa dạng của văn hóa đọc vì vậy tôi đã bắt đầu dịch một số cuốn như thế trong đó có tiểu thuyết lịch sử “Phật ở tầng áp mái”.

  • Chị đã từng gặp tác phẩm nào thách đố đến mức mà chị nghĩ là mình khó có thể hoàn thành được việc dịch nó?

Cho đến nay tôi chưa đầu hàng trước một nguyên tác nào. Có lẽ tôi đủ khôn ngoan để lựa chọn mức khó tăng dần cho việc dịch văn học của mình. Cho đến khi tôi dịch cuốn sách văn học thứ 26 tôi mới dám dịch văn học kinh điển và các tác phẩm của những tác gia vĩ đại như Tagore. Tôi xin tiết lộ với bạn đọc hiện tôi đang dịch tác phẩm The Wild Palms (Cọ hoang) của William Faulkner, nhà văn được trao giải Nobel năm 1949. Có lẽ đây là thử thách lớn nhất trong cuộc đời làm dịch thuật của tôi. Tôi đã cặm cụi với nó trong hai năm nay, đã dịch đi rồi dịch lại, cứ hai tháng tôi lại đọc lại bản dịch của mình để chỉnh sửa. Chưa bao giờ tôi đầu tư cho một bản dịch nhiều thời gian và trí tuệ đến như thế. Tôi chỉ hy vọng khi bản dịch của tôi được xuất bản tôi không cảm thấy mình có lỗi lớn với tác giả của nó cũng như bạn đọc của chúng ta.

  • Chị đã có 28 đầu sách dịch. Trong đó, tác phẩm được mọi người nhắc đến nhiều nhất là “Triệu phú khu ổ chuột”. Xin hỏi thật, đây có phải là tác phẩm chị tâm đắc nhất? Nếu không phải “Triệu phú khu ổ chuột” thì tác phẩm chị tâm đắc nhất trong số 28 đầu sách chị đã dịch là cuốn nào?

Thật khó trả lời câu hỏi này. Vì tôi tự chọn sách để dịch nên chẳng cuốn nào tôi không tâm đắc. Có thể nói “Triệu phú khu ổ chuột” là tác phẩm mà sự tâm đắc của tôi và của độc giả gặp nhau. Tôi nghĩ một tác phẩm mà dịch giả tâm đắc nhưng lại không được độc giả đón nhận thì sự tâm đắc đó cũng không đáng nói lắm. Vậy nên được độc giả cả nước tìm đọc và thích như cuốn “Triệu phú khu ổ chuột”  tôi hạnh phúc lắm.

  • Tác phẩm “Phật ở tầng áp mái” vừa được xuất bản, với cá nhân tôi là cuốn mà tôi thấy tâm đắc nhất trong những cuốn chị đã dịch. Bởi đó là một cuốn sách văn học theo tôi là đặc sắc và cũng đã được chuyển ngữ một cách tinh tế và đầy xúc cảm. Tôi đã đọc và hoàn toàn quên mất đó là một tác phẩm văn học dịch. Chị có thể chia sẻ về quá trình tìm và dịch tác phẩm này?

Có lẽ vì tôi hợp với giọng văn của tác giả, có lẽ vì tôi dịch cuốn sách đó từ dòng đầu đến dòng cuối với nguồn cảm hứng luôn đầy nên bản dịch khiến bạn thích và quên rằng nó là một tác phẩm ngoại văn. Thực ra tôi luôn trung thành với nguyên tác, không chỉ về ngôn ngữ mà cả giọng điệu, nhịp điệu và hàm lượng cảm xúc chứa đựng trong các câu văn. Tình cờ giọng văn của bà Julia Otsuka thật gần gũi với người Việt nên cũng dễ dàng hơn cho tôi trong việc tạo ra một bản dịch xứng tầm với nguyên tác. Đó là tác phẩm tự tôi chọn dịch nên độ thích của tôi dành cho nó là một yếu tố đảm bảo sự thành công của bản dịch. Tôi luôn theo dõi các giải thưởng văn học uy tín trên thế giới và tôi phát hiện ra nó trong danh sách 4 tác phẩm lọt vào chung khảo của Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ năm 2011. Tôi giới thiệu nó lên NXB Phụ nữ và cả người biên tập của tôi lẫn lãnh đạo nhà xuất bản đều rất thích nó. Tôi dịch cuốn đó trong thời gian gần hai tháng, có gặp những thách thức nhất định, nhưng nhìn chung quá trình dịch cuốn này đối với tôi là một sự dồi dào về cảm xúc, cảm hứng, sự kiên trì và sự cẩn thận.

  • Điều chị yêu thích nhất ở tác phẩm “Phật ở tầng áp mái” là gì?

-Tôi thích nhất cái cách câu chuyện của hàng chục nghìn phụ nữ Nhật, câu chuyện tưởng như phải dùng đến cả nghìn trang sách cũng chưa thể kể hết lại được nén trong một tác phẩm chỉ chưa đầy 200 trang. Tôi ví cái cách nén đó như cách người ta dùng chiếc quạt giấy: vẫn là một cái quạt nhưng khi không dùng gấp lại thì thật nhỏ gọn, mà khi xòe ra thì đủ rộng để thực hiện công năng của nó.

