Anders Cullhed (sinh 1951) là giáo sư Văn học So sánh ở Đại học Stockholm, Thuỵ Điển. Ông viết luận án Tiden sòker sin ròst (Thời đại đang tìm kiếm tiếng nói) 1982 về nhà văn hiện đại Thuỵ Điển Erik Lindegren với tập thơ thời chiến Mannem utan vàg (Con người không lối đi) với một mối quan tâm đặc thù về sự tương quan của tập thơ này với chủ nghĩa hiện đại Pháp và Anh, với truyền thống văn học và với sự sụp đổ hệ thống tư tưởng đương đại gây ra do thế chiến thứ 2.

Những luận văn trong cuốn sách thứ nhì của ông nhan đề Solens flykt (Đường bay mặt trời) 1993 chuyên chú vào vấn đề thời gian được kết cấu trong văn học với những thí dụ từ thời kì Baroque (Torquato Taso, Luis de Góngora), thơ thế kỉ 19 (Charles Baudelairé) và chủ nghĩa hiện đại (Fersnando Pessoa, Hermann Broch, Luis Cernuda, Octavio Paz). Ông cũng xử lí cùng vấn đề đó trên quy mô lớn hơn trong chuyên luận. Về nhà thơ Baroque Tây Ban Nha là Francisco de Quevedo, Diktens tidrymd (Những khoảnh khắc của thơ) 1995 và nó xuất hiện thỉnh thoảng trong tập luận văn thứ nhì của ông tên là Minnesord (Những lời tưởng niệm), 1998.


Giáo sư Anders Cullhed

Cullhed cũng hoạt động tích cực như một nhà phê bình văn học trên tờ nhật báo Thuỵ Điển Dagens Nyheter, những nỗ lực dịch thuật, chủ yếu từ tiếng Tây Ban Nha, của ông đã đem lại kết quả là những phiên bản tiếng Thuỵ Điển của tác phẩm Con cái của đầm lầy của Octavio Paz và những nhà thơ Tây Ban Nha Thế hệ 27 như Federico Garcia Lorca, Pedro Salinas và những người khác.


ANDERS CULLHED


Thời gian là gì?

Thời gian là một trong những vấn đề chủ yếu của triết học và văn học phương Tây. Kể từ khi những nhà tư tưởng của Hi Lạp cổ đại gắng thử tìm hiểu sự mau lẹ của những giây, phút, và giờ – sự không thể bước vào cùng một dòng sông hai lần – vấn đề thời gian đã ám ảnh trí tưởng của chúng ta. Còn hơn cả một vấn đề, đó là một huyền nhiệm.
‘Thời gian là gì? Nó là một bí mật – thiếu bản chất nhưng vẫn là toàn năng.’ Đó là những lời của nhà văn Đức giải Nobel văn học Thomas Mann trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại Núi thiêng (1924). Mann là một nhà văn hiện đại, ấy thế mà định nghĩa về thời gian của ông ít nhiều trùng với định nghĩa của giáo sĩ nhà thờ La Mã Augustinô trong cuốn tự truyện lừng lẫy Tự bạch, hơn một ngàn năm trăm năm về trước.

‘Vậy thời gian là gì? Tôi biết khá rõ nó là chi, miễn là đừng ai hỏi tôi; nhưng nếu tôi bị hỏi nó là chi và gắng giải thích, thì tôi ú ớ’.

Thời Hi Lạp cổ đại, người ta thường quan niệm thời gian như một vòng tròn. Hesiod, sử gia Hi Lạp lừng danh từ thế kỉ 8 trước Công nguyên, mô tả năm kỉ nguyên của loài người bắt đầu với thời đại hoàng kim trong một quá khứ xa xăm khi con người sống hòa bình với nhau và hòa bình với tự nhiên, xuống đến thời đương đại là sắt, đặc trưng bằng cãi cọ và chiến tranh.

Hai trăm năm sau, nhà triết học tiền–Socrates là Pythagoras miêu tả lịch sử như là một Đại niên (tiếng Latinh là Magnus Annus). Khi một chu kì lịch sử thế giới như vậy tới lúc kết liễu thì mặt trời, mặt trăng, và toàn thể các hành tinh khác sẽ quay lại những vị trí nguyên thủy của chúng. Một cách chính xác, cũng những người giống hệt như trước sẽ quay lại trái đất, mọi sự đã xảy ra lại xảy ra một lần nữa. Những sự gọi là quy hồi vĩnh cửu này đã được các nhà văn hiện đại rất quan tâm, chẳng hạn như nhà triết học Đức Friedrich Nietzsche, và chúng đã gợi hứng cho nhà thơ Ái Nhĩ Lan giải Nobel văn học William Butler Yeats viết một số những bài thơ lớn nhất của ông: cổ thành Troy nổi tiếng từ sử thi Iliad của Homer một lần nữa sẽ cháy, và vị anh hùng trong huyền thoại Jason sẽ đáp chiếc tàu Argo của chàng một lần nữa, để đi kiếm tìm bộ lông cừu vàng:

Và rồi tất cả những nàng Nghệ thuật lại hát ca

Về Đại niên ở bến xuân

Như thể cái chết của Thượng đế chỉ là một trò tuồng.

Thành Troy khác phải mọc lên và lặn đi.

Một dòng giống khác làm mồi cho quạ,

Chiếc mũi sơn son của con thuyền Argo khác

Lại phăng phăng lướt tới một món hào nhoáng hơn.

Xoay vòng và huyền thoại

Quan niệm về thời gian xoay vòng theo chu kì tuy thế, vượt xa ngoài Hi Lạp cổ đại. Nó rất thông thường trong những nền văn minh ở Nam Mĩ và Trung Mĩ trước Christopher Columbus, nơi nó xuất hiện trong những văn hóa Maya và Aztec da đỏ bản địa. Người Aztec sử dụng một bộ lịch chạm khắc trên một tảng đá tròn lớn gọi là Đá Mặt trời, ngày nay là một trong những món hấp dẫn thuộc Viện Bảo tàng Nhân loại học ở Thành phố Mexicô.

Sự miêu tả huyền thoại và xoay vòng về thời gian này đã thi triển một ảnh hưởng lớn trên một số khá lớn những nhà văn kiệt xuất nhất của châu Mĩ Latinh trong thế kỉ của chúng ta. Nó có thể được nhận ra rõ nét trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Colombia giải Nobel văn học Gabriel Garcia Marquez, Trăm năm cô đơn (1967). Vào đoạn kết của truyện, chàng Aureliano trẻ hơn (là hậu duệ cuối cùng của một vọng tộc cố cựu) ý thức được rằng tấm da thuộc huyền bí mà chàng đang gắng sức giải mã thực ra là câu chuyện về chính mình, về gia tộc mình, và về quê hương Macondo của mình: một bản văn gợi nhớ rất nhiều về cuốn tiểu thuyết mà người đọc sắp gấp lại. Vậy là Garcia Marquez cạp bịn thời gian như thể một dạng hồi văn, như một tiểu thuyết mà hồi kết cục ẩn giấu mầm mống của lúc khởi đầu, hệt như con rắn của huyền thoại Da đỏ ngậm cắn lấy đuôi của nó.

Người được choàng vòng nguyệt quế Nobel văn học kế tiếp ở châu Mĩ Latinh – và là người sau chót cho đến nay – là nhà thơ Octavio Paz của Mexico, người đã tạo thanh danh quốc tế với tập thơ đặc sắc Piedra de sol (Đá Mặt trời) vào năm 1957. Chủ đề chính là thời gian. Paz cho chúng ta phiên bản tiêu cực của lịch sử con người, mơ hồ gợi nhớ tới Hesiod, bị mắc kẹt vào những chu kì bất tận của chiến tranh, tàn khốc, và bất công. Chính ngay cấu trúc của phiến Đá Mặt trời tái tạo cái phiên bản bi quan này về thời gian xoay vòng. Dòng cuối cùng của bài thơ tiếp tục với dòng đầu tiên của bài thơ: câu chuyện kể u ám sẽ phải lặp lại một lần nữa. Lối thoát duy nhất khỏi thời gian là do tình thương cung cấp, hoặc có lẽ do chính thơ. Cảnh tượng chính của bài thơ xảy ra trong việc thủ đô Madrid bị dội bom trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha năm 1937, khi đó một người con trai và một người con gái trút bỏ quần áo và làm tình để bảo vệ:

Phần chia của chúng ta về Vĩnh hằng,

Tỉ lệ của chúng ta về thời gian và thiên đàng,

Để chạm vào cội rễ của chúng ta và phục hồi,

Phục hồi di sản của chúng ta, đã bị đánh cắp

Bởi những tên trộm của cuộc sống bao thế kỉ trước đây…

Những dòng thơ nổi tiếng này biểu lộ một giấc mơ của Paz, siêu thoát thời gian, một giấc mơ bắt rễ sâu trong văn học phương Tây. Chắc chắn nó có mặt ở Nietzsche khi ông phát biểu rằng “mọi dục vọng vói đến vĩnh hằng.” Nó cũng là chủ đề trung tâm của nhà thơ T.S.Eliot người Hoa Kì nhập tịch Anh giải Nobel văn học 1948, người trong tập thơ sớm của ông là Gerontion (Già nua), viết ngay sau Thế chiến 1, trình ra cũng một phiên bản tiêu cực như thế về thời gian của con người như chúng ta đã thấy ở Paz: “Hãy nghĩ bây giờ/ Lịch sử có nhiều thông lộ tinh ma, những hành lang bài bố/ Và những đề xuất, lừa bằng những tham vọng thầm thì,/ Hướng chúng ta bằng những phù hoa.”) Sau này trong tập thơ Four Quarstets (Bốn khúc tứ tấu), cả Eliot nữa cũng quan niệm về một thời hiện tại phi thời, mang tính nghịch lí, “điểm tĩnh lặng của thế giới xoay vòng (“the still point of the turning world.”). Trong trường hợp của ông, khoảnh khắc vĩnh hằng này thì hiển nhiên hơn liên quan tới truyền thống lớn về huyền học của Kitô giáo.

Tiến trình không thể đảo ngược

Tuy nhiên, suốt thời trung cổ và hiện đại của lịch sử phương Tây, thời gian nói chung đã được trình ra không phải như một vòng tròn mà như một đường thẳng, hoặc chính xác hơn, như một tiến trình không thể đảo ngược, với một khởi đầu duy nhất và một kết liễu duy nhất. Có lẽ là thánh Augustinô, hơn bất kì ai khác, chịu trách nhiệm về quan niệm về thời gian có ảnh hưởng to tát này. Nó bắt nguồn từ truyền thống cổ của Do Thái, và những nhà triết học Kitô giáo thời sơ kì đã áp dụng nó cho tông giáo mới của họ: Thượng đế đã sáng tạo thế giới ra từ hư không, một lần và cho mãi mãi; lịch sử đã lên đến đỉnh điểm trong sự Nhập thể của Jêsu-Kitô, và sẽ hoàn toàn mau chóng đạt tới sự kết liễu nghiêm khốc với sự Phán xét Cuối cùng.

Trong tác phẩm chủ chốt của mình, Thành thị của Thượng đế, thánh Augustinô biện luận mạnh mẽ bênh vực cho quan niệm tuyến tính này về thời gian, kết án quan niệm thời gian chu kì của Hi Lạp cổ đại như một sự mê tín. Ý tưởng về thời gian của Kitô giáo như một tiến trình không thể đảo ngược từ Sáng tạo tới Phán xét đã có thể thích ứng một cách lạ kì với nhiều thời kì trí tuệ và nghệ thuật của lịch sử châu Âu. Trong phiên bản chính thức của nó, nó đã gợi hứng cho một số tác phẩm văn học phương Tây trước thời hiện đại, chẳng hạn như tác phẩm sử thi Kitô giáo của nhà thơ Dante là Thần khúc (Divina Comedia) và của nhà thơ người Anh kế tục ông trong thế kỉ 17 là John Milton với tác phẩm Thiên đường đã mất (Paradise Lost).