  • Vừa là một dịch giả, đồng thời là một nhà văn, có khi nào bản năng sáng tác văn chương trong chị mạnh đến mức chị muốn chỉnh sửa lại tác phẩm mình đang dịch?

-Tôi chưa từng làm thế bao giờ. Và tôi chắc chắn sẽ không làm thế. Tôi coi sự trung thành với nguyên tác là tiêu chí làm việc hàng đầu. Tôi cũng có tác phẩm sáng tạo của riêng mình cơ mà.

  • Với người viết, và ngay cả với những dịch giả, đời sống thực tế giúp họ làm giầu hơn vốn liếng về văn hóa cũng chất liệu để viết, cũng như để dịch văn học. Ở hoàn cảnh khá đặc biệt của chị, việc đi lại khó khăn, việc “nhập cuộc” và đời sống xã hội có nhiều khó khăn. Cách hữu hiệu nhất để chị khắc phục là gì?

-Trong một cuộc hội thảo của những giảng viên khoa phiên/biên dịch của các trường đại học ở phía Nam tôi đã chia sẻ 5 bí quyết giúp tôi có được những bản dịch văn học có chất lượng tốt, trong đó tôi phát biểu rằng tôi tận dụng mọi cơ hội để học, để hiểu tác phẩm mình dịch, để giải quyết những thách thức trong quá trình dịch. Internet là một biển thông tin và kiến thức. Sự đọc bền bỉ và đều đặn giúp tôi tích lũy kiến thức hàng ngày. Các tác giả của những cuốn sách tôi dịch cũng là nguồn trợ giúp đắc lực khi cần của tôi. Khi bạn đủ kiên trì, chăm chỉ, luôn sẵn tinh thần học hỏi và tinh thần vượt khó thì khó khăn sẽ đầu hàng trước bạn.

  • Đọc những tác phẩm hay, tôi luôn có suy nghĩ – với tư cách là một người viết – đó là tại sao mình không viết ra được những cuốn sách như vậy? Còn với chị?

-Mỗi lần đọc một tác phẩm mà trong lòng mình tôi thốt lên “hay quá” là một lần tôi suy nghĩ về văn học của nước ta, về các tác phẩm của chính tôi. Các tác phẩm xuất sắc của nước ngoài dạy tôi sự khiêm nhường. Đôi khi tôi thấy xấu hổ vì mình mang danh nhà văn của một nước hơn 90 triệu dân phần lớn biết đọc. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn về việc dịch văn học của mình. Cái gì tốt đẹp hãy nhân rộng nó, tôi nghĩ thế.

  • Chị làm việc 6 ngày trong một tuần, với lịch làm việc gần như kín mít. Đó quả thật là một tấm gương lao động mà ai cũng rất ngưỡng mộ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, người sáng tác thì không nên làm việc như một cái máy. Họ cần cả những khoảng thời gian tạm gọi là rời xa máy tính để gia nhập nhiều hơn vào cuộc sống, như thế những trang viết của họ mới thực sự sinh động. Chị nghĩ sao?

-Tôi sáng tác không nhiều đâu. Con đường chính mà tôi lựa chọn là dịch văn học. Bây giờ và sau này vẫn thế. Việc đó phù hợp với tôi hơn là sáng tác.

  • Tôi nhớ khi chị trưng cầu ý kiến bạn bè về việc có nên ra một tập truyện ngắn của mình nữa hay không, rất đông bạn bè đã tán đồng, khích lệ chị. Rõ ràng, các sáng tác của chị đã tạo được dấu ấn với bạn đọc. Vì vậy tôi nghĩ sáng tác cũng là công việc cần được chị dành thêm nhiều thời gian. Chị nghĩ sao về điều này?

-Các truyện ngắn và thơ của tôi được nhiều bạn đọc yêu thích. Nhà văn Dạ Ngân trong buổi họp báo ra mắt cuốn tự truyện Không gục ngã của tôi phát biểu rằng bà coi tôi là một trong những cây viết truyện ngắn đáng chú ý hiện nay. Tất cả những phản hồi và đánh giá đó khích lệ tôi cho ra đời những tác phẩm của riêng mình. Tuy nhiên việc sáng tác đòi hỏi nhiều cảm hứng hơn việc dịch thuật và tôi vẫn bị phụ thuộc nhiều vào cảm hứng. Thực ra nói là tôi sáng tác ít cũng không phải: Nếu bạn theo dõi sát bạn sẽ thấy trong những năm gần đây mỗi năm tôi đăng báo khoảng 10 truyện ngắn và tôi còn “của để dành”. Tôi tự nhận mình là người thợ cầy chăm chỉ trên cánh đồng chữ.

  • Sau tự truyện “Không gục ngã”, độc giả chờ đợi những sáng tác mới của nhà văn Nguyễn Bích Lan. Chị có thể tiết lộ hiện chị đang viết gì không?

-Năm nay tôi bận dịch 3 cuốn sách nhưng tôi cũng đang chuẩn bị bản thảo để cho ra mắt tập truyện ngắn và thơ thứ hai của mình.

  • Độc giả chắc sẽ rất mong được đọc cuốn sách này của chị. Chúc chị có thêm nhiều sức khỏe để làm việc.

Bài in báo Thời Nay số 21- 3- 2014

Phong Điệp thực hiện

Exit mobile version