Tuy nhiên, cũng chính ý tưởng đó có thể được cập nhật bởi các nhà triết học thời Khai sáng, là những người đã sáng tạo ra phiên bản hiện đại, thế tục hóa của chúng ta về thời gian. Từ nay trở đi, thời gian được quan niệm chung như là một tiến trình bất tận, không có khởi đầu và không có kết liễu, một dòng chảy trung tính về các sự kiện, trên mặt lí thuyết được tháo gỡ ra khỏi những mối tương quan cũ của nó với những hành tinh và những mùa trong năm, có thể cắt ra thành một con số vô tận những phân đoạn về thời gian. Ý tưởng khoa học này về thời gian tùy thuộc vào sự đột phá của việc sáng chế ra những đồng hồ cơ học trong suốt giai đoạn sơ kì hiện đại. Còn quan trọng hơn nữa: các nhà văn, nhà triết học, và nhà khoa học từ lâu đã có thể hòa giải nó với một ý tưởng hiện đại lớn khác, đó là ý tưởng về tiến bộ.

Những hệ thống triết học của các nhà duy tâm nước Đức thế kỉ 19 chẳng hạn như Hegel, và luận đề của Charles Darwin về sự phát triển của đời sống từ những cơ thể đơn giản đến bộ óc của con người theo luật về sự sống còn của những loài thích ứng nhất, và cả chủ nghĩa tư bản hiện đại và suy tư cách mạng của phái Tả về chính trị – tất cả đều tiền giả định cái ý tưởng về thời gian như là tiến bộ, trong trường kì (và mặc dù thỉnh thoảng có những lúc quật ngược) buộc phải dẫn tới một tương lai tươi sáng hơn.

Tuy vậy, nhiều trong số những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỉ 20 đã đánh mất niềm tin của họ vào lối thông giải lạc quan này về thời gian. Ít ai đã bộc lộ những nghi ngờ và sự khắc khoải của họ về lịch sử con người một cách mạnh mẽ hơn nhà văn William Faulkner của bắc Mĩ giải Nobel văn học năm 1949. Cuốn tiểu thuyết lớn của ông là Âm thanh và cuồng nộ (The Sound and the Fury, xuất bản năm 1929, mô tả sự suy tàn và tan rã của một gia đình đã từng thịnh vượng ở miền nam Hoa Kì. Người con trai cả (Quentin) tự sát, người em trai bị chậm lụt về tâm trí, và cô em gái rất được thương yêu của họ bị đẩy vào vòng lang chạ. Trong suốt cái ngay cuối cùng của đời mình, Quentin, một sinh viên Đại học Harvard nhớ lại lời của cha; ông đã từng nói rằng “các đồng hồ hạ sát thời gian. Ông nói rằng thời gian bị chết chừng nào nó còn bị các bánh xe nhỏ tích tắc; chỉ khi nào đồng hồ ngưng thì thời gian mới bừng sống.” Vậy nên Quentin gắng sức tránh thoát sự “diễn tiến máy móc” này suốt ngày và anh đập chiếc đồng hồ đeo tay – thừa hưởng từ người cha, chắc hẳn là thế – tan thành nhiều mảnh, nhưng những cố gắng của anh đều là vô ích. Mọi sự trong cái ngày nắng đẹp ấy, ngày 2 tháng 6 năm 1910, đều nhắc anh nhớ về thời gian: dòng nước sông cuồn cuộn chảy, chuông nhà thờ đổ từng hồi, tiếng còi từ một xưởng máy. Quentin ý thức rằng còn có “một cái đồng hồ, tít cao nơi mặt trời”, tàn khốc tích tắc theo lối của nó cho đến lúc nhá nhem và (như người đọc đã đoán được) cho tới cái chết.
Đã đến lúc tổng kết. Một mặt, văn học hiện đại tìm kiếm sự canh tân thường xuyên và chịu phó mình cho những thử nghiệm liên tục. Có thể nói là sự thay đổi là hơi thở của cuộc sống. Mặt khác, văn học hiện đại phê phán và lánh xa cái lí tưởng hiện đại về “sự diễn tiến máy móc” cũng kiên trì như nhân vật Quentin của Faulkner. Đó có lẽ là một trong những nghịch lí chủ chốt và mê luyến nhất của văn học hiện đại, và nó được phản chiếu tuyệt vời trong tấm gương của thơ và văn xuôi của một số những người có giải Nobel văn học lẫy lừng nhất.

(dịch từ “Nobel Prize Authors on Time”. Nobelprize.org.6.10.2011)

(SH274/12-11)

Nguồn: Tạp chí sông Hương.

Exit mobile version